Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Cuốn sách thú vị của một người thú vị hay là người thú vị của cuốn sách thú vị

Cuốn sách thú vị của một người thú vị hay
là người thú vị của cuốn sách thú vị

1. Với tôi và không ít người, GS. TSKH. Trần Văn Nhung là một người thú vị. Vì ở Anh kết hợp một cách thú vị hàng loạt những mặt tưởng như đối lập nhưng thống nhất hài hòa: chân quê – uyên bác; giản dị – lịch lãm; cổ điển – hiện đại; con người khoa học, con người quản lý – con người nghệ sĩ; cần cù, chu đáo – ham vui; khó tính – cả nể; v.v… Tùy nơi, tùy lúc mà con người này hay con người khác của Anh xuất hiện, khiến bối cảnh và những người mà anh đối thoại, tiếp xúc phải nể phục vì thú vị và thú vị vì nể phục. Anh thích triết lý của P. Terentius (195/185–159 TCN): “Tôi là một con người nên không có gì liên quan đến con người lại xa lạ với tôi” (“I am a man, I consider nothing that is human alien to me”).
GS. TSKH. Trần Văn Nhung – Ảnh: Nhật Nam
Cuốn sách này do chính GS. TSKH. Trần Văn Nhung viết, kết hợp nhiều dạng: hồi ký, hồi ức, chân dung các nhà quản lý, nhà khoa học, bài phát biểu tại các diễn đàn chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp hay khoa học trong nước và quốc tế, những bức thư tâm huyết gửi Bộ Chính trị và UNESCO, những mẩu chuyện nhỏ chứa đựng bài học lớn về cuộc đời và nhân cách, những bức ảnh kỷ niệm, sưu tầm về gia phả, địa danh quê hương, cho đến những danh ngôn dạy làm người, danh ngôn tiêu biểu về giáo dục, về toán học, v.v… Mục đích cuốn sách là: “Gom những mẩu chuyện và kỷ niệm trong cuộc đời mình lại, tập hợp những bài đã nói và viết của mình trong vòng gần 30 năm qua, ở nơi này nơi kia, vào lúc này hay lúc khác, để vợ con mình, bà con họ hàng, quê hương, xóm ngõ, bạn bè đồng nghiệp thân thiết, những người cùng cộng tác với mình và những ai quan tâm, hiểu mình, hiểu những điều mình đã nói, đã viết và đã làm, một cách có hệ thống hơn, để họ thấy cả cái hay, cái dở của mình, theo chiều dài năm tháng và sự trải rộng của không gian”.
Những danh ngôn được dẫn trong Lời nói đầu, dường như là lời tác giả dặn mình và thưa cùng bạn đọc. Rằng, “Con người cần hai năm để học nói và cần sáu mươi năm để học được cách giữ gìn lời ăn tiếng nói” (L. Phayvanghe). Rằng, “Ký ức dễ lừa gạt vì nó khoác màu những sự kiện của hôm nay” (A. Einstein), “Trí nhớ của trái tim xóa đi những điều xấu và phóng đại những điều tốt đẹp” (G. G. Marquez). May mắn có nhiều thời gian được làm việc, hầu chuyện, hầu rượu GS. Trần Văn Nhung, nhiều người trong chúng tôi biết: hồi ức  nào, bài phát biểu nào, bức thư nào, sưu tầm nào… trong cuốn sách này cũng chứa đựng rất nhiều câu chuyện, tâm tư đã được anh kể nhiều lần rồi đưa vào sách và từ trong sách lại bước ra trò chuyện, gặp gỡ, đối thoại với đồng nghiệp, bạn bè, học trò. Cũng có thể xem cuốn sách này, dù được thể hiện bằng nhiều dạng thể loại như vậy, là hồi ký của tác giả với nhiều mảnh đời, cuộc đời, nhiều cách để kể, ghi chép lại. Sẽ bắt gặp ở đây không chỉ cuộc đời một con người từ cậu bé nhà quê nghèo khổ, thậm chí rất nghèo khổ, cơ cực, tưởng thất học, đã trở thành nhà giáo ở những trường đại học danh giá và nhà khoa học, nhà quản lý được cả nước, và không chỉ cả nước, ”biết mặt biết tên”, mà cả một chặng đường đáng nhớ, tự hào của lịch sử Giáo dục Việt Nam, lịch sử Toán học Việt Nam.
