Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Hành trình kiếm tìm thiên đường trong tâm thức John Milton

Hành trình kiếm tìm thiên đường
trong tâm thức John Milton

Nhà thơ John Milton sinh ngày 9.12.1608 là một trong những thơ Anh lớn nhất, người đã viết bản lên án kiểm duyệt văn học, bảo vệ tự do ngôn luận có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Ngoài Shakespeare, các nhà phê bình phải tốn nhiều giấy mực nhất cho không một tác giả người Anh nào khác ngoài Milton. Theo một nhà viết tiểu sử, Milton “được nhiều người yêu thích, một số người ghét, nhưng ít có ai là không để ý đến ông”.
Nhà thơ John Milton (1608 – 1674)
Chào đời vào thời kỳ Khai sáng – thời đại của lý tính, của những Francis Bacon, Jean-Jacques Rousseau, và Isaac Newton; sinh ra trong một gia đình Công giáo khá giả, có điều kiện để thụ hưởng nền giáo dục tốt tại Đại học Christ (Cambridge) và biết rất nhiều ngôn ngữ, thế giới quan của Milton được thai nghén từ trong những tranh đấu từ chính trị cho đến đời tư. Cuộc đời ông trải qua cả 3 cuộc chính biến ở Anh: chế độ quân chủ Stuart, Nội chiến (bao gồm cả nền Cộng hòa mới Khối thịnh vượng chung), và thời kì khôi phục chế độ quân chủ.
Sau khi nhận bằng Thạc sĩ Văn chương (1632), ông dành 6 năm để tự học, nghiên cứu thần học, lịch sử, toán học và văn chương, rồi dành 1 năm (1638 – 1639) đi du lịch vòng quanh châu Âu, làm quen với các nhân vật nổi tiếng bấy giờ như Galileo Galilei, Hugo Grotius… Trở về nước, Milton nổi lên sau hai cuộc Nội chiến đẫm máu của Anh với tài hùng biện của mình, trở thành nhà ngoại giao ủng hộ cho nền Cộng hòa mới – Khối thịnh vượng chung (Commonwealth) dưới chế độ bảo hộ của Oliver Cromwell sau khi vua Charles I bị xử tử (1649). Ông muốn đóng góp vào việc xây dựng một cộng đồng Anh được “khai sáng” giống như các thành bang thời Hy Lạp cổ đại hay các tiểu bang ở Ý thời Phục Hưng.
Việc thị lực xấu đi cản trở ông tham dự vào các chuyến công du ngoại giao – Milton chính thức bị mù hoàn toàn vào năm 1654 khiến ông gặp nhiều khó khăn trong sự nghiệp chính trị và tài chính. Nhưng với niềm tin vào đam mê tiếp tục phục vụ Chúa, ông viết trong bài thơ “When I consider how my light is spent” của mình câu thơ “Ánh sáng sẽ đến với ai biết nhẫn nại chờ đợi” (“They also serve who only stand and wait”).
Bài sử thi vĩ đại nhất của ngôn ngữ Anh – “Thiên đường đã mất” của John Milton gồm 10 quyển dù nhận được nhiều đánh giá trái chiều từ các nhà phê bình ngay từ lần xuất bản đầu tiên (1667), nhưng tầm ảnh hưởng của nó đến nền văn học Anh chỉ đứng sau Shakespeare. Nhà thơ và phê bình văn học Anh John Dryden nhận xét “Người đàn ông này cho tất cả chúng ta lẫn các bậc thánh nhân xưa ra rìa.” (This man cuts us all out, and the ancients too). Dựa theo cốt truyện Kinh Thánh, nó kể về cuộc chiến nơi thiên đường và sự bất tuân khiến con người bị trục xuất khỏi Vườn địa đàng, từ đó đánh mất thiên đàng – nơi cư trú của mình từ góc nhìn của thiên thần sa ngã Satan.
Khi viết bài thơ vào năm 1658, cả đời sống riêng tư lẫn chính trị của Milton gặp nhiều xáo trộn: vợ thứ cùng con gái qua đời và chế độ độc tài Oliver Cromwell khiến cho lý tưởng về một nền Cộng hòa – khối Thịnh vượng chung Anh mà Milton hết lòng ủng hộ đi đến thất bại. Chế độ quân chủ được phục hồi vào năm 1660, mạng sống của Milton bị đe dọa vì ông từng liên kết với Cromwell. Milton phải trốn tránh và chỉ nhờ sự giúp đỡ của những người bạn có thế lực ông mới thoát chết. Do đó, thiên sử thi tôn giáo “Thiên đường đã mất” giống như nỗ lực của Milton cố gắng thấu hiểu một thế giới sa ngã – nỗ lực “biện minh cho mối quan hệ giữa Chúa với con người” và cả với chính bản thân Milton nữa.
Trong “Thiên đường đã mất”, Milton nhắc đến Homer – tác giả của những sử thi vĩ đại đầu tiên trong văn học phương Tây cũng như Thebes – nhà tiên tri nhìn ra những điều mắt thường không thể thấy. Việc bị mù khiến cho bài thơ càng trở nên đặc biệt – Milton tự soạn các câu thơ trong đầu vào ban đêm và sáng hôm sau ông nhờ trợ lý viết lại tất cả từ trí nhớ của mình. Ông tạo ra những kiệt tác cuối đời mình với “đôi mắt” của linh hồn, của sự tưởng tượng, một nỗ lực làm kịch hóa các sự thật vốn phức tạp, vượt ra xa hơn những gì một tầm nhìn ngắn hạn có thể thấy.
