Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

 

Xuân về trong mỗi sớm ban mai

Cuối năm, khi mùa xuân đến tôi lại xếp hành lý trở về làng cũ, buổi chiều ngồi trước mui thuyền và ngắm những ngọn khói lững thững bay trong mưa, cảm giác thật bình yên khi nhớ về mùa hoa mơ trắng núi, nhớ bếp lửa mùa đông bập bùng trên mái rạ, nhớ ráng chiều chạng vạng khuất sau thung, nhớ hoa mướp vàng và những chú chuồn chuồn chấp chới sau mưa. Một mùa xuân nữa lại về, mùa của những chồi non lộc biếc, mùa của những hạt mầm đang tách vỏ lên xanh.

Tôi trở về thung lũng Tuyết Sơn khi mùa chớm đông sang, con đò chòng chành như dỗi hờn thương nhớ rồi lại lướt đi êm ả bên dòng suối trong veo. Làng quê đẹp và bình yên như một bức tranh. Dọc con suối, những bông hoa súng đang vào mùa nở rộ tỏa hương thơm thoang thoảng. Mùa này chưa có khách trảy hội chùa hương nên những con đò nằm gác mái trên bến như mê ngủ. Làng tôi là cả một quần thể núi non, sông suối, chùa chiền, hang động đẹp như cổ tích. Nằm quanh dãy núi đá vôi là những rừng mơ cổ càng làm cho cảnh sắc thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa tôn nghiêm.

Tuổi thơ, tôi thường theo chân bà vào thung lũng Tuyết Sơn. Nơi đây cảnh trí thật nên thơ, quanh chùa có nhiều lớp núi cao, hai vạt đường mòn là cả rừng tre trúc và những cây mơ cổ. Mùa này, cứ vào dịp độ cuối năm là cả rừng hoa mơ nở trắng trời. Bà tôi thường giúp việc cho nhà chùa vào những ngày mồng một và ngày rằm, trong lúc bà quét dọn sân chùa, nhổ cỏ, đèn hương thì tôi thường lẻn ra sau chùa và ngắm hoa mơ nở. Từng chùm hoa trong trẻo, tinh khôi lấp lóa trong nắng, trong sương, nở rộ trên những thân cây xù xì, rêu mốc.

Đứng giữa rừng mơ cổ tôi như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Đã có lần tôi nghe sư trụ trì giới thiệu với khách thập phương về vãn cảnh nhà chùa rằng: Mơ ở đây có tên chữ là mai, người dân ở đây cũng quen gọi là mai núi đá, nó là một trong những giống cây thuộc họ mận, đào và thường ra hoa hai lần trong một năm nên các nhà sư ở đây gọi nó là Nhị độ mai. Nó nở lần thứ nhất khi mùa đông giá buốt và nở lần thứ hai là vào khoảng trung tuần tháng một rồi bắt đầu kết trái non. Trong những câu chuyện của sư trụ trì bên ấm trà hoa cúc tôi còn được nghe ông nói về triết lý cuộc đời thông qua loài mơ cổ. Tôi hiểu rằng, không phải nơi nào cũng trồng được mơ, nhiều người cố tình đánh gốc mơ về vườn trồng nhưng rồi cây cũng dần tàn lụi, mơ núi là loài cây chịu được đời sống khắc nghiệt, giống như đức tính của con người phải nhẫn nại, phải kiên cường trước mọi khó khăn, gian khổ thì mới có thể mang lại thành công. Mơ núi cũng là loài hoa thanh khiết, quân tử. Những cánh hoa tưởng như mỏng manh nhưng ý nghĩa thanh tao, thoát tục vô cùng nơi núi sâu, rừng thẳm. Ngẫm về loài mơ núi đã lên rêu, dâu bể qua thời gian cũng như ngẫm về cuộc đời đã đi qua thăng trầm, mất mát để trở về tươi nguyên như những cánh hoa trong mùa xuân vậy.

Nhà tôi có một vạt đồi trong thung, chẳng biết những cây mơ cổ ông bà tôi trồng tự lúc nào, chỉ biết khi mùa đông rét đậm thì mơ bắt đầu trổ hoa mang một vẻ đẹp và sức hấp dẫn kỳ diệu. Khi mùa xuân về trong mưa phùn lất phất, trong bảng lảng khói sương thì mơ lớn nhanh từng ngày. Mơ quê tôi quả to, cùi dày và hạt thường rất nhỏ. Có lẽ ở vùng núi đá thổ nhưỡng, khí hậu tốt lại nằm trong lòng thung lũng quanh năm nước chảy nên mơ ở đây có vị thơm dịu, chua thanh và mọng nước. Cứ vào độ tháng ba khi khách thập phương trảy hội chùa hương đông nhất là lúc mơ núi bắt đầu chín vàng.

Bà cho tôi xuống đò đi vào thung xem người dân hái mơ, những quả mơ núi chấm son sai lúc lỉu được cho vào những chiếc gùi mây đã lên màu bồ hóng, bà gọi những chùm mơ này là thanh mai mơ. Chiều muộn, tôi giúp bà cõng mơ thanh mai xuống đò trong không khí linh thiêng của lễ hội, trong sông suối bao la của núi rừng, thiên nhiên vạn vật nơi đây thật kì vĩ và huyền diệu.

