Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

Nhà thơ Việt Nam từ chối giải Nobel Hòa bình

Nhà thơ Việt Nam từ
chối giải Nobel Hòa bình

Ông Lê Đức Thọ, một chính trị gia, một nhà thơ, là cố vấn phái đoàn đàm phán về hòa bình Việt Nam tại Paris, Pháp trong thời gian 5 năm (1968-1973). Sau khi cuộc hội nghị đã kết thúc, và văn bản về nền hòa bình của Việt Nam liên quan giữa các bên được ký kết (2/3/1973), ông Lê Đức Thọ cùng Tiến sĩ Henri Kissenger, cố vấn phái đoàn Mỹ, cùng được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1973. Nhưng nhà thơ, nhà chính trị Lê Đức Thọ đã từ chối, không nhận Giải thưởng Hòa bình cao quý mang tầm quốc tế này với lý do lúc đó Việt Nam chưa có hòa bình.
Nhà thơ, chính trị gia Lê Đức Thọ (1911-1990) tên thật Phan Đình Khải, người huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Xuất thân từ một gia đình có công với cách mạng, Lê Đức Thọ là em ruột của Bác sĩ Thú y Phan Đình Đỗ, Viện trưởng Viện khảo cứu Chăn nuôi (1957-1959) và là anh ruột của Thượng tướng Đinh Đức Thiện và Đại tướng Mai Chí Thọ – Đại tướng Công an Nhân dân đầu tiên của Việt Nam. Con trai của ông Lê Đức Thọ với vợ sau người Nam Bộ Nguyễn Thị Chiếu, là Lê Nam Thắng nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Lê Đức Thọ sớm tham gia hoạt động cách mạng, tổ chức bãi khóa, dự lễ truy điệu Phan Chu Trinh, lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh nên từng bị bắt giam hai lần, tổng cộng 11 năm ngồi tù. Khi được trả tự do, ông trở lại hoạt động, giữ vị trí quan trọng và sau đó vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1948, ông vào Nam giữ chức Phó Bí thư Xứ ủy Nam bộ cho tới Hiệp định Genève (1954). Tập kết ra Bắc (1955), Lê Đức Thọ được bầu và đắc cử vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, ông làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phụ trách nhân sự suốt một thời gian dài (1956-1982), đã trực tiếp phụ trách đoàn ngoại giao Việt Nam, đàm phán với Mỹ về Hiệp định Paris tại Pháp. Vốn là một người có tâm hồn thi sĩ, bất cứ lúc nào, Lê Đức Thọ cũng mang thơ bên mình trong suốt dọc đường chiến đấu và làm thơ để nói lên những suy nghĩ riêng tây và cảm xúc cách mạng dào dạt của mình.
Nghĩ kỹ ra, dù trong sự nghiệp văn chương vốn không phải là nghiệp vụ chính quy của mình, Lê Đức Thọ vẫn để lại cho công chúng yêu thơ những thi phẩm đặc thù mang dấu ấn của một hồn thơ phong phú với tình cảm cách mạng phong phú, trong cuộc đời một chính khách nặng tình sông núi, thắm nghĩa đồng bào. Tác phẩm của Lê Đức Thọ gồm có Trên những nẻo đường (1960); Đường ngàn dặm (1977); Nhật ký đường ra tiền tuyến (1978); Thơ tuyển Lê Đức Thọ (1983); Gửi anh bộ đội (1984); Điểm tựa (1984)…
Hành trình vào không gian thơ đặc biệt Lê Đức Thọ, người đọc không khó nhận ra mạch cảm xúc chứa chan của một hồn thơ đích thực về sự giác ngộ lý tưởng cách mạng, lòng yêu chiến sĩ, đồng bào, đức tính kính yêu lãnh tụ, phục tùng cấp chỉ huy… Thêm vào đó là ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù cũng như tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin sắt đá hy vọng tràn đầy vào một ngày mai tươi sáng của quê hương… tất cả đều nằm trong quỹ đạo rộng lớn của tình yêu đất nước.
Cũng như bao nhiêu nhà thơ yêu nước khác, Lê Đức Thọ từng bị giam cầm nơi nhà ngục kẻ thù ngoại chủng, phải cam chịu đựng bao nỗi khổ nhục, đớn đau: “Áo quần một bộ tả tơi/Châm cùm hai lỗ, chiếu trời nửa manh/ Muỗi rệp đốt năm canh không ngủ/ Nằm lại ngồi nhức mỏi khắp thân…// hoặc “Chốn xà lim một mình vò võ/ Nỗi buồn riêng biết ngỏ cùng ai…”(Xà lim oán). Nhưng vốn yêu thơ như Bác Hồ, Xuân Thủy… nhà thơ đã tựa vào thơ để sống, chiến đấu quyết thắng kẻ thù xâm lược với tinh thần gang thép của người chiến sĩ cách mạng, hy vọng xây dựng xã hội mới muôn người hết đói khổ và sống ấm no hạnh phúc: “Xiềng xích kia phải quyết phá tan/ Sao cho đời hết lầm than/ Dựng nên xã hội hoàn toàn tự do” (Xà lim oán).
