Cầm trên tay tập thơ của bác Phạm Thuần, lòng tôi không khỏi
rưng rưng. Nhớ lại lần đầu gặp bác, khi ấy đang xúc tiến thành lập Hội Văn học
Nghệ thuật Lâm Đồng, bác đảm nhận công việc chẳng mấy dễ chịu: Chủ tịch Ban vận
động. Ấn tượng đầu tiên của tôi về bác khi ấy là ấn tượng về một ông cụ xởi lởi,
nhân hậu, minh mẫn, và thật giàu năng lực tổ chức. Nghĩ về một vị lãnh đạo tổ
chức Hội như bác, nhiều văn nghệ sĩ khó bảo như chúng tôi cũng có cớ để yên
lòng. Và rồi bác đã chèo chống để Hội Văn học Nghệ thuật địa phương chính thức
được chào đời.
Sau nhiều năm không có dịp gặp
bác, những tưởng bác đã già yếu đi nhiều cùng với tuổi tác. Nhưng kìa, bác Phạm
Thuần trong buổi gặp gỡ tác giả Hương xuân lại hầu như không một
chút thay đổi. Vẫn giọng nói lảnh lót, vẫn dáng đi nhanh nhẹn, vẫn ánh mắt hồn
hậu… Mà bác đã qua tuổi 80 rồi đấy! Cái già cả trú ngự ở đâu trong thân hình
quen thuộc kia. Cứ như với bác, thời gian không còn hiện diện trên đời. Tôi nhớ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chương trình “Khách VTV3”. Khi người dẫn chương
trình tỏ lòng biết ơn Đại tướng vì dù “tuổi đã cao, sức đã yếu” - nguyên văn lời
anh Lại Văn Sâm – ông vẫn có mặt và phát biểu với sinh viên, thì vị Tổng tư lệnh
từng làm khiếp đảm quân thù khi xưa đã đính chính lại: “Tôi tuy tuổi đã cao
nhưng sức vẫn khoẻ”. Cả hội trường ồ lên vui sướng. Đó là những “thanh niên
già” như sinh thời Hồ Chí Minh thường gọi. Bí quyết ở đâu vậy? Năm 1950, vị
lãnh tụ kính yêu đã viết:
Sáu
mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
Trần mà như thế, kém gì tiên!
Làm tiên giữa cõi trần, may mắn lắm thay mà cũng khó lắm
thay! Bước qua tuổi 80, bác Phạm Thuần cũng có suy nghĩ tương tự: Đã thấm
vào đâu tuổi 80. Rồi: Tám mươi mốt tuổi sức tràn đầy. Ấy là bởi: Tuổi
cao ý chí thêm cao mãi. Và cũng xin chớ quên cái sức trẻ của thơ ca, của nghệ
thuật đã thật sự truyền sang con người bác:
Sớm
sớm dạo rao đôi khúc nhạc
Đó
là những câu rút ra trong bài thơ bác làm tặng đồng chí Phan Thêm nhưng cũng là
để nói về mình đấy. Thơ mới kỳ diệu làm sao! Không phải những nhà phê bình
chúng tôi nói đâu. Đó là cuộc đời lên tiếng nói! Chả thế mà trong 45 bài thơ của Hương
xuân đã có 8 bài bác làm trong nửa đầu 1997 này… Bài thơ đầu tiên trong tập
được bác Phạm Thuần viết ở Pleiku vào năm 1942 - cách đây 55 năm. Còn bài thơ mới
nhất in trong tập được bác làm vào ngày 15/05/1997 có tựa đề Là em:
Xa
trông vàng rực hoa mai
Tỏa hương phảng phất hoa nhài đâu đây
Có gì lạ đâu. “Đà Lạt thành phố ngàn hoa” - Bạn bè gọi thế,
du khách gọi thế. Có điều hai câu kết của bài thơ lại soi tỏ một sự thật khác,
sâu hơn, vì vậy mà khó thấy hơn:
Đến
gần tận mắt anh trông
Thì ra: Đào, Cúc, Lan, Hồng… là em
Đúng
vậy mà! Con người Đà Lạt mới thật đáng nói kia. Đó là “hoa của đất”, là nguồn cội
của những cánh hoa trăm sắc ngàn hương rải khắp thành phố thân thương của chúng
ta. Thật nhất quán với tuyên ngôn của tác giả:
Tôi
muốn vẽ bức tranh y như cuộc sống
Bằng lời ca ngọt ngào, trầm bổng
Như bao
chiến sĩ cách mạng dạt dào tâm hồn thơ khác, tiếng thơ của bác luôn tự lòng
mình mà ra. Bác thực lòng bộc bạch cùng đồng chí, đồng đội, đồng bào: “Tôi suốt
đời đi theo Đảng Cộng sản Việt Nam… Trong quá trình công tác có nhiều việc gây
xúc động, tôi viết những bài tạm gọi là thơ…”. Chẳng phải ngẫu nhiên bác lấy
bài thơ Hương xuân được sáng tác vào năm 1948 làm tên gọi cho cả tập
thơ. Bài thơ với đề từ Vần thơ nối bước theo dòng đời. Và ý thơ sau
quán xuyến đến từng bài thơ: Xuân quật cường lộng lẫy vàng sao. Tuy
nhiên cũng phải đến bài Lại xuân được viết sau đó 38 năm nguồn mạch
thơ kia mới thật nổi rõ: Đảng mãi mãi là hương xuân đất nước.
Không lấy làm lạ nếu
bác Phạm Thuần làm thơ chủ yếu để nhằm động viên đồng bào, đồng chí suốt đời giữ
trọn lòng son sắt với dân với Đảng. Những vần thơ trước đây đã vậy, mà những vần
thơ mới đây cũng vậy:
Tặng
các chị, các anh bức tranh tuyệt diệu
Nét thẳng tiến công, nét cong trung hậu
Thấm vào từng
câu trong 45 bài của tập thơ là nghĩa là tình, đúng hơn là nghĩa lớn tình sâu:
Thương
nhau chỉ có một lời
Gian lao cùng gánh, ngọt bùi cùng chia
Nhưng trên con đường cách mạng
đầy vinh quang mà cũng không ít chông gai, thơ với bác trước hết là tiếng nói của
lòng mình:
Thăng
trầm thế sự thây hư, thực
Hòa thuận nhân tình trọng nghĩa, nhân
Và dường như cùng với năm
tháng, tiếng nói ấy ngày càng đằm hơn, nghĩa là càng sâu hơn và lắng hơn:
Tốt,
xấu phân minh không bóp méo
Dở, hay trung thực chẳng vo tròn
Trau dồi nên tấm lòng thẳng ngay trước mọi điều
sai đúng mọi lẽ dại khôn ấy đâu có dễ dàng. Mà nhiều lúc cũng
thiệt thòi lắm! Nhưng phẩm chất của con người cánh mạng đã thấm tận tim óc,
thành nếp cảm, nếp nghĩ, nếp hành động của con người ấy rồi! Cây cao, bóng cả,
gió nào có thể chuyển lay.
Tôi muốn nói Hương
xuân đã giúp cho người đọc thêm hiểu biết một người cách mạng chân chính
đã cảm xúc và suy nghĩ ra sao về dân, về Đảng, về sự nghiệp của chúng ta. Lại bằng
hình thức thơ nghĩa là bằng một phương tiện hồn nhiên, chân thực và dễ lay cuốn
lòng người nhất. Đó là giá trị chủ yếu của tập thơ. Giữa thời buổi “lạm
phát” thơ ca như các nhà phê bình thường nói, được vậy cũng đáng đọc lắm rồi.
Nhưng thơ bác Phạm Thuần đâu chỉ có thế! Thơ bác còn rất thơ nữa vì người thi
sĩ trong bác luôn đòi hỏi được lên tiếng. Không, tôi không hề dám nói quá đâu.
Xin được đưa ra một trường hợp: Bài Thung lũng tình yêu. Phải thừa nhận bốn
câu đầu chưa thật đặc sắc cho lắm. Nhưng bốn câu cuối quả là một thách thức
không nhỏ với những người làm thơ, ngay cả với những cây bút chuyên nghiệp khi
viết về Đà Lạt:
Tình
yêu không biết tuổi đời
Đến thăm thung lũng không người vẫn yêu
Núi nghiêng lòng cũng xiêu xiêu
Thoảng nghe chim hót rừng chiều ái ân
Cảnh đẹp đã gợi hồn thơ hay hồn thơ đã phả vào cảnh đẹp? Chỉ
biết đó là những vần thơ không thể không kể đến khi có ý định làm tuyển thơ viết
về Đà Lạt chúng ta.
Để kết thúc, tôi xin được dẫn
bài thơ bác Phạm Thuần vịnh tập thơ đầu của đồng chí Nguyễn Xuân Du:
Bốn
sáu xuân đầy nợ vấn vương
Nợ nhà, nợ nước, nợ văn chương
Thắm duyên trót nặng tình thơ, phú
Có chút con đầu để mến thương
Xin chúc bác và những
người Cộng sản giàu hồn thơ như bác mãi vấn vương với nợ nhà, nợ nước, nợ
văn chương cho đến phút chót của đời mình. Tôi chợt nhớ đến tâm sự của đồng
chí Nguyễn Xuân Du trong lần gặp gỡ mới đây với một số anh em văn nghệ sĩ chúng
tôi: “Mình coi việc xuất bản tập thơ là một hành động cách mạng quan trọng cuối
cùng của đời mình”. Tôi trộm nghĩ: có phải người Cộng sản nào cũng có được may
mắn đâu!.
Phạm Quang Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét