Thứ Năm, 24 tháng 10, 2024

Lan trong rừng vắng - Giá trị khoa học, nét đẹp tài hoa và tấm chân tình

Lan trong rừng vắng - Giá trị khoa học,
nét đẹp tài hoa và tấm chân tình

Tựu trung, tập biên khảo “Lý Thương Ẩn – Lan trong rừng vắng” của PGS.TS. Lê Quang Trường mang lại sự đóng góp rất đáng trân trọng. Giá trị khoa học, nét đẹp tài hoa và tấm chân tình là những đặc trung nổi bật riêng có của tập sách. 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Trường, sinh ra trong gia đình nền nếp gia phong và lớn lên nơi quê hương được người đời tặng danh xưng Năm con chím phượng hoàng cùng bay (Ngủ phụng tề phi) [1] – Đó là đất Quảng Nam, vùng đất giàu truyền thống hiếu học với nhiều danh sĩ tài hoa, nhiều chí sĩ khí tiết. Có lẽ, vì vậy đã hội đủ điều kiện ắt có và đủ làm nên một thiếu niên dòng họ Lê Quang sớm bộc lộ thiên tư học vấn và xác lập được hành trình học thuật xuyên suốt nhất quán, sớm đạt những thành tựu đáng kể ngay khi tuổi đời còn rất trẻ. Định vị PGS. TS. Lê Quang Trường giữa làng học thuật, chính là mảng nghiên cứu văn học Hán Nôm, gồm cả văn học cổ điển Trung Hoa và văn học trung đại Việt Nam. Đối với văn học Việt Nam, điều đáng trân quý hơn cả, là những đóng góp cho văn học Hán Nôm ở Nam Bộ. Trong toàn bộ sự nghiệp, PGS. TS. Lê Quang Trường luôn bộc lộ hình tượng nhà khoa học nghiêm nhặt. Cố nhiên rất trọng thực chứng, nhưng trang nghiên cứu của ông cũng cho thấy nét tài tuấn hoa mỹ của bậc tài tử “một thời vang bóng”. Tiêu biểu cho đặc trưng này, không đâu hơn tập biên khảo “Lý Thương Ẩn – Lan trong rừng vắng”. Tập biên khảo ấy, vừa mang giá trị khoa học vừa bộc lộ nét đẹp tài hoa của nhà nghiên cứu họ Lê.
Về giá trị khoa học
Ngay từ lứa tuổi đôi mươi, chàng thanh niên họ Lê xứ Quảng đã thể hiện niềm đam mê đối với bộ môn Hán – Nôm. Chàng sớm có những công trình đáng kể ngay từ khi còn là sinh viên đại học (Phiên dịch Tam tự kinh (bản chú giải của Ngô Mông); cho đến khi hoàn thành luận văn Thạc sĩ “Chất tài tử trong thơ Lý Thương Ẩn và thơ Nguyễn Du” và Luận án Tiến sĩ “Gia Định Tam Gia Thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ”, thì có thể nói rằng PGS.TS. Lê Quang Trường đã xác định “vân tay” của mình trong hoạt động nghiên cứu Hán – Nôm nói chung. Điều đáng nói hơn nữa, chính là chàng thanh niên họ Lê đã bộc lộ khả năng am hiểu sâu sắc một lãnh vực trước nay hầu như rất khó nhằn với phần đông bạn trẻ trong nền học vấn sau 1975. Hình như, chàng thư sinh họ Lê sớm được “cao nhân” thân tình, kề cận dìu dắt ngay từ hồi nhỏ. Bởi vậy, thiên tư phú bẩm càng có thêm điều kiện trau dồi, triển nở. Đó là, lý do, vì sao ngay từ khi còn rất trẻ, chàng họ Lê đã đóng góp nhiều công trình đáng kể, có giá trị học thuật cao – phần nhiều thuộc những trứ tác kinh điển, rất ý nghĩa đối với nghiên cứu học thuật Hán – Nôm nước nhà. Hơn nữa, các công trình của PGS. TS. Lê Quang Trường rất hữu ích và thiết yếu cho sinh viên/học viên theo học bộ môn Hán – Nôm. Bên cạnh những biên khảo chuyên biệt, PGS. TS. Lê Quang Trường còn tham gia đồng tác giả trong nhiều giáo trình mang chỉ dấu và hàm lượng giá trị cho bậc đại học, sau đại học (Hán văn thời Lý – Trần, Văn tự học chữ Hán). Hành trình học thuật của ông có những cột mốc thật đáng kể và đáng trân trọng!
Với tư duy khoa học minh xác, việc xác định lý do lựa chọn đối tượng nghiên cứu thông thường nhằm mục đích bổ khuyết mảng tri kiến mỏng – thiếu sót, hoặc tái xác định những luận điểm chưa chính xác trước đó, hoặc mở rộng và đào sâu thêm đối tượng, phạm vi đã được nghiên cứu. Do đó, với tâm thế nhà khoa học, “Lý Thương Ẩn – Lan trong rừng vắng” ngay từ đầu đã mang lại giá trị học thuật nhất định. Bởi, thông qua công trình này, PGS.TS. Lê Quang Trường đã bổ khuyết, đào sâu và mở rộng thêm về gia tài thi ca của Lý Thương Ẩn. Đây vốn là nhà thơ đã khá quen thuộc với độc giả Việt Nam từ thời trung đại đến hiện đại. Tuy vậy, công trình nghiên cứu chuyên biệt, sâu sắc về nhà thơ này còn hạn chế – nếu không nói rất hạn chế, chưa tương xứng với những tên tuổi như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, … “Như vậy tổng số bài thơ của Lý Thương Ẩn được dịch ra tiếng Việt ước chừng trên dưới năm mươi bài, nhưng vẫn chưa có công trình nào chuyên biệt về dịch và giới thiệu nội dung tư tưởng trong thơ ca của Lý Thương Ẩn. […] Thiết nghĩ một thi tài như Lý Thương Ẩn mà không được dịch và giới thiệu cũng như tìm hiểu nội dung trong thơ ông, âu cũng là điều đáng tiếc” (tr.6-7). “Lý Thương Ẩn – Lan trong rừng vắng” đã bổ khuyết và thỏa mãn những ai có niềm yêu thích đối với thơ ca Lý Thương Ẩn nói riêng và thơ Đường nói chung.
Sự nghiêm nhặt trong tác phong khoa học của nhà nghiên cứu họ Lê, rõ ở chỗ bộc bạch thẳng thắn ngay từ đầu quan điểm, lập trường nghiên cứu. Với sự chuyển dịch thơ Lý Thương Ẩn, quan điểm dịch thơ của PGS.TS. Lê Quang Trường: “Trong quá trình dịch thơ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch và giữ nguyên thể, nhưng vẫn chú trọng đến ý thơ của nguyên tác, do vậy, có những bài khó dịch, đành phải chuyển thể, biến thể” (tr.8). Với thi ca Lý Nghĩa Sơn, hiểu được mâu thuẫn nội tại đã khó, chuyển dịch sang một ngôn ngữ khác lại càng khó hơn. Sự đồng điệu giữa người thơ và người dịch thơ đã khó kết nối, huống hồ dịch thơ lại là một công việc xem như cho thơ một thân xác mới. Cho nên, ai từng trực tiếp nhúng tay vào việc chuyển dịch thơ Đường hẳn sẽ thấu hiểu lời thưa trước của nhà nghiên cứu họ Lê ở tập biên khảo này. Bước vào một lĩnh vực  có thể nói là không có gì xa lạ trong dòng chảy văn học Việt Nam, bởi sự tiếp xúc giao thoa giữa văn học Việt và văn học Trung Quốc đã trải qua quá trình lâu dài, phức tạp. Ấy vậy, với điều kiện sẵn có, với truyền thống gia đình, lại thêm nền tảng học vấn ở thời đại mới có nhiều thuận tiện tiếp xúc với phong cách học thuật Tây phương, có thể nói PGS.TS. Lê Quang Trường tích cực góp thêm nét riêng vào truyền thống dịch thơ Đường, nghiên cứu thơ Đường của giới học giả Việt Nam xưa nay. Một lĩnh vực tưởng quen và vẫn còn lạ, tưởng gần và có lẽ vẫn xa! Tập biên khảo và dịch thuật của PGS.TS. Lê Quang Trường cơ hồ nối kết thu rút khoảng cách biệt này, khiến cho thơ Đường nói chung, thơ Lý Thương Ẩn nói riêng đến gần hơn với độc giả hôm nay. Nhất là, bạn đọc trẻ thông qua những diễn đàn thơ ca cổ điển Trung Quốc trên không gian mạng. Sự tham gia và lòng thích thú của độc giả trẻ thông qua những bình luận sôi nổi xoay quanh bản dịch của PGS.TS. Lê Quang Trường quả có thể cho thấy tập biên khảo và dịch thuật này đã giúp cho các bạn trẻ gần gũi hơn với thi ca cổ điển Trung Quốc. Trên hành trình học thuật, ở giai đoạn đầu, PGS.TS. Lê Quang Trường hướng đến tìm hiểu tác giả văn học Trung Quốc như Lý Thương Ẩn, Chung Vinh và về sau, hầu như ông tập trung vào nghiên cứu chuyển tải giá trị văn học trung đại Việt Nam (Hán văn thời Lý – Trần, Nguyễn Hành, Gia Định tam gia, Phan Thanh Giản, Văn học Hán Nôm Nam Bộ, di sản văn hóa Hán – Nôm tỉnh Đồng Tháp, …). Sự chuyển hướng/quy về này, phải chăng ôm ắp hoài vọng mang giá trị văn học cổ điển nước nhà đến gần hơn với độc giả đương thời. Tiếp thu thành tựu thế hệ trước có thể tạo thêm nội lực cho sinh hoạt chữ nghĩa bây giờ, việc này thực sự mang lại ích lợi lâu dài.
Đối với thi ca Ngọc Khê Sinh, nhà nghiên cứu họ Lê sử dụng nhuần nhuyễn cách đánh giá vừa rộng, vừa sâu, vừa bao quát vừa chi tiết. Mà trọng tâm, có lẽ, chính là khát khao này tỏ đế ngọn nguồn tâm sự của Lý Thương Ẩn khi đối diện với chính mình và thời đại. Qua đó, nhà nghiên cứu họ Lê muốn xác lập vị trí xứng đáng hơn cho thi ca Ngọc Khê Sinh. “Lý Thương Ẩn xuất hiện trong thi đàn, khi mà thơ ca đã đạt đến đỉnh cao về phong cách cũng như về nội dung, vẫn có thể tạo dựng cho mình một chỗ đứng riêng biệt trong làng thơ, tề danh cùng các nhà thơ lớn thời Vãn Đường như Đỗ Mục, Ôn Đình Quân… hẳn nhiên bản thân phải có phong cách riêng cho mình. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thơ Đỗ Mục tuấn sảng, Ôn Đình Quân ủy mị, thì Lý Thương Ẩn vừa thâm trầm vừa ỷ lệ” (tr.11). Đặc biệt, nhà nghiên cứu họ Lê dùng nhiều thao tác so sánh: giữa nhà thơ và thời đại thơ, giữa nhà thơ với nhà thơ khác; giữa nhà thơ với các thi phái khác, khiến độc giả định vị được vị trí của Lý Thương Ẩn trong khu vườn Đường thi rộng mênh mông. Qua bình phẩm về thơ Lý Thương Ẩn, độc giả còn nhận ra cả bức tranh Đường thi rộng lớn, tức là nhà nghiên cứu họ Lê bỏ không ít thời gian, công sức để chiêm nghiệm, để có được những nhận xét vừa súc tích vừa minh xác, thấu tình đạt lý.
“Sầu não, Bối rối, Uất ức, Trầm ngâm, Kêu gào, Lặng lẽ, Thiết tha, Chán ngán, Khát vọng, Đau đớn … Thơ Lý Thường Ẩn không có cái khí hào sảng kiểu Lý Bạch, cái bi thương và nỗi đau lớn lao như Đỗ Phủ; thơ ông cũng không rõ ràng như của Bạch Cư Dị, mà lại có cái hiểm dị kiểu Lý Hạ; dẫu là thơ diễm tình nhưng vẫn ẩn chứa nỗi niềm và sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời và tình yêu, một tâm hồn hồn hậu hiếm có, hoàn toàn không giống với lối thơ của Ôn Đình Quân. Bởi cuộc đời Lý Thương Ẩn đã không được đãi ngộ như Lý Bạch, mà cũng chẳng cùng như Đỗ Phủ; cũng chẳng có cái đắc chí phong vân như Bạch Cư Dị, mà lại có cái nỗi đau uất nghẹn như Lý Hạ. Chính xã hội Vãn Đường thời bấy giờ đã gây cho ông một tâm trạng phức hợp khó giãi, nên thơ cũng uốn éo khúc khuỷu như nỗi lòng của ông. Nỗi lòng của Lý Thương Ẩn xem ra cũng chẳng khác gì với nỗi lòng của Tố Như Nguyễn Du” (tr.12).
Theo bước PGS. TS. Lê Quang Trường vào khu vườn thơ đấy tâm hồn xúc cảm của Lý Thương Ẩn, hẳn bạn đọc lần ra tín hiệu nhà nghiên cứu họ Lê đặt trọng tâm ở việc lý giải tâm thức “chủ thể sáng tạo”, lấy đó làm xuất phát điểm và cũng là mục tiêu hành động lý giải tác phẩm thi ca. Cố nhiên, nhà nghiên cứu họ Lê không tách rời chủ thể sáng tạo khỏi hoàn cảnh lịch sử xã hội, trong đó bối cảnh lịch sử chỉ là một “kênh thông tin” giúp nhà nghiên cứu lý giải sâu sắc hơn tâm thức chủ thể sáng tạo. Phải chăng, PGS. TS. Lê Quang Trường đã kết hợp lối phê bình tiểu sử (theo lối Sainte – Beuve) với lối phê bình ý thức (theo lối Georges Poulet). Bối cảnh xã hội Vãn Đường cũng như hoàn cảnh đời sống cá nhân (PGS. TS. Lê Quang Trường chú dẫn trong mỗi bài thơ khi chuyển dịch), chỉ đóng vai trò như minh chứng cho việc luận giải tâm thức sáng tạo. Có phải, vì thấy nhiều nỗi truân chuyên của thi nhân, cùng góc nhìn của người đời sau chưa thật sát với tâm sự người đời trước  nên nhà nghiên cứu họ Lê những mong góp thêm một vài lời xác đáng, tỏ chút lòng chia sẻ.
“Chưa bao giờ thấy nhà thơ nào nhiều mâu thuẫn như ông. Những mâu thuẫn giữa khát vọng hoài bão và thực hiện hoài bão, mâu thuẫn giữa xuất và xử, giữa bôn ba trong trường danh vọng và quay về ẩn cư vui cùng đạo pháp, lạ hơn là mâu thuẫn cả trong tình yêu, trong cái nhìn về những con người hồng nhan tài sắc… Những mâu thuẫn ấy đan xen khiến lòng ông chẳng vò mà rối. Cái rối rắm ấy dẫn đến yếu tố mờ ảo, kỳ bì trong thơ ông” (tr.14).
Bằng cách này, PGS. TS. Lê Quang Trường lý giải được sự “kỳ bí” của thơ Lý Thương Ẩn, lại còn lý giải được vì sao thơ Đường khi đã đạt tới đỉnh cao mà Ngọc Khê Sinh vẫn có thể “tề danh” cùng hàng “đại gia” như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, … Lý Thương Ẩn vừa có những nỗi đau chung và niềm thương riêng. Sự mâu thuẫn này khiến Lý Thương Ẩn và Nguyễn Du có thể gần gũi với nhau. Những bình luận của PGS. TS. Lê Quang Trường về thơ Lý Thương Ẩn tập trung ở sự khám phá ý hướng sáng tạo; tức là ông không đứng từ bên ngoài để phán đoán; ông những mong nhằm thực hiện muốn đứng trong tâm khảm của nhà thơ để nói lên nỗi lòng của thi nhân.
Quả thực, không có sự đồng điệu giữa nhà nghiên cứu (người đọc chuyên sâu) với người viết (chủ thể sáng tạo) thì nhà nghiên cứu khó lòng phát hiện hoặc phát biểu về tác phẩm. Bởi, nhà nghiên cứu vẫn chỉ là “kẻ lạ” đứng ngoài vườn thơ. Phê bình ý thức trường hợp PGS. TS. Lê Quang Trường đối với thi ca Lý Thương Ẩn có thể nói đạt đến mức hòa điệu. Truy ngược lại, để đạt tới sự hòa điệu này, hẳn nhà nghiên cứu họ Lê đã “dốc lòng” trong sạch, rũ bỏ các thành kiến, tín điều để có thể tiếp nhận một tâm hồn từ ngàn xưa. Hay, nhà nghiên cứu họ Lê đã làm cuộc du hành để thoát sinh trong bối cảnh tâm hồn-thời đại của chủ thể sáng tạo. Tập biên khảo này có phải là “xuyên không”!
Phê bình ý thức trường hợp PGS. TS. Lê Quang Trường đối với thi ca Lý Thương Ẩn có thể xem như hành vi phê bình cộng tác/phê bình cộng sinh. Trong khát vọng, trong mâu thuẫn, trong tiếc nuối, trong bôn ba, lận đận của Lý Thương Ẩn, người ta cũng thấy bóng hình nhà nghiên cứu họ Lê ở đó. Và, chính nhà nghiên cứu họ Lê dệt kết bức tranh tâm khảm của Lý Thương Ẩn thành tấm lụa thi ca, giúp cho bạn đọc tiện đường nhập bước vào vườn thơ Lý Thương Ẩn. Qua phong cách phê bình này, tức hòa điệu người đọc người viết, bạn đọc ngược lại có thể nhìn thấy người thực hiện hành động phê bình: khi nói về nỗi đau đời, nỗi gian truân khổ lụy của bậc tài tử xưa nay thì chính là tâm thức trầm ngâm thương cảm cho nỗi khổ lụy trong chính tâm hồn mình. Đó là, nỗi thương xót của nhà nghiên cứu họ Lê cho thân phận tài hoa bạc mệnh nói chung.
Qua tập biên khảo, bạn đọc chẳng những có thêm hiểu biết sắc sắc về thơ và đời Lý Thương Ẩn; mà còn có cơ hội phóng tầm nhìn rất rộng và xa vào khu vườn Đường thi. Bấy giờ, tác giả tập biên khảo giúp thêm bạn hình dung giai đoạn văn học quan trọng trong tiến trình văn học Trung Quốc; cũng như sức ảnh hưởng của nó đến các nền văn học khác.
“Trong nền thơ ca cổ điển Trung Quốc, Lý Thương Ẩn có một vị trí không nhỏ bên cạnh các thi nhân nổi tiếng khác như Đỗ Phủ, Lý Bạch … Lý Thương Ẩn là người tiếp thu được những tinh hoa từ thơ ca dân gian, cổ thi các đời trước và cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ các nhà thơ lớn ở thời Đường; sâu sắc nhất là Đỗ Phủ về mặt thơ ngũ ngôn và thơ thất ngôn; chịu ảnh hưởng Đỗ Mục ở sự cách điệu trong trẻo, đẹp đẽ nhàn nhã với lối thơ thất ngôn tuyệt cú; và hấp thụ thủ pháp lãng mạn của Lý Hạ nên thơ ông có những liên tưởng kỳ lạ, độc đáo. Thơ ca Lý Thương Ẩn không những đặc sắc đối với đời Đường, mà còn đối với toàn bộ truyền thống thơ ca cổ điển Trung Quốc” (tr.29-30).
Có thể thấy sự gần gũi với Lý Hạ, ở chỗ, cả hai nhà thơ họ Lý đều bứt phá khỏi quỹ đạo “diễm tình” của thơ Đường nói chung. Nói khác đi, họ đã vượt ra ngoài quy hệ thẩm mỹ của Đường thi trước đó. Cũng tức là, họ mở rộng quy hệ thẩm mỹ đó, đóng góp thêm nét mới vào khu vườn thi ca đời Đường những hương sắc độc đáo mới lạ. “Diễm lệ và trữ tình, huy hoàng và khoáng đạt, bay bổng và u trầm… là ấn tượng chung khi bước vào thế giới Đường thi. Tuy nhiên cũng có nhà thơ không khuôn mình trong những hình ảnh tươi đẹp, lộng lẫy: yên, hoa, tuyết, nguyệt, phong, sơn, thủy… Lý Thương Ẩn, Lý Hạ là tiêu biểu”[2] . Về phương diện lịch sử, liệu có thể xem Lý Thương Ẩn như bước dịch chuyển thời đại của thi ca cổ điển Trung Quốc hay không? Việc này, hẳn cần thêm thời gian nghĩ bàn! Song, rõ ràng, nhận định của PGS.TS. Lê Quang Trường về vị trí thi ca Lý Thương Ẩn “không những đặc sắc đối với đời Đường, mà còn đối với toàn bộ truyền thống thơ ca cổ điển Trung Quốc” là rất xác đáng. Điều này, cũng cho thấy tầm nhìn sâu sắc của nhà nghiên cứu họ Lê ở tập biên khảo! Sau những phân tích cặn kẽ, thấu đáo, nhà nghiên cứu họ Lê rốt lại những nhận định cốt lõi, giúp người đọc thuận tiện theo dõi. Vừa đọng lại tình cảm thiết tha vừa minh xác rõ ràng:
“Một là, Lý Thương Ẩn sử dụng thủ pháp tỉ hứng đạt đến trình độ nhuần nhuyễn, linh hoạt khéo léo, biến hóa phong phú, nên thơ của ông tăng thêm vẻ tình thơ ý họa, so với các nhà thơ khác còn cao hơn một bậc./ Hai là, ý cảnh trong thơ Lý Thương Ẩn hàm súc, mông lung đạt đến chất nghệ thuật thẩm mỹ khá cao như kiểu Hoa phi họa của Bạch Cư Dị, là cái mà Trịnh Chấn Đạc gọi như “cánh bướm sặc sỡ rập rờn”./ Ba là, nghệ thuật phúng thích chua cay, sắc lạnh cũng là nét đặc sắc nổi trội trong thơ Lý Thương Ẩn./ Bốn là, thơ Lý Thương Ẩn hàm chứa ý nghĩa triết lý sâu sắc, giàu tính tư tưởng, có thể mang lại cho người đọc nhiều ý vị vô cùng./ Năm là, nghệ thuật dùng điển tích cực kỳ công phu mà tinh tế. Phàm, kinh, sử, tử, tập, thần thoại, truyền thuyết, khi được ông dùng đều cấp cho nó nội hàm mới mẻ, khiến cho nội dung tư tưởng của bài thơ thêm phong phú, giàu chất nghệ thuật cũng như sức truyền cảm” (tr.45-46).
Không chỉ phân tích, luận giải đặc sắc thơ Lý Thương Ẩn, tác giả tập biên khảo còn bàn luận về những lầm lạc xoay quanh thơ ca Lý Thương Ẩn. Do đó, tập biên khảo xem như góp thêm một tiếng nói để hậu thế nhìn nhận lại giá trị thơ Ngọc Khê Sinh ngõ hòng xác đáng hơn. Đây cũng là một đóng góp khoa học, mang lại giá trị học thuật của tập biên khảo này.
“Những quan niệm thơ ca nghệ thuật như thế, rõ ràng đã thoát khỏi những quan niệm chỉ chú trọng đến hình thức, hay chỉ chú trọng đến nội dung giáo hóa mà không có tình cảm chân thật trong thi ca. Từ đó cũng cho thấy, Lý Thương Ẩn có sự tiếp nối và vận dụng sáng tạo những quan niệm thơ ca của những nhà thơ, những nhà phê bình ở các đời trước và đương đại vào quá tình sáng tác thơ ca, sáng tạo “nhào nặn cái đẹp”. Tiếc là, người đời sau học cái chỗ dùng điển kỳ bí của ông, chỉ chú trọng đến hình thức cầu kỳ mà không có nội dung tình cảm sâu xa cùng cái cốt tủy, tinh thần như Lý Ngọc Khê. Điều đó một phần khiến người ta hiểu lầm về thơ của Lý Thương Ẩn, mà cũng từ đó, thơ ông ít được người đời biết đến” (tr.70).
Vì vậy, thơ Lý Thương Ẩn (như ngay từ đầu PGS.TS. Lê Quang Trường đã trình bày) ít được chú ý và chuyển dịch. Bên cạnh ấy, tập biên khảo nào không chỉ bổ khuyết khoảng trống đó, mà còn có giá trị khoa học ở những phát kiến, mang dấu ấn riêng của bản thân nhà nghiên cứu. Từ việc tìm hiểu bao quát cho đến chi tiết tỉ mỉ, PGS.TS. Lê Quang Trường đưa ra những nhận định riêng. Nhiều khi, đó là những nhận định đi ngược lại phần đông ý kiến của người đi trước. Ông không ngần ngại sử dụng ngôi thứ nhất “tôi” trong hành văn. Có lẽ, trang viết chính là sự đối diện với trực tiếp với ý thức của Lý Thương Ẩn mà thôi. Các ý kiến của người đời xung quanh Lý Thương Ẩn chỉ là những tấm gương phản chiếu bóng hình của Lý Thương Ẩn chứ không phải bản thân nhà thơ. Do đó, nhà nghiên cứu họ Lê muốn nhìn nhận lại một cách trực tiếp đối tượng ở phần ẩn ức, uẩn khúc, sâu kín nhất của đối tượng.
“Trịnh Chấn Đạc từng cho rằng thơ của phái Ôn, Lý chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” phần nào đó cho thấy quan niệm thơ ca của Lý Thương Ẩn. Thế nhưng nếu đơn thuần cho rằng Lý Thương Ẩn chỉ chú trọng đến hình thức nghệ thuật thì tôi e điều đó chưa đúng. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này ngay khi đi vào tìm hiểu quan niệm thơ ca của Lý Thương Ẩn qua những bài mang tính phát biểu và thực tế sáng tác của ông” (tr.48).
Từ đây, PGS. TS. Lê Quang Trường chứng minh Lý Thương Ẩn không phải người chỉ chú trọng vào hình thức nghệ thuật. Ông chỉ ra những khía cạnh quan niệm thơ ca của Lý Thương Ẩn, như: chuộng tính tự nhiên, coi trọng vấn đề cấu tứ, đề cao tình cảm trong sáng tác. Qua biện giải của PGS. TS. Lê Quang Trường, bạn đọc nhận ra Lý Thương Ẩn là một hồn thơ đa sầu đa cảm, cốt thỏa cái chí, chứ không nệ hình thức. Không giống như đa phần ý kiến của người đời sau đánh giá về ông. Có lẽ vậy, PGS. TS. Lê Quang Trường tỏ vẻ tâm đắc và nhắc lại nhiều lần ý kiến của Ngô Kiều (đời Thanh), vì ông này ví von thơ Lý Thương Ẩn như “không cốc u lan”/lan trong rừng vắng. Và, có lẽ, cũng vì vậy ông dẫn lại ý kiến của Ngô Kiều như minh chứng làm tiền đề cho việc phản biện lại phần đồng ý kiến của hậu sinh cho rằng thơ Lý Thương Ẩn chỉ trọng hình thức.
“Người đời Đường làm thơ cốt thỏa cái ý của mình mà không cốt để người ta biết cái ý của mình, cũng không cần tìm người để giãi bày … Ôi, lòng người là chỗ ẩn khúc sâu kín, đã không thể nói được bằng lời lại chẳng muốn để người ta rõ nên mới phát ra ngâm vịnh. Trong ba trăm bài thơ (Kinh Thi) không ít kiểu như vậy, người đời Đường biết thế nên không để mất cái ý ấy vậy (Vi lô thi thoại” (tr.47).
Dù người đời biết tới hay chăng, cảm thấu hay chăng, lan vẫn tỏa hương trong rừng thanh vắng! Hương thơm u mặc, u tịch, u tình ấy đủ chia sẻ với khách tài hoa trong cõi nhân gian!
Về nét đẹp tài hoa
Nhìn trong lối cảm nghiệm, biên khảo “Lý Thương Ẩn – Lan trong rừng vắng” là sự kết hợp giữa tư duy khoa học và tâm hồn bay bổng giàu cảm xúc. Có lẽ, nhờ vậy, PGS. TS. Lê Quang Trường nhìn ra được tâm sự sâu kín của Lý Nghĩa Sơn. Ông đã lý giải được mâu thuẫn nội tại của Lý Nghĩa Sơn bằng cái nhìn cảm thông, không hoàn toàn lý trí và thực chứng. Hơn hết, nhà nghiên cứu họ Lê đã dùng tâm thế của lớp hậu sinh để ghi nhận đóng góp của Lý Thương Ẩn cho làng thơ. Tấm lòng trân trọng ấy, khác gì khách tài hoa thưởng thức mùi hương, thưởng ngoạn sắc lan trong rừng vắng!
“Những mâu thuẫn ấy dẫu sao cũng góp phần làm tiếng thơ Lý Thương Ẩn trở nên đa thanh, nhiều cung bậc, mông lung và kỳ bí. Cũng vì vậy có người cho rằng thơ ông như những cành lan mọc nơi kẽ núi, trong hang vắng, hay trong rừng sâu vẫn đang hồn nhiên hé nở rung rinh giữa vũ trụ muôn màu. Trong thế giới thơ đa thanh phồn tạp của đời Đường, thơ Lý Thương Ẩn vẫn chiếm một vị trí đặc biệt. Đọc rộng thơ ông và bình tâm chiêm nghiệm, sẽ thấy người tài tử đó có một tâm hồn hồn hậu, một cõi lòng thiết tha với cuộc đời và tình yêu, nào phải chỉ là kẻ ong bướm đa tình, vô hạnh như có người gán ghép cho ông. Tiếng thơ ông sẽ còn cùng hậu thế và đời sau hẳn có người hiểu ông hơn…” (tr.22).
Trong số người đời sau hiểu ông, có lẽ có PGS. TS. Lê Quang Trường vậy!
Bình thơ Lý Thương Ẩn, bên cạnh văn phong khoa học, bạn đọc hẳn thấy nét bút tài hoa qua lời bình luận có phần bay bổng và giàu tính hình tượng của PGS. TS. Lê Quang Trường!
“Đọc thơ Lý Thương Ẩn, ta như lạc vào mê cung, như lạc giữa rừng sâu chằng chịt cây lá. Thỉnh thoảng, người đọc thấy đâu đó lập lòe những đóm lửa, những vệt sáng cuối đường, hay le lói như bóng trăng xuyên qua táng lá chốc chốc bị những đám mây mờ giăng mắc” (tr.11-12).
