Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Saint Exupéry: Phi công huyền thoại

SAINT EXUPÉRY
PHI CÔNG HUYỀN THOẠI 

“ Thương yêu nhau không phải là

người này ngồi nhìn người kia mà cùng nhìn về một hướng” 
(Saint-Exupéry). 
“Saint-Exupéry đã truyền tất cả 
tình yêu và lòng kính trọng của mình đến cho con người” 
(André Maurois)
     Tháng 7 năm nay, nước Pháp làm lễ kỷ niệm 60 năm ngày nhà văn - phi công Saint-Exupéry mất tích tại biển Địa Trung Hải trong một phi vụ do thám và chụp không ảnh trên một vùng đất của nước Pháp đang bị phát xít Đức chiếm đóng. Ông là nhà văn nổi tiếng, là phi công có tài, là người yêu nước đã hy sinh đời mình cho Tổ quốc.


* Vài nét tiểu sử : 
Antoine de Saint-Exupéry (gọi thân mật là Saint-Ex) sinh ngày 29.6.1900 tại Lyon (Pháp) trong một gia đình quí tộc nghèo. Bố là thanh tra công ty bảo hiểm, mất năm 1904, lúc ông mới 4 tuổi. Bà mẹ ở vậy nuôi năm con nhỏ. Cả nhà sống tại dinh cơ của người cô ở Saint-Maurice de Rémens. Ông là một học sinh có năng khiếu văn chương, hội họa và cơ khí. Học hành không mấy kết quả nhưng năm 17 tuổi cũng đỗ được tú tài..
Sau đó ông thi vào trường Hải quân nhưng bị trượt. Rồi ông thi đỗ vào trường Mỹ thuật, bộ môn Kiến trúc, nhưng chỉ học được vài tháng thì phải lên miền bắc thi hành nghĩa vụ quân sự. Tại đây ông tỏ rõ có năng khiếu lái máy bay : buổi đầu tiên, sau một tiếng rưỡi học tập, ông đã mạnh dạn cất cánh một chiếc máy bay lạ..



Năm 1923, hết hạn nghĩa vụ quân sự, được giải ngũ, ông trở về Paris và ba năm sau, ông xin vào làm việc tại công ty Latécoère, một công ty chuyên chở thư từ bằng máy bay từ Toulouse (Pháp) đi Dakar (thủ đô Sénégal) bên châu Phi..

Năm 1940, phát xít Đức xâm chiếm nước Pháp. Ông gia nhập quân đội trong lực lượng Pháp tự do, chuyên lái phi cơ thám thính..
Ngày 31.7.1944, trong một phi vụ thám thính, ông đã mất tích. Nhiều người tin rằng chiếc máy bay Lightning P.38 của ông đã rơi xuống Địa Trung Hải, không rõ vì hết xăng, do trục trặc máy móc hay bị máy bay tiêm kích của Đức bắn hạ, chỉ hai tháng trước khi Paris được giải phóng.

* Cuộc đời phi công của Saint-Exupéry 

Năm 1926, một buổi sáng tại Toulouse, Saint-Ex đến gặp ông Didier Daurat, giám đốc hãng hàng không Latécoère để xin một chân phi công. 
Được nhận vào hãng, ông khai thác những đường bay mới trên những chiếc máy bay mỏng manh, chưa có máy vô tuyến điện. Dạo đó, công ty Latécoère chuyên tổ chức những chuyến bay đêm để cạnh tranh với ngành hàng hải và ngành hỏa xa, mặc dù bị nhiều người chỉ trích rằng bay đêm rất nguy hiểm, không tôn trọng sinh mạng của phi công và nhân viên phi hành.


Cái thời mà máy bay còn quá thô sơ, những chuyến bay đêm thật hết sức hiểm nghèo giữa muôn ngàn vì sao lạnh. Nhưng Saint-Ex là người yêu thích cuộc sống phiêu lưu nên ông sẵn sàng cất cánh dù biết hiểm nguy luôn rình rập bên mình. 
Khi ông gia nhập quân đội, ngành không quân chỉ thu nhận ông như một phi công trừ bị. Mãi đến năm ông 27 tuổi (1927), ngành hàng không dân dụng mới cho ông làm phi công chính thức rồi làm trưởng trạm ngay giữa vùng ly khai ở Maroc. 
Tai nạn phi cơ của ông khá nhiều và trầm trọng. Ông sống sót quả là một phép lạ. Có lần máy bay rơi trên sa mạc hoang vu không một bóng người. Lần khác, trong một vụ rớt máy bay kinh khủng, thân thể của ông bị xé thành từng mảnh đến nỗi khi vết thương đã tạm ổn, lúc lên máy bay còn phải có người dìu đỡ, vậy mà khi đã ngồi vào ghế phi công, ông vững vàng cho máy bay cất cánh như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. 


Năm 1935, trên đường bay sang Đông Dương, phi cơ của Saint-Ex chết máy, rơi xuống sa mạc Ai Cập. Dưới cái nắng như thiêu như đốt, cát dưới chân nóng bỏng như lửa, thật chẳng khác gì một hỏa ngục trần gian. Năm ngày như thế, chẳng những nước uống không còn mà nước mắt, nước bọt cũng cạn khô, tay chân rã rời, mắt hoa ảo ảnh. Vào ngày thứ năm, khi cái chết đã cận kề, bỗng một người Bédouin xứ Libye hiện ra trên lưng lạc đà, oai nghiêm như một vị thiên thần, tiến về phía Saint-Ex và Prévot, người thợ máy, cho hai người uống nước và thế là thoát chết. Ông cúi chào vị ân nhân và tỏ lòng biết ơn cứu sống 

- Ôi ! Anh từ thiện và cao quí biết bao !

Trong chiến tranh với Đức, Saint-Ex đã từng giao chiến trên không vào năm 1940 và một lần nữa vào năm 1944, nhưng may mắn không hề hấn gì.
Năm 1943, tại Alger (thủ đô của Algérie, thuộc địa của Pháp) người ta không cho ông bay nữa mặc dù lúc ấy ông đã được thăng thiếu tá trừ bị. Ông mất sự tiếp xúc với trái đất bởi vì người ta từ chối ông bầu trời. Ông cố sức năn nỉ nhưng các bác sĩ cứ khăng khăng tuyên bố rằng ông bất lực trong việc lái máy bay sau nhiều lần bị chấn thương và bị gãy xương.
Trong thời gian này, Saint-Ex không ngừng đấu tranh để được tiếp tục bay. Ông được như nguyện, nhưng chẳng bao lâu, trong một lần hạ cánh, ông đã để máy bay chạy lố ra khỏi sân. Hội đồng tư lệnh không quân Đồng minh vin vào cớ đó, quyết định buộc Saint-Ex nghỉ bay. Buồn bã, ông quay về Alger, tự giam mình trong phòng để chữa bản thảo cuốn Citadelle (Thành trì).



Cuối cùng, năm 1944, nhờ sự can thiệp của con trai Tổng thống Roosevelt, ông cũng được toại nguyện và sung vào toán thám hiểm 2/33. Ông lái chiếc Lightning P.38 là loại phi cơ bay nhanh thời bấy giờ. Cấp trên lo ngại về sức khỏe của ông nên chỉ hứa dành cho ông năm phi vụ rồi sau đó thì về nghỉ. Ông kèo nài, năn nỉ mãi mới thêm được ba phi vụ nữa.

Trong phi vụ thứ tám, cũng là phi vụ cuối cùng, ngày 31.7.1944, ông từ sân bay Borge trên đảo Corse bay trên đất Pháp bấy giờ đang bị Đức chiếm đóng. Ông cất cánh hồi 8 giờ 30 với một bình xăng đủ bay trong 6 giờ. Đến 13 giờ 30 ông vẫn không trở về. Những giây phút chờ đợi bắt đầu, ai nấy đều vô cùng lo lắng và sốt ruột.
Các bạn hữu của ông trong phi đội tụ tập tại phòng ăn chung, nhìn vào đồng hồ của mình. Ông chỉ còn xăng đủ bay một giờ nữa thôi. Đến 14 giờ 30 không ai còn chút hy vọng nào. Tất cả mọi người đều giữ im lặng một hồi lâu, rồi viên phi đội trưởng nói với một phi công :“Anh hãy tiếp tục sứ mệnh của thiếu tá Saint-Ex !”.
Chuyện này kết thúc như trong cuốn tiểu thuyết “Bay đêm” của ông và người ta tin rằng “ông bị cạn xăng và cạn cả hy vọng, đang bay lên một phi trường nào đó trên cõi trời với các phi hiệu là những ngôi sao” (André Maurois).
Saint-Ex bay về đâu không ai biết. Cũng như Hoàng tử bé đã tan vào không gian, Saint-Ex đã bay về tinh cầu của mình nhờ một đàn chim di cư (*).

