Tôi nhớ tới bút danh Thạch Qùy từ khi tên anh được ghi trong
danh sách đoạt giải thưởng Báo “Văn nghệ” (1972-1973) với bài “Bom nhặt trên bãi
bom B52”. Thời ấy, giải văn chương ít, báo chí chuyên về văn chương cũng ít, được
nhận giải chính thức, dẫu chỉ là giải ba, của tờ báo danh giá như “Văn nghệ” là
quý lắm, là có thể xem “đứng” được rồi. Sau này, không ít vần thơ hay của anh
còn đọng lại trong tâm trí những người yêu thích thơ. Chẳng hạn:
Tôi gọi hồn về trong những câu thơ
Giam ngục tối con chữ
Hồn ơi hồn hãy ở tù
Để xác tôi yên giấc ngủ
Nhiều nhà tâm lý học sáng tạo nghệ thuật coi sáng tác là “sự
giải thoát nội tâm”. Đi vào đời sống, bao ấn tượng tươi mới ắp đầy trong anh
,khiến anh “đứng không yên ổn ngồi không vững vàng”. Phải giải toả! Anh là nghệ
sĩ, cách duy nhất, hiệu quả nhất là hãy bắt tay vào sáng tạo. Hình
tượng nghệ thuật thành hình sẽ cứu rỗi thân xác anh, giúp nó có thể “yên giấc
ngủ”. Dẫu có thể chỉ là tạm thời, Vì biết đâu, một ý tưởng mới sẽ thành hình
ngay sau đấy… Từ trải nghiệm nghề nghiệp của bản thân, Thạch Quỳ đã diễn tả xác
đáng cái trạng thái đặc biệt mà có thật của những nhà thơ đích thực,
có thể sống chết vì những con chữ mình rứt ruột viết ra.
Mới đây, được đọc “Thư ngỏ gửi các nhà phê bình văn học” của
Thạch Quỳ (“Văn nghệ”, số 12, 2001), tôi thêm quý trọng anh hơn. Không quanh
co, e dè, anh thẳng thắn đề nghị: “Tôi nghĩ rằng tôi cũng là người cầm bút mấy
chục năm, chắc cũng đủ tác phẩm dở để có thể xung phong làm cái bia đỡ đạn cho
các nhà phê bình luyện bút. Nếu ai chưa có sách, xin viết thư liên hệ, tôi sẽ gửi
qua đường bưu điện. Tôi hy vọng vào một cuộc phê bình thơ đích đáng để tìm đường
cho thơ phát triển”. Mong mỏi của anh là thành thật và chính đáng. Nhiều người
cầm bút tôi quen biết cũng có ý nguyện như anh. Chẳng cần bàn luận
gì thêm, vai trò của phê bình cứ tự nhiên được phát lộ…
Vậy mà tôi có phần ngạc nhiên khi đọc ý kiến về
phê bình thơ của Thanh Thảo, nhà thơ cùng thế hệ với Thạch Quỳ, trên Báo “Thể thao
và văn hóa” số 17 ra ngày 27/2/2001. Thanh Thảo tỏ ý bênh vực thơ của cây bút
trẻ Vi Thuỳ Linh hiện đang có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Tôi không bàn tới
việc đề cao thơ Linh của anh và của các nhà thơ Tô Hoàng, Nguyễn Trọng Tạo,
Nguyễn Thuỵ Kha… Cảm nhận khác nhau trong thơ, nhất là thơ cùa giới trẻ vốn là chuyện
bình thường. Ngay cả cái nhìn bao dung, khuyến khích mọi khuynh hướng tìm tòi,
đổi mới của các anh cũng có thể hiểu được. Duy ý kiến sau của Thanh Thảo đã buộc
nhiều người không thể yên lòng: “Và cũng đừng nghĩ là chỉ với mấy lời khen hay
chê của các “bậc phê bình”, mấy cú xoa đầu của cha chú mà thơ trẻ hôm nay sẽ hoặc
là khởi sắc tưng bừng lên, hoặc là tịt mịt”. Không phải điều Thanh Thảo nói là
hoàn toàn không có cơ sở. Nhưng ý nghĩa khách quan toát ra từ đó vẫn có ý xem
thường phê bình. Lại ở một nơi rất cần tiếng nói lành mạnh của phê bình. Ta
đang nóng lòng chờ đợi sự bứt phá đích thực của lớp trẻ. Vậy thì bên
cạnh sự nâng đỡ (nếu có thể nói như thế) còn cần sự khe khắt trong đòi hỏi cao, đúng hướng của thế hệ đi trước. Nếu không, văn chương dân tộc rồi sẽ
đi về đâu?
Mà đâu chỉ có các cây bút trẻ! Ngay cả những cây bút đã trưởng
thành, ít nhiều đã có đóng góp cũng rất cần sự nghiêm khắc trong
đánh giá. Đưa ra lời khen chê thì không khó. Cái khó là khen chê thế nào cho
cho thuyết phục và hữu ích. Chớ nên nghĩ là mình có quyền ban phát chân lý. Chả
phải cứ thành danh rồi thì mọi đúng sai, phải trái của mình người
khác không “cự” lại được. Tôi xin đưa ra trường hợp thơ Lò Cao Nhum trong kinh
nghiệm cảm nhận của Lò Ngân Sủn. Trong lời Tựa tuyển thơ dân tộc thiểu
số, nhà thơ Trinh Đường viết: ”Lò Cao Nhum vừa xuất hiện đã có thể đứng ngang
hàng với bậc đàn anh”. Đọc ý kiến nhận xét như một “lời tuyên bố”của nhà thơ
lão thành, Lò Ngân Sủn cứ băn khoăn hoài. Anh đọc liền hai tập thơ của
Lò Cao Nhum: “Giọt sao trở ve” (Hội VHNT Hòa Bình xuất bản,1995) và “Rượu
núi” (VHDT, 1996). Anh đặc biệt đọc kỹ bài thơ được tặng giải Ba cuộc thi thơ
trên “Văn nghệ Quân đội” 1995. Có cái hay cái lạ, như “bát rượu trăng rằm” được
“ủ từ sắc lá rừng gai - chắt từ củ mài hốc đá”; rồi “rượu núi”còn”có ngọt
một vách đá - có chua măng ướp chum vò”… Nhưng, theo Lò Ngân Sủn thì: ”Tôi vẫn
chưa làm sao tìm ra được cái thế đứng ấy của Lò Cao Nhum” (Hoa văn thổ cẩm,
tập II, VHDT, 1999, tr 121-122).
Mới biết, phê bình rất cần khen chê. Nhưng những lời khen tiếng
chê cho đúng, cho hay lại không dễ. Nói thế, không phải để chúng ta buông xuôi,
mà để cùng động viên nhau gắng gỏi. Chẳng phải bạn đọc đang trông chờ vào chúng
ta mỗi ngày!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét