Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024

Tác phẩm của Gabriel García Márquez: Kỳ ảo bắt nguồn từ hiện thực

Tác phẩm của Gabriel García
Márquez: Kỳ ảo bắt nguồn từ hiện thực

G.G. Marquez (sinh ngày 6.3.1927 qua đời ngày 17.4.2014) là nhà văn Colombia được Giải Nobel Văn chương năm 1982. Ông được coi là nhà văn viết tiếng Tây Ban Nha lớn nhất sau M.Cervantes (1547 – 1616) với tác phẩm “Don Quixote” và không thể không thừa nhận, ông là nhà văn vĩ đại bậc nhất của thế giới trong thế kỷ 20/21 này. Hầu hết các tác phẩm của G.G. Marquez đã được dịch ra tiếng Việt (chủ yếu qua sự chuyển ngữ của dịch giả quá cố Nguyễn Trung Đức). Ông đã đến Việt Nam năm 1979. LĐCT xin giới thiệu lược trích bài viết của nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Salman Rushidie.
Gabo sống mãi. Gabriel García Márquez, nhưng sinh thời ông thích được gọi là Gabo, ông ra đi để lại nỗi buồn cho độc giả trên khắp thế giới. Điều này cho thấy những cuốn sách của ông vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng họ. Ở một nơi nào đó, một tộc trưởng độc tài vẫn được đối thủ nấu nướng bữa tối tuyệt vời và phục vụ tất cả vị khách đi cùng ông; một đại tá già luôn mong chờ một lá thư mà không bao giờ đến; một cô gái trẻ đẹp bị chính người bà nhẫn tâm bắt bán dâm; và José Arcadio Buendia – người thiết lập ra những trật tự mới ở ngôi làng Macondo, bị cuốn hút mạnh mẽ bởi thuật giả kim cùng những điều kỳ diệu mà tiến bộ khoa học của thế giới đem lại, nói với người vợ rằng, “trái đất tròn, giống như một quả cam”.
Chúng ta đang sống trong thời đại của những phát minh, thế giới mới thay thế. Đó là thế giới Trung Địa của người Elf, người Dwarf, người Hobbit trong các tác phẩm của nhà văn Tolkien, thế giới của “The Hunger Games” (Đấu trường sinh tử) với toàn ma-cà-rồng cùng zombie đi vơ vẩn khắp nơi: Một thế giới khác biệt với Trái đất này.
Tuy nhiên, bất chấp sự bùng nổ của thứ tiểu thuyết viễn tưởng, thể loại văn học hư cấu về thế giới vi mô – phản ánh sự thật nhiều hơn tưởng tượng, vẫn có sức sống của riêng nó. Ở quận Yoknapatawpha của nhà văn Mỹ – William Faulkner, thị trấn Malgudi của nhà văn Ấn – RK Narayan, ngôi làng Macondo của nhà văn Gabriel García Márquez, trí tưởng tượng chỉ được sử dụng để làm phong phú thêm thực tế chứ không phải để thoát hoàn toàn khỏi nó.
Cuốn “Trăm năm cô đơn” nay đã có 47 tuổi đời. Bất chấp việc đây là một cuốn sách đồ sộ và có sức sống mãnh liệt trong lòng độc giả, phong cách của tác phẩm này – chủ nghĩa hiện thực kỳ diệu huyền ảo – trên nhiều bình diện, phản ánh một cách độc đáo cuộc sống mọi mặt của các dân tộc ở Mỹ Latinh, kể cả những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử của họ.
Song nó cũng gặp một số phản ứng, trong đó nhà văn nổi tiếng thuộc thế hệ sau Roberto Bolano cho rằng đó là một thứ hiện thực “bốc mùi” với ma thuật, mê tín dị đoan và siêu nhiên. Song không thể phủ nhận, sẽ không có nhà văn thứ hai nào trên thế giới có ảnh hưởng lớn và được yêu mến sâu sắc như Gabriel García Márquez. Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh – Ian McEwan coi ông sánh ngang với nhà văn vĩ đại Charles Dickens.
“Trăm năm cô đơn” là câu chuyện về những con người thực, không phải truyện cổ tích. Ngôi làng Macondo tồn tại – đó chính là sự kỳ diệu.
Những rắc rối với thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” là vì người ta nói hoặc nghe nhưng thực ra chỉ nói hay nghe được một nửa về tác phẩm này, chỉ biết đến “ma thuật” mà không chú ý đến “hiện thực”. Sự kết hợp giữa thần thoại của thổ dân da đỏ với trí tuệ của văn minh hiện đại, sự pha trộn giữa các yếu tố hiện thực và hoang đường đã tạo ra một hệ thẩm mỹ đặc biệt và đó chính là một sản phẩm rất đặc trưng của Mỹ Latin hiện đại.
Sự ảo diệu có nguồn gốc sâu xa từ thực tế bởi vì nó phát sinh từ thực tế và được chiếu rọi theo một cách đẹp đẽ, bất ngờ. Ví dụ, đoạn José Arcadio chết, giọt máu của ông gần như có một cuộc sống của riêng nó, di chuyển qua các đường phố của Macondo, cho đến khi đến nằm yên nghỉ dưới chân của mẹ mình. Thoạt đọc, chuyện giọt máu “đi” là không thể, nhưng đoạn văn cho thấy hành trình của tin tức về cái chết của ông lọt ra từ phòng ngủ – nơi ông tự kết liễu đời mình, đến căn bếp nơi mẹ ông đang ở đó, rồi nó (giọt máu) tiến đến gần bàn chân vợ ông Úrsula Iguarán độc đoán thì bị kịch được đẩy lên cao trào. Như vậy, phép thuật được sử dụng ở đây để làm tăng hiệu ứng của kịch tính và cảm xúc, rằng tin buồn này đến với người mẹ, người vợ như thế nào?
Và “hiện thực huyền ảo” không phải là phát kiến của García Márquez. Nhà văn Brazil – Machado de Assis, nhà văn Argentina – Jorge Luis Borges, nhà văn Mexico – Juan Rulfo đã đi trước ông. García Márquez học hỏi từ kiệt tác “Metamorphosis” (Hóa thân) của nhà văn Đức Franz Kafka. (Trong “Trăm năm cô đơn”, người ta có thể nhìn thấy hình ảnh thị trấn ma Comala qua ngôi làng Macondo). Như vậy, hiện thực huyền ảo không chỉ giới hạn ở Mỹ Latinh, mà còn hiện diện ở tất cả các nền văn học trên thế giới, và theo thời gian, García Márquez trở nên nổi tiếng nhất với phong cách này.
Gregor Samsa, nhân viên bán hàng trong tác phẩm của Kafka, thức dậy và thấy mình đã biến hình thành một sinh vật to lớn, giống như côn trùng. Từ đó, Gregor Samsa phải nỗ lực để thích nghi với hình thù mới và cuộc sống mới là gánh nặng cho gia đình anh. Nhưng nếu Samsa sống ở ngôi làng Macondo, nơi sự biến đổi là phổ biến, thì anh sẽ không cảm thấy lạc lõng. Nhân vật Gogol Kovalyov của của nhà văn Nikolai Gogol có cái mũi tách rời khỏi khuôn mặt và đi lang thang xung quanh St. Petersburg, cũng sẽ cảm thấy như ở nhà nếu ở Macondo.
Các nhà văn siêu thực Pháp, Mỹ cũng lấy cảm hứng từ những hư cấu trong các tiểu thuyết hư cấu này. Song García Márquez biết cách làm nó tuyệt vời hơn vì ông thuộc về nơi mà “chủ nghĩa siêu thực trải dài qua các đường phố” và “hiện thực của nhà văn Mỹ Latinh này là hoàn toàn “Rabelaisian” (phong cách hài hước trào phúng giống nhà văn Pháp Rabelais – PV).
Nhưng cũng cần phải nói lại rằng, dù có huyền ảo đến đâu cũng cần có nền tảng là hiện thực. Khi tôi lần đầu tiên đọc tác phẩm của García Márquez, tôi chưa bao giờ đến bất kỳ đất nước Trung và Nam Mỹ nào. Nhưng trong những trang sách của ông, tôi tìm thấy một thực tế tôi biết rất rõ từ kinh nghiệm của chính bản thân mình ở Ấn Độ và Pakistan. Ở cả hai nơi đó đều có một cuộc xung đột giữa thành phố và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo, người có quyền thế và người yếu ớt, mạnh mẽ và bất lực. Cả hai nơi đều có lịch sử thuộc địa lâu đời, ở cả hai nơi tôn giáo đều có ý nghĩa quan trọng.
Tôi biết những viên tướng và tá của García Márquez, hay ít nhất là những người đồng cấp Ấn Độ và Pakistan của họ, giám mục của ông là giáo sĩ Hồi giáo của tôi, những khu chợ đường phố của ông cũng là những khu chợ trời của tôi. Thế giới của ông ấy là của tôi, chỉ khác là được dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Tôi đã yêu thế giới đó, không phải vì sự huyền bí, mà vì chủ nghĩa hiện thực. Tuy nhiên, thế giới của tôi mang dáng dấp thành thị hơn của García Márquez. Đó chính là cảm giác về làng mạc đem đến hương vị đặc biệt cho chủ nghĩa hiện thực của García Márquez.
García Márquez là một nhà báo không bao giờ đánh mất sự thật. Ông cũng là một người mơ mộng luôn tin vào sự thật của những giấc mơ. Ông cũng là một nhà văn có khả năng bắt được những khoảnh khắc đẹp đẽ, hài hước, cuồng nhiệt. Ở phần đầu “Tình yêu thời thổ tả”: “Hương thơm của hạnh nhân đắng luôn nhắc nhở về số phận của tình yêu không được đền đáp”.
Và không thể quên được ở “Trăm năm cô đơn”: “Đại tá Aureliano Buendía tiến hành 32 cuộc nổi dậy vũ trang và thua tất cả. Ông có 17 con trai với 17 người phụ nữ khác nhau, nhưng tất cả đều bị giết từng người từng người một chỉ trong một đêm trước khi người con lớn nhất mới 35 tuổi. Ông đã sống sót 14 lần trong đời, bị 73 lần phục kích và xử bắn. Ông sống sót qua một liều strychnine trong cốc cà phê đủ giết chết một con ngựa”.
Với những tình tiết như vậy, phản ứng của chúng ta chỉ có thể là lòng biết ơn. Ông là người vĩ đại nhất trong số tất cả chúng ta.
15/3/2024
Salman Rushdie
Huyền Anh dịch
Nguồn: The New York Times/ LĐO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổ quốc, tình yêu, gia đình và thế sự

Tổ quốc, tình yêu, gia đình và thế sự Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ được bè bạn xem là một người đa tài. Riêng với thơ, anh luôn đi tới tận cùng cảm x...