Mơ núi sau khi lấy về bà chọn ra những quả to ngon nhất để làm quà biếu và gửi ra Hà Nội cho chú, dì tôi ngâm rượu hoặc làm ô mai mơ. Còn lại bà xếp tất cả vào quang gánh và gánh ra chợ Đục, chợ Cầu để bán. Trong lất phất mưa xuân tôi ngồi xếp những quả mơ chín vàng, mọng nước ra những chiếc mẹt được ông đan bằng tre trúc, mùi thơm của mơ núi quấn quyện cùng mùi hương trầm trong gió xuân mưa bụi cứ thế len lỏi vào dòng người trảy hội. Bà bán hàng từ sáng sớm đến trưa đứng bóng. Giữa những quãng vắng khách bà kể, ngày bà đẻ mẹ tôi vào đúng đợt rét cắt da cắt thịt, từng cơn gió đông bắc tràn về lạnh đến thấu xương, ông tôi phải cáng bà lên trạm xá bằng chiếc võng dù. Theo lời ông, đúng hôm bà sinh thì cả rừng mai cổ bắt đầu đồng loạt trổ hoa, rét muộn nên những cánh hoa thi nhau nở trắng đại ngàn. Sau này làm giấy khai sinh cho mẹ tôi thì ông đặt tên mẹ tôi  là Mai. Ông nhà tôi đặt tên mẹ nó là Mai để nhớ về một mùa đông giá rét và đặc biệt hơn nhớ mùa mơ núi đá quê mình.

Tôi lớn lên xa nhà đi học rồi đi làm, bố mẹ tôi cũng đã chuyển công tác ra ngoài thành phố. Thời gian cứ vùn vụt trôi, thoáng chốc mà đã hơn ba mươi năm có lẻ. Ông tôi, bà tôi bây giờ đã hóa thành mây trắng, những rừng mơ cổ thụ bây giờ người ta cũng chặt đi khá nhiều. Lần về phép nào tôi cũng ra mộ thắp hương cho ông bà rồi lặng lẽ một mình đi vào trong thung vắng. Chùa vẫn còn đấy mà cảnh sắc thay đổi rất nhiều, người ta mở đường để xây chùa, mở phủ, những rừng mơ trắng bây giờ còn lại rất ít. Ông cậu tôi năm nay đã sáu nhăm tuổi ngồi trầm ngâm giữa nhà và bảo: Mơ núi quê mình tuy có giá cao hơn các nơi khác nhưng thực tế sản lượng không đủ đáp ứng cho thị trường. Rừng mơ bị chặt phá vì đời sống khó khăn, người ta trồng và canh tác những loại cây cho thu nhập tốt hơn. Có những vạt đồi, thung lũng ngày xưa là cả rừng mơ, bây giờ người ta trồng rau sắng bán cho khách du lịch, mua được mơ núi đá quê mình bây giờ rất hiếm, cả xã có sáu thôn mà chỉ còn hơn trăm gốc mơ cổ. Hôm vừa rồi, cậu đi họp người ta cũng đưa ra ý tưởng về việc bảo tồn và phát triển giống mai quý mà các cụ vẫn gọi là Nhị độ mai nhưng có lẽ sẽ còn rất khó cho việc trồng trở lại.

Tôi chợt nghĩ, loài mơ cổ như thế nếu không bảo tồn rồi sẽ mai một và rơi vào quên lãng, một loài hoa trắng muốt  đầy kiêu hãnh bên thềm xuân giữa chốn phiêu bồng. Mất đi, sẽ là một tổn thất lớn cho môi trường sinh thái, con người và vạn vật. Ngàn năm trước và hôm nay cũng thế, tiền bạc có thể mất đi nhưng văn hóa cội nguồn luôn là những gì nguyên thủy và mãi mãi trường tồn. Để hiểu được những giá trị đó, đôi khi phải chấp nhận thiệt thòi, mất mát và đi qua những chặng đường dài của lịch sử, của nhân loại.

Cuối năm, khi mùa xuân đến tôi lại xếp hành lý trở về làng cũ, buổi chiều ngồi trước mui thuyền và ngắm những ngọn khói lững thững bay trong mưa, cảm giác thật bình yên khi nhớ về mùa hoa mơ trắng núi, nhớ bếp lửa mùa đông bập bùng trên mái rạ, nhớ ráng chiều chạng vạng khuất sau thung, nhớ hoa mướp vàng và những chú chuồn chuồn chấp chới sau mưa. Một mùa xuân nữa lại về, mùa của những chồi non lộc biếc, mùa của những hạt mầm đang tách vỏ lên xanh. Trên chiếc thuyền độc mộc tôi đang ngắm những bông hoa súng tím biếc nở đầy niềm kiêu hãnh, ngắm đàn vịt trời vô tư bơi lượn. Ký ức và những mùa hoa mơ trở về trong tôi tĩnh lặng như nước, lang thang như mây, lảng vảng như khói và một mùa xuân yên bình đang trở về trong mỗi sớm ban mai.

29/3/2024

Đinh Tiến Hải

Nguồn: Tạp chí Nhật Lệ

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người đàn bà bên kia sông

Người đàn bà bên kia sông Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt q...