Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

 

Nước lớn - Truyện ngắn của Nguyễn Duy Hiến

Nửa đêm. Nước tràn vào sân leo lên thềm nhà. Thằng Rén ôm con chó con lấy mí áo thun đang mặc lau mình cho nó rồi để lên nhà trên. Con chó con run rẩy phát tiếng ư ư, đôi mắt trong như có nước nhìn thắng Rén.

– Lên nhà trên nằm vời con mầy.

Thằng Rén la con chó mẹ. Nó thụp đầu len lén lách chân thằng Rén đi lên.

Thằng Rén để con chó con nằm lên cái mùng rách và vây tròn lại. Con chó mẹ nằm xuống liếm khô lông cho con nó. Nó rúc đầu vào bụng mẹ bú, mắt liu nhiu chừng rất dễ chịu, tiếng pép pép nhỏ dần và tắt hẳn. Con chó con nhả vú mẹ nằm yên. Con chó mẹ mắt vẫn ngóng ra ngoài. Nó cảm nhận mọi thứ âm thanh hỗn tạp từ con người ở khúc đường cái. Tiếng lủm bủm mỗi lúc càng dày hơn đoạn đường trước sân nhà. Tiếng cười của kẻ vừa đuổi chụp được con cá lớn trong hồ nuôi của nhà ai đó sẩy ra. Tiếng ca thán của người vừa thả hàng trăm con cá phi giống, nay nước tràn bờ ra sạch. Tất cả mọi âm thanh dấy lên tập trung ở đoạn đường bê tông thấp trũng trước nhà bà Tư Trầu.

– Nhà tui mới thả 300 cá tra con. Nước tràn bờ hồ chắc ra hết? Ông Trời làm zậy con người biết phương nào mà lần.

Người khác:

– Cũng may tui cho mấy đứa nhỏ kịp thưng lá chằm quanh bờ hồ không thì cũng như chị. Ngày hôm kia, tui lên thị xã đến trại cá giống mua một thiên cá rô phi Đài Loan về đổ.

Đứng ở hiên nhà, bà Tư Trầu lấy tay quén miếng bả trầu nhét sang một bên rồi nhổ nước xuống sân. Nước trầu đỏ sẫm như máu loang nhanh trên mặt nước. Chồng bà trước đây là Ấp đội trưởng. Ông hy sinh trong một lần chống càn tại ấp Xẻo Lá. Hôm nay bà Tư Trầu làm đám giỗ cho chồng. Năm 1971, địch mở cuộc càn vào vùng dân Xẻo Lá. Chồng bà chỉ huy du kích ấp kết hợp cùng du kích xã thực hiện chống càn. Cuộc chiến không cân sức, chồng bà bị thương và không may rơi vào tay giặc. Chúng trói ông vào cây keo già đoạn eo sông Rạch Heo rồi xử bắn.

Xử tử chồng bà xong, chúng cắt dây trói đạp xuống sông. Nước đang ròng, bà Tư Trầu cho người đón khúc sông dưới vớt thi thể chồng, đêm mới đem đi chôn cất. Hồi đó, em gái út của bà là Ái Thanh mới có 14 tuổi, cũng được anh rể nó nhận vào du kích ấp. Con nhỏ trông zậy mà ngon. Thùng đạn nặng mấy chục cân nó vác đi ngọt xớt. Cũng theo anh chị và anh em du kích tham gia đẩy mấy đợt càn. Thấy nó làm được việc, anh rể tặng cho nó khẩu AR-15 thu được từ chiến lợi phẩm Mỹ. Nó mừng rơn cảm ơn anh Tư…

– Vợ chồng thằng Rén lấy gạch ống sắp vào kê đỡ 4 chân tủ lạnh lên cao. Đồ điện để dính nước không được đâu nghen. Mèng ơi! Năm nay tao 86 tuổi mới được chứng kiến con nước lớn như rày. Nước lớn quá sá… Mọi năm, ngày rằm, 30, mùng 1 nước lớn cũng chỉ ngập lé mé sân là cùng. Tao kêu tụi bây nói thợ hồ đôn thêm mống nhà 5 tấc, chạy ra bề cao mống nhà cũng cả mét, zậy mà nước lớn cũng ngập đến thềm ba. Nhà mình chứ nhiều nhà khác ở thấp thì không có chỗ ngồi ăn cơm.

– Đúng rồi vú. Nhà chú Tám Ăng, cô Năm Lọt, bác Chín Thưng… ngập hết ráo. Tội cho mấy đứa cháu ngoại, cháu nội lóc nhóc chân cẳng lúc nào cũng ướt. – Vợ thằng Rén nói họa theo bà mẹ chồng.

– Con nói mấy nhà ngập nhiều đưa kháp nhỏ lên đây ở tạm mấy ngày. Tụi bây không con cái. Nhà chỉ có mấy người rộng thênh thang… Dì Út nay mai về trển rồi.

– Dạ! Nước lớn như sắp đến ngày tận thế…? – Vợ thằng Rén làu nhàu.

***

 Ái Thanh ngủ say sau gần cả ngày trời ngồi xe honda về quê. Chị có thứ bệnh lớn hơn tuổi, hễ ngồi lên xe đò là chóng mặt và mắc ói. Sau cuộc hành trình “ngồi xe máy” gần 300 cây số, Ái Thanh ngủ đến nỗi nước… tới chân giường vẫn không hay. “Tụi bây lội nhẹ chân, làm nhẹ tay để dì Út bây ngủ. Tội nghiệp lâu lâu nó mới về quê lại gặp nước lớn như rày…”. – Bà Tư Trầu nhắc nhở con rồi ghé mắt vào mùng nhìn em út cưng của mình và mỉm cười. Nó vẫn ngủ say như từ trước tới giờ chưa được ngủ ở cái ấp Xẻo Lá này.

Cha mẹ mất, Ái Thanh ở với anh chị Tư. Anh Tư đăng ký bên bộ đội D516 để Ái Thanh học thêm văn hóa. Chàng Tiểu đội trưởng trinh sát Lê Hùng quê Quảng Bình vừa giáo viên lớp bình dân học vụ, vừa là người yêu của chị trong những năm lửa bỏng đó. Nhiều lần chàng đến nhà chơi thưa chuyện rụt rè. Anh Tư nói liền, cứ yêu đương tự tin. Bộ đội chủ lực mà nhát gái còn hơn du kích ấp. Chàng cười. Ái Thanh có cảm giác hai gò má mình nóng hừng.

Ái Thanh thích nhất cái đêm giao lưu văn nghệ giữa du kích ấp với một đại đội của D516. Hôm đó hai bên có chút giao lưu “rượu tình rượu nghĩa”. Chàng trai quê hương “gió Lào cát trắng” đến đưa tay cho Ái Thanh đứng lên song ca bài Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt. Chị mỉm cười rồi đứng dậy liền. Giọng điệu của cô gái xứ dừa Bến Tre hòa thanh vào giọng hát nằng nặng của Lê Hùng sao ấm áp lạ. Mấy ngọn lá dừa đung đưa trong gió chướng như vẫy vẫy tay chào…

Hò hò ơi, dòng sông chảy xiết lái chèo thuyền đi

Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng

Nước ngược dòng hò ơ ơi em chèo thuyền đi lên rẫy

Cắt lúa thay chồng, thay chồng i nuôi quân….

 Đêm giao lưu văn nghệ khép lại. Mọi người trở về đơn vị, Lê Hùng tiễn Ái Thanh. Hai người dừng lại ngồi bên gốc cây xoài. Trăng 14 tròn vạnh sáng ánh một khoảng vườn. Ái Thanh ngồi lặng nghe người yêu kể về quê mình. Quê anh có sông Gianh còn mang tên Linh Giang, có cầu Khe Nước, có bãi Đá Nhảy lả một kỳ quan thiên nhiên ban tặng. Đứng từ xa, ta sẽ được chiêm ngưỡng bãi Đá Nhảy nhiều màu sắc khác nhau như màu sẫm nâu, sẫm đen, xám bạc khi có ánh nắng, xám tím khi có những vầng mây bay qua. Màu sắc của đá còn tùy thuộc của thủy triều.

Lê Hùng say sưa kể:

“Đẹp và thích lắm em ạ. Hồi còn nhỏ, ba mẹ đưa anh đi tắm biển ở bãi Đá Nhảy. Chưa tắm liền đâu nhé, ba mẹ anh ngồi bên nhau cả giờ liền trên mặt đá phẳng. Nhìn ra khơi, những chiếc thuyển câu nhấp nhô trên sóng. Hồi ở quê gần biển, mẹ anh mỗi lần đi chợ thường chọn cá dân biển đi câu đưa vào bán. Cá để trong thau trên đậy sàng. Có nhiều con còn sống và hầu hết tươi rói. Mẹ mua về kho nhạt vắt chanh, cắt vào mấy khoanh ớt đỏ hoặc kho mặn sim síp nước màu mật đường”.

Ái Thanh cười lắc nhẹ tay người yêu:

– Nghe anh kể mà em mắc thèm. Sau này hết chiến tranh anh đưa em về quê để được ăn các món tự tay mẹ nấu.

– Ba mẹ không còn nữa em ạ! Năm 1964, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Sau gần ba năm, ba mẹ anh ra đi mãi mãi trong đêm máy bay Mỹ giội bom xuống mấy gia đình sơ tán. Hôm đó anh đi học tổ và ngủ lại nhà bạn. Chứ về ngủ với ba mẹ thì giờ này anh không còn ngồi đây với em. Thật tình đêm đó anh rất muốn ngủ với ba mẹ, lâu lâu mới có dịp. Ba mẹ ở đoàn văn công tỉnh nên ít có nhà. Vắng ba mẹ anh qua ở với bà nội và cô ruột. Ba mẹ anh ghé nhà sau hai buổi trưa phục vụ văn nghệ cho bộ đội Binh trạm 26 xem ở kho Đội 4, thôn Quyết Thắng.

– Rồi sao nữa anh?

– Khoảng 8 giờ tối, trời chuyển mưa nên màn trời đen kịt. Bỗng ầm ầm tiếng phản lực F-4 xẹt ngang đỉnh núi Đá Mài, tiếp theo là loạt bom tọa độ. Chúng cũng thả vu vơ thôi. Theo anh nghĩ quê mình gần vĩ tuyến 17 nên trước khi máy bay về địa phận chúng hễ còn bom là cứ trút bừa xuống đất Quảng Bình. Bom chúng thả cách nhà anh ở và một số gia đình bà con sơ tán khoảng năm, sáu cây số. Ở dưới đó có cảng, có bến phà cũng là xã của anh trước đây. Không ngờ loạt bom vô định cư ấy một quả rơi ngay hầm ba mẹ anh đang ngủ. Căn hầm chữ A tan tác chỉ còn lại một cái hố bom sâu rộng. Ba mẹ anh được bà con tìm kiếm gom lại không được thau thịt, xương.

Tranh của họa sĩ Tạ Quang Bạo

Ái Thanh thút thít khóc. Lê Hùng cũng sụt sịt. Không khí như nén lại bao quanh đôi trai gái trẻ. Cuộc đời của anh sao quá bất hạnh. Anh không kể thì em đâu có biết. Sự tàn ác của quân xâm lược gieo rắc khắp nơi, người chết cũng không toàn thây. Hèn gì anh Lê Hùng hay đem đàn bầu gảy những đêm thanh vắng. Tiếng đàn bầu của anh nghe cứ day dứt, não nề. Hôm đó, Ái Thanh có đến lán của Lê Hùng và tình cờ nghe được tiếng đàn bầu. Cô lại gần đứng sau thân cây xoài lắng nghe. Anh đang đánh đàn bầu bài Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Bài hát mà Ái Thanh rất thích mỗi khi được nghe ca sĩ Tân Nhàn hát qua radio:

Bên ven bờ Hiền Lương

Chiều nay ra đứng trông về

Mắt đượm tình quê

Đôi mắt đượm tình quê

Xa xa đoàn thuyền nan

Buồm căng theo gió xuôi dòng

Bóng trăng sương mờ không gian trầm lắng nghe câu hò

  Hò ơi… ơi…

  Lê Hùng kể: “Anh biết đánh đàn bầu từ khi mới 7 tuổi. Ba anh dạy cho, trước đây ông thuộc ban nhạc của Đoàn văn công tỉnh Quảng Bình. Mẹ anh cũng là diễn viên hát múa trong đoàn văn công với ba. Mẹ vẫn thường thích hát bài Câu hò bên bờ Hiền Lương. Mỗi lần lên sân khấu trình diễn mẹ hát bài “tủ” này, hòa với tiếng đàn bầu của ba, nhiều người xem rơi nước mắt. Hôm ba mẹ anh mất, trưởng, phó đoàn văn công tỉnh có về viếng hương, chia buồn. Cô phó đoàn ôm anh khóc. Anh khóc theo. Nhiều người đến viếng thắp hương cho ba mẹ. Họ tiếc số phận của hai vợ chồng nghệ sĩ trẻ bị bom Mỹ tước đoạt. Họ tủi cho thân phận anh, sớm mồ côi cha lẫn mẹ trong một lúc”.

 ***

Ngày đó, Ái Thanh được rút lên đội du kích xã và ở lại căn cứ mấy ngày. Chiều nay, Ái Thanh về ấp ghé thăm tình hình sức khỏe của anh chị Tư. Ông bà tuổi cũng đã trên 60 rồi, làm sao khỏe đều được? Với lại cứ chui lên chui xuống ba cái hầm ẩm mốc ngập nước mỗi lúc có máy bay, tàu chiến địch quần như giã gạo ở cái sông Rạch Heo nhỏ tó này. Hôm nay cô về nhà cũng cốt để lấy thêm áo quần vào cứ. Do tiếp xúc nhiều với sông nước, trốn tránh ở kênh rạch không thì máy bay trực thăng phát hiện, nên áo quần của các cô gái cũng mau sờn, mau rách. Hai bộ bà ba đen Ái Thanh mang theo thường mặc thay đổi cũng đã sờn và đôi chỗ bị rách lủng.

Hôm đó, tổ du kích nữ đi tải đạn ở vàm Cá Trê về. Sáng sớm mỗi người chỉ lót dạ được hai khúc mì đỏ nên trưa về, các cô gái ai nấy đều đói meo. Về tới căn cứ du kích xã, chưa kịp tắm rửa, 7 chị em xúm vào ăn cơm. Ái Thanh ngồi chồm hổm như ngồi ăn kiều chạy nước lũ. Hai ống quần bà ba đen cô mặc vẫn còn se tới gối. Đang ăn, chợt chị du kích lớn tuổi nhất trong tổ để chén cơm xuống, chăm chú nhìn vào Ái Thanh. Ái Thanh chột dạ không hay biết chuyện gì. Chị du kích lớn tuổi lên tiếng trước:

– Bộ em hết quần rồi hả?

– Có việc gì zậy chị Năm?

– Em nhìn xuống đáy quần coi. Quần em mặc bị rách đáy thấy cả màu  quần nhỏ bên trong.

Ái Thanh mắc cỡ hai má ửng đỏ. Cô nhìn xuống, ở đáy quần téc ra một đoạn mấy phân lộ màu vải quần lót màu hồng.

– Vậy là quần bị đứt chỉ… Cũng may chị thấy. Chứ ngồi ăn cơm chung với mấy ảnh thì mắc cỡ lắm. Để em đi thay đồ.

– Khỏi. Ăn cơm đi! Chút nữa tắm rửa thay luôn. Mà chiều nay em zìa nhà à?

– Dạ. Em zìa lấy thêm đồ mặc. Sẵn thăm anh chị Tư luôn…

Nước lớn lúc nửa đêm. Nước chảy ồ ồ vào các mương vũng. Nước ngoài sông cái dồn vào các con kênh rạch, thoáng chốc đã lênh láng cánh đồng năn. Gió chướng ràn rạt trên những ngọn dừa, vườn cây, rặng dừa nước. Tiếng máy bay trực thăng bắn rát xuống căn cứ. Mấy chiếc Hô bo1 ngoài sông cái chạy xé nước xả đạn như mưa vào nhà dân dọc hai bên sông Rạch Heo. Đội du kích xã và ấp Xẻo Lá kết hợp bộ đội D516 quyết liệt chống càn. Bóng giặc đổ gục trước các loại hỏa lực của ta. Một chiếc M.113 trúng mìn bốc cháy. Mấy chiếc khác khững lại.

Ái Thanh đi công tác về kẹt giữa vòng vây địch. Cô lần theo rạch ép sát vào từng hốc dừa nước, bộ bà ba đen vấy bùn nhiều chỗ. Ái Thanh lột mũ tai bèo cầm tay, tóc chạm nước, mắt vẫn không rời địch. “Nước vẫn đang lớn sẽ gây bất lợi cho chúng”, Ái Thanh nghĩ thầm. Máy bay trực thăng và HU-1A quần đảo trên đầu. Địch thả pháo sáng. Cánh đồng năn lố nhố bóng xe bọc thép và bộ binh địch. Sông Rạch Heo ngời lên dưới ánh pháo sáng.

Ái Thanh thụp người xuống sâu tay nắm chặt bẹ gốc dừa nước. Cánh máy bay trực thăng rin rít trên đầu. Mặt kênh lõm xuống gần thấy đáy. Cả một vùng rộng vườn tược cây cối chao đảo trông như bị cơn lốc xoáy khi chiếc trực thăng hạ thấp quạt cánh mạnh. Mấy chiếc trực thăng vòng ngắn hơn quay đầu lại xả đại liên chiu chíu xuống căn cứ.

Một tiếng sau địch rút. Tiếng giày lội lõm bõm trong nước. Đám lính hè nhau lội ào qua ruộng, mương. Tiếng súng tắt dần. Đêm yên ắng trở lại. Trời về khuya gió dào dạt mang theo hơi nước lạnh lùng.

Ái Thanh lội theo kênh Rạch Chiếc về căn cứ. Trong ánh sáng lờ mờ, cô thấy như có ai đó vẫy vùng trong nước. Cô thận trọng dừng lại lắng nghe. Tiếng người trườn trong nước bập bõm. Ái Thanh ngồi xuống lần lại không để phát ra tiếng động. Địch hay là ta? Trong khoảng sáng mờ mờ rõ hình người đàn ông nằm sấp, chiếc mũ tai bèo úp kín đầu. Một đồng chí bộ đội mà hình như đang bị thương! Ái Thanh lay nhẹ: “Đồng chí ơi, đồng chí có làm sao không?”. Anh bộ đội trở mình lật người qua lại. Không gian bừng lên sau loạt pháo sáng địch thả trên sông Hàm Luông.

– Trời ơi, anh Lê Hùng!

Ái Thanh ôm choàng Lê Hùng trong lấp xấp nước kéo lên. “Anh bị thương. Em…”. Lê Hùng cầm bàn tay Ái Thanh đặt lên ngực mình. Máu nóng hổi nhớt nhúa ở bên ngực trái.

– Nhanh… Em đưa anh zìa! – Ái Thanh cầm tay Lê Hùng vòng qua vai trái. Tay trái chị cầm cánh tay Lê Hùng. Tay phải chị ôm hông anh lê từng bước khó nhọc.

– Để anh xuống em. Anh không qua được rồi! Anh mệt lắm…

Ái Thanh nghẹn ngào nước mắt đắng ở họng:

– Đừng nói zậy, em sợ lắm. Ráng lên anh…

Vậy là trận càn vừa rồi Lê Hùng bị thương. Đơn vị vẫn chưa hay biết, có thể chuyến trinh sát lẻ Lê Hùng bị trúng đạn địch trong bót bắn cầm canh. Đi thêm mấy bước, Lê Hùng tắt thở. Ái Thanh đặt anh nằm xuống bờ cỏ. Cô đau đớn úp mặt lên ngực người yêu khóc nức. Trời tỏ dần. Chấm sao mai bên vành trăng như lá lúa thì con gái nhạt nhòa. Những quầng mây xám xịt chợt tụ lại ở khoảng trời Xẻo Lá.

***

Đồng chí chỉ huy đại đội trực thuộc D516 nói với má Tư Trầu:

– Trận chống càn vừa rồi ta hy sinh hai đồng chí, trong đó có Tiểu đội trưởng trinh sát Lê Hùng. Chúng con đã đưa đồng chí ấy về an táng tại căn cứ du kích xã, theo nguyện vọng của Ái Thanh.

– Tội nghiệp con nhỏ. Nhìn nó má rầu thấu ruột, mấy ngày nay khóc suốt, bỏ cơm nước. Má cũng động viên nó, người chết thì đã chết rồi. Mầy khóc nó có sống lại được không? Còn phải gìn giữ sức khỏe để còn đánh giặc trả thù cho nó. Đôi mắt nó sũng nước. Má nói thiệt. Má thấy sắc mặt nó khác lắm. Mấy lần mang thai sanh đẻ, má biết con Ái Thanh đang…

– Đang gì má? Chả nhẽ cổ…

Đồng chí chỉ huy đại đội nghi ngờ qua câu nói của má Tư Trầu.

– Ừ. Má nghi là con Ái Thanh có bầu với cậu Lê Hùng. Mấy tháng trước ghé nhà má, tiện bữa bắt nó ăn cơm. Bưng chén cơm nghe mùi cá kho là nó chạy ra ngoài ọc ọe. Má nghĩ zậy cũng được, sau này có mẹ có con đỡ buồn. Cũng phần nào an ủi cho con Ái Thanh. Nó thương yêu thằng Lê Hùng nhiều lắm. Tội cho hai đứa nó có duyên mà không có phận bên nhau.

Thằng Rén cầm len(2) đạp đi xắn các đầu bờ đê quanh vườn để nước rút nhanh. Bà Tư Trầu kêu nó chạy ra xem chỗ cái am nơi cây keo già có bị ngập nước. “Vú quên nói vợ chồng bây để ý cái am trước, nhang đèn để trong đó chắc ướt hết. Nhà cửa sân vườn lo sau cũng được. Chỉ sợ mấy thứ đồ điện bị ướt thôi. Còn sân nền từ từ tính chẳng lẽ nước lớn zậy hoài?”.

Cái am mà mẹ con bà làm thờ chồng sau ngày bị địch xử bắn tại gốc cây keo già. Cứ ít năm, vợ chồng thằng Rén lại đốn cây u, chằm lá làm lại cái am. Sau ngày Lê Hùng hy sinh, bà Tư Trầu kêu Ái Thanh đặt thêm chân hương cạnh chồng mình. Ngày rằm, 30, mùng 1, kỷ niệm 30/4, ngày Tết…, mẹ con bà thắp hương đặt trái cây cúng.

Mỗi lần về quê, Ái Thanh ra thăm cái am và thắp hương trước. Chị ngồi lặng. Trong sương sớm, địch dàn đội hình tràn qua cánh đồng năn… Tiếng anh Tư, tiếng du kích, bộ đội xung phong. Kìa.., có cả Lê Hùng cũng đang ở mũi giáp công. Anh Lê Hùng! Anh Lê Hùng ơi…! Em đây! Ái Thanh của anh đây nè…

– Dì Út… Dì nằm mơ. Dì kêu ai… nghe rất rõ như… có tiếng Lê Hùng…?

Ờ, dì nằm mơ thấy cha con cùng du kích, bộ đội và cả anh ấy… anh Lê Hùng đang quyết liệt chặn càn.

– Dì nói về người yêu của dì, dượng ấy hy sinh và vú đặt chân hương cạnh cha con ở ngoài am.

– Đúng rồi con…! Mọi người làm gì ở ngoài đường đông zậy?

– Mèng ơi! Dì ngủ đến nỗi nước lớn vào chân giường vẫn không hay  biết? Vú bảo cứ để dì ngủ chừng nào đã thì thôi! Họ đang chạy bắt cá đó dì. Cá nuôi nước lớn tràn vào ngập láng bờ hồ. Có nhà nuôi cả thiên cá tra ra sạch trơn.

– Vậy à? Thế vú đâu?

– Bả cũng lội theo coi mấy người bắt cá. Mèng ơi gần 90 tuổi mà còn ham vui. Nước lớn rầu muốn chết. – Tiếng vợ thằng Rén lẩm bầm. Cái miệng nó móm xọm rộng xoạch ra mỗi khi nói. Không còn một cái răng, xấu mặt xấu mày nhưng nó là con dâu ngoan hiền số một ở cái ấp Xẻo Lá.

– Dì ngủ mê mệt nằm mơ thấy chống càn. Cũng mùa nước lớn như rày… mơ có đoạn chảy nước mắt ướt mặt gối mà không hay đó con. Thế thằng Rén đâu?

– Ảnh đi tháo mấy lỗ mọi cho nước rút lẹ đó dì. Nước đang đứng vài chục phút nữa thì rút. Chừng ít giờ sau đường sá lại trở lại như cũ. Vú nói từ nhỏ tới giờ mới thấy cơn nước lớn như thế này. Dì zìa đám giỗ một mình, còn Linh Giang?

– Em con đang ở Hà Nội theo học lớp nâng cao nghiệp vụ lý luận sĩ quan chỉ huy chính trị Bộ đội biên phòng. Trước khi ra Bắc, Lê Nguyễn Linh Giang em con là Thiếu tá, Đồn phó chính trị Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu, Bình Phước.

– Tụi con chúc mừng dì. Chúc mừng em Linh Giang…

– Ừ. Dì lội ra thăm cái am tý.

– Có nhang và hộp quẹt ngoài đó dì. Mà hông biết nước lớn quá có bị ngập ướt hông nữa?

– Dì cảm ơn con! Để dì ra xem thử, mà thôi cứ cầm nhang và hộp quẹt theo cho chắc ăn.

– Phải rồi dì, hồi sáng vợ chồng con bị vú rầy là không để ý cái am trước.

Ái Thanh xắn quần lội bộ ra bờ sông Rạch Heo. Gần cái am đôi chỗ còn sâm sấp nước. May quá! Nền am không bị ngập nước, vợ chồng thằng Rén đã lấy đất cạnh đó đắp cao thêm. Ái Thanh ngồi xuống với tay nhặt mấy chiếc lá khô bay vào am. Cây keo già nứt vỏ ở thân dưới lòi phần ruột khô khốc… Ở tít ngọn keo già một tổ chim. Tiếng chim con típ típ. Gió khẽ đung đưa cành. Mặt sông Rạch Heo phẳng lặng chơi chới nắng triệu vì sao lung linh.

Ái Thanh đứng rất lâu ở bờ sông Rạch Heo. Mắt chị hướng về cánh đồng năn và kênh Rạch Chiếc. Cơn gió chướng đi qua. Cơn gió chướng trở lại và con nước lớn bao mùa. Nhưng những người thân đã hóa thành thiên cổ. Con nước lớn hôm nay đã hóa thân vào chị hiển hiện trong giấc mơ của trận càn năm đó. Con nước dâng cao ngập vào tim, vào máu chị, tan chảy trong từng khoảnh khắc yêu thương.

Chú thích:

 (1) Hô bo: Thuyền máy cực nhanh.

(2) Len đạp: Giá đạp đất, gần giống như cái xẻng nhưng lưỡi cứng, dày và nhỏ hơn.

28/3/2024

Nguyễn Duy Hiến

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người đàn bà bên kia sông

Người đàn bà bên kia sông Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt q...