Thứ Năm, 13 tháng 7, 2023

Như là lục bình trôi

Như là lục bình trôi

Tôi thường thức vào lúc ba giờ sáng, đồng hồ sinh học cơ thể đã mặc định như vậy. Vẫn là những công việc tủn mủn thường ngày: mở máy tính và châm bình trà, gõ vài trăm chữ một bài ký viết dở hôm qua hoặc sửa lại đoạn văn trong cái truyện ngắn chưa được như ý.
Thỉnh thoảng ngước lên ngóng nhìn qua cửa sổ dòng sông đen ngòm lặng yên trước nhà, chờ đợi. Chờ một ánh đèn dầu leo lét đâu đó ven sông, trong đám bần xa xa hay dưới tán gừa già nua  gie ra mé sông. Hôm nào có ánh đèn dầu, nghĩa là gã đã xuất hiện theo “qui luật” của riêng gã; nghĩa là con sông trước nhà có “sự sống” trở lại sau khoảng thời gian vắng hơn chợ chiều. Gã câu tôm, người thợ câu duy nhất còn sót lại trên đoạn sông Cổ Chiên trước nhà tôi. Xưa, nghề câu tôm trên sông một thời thịnh hành, và là nguồn sống của hàng trăm hộ dân dọc theo sông Cổ Chiên. Xong, không biết từ lúc nào nó mai một dần cho đến khi nó chỉ còn là hoài niệm trong ký ức của nhiều người lớn tuổi ở đây.
Hai năm trước, gã xuất hiện lần đầu  tiên vào những ngày mưa dầm, xuất hiện bất ngờ như trồi từ dưới mặt nước lên. Tôi lặng lẽ quan sát gã. Người gã đen, gầy và gương mặt phong trần với mái tóc dài tới vai nhưng gọn ghẽ và trông sạch sẽ. Tôi “dụ” gã khi gã đậu xuồng câu trước đám bần nhà tôi trong buổi chiều tàn, sắp mưa: Lên làm bậy ngụm trà nóng, ông anh. Gã nhìn tôi bằng ánh mắt đề phòng nhưng vẫn bơi xuồng vào cấm sào ngay cầu bến. Khi ngồi đối diện, tôi mới thấy đôi mắt gã buồn, thật buồn. Tôi hỏi: hình như anh xuất hiện theo chu kỳ trên sông? Gã lắc đầu, hớp nhẹ ngụm trà: Không, đi theo cảm tính, nghi chỗ nào sông sẽ có tôm thì bơi xuồng tới đó. Mà linh cảm của tui thường hay chính xác.
Từ trái sang: Phan Hoàng, Vũ Hồng, Nguyễn Quang Thiều, Đào Ngọc Vinh, vợ chồng nhà thơ Đình Thu ở Bến Tre 6.2022
Quê gã ở huyện Măng Thít, Vĩnh Long. Vợ chết do tai nạn giao thông, thằng con duy nhất đang bôn ba đâu đó ở Sài Gòn. Thỉnh thoảng nó vọt về, nhét cho gã vài trăm ngàn, rồi đi. Đi như gió. Gã cô đơn và buồn nên sắm chiếc xuồng nhỏ cùng vài dụng cụ cần thiết rồi “trôi” dài theo các con sông nhỏ miền Tây kiếm sống. Hơn một năm trước dịch covid 19 bùng phát, con trai gã dính lại Sài Gòn, gã cũng “định cư” luôn trên sông. Lên bờ à? Buồn chết! Quen lủi thủi trên chiếc xuồng nhỏ này rồi, có chiếc điện thoại cùi bắp, lâu lâu thằng con gọi về hỏi ba điều bốn chuyện, cũng vui. Thế sự trên bờ kệ bà nó. – Gã tâm sự.