Những kỷ niệm cuộc đời của GS. Trần Văn Nhung có khá nhiều sự kiện. Có những mất mát khủng khiếp, đau đớn nhất của đời người, của đứa trẻ mẹ mất sớm, bật lên thành nức nở, đọng trong những giọt nước mắt, hơn nửa thế kỷ rồi, bây giờ vẫn chảy. Có những tháng ngày bất hạnh, đói khát, bị bố đánh liên tục vì hư; nhiều đêm đi đặt lờ bắt cua rạm phải ngủ trên cái cống cao giữa cánh đồng, không chăn, không chiếu, chẳng đệm, chẳng gối. Có hơi ấm giản dị, thiêng liêng của tình cảm gia đình, chẳng ai và chẳng gì thay thế, đắp đổi được. Có nghẹn ngào và tiếng cười nghịch ngợm, tự hào của tuổi học trò từ trường quê, vùng biển Hải Hậu (Nam Định) bước vào và bước ra cổng tỉnh, học và trưởng thành, với sức bật mới từ lớp A0 chuyên Toán đầu tiên của nhà nước đặt tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giữa thời bom đạn. Rồi những kỷ niệm về Hungary, đất nước nhỏ, ”bé hạt tiêu” nhưng lớn về khoa học, nhất là về toán. Kỷ niệm khi được phong thẳng là Giáo sư (1992), không qua Phó Giáo sư. Kỷ niệm một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội ( 1906-2006), một trường đại học danh giá của cả nước. Kỷ niệm bình thơ của/với đồng nghiệp, anh em. Và từ những kỷ niệm ấy cũng như những lúc rảnh rỗi uống rượu, bình thơ, bình về người đẹp, cái đẹp, con người nghệ sĩ hay chuyện, thích nói chuyện, nói chuyện rất có duyên, duyên vì thông minh, thông minh vì có duyên, lại hiện lên rất rõ. Có cả chuyện “Nổi tiếng bất đắc dĩ xung quanh bằng Tiến sĩ”. Rồi việc cố gắng lý giải địa danh quê hương, cái địa danh không biết từ khi nào dân gian lại có câu “Đi chợ Lạc Quần, bán lạc mua quần, khi về quần lạc”.
“Có (đến hai) quê mà chẳng có nhà” là tình cảnh thực của Anh tại cả hai nơi: Hải Châu, Hải Hậu, Nam Định và Quang Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình. Mỗi lần về quê, trước mảnh đất có bóng cha, dáng mẹ, người nhà đã cho hoặc bán đi từ đầu những năm 1950 và cuối những năm 1980, anh như người mất hồn. Cuộc đời và những trang Facebook của anh luôn có bóng dáng thân và phận người lam lũ, nghèo khó, giàu nghị lực vượt lên trên hoàn cảnh. Kỷ niệm cuộc đời anh cũng gắn liền với đặc sắc của ẩm thực Việt Nam và những cảnh đẹp thiên nhiên gần gũi mà có khi ít người để ý, chẳng hạn, đêm Hồ Tây, nhìn ở góc nào đẹp nhất, mộng mơ nhất, và quan trọng hơn, để thấy “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây, Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…” (Nguyễn Đình Thi)… Hay cổng Parabol của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, do một kiến trúc sư người Nga thiết kế, mô phỏng ngọn sóng Hồ Gươm, mang biểu tượng ngọn sóng, nghị lực, khát vọng đang vươn cao của tuổi trẻ, khoa học, công nghệ, trí thức  nhà trường.
Từ những kỷ niệm cuộc đời của GS. Trần Văn Nhung, có thể thấy khá rõ chân dung đích thực một thế hệ trí thức Việt Nam. Họ đã lớn lên trong nghèo khó, rất nghèo khó. Họ rất tự hào về cái “gen” mà gia đình, dòng họ, quê hương đã trao truyền cho mình, kể cả cái “gen” sức khỏe, đa cảm, đa tình. Họ có lý tưởng khoa học và nghị lực vươn lên đáng nể phục. Cái “phông” văn hóa của họ rộng và sâu, chủ yếu do tự học và trải nghiệm cuộc đời. Họ luôn có hai chân, hai công cụ, hai phương tiện vững chắc, nhanh và mạnh để tiếp cận với văn minh, văn hóa, khoa học nhân loại: ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và công nghệ thông tin. Tôi thích những câu danh ngôn dạy làm người do GS. Trần Văn Nhung sưu tầm, chọn lọc, đặt ở cuối Phần I. Những kỷ niệm cuộc đời trong cuốn sách của anh. Đó là những danh ngôn của Khổng Tử, A. Lincoln, B. Napoleon, Hồ Chí Minh, triết lý sống của A. Einstein, những câu nói có thể góp phần thay đổi cuộc đời bạn, những danh ngôn hay nhất về phụ nữ, một số câu nói gây sốc của Tổng thống Nga V. Putin, những lời khuyên của Bill Gates, v.v… Như thể những điều đã giúp anh thành đạt. Những điều Anh tâm đắc và muốn chia sẻ với nhiều người. Những điều Anh muốn, đã có và chưa có…
GS. Trần Văn Nhung là người có tư tưởng rõ ràng, nhất quán về giáo dục. Anh rất thích  câu nói của Nelson Mandela (Giải Nobel Hòa bình, năm 1993): “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Những tư tưởng về giáo dục được anh trình bày giản dị nhưng sâu sắc. Với anh, “Hội nhập quốc tế là giải pháp quan trọng nhất để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” và đã không ít lần Anh nói rõ tư tưởng đó của mình trên các diễn đàn khoa học, giáo dục. Trong thời đại ngày nay, đầu ra của giáo dục phải là nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng và hiệu quả cạnh tranh toàn cầu và hội nhập quốc tế, do đó cần phải lấy những kinh nghiệm, chuẩn mực và giá trị quốc tế tiên tiến làm cơ sở và đích đến cho nền giáo dục của chúng ta. Ngẫm ra, Anh có lý, cả cơ sở khoa học lẫn thực tiễn sống động.
Giáo dục Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh “Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ” (Hoài Thanh), từ chỗ bị, tiến tới chủ động tiếp nhận ảnh hưởng của giáo dục Pháp, đi vào quỹ đạo của giáo dục thế giới, đã tạo nên tầng lớp trí thức tinh hoa, tích cực góp phần vào cuộc kháng chiến chống Pháp và xây dựng đất nước. Những năm từ 1960 đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, giáo dục Việt Nam tiếp nhận ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết, trở thành “bông hoa của chế độ”, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước. Bối cảnh Việt Nam và thế giới bây giờ đã khác, rất khác, càng đòi hỏi nền giáo dục nước nhà hội nhập quốc tế nhanh, mạnh và toàn diện hơn. Hội nhập quốc tế từ triết lý, mục tiêu giáo dục cho đến phương pháp, giáo trình, sách giáo khoa.
Anh tâm đắc triết lý, mục tiêu giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người dân tộc nhất và cũng quốc tế nhất, đã nêu từ năm 1949: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Tư tưởng đó của Bác, theo anh, có ý nghĩa đi trước thời đại, đi trước đề xuất của UNESCO vào năm 1996 về bốn trụ cột giáo dục toàn thế giới trong thế kỷ XXI: “Học để có kiến thức, học để làm việc, học để chung sống với nhau và học để làm người” (learning to know, learning to work, learning to live together and learning to be). Trong sách, anh đã trích dẫn bức thư anh gửi Tổng Giám đốc UNESCO, bà I. Bokova, và thư trả lời của Bà về việc này và sự thừa nhận, cám ơn của UNESCO.
Cũng từ tư tưởng về hội nhập quốc tế, GS. Trần Văn Nhung có thư gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư về việc cần có quốc sách đối với tiếng Anh, một ngôn ngữ ngày càng phổ dụng trên thế giới, nhưng ở nước ta, khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam đang là rào cản không nhỏ tốc độ phát triển của đất nước. Nếu Bộ Chính trị sớm ban hành được một chỉ thị tương tự như Chỉ thị 58 (chỉ thị về phát triển công nghệ thông tin) nhưng về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, nếu toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc thì việc học, dạy và sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam sẽ có những bước tiến ngoạn mục, góp phần phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Các bài viết của GS. Trần Văn Nhung về giáo dục luôn ẩn chứa tư tưởng. Anh nhìn giáo dục bằng cái nhìn dài hạn, bằng các hệ giá trị; bài học kinh nghiệm thành công hoặc chưa thành công của các quốc gia; các mối quan hệ trong hình chóp tam giác giáo dục; ý nghĩa vô cùng to lớn của tự học, học suốt đời; góc nhìn mới về vai trò của người thầy khi chuyển từ Teacher (người dạy) sang Tutor (người hướng dẫn); tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam; gửi giảng viên đại học ra nước ngoài đào tạo; bồi dưỡng học sinh giỏi, triết lý đầu tư tối ưu (chứ không phải tối đa) cho giáo dục… Ba con người – nhà quản lý nhà khoa học, người thầy – đồng hành cùng xuất hiện trong mỗi bài viết của anh. (anh là GS Toán học, nguyên Trưởng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và hiện nay là Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước).
Con người thứ tư, con người của vị thế, thể diện quốc gia, của Anh xuất hiện đúng lúc khi anh chối từ và chất vấn, khuyên nhủ người bạn láng giềng về quà tặng là tấm bản đồ có đường lưỡi bò trên biển Đông, hay câu hỏi của anh với giảng viên Trường Đảng Trung Quốc về luận thuyết phát triển bền vững và xã hội hài hòa của Hồ Cẩm Đào. Con người ấy cũng xuất hiện đúng lúc khi đấu tranh để kéo cờ Việt Nam trên đất Mỹ khi dẫn đầu Đoàn sinh viên Việt Nam dự Đại hội thể thao đại học thế giới năm 1993 hoặc khi yêu cầu chuyên gia quốc tế đến làm việc vẫn cần phải có giấy giới thiệu, v.v.. Anh rất thích danh ngôn của L. Pasteur “Khoa học không có tổ quốc nhưng nhà khoa học phải có một tổ quốc”. Tôi được biết, các nhà quản lý, nhà khoa học quốc tế luôn thể hiện sự trọng thị mỗi lần tiếp xúc, làm việc với Anh.
Còn con người thứ năm của anh – nghệ sĩ – thì xuất hiện sau, lúc anh nói chuyện hay uống rượu. Con người nghệ sĩ làm duyên dáng, hóm hỉnh những con người kia. Và những con người kia làm sâu sắc thêm con người nghệ sĩ. Những con người ấy hài hòa thống nhất đã giúp Anh có cách viết thú vị về chân dung những nhà quản lý, nhà khoa học, người thấy nổi tiếng của đất nước như Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Phan Huy Lê hoặc để cùng bình văn, bình thơ với bạn bè và đồng nghiệp. Chẳng hạn, đoạn Anh viết về một trong những cái thú của mình: “Chúng tôi thường đọc để cùng nghe, cùng bình những câu thơ, những ca từ hay, để trầm trồ, để ngẫm và nghĩ, để hành động và, nhiều khi, để khóc. Trong bài thơ “Thú nhàn” của Nhà thơ Cao Bá Quát (1808-1855) có câu: “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng”… Tôi đã mạo muội diễn giải nôm na, chẳng hạn, một ý của câu thơ trong thời hiện đại như sau: Một con người thông minh giàu bản ngã có thể khai thác nhiều vô tận kho tàng trí tuệ của nhân loại, nhất là trong thời đại IT/ICT ngày nay. Nguồn thông tin, dữ liệu, trí tuệ chung của cả loài người nằm trong kho chung của cả thế giới. Ai khôn ngoan biết sử dụng Google, internet thì người đó “giàu có” vô hạn. Vì “thông tin là quyền lực” (information is power).
Rồi những lời ca Quan Họ, thương và nhớ đứt ruột, cả đau nữa, đến đứt lòng: “Chiều hôm mây kéo tối sầm, Một mình em chịu hàng trăm cơn sầu”, “Còn duyên kẻ đón người đưa, Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”.  Rồi những bài về mẹ chảy nước mắt: “Mẹ ơi con đã già rồi, Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con… Mẹ ơi thế giới mênh mông, Mênh mông không bằng nhà mình, Dù cho phú quý vinh quang, Vinh quang không bằng có mẹ” (lời bài hát “Mẹ tôi” của Trần Tiến). Rồi ca từ  giản dị như không có thơ nhưng đẫm thơ, quỷ thần mang tới cho Trịnh Công Sơn: “Em hãy ngủ đi, Ngoài phố kia loài người đã về”, Lê Minh Sơn: “Những con kiến chân đất bò trên đất, Những con cò chân không đạp khoảng không”; Hay câu thơ của Trần Dần: “Những chân trời không có người bay… Những người bay không có chân trời”.
Hiếm có người nào hiểu và nặng lòng với lịch sử Toán học Việt Nam như GS. Trần Văn Nhung. Bản thân Anh là GS Toán học, là người liên tài luôn trân trọng tài năng, cá tính độc đáo của đồng nghiệp. Anh chủ trì xây dựng Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020, đóng góp lớn vào việc thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Viện/VIASM). Chương trình và VIASM được ra đời từ thành tích xuất sắc của Đoàn học sinh Việt Nam tại Kì thi Toán quốc tế (IMO 2007), từ việc hoàn thành xuất sắc việc đăng cai tổ chức IMO 2007 lần đầu tiên tại Việt Nam, từ sự ủng hộ của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, từ triển khai cụ thể của GS Ngô Bảo Châu, GS Trần Văn Nhung, GS Lê Tuấn Hoa, GS Nguyễn Hữu Dư, TS Nguyễn Thị Lê Hương và các nhà Toán học Việt Nam và quốc tế.
Dù có cống hiến, đóng góp quan trọng nhưng GS Trần Văn Nhung không đòi hỏi, yêu cầu quyền lợi gì từ Chương trình và Viện. Ngược lại, tôi thấy Anh rất vui, hạnh phúc khi chứng kiến những thành tích xuất sắc của Toán học Việt Nam và VIASM, số công bố quốc tế của Toán học Việt Nam tăng lên 2,5 lần trong 5 năm qua, các nhà toán học trẻ có công bố quốc tế xuất sắc được tặng thưởng, học sinh giỏi toán ở khắp miền đất nước được cấp học bổng, đông đảo các nhà toán học trong, ngoài nước và quốc tế gặp nhau, cùng làm việc tại VIASM, trong đó có cả những nhà khoa học hàng đầu thế giới, những người được Giải thưởng Nobel, Fields, …
Anh cũng là nguời được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi vô địch Toán quốc tế (IMO 2007) lần đầu tiên tại Việt Nam và báo cáo tổng kết hơn 40 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế, niềm tự hào và những bài học.
Hiểu và nặng lòng với Toán học như thế, nên Phần III của cuốn sách – Những kỷ niệm về Toán học của Anh – cũng là những trang viết thú vị, hấp dẫn, kể cả đối với những người không thuộc chuyên môn, thậm chí sợ môn Toán hồi đi học.
Anh kể về 9 GS Toán học đầu tiên ở nước ta, những người đã làm rạng danh cho Toán học và khoa hoc Việt Nam: Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Đặng Đình Áng, Phan Đình Diệu, Hoàng Xuân Sính, Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Ngọc Trân. Anh không quên nhắc những người thầy và đồng nghiệp tại tổ ấm, nơi giúp Anh trưởng thành trong sự nghiệp khoa học: Khoa Toán – Cơ – Tin, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Anh viết chân dung một số nhà toán học nổi tiếng; mỗi người Anh “điểm nhãn” thần thái ở những đóng góp nổi trội và cá tính độc đáo nhất. Đó là GS. Hoàng Tụy, nhà khoa học tài năng, nhà sư phạm mẫu mực, “cha đẻ” của Lý thuyết Tối ưu toàn cục (Global Optimization), trong đó có khái niệm quan trọng “Tuy’s Cut” (Lát cắt Tụy) mang tên Ông”, cũng là người say mê và luôn tư duy theo hệ thống cả trong Toán học lẫn các vấn đề khác của khoa học, giáo dục, kinh tế và chính trị.
Là GS Phan Đình Diệu, người chỉ nói điều mình nghĩ, tác giả của cuốn chuyên khảo “Giải tích hàm Kiến thiết” được xuất bản tại Nga và dịch sang tiếng Anh, cũng là người có công đầu tiên đưa khoa học máy tính, tin học vào Việt Nam. Là nhà Toán học “vô hạn chiều”, đa tài Phan Đức Chính, tác giả cuốn “Độ đo, tích phân và đạo hàm trong không gian tuyến tính” được xuất bản tại Nga và sau đó được dịch ra tiếng Anh, tiếng Tiệp, người thầy của lớp lớp thế hệ học sinh giỏi Toán đã mang về rất nhiều Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế cho đất nước.
Là PGS Văn Như Cương, “Một người mà nói chuyện, ai cũng thấy rất thú vị và ấn tượng, vì Ông có trí tuệ uyên bác về nhiều lĩnh vực, luôn có ý tưởng, ngôn từ, phản xạ, cách nói độc đáo, độc đáo đến ngạc nhiên, và bất ngờ, bất ngờ đến thú vị”. PGS Văn Như Cương cũng là một trong ba nhà toán học Việt Nam có đề thi khó và hay, được Chủ tịch Olympic Toán quốc tế (IMO) chọn làm đề thi cho học sinh giỏi Toán toàn thế giới.
Là GS Hoàng Hữu Như – nhà Toán học luôn kiên định một cách hồn nhiên và hồn nhiên một cách kiên định; GS Nguyễn Duy Tiến – “Nhà toán học tích cực dạy, tích cực viết và viết hay với phong cách rất riêng”. Tất nhiên, tác giả cuốn sách đã dành sự trân trọng, ưu ái đặc biệt đối với GS trẻ Ngô Bảo Châu, học sinh Việt Nam đầu tiên giành hai Huy chương Vàng Olympic Toán Quốc tế vào năm 1988 và 1989; và năm 2010 được nhận giải thưởng Fields, sau đó được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.
GS Trần Văn Nhung đặc biệt say mê với Bài toán Fermat, bài toán nổi tiếng nhất trong lịch sử Toán học, nhân vật chính, “con gà đẻ trứng vàng của Toán học hiện đại”, hơn ba thế kỷ mới có người giải được. Anh và đồng nghiệp đã dịch Bài toán Ferma, cuốn sách “vừa toán, vừa tiểu thuyết” (Hà Huy Khoái) của Nhà xuất bản “Bốn bức tường Tám cửa sổ” sang tiếng Việt; cuốn sách đã được tái bản sáu lần và được độc giả chào đón nồng nhiệt. Anh cũng nâng niu, trân trọng báo Toán học và Tuổi trẻ, tờ báo đã có hành trình hơn nửa thế kỷ và Tạp chí π, tạp chí mang tên con số kỳ diệu nhất của Toán, mới ra đời.
Đọc 21 danh ngôn tiêu biểu về Toán học do GS Trần Văn Nhung sưu tầm, tôi lý giải được thêm lý do Anh mê toán học và lý do các nhà Toán học thường có cá tính độc đáo. Chẳng hạn, những danh ngôn tuyệt vời này: “Mọi phát kiến của nhân loại đều có bàn tay hướng dẫn của Toán học, bởi vì chúng ta không thể có một người chỉ đường nào khác” (Charles Darwin); “Toán học thuần túy, theo cách của riêng nó, là thi ca của tư duy logic” (Albert Einsten), “Nếu tôi cảm thấy không hạnh phúc, tôi làm toán để cảm thấy hạnh phúc. Nếu tôi cảm thấy hạnh phúc, tôi làm toán để luôn được hạnh phúc hơn” (Turán Pál) và “Những nhà toán học chúng tôi tất cả đều hơi điên rồ” (Lev Landau). Tôi nghiệm thấy, hình như, tất cả những nhà Toán học thực sự đều là những người có tư tưởng học thuật rõ ràng. Họ là những người có góc cạnh, không bao giờ nhàn nhạt. Những phát biểu của họ thường có nhiều bất ngờ từ những logic bất ngờ. Tất nhiên, nhiều lúc, họ cũng cực đoan lắm. Và nhiều nhà Toán học làm thơ, viết văn rất hay. Từ học Toán hoặc dạy Toán, đã có nhiều người thành danh, là nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng, như Vương Trọng, Phó Đức Phương, Dương Thụ, Nguyễn Trọng Tạo, Đặng Hấn,… Có lần, tôi nói đùa với GS Trần Văn Nhung và một số nhà Toán học: các văn nghệ sĩ thường mang tiếng lập dị, đa tình; nhưng hình như, cái phần lập dị thì đúng là của văn nghệ sĩ, còn cái phần đa tình, đúng nhất phải là các nhà Toán học. Nhiều nhà Toán học, tôi biết, rất thích bài thơ này của Lò Ngân Sủn: “Người đẹp trông như tuyết/ Chạm vào lại thấy nóng/ Người đẹp trông như lửa/ Sờ vào lại thấy mát/ Người không khát, nhìn thấy người đẹp cũng khát/ Người không đói, nhìn thấy người đẹp cũng đói/ Người muốn chết, gặp người đẹp không muốn chết nữa/ Ơi, Người đẹp là ước mơ/ Treo trước mắt mọi người”. Chẳng biết đúng hay không, mấy nhà Toán học tủm tỉm trả lời tôi: “Chúng tớ có được cái gì đâu!”. Nói thế thôi, họ đa tình lắm. Nhiều ông đuôi mắt rất dài, thấy các em xinh đẹp, mắt “tia” nhanh hơn chớp (!).
Sẽ là thiếu, khi viết về GS Trần Văn Nhung và cuốn sách này, mà không trở lại nói thêm về những mặt tưởng như đối lập nhưng thống nhất hài hòa, thú vị của Anh.
Anh ăn vận rất giản dị, có khi tuyềnh toàng như khi ta ngồi uống bia hơi; nhưng khi có việc, khó có người “mode” như anh, từ comple, áo sơ mi, cổ áo sơ mi, cravat đến đôi giày, cách chọn nước hoa. Tôi đã thấy anh hướng dẫn tỉ mỉ nhiều người cách ăn vận, cách phối màu áo, quần, cách khi nào thì mở và khi nào thì cài cúc áo complet, khi nào nên đi giầy có dây…
“Gu” ẩm thực của anh cũng thế. Bữa ăn bình thường, thế nào cũng phải có cà pháo, mắm tôm, rau thơm và nhất định phải có hành sống. Hết ngày làm việc, bữa ăn thế nào cũng phải có rượu. Anh bảo, đấy là “gen” của ông bố. Cháu gái anh kể, ối giời, nhà cháu anh em chú bác, ai cũng mê rượu; ngay cả cháu hồi 14, 15 tuổi, mỗi lần bố sai đi mua rượu, thì từ chợ về nhà thế nào cháu cũng tu mấy ngụm. Trong bữa ăn, anh Nhung sợ nhất là làm vỡ chai rượu. Thường là rượu quê, đôi khi sang hơn thì rượu ngoại. Hiếm thấy người thử rượu giỏi như anh! Mỗi khi được thưởng thức món ăn  ngon, anh luôn ghi địa chỉ, để hôm sau, mua về cho vợ, con cùng chia sẻ. Câu tục ngữ “Cá chuối đắm đuối vì con” chả sai tí nào, khi nói về anh.
Anh chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ nhưng cũng lại ham vui, cái ham vui của văn hóa. Chu đáo, cẩn thận trong công việc và quan tâm đến đời sống của mọi người trong cơ quan, niềm vui, nỗi buồn của đồng nghiệp, bạn bè. Chi tiết, tỉ mỉ khi ngồi vào bàn viết. Chính cái chi tiết, tỉ mỉ ấy đã giúp anh có vốn kiến thức, vốn sống uyên bác nhưng vẫn đời thường. Cái chi tiết, tỉ mỉ có khi cũng làm Anh khó tính, người thân khó “chiều”. Những ngày làm việc, anh thường ở lại cơ quan đến 7, 8 giờ tối, để đọc, để viết, sưu tầm và bình luận những bức ảnh, thông tin độc đáo, thú vị trên facebook và sau đó, cái thú của anh vẫn là đi uống bia, uống rượu, chuyện trò về cuộc đời, về người đẹp, khoa học, văn hóa, thể thao với bạn bè. Trời cho anh có một sức khỏe tốt, để năm nay, 70 tuổi, vẫn làm việc khỏe, trí nhớ tốt, uống rượu tốt, ngủ tốt. “Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe”, chúng tôi vẫn nói vui về anh như thế!
Có lần Anh tâm sự: “Dần dần mình mới hiểu tại sao về cuối đời, những thiên tài như A. Einstein, S. Hawking… lại càng tin có Chúa và cố gắng tìm một lý thuyết thống nhất hay Thuyết Vạn vật (Theory of  Everything). Chính những quy luật, cấu trúc hoàn hảo trong tự nhiên và trong chính cơ thể người cũng như động vật mà khoa học phát hiện được càng củng cố thêm ở họ niềm tin nói trên. Đến nay, mình vẫn chưa có được niềm tin tâm linh thực sự, ít tin ở cúng bái. Nhưng luôn tâm niệm: hiếu nghĩa từ tâm, tu từ tâm, tương lai và tiền đồ một con người phụ thuộc vào tấm lòng, trí khôn, nghị lực lao động, phấn đấu. Có yếu tố may mắn, nhưng không phải do cầu, cúng mà có. Mình không biết cúng bái, chỉ biết thắp hương, cắm hoa và cúi đầu vái ba vái. Vụng về, nhưng chân thành. Vì thế có người nói vui: “Anh ít đi chùa chiền, cúng bái kém, không đi xem tướng số, Trời cho đến chức Thứ trưởng là may lắm rồi!” Mình cười vui, chấp nhận, tiếp thu nhưng chưa biết khắc phục thế nào”.
Sộp thành Nhà giáo, cuốn sách được tái bản lần thứ ba, có sửa chữa, bổ sung, đang trên tay bạn đọc. Cuốn sách của nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà ngoại giao và của con người đầy chất nghệ sĩ! Một con người luôn biết đứng trên vai những người tài năng, xuất sắc! Giản dị và uyên bác. Chân quê và sang trọng. Khoa học và tình tứ. Chu đáo, tỉ mỉ đến “đa mang” thú vị, thú vị vì “đa mang” về sự kiện, chi tiết và tình đời. Chẳng thể nào khác, bởi vì sách, cũng như người của sách, là như thế!.
20/7/2020
Bùi Mạnh Nhị
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...