Muốn đạt được mục đích, nhà thơ hoạt động với tinh thần lạc quan cách mạng trong sáng, thể hiện dạt dào cảm xúc tươi trong  ấm áp như không khí trời xuân trong nhiều bài thơ: Ý xuân, Rừng mai, Lòng xuân chiến sĩ, Rượu xuân, Tin xuân, Những mãnh lòng xuân… Trong những mùa xuân trước ngày cách mạng thành công, nhà thơ đã nhìn cảnh mất nước thê lương với nỗi buồn đau đáu: “Xóm làng đã vắng bóng cây nêu/ Pháo im tiếng pháo không giòn giã/ Những túp lều tranh ng khói chiều/… Của bao kiếp  sống đang quằn quại/ Giữa cảnh điêu tàn của máu xương” (Ý xuân). Nỗi khổ đau hun đúc ý chí chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù xâm lược: “Máu hận phun lên lửa bất bình/ Muốn đập cho tan xiềng xích cũ. Xuân về xóa hết vạn điêu linh” (Ý xuân). Mùa xuân hôm nay lóe ánh sáng lên từ lòng người, thổi ngọn lửa tin yêu hy vọng vào những mùa xuân cách mạng đang tới: “Một mùa xuân mới không xa nữa/ Nó đã đương về với thế gian/ Trăm cánh hoa lòng đều hớn hở/ Không còn tiếng khóc với lời than!”
Thơ Lê Đức Thọ như quyện theo từng bước đi, nhịp thở của muôn từng lớp nhân dân, đến tận cùng ngõ ngách thôn bản xóm làng trên đất nước. Chân dung bà mẹ kháng chiến tuổi cao nơi chiếc lều hẹp quán nước bên đường, được phác họa lại bằng những dòng thơ ấm áp nghĩa nước tình dân: “Đâu biết ngày nào mong gặp lại/ Miếng trầu bát nước tiễn đưa con/ Tuổi già vui với gian lều hẹp/ Một chút lòng thành gửi nước non” (Người mẹ). Đó là hình ảnh ngây thơ mới mười lăm tuổi, với đôi mắt long lanh vẻ căm hờn của em bé liên lạc Nguyễn Xuân Cang ở xã Cự Nẵm nhà thơ gặp khi đi công tác trên tuyến đường giao liên đường rừng gai góc gian nan của chiến khu U Bò-Ba Rền phía Tây Bố Trạch, Quảng Bình: “Nhìn em đôi mắt long lanh/ Căm hờn đã bén tuổi xanh những ngày/ Em ngồi gần nữa lại đây/  Cho bừng lửa hận cho say đôi lòng…” (Em bé liên lạc).
Chan hòa chất trí tuệ, cũng trữ tình và cảm động nhất là bài thơ “Điểm tựa” được nhà thơ Lê Đức Thọ sáng tác vào tháng giêng năm 1983 trong một lần đến thăm, tìm hiểu về đời sống tinh hình và vật chất của anh em bộ đội chốt Khau Chia nơi biên giới tỉnh Cao Bằng. Bằng tất cả sự nhạy cảm của một hồn thơ đích thực, đầy lòng nhân ái trước hoàn cảnh chiến sĩ ở những chốt tiền tiêu, Lê Đức Thọ đã gây ngay ấn tượng mạnh cho người đọc ở câu mở đầu bài thơ thật ấn tượng: Hàn thử biểu chỉ độ không. Thời tiết nghiệt ngã chết người nơi chốn biên thùy với cảnh sương khuya rét lạnh, gió ngàn buốt xương được báo trước chỉ ở một câu thơ ngắn mạnh, khô khốc và tàn nhẫn như một cơn lốc dữ vụt đến cuốn người: Cái rét biên thùy lạnh buốt sương khuya/ Gió vi vút rít qua khe cửa nhỏ.
