Thứ Năm, 13 tháng 7, 2023

Bà mẹ, thằng con và nhỏ hàng xóm

Bà mẹ, thằng con và nhỏ hàng xóm

Trời rục rịch sáng, gió còn chạy trên mái tôn thì thằng con gọi điện về “Má, nhà mình có sao không má?”.
Chen vô câu hỏi là tiếng của xe cộ. Hổng lẽ mới giờ này mà thằng nhỏ đi làm? Bà mẹ, tay trái nhanh nhẹn xếp mấy bó húng dũi, tía tô vô thúng, tay phải áp chặt cái điện thoại cục gạch vô tai “Mới giờ mà bay đi đâu đó?”. “Má ơi, đất Sài Gòn đâu phải như quê mình” – thằng con kêu lên “Mà nhà mình có sao không má?”. “May quá, nó sượt qua chút xíu hà, không mất một miếng tôn”, bà mẹ kể. Nó là cơn bão thứ sáu trong năm.
Mấy ngày trước, nghe đài nói nó mạnh dữ lắm, giựt cấp mười ba mười bốn, bà mẹ hết hồn, nhớ trận bão ập vô xóm Soi hai năm trước xô ngã mấy ngôi nhà, gỡ tôn quăng sàn sạt xuống vườn rau. Lần này may thiệt, sau mấy ngày quần thảo ngoài biển, tới khi vô đất liền thì cơn bão bải hoải và đổi hướng. Thành ra chỉ có vài trận gió mạnh hơn gió nam cồ đi vô xóm Soi, nhà tôn nhà ngói vẫn đứng yên, không mất một miếng.
Thằng con thở ra cái xì. May thiệt! Nhưng từ giờ tới tết, hổng biết ổng còn quật vô trận nào nữa không. Bà mẹ áp chặt cục gạch vô tai, gật đầu. Ờ, còn trận bão nào nữa hay không, ai biết! “Thôi má tắt máy chớ bay hết tiền. Nhớ đặt vé xe sớm sớm”, bà mẹ dặn.
Thằng con rời xóm Soi đã hơn ba năm. Thằng nhỏ sáng dạ nhưng học xong lớp 12 thì dừng bởi câu hỏi của bà “Vô đại học hình như tốn nhiều tiền lắm phải không con? Mấy đám rau không biết có kham nổi…”. Đi học tốn kém, tới chừng về quê chắc gì đã xin được việc làm. Là bà nghe mấy người xung quanh nói vậy. Nhưng người ta lại không nói với bà là thời buổi giờ, cầm cái bằng đại học xin việc đã khó. Tức là những công việc ổn định, sáng chiều hai buổi tới cơ quan, đau bệnh nghỉ đi làm cũng không lo bị trừ lương. Đằng này, thằng con bà chỉ có độc cái bằng trung học phổ thông. Coi như bó tay chấm com nếu muốn xin vô làm trong cơ quan nhà nước.
Ngót hai năm cùng mẹ vắt mồ hôi xuống vườn rau, thấy không ăn thua, thằng con xin một triệu đồng, nói vô Sài Gòn kiếm việc làm. Bà mẹ hồi giờ chỉ quen với bãi soi và mấy cái chợ, chưa đi đâu quá ba chục cây số, nghe hai tiếng Sài Gòn thấy xa mịt mờ. Bà ra sức cản, nhưng thằng con nói phải kiếm tiền sửa gian bếp, với lại thay mái tôn chớ nó dột te tua. Ở nhà trồng mấy đám rau thì làm sao đủ, đất nhiễm mặn phân nửa rồi.
Bà mẹ đành vét hết vườn rau đem xuống chợ, mượn thêm bên hàng xóm mấy trăm nghìn cho chuyến đi phấp phỏm của thằng con. Lúc nó mang ba lô trèo lên xe, bà còn níu áo dặn dò đủ thứ. Tờ mờ sáng hôm sau điện thoại reo, thằng con nói má ơi con tới nơi rồi. Giờ thì bà mẹ biết chính xác Sài Gòn cách xóm Soi đúng một đêm.
Hai ngày sau thằng con gọi về, hồ hởi kể con được một nhà hàng hải sản nhận vô làm, lương cũng hơn mình trồng rau ở quê. Câu sau của nó mờ đi trong tiếng xe cộ. Bà mẹ nghe mà cay cay mắt.
Gian bếp đã đứng lên thẳng thớm, mùi vôi mới quét thiệt dễ chịu! Mấy tấm tôn có nắng tíu tít xiên qua cũng được gỡ xuống thay bằng tôn mới. Bà mẹ thở phào. Từ rày trời mưa to không phải te tái xách thau chậu hứng chỗ nọ chỗ kia. Mỗi tháng thằng con gởi về hai triệu, dành dụm miết, rồi sửa. Bà mẹ mát lòng mát dạ khi hàng xóm khen có thằng con trai “ngon” quá chừng.
Thằng con không kể với bà mẹ là để có hai triệu gởi về, sau khi hết ca ở nhà hàng hải sản, nó tròng vô người cái áo màu xanh lá, đội mũ bảo hiểm màu xanh lá và tranh thủ đón khách bằng cái điện thoại quẹt quẹt mà nó mua trả góp. Xe máy chở khách, dù không mới, cũng là mua trả góp sau khi bán rẻ như cho chiếc xe đem từ quê vô, để khi ngồi lên khách khỏi cằn nhằn “Xe gì mà nát dữ mày”.
Chạy xe ôm là công việc nguy hiểm. Đã vậy dân trong nghề còn gườm gườm nhau. Có lần thằng con bị một tay xe ôm truyền thống thộp cổ áo chỉ vì người khách mà thằng chả ra sức chèo kéo đã dứt khoát quay lưng, leo lên xe của thằng con khi nó vừa trờ tới. “Ai cho mày đón khách ở đây?”. Đôi mắt chả tóe lửa. Tim thằng con đập thình thình. May, xung quanh có mấy người xúm lại. Ai biểu cứ hét giá cho cố. Bàn tay thộp cổ áo vừa lỏng, thằng con nhanh chân bỏ số, rồ ga dọt lẹ. Chuyện này mà kể, chắc bà mẹ đứng tim.
Giáp tết năm đó, khi tàu lửa lẫn xe khách đi ra không còn chỗ trống, thằng con một mình một xe máy về tới nhà sau hơn một ngày phơi nắng, tắm bụi trên đường. Bà mẹ đã biết Sài Gòn cách xóm Soi ngót một đêm, kêu trời.
Thằng con cười hì hì lôi từ trong cái ba lô ngấm bụi ra hai bộ đồ giống như mấy bà cán bộ xã hay mặc. Dính theo hai bộ đồ là cái áo đầm vàng óng. Bà mẹ hết hồn:- Trời đất! Má già rồi mà bay mua chi cái áo…?
Thằng con hấp tấp giựt lại:
– Má chưa già! Nhưng cái áo này… không phải của má.
– Vậy chớ của ai?
– Của… của May.
May là con nhỏ thợ may, con bà Tám ở đầu xóm. Nó tên May, hổng phải vì nó làm thợ may. Bữa đó bà Tám dậy sớm, ra quét sân thì nghe oe oe trước cổng. Xách chổi lò dò tới, bà muốn rụng tim khi thấy một đứa trẻ nhỏ như trái bắp, còn nguyên dây rún, trần truồng cựa quậy trong cái thùng mì tôm. Dụi mắt, bà muốn rụng tim lần nữa khi thấy trên mình đứa nhỏ kiến lửa bu đầy. Thả cái chổi, bà Tám nhào vô phủi kiến, vừa phủi vừa la làng xóm.
