PGS.TS.
ĐOÀN ĐỨC PHƯƠNG
(Bộ
môn Lí luận văn học – Khoa Văn học)
“Mỗi
người trong chúng ta, dù là con người tầm thường nhất, cũng tượng trưng cho
một toàn bộ khó quan niệm những cố gắng của tự nhiên và của con người được
theo đuổi không ngừng qua nhiều triệu thế kỉ. Chỉ riêng điều này có lẽ đủ để
làm cho chúng ta xem xét tia lửa mà chúng ta mang trong người như là vô cùng
quý giá và cuộc sống như là một cái gì quan trọng nhất”.
Những
dòng nhật ký ấy Hoài Thanh viết ở Huế tháng 11/1934, khi Hoài Thanh còn rất
trẻ và đi “tìm cái đẹp trong nghệ thuật đã trở thành lí tưởng của cuộc đời
ông. Trên hành trình một đời văn, một đời người, với “tia lửa” của riêng
mình, Hoài Thanh bao giờ cũng thể hiện khát vọng yêu cuộc sống và con người
với tất cả tấm lòng chân thực nhất, những rung động tinh tế, sâu sắc, độc đáo
nhất. Đấy là cái “tạng” của Hoài Thanh, là phong cách Hoài Thanh.
Văn
học cũng như phê bình văn học rất cần sự đa dạng, độc đáo của những cá tính
sáng tạo; nói cách khác, sự tồn tại và phát triển của văn học, của phê bình
văn học không thể tách rời phong cách. Xét cho cùng, bất cứ nghệ sĩ sáng tạo
văn chương nào cũng có đặc điểm riêng của mình, nhưng phong cách thì không
thể ai cũng có. Phong cách - đó là kết quả sáng tạo không mệt mỏi của mỗi
nghệ sĩ và “tương lai chỉ thuộc về những ai nắm được phong cách” (V.Hugo).
Chính Hoài Thanh có lần viết về phong cách trong phê bình văn học : “Chớ vội
đi tìm cái gọi là phong cách. Hãy cứ nghiên cứu thật sâu, thật kỹ, gắng phát
hiện những vấn đề ẩn khuất bằng cả tâm hồn và trí tuệ của mình, kỳ thật chín.
Sau đó hãy cầm bút. Và hãy cố biểu đạt sao cho chính xác nhấtm gọn nhất ý
tưởng của mình. Lúc này, phong cách tự nó sẽ đến. Không phải mất công tìm
kiếm gì cả. Bởi vì phong cách chính là tổng thể quá trình sáng tác đó”. Thật
đúng vậy, phong cách Hoài Thanh toát lên từ toàn bộ cuộc đời và văn nghiệp
của ông.
Từ
đầu những năm ba mươi của thế kỉ XX, tên tuổi Hoài Thanh bắt đầu được chú ý
với cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật hay “nghệ thuật vị nhân sinh”.
Khởi nguồn sâu xa của cuộc bút chiến này là việc phê bình tập truyện ngắn Kép
Tư Bền của Nguyễn Công Hoan. Đầu tháng 8/1935, trên Tiểu thuyết thứ
bẩy số 62, Hải Triều có bài khen ý nghĩa xã hội của tập truyện trên. Ngay
sau đó, trên báo Tràng An số ra ngày 15/8/1935, Hoài Thanh có bài Văn
chương là văn chương phủ nhận quan điểm của Hải Triều và đề cao giá trị
nghệ thuật của tác phẩm. Cuộc tranh luận kéo dài đến năm 1939 với hai phía
của chiến tuyến : một bên cùng với Hải Triều là Hải Thanh, Hải Khách (Trần
Huy Liệu), Hải Âu (Trịnh Xuân An), Hồ Xanh, Lâm Mộng Quang, Phan Văn Hùm...;
một bên cùng với Hoài Thanh là Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều, Thiều Quang, Lê
Quang Lộc, Lan Khai... Phía Hoài Thanh bị “kết án” là thoát li, hình thức chủ
nghĩa, vị nghệ thuật. Sự thực, Hoài Thanh chỉ muốn nhấn mạnh đặc trưng thẩm
mỹ của văn chương, chứ ông không có ý phủ nhận ý nghĩa xã hội của văn chương,
trách nhiệm xã hội của người cầm bút ; trên Tiểu thuyết thứ bẩy 23/5/1935,
Hoài Thanh khẳng định : “Văn chương có ảnh hưởng lớn vì văn chương hun đúc
tinh thần người đời. Văn chương không có quyền luôn luôn ở trên mấy tầng mây
cao thẳm, lãnh đạm ngắm những cảnh phong ba dữ dội ở đời” (Cần có một thứ
văn chương mạnh mẽ hơn). Quan điểm ấy được Hoài Thanh phát triển sâu sắc
hơn trong cuốn Văn chương và hành động (viết năm 1936 với sự góp mặt
của Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư). Cuốn sách vừa ra đời đã bị thực dân thu
hồi và cấm lưu hành (mãi đến năm 1998 mới tìm lại được và ra mắt công chúng).