Nhà thơ tả thực cái không gian gió núi sương ngàn để bày tỏ tất cả nỗi lòng sâu thẳm tự trái tim nhân ái của mình. Nhà thơ thao thức suốt canh dài vì thương bộ đội quần áo không lành, cái uống cái ăn còn thiếu thốn, thiếu nhiều thịt cá, rau tươi: “Làm thế nào để anh được ấm hơn đôi chút/ Bát cơm đầy thêm thịt cá rau tươi…/ Đời chiến sĩ còn nhiều khô cực/ Quần áo mỏng manh cơm có bữa chưa no”. Nhà thơ muốn nói thực lên nỗi lòng mình trước anh em bộ đội mà nhân dân đã đặt lên trọn niềm tin sắt đá, coi như một chỗ dựa vững chắc với sức mạnh vô biên. Chắc hẵn nhà thơ muốn ta nhớ đến câu nói của Archimède (212 trước TC): “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nâng cả trái đất này” để chỉ sức mạnh của chiến sĩ. Câu thơ trong bài là những lời thủ thỉ tự nhiên, không gọt mài tỉa gọt hay chú trọng đến sử dụng vần điệu tu từ bay bướm.
Cuộc đời làm cách mạng của nhà thơ là một cuộc hành trình gian khổ đó đây suốt cả ba miến đất nước. Hết đối mặt với kẻ thù ở biên thùy phương Bắc cùng chiến sĩ, nhà thơ cách mạng do nhu cầu công tác lại phải hiện diện ở phương Nam nơi tận cùng đất nước. Chưa đầy năm, giữa tháng 12/1983, nhà thơ Lê Đức Thọ đi thăm Minh Hải, vùng kháng chiến xưa ở Nam bộ. Đang làm việc ở miền Nam nắng ấm, tác giả không quên những chiến sĩ dũng cảm nhà thơ từng gặp cách đây chưa tròn năm nơi ải đầu tổ quốc. Bài thơ “Thăm anh” được nhà thơ Lê Đức Thọ sáng tác trong thời điểm cảm xúc triền miên vì nhớ thương bồi hồi, lo lắng không yên cho những chiến sĩ ngày nào: “Vừa mới ngày nào lên điểm tựa/ Đêm nay đã trọn một mùa xuân…/Nhưng khó khăn thăm anh lại một lần/ Mở đài nghe báo tin thời tiết/ Đợt gió mùa này rét rét thêm/ Tôi ở miền Nam tràn nắng ấm/ Ước gì nắng ấm cả vùng biên.
Nhớ lại, trong những ngày đầu tháng 4 năm 1975, nhìn cảnh mưa rơi giăng phủ mịt mùng rừng Lộc Ninh và nghe tiếng gọi trầm buồn của chim tu hú, dù lạc quan trước ngày toàn thắng của cách mạng, Lê Đức Thọ trằn trọc không ngủ được. Nhà thơ thao thức cảm giác như nằm đếm tiếng mưa rơi vì lo lắng cho bao nỗi gian nan của chiến sĩ trong chiến dịch Hồ Chí Minh: “Nghe chim tu hú gọi/ Rừng Lộc Ninh sáng rồi/ Suốt đêm qua không ngủ/ Nằm đếm tiếng mưa rơi/ Lo cho anh bộ đội/ Lầy lội quãng đường dài/ … Đừng mưa nữa mưa ơi/ Để đường mau khô ráo”. 
Yêu thương nồng đậm chiến sĩ ta thì tức là biết xử lý thích đáng với kẻ thù cướp nước. Trước bọn xâm lược tàn bạo, nhà thơ có thái độ cương quyết không một chút khoan nhượng: Bút sắt đâm bao thằng cướp nước/ Mực hòa với máu viết thành văn (Thương đời chiến sĩ viết thêm hay). Bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật “Họa thơ Bà Huyện Thanh Quan” rất điêu luyện tài hoa trong nghệ thuật họa thơ mà cũng vô cùng đanh thép, súc tích trong nội dung thi tứ. Lê Đức Thọ không những đã đảm bảo vững vàng tính niêm luật, vần họa quy định (tà, hoa, nhà, da (gia), ta), mà còn thể hiện được chất thép rõ nét trong thi ca cách mạng mà tương phản gần như một đối cực với âm ba trầm buồn cố hữu của Đường thi và nội dung buồn tênh ngao ngán trong bài thơ nổi tiếng “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan (1704-1750): Quân vượt đèo Ngang quyết diệt tà/ Chiến công nối tiếp nở như hoa/ Bom rơi chật đất, thù muôn thuở/ Máu đổ tràn sông, hận nỗi nhà/ Đã quyết hy sinh cho đất nước/ Quả gì nát thịt với tan da/ Ngày vui thống nhất không xa nữa/ Nam Bắc sum vầy, ta gặp ta. Khẩu khí nhà thơ thật vô cùng hào sảng, phảng phất chút gần gũi với thi phong , thi tứ của nhà thơ Hồ Chí Minh.