Ai cũng nói đứa nhỏ này… may thiệt. Thường ngày ông Năm thả bò đi ăn sớm lắm. Đàn bò hơn chục con tuôn ra đường, ngang qua cổng nhà bà Tám, con nọ cà khịa con kia rồi đi ra bãi Sậy, chỗ cỏ mọc xanh um. Bữa đó ông Năm ngủ quên hay sao mà chưa thả bầy bò, chớ không thì đứa nhỏ bị bò giậm chết chắc.
Và nếu bà Tám dậy trễ thêm chút nữa, ra quét sân trễ thêm chút nữa thì đứa nhỏ cũng chết vì lạnh và bầy kiến lửa. Vậy nên nói nó may thiệt là may. Mà bà Tám cũng may. Ông trời biết bả quá lứa lỡ thì, một mình một bóng nên mới xui khiến ai đó đem đứa nhỏ để ngay trước cổng. Vậy là đùng một cái, bà Tám có con. Đó là chuyện gần hai chục năm trước. Lúc đó bà Tám còn gánh rau chạy băng băng tới chợ. Ai ngờ khi con May lên cấp ba, bả ngủ một giấc dài tới tận bây giờ.
Cái áo đầm vàng như nắng nóng lên trong đầu bà mẹ, sau khi thằng con hấp tấp nhét vô ba lô rồi đi. Về nhà ngồi chưa ấm chỗ đã đi! Mấy đận trước đâu có chuyện đó. Giờ con May chừng như quan trọng hơn bà. Ờ thì con nhỏ mặt mũi sáng sủa, coi bộ cũng hiền. Nhưng bụng dạ nó ra sao, ai biết!
Cái áo đầm cựa quậy hoài trong đầu bà mẹ.
Thằng con gọi điện hỏi thăm tình hình ở nhà, nói con ráng cày một thời gian nữa, dành dụm được chút đỉnh rồi về luôn. Cũng phải nghĩ cách làm ăn lâu dài, như trồng rau thủy canh chẳng hạn, nhưng mà phải có vốn và phải biết đường đi nước bước. Chớ bám vô đất soi ngày càng nhiễm mặn thì đủ thiếu gì má ơi.
Bà mẹ không biết thủy canh là cái thứ gì, ngon dở ra sao, chỉ biết thằng con đã tính chuyện trở về luôn thì mừng húm. Rồi bà nhắc con nhớ đặt vé xe sớm sớm, cận tết nó mắc, có khi không còn vé. Thằng con nói con đặt rồi, từ nay không đi xe máy về quê nữa, nguy hiểm.
Bỏ cái điện thoại cục gạch vô túi, bà mẹ cười một mình. Tháng Chạp, bầu trời như được đẩy lên cao, xanh ngắt. Nắng rờ rỡ trải xuống xóm Soi. Gió từ sông lùa vô mát rượi. Bà mẹ nghĩ nắng này mà làm dưa món, kiệu chua thì ngon hết biết. Hay năm nay mình làm thêm một hũ dưa món, thằng con về đem lên cho con nhỏ May? Độ rày, mỗi lần đi ngang qua nhà con nhỏ, bà mẹ thường kín đáo liếc vô. Lần nào bà cũng thấy bà Tám cười tươi rói sau bình bông vạn thọ và nghe tiếng máy may chạy rè rè gần cửa sổ.
Nắng óng ả trên từng lảnh rau. Bà mẹ bấm tay tính thử còn mấy chục ngày nữa thì thằng con về ăn tết, rồi tính thử xắt mấy trái đu đủ để làm hai hũ dưa món. Mình thương nó thì nó thương mình, bà nghĩ vậy khi trong đầu hiện lên khuôn mặt hay cười của con nhỏ May. Ủa, có chắc nó sẽ làm con dâu bà không? Chưa biết.
23/1/2020
Trịnh Phương Trà 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một buổi tối ám ảnh ở Boston

Một buổi tối ám ảnh ở Boston Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông là bài Chơi bóng rổ với Việt cộng. Bài thơ này viết tặng nhà văn Ng...