“Dạ khúc, năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông” có bìa
không nổi bật, nằm lẫn lộn trong những sạp sách lớn với vô số người chen chúc
trong buổi Nhã Nam xả hàng kho sách. Tôi đã kiễng chân, vất vả lắm mới lấy được
cuốn sách ra.
Tuy nhiên, dòng chữ ngay trang bìa dưới đây, đã quyết định cuốn
sách phải thuộc về tôi, cho dù tôi chưa hề nghe nói về “Dạ khúc…” trước đó: “Một
cuốn sách vô cùng thông minh về thời gian đang trôi qua cùng những khoảnh khắc
thăng hoa khiến hành trình ấy trở nên đáng giá.” Có thể nói, trong khe nứt của
không gian và thời gian ấy, tôi và quyển sách đã có duyên với nhau.
Kazuo Ishiguro, tác giả cuốn sách, là một cái tên hoàn toàn
xa lạ với tôi dù ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Nói về sự xa lạ, để thấy khi
tôi mở trang sách ra, lại bắt gặp một giọng văn gần gũi và vô cùng tinh tế
trong cách thể hiện những khoảnh khắc của cuộc sống, tình yêu và những nỗi niềm
trắc ẩn.
Ông là một tác giả sinh ra tại Nhật nhưng lớn lên ở Anh,
không gian của những câu chuyện rất “Tây”, đưa ta đến nhiều vùng đất của Châu
Âu, với nhiều nhân vật từ mọi nơi trên thế giới. Và không gian đó ngập tràn
trong âm nhạc và âm nhạc là sợi dây kết nối những nhân vật lại với nhau, hoặc đẩy
họ xa nhau ra khỏi cuộc đời.
Những khoảnh khắc chia tay lưu luyến
Đó là những cuộc chia ly không lời với sự tiếc nuối đầy trắc ẩn
được xây dựng và miêu tả tinh tế. Bốn trên năm truyện ngắn của tập truyện - “Người hát tình ca” “Mưa đến hay nắng đến” “Khu đồi Malvern” hay “Dạ khúc” - đều
nói về những mối quan hệ đã bị rạn nứt và tan vỡ trong những cuộc hôn nhân, cho
dù “chủ thể” là những cặp uyên ương còn trẻ, trung niên hay đã già. Nhưng dù là
chia tay hay tan vỡ, nỗi buồn ở đây vẫn được miêu tả rất đẹp, đầy tiếc nuối, và
cũng là những khoảnh khắc vô cùng thăng hoa đầy đáng giá.
Trong “Người hát tình ca”, người chồng là ca sĩ đứng dưới cửa
sổ khách sạn, hát cho vợ mình nghe từ con thuyền trên dòng kênh ở Venice những
bản tình ca gợi nhớ lại từng kỷ niệm của hai người. Đây là kỳ nghỉ cuối cùng của
họ trước khi họ quyết định chia tay vì lý do danh vọng.
“Chúng tôi vẫn còn yêu nhau. Vì thế bà ấy mới khóc trong
phòng. Bởi bà ấy vẫn còn yêu tôi nhiều như tôi vẫn yêu bà ấy.”
Và tất nhiên, giây phút đầy cảm động ấy của tình yêu vẫn là một
khoảnh khắc vô cùng mong manh, không chống trả được quy luật phũ phàng của cuộc
sống, như những cơn sóng dâng trào lên và cuốn trôi đi.
Cũng là những ánh mắt “dâng đầy nước” trong “Mưa đến hay nắng
đến” khi bản nhạc “April in Paris” ngân lên, nhưng đây là sự rưng rưng xúc động
khi phải kìm nén những đồng cảm trong âm nhạc của mình, với một người bạn thời
trẻ, để bảo vệ hạnh phúc cho vợ chồng của một người bạn. Truyện được kể lại bằng
cách đưa ra một tình huống khá thú vị mà có lẽ tôi không nên bật mí trước.
Cũng ngập tàn nhạc tính, cuộc chia tay trong “Khu đồi
Malvern” là của hai bóng dáng già nua cô độc, rời nhau và dần bé nhỏ giữa mênh
mông của những khu đồi. Đó là sự chia tay dù không lời nhưng người trong cuộc tự
ngầm hiểu rằng sẽ không thể cứu vãn nổi vì những góc nhìn cuộc sống quá đối lập:
một người lạc quan và một bi quan. Truyện hay ở chỗ nó đề cập tới góc độ hai
thái độ sống này đã tác động đến tâm trạng sáng tác của nhạc sĩ trẻ tuổi, người
kể lại câu chuyện này như thế nào.
Những khoảnh khắc yêu thương mà tiếc nuối đó làm tôi nhớ đến
một đoạn văn trong tác phẩm “Đời nhẹ khôn kham” của Milan Kundera.