Câu kéo vậy đủ sống không anh? – Tôi gợi chuyện. Được. Gã nói chữ “được” nghe nhẹ hều. Ngày câu được hai ba con tôm bự bự là đủ sống, còn tép thì để dành ăn cơm, hoặc nhậu, khỏi mua mồi. Bữa nào kẹt thì khui hủ mắm cá linh thủ sẵn dưới xuồng nè, rau thì có đọt lục bình, rau muống, bần sống dọc bờ sông, thiếu gì. Nghe gã nói, tôi cảm nhận, mọi thứ đối với gã hình như rất đơn giãn, bình thường, nhẹ hửng. Kệ bà thế sự? Kể cả sự biến động mãnh liệt của cơn đại dịch toàn cầu? Gã cười, nụ cười vô ưu. Tối ngày tui sống dưới sông, có tiếp xúc với ai đâu mà sợ lây lan. Có cái radio mi ni, để nghe cải lương, chứ không bao nghe thời sự. Thời sự là thứ xa xỉ với dân giang hồ, như tui. Gã làm tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, gã, một người đàn ông trung niên vẫn lục đục trong cái không gian chật hẹp chỉ mấy mét vuông với cái radio cũ xì và cái điện thoại Nokia nịch thun tùm lum. Nhưng, nhìn gã vẫn ung dung, tự tại, như thế giới này đang bình lặng, như cuộc sống này vẫn luôn an yên từng ngày.
Bữa chuẩn bị chia tay tôi để tiếp tục “trôi” về phía khác trên các dòng sông miền Tây, gã xách lên nhà tôi một túm tôm, tươi rói, rủ: Trời lạnh, làm một xị hén? Tôi đùa: Anh không sợ bị lây bệnh à? Gã lại cười, vẫn là nụ cười chân thành đến hồn nhiên: Sợ khỉ gì. Với lại, thấy ông ngồi gõ cộc cạch suốt ngày, có đi đâu mà sợ. Sống mà cái gì cũng sợ thì chết đi cho rồi. Kể cả dịch bệnh đang bùng phát toàn cầu và làm chết hàng triệu người? – Tôi gợi chuyện. Gã phớt lờ: Tôi có nghe loáng thoáng, đại loại có dịch bệnh gì đó nhưng không quan tâm. Kệ bà nó đi, mình loanh quanh, lẩn quẩn dưới sông thì chắc không ảnh hưởng gì. Chỉ sợ cho thằng con, lâu lâu điện thoại dặn nó cẩn thận, vậy thôi. Nói xong, gã bưng ly rượu uống ngọt sớt, coi chuyện tôi vừa “hù” gã như giỡn, như không liên quan tới gã. Sống lang bạt trên sông nước vầy hoài anh không chán sao? Tôi tiếp tục khai thác chất liệu ở gã. Gã có chút tư lự: Mới đầu cũng buồn, nản vì nó cô đơn và nhạt nhẽo. Sau thì dần quen và bị cuộc sống sông hồ quyến rũ. Nó bình lặng, thong dong, tự do và an nhiên. Giờ thì buông ra không được, lên nhà một chút là buồn, là nhớ sông, là đau đáu những bờ bến đã từng ghé lại, đi qua… Chắc tại cái nghiệp, ông à.
Tôi vẫn thức vào lúc ba giờ sáng, vẫn thỉnh thoảng ngóng đầu ra cửa sổ nhìn dài theo mé sông, dưới những rặng bần và đám gừa già, chờ đợi. Sáu tháng rồi, gã biến mất, biến mất như chưa từng ghé qua cuộc đời này. Sáu tháng, trên bờ với biết bao biến chuyển thăng trầm, biết bao nhiêu sự cố xảy ra với loài người. Còn gã? Gã  vẫn miệt mài trôi trên các kênh rạch miền Tây như gió, như mây, như giề lục bình? Không biết, nhưng tôi nghi vậy. Bữa nhậu chia tay gã, khi say, gã nhừa nhựa: Tôi thích mấy câu thơ này nhưng không biết của ai: “Tự do là tính của mây/ Đứng im kiểu núi cũng đầy tự do”. À, thì ra gã cũng thuộc thơ ai đó, và, trong khi say, gã có lần bảo, mình từng là công chức bàn giấy thất thời. Đêm đó tôi say, sau khi tỉnh dậy, tôi mở cửa nhìn  dài theo con sông cạn. Không có bóng đèn dầu nào, con sông trước nhà vắng lặng, buồn hiu. Tôi trở vào nhà mở điện thoại, tin nhắn zalo: Hôm nay cả nước có hơn mười ngàn ca nhiễm bệnh mới, mấy trăm người chết. Gió ở vàm sông thổi thốc vào nhà lạnh.
8/7/2022
Đào Ngọc Vinh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...