* Saint-Exupéry, nhà văn nổi tiếng

Không chỉ là phi công, Saint-Ex còn là nhà văn nổi tiếng. Ông là một trong số ít tác giả được yêu thích nhất ở Pháp trong nửa đầu thế kỷ 20. Tác phẩm của ông để lại không nhiều, chỉ hơn mười quyển, nhưng gây được ấn tượng vì cái triết lý sống của ông, từ cá nhân chủ nghĩa đi đến nhân bản chủ nghĩa : tư tưởng nhân bản của ông là chiến thắng Cô đơn bằng Hành động. Những tác phẩm của Saint-Ex gồm có :
- Courrier Sud (Chuyến thư miền Nam - 1929) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Saint-Ex, trong đó ông ghi lại những cảm tưởng của mình khi ông làm trưởng trạm giao liên hàng không ở sa mạc Mauritanie (Bắc Phi). Tác giả tả những chuyến bay phải vượt qua chặng đường dài hơn 2000 cây số dưới ánh nắng chói chang và những cơn gió nóng như thiêu như đốt. Ông cũng bày tỏ những thắc mắc của mình đối với cuộc sống, với tình yêu và tôn giáo. Tác phẩm này được dựng thành phim năm 1937.
- Vol de nuit (Bay đêm - 1931) do André Gide đề tựa, được giải thưởng Fémina năm 1931. Cuốn này ghi lại những kinh nghiệm của ông về nghề hàng không khi ông làm trưởng ban phi hành đường hàng không Nam Mỹ. Đây là một kiệt tác về văn kể chuyện, hấp dẫn, mãnh liệt, tràn đầy ý tưởng, được dựng thành phim “Night Flight” ở Mỹ.
Trong lời tựa cuốn này, André Gide đã viết :“Tôi thiết tưởng cái làm cho tôi khoái trá trong câu chuyện cảm động ấy là tính chất cao quí. Những yếu hèn, thoái bộ, đồi bại của con người thì chúng ta đã biết cả, văn chương ngày nay có thừa khôn khéo để tố cáo. Nhưng chúng ta cần người chứng minh cho ta những hành động vượt mình của những ý chí cương quyết”. 
- Terre des hommes (Cõi người ta - 1939) đoạt giải thưởng lớn về tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp năm 1939, nhưng nghệ thuật không bằng cuốn Vol de nuit. Cuốn “Terre des hommes” được dịch ra ở Mỹ với nhan đề “Wind, Sand and Stars” (Gió, cát và những ngôi sao) và nhanh chóng trở thành một best seller. Khác với Courrier Sud và Vol de nuit, cuốn này không có cốt chuyện. Tác giả chỉ viết ra những điều mình đã làm, đã thấy, đã đau khổ. Tác giả kể lại những chuyện thê thảm của các bạn phi hành : Mermoz chết trong đêm Đại tây dương hay Guillaumet mất tích trong sương tuyết núi Andes.


- Pilote de guerre (Phi công thời chiến - 1942) xuất bản cùng lúc ở Pháp và Mỹ. Ở Mỹ, sách có nhan đề “Flight to Arras” (Bay đến Arras). Ở Pháp, sách phải qua sự kiểm duyệt của Đức, chỉ bị bỏ mấy chữ phải bỏ “Hitler est un idiot” (Hitler là tên ngu xuẩn). Cuốn này được Hội Không quân Pháp tặng giải thường văn chương. Năm sau (1943) sách bị chính phủ Vichy (chính phủ Pháp do Đức dựng lên) cấm lưu hành theo lời yêu cầu của lực lượng chiếm đóng Đức, nhưng sách lại ra lậu. 
- Lettre à un otage (Thư gửi một con tin - 1943) là sách chính luận. Tác giả viết thư này khi đang lưu lạc ở Mỹ, có ý nghĩa những lời tâm sự gửi cho quê hương. 
- Le petit prince (Hoàng tử bé) xuất bản tại Mỹ năm 1943, sau lại xuất bản ở Pháp. Saint-Ex viết “Hoàng tử bé” trong những năm dữ dội của thế chiến thứ hai, kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu trên sa mạc giữa một người phi công hỏng máy bay và cậu bé hoàng tử từ một hành tinh khác đến. Hoàng tử bé là một nhân vật tưởng tượng do tác giả sáng tạo nên trong thời gian ông sống ẩn dật. Hoàng tử bé chính là bản ngã của tác giả, bản ngã của con người. Hoàng tử bé đã ban cho Saint-Ex chiếc cầu bắc ngang qua vực cô đơn. Saint-Ex mơ hồ thấy ngôi sao bạn nháy gọi nên đã ra đi để không bao giờ về nữa. 
Cuốn này được dịch ra 40 thứ tiếng và bán được 60 triệu bản. 
Di cảo của Saint-Ex : 
- Citadelle (Thành trì), thuộc loại tự sự, xuất bản năm 1948, bốn năm sau khi Saint-Ex qua đời. Đây là tác phẩm dài nhất của ông (500 trang), được giải thưởng Prix des Ambassadeurs năm 1950. 
- Lettres de jeunesse (Thư thời trẻ) là những bức thư ông viết từ năm 1923 đến năm 1931 gửi cho người bạn gái là Renée de Saussine. Những lá thư này phản ảnh chín năm tươi trẻ và hy vọng, chín năm hành động và suy tưởng trong cuộc đời Saint-Ex. 
- Carnets (Sổ tay) là những điều ghi chép từ năm 1936 đến năm 1944. 
- Lettres à sa mère (Thư gửi mẹ) gồm những lá thư ông gửi cho mẹ từ năm 1910 đến năm 1944. 
- Un sens à la vie (Ý nghĩa cuộc đời), viết dưới dạng tùy bút. 

Ngoài ra Saint-Ex còn có “Thư gửi tướng X” viết ít lâu trước ngày ông qua đời, gửi một ông tướng không nêu rõ danh tánh. Nhiều vấn đề thời đại đã được ngòi bút tài tình của Saint-Ex đề cập trong thư này ; và truyện ngắn đầu tiên viết năm 25 tuổi : L’aviateur (phi công). 
* Chuyện tình của Saint-Exupéry 

Cuộc sống của Saint-Ex là cuộc sống của hành động, phiêu lưu, mạo hiểm, là cuộc sống của đàn ông, không có chỗ cho phụ nữ. Đối với Saint-Ex, đàn bà ở xa thì đẹp và đáng yêu, nhưng ở gần thì biết bao phiền phức và đau khổ. Cũng như nhân vật Jacques Bernis trong Courrier Sud, Saint-Ex rất vụng về trong lĩnh vực yêu đương, vì thế mà mãi đến năm 31 tuổi ông mới kết hôn với nàng Consuelo Suncin, một người đẹp đã có hai đời chồng, một là nhà văn Tây Ban Nha Gomez Carillo, và một là nhà văn, nhà báo người Guatemala (Trung Mỹ). Nàng sinh năm 1901 ở San Salvador (Trung Mỹ), thời trẻ tính khí khá ngông cuồng và chính sự ngông cuồng đó làm cho Saint-Ex say mê. Nàng có tài về hội họa và điêu khắc, hai bộ môn nghệ thuật mà nàng rất yêu thích.

Saint-Ex tỏ tình với nàng trên một chuyến bay, cuộc tỏ tình cũng khá lạ đời ! Ngay lần đầu gặp nàng ở phi trường, Saint-Ex đã mời nàng lên máy bay của mình để ngắm cảnh trời chiều. Khi máy bay đã lên cao, ông nắm lấy tay nàng và nói :“Em hãy hôn tôi đi, nếu không, tôi sẽ cho máy bay đâm xuống biển”. Hoảng sợ, nàng đã ôm hôn Saint-Ex. Khi máy bay hạ cánh, Saint-Ex đã cầu hôn với nàng, sau đó bằng một lá thư thật dài và được nàng chấp nhận.

Ngày 23.4.1931 hai người làm đám cưới, nhưng cuộc tình của họ đầy sóng gió. Họ giận hờn nhau, lừa dối nhau, mấy lần toan bỏ nhau rồi lại sẵn sàng tha thứ cho nhau.
Năm 1938 máy bay của Saint-Ex lâm nạn, ông bị hơn ba mươi vết thương, đến nỗi lúc mới gặp lại, nàng không nhận ra ông nữa. Nàng chăm sóc ông rất chu đáo cho đến khi bình phục rồi ông sang New York dưỡng bệnh.
Năm 1943 Saint-Ex toan ly dị nàng lần nữa nhưng rồi lại thôi. Nàng sang Mỹ sống chung với chồng rất hạnh phúc ở North Port gần New York. Ít lâu sau, ông quay về Pháp để đến ngày 31.7.1944 lái chiếc máy bay định mệnh trong phi vụ cuối cùng của đời mình.
Sau khi chồng mất tích, nàng Consuelo đã viết cuốn “Hồi ký hoa hồng” (Mémoires de la rose) dày 275 trang kể lại cuộc đời nàng và tình yêu, sự đam mê cháy bỏng, sự phản bội và bi kịch trong mối tình của hai người. Cuốn sách do nhà xuất bản Plon ấn hành năm 2000, bán rất chạy (gần 100.000 quyển) và gây tiếng vang lớn trong giới văn học Pháp.
Nàng Consuelo mất năm 1979, thọ 78 tuổi.

* Phát hiện tung tích của Saint-Exupéry 

Sau khi Saint-Ex mất tích, người ta đã nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay của ông trong nhiều năm nhưng không phát hiện được gì. Dưới sự chỉ đạo của Hội Louis Roederer, người ta tìm được dưới độ sâu 20 mét ở Địa Trung Hải một khối kim loại nhưng không ai dám chắc đó là xác chiếc Lightning P.38. Tại nghĩa trang ở thị xã Carquerianne, thuộc hạt Var, miền Nam nước Pháp có một ngôi mộ được nhiều người chú ý. Dân ở đây vẫn loan truyền rằng bà Boude, một công dân của thị xã này đã từng thấy một chiếc máy bay rơi xuống vịnh Anges ở Địa Trung Hải ngày 31.7.1944. Xác của viên phi công đã được sóng biển đánh dạt vào bờ và người ta đã an táng viên phi công ấy tại chính ngôi mộ kia. Nếu được xác nhận đó chính là Saint-Ex thì hài cốt của ông sẽ được chuyển vào điện Panthéon để lưu giữ. 
Ngày 26.9.1998, ngư phủ Jean Claude Bianco, chủ một chiếc tàu đánh cá loại nhỏ tên là “Chân trời” đang đánh cá trên biển Địa Trung Hải thì một cơn dông ập đến. Họ lập tức kéo lưới lên và Bianco trông thấy một vật lấp lánh trong lưới. Ông rửa sạch bùn đất bám trên vật ấy thì thấy đó là một chiếc lắc bạc to bản đã ngả màu xám vì thời gian và nước biển. Bianco không tin vào mắt mình nữa vì trên tấm lắc ghi rõ ràng ba hàng chữ : 
Antoine de Saint-Exupéry (Consuelo) 
C/o Reynal and Hitchcock Inc, 4th 
Avc N.Y. City, USA 




Bianco bỗng thốt lên :“Không có lẽ ! đây là một giấc mơ !” 
Không còn nghi ngờ gì nữa, Consuelo là tên của vợ Saint-Ex, còn Reynal and Hitchcock là tên nhà xuất bản ở Mỹ đã in cuốn “Le Petit Prince” lần đầu tiên bằng tiếng Anh năm 1943, và dưới đó là địa chỉ của nhà xuất bản. 
Trong tấm lưới đánh cá của Bianco còn có hai mảnh dura mà người ta nghi là từ chiếc máy bay vỡ ra. Đó là ý kiến của các chuyên gia Mỹ. 
Biết chuyện này, “Hội những người bạn của Saint-Ex” đã nỗ lực tìm kiếm bằng cách cho một chiếc tàu hải dương học và một đội thợ lặn lành nghề rà soát đáy biển trên một diện tích rộng đến 100 km2, nhưng đáy biển này đầy những tàn tích của kỹ thuật quân sự thời đệ nhị thế chiến nên không thu được kết quả gì. 
Trong khi đó, bà Marie Saint-Exupéry, mẹ của viên phi công mất tích, thì có nguyện vọng là xin hãy để cho Saint-Ex ngủ yên, đừng khuấy động phần mộ của Antoine làm gì. 

* Sự tôn vinh Saint-Exupéry 

Ngày 29.6.2000 nước Pháp đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhà văn-phi công Saint-Exupéry. Cùng ngày, sân bay quốc tế Lyon đã đổi tên thành Lyon-Saint-Exupéry, sân bay đầu tiên trên thế giới mang tên một nhà văn. Con đường nơi ông sinh ra cũng đổi sang tên ông và đài tưởng niệm ông cũng vừa được khánh thành. 
Saint-Ex là nhà văn duy nhất của thế kỷ XX được in hình trên giấy bạc nước Pháp, tờ 50FF (tương đương 100.000 đồng VN) và trên một bộ tem phát hành vào dịp này. 
Trong điện Panthéon ở Paris, nơi yên nghỉ nghìn thu của các bậc vĩ nhân được nước Pháp ghi ơn, Saint-Exupéry là vĩ nhân duy nhất không có hài cốt, chỉ có những dòng chữ trên tường :

Tưởng nhớ 

Antoine de Saint-Exupéry 
Nhà thơ – Tiểu thuyết gia – Phi công 
Mất tích trong một công vụ máy bay thám sát 
Ngày 31 tháng 7 năm 1944

* Phần kết 
Saint-Ex ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho mọi người, nhất là các bằng hữu của ông. Văn hào André Maurois, bạn thân của Saint-Ex, đã viết :“Saint-Ex là một trong số những tiểu thuyết gia và triết gia về hành động hiếm hoi mà xứ sở chúng ta đã tạo ra. Tôi đã kết bạn thân thiết với anh và sẽ sẵn lòng nói như Léon Paul Fargue “Tôi đã rất yêu anh và sẽ khóc anh mãi mãi”. 

Làm sao không yêu anh được? Anh vừa có sức lực, vừa có sự hiền dịu, trí thông minh và trực giác…” Còn Pierre de Boisdeffre thì viết :“Nói rằng Saint-Ex là một anh hùng chưa đủ, Saint-Ex là một anh hùng không tì vết. Ông đã không tìm cách để lại một vết sẹo trên mặt đất, dù là nhờ vào người đồng loại. Ông không dính máu ở tay, ông đã luôn luôn bênh vực những người Tây Ban Nha cộng hòa và những người Do Thái bị hãm hại, luôn cả những người Pháp lạc đường. Ông không tìm danh vọng cho mình và vì thế không có gì làm mờ danh vọng của ông…” 
Sinh ra cùng với thế kỷ, Saint-Ex là con người của thế kỷ, đã sống cùng với tất cả đọa đày, băn khoăn của thế kỷ. Tác phẩm của ông vừa mang màu sắc triết lý vừa có tính chất lãng mạn và chính ông đã mang không khí lãng mạn vào thế kỷ XX, nhất là hành động phiêu lưu và nỗi cô đơn cùng cực. 
      Để thỏa mãn chí phiêu lưu của mình, Saint-Ex đã vẽ một đường bay tuyệt đẹp vào cõi hư vô, ở đó ông sẽ làm bạn với Hoàng tử bé và muôn ngàn ngôi sao nhấp nháy cười với ông trong đêm vĩnh hằng của vũ trụ. 


Tổng hợp từ các báo Paris Match,
Le Figaro Magazine, Le Point,
Tập san VĂN Sài Gòn (12-1965)
và một số tư liệu khác
(*) Mais je sais bien qu’il est revenu à sa planète. Je crois qu’il profita d’une migration d’oiseaux sauvages (Le Petit Prince).

HUYỀN VIÊM







1 nhận xét:

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...