Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Tản mạn về bài thơ Lục bát mùa xuân của Nguyễn Phi Tuấn

 Tản mạn về bài thơ LỤC BÁT MÙA XUÂN của Nguyễn Phi Tuấn
  
  Mỗi năm có  bốn mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhưng trong bài thơ "Lục bát mùa xuân" chỉ phảng phất những mùa Xuân, Hạ, Thu; còn một mùa đông không thấy đâu. Phải chăng đó cũng là dụng ý của tác giả. Ngay trong hai câu thơ mở đầu của bài thơ lục bát gồm 6 đoạn, trừ 2 câu đầu, mỗi đoạn 4 câu thơ. Phi Tuấn đã quay về tìm lại trong ký ức xưa với hai câu đầu tiên:" Tôi về thu cúc đã vàng. Chút mùa hạ sốt đốt tàn cánh sen”. Thực tế thì rất buồn, tất cả chỉ còn là một màu vàng của mùa thu và sự úa tàn còn sót lại của một mùa cuối hạ năm nào. Sự tàn úa theo thời gian không chỉ với con người mà cả những vật vô tri giác nữa: Một màu vàng của mùa thu lá úa và một cánh hoa sen úa tàn sau mùa hạ. Thế thôi, cũng đủ nói lên những điều đáng nói, những sự vật hiện tượng trong đất trời cứ thay nhau chuyển luân chuyển theo chu kỳ bốn mùa định sẵn của thiên nhiên, tạo hóa. Lòng người, tình người có biến chuyển theo cảnh vật, thời gian nào ai có hay?.

    Trong cái cảnh mà ta thấy sắp và hình như đã kết thúc diễn biến của một sự việc, thì biết đâu nhà thơ đã tinh ý đưa hình tượng của những loài hoa tượng trưng: Hoa Sen và hoa Cúc. Ý nghĩa về tình yêu là loại hoa cúc, nhưng hoa cúc đỏ thể hiện cho lời tỏ tình trong tình yêu, còn hoa cúc trắng lại là mong muốn một tình yêu sâu lắng, nhẹ nhàng. Rồi một loài hoa mà gần bùn nào chẳng hôi tanh mùi bùn: Hoa sen, hoa biểu tượng cho sự cao quý của phẩm cách con người, nó còn là biểu tượng tinh thần về năm điều cơ bản của nhà Phật: Tính vô nhiễm, thanh lọc, thùy mị, thuần khiết và tính kiên nhẫn.
       Phi Tuấn muốn thể hiện tấm lòng mình bằng một hình ảnh của một hoa cúc. Đó là  sự tôn trọng một ký ức về tình cảm đẹp, cao thượng. Hơn thế nữa, thi nhân luôn kiên định để tìm đến những giá trị tinh thần vững vàng nhất.  
  Hoa sen chỉ nở trong mùa hạ, nhưng khốn thay hình ảnh của bài thơ đã qua rồi một mùa hạ. Hoa sen lại ẩn mình trong những  nỗi đau, sự ngập chìm trong mùi bùn hôi tanh, nhưng không vì thế mà làm nhơ bẫn những cánh hoa sen. Thế mới lạ, để rồi sẽ hứa hẹn vươn lên trong mùi đang tỏa hương, khoe sắc  tô điểm cho một tình yêu thanh cao, thanh bạch, nó làm ấm lại cho một tình yêu nào ấy. Điều đó thể hiện rõ nét hơn khi ta tiếp đọc bốn câu nữa: "Chờ nắng bên thềm ! Để trời xanh cuộn về miền heo may. Tôi còn mang lửa đầu tay. Thắp mười ngọn gió thổi đầy đường xa” 
      Thách đố với ngoại cảnh, khi dĩ vãng đã trôi theo gió heo may vào cuối thu, nhưng ai đó vẫn tin và chờ ‘Nắng’ về để thắp lên những ngọn lửa nhiệt huyết từ hai bàn tay của chính mình, ngọn lửa đó trở thành gió, theo dọc nẻo đường dẫn ai đi.
    Trong cuộc đời đầy gian nan, khổ ải này, chỉ có gió mới giúp cho tâm hồn mình bay bổng lên, thoát ra những níu kéo của đời thường để làm nên những giá trị tinh thần cao cả. Đạo lý sống của Phi Tuấn  đã  thuận theo biến chuyển có tính quy luật chuyển hóa âm dương của vũ trụ.
    Và tiếp bốn câu lục bát nữa:"Áo em tim tím hoa cà. Tôi quên mất tuổi mười ba để gần. Chợt nhớ em đã có lần.Tôi lưu luyến một điệu đàn rồi xa"Vẫn một nỗi niềm khi nhớ về ký ức xưa, nhớ buổi ban đầu ấy, người con gái hãy còn trẻ và ngây thơ đó; để rồi bên một cung đàn nào vẫn cứ mãi vấn vương. Nhưng chỉ thấy tháng ngày trôi đi như sao trốn dần vào màn đêm, như dải Ngân Hà kia nhòe dần trong ánh mắt, trong sự tiếc nuối tuổi thơ ngây theo nhà thơ Phi Tuấn.
    Dòng đời cứ như như thế mà tự nhiên mải miết trôi đi. "Thế rồi lại cứ mùa xuân. Nắng mưa phấp phới đủ mầm bay lên. Bao nhiêu má lúm đồng tiền. Reo reo mộng ước lên nền đắm say”. Cuộc đời của thi nhân trải qua biết bao mùa xuân, bao mối tình, những phơi phới trong tình yêu của tuổi xuân thì, những điệu cười duyên dáng với má lúm đồng tiền..đã và đang mang đến cho Phi Tuấn biết bao mộng tưởng về một lâu đài tình ái năm xưa nào.
    Trong tình yêu thì đủ thứ: Vui có, buồn có, hạnh phúc có và khổ đau cũng không thiếu. Hai trạng thái, hai mặt đối lập trong tình yêu cũng không gì lạ trong cuộc đời .Nhưng trong tình yêu đã được nhà thơ ví von như nắng gắn liền với mưa. Để rồi " Tháng ba chưa kịp dãi bày. Hoa xoan, hoa gạo hồn bay về trời”.
Thời gian thấm thoát như thoi đưa, mới đó mà tuổi xuân đã trôi qua tự bao giờ. Thi nhân không còn mơ tưởng đến các loài hoa kiều diễm như hồng, lãng mạn như lưu ly… mà thi nhân chỉ muốn một loài hoa ở một miền quê thôi, thậm chí hoa dạu cũng được, miễn sao ở đó có những tình yêu chung thủy, sắt son. Thế rồi thi nhân bắt gặp một loài hoa xoan tím trắng vừa thanh bach,  vừa thủy chung, và nữa là  hoa gạo mộc mạc nhưng cháy đỏ, cháy bỏng tình yêu âm thầm, khát khao một mối tình buổi hoàng hôn ngày nào.

       Phi Tuấn mong tìm một sự  gắn bó, thủy chung nhưng không thấy ai cả, ngoài nỗi buồn và sự đơn côi vời vợi. Đến nỗi "Trái tim ép đủ chưa lời. Thoắt qua khoảng tuổi năm mươi bây giờ. Xa người không một tiễn đưa " … " Bập bùng nắng hạ reo bờ sân quen. Tóc còn  xanh lắm tôi ghen. Một câu lục bát vẫn chen thu vàng?”  
 Chúng ta bắt gặp một trái tim thổn thức, một trái tim biết nói lời yêu thương, một " Trái tim ép đủ chưa lời,..". Thời gian rồi sẽ trôi đi lặng lẽ không đợi chớ một ai. Mới đó mà "Thoắt" đã ngũ tuần. Khó mà tìm được tri âm, tri kỷ ngay cả kẻ nhân, người trí nữa, huống hồ gì đối với chúng ta, những con người bình thường trong đời sống chật chội này. Khó vì không thể lấy nửa của ai làm nửa của mình. Phải thật sự là một nửa của chính mình. Chắc có lẽ nhà thơ vẫn còn trên con đường đang kiếm tìm. Phi Tuấn đã  từ con tim mình bộc bạch thành những lời thơ câu thơ để nói lên, để tâm sự, để gởi gấm nỗi lòng mình. Sự khẳng định mùa Xuân trong Phi Tuấn là sự là tin tưởng một mùa xuân bất tận trong những câu thơ của bài thơ Lục bát mùa Xuân của chính mình. 
        Bài thơ Lục bát mùa  Xuân  của  Nguyễn  Phi Tuấn  luôn tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi, đó là bài thơ bộc bạch một tâm hồn bình dị, chỉ biết có loài hoa Xoan, hoa Gạo cũng đủ lắm rồi. Cần chi những hoa Cúc, hoa Sen sang trọng, quí phái. Chắc có lẽ biểu tượng ấy cũng giống như tình yêu của thi nhân chăng?. Chỉ cần cái đơn giản thôi trong tình yêu muôn một cũng đủ lắm ru!. Nhưng nào ai biết được, trước những cuộc đời đầy biến cố thương đau, đầy trắc trở trong tình yêu khi mộng ước vẫn chưa thành. 
        Một vài nét khái quát về hình ảnh dưới ngòi bút của Nguyễn Phi Tuấn trong bài thơ Lục bát mùa Xuân cũng đã phác họa nên khung cảnh ấy, không chỉ như một bức tranh miêu tả một mùa Xuân mang cảm tính, mà còn có một ý nghĩa  triết lý, triết học  cao xa của người phương đông chúng ta. Như trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du từng viết "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" chính là vì vậy. Và nói như phong cách của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... Để làm gì em biết không?...". Vâng, một tấm lòng, tấm lòng của con người Á đông biết yêu thương và thương yêu mọi người bằng cả tấm lòng và bằng cả con tim. Chỉ có tấm lòng mới giải quyết được hết thảy mọi vấn đề nơi trần thế này. Vâng, một tấm lòng hay lắm, quý lắm và đẹp lắm cũng như vẻ đẹp của thiên nhiên nhất là mùa Xuân, một mùa bắt đầu trong một năm, thường gơi cảm hứng cho thi nhân để rồi ta có được một bài thơ Lục bát mùa Xuân đầy vẻ đẹp của tình yêu và tình người./. 
TP. HCM 11/5/2014
 Triều Châu  


1 nhận xét:

  1. Những vần thơ hay và những hình ảnh đẹp
    Cảm ơn bạn đã chia sẻ

    ------------------------------------
    Ms Nga-Kinh Doanh-SacoJet.vn

    090 262 1479 – 1900 63 6479
    Chuyên Đặt vé máy bay VietJet giá rẻ và uy tín tại TpHCM

    Trả lờiXóa

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...