Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024

Thương dân dân lập đền thờ

Thương dân dân lập đền thờ

Khi khởi thảo cuốn tiểu thuyết lịch sử “Thảm kịch vĩ nhân” viết về 27 ngày cuối đời của Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi và Lễ Nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ (NXB Hội Nhà văn và Cty Nhã Nam in và phát hành 2019), tôi được nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, người truyền nhân số một thời hiện đại của Ức Trai tiên sinh, cung cấp cho nhiều tư liệu lịch sử.
Ông là người có công lớn trong việc phục dựng và xây mới ba ngôi đền thờ hai ngài tại Khuyến Lương (Thanh Trì, Hà Nội), Hải Triều (Hưng Hà, Thái Bình) và Lệ Chi Viên (Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh).
Một lần về đền thờ Khuyến Lương vào dịp giỗ hai ngài (16.8 âm), chúng tôi được ông thủ từ rút từ đài hương đưa cho một mảnh giấy có ghi địa chỉ của mấy người khách từ Hương Sơn, Hà Tĩnh. Họ ra thắp hương và báo rằng, tại xã Sơn Tiến, Hương Sơn, có một ngôi chùa mang tên Côn Sơn, trong chùa có phối thờ tượng hai ngài Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Lần đầu tiên tôi nghe đến ngôi chùa ở vùng núi Hương Sơn miền Trung trong kia. Cũng từng có sự trùng hợp giữa hai chùa Hương Tích (động Hương Tích, chùa Hương ở Mỹ Đức, Hà Đông, từng nức tiếng Nam Thiên đệ nhất động), với một chùa Hương Tích (Hương Sơn) nằm trên dãy Hồng Lĩnh, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Cả hai chùa Hương Tích ấy đều nổi tiếng từ lâu. Nhưng chùa Côn Sơn ở Hương Sơn (trùng tên với Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương, nơi có rất nhiều gắn bó với cuộc đời Nguyễn Trãi), thì thật lạ lùng. Vì sao có chuyện lạ như thế? Sử sách không hề ghi chép gì về việc Nguyễn Thị Lộ cùng tham gia trong đội quân Lam Sơn, sao hai ngài lại vi hành xa đến thế? Có chuyện lầm lẫn gì chăng? Những câu hỏi ấy theo chúng tôi suốt mấy năm. Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc (cho tới lúc mất, năm 2017) và tôi, mấy lần định làm cuộc điền dã vào Hương Sơn mà chưa thành.
Thế rồi, giữa lúc cơn bão số 4 Podul sắp đổ bộ vào dịp 2 tháng 9 năm 2019, tôi nhờ tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, người có con xe Land cruiser chuyên chở bạn bè và mấy người bạn ham xê dịch, hứng chí phóng xe nhằm thẳng Hà Tĩnh. Cái ông tiến sĩ từng tu nghiệp mười hai năm ở Pháp, ba năm làm thuê ở Brazin này lạ lắm. Ông làm tiến sĩ vật lý, nhưng lại chan chứa tâm hồn văn chương, toàn thích chơi với các văn nghệ sỹ. Cứ rỗi việc là ông lại đổ xăng, tự lái xe đưa bạn bè đi điền dã những nơi hữu tình hoặc đậm dấu ấn văn hóa lịch sử. Chỉ riêng trong năm nay, ông đã đưa chúng tôi ba lần lên cao nguyên đá Hà Giang, nơi có khu du lịch Pả Vy, của người bạn H’Mông ở Mèo Vạc mà ông đang thực hiện đề tài bê tông hóa đất đồi bằng chất phụ gia do ông chế tác. Chuyến ấy, hứng chí, nguyên giám đốc Sông Đà 6 Nguyễn Thịnh còn rủ chúng tôi vòng sông Gấm, qua Bảo Lạc, Nguyên Bình, dọc đường số 4 men thung lũng sông Kỳ Cùng, qua Đông Khê, Thất Khê, Lạng Sơn rồi về Hà Nội.
Đường vào chùa Côn Sơn.
Lần này, vẫn nhóm Mèo Vạc ấy, bẩy anh em trên một chiếc Cruiser, vượt trước cơn bão, nhằm Hương Sơn thẳng tiến. Vượt cầu Yên Xuân vắt qua sông Lam, cây cầu vòng cung gần 4.000 mét diễm lệ như một tác phẩm điêu khắc điệu nghệ, phóng qua thung lũng sông, nơi sông La hợp lưu với sông Lam, đẹp mê hồn, chúng tôi đã nhìn thấy nhấp nhô răng cưa dãy núi Thiên Nhẫn trước mặt. Giáo sư Trần Ngọc Vương, chuyên gia Hán Nôm và văn học Việt Nam cổ, cận đại, người duy nhất được chính phủ Trung Quốc mời sang thỉnh giảng tại Bắc Kinh về văn học cổ Việt Nam trong chín tháng, bỗng ngâm một câu thơ trong Quốc Âm thi tập của Ức Trai: “Vũ quá sơn dung sấu” (Sấu S, nghĩa là gầy, mảnh. Sau mưa dáng núi như gầy hơn). Nhà báo Cao Giang vỗ đùi đánh đét. “Bài thơ Giang hành (đi thuyền trên sông) của Ức Trai quả là tuyệt bút. Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng đang lái xe cũng phải đập tay lái trầm trồ vì câu thơ thần, làm xe khẽ lạng tưởng như sắp văng xuống ruộng.
Núi Thiên Nhẫn (còn có tên gọi Trăm Ngàn, Phượng Hoàng Sơn, Thiên Nhận) là một danh sơn của Nghệ Tĩnh, chạy qua bốn huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Đức Thọ và Hương Sơn. Đây là một dải núi thấp được ví như 99 con phượng hoàng, độ cao sàn sàn từ 150 đến 200 mét, đột khởi có ba ngọn tam thái vượt lên là Động Bút (240 mét), Động Trọ Voi (253 mét), Động Thiên Nhẫn (254 mét). Tại đỉnh cao nhất này, còn gọi là Hoàng Tâm, vào những năm 1422-1427, theo kế sách của Nguyễn Chích, Bắc Bình Vương Lê Lợi đã cho xây căn cứ Lục Niên để vây thành Nghệ An và làm bàn đạp đánh vào Tân Bình, Thuận Hóa, tiến ra Tây Đô, Đông Quan.
Để đến được những đoạn thành cổ Lục Niên xếp bằng đá trên đỉnh Thiên Nhẫn, mà thời gian sáu trăm năm đã gần thành phế tích, phải mất mấy tiếng đồng hồ. Vả lại mưa bão luôn đổ ập bất ngờ, ba con sông thơ mộng Ngàn Phố, sông Lam, sông La với ngã ba Tam Soa, bến Linh Cảm bất thần có thể nước dâng ngang trời. Chúng tôi đành không lên Thiên Nhẫn mà giành thời gian đến thăm chùa Côn Sơn.
Bắt đầu nổi gió. Và mưa. Mưa bão bịt bùng, có lúc kính xe mờ mịt. Đi theo Google Map trên xe dẫn đường vòng vèo qua những đồi bạch đàn, vườn cam, khe suối, để tìm đến ủy ban nhân dân xã Sơn Tiến. Vậy mà vẫn lạc dường. Và, như trời xui khiến, xe chạy cùng đường, vào giữa sân một nhà dân. Bỗng trời bừng nắng. Chủ nhà trạc năm mươi, tên Đăng, như chờ đợi chúng tôi từ lâu. Anh bảo, suốt từ sáng cứ bồn chồn như có khách đến thăm, hóa ra là các ông. Anh bảo, ngày trước hai thôn Côn Sơn và Vực Rồng là một, nay tách thành hai. Chùa vẫn nằm trên đất thôn Côn Sơn. Anh Đăng giới thiệu qua với khách rồi hăm hở cưỡi xe máy dẫn đường. Chừng một cây số thì đến một khu đất cao, có một am lợp ngói, ghi ba chữ “Chùa Côn Sơn”. Mấy bà vãi ở khu nhà dưới cũng tự nhiên không ai bảo ai, bồn chồn chờ đợi từ hôm qua, rồi họp nhau từ sáng sớm, thấy khách đều ra tiếp niềm nở: “Còn nửa tháng nữa mới đến ngày 16 tháng tám, ngày giỗ hai ngài mà các bác đã về thắp hương sớm thế”. Mười sáu tháng tám năm 1442 là ngày kết thúc vụ án Lệ Chi Viên, ngày ba họ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị tru di. Heo hút giữa vùng sơn cước này mà các bà vãi chùa Côn Sơn nhớ như ngày giỗ ông bà ông vải mình, thì kỳ lạ thật. Họ sắp lễ giúp khách, thắp hương cho khách rồi cùng kính cẩn lầm rầm lời kính báo với Trời Phật, với Ức Trai tiên sinh và Lễ Nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ.
