Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

Đỗ Thu Hằng và Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai

Đỗ Thu Hằng và Trên cành hoa
có nỗi buồn đang phai

Nhiều năm qua, tôi đọc thơ trên báo, trong sách, trên mạng để mong tìm được những câu thơ hay theo ý mình nhằm bổ sung cho tác phẩm “Những câu thơ hay Đông – Tây – Kim – Cổ” (Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2013) với ý định sẻ tái bản trong thời gian tới.
Cũng là vì tôi vốn yêu thơ, tìm những câu thơ mình thích để ngâm ngợi, để qua thơ người mà nói hộ lòng mình. Trong rất nhiều người làm thơ mà tôi đọc trên Facebook, có một số tác giả gây ấn tượng với tôi, trong đó có Đỗ Thu Hằng.
Nhà thơ Đỗ Thu Hằng
Mới đây, Đỗ Thu Hằng có gửi cho tôi tập thơ “Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai” (Nhà xuất bản Lao Động, 2018).
Tôi chưa gặp người thơ này bao giờ, chỉ biết qua Facebook, là một cô giáo, một người vợ, một người mẹ trẻ, hiện sống ở ngoại thành Hà Nội.
Đọc 51 bài thơ trong tập thơ “Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai”, tôi cảm nhận được nhiều điều qua thơ, qua những cảm xúc, những hình tượng, những tâm sự mà tác giả gửi gắm. Tôi xúc động bởi tính chân thật, sự hết mình, không làm duyên, làm dáng, không tô vẽ, bày đặt để chứng tỏ mình thế này thế khác như không ít người làm thơ hiện nay đang làm, đang tự cho mình là cách tân, đổi mới!
… Ngày rụng vào hun hút
Mùa trôi theo lá bay
Tuổi buồn hơn một chút
Khóc cười tựa bóng mây
(Dự cảm)
Những câu thơ như thế cứ cuốn hút tôi. Tôi đâu ngờ một cô gái trẻ như Đỗ Thu Hằng lại viết ra nhưng câu thơ ẩn chứa nhiều minh triết, nhiều dư âm, như một người thơ từng trải, như những thi sỹ trên đầu hai thứ tóc:
Nắng rụng vào vàng úa
Mắt mùa ngút ngàn tàn
Nỗi buồn lầm lụi cũ
Chìm trong chiều đang tan
(Chiều)
Nếu như những gì tôi biết về Đỗ Thu Hằng qua Facebook, thì người thơ này chưa phải là một nhà thơ chuyên nghiệp, thế nhưng 51 bài thơ trong tập “Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai” bài nào cũng mang tính chuyên nghiệp, từ cấu tứ, hình ảnh đến nhịp điệu, đến cảm hứng…
Tập thơ “Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai” của Đỗ Thu Hằng
Văn là người. Tôi rất thích câu “Anh có thể dối em/ Thơ anh không thể dối” của một nhà thơ Nga.
Dù chưa gặp Đỗ Thu Hằng, chưa biết nhiều về người thơ này, nhưng đọc thơ tôi cảm thấy một tâm hồn đa cảm, chân thành, mạnh mẽ, nhiều khát khao, dự cảm, bộc trực với nhiều hiển lộ:
…Mùa đông vỡ toác, ô hay mình buồn
Nghe hoang lạnh gió mùa buông …
(Nhật ký mùa đông)
Này anh hời hợt đủ chưa
Vô tình đến vậy, để thừa em ra
(Lẽ nào khoảng khắc mà thôi)
Người làm thơ tặng tôi đi
Hay là tặng phút xuân thì trong nhau
Cuộc đời vui có lắm đâu
Ta nâng niu cả một màu lá xanh
(Người làm thơ tặng ta đi)
khoảng cách giữa chúng mình
Vừa bằng những câu thơ
Thế nên mong manh làm sao, cũng mơ hồ biết mấy…
(Em và anh )
Và, qua những câu thơ, một người thơ Đỗ Thu Hằng cũng mong manh, dịu dàng, mơ hồ và đằm thắm:
…Chìm sâu vào ngày mới
Lắng nghe những dịu dàng
Ôm buồn vui sương khói
Của tháng ngày đa mang…
(Chiều thứ 7)
Rỗng ngày, rỗng tháng từ từ
Tiếng mưa hoang lạnh ngỡ như hồn mình…
(Một mình)
Gió hiền như sợi tóc mai…
(Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai)
Em đã khuyết, đã lu mờ anh ạ…
(Và cơn mưa giữa mùa vẫn đổ)
Tôi ngó tôi
Lặng chìm…
(Chơi vơi chiều)
Được biết, Đỗ Thu Hằng vừa được giải trong một cuộc thi thơ của Diễn đàn Văn chương và cuộc sống.
Tâm sự với tôi trên Facebook, Đỗ Thu Hằng cho rằng: “Thơ gần gũi với tôi như hơi thở, như máu thịt. Nhiều lúc mệt mỏi trên đường đời, thơ nâng đỡ tâm hồn tôi. Thơ làm tôi bay bổng, tự do trong nỗi cô đơn riêng mình. Và như thế thơ trả lời cho tôi câu hỏi, tôi là ai và tôi từ đâu đến… Thơ mang đến cho tôi những niềm vui giản dị, thế thôi”.
Thế thôi cũng là đủ cho người thơ rồi!
Cố thi sỹ Bùi Giáng đã từng nói rằng: “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ chỉ có thể làm một bài thơ khác. Người xưa hiểu sự đó nên họ chỉ vịnh thơ chứ không bao giờ điên rồ gì mà bàn luận về thơ…”.
Có lẽ thế chăng, nên gần 40 năm qua tôi kiên trì đi tìm những câu thơ hay (theo ý mình) để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông -Tây – Kim – Cổ” để cho mình tự thưởng thức và có thể cho người đọc khỏi phải nhọc công tìm kiếm.
Ở tập thơ này của Đỗ Thu Hằng, thiết nghĩ cũng không bàn luận gì hơn là trích những câu thơ mình thích để mình đọc và bạn đọc chia sẻ, để tự tập thơ nói lên những điều muốn nói.
Người không nói và ta không hỏi
Âm thầm thương cho những tháng ngày qua
(Hỡi ta ơi)
… Đi ngược gió, em sợ mùa lá đổ
Rụng rơi đầy trong mắt những xót xa
(Nếu anh muốn)
Cớ sao mục rã chẳng vòng tránh nhau
(Lẽ nào khoảnh khắc mà thôi)
Hóa ra đời có gì đâu bất tử
Hôm nay yêu, ngày mai sẽ rã rời…
(Rất chậm rồi buốt giá cũng qua)
Và, nguyên vẹn một bài thơ của Đỗ Thu Hằng trong tập thơ “Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai”.
VÔ ĐỀ
Trong mơ hồ
Giọt ghi ta trên vách nắng
Mùa hè long lanh
Tiếng người xa xăm
Từ đâu
Kỷ niệm hồi sinh
Một cọng cỏ buồn giờ mới bình minh.
Mới đây, Đỗ Thu Hằng tâm sự với tôi qua Messenger là tác giả đang tìm tòi cách viết mới, đang muốn khám phá, thể nghiệm và tự mình trải nghiệm trong chính những sáng tác thơ. Tôi thiển nghĩ, đổi mới thơ luôn là công việc của người làm thơ, mà trước hết là tự làm mới mình để mình thực sự là mình trong thơ chứ không phải để biến mình thành người khác. Hy vọng Đỗ Thu Hằng luôn là Đỗ Thu Hằng mới mẻ trong thơ.
Viết đôi dòng về tập thơ này vì tôi thực sự thích, hẳn bạn đọc khi đọc tập thơ “Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai” sẽ thích những câu, những bài khác với sở thích của tôi. Cũng là chuyện bình thường mà…
12/5/2020
Dương Kỳ Anh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tâm tình với ý nghĩ

Tâm tình với ý nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao nhiêu chuyện ...