Trên hết vẫn là tấm lòng tôn kính lãnh tụ, tinh thần kiên trung với Đảng, niềm tin bất biến vào con người và thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Với chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt trời chân lý của cách mạng Việt Nam, nhà thơ Lê Đức Thọ đã dành những vần thơ sáng rực ngọn lửa tin yêu tuyệt đối vào vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, để nhắc nhở chiến sĩ: Tết này, anh hẳn vui hơn trước/ Tổ quốc, bàn thờ ảnh Bác treo/ Giò mỡ, bánh chưng, cành mận trắng/ Tiếng đàn, giọng hát suối mừng reo (Thăm anh). Sự phục tùng tuyệt đối cấp lãnh đạo thể hiện trong thơ ông qua suốt những chặng đường chiến đấu cho đến ngày toàn thắng, anh dặn: “Ra đi, thắng mới về/ Phút giây cảm động nói nặng chi/ Lời Anh là cả lời non nước/ Ngàn dặm Trường sơn há ngại gì…/ Ngày vui toàn thắn đón Anh vào/ Đất nước tưng bừng, hết khổ đau/ Anh gặp đồng bào thăm chốn cũ/ Tình dân, nghĩa nước vẹn ơn sâu (Lời Anh dặn). Trong một lần, con được kết nạp Đảng đã khiến trái tim nhà thơ đập rộn ràng, ấm áp: Hôm nay, ba gọi con đồng chí/ Hai chữ mà sao lắm mến thương/ Tình nghĩa sắt son chung lý tưởng/ Vào sinh ra tử một con đường.
Đến với thơ Lê Đức Thọ, lòng người đọc càng cảm thấy tâm hồn thêm nồng ấm như được bồi đắp thêm niềm tin yêu đời và hy vọng sống vui, cùng nhìn về một chân trời tươi sáng thênh thang phía trước: “Đường cách mạng là đường dài vô tận/ Đầy chông gai nhưng cũng đầy cỏ lạ hoa thơm/ Mai nầy đất nước thắm tươi/ Một mùa xuân mới đầy trời nở hoa”.
Nói tóm lại, nhà thơ Lê Đức Thọ là nhà chính trị có phong cách “gươm đàn nửa gánh”, với “tay súng tay thơ” thể hiện một khuôn mặt thơ-chính khách độc đáo vô song trên đấu trường chính trị quốc tế và cả trên thi đàn dân tộc. Ông được xem là nhà ngoại giao sáng chói mang tâm hồn nghệ sĩ trong quá trình đấu tranh cách mạng, chống ngoại xâm của dân tộc ta trong quá trình hai cuộc đấu tranh chống thực dân và đế quốc. Tính ưu việt ở một nghệ sĩ kháng chiến Lê Đức Thọ đã hun đúc tôi luyện thành đức tính bén nhạy, đanh thép mà không thiếu trí tuệ của một nhà hùng biện chính trị khổng lồ trước đối thủ, khiến cho kẻ thù phải nể mặt và cam chịu lùi bước. Trong lúc Hồ Chí Minh (1890-1969), Sóng Hồng (1907-1988)… coi thơ kháng chiến là chất thép, nhà thơ Lê Đức Thọ quan niệm “làm thơ là làm cách mạng” nên thơ ông luôn gắn kết hoạt động chính trị như bóng với hình không khác nào mối lương duyên giữa Đảng và Thơ với thi sĩ Tố Hữu: Rằng thơ với Đảng nặng duyên tơ. Dù làm thơ được xem là một nghiệp vụ không chuyên của nhà thơ – chính khách Lê Đức Thọ nhưng những bài thơ “Điểm tựa”, “Họa thơ Bà Huyện Thanh Quan”, “Thăm anh”, “Lời Anh dặn”,… của tác giả rất cô đọng cảm xúc, trữ tình, lại đậm màu thơ, khả dĩ đi sâu được vào hồn người.
Việc từ chối Giải Nobel Hòa bình thế giới năm 1973 cộng với cái tế nhị tài hoa của một nhà thơ cách mạng bản lĩnh của Lê Đức Thọ đã tạc nên thế đứng bàn thạch như tầm vóc đỉnh cao Việt Nam trên đấu trường văn hóa chính trị quốc tế.
2/8/2020
Nguyễn Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  CHƯƠNG XI phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý- Tầm quan trọng của các giới hạn...