Không thể gọi là chùa. Chỉ là một am nhỏ, lợp mái tôn đỏ, diện tích chừng hai chục mét vuông, đủ xếp chục pho tượng phật trên bốn bậc cao dần. Điều rất đặc biệt là hai bên đài phật, có hai pho tượng phối thờ, thoáng nhìn nhận ra ngay hai ngài Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Tượng quan Thừa Chỉ đội mũ cánh chuồn, một cánh bị mất. Cả hai pho đều cũ hơn các pho tượng phật và đều tróc hết sơn, cách tạo dáng điêu khắc và nước sơn khác hẳn các pho tượng phật, tựa như được mang từ một ngôi miếu, ngôi đền nào đó về phối thờ. Giáo sư Trần Ngọc Vương đọc hai câu đối chữ Nho: “Thiên Nhẫn thiên niên lưu thắng địa/ Chí Linh cựu tích diệc hà thu” (Thiên Nhẫn ngàn năm lưu thắng địa/ Chí Linh dấu cũ khác nào đâu”. Rồi bảo: Câu đối này mới viết. Chùa phục dựng vài chục năm. Chưa có gì làm tin. Phó Giáo sư Phạm Xuân Đại và kỹ sư Đào Hoài cùng nói: “Chắc chắn sau vụ Lệ Chi Viên, triều đình của vua Lê Nhân Tông và mẫu hậu Nguyễn Thị Anh đã cho phá chùa, phá tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Có thể ngôi chùa đổ nát từ thời ấy. “Bồ tát” Nguyễn Thịnh lặng lẽ bấm ipad mấy gốc đại già cổ kính trước chùa và bảo: “Cây đại này tuổi không thua kém gì mấy cây đại ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.
Giáo sư Vương đi quanh một vòng, rồi bảo, chùa mới phục dựng lại, nhưng mấy cây đại già, những mảng tường còn sót lại đủ thấy đây là một khu chùa cổ đã vài trăm tuổi.
Hừng một vừng sáng trong đám mây giông đang dãn ra khiến cả ngôi chùa như được bao bọc bởi ánh dương. Tôi lang thang dưới mấy gốc thông cằn như người mộng du. Và, kỳ lạ, bỗng nghe trong gió có tiếng quân reo, ngựa hý, thấy lửa bập bùng trong những lò rèn, thấy ê a tiếng trẻ học bài trong một lớp học. Thành Lục Niên mờ ảo phía sau. Cả một vùng hậu cứ của nghĩa quân Lam Sơn thấp thoáng quanh đây. Trong hư ảo, như thấy thấp thoáng bóng dáng hai người, Ức Trai tiên sinh và bà Nguyễn Thị Lộ. Hai người đã theo Bình Định vương Lê Lợi từ Lam Sơn vào đây, cùng nằm gai nếm mật bên thành Lục Niên, vây hãm quân Minh cho đến khi đoạt thành Nghệ An, buộc chúng phải tháo chạy. Đó là khoảng năm 1423, theo kế sách của Nguyễn Chích, quân Lam Sơn chuyển hướng tấn công từ Thanh Hóa về phía nam, chiếm lĩnh dải núi Thiên Nhẫn, cho xây thành Lục Niên kiên cố trên đỉnh núi. Từ các hỏa đài trên núi, quân Lam Sơn có thể quan sát mọi biến động trong thành Nghệ An của quân Minh. Để tạo thế bao vây vững chắc, một cơ sở hậu cần dưới chân núi Thiên Nhẫn được xây dựng thành doanh trại, nơi hội quân, rèn đúc vũ khí, nơi nấu nướng chế biến quân lương, nơi trồng trọt tự túc lương thực… Chính nơi này, bà Nguyễn Thị Lộ, từng theo Nguyễn Trãi từ Đông Quan vào Lam Sơn, lại theo Ức Trai trong đám hậu quân, đã ở đây, cùng các tỳ thiếp và người dòng tộc chăm sóc thái tử Lê Nguyên Long, sau này là vua Lê Thái Tông.
Đó là thời kỳ Bắc Bình vương chuyển hướng, tiến vào Nghệ An. Ban đầu, quân Lam Sơn bị quân Minh chặn đánh, thua tơi tả. Đây là thời kỳ khốc liệt: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần. Lúc Khôi huyện quân không một lữ”. Đã có trận quan quân thua tan tác, phải trốn lủi trong rừng.
