Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ:
Cô hái mơ- hương đồng gió nội
bay đi...
Cô hái mơ là một trong những bài
thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính được Phạm Duy phổ nhạc rất sớm. Bài thơ có lẽ
được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1939 đến 1940. Ý kiến một số tác giả
cho rằng đây là bài thơ đăng báo đầu tiên của Nguyễn Bính có thể là không
chính xác. Bởi bài thơ này được đăng trong Tiểu thuyết thứ năm đến tận số 14,
trong khi đó ngay từ số đầu tiên Nguyễn Bính đã có thơ đăng ở tờ báo này rồi.
Cô hái mơ lấy bối cảnh ở chùa Hương. Nguyễn Bính đã nhiều
lần đi chùa Hương, vậy ông sáng tác bài thơ này vào lúc nào? Theo tác giả Ngọc
Giao thì ông thai nghén bài thơ này trong lần đi thăm chùa Hương vào năm 1939
cùng với nhóm bạn văn nghệ thành phố Nam Định, trong đó có Ngọc Giao. Cả bọn
thuê một chiếc thuyền lớn, khởi hành từ Phủ Lý vào Bến Đục. Trên thuyền,
ngoài bạn văn nghệ ra còn có một đào hát ca trù và một kép đờn lớn tuổi. Thức
nhắm thì mua hẳn một con dê sống để lên thuyền làm thịt. Ngoài rượu thịt ra,
theo đề nghị của Nguyễn Bính, cả bọn còn mang theo bàn đèn để vui cùng nàng
tiên nâu.
Đến chùa Hương, Nguyễn Bính tách hẳn mọi người ra, lội vào
rừng mơ cho đến chiều tối mới về quán trọ. Ngọc Giao cho biết trong bữa cơm
tối hôm ấy Nguyễn Bính uống rượu nhiều hơn, miệng luôn lẩm nhẩm và có lúc rút
sổ tay ra ghi vội vài câu. Về sau mới biết ông bắt đầu thai nghén bài thơ Cô
hái mơ. Điều khiến Ngọc Giao lấy làm lạ là Nguyễn Bính thường làm thơ rất dễ
dàng, chưa bao giờ vò đầu bứt tai với một thi phẩm dù ngắn dù dài, thế nhưng
với bài thơ này ông lại có vẻ vất vả lắm.
Vì sao lại như thế?
Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ Khí trời lặng lẽ và trong trẻo Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
Ấn tượng ban đầu là bốn câu thơ thật hay, thật trong trẻo.
Thế nhưng ta cảm thấy có điều gì đó khang khác. Đọc kỹ một chút ta mới thấy
rằng, dường như là nó kiểu cách quá. Những câu thơ này khác nhiều so với
những câu tả cảnh mộc mạc chân chất mà ta quen nghe ở Nguyễn Bính như là
"Hội làng mở giữa mùa thu/Giời cao gió cả giăng như ban ngày" hay là
"Thu sang trên những cành bàng/Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà
thôi"... Ta thấy cái câu thơ Khí trời lặng lẽ và trong trẻo mới thật xa
lạ với ông làm sao. Nó như là thơ của ai ấy. Câu thơ này mà đặt bên cạnh
những câu thơ tả cảnh sau đây cũng của ông thì thật là một trời một vực:
Suốt giời không một điểm sao
Suốt giời mực ở nơi nào loang ra Lửa đò chong cái giăng hoa Mõ sông đùng đục canh gà le te (Lửa đò)
Thật ra, Nguyễn Bính có khá nhiều bài thơ mà trong đó ông
như muốn thoát khỏi giếng nước ao làng của mình như vậy rồi chứ không chỉ
riêng trong Cô hái mơ. Chẳng thế mà Hoài Thanh đã từng nhận xét Nguyễn Bính
có nhiều lúc không nhà quê chút nào. Hoài Thanh đã dẫn ra bốn câu thơ sau đây
của Nguyễn Bính để chứng minh:
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong (Xuân về)
Nhà phê bình của chúng ta cảm thấy khó chịu về điều này và
tiếc cho Nguyễn Bính. Ông viết tiếp trong Thi nhân Việt Nam: "Thế thì
những câu trên này nên bỏ đi ư? Ai nỡ thế. Nhưng vì có những câu ấy mà người
ta khó nhận thấy cái hay của những câu khác có tính cách ca dao" và
"Đó là một điều đáng vì Nguyễn Bính phàn nàn. Đáng trách chăng là giữa
những bài giống hệt ca dao người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy
khó chịu như khi vào một ngôi chùa có những ngọn đèn điện trên bàn thờ
Phật".
Nhà phê bình nói quá đúng nhưng may mà Cô hái mơ lại là
một bài thơ hay. Hơn thế nữa nó là một bài thơ xuất sắc. Nhưng bài thơ này,
nếu chẳng may thất lạc mà có người mới sưu tầm được, chắc không ai xếp vào
thơ Nguyễn Bính mà sẽ xếp nhầm qua cho một tác giả khác.
Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? Đường thì xa Mà ánh chiều hôm dần một tắt Hay cô ở lại về cùng ta?
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường Có suối nước trong tuôn róc rách Có hoa bên suối ngát đưa hương
Càng đọc càng thấy nét đẹp duyên dáng thướt tha của bài
thơ nhưng đồng thời lại thấy xa dần một Nguyễn Bính chân quê. Cái hình ảnh
"suối nước trong tuôn róc rách" và "hoa bên suối ngát đưa
hương" là hai hình ảnh đã "hương đồng gió nội bay đi rất
nhiều". Vì sao lại như vậy?
Cho đến lúc này, có lẽ tất thảy chúng ta đều công nhận
những lời thơ chân chất mộc mạc của Nguyễn Bính chính là những kết tinh của
hồn dân tộc, xứng đáng được tôn vinh. Thế nhưng vào thời kỳ nó vừa xuất hiện,
không phải ai cũng đồng ý với những đánh giá như vậy. Đây đó vẫn có nhiều ý
kiến ngược lại. Chẳng hạn như tác giả Thượng Sĩ. Người này chê là Nguyễn Bính
làm hò vè. Vì vậy có thể Nguyễn Bính bị một áp lực tâm lý, ảnh hưởng đến quan
niệm sáng tác của mình, để mà từ đó ông cố gắng cách tân thơ mình chăng?
Tuy nhiên dù sao những bài thơ ấy cũng không hoàn toàn bị
Tây hóa. Có lẽ Nguyễn Bính vẫn không muốn đi quá xa rặng tre làng dấu yêu của
mình, hoặc là cái chất nhà quê đã thấm vào máu rồi nên ông không thể là một
Xuân Diệu hoặc Huy Cận được. Vì vậy mà xen vào những câu thơ thật mới vẫn có
những câu quê mùa. Chẳng hạn trong bài Cô hái mơ vẫn có những câu mộc mạc lẫn
lộn vào đấy, dù ông cố vò đầu bứt tai để làm cho bằng được những câu thơ thật
Tây:
Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? Đường thì xa
Cô hái mơ là một thi phẩm rất thành công của Nguyễn Bính
nhưng là một thi phẩm cách tân, chất dân dã quê mùa còn lại quá ít. Không
biết ta nên đánh giá thế nào về điều này. Có nên phê bình mạnh mẽ như Hoài
Thanh hay không? Đến đây ta nhớ lại lời kể của Ngọc Giao và mới hiểu vì sao
Nguyễn Bính lại quá khó khăn khi sáng tác bài thơ này đến vậy. T.Đ.T
|
eva air việt nam
giá vé máy bay eva đi mỹ
korean air ho chi minh
vé máy bay khứ hồi đi mỹ giá rẻ
giá vé máy bay đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngau Hung Du Lich
Tri Thức Du Lịch