Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

Câu thơ Phùng Quán cứu cánh tinh thần Mai Tư Khoa

Câu thơ Phùng Quán cứu cánh
tinh thần Mai Tư Khoa

Mùa xuân này tôi về thôn Đông Phúc, xã Quảng Trường (cũ), nay là xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thăm tổ ấm của Mai Tư Khoa, một người khuyết tật đam mê làm từ thiện và làm thơ. Căn phòng nơi anh sinh hoạt, chiếc giường vẫn nguyên gối nệm, cạnh đó, một tủ lớn đầy sách báo, tài liệu. Người mẹ từng chăm sóc anh hơn 20 năm, giấu nỗi xúc động, giới thiệu cùng tôi những thứ con trai để lại…
Mai Tư Khoa chào đời năm 1979. Năm 19 tuổi, quê anh mọc lên Nhà máy xi măng với tên gọi Thanh Trường, Mai Tư Khoa trở thành công nhân ở đó. Ít lâu sau, một tai nạn không may xảy đến, khiến anh liệt một phần hai cơ thể, mất sức khỏe vĩnh viễn 91%. Sống trong buồn chán và chịu đựng, Khoa dùng hết thời gian cho việc nghe đài, xem ti-vi, đọc sách báo, học sử dụng máy tính và làm thơ.
Năm 2017, Mai Tư Khoa cùng bốn tác giả khuyết tật trong cả nước, đã in chung tập thơ “Những vầng trăng khuyết” – Nhà xuất bản Văn học, gồm 76 bài thơ nhiều thể loại (mỗi tác giả 19 bài). Khi tứ thơ ngày càng nẩy nở, năm 2018, anh xuất bản ấn phẩm mới cho riêng mình. Tập thơ “Giọt mơ tình” – Nhà xuất bản Văn học, với bút danh Khoa Anh. Đây là tập thơ đầu tay nhưng cũng là tập cuối cùng của anh… Vì chúng ta không bao giờ mong đợi được ở Khoa một đứa con tinh thần tiếp theo nữa. Anh đã từ biệt mẹ cha, gia đình, quê hương một nắng hai sương… sau hơn 20 năm chống chọi cùng bệnh tật.
Cũng như những cây bút có cùng hoàn cảnh, Khoa làm thơ trước là để giải tỏa tâm trạng ẩn ức của mình. Song điều lớn lao hơn, anh còn thể hiện sự cố gắng, ý chí vươn lên, khẳng định mình trong cuộc sống và thơ ca. Chính anh đã thổ lộ, làm thơ cho cuộc đời này: Con tằm muôn kiếp nhả tơ/ Còn tôi ghép chữ làm thơ dâng đời/ Trăm ngàn tâm sự đầy vơi/ Cõng nhau tìm đến trong lời thơ tôi (Đời thơ).
Trong tâm thế của một người khuyết tật, anh trở trăn ao ước một thế giới đẹp tựa tâm hồn: Tôi nhắm mắt và mơ về thế giới/ Nơi con người họ sống để yêu nhau/ Rồi tôi mơ tươi thắm những sắc màu/ Không còn nữa những buồn đau cay đắng/ Khắp thế gian mọi người đều bình đẳng/ Không còn ai phải lo lắng muộn phiền/ Tôi mơ về một thế giới thần tiên/ Không tranh cướp bởi bạc tiền danh lợi/ Mỗi ngày sống là một niềm vui mới/ Những con người cùng nhau tới tương lai/ Tôi mơ về một thế giới ngày mai/ Nhân loại sẽ không còn ai nghèo khó/ Và tôi mơ một tình yêu bé nhỏ/ Mãi bình yên chẳng sóng gió ùa vào/ Xin nguyện cầu thỏa những khát khao/ Ai cũng sống trong ngọt ngào hạnh phúc (Thế giới trong mơ).
