Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Những tác phẩm vĩ đại nhờ "Thuổng" ý tưởng của người khác

Những tác phẩm vĩ đại nhờ
"Thuổng" ý tưởng của người khác

Nhà văn, nhà phê bình vĩ đại người Anh John Ruskin từng nói: “Không ai đóng cửa ngồi trong căn phòng trống rỗng mà viết sách cả!”. Tất cả mọi ý tưởng của con người ta đều đến từ cuộc sống, hay thậm chí là của những người khác nữa.
Trái với ý niệm chung của công chúng, nhiều nhà văn vĩ đại trên thế giới viết ra tác phẩm để đời của mình dựa trên những điều được người đi trước để lại cho họ. Nói ra điều đó không có nghĩa là nhằm mục đích hạ thấp giá trị của các đại văn hào. Mà để cho mọi người thấy rằng, quá trình hình thành một tác phẩm có thể rắc rối và éo le đến mức nào.
“Othello” và “Romeo và Juliet”
Hai vở kịch “Othello” và “Romeo và Juliet”, cho dù đối với khán giả thời nào đi chăng nữa thì, hai tác phẩm này cũng làm khơi dậy nên những cảm xúc mạnh mẽ nhất trong lòng người xem. Người ta cười vui, khóc lóc, thẫn thờ, v.v…vì những nhân vật sống – chết nhiều thế kỷ trước. Đó chính là sự đồng cảm vượt thời gian mà người viết nào cũng tìm kiếm.
“Othello” kể về bi kịch giữa Othello, một sỹ quan quân đội Venecia; người vợ mới cưới Desdemona của anh. Và Iago, sỹ quan cấp dưới Othello. Tuy vậy, vở bi kịch không chỉ nói về lòng ghen tuông và nỗi sợ, mà còn đề cập đến sự xa cách giữa con người, nạn phân biệt chủng tộc, và khả năng làm điều xấu trong mỗi con người. Tất cả những điều này đều được thể hiện trong nguyên tác của vở kịch, truyện ngắn “Un Capitano Moro” do tác giả người Ý – Giovanni Battista Giraldi sáng tác.
Bức “Nụ hôn cuối của Romeo và Juliet” của danh hoạ Francesco Hayez.
Giovanni Battista Giraldi, bút danh Cinthio, là một nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia và giáo sư đại học sống trong thế kỷ XVI. Vào thời điểm đó, các tác phẩm của ông được lan truyền rộng rãi trong giới có học ở nước Ý. Tác phẩm “Un Capitano Moro” được xuất bản vào năm 1560 trong một tuyển tập truyện ngắn. Không biết tác phẩm được dịch sang tiếng Anh vào lúc nào, nhưng Shakespear đã bê nguyên toàn bộ cốt truyện, nhân vật, bối cảnh, và hệ tư tưởng của truyện ngắn “Un Capitano Moro” vào “Othello” của mình. Một vở kịch khác do Shakespeare sáng tác là “Measure for Measure” cũng dựa trên tuyển tập nói trên của nhà văn Cinthio.
Nói về vở “Romeo và Juliet”, nội dung của tác phẩm này không còn lạ với bất kỳ ai. Điều mà nhiều người không biết là vở bi kịch có nguồn gốc từ tác phẩm truyện thơ “The Tragical History of Romeus and Juliet” do nhà thơ Anh Arthur Brooke viết. Vị thi sỹ lại sáng tác truyện thơ dựa trên tiểu thuyết của nhà bác học, tu sỹ người Ý Matteo Bandello. Kỳ khôi hơn nữa, bản thân tiểu thuyết Ý này lại chuyển thể từ một bài thơ của đại thi hào người Pháp – Pierre Boaistuau. Vậy là từ một bài thơ đã viết nên được hai tác phẩm tiểu thuyết và một bi kịch, quả là điều xưa nay hiếm thấy.
Nhà phê bình, học giả về Shakespeare – Israel Gollancz (Anh) đưa ra nhận xét rằng: “Việc sáng tác dựa trên tác phẩm của người khác không có gì lạ, nhất là trong thời Phục Hưng khi sách chỉ được phát hành với số lượng giới hạn và ít khi được đưa ra ngoài biên giới. Khi Shakespeare đem công bố những vở kịch của mình, chỉ có ít người có học biết rằng nhà kịch sỹ thực ra đã làm công việc chuyển thể. Rồi dần dần theo thời gian, số người biết ngày càng ít đi đến lúc kịch của Shakespeare còn nổi tiếng hơn cả tác phẩm gốc của nó!”.
“Tiếng gọi nơi hoang dã”
Trước khi viết cuốn “Tiếng gọi nơi hoang dã”, Jack London phải kiếm sống bằng cách làm những công việc lặt vặt để đổi lấy đồng lương chết đói. Sau khi viết “Tiếng gọi nơi hoang dã”, Jack London được coi như một trong những nhà văn đại chúng tài năng nhất nước Mỹ khi đó.
Câu chuyện về cuộc chiến sinh tồn của chú chó kéo xe Buck trong thế giới con người và chốn hoang dại được Jack London dựa trên chính những trải nghiệm thời trẻ của mình. Khi đó ông nhập vào đoàn người đi tìm vàng ở Yukon, bang Alaska, nhờ thế mà chứng kiến được đủ thứ đẹp đẽ lẫn xấu xí của con người. Và sự cao thượng trong tâm hồn loài vật. Chính nhờ sự “thật” trong “Tiếng gọi nơi hoang dã” mà nó được coi như biểu tượng của chủ nghĩa tự nhiên.
Câu chuyện không đơn giản như thế. Đúng là Jack London viết “Tiếng gọi nơi hoang dã” dựa trên ký ức của mình. Nhưng sự thật thì, ông cũng “vay mượn” nhiều yếu tố nhân vật và tình huống từ cuốn tự truyện “My Dogs in the Northland”. Tác giả cuốn sách này là cha xứ Egerton Ryerson Young, một nhân vật được lịch sử Canada nhớ đến nhờ những tác phẩm mang tính địa chí về vùng Ontario.
“My Dogs in the Northland” xuất bản vài năm trước một truyện ngắn cũng về con chó của Jack London. Báo chí đương thời so sánh hai tác phẩm và cho rằng hình tượng con chó xứ Bắc trong sách của Egerton Young hay hơn. Jack London không lấy vậy làm giận mà “mượn” luôn cuốn tự truyện kia kết hợp với trải nghiệm của mình để viết ra “Tiếng gọi nơi hoang dã”. Trước khi Egerton Young qua đời vào năm 1909, ông có viết thư cho báo chí Mỹ nói về việc “Tiếng gọi nơi hoang dã” dựa trên tác phẩm của ông. Jack London sau đó công khai cho mọi người biết sự thật, đồng thời viết thư xin lỗi và cảm ơn Egerton. Kể từ đó vị đại văn hào không bao giờ giấu giếm việc ông lấy ý tưởng của người khác để biến thành của mình. Thậm chí Jack London còn viết trong lời tựa của một tác phẩm khác rằng, ông đã trả tiền cho văn hào Sinclair Lewis (Giải Văn học Nobel 1930) để mua lại ý tưởng của Sinclair.
“Ba chàng lính ngự lâm”
Jack London mua ý tưởng của nhà văn khác chỉ là chuyện nhỏ nếu đem so với những gì đại văn hào Alexander Dumas từng làm. Một người bạn của ông đã phải thốt lên: “Ông ấy (Dumas) không chỉ là nhà văn hay kịch gia. Ông ấy còn giống như thợ lặn săn những “hòn ngọc” ý tưởng của người khác rồi đem về đánh bóng để bán lại!”.
Trong số khoảng 250 tác phẩm mà Alexander Dumas để lại, một số lượng không nhỏ từng bị cáo buộc đạo văn hoặc ăn cắp ý tưởng của tác giả khác. Theo một số tin đồn không có kiểm chứng, “cái tôi” của Dumas lớn đến mức kể cả khi mọi người trong làng viết văn Pháp đương thời biết rằng tác phẩm này do Dumas cộng tác với nhà văn khác viết, đại văn hào cũng không bao giờ cho phép nhà xuất bản đề tên đồng tác giả lên tác phẩm của mình.
Hầu hết bạn đọc của Dumas đều biết rằng, cuốn tiểu thuyết “Ba chàng lính ngự lâm” được phóng tác dựa trên cuốn “Hồi ký của ngài d’Artagnan” của nhà văn Gatien de Courtilz de Sandras (Pháp). “d’Artagnan” là một nhân vật giả tưởng được Gatien de Sandras xây dựng dựa trên hình mẫu nhiều cá nhân khác nhau ông từng gặp trong cuộc đời chìm nổi của mình, nhưng lại được đặt vào bối cảnh thế kỷ trước, thời nước Pháp bị thống trị bởi hai vị Hồng y Richelieu và Mazarin. Sau này Dumas đọc được cuốn “giả hồi ký” và bị nó chinh phục hoàn toàn, từ đó mà có cảm hứng viết nên “Ba chàng lính ngự lâm” nổi tiếng thế giới.
Nhưng Alexander Dumas không phải là tác giả duy nhất của tác phẩm. Bạn của ông, nhà văn Auguste Maquet, từng nhiều lần cộng tác với Dumas. Lần đầu tiên họ làm việc với nhau là khi Dumas viết lại một vở kịch của Maquet. Đó là vở “Balthide” đề tên tác giả là Maquet. Tuy vậy, trong những tác phẩm hai người viết chung tiếp theo, chỉ có tên của Dumas trên bìa sách. Maquet được trả một số tiền để giữ bí mật công sức của mình.
Sau này, Maquet kiện Dumas ra toà để đòi được nhận thêm tiền công viết “Ba chàng lính ngự lâm”, khi đó là tiểu thuyết bán chạy nhất nước Pháp. Ông giao cho toà tập bản thảo dày 93 trang được Dumas lấy làm bản nháp để viết ra tác phẩm. Tất nhiên là Dumas đã mở rộng câu chuyện, nhân vật, v.v…Và nói chung là đưa tác phẩm lên một tầm cao hơn, nhưng không ai phủ nhận được công sức của Maquet. Toà xử Maquet thắng kiện. Sau đó nhà văn bắt đầu sáng tác độc lập và còn xuất bản được gần 20 tác phẩm khác.
Còn về phần Alexander Dumas, ông tiếp tục sử dụng “cộng tác viên” trong quá trình sáng tác. Một nhà báo đương thời tên Jacquot còn tố cáo Dumas có cả một “nhà máy” gồm toàn những cây bút trẻ. Họ nghe ý tưởng của Dumas để triển khai thành tác phẩm, sau đó nhà văn sẽ biên tập lại và xuất bản dưới tên mình. Nhà đại văn hào không bao giờ công khai công nhận cáo buộc này. Tuy nhiên, trong một lần được hỏi, ông chỉ nói đúng một câu như sau: “Nhà thiên tài không bao giờ ăn trộm. Người đó đi chinh phục bằng tài trí của mình!”.
11/3/2022
Vũ Vũ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú  Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn có trách nhiệm và có ham t...