Hình như, phảng phất ngòi bút văn nhân tài tử, thả lòng mình trôi theo dòng xúc cảm. Bên cạnh thao tác, lập luận, phương pháp khoa học trong việc khảo và luận thơ Lý Thương Ẩn, PGS. TS. Lê Quang Trường vẫn dành khoảng không gian vừa đủ cho tâm hồng đồng điệu giao cảm với thi nhân đời xưa. “Thế cho nên có người nói khó khảo được hành trạng nhân phẩm của ông, còn như bảo rằng ông có tài mà không có hạnh e hơi bất nhẫn” (tr.14). Đó là khía cạnh tri âm tri kỷ cũng là khí chất tài hoa – tài tử của nhà nghiên cứu họ Lê. Văn phong của ông, vì lẽ đó, vừa bảng lảng “màu thời gian” năm cũ, vừa hiện đại, khoa học. Cơ hồ, trong lời văn có giọng điệu của nhà nho một thời vàng son và bóng hình ông đồ một thời vang bóng. Bên cạnh đó, hẳn nhiên không thể không mang hơi hướng lối đặt câu, dùng từ, ngữ điệu gần gũi Trung văn, lại khiến bạn đọc nhận thấy có phần hàm chứa văn khí của những thi thoại Trung Hoa. Việc này, giúp cho trang sách mang màu sắc cổ điển. Nhiều chỗ, giữa lời phẩm bình và giọng điệu thi nhân không tách biệt, cơ hồ nhập hòa làm một. Nên gọi là tri âm tri kỷ với người xưa. Lời của người hôm nay với giọng của người năm xưa hòa quyện vào nhau. Cho nên, có thể nói, PGS. TS. Lê Quang Trường đã bước vào được  “thi thổ” của Lý Thương Ẩn vậy.
“Khát vọng muốn thực hiện tài năng và hoài bão vấn vương của nhà thơ như kiếp tơ tằm khôn dứt. Thế nhưng con đường nhập chính của thi nhân chẳng bao giờ làm ông thỏa khát vọng, nên mới “sáng soi gương buồn đầu điểm bạc, đêm ngâm thơ ánh nguyệt lạnh lùng”. Cảm xúc ấy xưa nay thường vẫn là cảm xúc của những tài tử bất đắc chí, đau đời đau mình, thở than trong đêm vắng” (tr.14-15).
Ánh trăng lạnh lùng trong đêm ngâm thơ của Lý Nghĩa Sơn thật vừa giống vừa lại khác “khúc hạo ca” của Lý Thái Bạch. Nếu, khúc ca của Lý Thái Bạch khoáng đạt hào sảng như vọt lên trời cao (Hạo ca đãi minh nguyệt,/ Khúc tận dĩ vong tình) thì thi ngâm của Lý Nghĩa Sơn mang cái lạnh lùng tê tái chìm xuống lắng sâu vào tâm khảm (Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn). Ta chợt hiểu vì sao Lý Thương Ẩn có chỗ đứng riêng trong thơ Đường. Có lẽ, người xưa đã thị hiện thông qua tâm hồn nhà nghiên cứu và nhà nghiên cứu đã sống ở hồn phách của người xưa. Đôi bên đã thiết lập được được “trường cộng hưởng” nối kết thiên niên.
Không chỉ vậy, trình bày cuộc đời và sự nghiệp thi văn Lý Thương Ẩn, tác giả tập biên khảo cho bạn đọc nhận ra nhiều nét tương đồng cuộc đời Nguyễn Du – phận tài hoa bạc mệnh! Một tư tưởng phức tạp, nhiều mâu thuẫn. Bởi cuộc đời cũng nhiều truân chuyên, cay đắng. Hơn hết, PGS. TS. Lê Quang Trường khiến bạn đọc thông cảm những oan nghiệt cuộc đời Lý Thương Ẩn. Tức là, biên – khảo để chuyển tải một niềm thương cảm. Bấy giờ đã vượt ra ngoài mục đích biên khảo để trở thành kẻ tri âm, đồng điệu, chan hòa tâm sự. Tâm hồn của nhà nghiên cứu họ Lê  quả thực giàu lòng thương, lại cũng rất đa sầu đa cảm. Nói tới bi phẫn cuộc đời và sự nặng tình của Lý Thương Ẩn thì chính nhà nghiên cứu họ Lê kỳ thực, cũng là người rất nặng tình!
“Một loạt những bài thơ khóc thương Lưu Phần, chứa đầy nước mắt uất hận lẫn tiếng kêu gào cật vấn trời xanh về số phận của tài tử và bày tỏ sự đồng cảm thương tiếc cho một tài sĩ bị bọn hoạn quan hãm hại. Tiếng khóc của Lý Thương Ẩn, vừa là khóc cho một người bạn, nhưng đồng thời cũng là tiếng khóc than cho số phận của người tài tử” (tr.32).
Tiếc cho đời tài tử, khóc phận tài hoa, chẳng phải vì cảm và thương cho tài hoa – tài tử đó sao! Chỉ những người “cùng một lứa bên trời lận đận” mới giao cảm đến nhường ấy. Chợt nghĩ, quá trình học lập, lao động nghiên cứu của nhà nghiên cứu họ Lê hẳn cũng không ít chông gai! “Một tiếng kêu vang, ngàn lần ngoái cổ/ Cao xanh không đáp, cơ hồ chẳng nghe”. “Thiên địa du du”, có chăng, lòng người cùng một nỗi lận đận mới nghe ra những lời thống thiết!
Và, chính ở những đoạn hòa điệu cùng cảm xúc thi ca Lý Thương Ẩn như vậy, khí chất đĩnh đạt, tài hoa của nhà biên khảo mới bộc lộ. Khi Ngọc Khê Sinh “thiêm hận lệ” thì Tố Như đã “đoạn trường” còn nhà nghiên cứu họ Lê dường như cũng đứt ruột! Và, lúc ấy, bản thân ông không là ông, cơ hồ như kẻ tài tử thưởng lãm tuyệt tác nghệ thuật – lòng những trào dâng xúc cảm vô cùng.
“Lý Thương Ẩn viết nhiều thơ về tình yêu và để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người. Người ta có thể thấy tình cảm của Lý Thương Ẩn bàng bạc trong mỗi dòng thơ có vẻ như khó hiểu vì quá nhiều điển cố. Càng đọc thơ của ông mới hiểu vì sao nười ta gọi ông là “Tiểu Lý”, tôi cho rằng, thơ của Lý Thương Ẩn có chất đa tình hào khoáng, phóng túng của Lý Bạch, có tình cảm nồng nàn, đau xót thân phận, nỗi thương cảm về cuộc đời về những kiếp người, số phận tài tử, tài nữ như Đỗ Phủ … nhưng thơ ông vẫn có phong vị và thần vận riêng của mình” (tr.71).
PGS. TS. Lê Quang Trường nắm bắt được “thần vận” đó. Lắm khi, bạn đọc thấy ông trở thành kẻ đương thời với thi nhân hơn ngàn năm trước. Ẩn đằng sau một nhà khoa học, ấy là trang tài tuấn đa sầu đa cảm. Lời văn của ông vì thế giàu hình tượng, đa mỹ cảm. Không riêng trang nghiên cứu cả trang tản văn, nhiều phát hiện lắm ưu hoài và lời lẽ chẳng kém phần mượt mà trau chuốt!
“Sáng tác của Lý Thương Ẩn vẫn như lan trong rừng vắng. Dẫu bao mùa đi qua, những cánh lan vẫn ngát hương âm thầm dâng hiến cho thiên nhiên núi rừng như có người đã nói về ông. Với riêng tôi, thơ ca của ông sẽ còn lấp lánh tựa viên ngọc trong dòng khe suối, như đúng tên gọi Ngọc Khê của ông, đang chờ những khách thơ tìm đến thưởng lãm” (tr.70).
Và, không ngần ngại khi gọi nhà nghiên cứu họ Lê là trang tài tử – trang tài tử ấy, thưởng lãm những tứ thơ của Ngọc Khê Sinh. “Như hà tứ kỷ vi thiên tử/ bất cập Lư gia hữu Mạc Sầu”, phân tích những tứ thơ trong thi ca Lý Thương Ẩn đâu chỉ luận bàn đặc điểm và cách thức cấu tứ thơ. Đúng hơn, ông lắng nghe, cảm nghiệm và thấm thía với nỗi đau đời của chính thi nhân từng nghiệm và cảm. Bắc nhịp cầu tri âm xuyên vượt thời gian, nhà nghiên cứu họ Lê dường như cũng đang nếm trải nỗi chua chat cay đắng mà Lý Thương Ẩn đã nếm trải trong nỗi sầu tư về tình yêu và nhân thế. Nói ra được nỗi niềm của bậc tài tử Lý Thương Ẩn dành cho bậc tài tử muôn đời, ấy là nhà nghiên cứu họ Lê đã cộng hưởng với muôn đời tài tử.
“Thế nhưng Lý Thương Ẩn chưa bao giờ là một nhà thơ từ bỏ hiện thực, xa rời hiện thực. Trong ông luôn bùng cháy ngọn lửa của lòng nhiệt thành phò vua giúp nước, cải thiện xã hội, giúp đỡ nhân dân. Bi kịch của ông là bi kịch của thời đại, của những người tài tử đương thời và muôn thuở. Vì vậy thơ ông luôn chứa chan tình cảm, dạt dào nỗi niềm, và ngổn ngang tâm sự mâu thuẫn … Cũng vì thế, tình cảm chân thành cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong quan niệm thơ ca của Lý Thương Ẩn” (tr.61).
Đọc trang nghiên cứu của PGS. TS. Lê Quang Trường, bạn đọc cơ hồ tự nguyện nhập vào trường tư tưởng của nhà thơ và nhà nghiên cứu. Bởi, sự đồng cảm cùng vẻ minh xác, gãy gọn, khúc chiết của trang nghiên cứu, tập biên khảo này cũng ưu hoài canh cánh nỗi niềm “phần dư” trong vận số văn chương chữ nghĩa. Vì, chữ nghĩa văn chương những mong chuyên chở số phân và tâm sự hồn người, nên “Lý Thương Ẩn – Lan trong rừng vắng” của PGS. TS. Lê Quang Trường là cuộc tao phùng giãi bày tâm sự giữa những kẻ chung mệnh tài hoa, chung cuộc đoạn trường!
Về tấm chân tình
Dịch thơ Lý Thương Ẩn, nhìn chung việc chuyển dịch thường thấy: nguyên tác Hán văn, âm Hán Việt, chú thích, dịch nghĩa, dịch thơ. Tập biên khảo của PGS. TS. Lê Quang Trường cũng theo lệ ấy, song có những nét riêng và bổ khuyết hữu ích cho việc tìm hiểu thơ Lý Thương Ẩn.
Như đã trình bày trong phần dẫn nhập của tập biên khảo, PGS.TS. Lê Quang Trường nhận thấy việc giới thiệu, dịch thơ Lý Thương Ẩn ở Việt Nam tương đối hạn chế. “Như vậy tổng số bài thơ của Lý Thương Ẩn được dịch ra tiếng Việt ước chừng trên dưới năm mươi bài, nhưng vẫn chưa có công trình nào chuyên biệt về dịch và giới thiệu nội dung tư tưởng trong thơ ca của Lý Thương Ẩn. […] Thiết nghĩ một thi tài như Lý Thương Ẩn mà không được dịch và giới thiệu cũng như tìm hiểu nội dung trong thơ ông, âu cũng là điều đáng tiếc” (tr.6-7). Chẳng hạn, tập Đường thi của Ngô Tất Tố do Nhà xuất bản Tân Dân ấn hành (1940), không trích dịch thơ Lý Thương Ẩn. Dù nhắc đến Lý Thương Ẩn như một trong số tay lỗi lạc hơn hết hồi vãn Đường, nhưng Ngô Tất Tố không luận bàn và dịch thơ Lý Thương Ẩn (trong khi hồi Vãn Đường, học giả họ Ngô có dịch thơ Đỗ Mục và Trịnh Cốc). Hẳn nhiên, người đọc không có căn cứ để lý giải sự bỏ qua này. Tuy nhiên, từ sự gợi nhắc của PGS.TS. Lê Quang Trường về cái nhìn của hậu thế đối với thơ Lý Thương Ẩn, người đọc có thể hiểu việc ấy phần nào. Cũng chính vì vậy, tâm tư của PGS. TS. Lê Quang Trường đối với thơ Lý Thương Ẩn thiết nghĩ đáng quý hơn. Ông giới thiệu hành trạng, sự nghiệp, quan niệm thi ca, kèm lời bàn luận sâu rộng về bối cảnh văn học trước sau và cùng thời Lý Thương Ẩn; đồng thời dịch thơ Lý Thương Ẩn với số lượng rất nhiều (khoảng 156 bài). PGS. TS. Lê Quang Trường đã góp phần không nhỏ đưa một nhà thơ tài hoa đến gần hơn với độc giả Việt Nam.
Quyển “Lược khảo thơ Trung Quốc” của Doãn Kế Thiện (do Văn học tùng thư xuất bản, 1943, tại Hà Nội) chỉ nhắc đến tên Lý Thương Ẩn một lần, không có dịch thơ hay bàn luận gì. Có lẽ, do dung lượng và tầm vóc đồ sộ của thơ ca Trung Quốc hàng thiên niên kỷ, khó có thể luận bàn cặn kẽ. Tuy nhiên, không nhắc đến dù chỉ tên bài thơ, trường hợp thi sĩ tài hoa như Lý Thương Ẩn, quả là đáng tiếc!
Trước 1945, Lệ Thần Trần Trọng Kim cũng có dịch một số bài thơ Lý Thương Ẩn. Có lẽ, vì để chuyển tải được nhiều thi nhân, phác họa sơ lược toàn cảnh thơ Đường, nên Lệ Thần tiên sinh chẳng thể bàn nhiều, bàn kỹ về từng nhà thơ. Do đó, việc dịch của Lệ Thần tiên sinh âu cũng vừa đủ Hán văn, âm Hán Việt, và dịch thơ, kèm theo đại ý nội dung bài thơ. Chẳng hạn bài Thiền (Con ve), ông có nêu đại ý bài thơ như sau: “Tiền giải nói tiếng ve kêu trên cây, hậu giải nói cái tình tứ của con ve” [3]. Với bản dịch của PGS. TS. Lê Quang Trường, với tinh thần rộng đường khảo cứu nghiền ngẫm, ông còn bổ sung thêm dịch nghĩa và điểm bình. Cụ thể, bài thơ “Thiền”, ông có nêu ra thêm ý kiến của Tả Quân Như, Kim Tính Nghiêu, Thi Bổ Hoa, để làm rõ thêm ý của bài thơ này Lý Thương Ẩn. Thiết nghĩ, việc này, thực sự bổ ích; nhất là độc giả thời nay, khi khoảng cách biệt về thời gian lịch sử, không gian văn hóa với sinh hoạt chữ nghĩa trung đại và thơ ca cổ điển Trung Quốc có phần xa lạ với đa phần bạn đọc trẻ ở Việt Nam hiện nay.
Riêng bài Thiền, so hai bản dịch (của Trần Trọng Kim và Lê Quang Trường), ở câu: “薄宦梗猶泛” (Bạc hoạn ngạnh do phiếm); Lệ Thần tiên sinh chuyển dịch: “Phận hèn nhiều nỗi bấp bênh”; Lê Quang Trường dịch: “Chức hèn, củi, nước lênh đênh”. Điểm chung, cả hai bản dịch đều chuyển từ thể ngũ ngôn sang lục bát. Với sự dịch của Lệ Thần tiên sinh, hồn thơ tình thơ thật là đủ đầy lại thêm ngữ điệu dập dìu, thật là tương hợp với “ngạnh do phiếm”. Phận hèn cơ hồ đã ghi lại được cảm thức “bạc hoạn” nhưng có phần đã dịch rộng ý hơn. Phần đã mất đi cái ảnh thơ “ngạnh” (PGS.TS. Lê Quang Trường chú thích “ngạnh do phiếm” trong bản dịch của ông rằng có liên quan đến Chiến quốc sách, Tề sách III và bài thơ Thính minh thiền của Lư Tư Đạo). Câu dịch của PGS. TS. Lê Quang Trường quả đã dịch sát ý nguyên tác hơn của Lệ Thần tiên sinh, ở chỗ “chức hèn”/ bạc hoạn; củi /ngạnh. Tuy so về tình điệu thẩm mỹ, bản dịch của Lệ Thần hẳn đã thanh thoát và bay bổng; nhưng bản dịch của PGS. TS. Lê Quang Trường có thể giúp người đọc hiểu cặn kẽ hơn ý tứ trong nguyên tác của Lý Thương Ẩn.

本以高難飽,
徒勞恨費聲。
五更疏欲斷,
一樹碧無情。
薄宦梗猶泛,
故園蕪已平。
煩君最相警,
我亦舉家清。
Thiền
Bản dĩ cao nan bão,
Đồ lao hận phí thanh.
Ngũ canh sơ dục đoạn,
Nhất thụ bích vô tình.
Bạc hoạn ngạnh do phiếm,
Cố viên vu dĩ bình.
Phiền quân tối tương cảnh,
Ngã diệc cử gia thanh.
“Thanh cao nên khó no lòng,
Bất bình nên phải nhọc công kêu gào.
Canh năm giọng lả hơi hao,
Vô tình cây vẫn một màu biếc xanh.
Chức hèn, củi, nước lênh đênh,
Vườn xưa nay đã trở thành hoang vu.
Phiền ve nhắc nhở ngàn thâu,
Thanh tao giữ nếp làm câu răn mình” (tr.258)
(Lê Quang Trường dịch)
“Chỗ cao vốn khó kiếm ăn
Luống công mỏi miệng, nhọc nhằn phí hơi
Năm canh thưa tiếng muốn thôi,
Một cây xanh biếc là nơi vô tình.
Phận hèn nhiều nỗi bấp bênh,
Vườn xưa cỏ rậm đã thành đất không.
Nhờ ai răn bảo đến cùng,
Suốt nhà ta giữ tấm lòng sạch trong” [4].
(Trần Trọng Kim dịch)
Biết rằng, sự chuyển dịch, nhất là dịch thơ, thật khó thay! Bởi, vì thơ như một chỉnh thể thống nhất hồn phách – thân xác, lại có nhiều liên hệ tình, ý, thanh, điệu, và cả “tone” giọng của thi nhân. Dịch thơ quả nhiên việc làm chẳng dễ dàng. Cho nên, bàn đến sự chuyển dịch ở đây, thiết nghĩ, chỉ có ý thêm một góc nhìn cho sự hiểu biết về thi ca Lý Thường ẩn được phần cặn kẽ hơn, cũng là tấm chân tình của người đời sau đối với người đời trước – có khi xa lắc xa lơ, để hiểu tâm huyết và trăn trở của PGS.TS. Quang Trường khi chuyển dịch thi ca Ngọc Khê Sinh.
Ví như, bài thơ “Bắc Thanh La”, “tàn dương” có thể dịch là “nắng chiều”, và dịch như vậy không mất đi chính ý của nguyên tác; song e rằng sẽ thu hẹp “không gian biểu hoạt” của câu thơ. Tàn dương biểu thị bóng mặt trời buổi chiều tàn phủ trùm lên không gian, tức là sự chú ý của câu thơ ở chỗ phủ trùm của bóng mặt trời, tức ở một không gian rộng; trong khi “nắng chiều” tập trung sự chú ý của người đọc vào hình ảnh nắng, tức thu hẹp không gian nghệ thuật của “tàn dương”. Ở từ này, Trần Trọng Kim dịch là “bóng chiều”; Lê Quang Trường dịch “bóng tà”, có phần tương thích với nguyên tác hơn. Xét câu cuối “吾寧愛與憎”/ “Ngô ninh ái dữ tăng”, Lệ Thần tiên sinh không chú thích kỹ ở chỗ “ái dữ tăng”, nên khó có thể bàn xem cách hiểu của tiên sinh liệu có dính dáng gì đến Phật lý hay không! Còn trong bản dịch của Lê Quang Trường, ông chú thích “ái tăng” dựa theo Kinh Lăng Nghiêm, phù hợp chỉnh thể ý nghĩa bài thơ với “phỏng cô tăng”. Lê Quang Trường dịch câu cuối là “Ghét, yêu rũ sạch bay”. Còn Lệ Thần tiên sinh dịch là “Ta đành cứ chịu ghét yêu cho rồi”. Lê Quang Trường dịch “ninh/” là Rũ sạch, tức phản ảnh ý buông bỏ chấp niệm yêu ghét; Trần Trọng Kim dịch là “đành cứ chịu” ít nhiều phản ảnh ý bất lực, phó mặc, thây kệ chuyện yêu ghét trên đời. Không phải không phảng phất ý nghĩa buông bỏ như trong Phật lý, nhưng cách dịch của Trần Trọng Kim cơ hồ khiến “ngô” thành ra ở thế bị động. Cho nên, cách dịch của Lê Quang Trường gần với Phật lý hơn so với cách dịch của Trần Trọng Kim. Ở bài “Bắc Thanh La”, vẫn là phong cách dịch như bài Thiền, Trần Trọng Kim biến từ thể ngũ ngôn thành lục bát, nhập được phách vào hồn của Lý Thương Ẩn, tình điệu thực là mượt mà lắng dịu như không gian “tàn dương” đã mở ra. Còn cách dịch của Lê Quang Trường hướng đến nỗi niềm, thâm ý uyên áo của Lý Thương Ẩn. Do đó, cách dịch của Trần Trọng Kim cơ hồ phù hợp hơn với tâm thế thưởng thức mỹ cảm thơ Đường, còn cách dịch của Lê Quang Trường có vẻ phù hợp hơn với tâm thế chiêm nghiệm nghĩa lý thơ Đường.
北青蘿
殘陽西入崦,
茅屋訪孤僧。
落葉人何在,
寒雲路幾層。
獨敲初夜磬,
閑倚一枝藤。
世界微塵裡,
吾寧愛與憎。
Bắc Thanh La
Tàn dương tây nhập yểm,
Mao ốc phỏng cô tăng.
Lạc diệp nhân hà tại,
Hàn vân lộ kỷ tằng.
Độc xao sơ dạ khánh,
Nhàn ỷ nhất chi đằng.
Thế giới vi trần lý,
Ngô ninh ái dữ tăng.
Bắc Thanh La
Bóng trời chiều lặn về tây vào chốn núi Yêm Tư,
Đến lều cỏ thăm vị sư ở một mình
Lá rơi chẳng thấy người nơi nào?
Đường non quanh co như vươn lên mấy tầng mây lạnh.
Chợt nghe một tiếng chuông đầu chiều hôm,
Ta đứng nhàn nhã chống cây gậy nghỉ ngơi
Ba ngàn thế giới nằm trong hạt bụi nhỏ
Thì ta há còn gì để ghét và yêu
(Lê Quang Trường dịch nghĩa)
Bóng tà ngả non tây,
Nhà cỏ đến thăm thầy.
Lá rụng người đâu thấy,
Mây thu lối bủa vây.
Đầu hôm vang tiếng khánh,
Nhàn đứng dựa thân mây.
Thế giới trong mảy bụi,
Ghét, yêu rũ sạch bay” (tr.279).
(Lê Quang Trường dịch)
“Bóng chiều lặn xuống núi tây
Nhà tranh đến hỏi thăm thầy cô tăng
Người đâu lá rụng khắp rừng
Mây che lạnh lẽo mấy tầng đường đi
Một mình đập khánh đêm khuya
Thẩn thơ đứng tựa gần kề dây leo
Ở trong trần thế bọt bèo
Ta đành cứ chịu ghét yêu cho rồi”[5]
(Trần Trọng Kim dịch)
Trường hợp bài thơ “Dạ vũ ký bắc” là bài thơ tuy gần mà xa, tuy lạnh mà ấm, tuy hiện tại mà sau này. Chính vậy gọi là “ký bắc”. Trong bản dịch của Lê Quang Trường, kèm với phần chú thích luận giải về nguồn gốc hoàn cảnh ra đời bài thơ, bạn đọc có thể hiểu sâu sắc hơn tâm sự của thi nhân. So sánh bản dịch, thấy rằng Lê Quang Trường vẫn giữ đúng thể của nguyên tác. Như phần mở đầu, ông có thưa trước rằng chỉ khi vạn bất đắc dĩ mới đổi thể của bản gốc. Không chỉ giữ nguyên thể, Lê Quang Trường dường như còn muốn giữ đúng cấu trúc âm thanh của nguyên tác khi chuyển dịch. Sự chuyển dịch sao cho trọn ý-tình đã khó, giữ được cấu trúc âm thanh của thơ quả là càng khó bội phần! Cũng là chữ vị (), Nam Trân dịch “khó hẹn”, Trần Trọng San dịch “chưa biết”. Lê Quang Trường dịch “chửa biết”. Nét nghĩa xem ra không khác bao nhiêu. Nhưng chính thanh hỏi của “chửa” diễn tả được tình điệu thẩm mỹ của câu thơ. Đó là nỗi đắn đo, đau đáu, quặn thắt, ưu hoài, trì đọng của tâm hồn vì không biết ngày nào có thể gặp lại. Có lẽ vậy, xét về mặt ngữ nghĩa thì “chửa” cơ hồ tương hợp với sự “vấn” kia hơn!
夜雨寄北
君問歸期未有期,
巴山夜雨漲秋池。
何當共翦西窗燭,
卻話巴山夜雨時。
Dạ vũ ký bắc
Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ,
Ba sơn dạ vũ trướng thu trì.
Hà đương cộng tiễn tây song chúc,
Khước thoại Ba sơn dạ vũ thì.
Ngày về chưa biết bao giờ
Ba sơn mưa tối ao thu dâng đầy
Bao giờ khêu nến song tây
Cùng nhau kể chuyện mưa bay đêm nào.
(Trần Trọng San dịch)
Ngày về khó hẹn cho nhau,
Ba Sơn mưa tối hồ thu nước đầy
Bao giờ chung bóng song tây
Còn bao nhiêu chuyện núi này mưa đêm!
(Nam Trân dịch)
Đêm mưa gởi về bắc
Người hỏi ngày trở về, nhưng ta chưa biets ngày nào trở lại,
Đêm ở Ba Sơn, mưa làm dâng nước hồ thu.
Bao giờ trở lại cùng khêu nến bên song cửa tây,
Ta sẽ kể chuyện mưa ở Ba Sơn tối nay.
(Lê Quang Trường dịch nghĩa)
Em hỏi ngày về, chửa biết ngày,
Ba Sơn mưa tối nước thu đầy.
Bao giờ khêu nến song tây ấy?
Kể chuyện Ba Sơn mưa tối nay.
(Lê Quang Trường dịch)
Có lẽ, chỉ có thể nêu vài trường hợp! Nhất thời, không thể khảo hết bản dịch thơ của tập sách “Lý Thương Ẩn – Lan trong rừng vắng”, nhưng qua đây thiết nghĩ cũng giúp bạn đọc nhận ra phần nào phong cách dịch thơ của PGS.TS. Lê Quang Trường. Thông qua một số phân tích, so sánh ở phần dịch thơ trong tập sách của ông với một số quý vị học giả, bạn đọc có thể nhận ra quan điểm dịch thơ của ông. Dường như, ông có phần chú trọng chuyển tải ý nghĩa, âm thanh (hay nhạc thơ nói chung) sao cho sát với nguyên tác hơn là tạo ra tình điệu thẩm mỹ phù hợp với người đọc đương thời. Riêng khía cạnh âm thanh, ông cố gắng giữ nguyên cấu trúc âm thanh của văn bản gốc khi chuyển dịch. Việc này, thực sự rất khó khăn. Nếu, quý  vị học giả tiền bối có xu hướng dịch thoát ra khỏi thể và cấu trúc âm thanh của nguyên tác, thì Lê Quang Trường cố gắng bám sát khía cạnh ấy. Điều này, minh chứng cho thấy “người đọc tiềm ẩn” của hai khuynh hướng dịch là khác nhau!
Tạm kết
Tựu trung, tập biên khảo “Lý Thương Ẩn – Lan trong rừng vắng” của PGS.TS. Lê Quang Trường mang lại sự đóng góp rất đáng trân trọng. Giá trị khoa học, nét đẹp tài hoa và tấm chân tình là những đặc trung nổi bật riêng có của tập sách. Về mặt khoa học, tập biên khảo của Lê Quang Trường đã bổ sung thêm hiểu biết về thi ca Lý Thương Ẩn, bên cạnh đó làm sâu sắc hơn hình tượng thi ca của Lý Thương Ẩn trong bức tranh thơ Đường rộng lớn. Không chỉ thấy vẻ đẹp, cảm tâm sự của Ngọc Khê Sinh, độc giả còn nhận ra tấm lòng của nhà nghiên cứu đối với Lý Thương Ẩn nói riêng và bậc tài tử bạc mệnh nói chung. Đây cũng là một trong số nguyên động lực tạo nên nét đẹp tài hoa từ tấm chân tình của nhà nghiên cứu họ Lê. Bởi sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia của bản thân nhà nghiên cứu đối với bậc tài tử nên trang viết toát lên tình thương đáng quý!  Cũng vì quý và thương, văn phong của PGS. TS. Lê Quang Trường trong tập này không chỉ minh xác, rõ ràng, khoa học mà còn rất bay bổng, hoa mỹ, đa sầu đa cảm. Hỏi rằng, đó có phải là cái duyên tao ngộ vượt dòng thời gian của người xưa với kẻ nay, chăng!?.
Chú thích:
[1] Năm 1898, triều vua Thành Thái thứ 10, tỉnh Quảng Nam có 5 sĩ tử đỗ cùng khoa Mậu Tuất. Ba Tiến sĩ: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn và hai Phó bảng: Ngô Chuân (còn gọi là Ngô Truân, Ngô Trân hay Ngô Lý), Dương Hiển Tiến.
[2] Đinh Phan Cẩm Vân (2011). Cảnh và tình trong Đường thi. Tạp chí Khoa học ĐHSP TP. HCM số 26 (2011). tr.6 (6-10).
[3] Trần Trọng Kim (tuyển dịch, 1995). Đường thi. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin, tr.241.
[4] Trần Trọng Kim (tuyển dịch, 1995). Đường thi. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin, tr.242.
[5] Trần Trọng Kim (tuyển dịch, 1995). Đường thi. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin, tr.243.
25/3/2024
Trần Bảo Định
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

Chùm truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải Cô thấy cả bốn  bạn “ứng cử viên” đều là những bạn học tốt, xứng đáng tham gia Ban Cán ...