Mai Tư Khoa với chiếc xe lăn, phương tiện đi lại làm từ thiện 
Từ những khát khao, ước mơ được hạnh phúc như bao người, Khoa Anh mở ra cho mình một không gian riêng, một khung trời riêng. Bên trong người thơ ấy, luôn hình thành những giấc mộng thanh tân, những nỗi nhớ nhung trinh trắng: Trắng đêm thả nhớ lên trời/ Gom mây đem dệt thành lời thương yêu/ Gió vờn nghiêng mảnh trăng xiêu/ Tôi đang khát nhớ những điều em trao/ Môi hôn say đắm ngọt ngào/ Lời tình âu yếm rót vào tim hoang (Mộng tình chơi vơi). Và trong bài “Giọt mơ tình”, bài thơ được anh dùng để đặt tựa đề cho tập thơ đã nói lên rất rõ điều đó: Đêm trăng uống giọt mơ tình/ Với em hai đứa chúng mình cùng say/ Được bên em trọn đời này/ Cho đêm huyền diệu cho ngày mộng mơ/ Chiếu nằm được dệt bằng thơ/ Hương yêu tràn ướt đôi bờ môi hôn.
Có thể nói rằng, đây là tập thơ tình có dung lượng khá. Ngoài hai chủ thể trữ tình là “anh” và “em”, tình yêu thương còn được anh hướng đến là “nắng”, là “gió”, là “ngọn tre”, là “con chim chiền chiện”… Tôi thương giọt nắng cuối hè/ buồn rơi vướng ở ngọn tre đầu làng// Lao xao từng ngọn gió lay/ Con chim chiền chiện vụt bay cuối trời. Và rồi, chính anh cũng không dối được lòng mình, khi những giọt nắng cuối hè đang dần chuyển bước vào thu, một ước mơ bỗng trào lên trong anh mới bình dị làm sao: Gom từng giọt nắng làm hoa/ Gói trong thương nhớ tặng quà cho em (Giọt nắng cuối hè).
Tình yêu thiên nhiên, tình yêu sinh thái và tình yêu lứa đôi, được anh gom lại trong một bài thơ, khiến người đọc nhận rõ ở anh một thiên hướng sáng tạo. Đó là sự đan quyện một cách khéo léo giữa tâm hồn và cảnh sắc, giữa nội tâm và ngoại tại, giữa thực và ảo, giữa mơ mộng và đam mê… Và đây nữa, từ “giọt nắng cuối hè”, “ngọn gió lay”, “con chim chiền chiện”. Khoa Anh đã chuyển qua một cung bậc khác: Gửi mây theo gió lên ngàn/ Mang sang dịu ngọt trên làn môi non/ Dìu nhau lên tới chon von/ Lắng nghe khúc hát vẫn còn thanh tân (Nhớ yêu).
Xuyên suốt “Giọt mơ tình” ta sẽ gặp không ít những chùm thi ảnh mới, đẹp, lạ, thậm chí khá bất ngờ: Đưa tay vuốt dọc màn đêm/ Tình cờ chạm phải môi mềm ai trao (Môi chờ). Dù là vô tình hay hữu ý, đôi khi ta vẫn thường bắt gặp ánh mắt cô hàng xóm nhưng chưa lý do gì để hờn trách người ta. Thế nhưng với Khoa Anh, chỉ một cơn mưa cũng là cái cớ để anh trách khéo người em gái láng giềng: Chiều nay mưa ướt thơ rồi/ Sao em không nhặt giúp tôi mấy vần// Chờ ngày mai lúc nắng lên/ Thơ tôi còn đó bắt đền cô phơi// Mong ngày mưa hãy qua mau/ Kẽo vần thơ ướt còn đau đáu chờ (Cô hàng xóm).
Dù hoàn cảnh nào, Khoa Anh luôn tìm tòi nhiều tứ thơ mới, thi ảnh đẹp, thi ngôn dung dị nhưng giàu chi tiết thực và gợi. Đáng kể là những bài thơ viết về Trăng như: “Chị Hằng ngủ mơ”, “Đợi trăng”, “Mộng Hàn Mạc Tử”… Viết về mùa Xuân như “Khúc tình xuân”, “Đêm xuân”, “Xuân xôn xao”… Đặc biệt mảng viết về nắng, anh có nhiều bài hơn cả, nổi bật là “Giọt nắng cuối hè”, “Nghịch nắng”, “Tiếc nắng”, “Ngọc nắng”, “Bắt đền nắng”, “Vạt nắng hè”, “Nắng ngã nhào”..vv. Cùng hàng chục thi phẩm được tác giả lồng trong tình yêu núi, sông, biển, trời, hoa lá, cỏ cây, sương gió… và tình yêu lứa đôi thuần túy của con người. Ta hãy cùng đến với bài thơ sau đây: Đêm qua ghé quán mua trăng/ Tình cờ tôi gặp chị Hằng ngủ mơ/ Đầu đang gối một bài thơ/ Hôm kia tôi mới giả vờ đánh rơi// Bài thơ đầy những sắc màu/ Trường tồn đến mãi ngàn sau vẫn còn/ Nguyện rằng chung thủy một lòng/ Bệnh tình nghèo khó vẫn không xa rời (Chị Hằng ngủ mơ).
Hay ở một chùm thơ quanh đề tài nắng: Nắng chiều nghiêng đổ xuống sân/ Tôi đưa nón hứng chia phần cho em/ Nắng vàng từng sợi óng mềm/ Dành luôn phần nửa tặng em làm quà (Tiếc nắng). Hôm nay nhàn rỗi sinh hư/ Ra sân nhặt nắng từ từ đến chơi/ Buộc thành từng nắm đem phơi/ Khô giòn mang trả cho trời gói mây/ Ngày mai nếu nắng còn gầy/ Thì tôi giữ lại nơi đây suốt đời/ Không cho nắng trở về trời/ Dù cho mây gió ngàn lời van xin (Nghịch nắng). Lật tung vạt nắng đầu hè/ Lời yêu lạc giữa tiếng ve gọi bầy/ Bóng người như vẫn đâu đây/ Yêu thương thuở đó chất đầy lòng anh/ Gió xô vạt nắng chòng chành/ Đem mây vắt vẻo trên cành phi lao/ Em về theo gió lao xao/ Mà tình chưa kịp trút vào đam mê// Quờ tay vén vạt nắng chiểu/ Hai vòng tay xiết hương yêu vào lòng (Vạt nắng hè).
Cũng là nắng, giữa bao góc nhìn rạo rực với đủ màu sắc nắng. Khoa Anh bổng dưng chạm phải nỗi buồn bản ngã. Song anh thật khéo khi mượn nắng để nói về bản thân mình: Chiều nay thấy nắng ngã nhào/ Nhặt lên từng sợi nghẹn ngào đắng cay. Cảm xúc với nhiều cung bậc cùng lúc ào đến, tứ thơ mênh mang, câu thơ mang cho người đọc không ít xúc động: Thôi sao nông nỗi thế này/ Nắng vàng đang độ làm say lòng người. Tiếp theo là một câu thơ hay, ở trong hoàn cảnh đó, nếu không là người có vốn sống, không thể nào viết ra những câu thơ như vậy: Gió qua ngoái lại mỉm cười/ Nắng buồn sau ngã còn tươi màu trời. Cuối cùng thì anh cũng đã hé lộ, cảnh là ta, ta là cảnh, một cách ẩn dụ rất biệt nghệ của người thơ: Tưởng rằng nắng chỉ xô nghiêng/ Ngờ đâu là bởi niềm riêng trong lòng (Nắng ngã nhào).
Hằng đêm trôi qua, anh đã làm gì để lấp bù trống vắng, nếu không phải là đối thoại với những giấc mơ. Giấc mơ của sự vượt thoát thánh thiện, với những ý niệm chân thành nhưng đầy lãng mạn trong từng thi tứ: Anh chặt đôi ngọn gió/ Đem buộc sợi nắng vào/ Thành cánh diều nho nhỏ/ Nâng tình ta bay cao/ Đến khung trời thơ mộng/ Làm bạn cùng trăng sao/ Nắng về vờn trên cỏ/ Gió cũng đùa lao xao (Chiêm bao). Hay ở một thi phẩm khác, sự liên tưởng đối với kiếp nhân sinh, với đời sống trần tục ở anh thật thi vị. Chỉ một giấc mơ nhưng anh đã dồn nén và đẩy cảm xúc lên cao, kết thành những thi ảnh đẹp: Vẫy vùng dưới bến sông Ngân/ Màn đêm, đặc quánh dần dần vỡ tan/ Dắt nhau xuống biển lên ngàn/ Mơ tiên một giấc trời ban nhiệm mầu/ Sáng rồi còn quấn lấy nhau/ Còn đắp chung một gam màu mơ tiên (Chung giấc mơ tiên). Thậm chí, đến cả hạt sương đêm cũng trở nên bạn tâm tình của người thơ: Cùng nhau chờ buổi hừng đông/ Riêng tôi mới hiểu nỗi lòng của sương/ Cũng từ dạo ấy luyến thương/ Đêm nằm không ngủ cùng sương tâm tình (Tâm tình với sương).
Giữa cuộc sống và thơ anh có nhiều đồng cảm khiến người đời xúc động. Đến cùng thơ, khám phá lãnh địa thơ, kết nối sâu hơn với cộng đồng mạng. Từ đó, Khoa Anh kêu gọi những tấm lòng từ thiện, cùng chung tay làm điều có ích cho những phận người rủi ro, yếm thế, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em học sinh nghèo có sách bút ngày khai trường, có quà bánh dịp tết Trung thu…
Ta sẽ xúc động đến mức nào, khi nhìn cảnh mẹ anh đẩy chiếc xe lăn chở con trai tật nguyền đi trao quà nhân đạo. Nhiều năm qua Khoa đã làm như vậy, bởi đó là điều anh ao ước và mãn nguyện khi trở thành người khuyết tật suốt đời: Liệu cuộc đời có hạnh phúc cho ta/ Sao ta vẫn luôn thiết tha hy vọng/ Gắng vươn lên để thấy mình đang sống/ Không ẩn mình trong cái bóng cô đơn// Luôn dặn mình không buồn chán thở than/ Dẫu biết chắc nhiều gian nan trắc trở/ Mỗi sớm mai nhắc mình luôn phải nhớ/ Quyết vượt lên không than thở điều gì/ Khó khăn mình đâu có lớn lao chi/ Cuộc sống kia thếu gì người đau khổ/ Nhưng người ta hàng ngày luôn phải cố/ Trưởng thành từ gian khổ mà lên// Mỗi sớm mai tôi vẫn tự thầm thì/ Hãy cố lên đừng sợ gì tôi nhé/ sống làm sao đừng phí hoài tuổi trẻ/ Quyết tâm tìm hạnh phúc sẽ về ta (Hạnh phúc có không).
Mẹ Mai Tư Khoa với “kho” sách báo tài liệu của con trai để lại
Là người trẻ gặp chuyện không may, nhờ sớm đến với địa hạt thơ ca, Mai Tư Khoa đã coi thơ như chiếc nạng vững, giúp anh có được nhận thức đầy đủ hơn về nhân sinh, về thân phận; cố tình quẫy đạp để vượt qua sự trì níu của thân phận, tìm đến không gian bao la của tình đời, tình người… Vịn câu thơ, Khoa Anh như tìm thấy niềm tin vào cuộc sống, khiến anh muốn vứt hết tất cả não phiền, tìm lại và chia sẻ sự hồn nhiên, yêu thương khắp cõi đời này: Kiếp này như cuộc dạo chơi/ Còn gieo chi nữa những lời dối gian/ Dẫu rằng buồn cứ miên man/ Nhưng còn đầy ắp trăm ngàn niềm vui/ Ôm chi quá khứ ngậm ngùi/ Mà quên đi những ngọt bùi tương lai/ Hãy tìm ánh sáng ngày mai/ Cùng nhau chia sẻ chuỗi dài yêu thương// Tôi xin vứt hết não phiền/ Tìm mua lại những hồn nhiên cho mình (Vứt hết não phiền).
Thường khi tìm thấy cho mình lẽ sống, quyết tâm buông bỏ não phiền, tức là người ta đã tìm thấy cho mình một khung trời xuân, hy vọng và tin yêu. Mùa xuân của Khoa Anh cũng đang về, dịu ngọt, xôn xao, tựa ai đó rót vào tim anh những lời yêu thương: Xuân về ngọt dịu xôn xao/ Thoảng như ai đó rót vào lời yêu/ Tiếng chim rộn cả trời chiều/ Bao nhiêu làn gió bấy nhiêu men tình (Xuân xôn xao).
Thương cuộc đời anh, thương giọng thơ anh, một giọng thơ đang đến dần độ chín, đa giọng điệu và cung bậc cảm xúc. Khoa Anh đã toại nguyện, khi cuộc đời có thêm hai mươi năm thật hữu ích, bởi anh đã coi câu thơ của nhà thơ Phùng Quán “Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” là cứu cánh tinh thần cho chính mình.
10/2/2023
Nguyễn Tiến Nên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Con Ma Xuống Thang Gác Chúng tôi tất cả có tám người, họp nhau ở nhà anh Đình, một cái nhà gạch hai tầng ở gần vùng quê, chung quanh toà...