“Hai người khiêu vũ theo điệu nhạc. Tereza ngả đầu lên vai
Tomas. Y như lúc hai người ngồi trên phi cơ bay xuyên qua những đám mây giông
bão. Cô thấy trong lòng dâng lên cảm giác sung sướng lẫn buồn rầu như lúc đó.
Buồn rầu nghĩa là: chúng ta đang ở trạm cuối. Vui sướng nghĩa là: chúng ta đang
ở cạnh nhau. Buồn là hình thức, vui là nội dung. Niềm vui tràn ngập khoảng chứa
của nỗi buồn.”
Những khoảnh khắc gặp gỡ thăng hoa
Ai đó từng nói rằng: “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” và “tình
yêu chẳng qua chỉ là những khoảnh khắc thăng hoa mà thôi” thì hai khẳng định đó
đều đúng với câu chuyện của những nhân vật trong “Dạ khúc” và “Người chơi
Cello”. Nhưng, cái tài của tác giả là không sa đà miêu tả vào nỗi buồn thảm của
bóng đêm tĩnh lặng, sau giây phút rực rỡ nở bừng của cảm xúc. Tác giả chỉ viết
về những khe nứt của không gian và thời gian, nơi mà chẳng ngờ tới, những con
người hoàn toàn xa lạ gặp nhau trong tình huống đặc biệt, và từ đó nảy sinh
tình cảm không lời, khi tâm hồn được thăng hoa, cùng âm nhạc.
Trong hai truyện cuối của tập truyện ngắn, ngoài việc miêu tả
những tình huống gặp gỡ của hai nhân vật, họ nói gì với nhau, những tình cảm thầm
kín được gói ghém như thế nào, thì câu chuyện còn trở nên đắt giá bởi những triết
lý về tình yêu cuộc sống.
“Tôi hy vọng vợ anh quay lại. Tôi thực tình hy vọng thế.
Nhưng nếu cô ấy không quay lại, thì, anh phải bắt đầu một góc nhìn mới. Cô ấy
có thể là một người yêu tuyệt vời, nhưng cuộc đời lớn hơn nhiều chứ không phải
là chuyện yêu một ai đó. Anh phải xông pha, Steve. (…). Đã lâu lắm rồi kể từ lần
cuối khi tôi khi trung chuyển giữa hai cuộc hôn nhân. Nhưng thế nào tôi cũng sẽ
xông ra mà thử một lần xem.”
“Dạ khúc” mô tả những giây phút dở khóc dở cười (kèm những
tình cảm sâu kín) của một phụ nữ thuộc hàng nghệ sĩ nổi tiếng với một người đàn
ông là nhạc công không tăm tiếng. Thời gian chỉ gói gọn là một đêm trong không
gian là một khách sạn hạng sang, khi hai người ở cạnh phòng nhau, chờ tháo băng
mặt vì phẫu thuật thẩm mỹ. Còn trong “Người chơi Cello” lại là sự gặp gỡ tình cờ
nhưng không kém phần thăng hoa của một chàng nhạc công Hung với một phụ nữ Mỹ
hơn mình cả chục tuổi.
Khi chàng trai bắt đầu nhận ra rằng mình có cảm xúc mạnh mẽ với
người phụ nữ, là lúc chàng cảm thấy mình được thăng hoa với âm nhạc, háo hức,
say mê và nghiêm túc với nghề. Đoạn kết câu chuyện, người phụ nữ đi lấy một người
đàn ông khác dù đủ mọi điều kiện vật chất nhưng không hiểu lắm về âm nhạc. Và
chàng thanh niên thì mất đi cái thần thái háo hức, say mê, yêu đời với âm nhạc.
Thay cho lời kết, tôi được trích dẫn một lời giới thiệu in
trên bìa ba của cuốn sách:
“Đây không hẳn là những câu chuyện về âm nhạc, mà là những
nghiên cứu về mối quan hệ, nhấn mạnh vào sự nổi tiếng và cái giá phải trả để
thành danh hay thất bại trong thế giới hiện đại.”
Vậy tình yêu thật sự là gì? Liệu tình yêu có phải là tất cả
trong cuộc sống này?
Liệu tình yêu có quá đỗi mong manh khi chỉ tồn tại được trong
những khoảnh khắc thăng hoa, giữa những khe nứt của không gian và thời gian? Liệu
tình yêu có thể tách bạch với những đam mê trong sự nghiệp và danh vọng? Liệu
tình yêu đôi lứa và tình yêu cuộc sống có thể hòa nhịp được cùng nhau hay
không?
Đó là những điều mà có lẽ khi khép lại cuốn sách, mỗi chúng
ta đều muốn suy ngẫm về nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét