Nhạc Trịnh - Nhạc cho người từng trải
Có lẽ hơn ai hết, nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn hiểu rõ điều
này nhất, khi mà mỗi lời nhạc của ông đều chạm vào tận sâu tâm hồn những con
người tưởng như chai sạn nhất, phong trần trong từng hơi thở. Và chỉ những con
người đã có sự từng trải nhất định, đã biết băn khoăn, trăn trở, khổ đau trước
sự hữu hạn, vô thường của cuộc đời mới cảm nhận một cách sâu sắc và cảm xúc nhất
những nốt nhạc mà Trịnh Công Sơn viết.
Khi ta ngồi trong quán cà phê vào một chiều mưa xám xịt, lặng
lẽ bên ly cà phê, dìu dặt bên tai những lời hát: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân
tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy. Ôi cát bụi tuyệt vời…”(Cát Bụi), khi đó
mới chính là lúc ta thả mình vào tận sâu vào bên trong tâm hồn mình nhất, để được
tắm táp với những ý niệm mát lành cũng như đối diện với những suy nghĩ, trăn trở
về chính mình, “tôi là ai mà còn trần gian thế…?”(Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Những
lúc này là lúc ta tĩnh tâm nhất, không còn thứ gì để mà quan trọng, để mà
ham muốn cả, chỉ còn mình ta.
Đừng bao giờ chúng ta trách bọn trẻ tuổi teen, rằng sao chúng
mày không chịu nghe nhạc Trịnh, nhạc hay thế, triết lý thế, cảm xúc thế sao
không chịu nghe, mà chạy đi nghe mấy đứa nhí nha nhí nhố, tóc xanh tóc đỏ, hát
không nghe ra chữ gì, cứ nhảy nhót điên cuồng vậy. Xin thưa, trừ những đứa cá
biệt “già sớm” quá, còn lại hết thảy, chúng nghe nhạc Trịnh sẽ chẳng hiểu gì cả,
chắc chúng sẽ nói lại với chúng ta, “nhạc gì mà khó hiểu, nghe ủ ê vậy, chẳng
“sôi động” gì cả”. Chúng không chịu đâu. Hơi khập khiểng, thế nhưng cách nhìn bọn
chúng đối với nhạc Trịnh cũng chẳng khác gì cách nhìn của chúng ta đối với nhạc
teen cả. Và thường thì, món quà quý nhất chúng ta dành cho nhau là sự
thông cảm. Hãy để bọn trẻ tự trưởng thành và tự tìm đến nhạc
Trịnh một cách tự nhiên nhất, cái gì cần và hiểu, con người ta mới thực sự
yêu thương và trân quý.
Tuổi để nghe nhạc Trịnh, ít nhất là lúc bước vào học đại học,
học nghề, hay đi làm nếu ai không còn học nữa. Bởi vì đây là lúc xa rời vòng
tay ấm áp của cha mẹ, bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống tự lập với bao nhiêu
bỡ ngỡ, bộn bề lo toan. Từ từ, chúng ta sẽ vấp váp, va chạm với cuộc đời để trưởng
thành, trong quá trình đó, sẽ rất nhiều lúc chúng ta thấy lẻ loi, muốn buông
xuôi tất cả, chán nản, âu lo. Những lúc này, chúng ta sẽ tìm đến nhạc Trịnh giống
như đứa con tìm đến mẹ để được chia sẻ, được chở che, vỗ về. Để rồi từng nốt nhạc
như len lỏi vào tận sâu tâm hồn ta, xoa dịu nỗi buồn, đồng cảm với bản thân ta.
Đến một lúc nào đó trong cuộc đời mình, chúng ta chợt nhận ra, nhạc Trịnh đã trở
thành người ban tri âm của chúng ta tự lúc nào.
“Em còn nhớ, hay em đã quên. Nhớ Sài Gòn, mưa rồi chợt nắng.
Nhớ phố xưa quen, biết tên bàn chân. Nhớ đèn đường, từng đêm thao thức…”(Em còn
nhớ hay em đã quên). Những ai ở Sài Gòn đủ lâu để cảm nhận được vẻ đẹp của
Sài Gòn, để yêu, và biết nhớ khi xa nơi này, hẳn sẽ dâng lên niềm nhớ da diết
khi nghe những câu hát trên. Sài Gòn là quê hương thứ hai của Trịnh Công Sơn,
và ông đủ hiểu tình cảm của mình cũng như những người khác dành cho Sài Gòn. Với
rất nhiều người, Sài Gòn đã cưu mang, che chở phần đời còn lại khi họ bỏ xứ ra
đi tìm miền đất hứa để mưu sinh bằng dòng sữa của đất, bằng tấm lòng của người
Sài Gòn thật thà, phóng khoáng, nghĩa tình. Và Trịnh Công Sơn đã thay họ nói
lên tình cảm của mình đối với Sài Gòn, để mỗi khi nghe bài hát này, họ như thấy
chính mình trong đó.
Những thứ nhạc hay, tạo ra một dòng nhạc riêng như nhạc Trịnh
thì thường kén chọn người nghe, để hiểu được và yêu nhạc Trinh phải là những
người từng trải, sống đủ lâu để biết cuộc đời này không toàn màu hồng, đầy đớn
đau, buồn khổ, và con người thì luôn hoang mang trong sự vô định, trong hành
trình trở về với chính con người mình. Hiểu để biết yêu, biết quý, biết trân trọng
những gì mình có và sống tốt hơn. Và trong cuộc sống, thường những thứ giản
dị, sâu lắng sẽ luôn tồn tại mãi với thời gian, và nhạc Trịnh là một minh chứng
rõ nét nhất.
09/11/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét