Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

Có người hái lộc giùm tôi

Có người hái lộc giùm tôi

Năm nay Tết sớm. Không khí Tết bò lan trên những hộp mứt bằng nhựa đỏ có thể nhìn suốt qua, để thấy những miếng mứt gừng vàng lợt, những miếng mứt bí trắng đục chen chúc bên trong.
Không khí Tết còn vén cái lạnh quay quắt keo đặc của mùa đông về đậu trên những vạt lá xanh thẫm của bánh chưng xếp chồng lên nhau trên quầy hàng tiệm thực phẩm Á Đông. Trên chiếc bàn chữ nhật sần sùi góc cạnh nhà cô ấy có một cái đĩa viền hoa đỏ hoa vàng. Trong lòng đĩa hai chiếc bánh chưng chồng lên nhau, cùng dựa lưng vào cặp bánh tét bọc ngoài bằng giấy bạc và bao ny lông. Tết cũng đã về đâu đó trong căn hộ nhỏ như chiếc hộp vuông phảng phất mùi nhang thơm tỏa từ bàn thờ Phật đóng cao trên vách tường.
“Lâu quá trời hổng đi hái lộc!” Cô ấy vừa vẩn vơ sắp lại hai chiếc bánh chưng cho thẳng vừa thở ra cái giọng ngậm ngùi.
“Đi hái lộc để làm gì?” Tôi ngả người ra lưng ghế, hỏi.
“Tết thì phải... đi lễ chùa, phải đi hái lộc.” Đôi mắt người thiếu phụ trẻ con nhìn lướt một nửa vòng căn phòng khách trống trải. Ánh mắt ấy dừng lại ở mấy chiếc xe chạy bằng bin của thằng bé Timmy bỏ lay lắt trên nền nhà.
“Mấy năm trước có đi không?”
“Lâu lắm hổng đi, mắc mấy đứa nhỏ.” Cô ấy chấm câu bằng một nửa nụ cười.
Tôi nhìn cái lúm đồng tiền, “Ai bảo ham làm mommy sớm.”
“Ai mà ham!”
Tôi không thèm cãi cọ với cô ấy. Không ham mà mới hai mươi mấy tuổi đầu đã tay bồng tay bế.
Cô ấy ném cho tôi cái nhìn vướng víu những lời kêu oan, “Tại số mạng chứ bộ!”
Rồi cô ấy lại cúi nhìn xuống nền nhà, lại chăm chú ngó chiếc xe chạy bằng bin của thằng bé con nằm lay lất. Không còn gì để nói. Tôi nhìn những sợi tóc mượt chảy xuôi, che một nửa khuôn mặt học trò. Khuôn mặt học trò ấy lại ngó xuống những đường kẻ vuông trên nền nhà. Những ánh mắt không bao giờ gặp nhau, như những dòng sông, như những cuộc đời chỉ toàn ngã rẽ.
Tôi muốn ném cho cô ấy thêm vài lời trách móc. Dẫu biết mình chả có quyền gì.
Bỗng dưng cô ấy ngước lên, hất cái đầu thật mạnh, thật quả quyết, làm rụng đi những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt nhòe hai khóe mi. Lòng tôi thót lại cơn bàng hoàng. Người đâu mà dễ khóc. Hở một chút là tủi thân.
Cổ họng tôi thắt lại. Không chữ nghĩa nào đủ bình an để dỗ dành cơn đau thắt ruột của một người đàn bà chưa kịp dậy thì đã tay xách, nách mang.
Tôi nhìn cô ấy. Lọn tóc quẫy động như con nước lớn. Rồi những lọn tóc chảy xuôi, thành con sông hiền hòa một dốc vai xuôi.
“Tại phần số chớ bộ!”
Tôi vội vã gật đầu. Đúng rồi. Tại phần số. Chỉ có phần số mới dun dủi cho hai kẻ ở cách xa nhau một nửa vòng trái đất, gặp nhau và gắn liền hai cuộc đời với nhau. Chỉ có phần số mới làm cho người này con đàn con đống với người kia mà không có cho nhau một chút tình yêu. Phần số. Có phải người thầy tướng số nào đã phán truyền vài ba năm trước rằng người ta có số vượt biên, rằng người ta có số lấy chồng xứ lạ.
Tôi muốn nói một câu gì đó, nhưng những giọt nước mắt tuôn trên bờ má xanh xao của người con gái làm tôi á khẩu. Tôi muốn đứng dậy, choàng tay qua hai vai cô ấy, vuốt ve những sợi tóc hiền xuôi dốc lưng thon. Muốn lau những giọt nước mắt oan ức của một tuổi xuân chưa kịp chín. Nhưng tôi sợ.
Thành ra tôi nói hùa theo cô ấy, “Thì phần số. Biết mà!”
Tôi nhìn quanh. Những chiếc bánh chưng vẫn dựa lưng những chiếc bánh tét trong chiếc đĩa rộng lòng. Những chiếc bánh vuông, những chiếc bánh tròn dài trong vòng tròn trắng viền hoa đỏ hoa vàng. Sự phối hợp méo mó. Như những cái tết gượng gạo xứ người.
Tôi đổi đề tài, “Năm nay đi hái lộc không?”
Con mắt ướt nhìn tôi, “Nên đi hôn?”
Ơ, sao lại hỏi tôi nhỉ. Tôi lấy quyền gì để bảo người ta nên đi lễ chùa hay không.
“Thích thì đi!”
“Hổng thích cũng phải đi!”
“Thì đi.”
Cô nhìn tôi, nói bâng quơ, “Hổng biết giờ nào mới có xe buýt đi ngang.”
Tôi đứng bật dậy kêu cô ấy chờ một tí rồi chạy băng về nhà cuống quýt tìm cho ra tấm giấy in lịch trình giờ xe buýt.
Thấy tôi kéo hết ngăn tủ này đến ngăn tủ kia, Jackie thắc mắc, “Tìm gì mà cuống lên vậy anh?”
Tôi bối rối như đứa học trò bị bắt gặp chui hàng rào trốn học, “Có tìm gì đâu.”
Jackie đứng dựa cửa phòng, tay chống lên một bên hông. Chiếc quần jean mở ra cho tôi một khoảng bụng trắng ngần và cái rốn tròn như đồng mười xu. Cái đồng mười xu tròn trĩnh ấy làm hai tai tôi nóng bừng.
Jackie nhìn tôi chăm chú, hai con mắt long lanh, “Tìm gì mà hăng thế?”
Tôi vừa luồn tay xuống dưới lớp quần áo trong ngăn tủ, nơi hay giấu những đồng tiền giấy dành dụm được, vừa lắc đầu bối rối, “Cái đồ lặt vặt ấy mà!”
Jackie bước vào phòng, lững thững những bước đi của một con hươu rong chơi trong khu rừng thưa, bên dòng suối ấm. Nàng đến sát bên tôi. Mùi dầu thơm dịu dàng như trầm hương mênh mang mời gọi.
“Nói đi, em tìm tiếp cho.”
Hơi thở mùi kẹo bạc hà. Tôi như đứa bé lên cơn sốt thương hàn vừa lạnh run vừa bừng bừng nóng. Cũng may ngay lúc ấy, bàn tay tôi chạm vào tấm giấy ghi giờ xe buýt của tuyến đường trước nhà.
“Thấy rồi! Jackie à.”
Jackie nhìn tôi, mỉm cười. Tôi bắt gặp trong khóe cười ấy chút từ tâm của kẻ sắp ban phát những mùa vui.
“Giấy xe buýt à?”
“Ừ. Xem giờ xe chạy ấy mà.”
Tôi lướt ra ngoài, nhanh như thằng ăn trộm, bỏ mặc Jackie trong phòng mình.
“Phòng anh lại bừa bãi nữa rồi!”
Giọng Jackie dịu dàng như lời phiền trách nhỏ nhẹ của một người vợ tận tụy với chồng con. Tôi khép vội cửa, chạy băng qua nhà cô ấy.
Khu nhà chúng tôi ở xa lộ trình chính nên quá nửa đêm thì cứ bốn mươi lăm phút mới có một chuyến xe.
“Nhớ về sớm.” Tôi dặn dò lúc giúi tờ lịch trình giờ xe buýt vào tay cô ấy.
Cô ấy gật đầu.
“Quá mười hai giờ đêm ít xe buýt lắm đó.”
Ánh mắt cô ấy thắp sáng niềm biết ơn, “Nhớ rồi mà.”
“Phải ra trước mười hai giờ một chút.”
“Mười hai giờ mới giao thừa, ra trước sao được?”
Tôi nhăn nhó, “Sau mười hai giờ lâu lắm mới có xe buýt. Còn phải đi bộ từ ngoài đường về nhà nữa. Xóm này nguy hiểm biết không?” Tôi nghe tôi rõ ràng đang hắt ra cái giọng nghiêm khắc của một ông bố chồng khó tính. Nhưng cô ấy chắc không nghe ra được.
“Biết mà!”
Cô ấy vừa nói vừa cặm cụi thoa son môi. Cây son mầu cam tươi như mầu da môi đứa bé sơ sinh. Và đôi môi cô ấy tươi dần lên như dấu vết xuân thì nhú ra khi loài thảo mộc vừa giũ cho sạch mảnh tuyết cuối mùa.
“Chừng nào con Amy khóc là nó bị ướt tã đó.”
“Biết rồi.”
Những đứa bé tôi giặt tã cho ngày nào giờ này hẳn cũng đã có con. Tôi đã bao nhiêu lần thay tã cho con, cho cháu. Tã ngày xưa ở quê nhà bằng vải. Tháo ra, cuộn lại. Tất cả những ê chề của tình yêu gói trong đó. Những đắng cay chua chát túm gọn trong đó. Nếu người ta yêu nhau thì chả ai nề hà gì chút công việc nhỏ nhoi. Những chua cay, vất vả gói cho gọn, đem ra bờ ao, bờ rạch, mang theo cái bàn chải và cục sà phòng. Vét cho sạch cái chất mầu vàng keo đặc. Có lũ cá tranh nhau rỉa bên dưới. Xát sà phòng lên chỗ mầu vàng sậm. Chà bằng bàn chải, rồi vò, rồi vắt. Rồi phơi lên từng dãy dài trên đám dây phơi giăng sau nhà. Nắng gió sấy khô. Gom vào, xếp cho gọn. Ngày mai lại túm gọn đem ra bờ ao.
Lại vét cho sạch, lại xát cho đều. Rồi vò, rồi vắt. Tôi đã quá quen với những vất vả trong đời. Sá gì cái việc thay tã cho con bé Amy. Bên này, tã xài một lần, sạch hay bẩn gì thì cũng cuộn tròn một cục. Dán miếng băng keo cho chặt, bỏ vào thùng rác.
“Biết thay tã hôn đó?” Cô ấy hỏi đùa.
“Sao không.”
Cô ấy cười, đỏ hồng đôi má lúm đồng tiền.
“Tã ở trong tủ quần áo.”
“Biết mà.”
“Đừng cho tụi nhỏ coi ti-vi trễ quá nghe.”
“Nghe.”
Căn phòng sáng lên sau những vệt son phết lên đôi môi hồng, sau những quệt phấn hồng thoa đều hai má người con gái. Cô ấy đang trẻ lại trước mắt tôi. Chúng tôi không nói gì với nhau nhưng căn phòng xôn xao khúc nhạc xuân. Và lòng tôi rộn ràng câu hát giao mùa. Hai đứa bé giờ này chắc đang châu đầu trước màn ảnh truyền hình. Cuốn phim hoạt họa tôi mua cho thằng bé Timmy hôm trước.
Cô ấy đi qua đi lại, tung tăng như đứa bé sắp được bố mẹ dẫn đi coi hát xiệc.
Chợt cô ấy đứng sựng lại trước mặt tôi, “Coi được hôn?”
Dòng tóc tuôn dài chảy suốt những hang động lòng tôi. Vai thon như dốc đời mảnh mai, thuôn xuống những bến bờ mịt mù ước mơ. Má đỏ như hẹn hò với hư không, môi hồng như dặn dò với vô cùng. Hai núm đồng tiền xoáy cơn lốc trong thẳm sâu vực ham muốn lòng tôi. Tôi muốn đưa bàn tay chạm nhẹ vào mùa xuân có thật trong không gian ấm cúng đêm giao thừa xa xứ nhưng những ngón tay tôi máy động như vướng cơn động kinh cục bộ.
“Được hôn?”
Tôi gật đầu vội vã, “Được chứ.”
“Nói dóc hôn đó?”
“Thật mà.”
“Cái gì được?’
“Ơ...” Tôi chỉ muốn trả lời cô ấy bằng một chữ tròn, đầy và hàm chứa cả mùa xuân. “Em”.
Nhưng ai đó bảo tôi đừng nói. Bởi dễ gì người ta lại tin một lão già lẩm cẩm, không làm nên chuyện gì ngoài cái việc giữ con, trông cháu. Thành ra tôi thở nhẹ, “Mọi thứ.”
Cô ấy nghiêng đầu, “Chắc hôn?”
“Chắc.”
Vậy là cô ấy tự tin bước về phía cửa ra vào. Lúc cô ấy bước qua chỗ tôi đứng, không gian dậy lên mùi nước hoa dịu dàng. Hương của trăm ngàn bông hoa mùa xuân góp lại. Tôi ngây ngất với niềm hạnh phúc; thứ hạnh phúc ngặt nghèo.
Trước khi bước ra cửa, cô ấy đứng sựng lại, nhìn tôi, “Có muốn vái gì hôn?”
Tôi ngập ngừng, “Biết vái gì bây giờ.”
“Gì cũng được.”
Tôi nghĩ đến cô ấy. Tôi nghĩ đến thằng bé Timmy và con bé Amy. Hai đứa bé không cha. Hai đứa bé quấn quýt, bám lấy tôi còn nhiều hơn đeo mẹ chúng nó. Tôi nghĩ đến một căn phòng chúng cư ba phòng ngủ, mỗi đứa bé một phòng. Tôi nghĩ đủ thứ. Những hình ảnh lướt thướt dạt qua trí tưởng tượng.
Cô ấy đưa cái cổ tay thon lên nhìn đồng hồ, “Thôi, để hái lộc giùm cho nghe.”
Như nguời tiều phu trong truyện cổ tích bị lấy đi mất những điều ước, tôi ngơ ngác, “Hái giùm cũng được à?”
“Được chớ."
Một lát, tôi lại hỏi cái câu cũ rích, “Có chắc là vái giùm được không?”
“Chắc được mà.”
“Vái với ai?”
“Thì Trời Phật, ai biết đâu, hỏi hoài.”
“Thì vái giùm đi.”
Vậy là đêm giao thừa, cô ấy đi chùa, hái lộc. Một mình.
Tôi vươn vai, ngáp dài. Bỗng dưng thấy mình liều lĩnh. Biết đâu lại chẳng làm ơn mắc oán. Bây giờ chồng cô ấy về bất chợt, tôi sẽ giải thích thế nào cho xuôi. Những ngày cận Tết, những đêm Giao Thừa, bọn người lông bông, đầu đường xó chợ; dân bụi đời, dân không cửa không nhà cũng thường mò về nơi chốn nào ấm cúng. Nhất là khi hắn lại còn hai đứa con.
Tôi đứng dậy, lững thững kéo những bước nặng nề lên cầu thang.
Hai đứa bé dán mắt vào màn ảnh máy truyền hình trong phòng ngủ chúng nó. Hello Uncle. Thằng lớn chào tôi. Tôi cười. Chào Timmy, chào Amy. Con bé Amy không ngửng đầu lên nổi. Hai bàn tay nắm chặt cái đồ điều khiển trò chơi điện tử. À, thì ra chúng nó không coi phim. Hai đứa đang chơi game.
Tôi nhìn cái hành lang hẹp. Cửa phòng cô ấy đóng kín. Cửa nhà tắm hé mở. Tôi lững thững bước về phía đó. Tôi cần đi tiểu. Lúc già, người ta cứ mắc tiểu liền liền.
Khung chữ nhật hẹp. Chiếc gương cũ có nhiều chỗ bị ố. Bao nhiêu lần cô đã soi mặt mình trong đó. Bao nhiêu lần thằng đàn ông kia cũng đứng sau lưng cô, cùng soi mặt mình trong đó.
Tôi nhìn mình trong gương. Những nếp nhăn xô đẩy nhau như những con sóng vất vả đổ lên bờ biển lạ.
Vậy là năm nay, tôi lại đón Giao Thừa một mình.
Hoàng Chính
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không thử, làm sao mà biết được

Không thử, làm sao mà biết được! Giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Hắn nằm đó. Say rượu. Say thuốc. Say tình. Tôi bước tới bước lui. Rồi tôi...