ở cuốn sách ấy, một người “vị nghệ thuật không thể có những dòng đầy nhiệt
huyết như thế này : “Là một người Việt Nam ở thời bây giờ trên vai ta mang
nặng những trách nhiệm không thể từ chối được... Trước tình hình như vậy,
vòng tay đứng nhìn là một tội ác... Chúng tôi nhận rằng nhà văn cũng
phải hành động như mọi người : hành động bằng việc làm và hành động bằng ngòi
bút”.
Năm
1942, Hoài Thanh và Hoài Chân viết Thi nhân Việt Nam, cuốn sách để đời
trong văn nghiệp Hoài Thanh, cuốn sách góp phần quyết định tạo nên tên tuổi
Hoài Thanh. Trong hàng trăm nhà thơ, hàng vạn bài thơ, nhà phê bình đã chọn
ra 46 nhà thơ, 169 bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới. Trần Mạnh Hảo
viết một cách hình ảnh : “Thơ Mới khi ra đời như kỳ hoa dị thảo mọc lên một
cách hoang hóa từ khắp rừng núi, đồng bằng, đô thị Việt Nam. Hoài Thanh và
Hoài Chân đã mất nhiều công sức tìm ra những tinh hoa, thâu tóm những loài
hoa cỏ kỳ lạ điển hình nhất của rừng hoang Thơ Mới, trồng vào khu rừng riêng
có chọn lọc, rồi rào vườn bách thảo thi ca lại đặng coi sóc, gìn giữ lưu lại
cho hậu thế được thỏa sức ngắm nhìn”. Những bài thẩm bình của Hoài Thanh
với từng nhà thơ thực sự là những bài thơ và bài tổng kết phong trào Thơ Mới
mang tên Một thời đại trong thi ca thực sự là một bản trường ca, “khúc
tuyệt xướng” về Thơ Mới. “Đọc Thi nhân Việt Nam, trước hết ta gặp một
nhà thơ ở giữa các nhà thơ” (Hoàng Trinh).
“Nếu các nhà thơ trong phong trào
Thơ Mới là Bá Nha thì họ đã có một Tử Kỳ chính là Hoài Thanh” (Ngô Văn Phú).
Hoài Thanh đã xây nên “lâu đài kiến trúc hài hòa, đầy chất thơ” (Đỗ Đức
Hiểu). Thi nhân Việt Nam là “một công trình của thế kỉ” (Nguyễn Văn
Hạnh). “Rồi người đời sẽ quên dần và quên hết các chức tước, các trọng trách
mà ông giữ, để chỉ còn và còn mãi mãi tác giả Thi nhân Việt Nam (Phong
Lê).
Cuốn
sách Nói chuyện thơ kháng chiến (1951) tập hợp những bài nói chuyện về
thơ của Hoài Thanh trước đông đảo công chúng trên những nẻo đường đầy gian
lao mà anh dũng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trước sau Hoài Thanh vẫn là
một nhà nghệ sĩ dạt dào tình cảm dân tộc, đồng bào và thiết tha yêu thương
quê hương đất nước. Với sự đồng cảm sâu xa, Hoài Thanh luôn khẳng định “nội
dung của thơ ca kháng chiến là tình yêu nước, và không có gì ngoài tình yêu
nước, không có gì ngoài những phương diện của tình yêu nước”, đồng thời Hoài Thanh cũng nhiệt
tình ủng hộ khuynh hướng đại chúng trong hình thức biểu hiện. Tiếp tục duy
trì những thao tác đã dùng khi viết Một thời đại trong thi ca, nhà phê
bình đã quan sát thơ kháng chiến từ nhiều bình diện : cơ sở xã hội, đội ngũ
sáng tác, nội dung trữ tình, thể thơ...
Trên cái nền hào hùng của cuộc kháng
chiến và không khí sôi nổi của phong trào sáng tác thơ ca quần chúng, Hoài
Thanh đã phác họa chân dung những con người mới của một thời đại mới, nhân
vật công nông binh, đồng thời ông chọn lọc và giới thiệu những bài thơ
kháng chiến tiêu biểu : Viếng bạn (Hoàng Lộc), Nhớ (Hồng
Nguyên), Bài ca vỡ đất (Hoàng Trung Thông), Người dân quân xã
(Vĩnh Mai), Lượm, Lên Tây Bắc (Tố Hữu) v.v... Trong bản giao hưởng thơ
ca kháng chiến, Nói chuyện thơ kháng chiến của Hoài Thanh đã là một
nốt nhạc trong trẻo chan chứa niềm tự hào và tin yêu, tiếp thêm sức mạnh cho
những người kháng chiến.
Hoài Thanh đặc biệt chú ý đến văn học trung đại. Năm
1943, một năm sau khi xuất bản Thi nhân Việt Nam, ông viết Một
phương diện của thiên tài Nguyễn Du – Từ Hải đăng trên báo Thanh Nghị
; cũng năm đó, trên tờ Vì Chúa nguyệt san số 238, ông viết Một vài
ý kiến về quyển “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của ông Nguyễn Bách Khoa bác
bỏ những quan điểm lệch lạc khi nghiên cứu Truyện Kiều. Sau này, do
yêu cầu nghiên cứu và giảng dạy, Hoài Thanh còn viết khá nhiều bài về tác
phẩm của Nguyễn Du, nhưng có lẽ bài viết hay nhất của ông về Truyện Kiều là
Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (1949). Viết
về Truyện Kiều, “văn phong và ngôn từ của Hoài Thanh, chủ yếu do khả
năng cảm thụ tinh tế, sâu sắc của tác giả, có phần gần gũi và kế thừa ngôn từ
văn phong của Mộng Liên Đường chủ nhân, của Thập Thanh Thị, của Chu Mạnh
Trinh – những nhà thẩm bình Truyện Kiều kiệt xuất - đồng thời vẫn có
một nét duyên dáng, độc đáo riêng biệt mà theo ý chúng tôi, trước hết là giá
trị gợi cảm, mở rộng trường liên tưởng đối với người đọc (Đặng Thanh Lê).
Hoài Thanh còn viết về Bình ngô đại cáo và thơ Nôm của Nguyễn Trãi, về
Phan Trần, Hoa Tiên, Chinh phụ ngâm, về thơ văn Nguyễn Đình
Chiểu v.v... Hoài Thanh đã làm được điều mà nhiều nhà nghiên cứu khác không
làm nổi, là làm sống lại những tác phẩm thời quá khứ, khiến cho “những bông
hoa, kể cả những loại không phải là hoa khôi, đã trải qua hàng trăm năm sương
giá trở thành thắm tươi hơn, có khi còn thắm tươi hơn ngày mới nở” (Trương
Chính).
Nhưng
văn học hiện đại mới là mối quan tâm hàng đầu và thường xuyên của Hoài Thanh.
Các tác gia lớn trong văn chương dân tộc được Hoài Thanh đặc biệt ưu ái. ở
văn học cận đại Việt Nam, những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Hoài Thanh
chú ý tới Phan Bội Châu; còn bây giờ, ở văn học hiện đại Việt Nam, Hoài Thanh
chú ý tới Hồ Chí Minh và Tố Hữu với tư cách là hai nhà thơ cách mạng hàng đầu
mà tác phẩm của họ có sức động viên rất lớn với quần chúng nhân dân. Hoài
Thanh luôn có ý thức “học tập Bác qua thơ Bác” ; bằng cảm quan nhạy bén, linh
khiếu thẩm bình văn chương tinh tế, sắc sảo, từ vẻ đẹp của thơ Bác, Hoài
Thanh đi sâu khám phá vẻ đẹp nhân cách Hồ Chí Minh. Hoài Thanh luôn theo sát
các chặng đường thơ Tố Hữu, nhất là từ tập Việt Bắc trở đi, nhà phê
bình thường xuyên có những phát hiện mới về thơ Tố Hữu ở cấp độ chi tiết nghệ
thuật ; chẳng hạn, Hoài Thanh nhận ra “giọng thơ tâm tình” trong Nước non
ngàn dặm : “Bài thơ dài trên ba trăm câu mà gần như không một lần lỡ nhịp
ngang cung. Bài thơ ngọt lịm, đúng là một tiếng ru. Một tiếng ru day dứt
không thôi. Bởi ru đây không phải là ru để ngủ, để quên, mà để đừng quên”. Hoài Thanh viết về Hòn Đất
của Anh Đức, về thơ của Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy, Lưu
Quang Vũ, Cảnh Trà v.v...
Cũng như với các nhà thơ mới trước kia, Hoài Thanh
rất trân trọng các nhà thơ trẻ của thời đại cách mạng, “Con mắt xanh” của nhà
phê bình tài hoa đã làm chất kim cương trong thơ họ lấp lánh tỏa sáng, nói
như Chế Lan Viên : “Cái hay của Hoài Thanh là sau việc đánh giá cao Thơ Mới
như vậy, anh lại góp phần vào việc làm ra một nền thơ cách mạng cao hơn, mới
hơn, mới hơn về nội dung cách mạng”. Không những thế, Hoài Thanh đã bắt
đầu tập hợp tư liệu để viết một bài tổng kết về thơ ca hiện đại kiểu Một
thời đại trong thi ca ; tiếc là ông đã ra đi quá sớm, không kịp thực hiện
dự định cao đẹp ấy của đời ông.
Một
đời cầm bút và sáng tạo, Hoài Thanh đã để lại trong văn chương dấu ấn thật
khó phai mờ. Dấu ấn độc đáo đó thể hiện trong quan niệm nghệ thuật, phương
pháp phê bình, tính cách phê bình của Hoài Thanh.
Hoài
Thanh luôn trân trọng, mến yêu cuộc sống và càng yêu cuộc sống, yêu con
người, Hoài Thanh càng say mê văn chương vì văn chương làm cho người ta thêm
quý yêu cuộc sống và con người. “Ông Hoài Thanh đã quan niệm Thơ không chỉ vì
Thơ mà trước hết còn vì cuộc sống, vì con người. ở đây, tình yêu thơ cũng là
tình yêu con người với mọi góc cạnh lung linh của tâm hồn, là tình yêu cuộc
sống với đầy đủ những vui buồn...” (Chu Hảo). Say mê văn chương, Hoài Thanh
đề cao, khẳng định giá trị đích thực của văn chương là ở phẩm chất nghệ thuật
của nó, ở bản chất của nó, đó là cái đẹp, nhà văn Nga K.Pautôpxki có câu nói
nổi tiếng : “Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường
vào xứ sở của cái đẹp” – phải chăng “cái đẹp” ấy là vẻ đẹp của cuộc sống, vẻ
đẹp của tâm hồn, là cái đẹp ở nội dung miêu tả, cái đẹp ở phương thức biểu
hiện của tác phẩm ? Đức Năng, người con thứ hai của Hoài Thanh, tưởng nhớ
người cha kính yêu của mình “cả một đời hướng tâm vì cái đẹp : cái đẹp của
cuộc sống và cái đẹp của nghệ thuật”.
Văn Giá nhấn mạnh : “Hoài Thanh trước
sau vẫn nhất quán trong một bản chất thi sĩ đích thựcmột: say mê đi tìm cái
đẹp và “sùng bái” cái đẹp (chữ dùng của cụ Đặng Thai Mai)...” Với Hoài Thanh,
chính cái đẹp mới làm nên phẩm chất văn chương. “Đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ
trong những bài thơ hay”. “Thơ chưa hay thì có cũng bằng
không có”. Nhưng cái đẹp, cái hay của văn
chương phải mang bản sắc riêng biệt, độc đáo. “Một truyện ngắn, một bài văn
phê bình, hay một bài văn nào khác, đều cần phải có cái đặc sắc của
nó” (Phê bình văn – Tiểu thuyết thứ bẩy, 14/9/1935). Văn chương là sản
phẩm tinh thần của con người, một sản phẩm đặc thù mang dấu ấn độc đáo của cá
tính sáng tạo. “Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới
này, nhưng thế giới này trong con mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng” (Ngoại
cảnh trong văn chương – Tràng An, 10/12/1935).
Hoài Thanh còn chỉ rõ
cội nguồn mọi sáng tạo độc đáo là ở tài năng, nhân cách của người nghệ sĩ.
Cái tài phải đi với cái tâm, một cái tâm trong sáng, thành thật. Trong bài Nhỏ
to viết cuối sách Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh tâm sự với bạn
cùng nghề văn : “Danh vọng quý thật, nhưng còn có điều quý hơn danh vọng, quý
hơn hết thảy : lòng ngay thẳng mà ít nhất cũng phải giữ trọn trọng văn
chương”. Sống thành thực, viết thành thực là một tư tưởng nhất quán trong
toàn bộ cuộc đời Hoài Thanh, ông chỉ viết những điều mình xúc động, cảm nghĩ
thực sự, không vay mượn của ai, không nói những điều trái với rung cảm của
lòng mình. Thật chẳng phải ngẫu nhiên Ngô Tất Tố viết ở đầu cuốn Phê bình
Nho giáo của Trần Trọng Kim (1938): “Tặng Hoài Thanh Nguyễn Đức Nguyên,
một người trong sạch, thành thật và có nghị lực trong lớp thanh niên ngày
nay”.
Quan
niệm nghệ thuật của Hoài Thanh là cơ sở cho phương pháp phê bình văn học của
ông. Yêu cái đẹp, Hoài Thanh chỉ chọn cái đẹp, cái hay trong văn chương để
bình, chứ không phê, và bình bằng cả tâm hồn mình, bằng cả con người văn hóa
của mình. “Nếu gọi bằng nghiệp thì bình thơ vẫn là cái nghiệp rất
vui. Còn gì vui bằng cùng với ý đẹp, lời đẹp và nhạc điệu, âm thanh đi vào
những tâm hồn trong sáng, đi vào những nơi trong sáng nhất của tâm hồn. Khó
có những chuyến đi nào say người hơn”. Với Hoài Thanh, phê bình văn học
đã là một niềm đam mê lớn, phê bình cũng là văn chương, ông đã nâng công việc
bình thơ, bình văn lên thành một nghệ thuật, nó đòi hỏi nhà phê bình phải
viết cho hay, cho hấp dẫn, phải có những sáng tạo mới mẻ. “Phê bình một quyển
sách phải nói cho đúng đã đành, mà lại cần phải nói cho hay nữa, làm thế nào
cho câu nói của mình có đặc sắc. Đối với một quyển sách, mình có ý kiến gì là
lạ, mới nên hạ bút phê bình, không thì thôi. Phê bình cũng cần phải có sáng
tạo là thế”. Hoài Thanh phát hiện cái đẹp, cái hay, cái mới, cái lạ trong văn
chương bằng ấn tượng trực cảm, sự đồng điệu của tâm hồn, “lấy hồn tôi để hiểu
hồn người”. “Mỗi người có một cái “tạng” riêng, “tạng” của Hoài Thanh trong
phê bình là trực giác, ấn tượng. Ông rất tự tin vào cảm xúc tự nhiên của
mình, và thường là ông đúng” (Phạm Xuân Nguyên). “Lối phê bình của Hoài Thanh
là đi trực tiếp đến cái thần của sự vật, gợi lên cái tứ của bài thơ ; nó gần
với sáng tác mà xa với khoa học ở cách làm, nhưng vẫn đạt đến ý nghĩa khoa
học vì nó cũng phát hiện ra chân lí” (Nguyễn Thị Thanh Xuân). Nhưng phương
pháp phê bình văn học của Hoài Thanh không đơn thuần là phê bình ấn tượng mà
còn là so sánh, xã hội học, hiện tượng học, tiếp cận văn hóa – lịch sử... Khi
bình thơ văn cổ điển, “với tinh thần biểu dương cổ vũ, gạn đục khơi trong, kế
thừa di sản, Hoài Thanh đã vận dụng sở trường bình thơ kiểu thi thoại
của ông để chỉ ra những bài thơ hay, câu thơ hay, hình ảnh hay một cách xác
đáng” (Trần Đình Sử). Để nhận diện chân dung tâm hồn các nhà thơ mới, Hoài
Thanh dùng phương thức so sánh ở cấp độ tác giả : “Nguyễn Bính nhà quê
hơn cả nên chỉ ưa sống trong tình quê... Anh Thơ là một người thành thị đi du
ngoạn nên chỉ thấy cảnh quê. Bàng Bá Lân gần Anh Thơ hơn gần Nguyễn Bính...
Nhưng người hiểu cảnh quê hơn Anh Thơ”. Hoài Thanh luôn thực hiện phân
tích tác phẩm gắn với đặc trưng thể loại, phong cách, thi pháp : với
những tác phẩm truyện như Truyện Kiều, Hoa Tiên, Phan Trần...
Hoài Thanh chú ý khám phá thế giới nhân vật (Thúy Kiều, Từ Hải, Dao
Tiên, Lương Sinh, Kiều Liên, Phan Sinh...) ; với các tác phẩm thơ trữ tình
như Nhật ký trong tù, Hoài Thanh ít nói tới sự kiện mà quan tâm nhiều
đến thế giới tâm tư tình cảm của nhà thơ : “Nhưng giữa bao nhiêu tối
tăm dày đặc, ánh sáng vẫn ngời lên, ánh sáng của một tấm lòng thương người và
yêu mến đời vô hạn”. Có thể nói, phương pháp phê bình
văn học của Hoài Thanh rất linh hoạt, uyển chuyển, “ông vừa tiếp nối cung
cách bình thơ của các thi nhân – hiền giả trong truyền thống văn hiến của cha
ông, vừa kết hợp và ẩn chứa trong lời bình cái quan niệm bản chất thơ ca của
nhiều xu hướng văn chương tiến bộ, trong lúc tâm hồn ông đã lộng gió phương
Tây...” (Trường Lưu).