Bài thơ bắt đầu với việc “Thiên thần phản bội” Satan bị quăng vào địa ngục vì phản bội người tạo ra nó – Thượng Đế. Nơi bóng tối tuyệt đối gọi là Hỗn mang ấy, Satan đánh thức và an ủi những chiến hữu của mình bằng hi vọng giành lại Thiên đàng và xây dựng một thế giới mới. Hắn đột lốt con rắn, cám dỗ tạo vật quý giá nhất của Chúa – con người – đi vào con đường tội lỗi. Nhiều nhà phê bình cho rằng Thượng đế hiện ra dưới ngòi bút của Milton khá là “độc ác” và “thiếu linh hoạt”, trong khi Satan lại “cuốn hút một cách đen tối” : hắn đưa ra những đòi hỏi đầy tính cách mạng về sự tự quyết, sử dụng ngôn ngữ dân chủ (“tự do chọn lựa”) cùng lời tuyên cáo “Thà cai trị nơi Địa ngục còn hơn phục vụ chốn Thiên đường”. Percey Shelley, một nhà thơ lớn của Anh cho rằng “Satan dưới ngòi bút của Milton tỏ ra là một sinh thể có đạo đức hơn cả Chúa”. Rất có thể, Milton đã vô tình hoặc hữu ý lựa chọn đứng về phe Satan.
Tác phẩm sau đó “Paradise Regained” (Địa đàng tái lập, 1671) của ông khá ngắn gọn, tập trung vào việc Jesus chối bỏ những cám dỗ của Satan và nói lên rằng người anh hùng không chinh phục vũ lực bằng cái ác mà bằng lòng khiêm tốn và đức tin vào Chúa trời. Hai thi phẩm này giải thích ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời đối với loài người—đó là Đức Chúa Trời sẽ tái lập Địa Đàng qua Jesus, cho con người, những ai trung thành với Ngài vui hưởng sự sống hoàn toàn trên trái đất.
Tập thơ đầu tiên của Milton (1645) bao gồm các tác phẩm ông viết khi còn trong lứa tuổi 20 đã thể hiện khả năng làm chủ ngôn ngữ một cách đáng kinh ngạc : ông sáng tác cả bằng ngôn ngữ cổ xưa lẫn hiện đại (Hy Lạp, Latin, Hebrew, Ý) ở nhiều thể loại khác nhau, từ thánh ca, sonnet, ca vũ kịch (masque) đến thơ châm biếm, cáo phó, … trải dài trên nhiều đề tài: chính trị, truyền thống, tôn giáo, đến hôn nhân. Phong cách viết của Milton thoáng và sáng tạo vì ông không thích phải sử dụng nhịp vần theo kiểu hiện đại – cái mà ông cho là “đầy rắc rối”. Giọng thơ khi thì mỉa mai, hài hước (“On the University Carrier”, 1631), lúc lại đầy buồn bã (“An Epitaph on the Marchioness of Winchester“, 1645). Hai bài thơ “L’Allegro” (1631) và “Il Penseroso” (1631) của ông so sánh hai đối lập nơi con người : giữa những mặt năng động, tận hưởng khoái lạc và ái tình, vui vẻ, thuộc về xã hội với sự nghiêm nghị, suy tư và cô độc – qua đó đồng thời bộc lộ hai khía cạnh ở Milton.
Milton đứng lên chống lại sự kiểm duyệt, bảo vệ nền văn học (“Animadversions”, 1641), ủng hộ tự do ngôn luận (“Areopagitica”, 1644), phản đối việc nhà thờ nắm giữ vị trí trung gian giữa Kinh thánh và các con chiên – các giám mục quá kiểm soát tôn giáo (“Of Prelatical Episcopacy”, 1641) và bênh vực cho một nền chính trị Cộng hòa cấp tiến (“Of Reformation”, 1641). Đồng thời, từ cuộc hôn nhân thất bại của mình, Milton lên án những quy định mà ông gọi là “độc tài” về hôn nhân. Ông viết cuốn “Ly hôn – lý thuyết và phương pháp” (“The Doctrine and Discipline of Divorce”, 1643), trong đó nhấn mạnh khía cạnh tinh thần của một cuộc hôn nhân: điều quan trọng không nằm ở thể xác hay bản kết hôn, mà nằm trong những gì phân biệt con người với loài vật – tình yêu và linh hồn có lí trí.
Ông không chỉ có ảnh hưởng lên giới văn thơ đương thời mà cả thế hệ sau này nữa. Nhà văn Mỹ Phillip Pullman cho rằng “Không ai – kể cả Shakespeare -vượt qua Milton trong việc chỉ huy thanh âm, nhịp điệu và kết cấu của ngôn từ tiếng Anh”. Con gái ông luôn nhắc đến cha mình “như một người bạn đồng hành tuyệt vời, nguồn sống của những cuộc trò chuyện và sở hữu sự điềm đạm không gì lay chuyển được”. John Milton qua đời năm 1674, hưởng thọ 66 tuổi.
Tham khảo:
- https://vi.wikipedia.org/.
- https://www.poetryfoundation.org/.
- https://www.ourcivilisation.com/.
- https://www.bartleby.com/.
27/7/2021
Lưu Bích Ngọc
Nguồn: Book Hunters
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...