Trong “Đại Việt Thông sử”, Lê Quý Đôn viết:
Năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi vây thành Nghệ An, khi đến thành Triều Khẩu ở Hưng Nguyên, có đền thờ thần Phổ Hộ, ông nằm mộng thấy một vị thần đến xin một người thiếp và hứa sẽ phù hộ cho Cao Hoàng đập tan quân nhà Minh. Cao Hoàng bèn đem chuyện này ra nói với các bà phi của mình, nói rằng: “Có ai chịu làm vợ thần không? Sau này khi ta lấy được nước sẽ lập con người ấy làm thiên tử”. Ai cũng đắn đo, duy chỉ có nàng Phạm Thị Ngọc Trần, khẳng khái quỳ xuống nói rằng: “Nếu minh công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên nghiệp lớn chớ phụ con của thiếp”.
Lê Lợi khen ngợi và thương xót, nói với bề tôi, hẹn ngày dâng tế lễ. Lúc đó, Nguyên Long chỉ vừa 3 tuổi, bà đưa cho người hầu cận nuôi nấng và đi theo dàn tế lễ, bà gieo mình chết, đó là ngày 24 tháng 3.
Trong chùa Côn Sơn (chùa tạm phục dựng trên nền chùa cũ), 2019.
Cuộc hiến tế bên thác sông Khả Lam nghiệt ngã và bi tráng, chỉ có thể hình dung như một khúc liêu trai. Ba tuổi, Lê Nguyên Long đã mất mẹ. Và người mẹ tinh thần của vị thế tử không là ai khác ngoài Nguyễn Thị Lộ. Chính Nguyễn Thị Lộ cùng với những nàng hầu đã thay bà Phạm Thị Ngọc Trần nuôi dưỡng cậu bé Lê Nguyên Long trong thuở trứng nước từ cái làng quê heo hút mà sau này gọi là thôn Côn Sơn. Và không thể nào khác, mười mấy năm sau, khi đã là vua Lê Thái Tông, mới hai mươi tuổi đã là cha đẻ của bốn hoàng tử, quyền lực và vinh quang chói sáng, khi gặp lại bà Nguyễn Thị Lộ, vợ quan Thừa Chỉ Hành Khiển trong ngày lễ Thánh tiết mừng sinh nhật nhà vua, Lê Nguyên Long đã nhận ra người nhũ mẫu hơn bốn mươi tuổi mà vẻ đẹp vẫn vượt thời gian và trí tuệ thì càng thêm mẫn tiệp. Và không cần đắn đo, không sợ mọi đàm tiếu dị nghị, nhà vua đã mời bà vào cung và phong cho chức Lễ Nghi học sĩ, một chức vị chưa hề có xưa nay.
Khi tôi trở lại nhà hậu, có thêm mấy người già trong làng mới đến. Có người khoe đã từng ra Khuyến Lương cúng giỗ hai ngài. Người già nhất kể lại rằng, theo thần tích, thì ngôi chùa này do chính quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi và Lễ nghi Học sỹ, đã phát tâm cho dân làng xây dựng. Ngay sau khi thắng giặc Minh, Nguyễn Trãi khi đó đã là quan đại thần, người cùng bà Nguyễn Thị Lộ về thăm lại chiến trường xưa. Để ghi công ơn thần đất, thần núi và nhân dân đã cưu mang đùm bọc, quan Thừa Chỉ cùng bà Lộ xuất tiền cho dân xây một ngôi chùa. Chính hai ngài đặt tên chùa là Côn Sơn, để ghi nhớ Côn Sơn, Chí Linh quê hương và là nơi Nguyễn Trãi đã được ông ngoại, quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán nuôi dạy những năm thiếu thời. Dân sở tại xin được lấy tên Côn Sơn để đặt tên làng. Tính đến nay, chùa Côn Sơn, thôn Côn Sơn xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn đã có gần sáu trăm năm rồi.
– Gần sáu trăm năm dân Côn Sơn vẫn ghi nhớ công ơn hai ngài các ông ạ – một cụ già nói – Hằng năm, vào ngày kỵ hai ngài, dân Côn Sơn chúng tôi vẫn ra Chí Linh, Khuyến Lương để cúng giỗ. Nếu không có chiến tranh, loạn lạc thì ngôi chùa này to đẹp nhất vùng. Nhưng bây giờ hoang phế như các ông thấy đấy.
Một bà vãi tiếp lời:
– Dân chúng tôi đã kêu cầu lên huyện, lên tỉnh bao nhiêu năm nay, xin được cho phục dựng lại ngôi chùa để ghi nhớ công ơn hai ngài. Cấp trên đã cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 2005 rồi đấy ạ. Nghe đâu, sắp tới có một Tập đoàn to lắm tài trợ, tái dựng lại ngôi chùa linh thiêng này…
Tôi bâng khuâng ngước nhìn mây vần vụ. Bỗng vẳng trong đầu câu thơ Ức Trai:
Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay
Trông thế giới phút chim bay
Non cao non thấp mây thuộc
Cây cứng cây mềm gió hay…
Dãy Thiên Nhẫn kia cao thấp chỉ mây mới biết. Và chỉ núi sông nơi đây mới biết rằng sáu trăm năm trước, Ức Trai tiên sinh và người tình Nguyễn Thị Lộ của mình đã từng sống và làm việc ở vùng Rú Rọc (Độc Sơn) này, nơi bà Nguyễn Thị Lộ đã là bảo mẫu của thế tử Lê Nguyên Long. Nơi đây, suốt sáu trăm năm ấy, khi thanh thế Bình Định Vương Lê Lợi đã làm quân tướng giặc Minh thất kinh, khi chúng tướng tôn xưng Lê Lợi làm “Đại thiên hành hóa” (Theo mệnh Trời hành đạo), thì mọi mệnh lệnh, dụ văn đều lấy bốn chữ ấy để xưng. Và tại nơi đây, vùng thành Lục Niên và động Hoa Tiên này bắt đầu hình thành Bộ Chỉ huy tối cao với một hệ thống hành chính, trị an, kho tàng quân lương, chế tạo vũ khí, tăng gia sản xuất, tuyển quân, huấn luyện, giáo dục, đào tạo…
Bây giờ thì tôi tin, cái tên Côn Sơn, chùa Côn Sơn, thôn Côn Sơn đã xuất hiện ở vùng đất Sơn Tiến này gần sáu trăm năm, khi Nguyễn Trãi đã làm quan đầu triều, với chức Thừa Chỉ Hành Khiển, tức là chỉ trong những năm 1430 – 1440 thôi, hai ngài Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã có những cuộc “về nguồn” thăm lại chốn xưa, nơi “mẹ đã nuôi ta thành dũng sỹ”, theo cách nói của các nhà cách mạng bây giờ, để cảm ơn đồng chí đồng bào đã đùm bọc cưu mang sẻ cơm nhường áo thời gian khổ ấy, rồi phát tâm xây một ngôi chùa, đặt tên là Côn Sơn để nhớ chùa Hun và Côn Sơn có suối nước trong, nơi nuôi dưỡng tuổi thơ Ức Trai, nơi được ông ngoại Trần Nguyên Đán và người mẹ thân yêu nuôi dưỡng thành người.
Rất mừng, những điều tôi tái hiện lại trong tiểu thuyết “Thảm kịch vĩ nhân” là có cơ sở lịch sử. Đây là một vụ án chính trị, do mẫu hậu Nguyễn Thị Anh vì muốn loại bỏ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ để đưa con trai Lê Bang Cơ của mình lên ngôi báu, đã tạo dựng lên.
Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ không hề giết vua Lê Thái Tông như chính sử Đại Việt sử ký toàn thư mà sử thần Ngô Sỹ Liên đã chép:
Ngày 16, giết Hành Khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ.
Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy.
Lời bàn: Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết. Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt. Không đề phòng mà được ư?
Chỉ mấy dòng nghiệt ngã của thế lực cầm quyền mà người hiền tài, nguyên khí quốc gia bị chôn vùi hàng mấy trăm năm.
Cây đại già còn sót lại trên nền chùa cũ.
May thay, người dân Hà Tĩnh vẫn nhận ra ánh Sao Khuê vằng vặc, vẫn âm thầm thờ phụng hai ngài sáu thế kỷ. Sau chuyến đi ngày mưa bão ấy, chỉ ba năm sau, vào năm 2021, tỉnh Hà Tĩnh đã cho xây dựng lại chùa Côn Sơn, xã Sơn Tiến huyện Hương Sơn, với sự tài trợ kinh phí của tập đoàn T&T. Chùa mới vẫn xây trên nền đất cũ, trên diện tích hơn 6.500 mét vuông, ba tòa, cấu trúc hình chữ công. Trên đại điện thờ Phật, phối thờ hai pho tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ theo nguyên bản tượng xưa người dân đã tạo tác. Chùa mới hoàn thành vào tháng 5/2023.
Quả là: “Thương dân dân lập đền thờ”. Chùa Côn Sơn như một đài sen luôn tỏa hồng dưới chân thành Lục Niên xưa.
16/3/2024
Hoàng Minh Tường
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổ quốc, tình yêu, gia đình và thế sự

Tổ quốc, tình yêu, gia đình và thế sự Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ được bè bạn xem là một người đa tài. Riêng với thơ, anh luôn đi tới tận cùng cảm x...