Con
người Hoài Thanh , tính cách Hoài Thanh hiện rõ trên những trang văn. Nếu
nghệ sĩ là người tôn thờ cái đẹp, sáng tạo cái đẹp, giàu xúc cảm và có trí
tưởng tượng bay bổng thì Hoài Thanh là một nghệ sĩ đích thực trong phê bình,
ông là nhà phê bình – nghệ sĩ. Trong văn chương, tác phẩm hay chính là
cái đẹp và Hoài Thanh xác định cho mình nhiệm vụ là “bình thơ hay”, “bình cái
hay của thơ”. Tính cách nghệ sĩ của Hoài Thanh còn thể hiện rõ ở năng lực đồng
cảm, cảm thông với người sáng tác. “Nét đồng điệu của tâm hồn là yếu tố tiên
quyết giúp tác giả lắng lòng nghe thấy cái huyền diệu, cái tinh tế trong
những hồn thơ mong manh mà người khác không cảm thấy được... Ông đã tạo ra
một điệu văn, đúng hơn, một điệu thơ - phê bình, để dẫn ta vào
một thế giới trong đó hồn ông và hồn thi nhân nhập hòa làm một và được biểu
hiện bằng những câu thơ linh diệu” (Thiếu Mai). “Kể từ Thi nhân Việt Nam cho
đến nay, Hoài Thanh vẫn là nhà phê bình có cách cảm thụ thơ tinh vi và sâu
sắc. Ông nhạy cảm và lại thận trọng : ông thường tìm được những điều chủ yếu
nhất của bài thơ, thấy được cái hay của câu chữ vần điệu và cũng thấy được cả
cái ấp úng trong lòng tác giả chưa giãi bày hết được lên thơ” (Vũ Quần
Phương). ở người nghệ sĩ Hoài Thanh, sự tinh tế, sâu sắc trong phong cách phê
bình lại được chắp cánh bởi tư duy hình tượng, bởi những liên tưởng sinh
động. Có cảm giác trong tay ông, cây đũa thần – phê bình chạm tới đâu là ở
đấy tất cả sống dậy, có hồn, khơi gợi tưởng tượng và cảm xúc. Một khái niệm
trừu tượng như thơ ca, dưới ngòi bút Hoài Thanh “thơ phải là một tia
sáng nối cõi thực và cõi mộng, mặt đất với các vì sao”. Đánh giá vị trí của
Tản Đà trong tiến trình thơ ca Việt Nam, Hoài Thanh khẳng định đó là “người
đã dạo những bản đàn mở đầu cho cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa”. Hoài
Thanh hình dung xã hội Truyện Kiều, “cái xã hội ghê tởm đó sống nhơ
nhuốc dưới ngòi bút của Nguyễn Du với cái màu da nhờn nhợt của Tú Bà,
cái bộ mặt mày râu nhẵn nhụi của Mã Giám Sinh, cái vẻ chải chuốt,
dịu dàng của Sở Khanh, cái miệng thì xoen xoét của Bạc Bà, Bạc
Hạnh”.
Nếu
nhà lí luận thiên về phê bình lí trí thì nhà nghệ sĩ thiên về phê bình tình
cảm. Hoài Thanh là nhà phê bình tình cảm. “Con người Hoài Thanh giản dị và
giàu tình như thế nào thì phong cách viết của anh như vậy “ (Vũ Đức Phúc). Cả cuộc đời đã theo
tiếng gọi của nghệ thuật, nhưng với Hoài Thanh, mọi cảm hứng sáng tạo nghệ
thuật đều chung một cội nguồn sâu xa là tình cảm. Phê bình không phải là
chuyện tỉa tót văn chương ; sức nặng của lời phê bình trước hết là ở giá trị
chân lí – những chân lí của cuộc đời chứa đựng trong tác phẩm phải thông qua
cái tình của nhà phê bình mới đến được trái tim người đọc. Chính Hoài Thanh
đã viết : “Muốn phân tích văn thơ cho chính xác không thể nào không cần đến
ít nhiều rung cảm nghệ thuật. Nhưng rung cảm nghệ thuật cũng là một thứ tình
cảm, và rung cảm đúng hay sai thường cũng là do những tình cảm chủ đạo trong
đời sống mỗi chúng ta quyết định”. Tình cảm luôn là nguồn lực lớn
lao chi phối ngòi bút Hoài Thanh. Nhà phê bình đã hướng tới nhiều thể loại
văn học (ca dao, truyện, tiểu thuyết, phóng sự, bút ký v.v...) nhưng ông dành
nhiều công sức nhất (và cũng thành công nhất) ở công việc bình thơ, vì thơ là
tiếng nói của tình cảm, thơ diễn tả một cách chân thật và rung động những tâm
tư, tình cảm sâu sắc của con người. Là một nhà thơ giữa các nhà thơ mới, Hoài
Thanh không cần dùng một từ ngữ nào đặc tả nỗi buồn hoài cổ trong thơ Huy
Cận, vậy mà người đọc vẫn cảm nghe được nỗi cô đơn, trống vắng đến lạnh người
trong cái xa xôi vô tận của cõi đời : “Nhưng con đường về quá khứ đi càng xa,
càng cô tịch, tứ bề càng vắng lặng mênh mông. Có lẽ thi nhân trong cuộc viễn
du đã có lần nhác thấy cái xa thẳm của thời gian và không gian, có lẽ người
đã nghe trong hồn hơi gió lạnh buốt từ vô cùng đưa đến. Một Pascal hay một
Hugo trong lúc đó sẽ rùng mình, sẽ hốt hoảng ; với cái điềm đạm của người
phương Đông thời trước, Huy Cận chỉ lặng lẽ buồn”. Ngòi bút trữ tình của nhà phê
bình phát hiện vẻ đẹp tâm hồn trong thơ Tố Hữu : “Từ ấy để lại những
hình ảnh khá đậm về nhà thơ. Ta thấy anh nện gót trên đường phố Huế để tỏ thái
độ khinh ghét đối với cả một lối sống đớn hèn.
Ta thấy anh một mình trong xà
lim Quy Nhơn, tim nhức nhối vì một tiếng rao đêm...”. Còn đây, trong một tác phẩm tự
sự, tiểu thuyết Hòn Đất, nhà phê bình xúc động bởi một chi tiết rất
nhỏ, tưởng như chẳng mấy ai chú ý tới : “Không những ai nấy đều sẵn sàng hi
sinh vì nghĩa lớn, ở đấy còn có một cái có khi còn khó hơn đức hi sinh nữa :
đó là đức quên mình. Tiêu biểu nhất là chị Sứ. Chị luôn chăm lo cho người
khác. ở trong hang, chị là người uống nước ít nhất và “việc này cũng
chỉ có chị biết mà thôi”... Có thể nói như Lưu Liên : “Đấy là
kiểu thưởng thức văn chương rất mộc, rất gốc, rất gần... chỉ có con tim, tấm
lòng, và một niềm say đắm, say trong thơ và đắm nghĩa tình đời”.
Văn
là người. Qua văn phong phê bình thấy hiện lên một Hoài Thanh tinh tế, trang
nhã, tài hoa. “Bản sắc ấy đưa tác giả vào một diện không nhiều những nhà phê
bình mà nếu bài viết có che tên đi, người đọc vẫn nhận ra văn ấy, đúng là của
con người ấy” (Hồng Diệu). Trong cuộc đời, Hoài
Thanh là một con người từ tốn, khiêm nhường mà sắc sảo ; trong văn chương,
Hoài Thanh đã xây dựng cho mình một bút pháp chân thực mà duyên dáng, hấp
dẫn, sâu sắc mà uyển chuyển, nhẹ nhàng. Đã có lần Hoài Thanh ngợi ca Thế Lữ
có tài “điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không cưỡng được”. Đến lượt mình, Hoài Thanh cũng
chứng tỏ một năng lực ngôn ngữ tài hoa không kém. Viết về Chinh phụ ngâm,
ông đã sử dụng một đội quân từ ngữ phong phú để diễn tả mọi cung bậc tâm
trạng của người chinh phụ : câu thơ mênh mang, câu thơ xao xác,
câu thơ đau xé ruột, câu băn khoăn, câu nhẹ lướt như bàn tay
âu yếm, câu quấn quýt, rạo rực yêu đương v.v....
Hoài Thanh dùng nhiều thủ pháp
riêng như so sánh, liên tưởng, gợi không khí, tạo đường viền... làm cho cái
hay của tác phẩm nổi bật lên, đem đến cho độc giả những cảm xúc thẩm mỹ mới
mẻ. So sánh, đối chiếu với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân
để làm nổi rõ chất sáng tạo đầy trí tuệ và thiên tài nghệ thuật của Nguyễn Du
khi xây dựng hình tượng Từ Hải : “Ngờ đâu non ba trăm năm sau, đầu thế kỉ
XIX, ở một xứ mà sinh thời chắc Từ Hải không biết đến, trên bờ sông Lam, Từ
Hải còn được tái sinh một lần nữa. Đã suýt mai một cùng quyển truyện của
Thanh Tâm tài nhân, Từ Hải bỗng được một thiên tài Việt Nam cho sống lại và
vinh quang của Từ Hải lần này mới thật rực rỡ. Cái mộng của Thanh Tâm tài
nhân, cái mộng biến Từ Hải thành một vị anh hùng cái thế, phải có thiên tài
Nguyễn Du mới thực hiện được... Ca tụng uy võ của Từ Hải, Thanh Tâm tài nhân
viết : “Không quá ba ngày, Từ Hải phá một thôi được năm huyện”. “Phá được năm
huyện thì còn ra gì ! Nguyễn Du chỉ bỏ vài chữ và đổi cách đặt câu :
Đòi cơn gió táp mưa sa
Huyện thành đạp đổ năm
tòa cõi Nam
Vẫn
chừng ấy mà lời văn mạnh mẽ và khoái trá biết chừng nào.
Dường như trong công việc phê bình của mình, Hoài Thanh
luôn chú ý đến sự giản dị và cô đọng trong bút pháp mà vẫn không làm mất đi
sự mềm mại, quyến rũ của nghệ thuật văn chương. Mở bất cứ trang nào của Thi
nhân Việt Nam, người ta cũng thấy những câu văn thật trang nhã, đầy chất
thơ : “Thời trước, dầu bị oan khuất như Cao Bá Nhạ, dầu bị khinh bỉ như cô
phụ trên bến Tầm Dương, vẫn còn có thể nương tựa vào một cái gì không di
dịch. Ngày nay lớp thành kiến phủ trên linh hồn đã tiêu tan cùng lớp hoa hòe
phủ trên thi tứ. Phương Tây đã giao trả hồn ta lại cho ta. Nhưng ta bàng
hoàng vì nhìn vào đó ta thấy thiếu một điều : một điều cần hơn trăm nghìn
điều khác : một lòng tin đầy đủ”. Huy Cận viết : “Về cảm thụ thơ,
phân tích tinh tế các hồn thơ như trong Thi nhân Việt Nam thì ít ai
bằng, có lẽ chưa ai bằng Hoài Thanh”. Lê Bá Hán nhận xét : “Anh có thể
nắm bắt bén nhạy cái “thần” của một tác giả, khái quát được khá tập trung
phần tinh túy nhất của một hồn thơ. Lắm khi chỉ với vài từ hoặc một câu ngắn
gọn, anh diễn đạt được cái cốt cách của một tác giả. Anh nhắc đến cái ung
dung nhưng khẩn trương, thôi thúc và đanh thép của Sóng Hồng, tiếng nói chân
chất của Thanh Hải, tiếng nói đằm thắm của Giang Nam, tiếng nói mặn
mà của Viễn Phương, cái vị ngây ngất say sưa lí tưởng của thơ Lê
Anh Xuân...”.
Ngày
13/7/1980, trong nhật ký, Hoài Thanh nói với hương hồn người vợ thân yêu của
mình : “Nguyên tin rằng, những phần đẹp nhất trong hồn ta, những việc làm đẹp
nhất của chúng ta sẽ cùng với sông núi này, đất trời này còn mãi !”. Để có một phong cách, một bản
lĩnh riêng, Hoài Thanh đã cố gắng, nỗ lực không ngừng trong văn chương và
trong cả cuộc đời. Niềm tin của ông đang trở thành hiện thực. Những phần đẹp
nhất của tâm hồn ông, những việc làm đẹp nhất của đời ông đang được trân
trọng, nâng niu như trong hằng mơ ước. Mãi mãi, mọi người còn nhớ tới Hoài
Thanh, “một con người tài hoa, rất tài hoa, và hết mực trung thực, trung thực
cho đến tận những ngày cuối cùng đối với thơ và đối với đời”(Vũ Tú Nam), “nhà phê bình văn học
lớn nhất, tài hoa nhất của thế kỉ XX này trên đất nước Việt Nam” (Nguyễn Đình Chú). Đoàn Đức Phương
|
Trả lờiXóavé máy bay eva giá rẻ
vé máy bay đi mỹ bao nhiêu tiền
korean air vietnam office
vé máy bay khứ hồi đi mỹ giá rẻ
mua vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich