Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Đỗ Bích Thúy: Từ "Sau những mùa trăng"

Đỗ Bích Thúy: Từ
"Sau những mùa trăng"…

“Tôi đã trở về trên núi cao” - tập sách mới nhất như một cuộc đối diện thành thật với chính mình của nhà văn Đỗ Bích Thúy phát hành vào cuối tháng 8 này. Trong đó, 8 trang viết cuối cùng xuất hiện khi bản thảo đã chuyển nhà in – là một trong những trang viết nhiều day dứt nhất…
Độc giả có quyền đặt câu hỏi: từ “Sau những mùa trăng” – truyện ngắn nộp giờ chót trong chùm tác phẩm mang lại giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (1999 – 2000) của Đỗ Bích Thuý cho đến “Tôi đã trở về trên núi cao”, nhà văn của Hà Giang núi đá đã và sẽ có những chuyển dịch nào để tiếp tục mở ra những lấp lánh của đời sống nữa…?
Nhà văn Đỗ Bích Thuý
Ngay trong mở đầu của truyện ngắn “Sau những mùa trăng” đã gặp rất nhiều cặp từ “ra đi” – “trở về”. Có thể theo nghiên cứu văn bản học thì “Sau những mùa trăng” chưa hẳn là tác phẩm đầu tiên đánh dấu con đường văn chương của tác giả, nhưng vì những ngẫu nhiên có ý như trên, tạm xem truyện ngắn này như “một ngọn khói sớm quẩn lên trong sương mờ”, hay như một cái cây nhỏ đầy những run rẩy, reo vui trên một rẻo cao của vùng rừng núi Vị Xuyên, từ đấy mà nhìn suốt về xuôi để phác đôi nét chấm phá nào đó về một chặng sống và viết quan trọng của Đỗ Bích Thuý – một trong những nữ nhà văn hàng đầu gắn với đề tài miền núi.
Gần 20 năm, (trong dân số học được xem là một thế hệ) – chặng đủ dài, quan trọng để đo sự lao động của một đời sống văn chương. Thời gian này, gần 20 năm này, Đỗ Bích Thuý đã ra mắt 19 cuốn sách (nếu tính cả tập tản văn mới nhất) – một số lượng tác phẩm không nhỏ, đa dạng về thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa, tản văn đến tiểu thuyết. Đây cũng là quãng thời gian chị rời vùng núi cao Hà Giang để về sống trong lòng Hà Nội. Còn nhớ, đã có không ít bạn đọc “giận dỗi” vì nhà văn được mặc định của miền núi này đã “dám” bỏ rừng về phố. “Thực ra thì hầu hết những truyện ngắn về miền núi mà bạn đọc yêu thích từ khi tôi đoạt giải ở Văn nghệ Quân đội (năm 1999 – 2000), đều được viết khi tôi đã ở Hà Nội” – Đỗ Bích Thuý trả lời phỏng vấn một tờ báo.
Câu chuyện chuyển dịch vùng sáng tác như trên kể không phải mới nếu không muốn nói là hiện tượng ít nhiều có tính quy luật trong đời sống văn nghệ. Và Thuý chia sẻ là: “Cho dù có nhổ mình ra khỏi mảnh đất ấy để cấy xuống một vùng đất khác, thì những sợi rễ rất dài của cái cây là mình ấy, vẫn còn nối với nơi nó đã nảy mầm”. Tiếp nhận tinh hoa của một vùng đất mới, độc đáo như Hà Nội và có độ lùi để tiếp tục nhớ nhung, yêu thương, đi sâu hơn cái không gian nghệ thuật vốn có của mình – được như thế quả là một lợi thế của người viết.
Tản văn “Tôi đã trở về trên núi cao” Đỗ Bích Thuý chính là đã bộc lộ khá rõ những động thái dịch chuyển này. Liệu Đỗ Bích Thuý sẽ có những tiếp nối, hoà nhập mạnh mẽ hơn để đóng góp vào dòng văn chương thị dân, cụ thể ở đây là văn chương viết về Hà Nội – trong nhiều chiều tương tác, hôm qua hôm nay, trong nhiều lớp người đã, đang ngày ngày sống trong lòng thành phố này?
Tập sách “Tôi đã trở về trên núi cao” của Đỗ Bích Thúy
Dễ thấy, lối quan sát, lối viết giàu trực cảm của Đỗ Bích Thuý có sự gần gũi, đồng điệu nhất định với đời sống, tâm hồn Hà Nội. Và ngay cả trong đời sống thực, Thuý cũng có sự tương thích nhanh, lý thú, đầy chủ động với những tinh thoa của lối sống thị dân. Từ cách ứng xử với trang phục đến việc trân trọng, hướng tới những “nhẹ nhõm và tinh tế” khác của Hà Nội. Chị từng nói: “Hà Nội đã mang lại cho tôi một điều rất cần cho phụ nữ. Đấy là một lối sống tinh tế, để từ lối sống ấy có thể viết một cách tinh tế. Sự tinh tế ấy khi mang vào vùng văn hoá đồ sộ nhưng giản dị và có phần thô mộc như miền núi, là một sự kết hợp vô cùng hiệu quả”… Thực tế, trong nhiều tác phẩm gần đây, Đỗ Bích Thuý đã gửi gắm không ít những cảm nhận và tình yêu của chị với Hà Nội. Tiểu thuyết xinh xắn “Cửa hiệu giặt là” được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho là “đã chạm đến tâm hồn Hà Nội”. Và nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì nhận định Thuý đã tạo nên “một tiểu thuyết khá sinh động về đời sống đô thị hôm nay”…
 “Tôi viết cái gì cũng rất cẩn thận, đặc biệt khi viết về Hà Nội với những vỉa tầng văn hoá khổng lồ của nó…”. Đó là một thái độ lao động đáng trọng – nhà phê bình Văn Giá đã nhận định.
Sự cẩn thận này là có thật, ngay trong ý thức sống, trong quan sát hằng ngày của chị. Đỗ Bích Thuý đầy hào hứng khi nói về một cửa hàng giò chả lâu năm ở Hà Nội – nơi duy nhất còn sử dụng chiếc cân đĩa có những quả cân bằng sứ. Đỗ Bích Thuý thích đạp xe trên những triền đê, từ đây có thể dẫn lối vào những ngôi làng xưa, với nhiều dấu tích như thể nằm ngoài làn sóng đô thị hoá; chị cũng phải lòng cầu Long Biên trong những buổi chiều đưa đón các con đi học… Thuý ở trong một căn hộ trên cao nhìn xuống sông Hồng – không hiểu sao tôi cứ nhớ có nhà văn miền núi nào đó đã ví việc rời vùng cao về Hà Nội mua một cái chung cư, giống như mua một cái tổ chim nằm ở một chạc cây nào đó, mong mưa gió đừng về tới nơi… Từ căn chung cư trên cao lộng gió của mình Thuý ghi lại hình ảnh cả dòng sông Cả, tiếng còi xe và đặc biệt là chuyển động chầm chậm của đoàn tàu dài nhỏ, mảnh xuyên đô thị, với tiếng còi tàu vọng dài như suốt từ ký ức…
Bạn đọc hoàn toàn có thể tìm thấy, chia sẻ với tác giả về những quan sát tinh tế, giàu trực cảm này trong tập tản văn mới nhất “Tôi đã trở về trên núi cao”.
Tuy nhiên, tập sách mới này không chỉ có vậy. Ngoài những dịch chuyển kể trên, nhìn từ “Sau những mùa trăng” cho đến trang cuối cùng của “Tôi đã trở về trên núi cao” thấy người đàn bà đẹp viết văn này rất dễ sẽ còn tiếp tục chạm tới những góc khuất trong đời sống tinh thần của người phụ nữ hiện đại. Ví như tính nữ biểu hiện trên những chiều kích nào, sự mê đắm, thăng hoa, nỗi đau khổ, tính độc lập, bản năng che chở mạnh mẽ thể hiện ra sao khi cách nhìn nhận, vị trí xã hội của người phụ nữ đang ngày một thay đổi…? Những rung cảm nào đó có khi chỉ mảnh như một sợi tơ, nhưng rung lên là sẽ giăng mắc suốt trong lòng người đọc… Từ sự nhạy cảm của mình, từ tâm hồn mình, Đỗ Bích Thuý đã gọi tên được nó ra, lách ngòi bút đồng cảm vào phần mong manh mà chính người trong cuộc có khi cũng chưa hẳn đã nhận ra hết, và ngồi đó cùng họ. Tĩnh lặng nghe rõ tiếng thở dài, rất dài…
Phải nói, nhìn lại, các tác phẩm nhiều thể loại của Đỗ Bích Thúy đã tạo dựng được một hệ thống các nhân vật nữ đầy ám ảnh. Khát vọng hạnh phúc, khí chất… toát lên từ những thân phận đàn bàn, trẻ em gái tưởng như nhẫn nhục, chịu đựng, lầm lũi như mẹ Già (truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”) đến nóng bỏng, thách thức, có chút lẳng lơ như “Vàng Chở” (tiểu thuyết “Chúa đất”)… Đỗ Bích Thúy có thể sẽ vẫn viết về phụ nữ miền núi, nhưng trước sau gì, không gian miền núi sẽ đóng vai trò như một không gian nghệ thuật, chứ không định vị nhân vật nữ chỉ thể hiện tâm hồn phụ nữ vùng cao. Và vì thế nó sẽ trở thành đại diện, chở theo những khát vọng chung của phụ nữ, không phân biệt vùng miền nào…
Với tất cả những cảm nhận này, tôi luôn mong Thúy trở về! Về với núi cao, rừng sâu hay những ngôi làng hiện ra từ những lối rẽ ở đô thị, gì cũng được, để cuối cùng ngồi đối diện với mình và có thể có thêm nhiều trang viết chạm tới sâu hơn tâm hồn Hà Nội, tâm hồn người phụ nữ, tâm hồn con người!.
29/11/2019
Hà An
Nguồn: LĐO
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...