Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Còn đó quê hương

Còn đó quê hương

Tôi có thằng bạn chơi thân từ khi bước vào cấp hai cho tới lúc tốt nghiệp phổ thông trung học. Tôi ở đất liền nó ở cồn, thân nhau vì có cùng hoàn cảnh, nghèo và có ước mơ cháy bỏng là vào đại học. Thời đó, với chúng tôi, ước mơ ấy có gì đó như viễn vông, nhất là Đông – bạn tôi – thì càng là ảo vọng khi nó mang một cái “án” không thành văn bản với phần lý lịch đen thui: Con của sỹ quan nguỵ bị đưa đi cải tạo hồi đầu giải phóng.
Năm 1989, khi vừa tốt nghiệp cấp ba, Đông quảy  giỏ cùng cha mẹ và đứa em gái qua Mỹ định cư theo diện H.O. Ngày tiễn nó lên đường làm công dân mới của môt xứ sở xa lạ tôi chạnh buồn còn Đông thì sụt sùi: Mầy giữ giùm tao cái… cồn! Tôi suýt phì cười trong cơn ngậm ngùi đưa tiễn. Nhà Đông ở đầu cồn Phú Đa, mảnh đất cuối cùng nằm ở cánh Tây của tỉnh Bến Tre. Miếng đất này cha Đông mua lại của một người quen khi ra khỏi trại cải tạo. Ông lấy cái nơi khỉ ho cò gáy đó để lẩn trốn quá khứ và nuôi hy vọng… Rồi, lúc cơ hội tới, Đông lẩm đẩm theo cha làm kẻ “vong quốc” khi tuổi của nó, và tôi nữa chưa đủ để hiểu những trắc ẩn đời người.
Nhà văn Đào Ngọc Vinh ở Bến Tre
Thuở đó, Đông là một trong năm đứa học sinh ở Phú Đa “bườn” được lên cấp ba và là niềm hãnh diện của cư dân đất cồn. Cho tới bây giờ, tôi cũng không hiểu làm sao mà Đông có đủ lực để theo đuổi con chữ trong ngần ấy năm bằng đoạn đường dài trên mười lăm cây số cả đi lẫn về và chiếc xuồng nhỏ qua sông gần nửa tiếng đồng hồ. Những năm đó, có thể “vẽ” Phú Đa một cách sơ lược như vầy: Phần nền là một thảm lúa héo úa, phờ phạc, “sản phẩm” của cơ chế bao cấp lạc hậu một thời. Phần chìm của bức tranh có gam màu u ám đó  là những con đường liên ấp nhầy nhụa, trơn trợt trong mùa mưa bão, những bụi tre làng ủ rũ, xơ xác, những đứa trẻ mới lớn như chúng tôi ngơ ngác trước thời cuộc. Ở đó, có những cái nhìn và những nụ cười buồn như xế chiều, những ngôi nhà trống huơ trống hoác, vắng teo vì phần nhiều những người dân đất cồn phải lưu xứ mưu sinh hoặc bỏ nhà đi… buôn lậu! Chung lại , Phú Đa những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước tồn tại như một kẻ vừa qua cơn bệnh nặng, uể oải, lề mề.
Bốn trong năm đứa học sinh ở cồn “bườn” được lên cấp ba năm đó bây giờ đã thành danh ở đất Sài Gòn, thỉnh thoảng về ngang liếc qua cồn Phú Đa một cái rồi nhấn ga chiếc xe hơi đời mới vọt đi như sợ có người quen nào đó nhìn thấy níu lại xin tiền! Còn Đông, nó vừa bay từ bang Taxas của Mỹ về Việt Nam mang theo cái nhãn việt kiều buồn bã của người con xa xứ khi  trở về không có lấy một người thân đón ở sân bay. Cũng may là nó có đem theo vợ con, không thì sự cô đơn ngay trên chính quê cha đất tổ mình sẽ làm nó hụt hẫng vô cùng.
Bỏ vợ con ở khách sạn trên Sài Gòn, Đông tìm về nhà tôi hết nửa ngày hỏi đường. Tôi hơi bất ngờ với cuộc tái ngộ không có nhiều cảm xúc này ( về phía tôi), bởi trong mớ ký ức hỗn độn của tôi Đông có khi xuất hiện nhạt nhoà. Đông đề nghị: Ông dẫn tôi đi thăm lại quê hương mình, được không? Được! Nhưng với điều kiện ông không cần trả tiền công tôi như một hướng dẫn viên du lịch!- Tôi trả lời nó vậy, Đông cười buồn. Tôi hiểu, “quê hương” mà Đông nói chính là cái cồn Phú Đa nó từng bảo tôi “giữ giùm” trước khi qua Mỹ. Cũng có thể “quê hương” của Đông chỉ là mảnh vườn nhỏ với ba công đất không trồng một thứ cây gì cụ thể. Mảnh đất nằm ở sát đầu cồn này, đứng đó sẽ nhìn thấy phà Đình Khao chầm chậm trôi ngang mỗi ngày, nhìn thấy những đụn khói màu tro từ những cái ống khói lò gạch bên phía Vĩnh Long ngùn ngụt cuốn lên trời. Nhà Đông có một khoảng sân nhỏ. Bên trái là cây ô môi già cỗi, nhăn nheo. Vào mùa, những nụ bông tím trổ một cách mệt mỏi, hoang dại. Gốc phải là loe hoe những bụi kiểng không hình không dáng. Nhà Đông vách ván, lợp lá, nền đất, đơn sơ nhưng tươm tất. Trước thềm ba nhà Đông có hàng gạch tàu chèn ngang để mưa đừng xói lở phủ đầy rong rêu nhưng cha Đông không cho chà rửa, ông thích sự cổ kính, hoang sơ từ nó. Đặc biệt, hàng rào trước nhà Đông là những cây mai được trồng thẳng hàng mà rằm tháng chạp năm nào Đông cũng “dụ” tôi qua lảy lá để đúng ngày Tết, hàng rào nhà Đông sẽ nở bông vàng rực.
Tôi kéo Đông vào khu du lịch sinh thái Ba Ngói, ngang cồn Phú Đa trước khi dẫn nó đi thăm lại “quê hương” mình. Bây giờ, đối diện với Đông là “ngày xưa” của nó, là cái cồn Phú Đa không thay tên đổi họ. Có điều, mất còn trong mấy chục năm đằng đẵng trên đất cồn thì phải lục lại ký ức mà so sánh. Với tôi và Đông , kỷ niệm trên đất cồn không chỉ là những ngày hè quần quật kiếm sống ở những bãi đất ven sông, ở những mảnh ruộng có nhiều trứng vịt đẻ rớt hay những khu vườn hoang có nhiều ốc đắng, ốc bưu… Kỷ niệm không chỉ là những cơn đói khô ruột nhưng vẫn ráng dầm mưa mót lúa trên đồng… Kỷ niệm còn là những sáng chúa nhật đứng trước ngôi nhà thờ ở cái xóm đạo với vài chục tín đồ yêu chúa, cầu nguyện một cách vô hồn dưới cái gác chuông buồn mà không lãnh hội được điều gì ngoài sự lo sợ cơn đói ngày mai hoành hành! ; là ngôi đình làng rêu phong cũ kỹ, nhang khói tiêu điều bên cạnh cây gừa già hàng trăm năm tuổi, nơi bọn trẻ chăn trâu thường tụ tập chơi đánh trổng, đá thun… Và, ở đó còn có những người nông dân một nắng hai sương chất phác, thật thà, yên phận kiếp người bên vườn cây ao cá của mình.
***
     Tôi chỉ tay về hướng đầu cồn, nơi có hàng dây điện trung thế chạy ngang sông nói với Đông: Phú Đa có điện từ năm hai ngàn, Điều mà ngày trước ông thường bĩu môi khi có ai đó ao ước. Đông hơi ngượng và né tránh bằng cách bưng ly bia uống cạn rồi nhìn đăm đăm về phía cồn với đôi mắt buồn thăm thẳm. Ở mặt tiền cồn, những ngôi nhà tường, nhà lầu, những vườn cây ăn trái xum xuê phô diễn sự giàu có sung túc của một vùng quê được thiên nhiên ưu đãi nhiều mặt như nước ngọt quanh năm, đất phù sa trù phú. Tất nhiên, đó chỉ là những gì Đông có thể nhìn thấy khi ngồi đối diện với cồn. Còn bên trong cồn, chắc tưởng tượng của Đông không đủ phong phú để biết rằng Phú Đa của hơn hai mươi năm Đông xa nó thay đổi lớn cỡ nào. Thay cho con đường ngày xưa Đông bám rách giò đến trường tìm con chữ là con đường dal rộng rãi thoáng mát nối liền từ đầu cồn tới đuôi cồn, từ tổ một tới tổ mười một. Rồi trường học khang trang, bưu điện, nhà văn hoá… Bên đó giờ đã có chợ, có những hàng quán bán đủ các mặt hàng cao cấp, có tiệm nét, có xe tay ga phóng bạt mạng vào đêm. Những thảm lúa héo úa, phờ phạc ngày xưa bây giờ là  những vườn cây ăn trái đặc sản như cam, bưởi, chôm chôm, sầu riêng… Tội nghiệp cho những đứa trẻ đất cồn ngày nay chưa từng thấy cây lúa, hoặc có thấy thì ngơ ngác hỏi cây gì? Chúng đâu có những buổi đi ngoéo cua đồng, những ngày đổ hang dế, những chiều thả diều mênh mông trên cánh đồng…
Ở cồn bây giờ là những hầm cá tra, cá ba-sa nằm san sát bên cánh tây và đuôi cồn, nơi mà ngồi ở đây Đông sẽ không nhìn thấy. Những người trước đây thương đất như con, miệt mài bồi đắp, vun trồng bây giờ sáng mắt vì tiền, (đất bán cho các chủ đầu tư nuôi cá tra, cá ba-sa cao gắp ba bốn lần giá đất bán bình thường) sẵn sàng ký tên cái rẹt vào tờ sang nhượng để lãnh một cục tiền về xây nhà, mua xe, sắm sửa tiện nghi rầm rộ. Thương cho mảnh đất cồn hàng trăm năm được phù sa bồi lắng thành hình hài, trong  phút chóc bị những chiếc cần cẩu cào bới cho nham nhỡ, rách nát rồi khoét ngày càng sâu vào ruột cồn nhìn mà thấy đau cho cồn, ngậm ngùi cho cồn.
– Hôm kia nó lở một khúc ở tổ mười nữa, Phương.
Anh Ba Ngói, người quản lý khu du lịch sinh thái ở đây xen vào câu chuỵện của chúng tôi bằng một thông tin buồn. Tôi tiếp nhận nguồn thông tin ấy một cách bình thản, hửng hờ của người quá chai sạn với những sự cố tương tự xảy ra ở cồn. Cách đây mấy tuần, có việc qua cồn, gặp lại cậu Huỳnh Tư, người mà tôi “thân” khi ông còn là một thợ câu ở giai đoạn sắp hết thời. Hồi đó, tôi lượm chất liệu từ đời cậu để cấu thành cái truyện ngắn. Còn lần này, nhìn cậu quắt queo, cằn cỗi trong bộ bà ba đen với điếu thuốc vấn không còn điệu nghệ như cũ tôi chợt xót xa cho tuổi già của cậu, cho những dự cảm mơ hồ từ đôi tay bật quẹt run run…
– Cậu dời nhà vô đây hồi nào?
– Không phải “dời vô” mà chạy vô. Còn cục đất, miếng ngói, cây kèo nào đâu mà dời? Nó sụp mất tiêu trong một đêm, may mà đêm đó tao đi đám giỗ bên đất liền, không thì… Còn cái nhà này là thằng Hai Bé cho đất, Nhà nước cho tiền cất. Tao bây giờ hả, chọi chim bằng… nước!
Nhà cậu Huỳnh Tư có ba công đất trồng mận nằm sát đầu cồn. Hai vợ  chồng cậu không có con, chỉ có người mẹ  già mất cách đây mười mấy năm. Cậu sống bằng nghề câu tôm mấy chục năm qua, vườn tược giao cho mợ chăm sóc. Khi mợ đột ngột qua đời sau một cơn tay biến và nghề câu tôm hết thời, cậu về sống đơn độc trên mấy công mận cũng già nua như cậu.
– Đi, theo tao!
Tôi chưa kịp phản ứng vì ngạc nhiên thì cậu đã đứng dậy bước loạng choạng trên con đường dal về hướng đầu cồn. Tới bờ sông, cậu mượn một chiếc xuồng nhỏ rồi ra hiệu bảo tôi xuống xuồng. Sông Cổ Chiên mùa gió Tây nam thổi mạnh trông dữ tợn và như luôn rình rặp, đe doạ những thân phận nhỏ bé như chúng tôi. Bơi xuồng cách bờ khoảng năm trăm mét, cậu Huỳnh Tư đột ngôt ngừng lại, giữ thăng bằng cho chiếc xuồng bằng cách ghì dầm xuống mặt sông đang bắt đầu có những đợt sóng dầy. Chợt, tôi để ý khuôn mặt cậu châu lại, nhăn nheo và đôi mắt sáng lên kỳ lạ, cậu cầm cây dầm huơ huơ trên mặt sông nói trong tiếng gió.
– Chỗ này ngày xưa là nhà của tao! Cái cửa trước quay hướng này, cái khạp nước ở thềm ba chỗ đó, cái bàn thông thiên chỗ kia…
Rồi cây dừa, cây mít ướt, cây đu đủ… Tôi dòm theo hướng cây dầm cậu chỉ mà “chịu thua” dù tôi đã ghé nhà cậu nhiều lần. Và, cậu bỏ dầm xuống bơi xéo về hướng đông chừng năm chục mét, dừng lại mổ mổ cây dầm xuống nước, đôi mắt dại đi, khô khốc nói một cách nặng nhọc.
– Chỗ này là mộ má tao, dưới chân má tao là bả…
Tôi kịp quay đi để khỏi phải dụi mắt trước người già và bắt gặp một đoàn ghe hút cát (đa số là hút lậu) đang tranh nhau thò ống hút xuống lòng sông Cổ Chiên moi móc một cách… nhiệt tình! Ở đó cách bờ sông bị lở chưa tới một cây số, tôi nhìn mà phát hoảng cho sự mỏng manh của cồn!
         ***
     Buổi chiều, tôi đưa Đông lên Vĩnh Long để về Sài Gòn sau khi dẫn Đông rảo một vòng trên đất cồn để Đông lắng lòng với nơi chôn nhau cắt rốn của mình một thời. Thời gian không đủ cho Đông buồn với quá khứ và vui cho hiện tại vì chỉ có vài mươi phút trên đất cồn. Trên phà Đình Khao, chúng tôi nhìn về hướng cồn Phú Đa, nắng chiều dát vàng trên những rặng bần xanh thẳm ở phía Tây cồn tạo nét chấm phá tuyệt vời cho hoàng hôn trên sông Cổ Chiên. Đông có vẻ xúc động trước cảnh đẹp đầy thi vị này nên lấy máy ảnh ra chụp liên tục rồi buông giọng trầm buồn:
– Đẹp như vầy mà rủi… Phải chi cồn được đầu tư thành khu du lịch sinh thái thì hay biết mấy vì điều kiện tự nhiên ở đây hết sức phù hợp.
Và, khi tôi ngồi viết bài viết này thì nhận được một thông tin vui rằng, sắp tới, sau cồn Phú Bình thì cồn Phú Đa sẽ được nhà nước qui hoạch thành khu du lịch sinh thái. Nghĩa là từ đây những đoạn đê bao trên cồn Phú Đa sẽ được đầu tư nâng cấp, tình trạng sạt lở sẽ được cải thiện. Nghĩa là việc khai thác cát sông không còn là nỗi ám ảnh của cư dân đất cồn và những ngôi nhà ở đầu cồn như cậu Huỳnh Tư thôi đau đáu nỗi lo mỗi khi mùa lũ về. Vì khi qui hoạch người ta sẽ có biện pháp giải quyết triệt để việc khai thác cát lậu trên sông. Mừng, tôi mail cho Đông một cái tin và nhận được sự phản hồi là một tấm ảnh chụp cảnh hoàng hôn trên cồn với sự phối màu tự nhiên tuyệt đẹp cùng lời thuyết minh ngắn gọn: Còn đó quê hương!.
12/3/2022
Đào Ngọc Vinh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...