Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

Tuổi mười ba

Tuổi mười ba

CHƯƠNG 1
Hải đang ngồi ngắm con lợn đất. Con lợn béo lắm cơ. Vì bụng nó chứa đầy tiền mừng tuổi. Hào giấy và hào bạc làm đặc ruột con lợn. Đến nỗi, Hải nhấc nó lên lắc, không còn nghe tiếng sủng soảng. Hải sắp giết con lợn. Con dao díp đã thủ sẵn trong túi, cậu bé chỉ cần khoét rộng cái lỗ dài trên lưng con lợn là dốc hết tiền ra. Nhưng cậu bé bỗng thương con lợn quá, không nỡ cầm dao "chọc tiết" lợn. Và cậu bé đặt con lợn trước mắt, ngồi ngắm nghía. Một lúc lâu, Hà sang tìm Hải. Con bé khoe ầm ĩ:
- Chợ huyện đông ghê, Hải ạ!
Hải cười:
- Tớ đi từ sáng sớm.
Hà nhăn mặt, trách móc:
- Đấy, lại tớ nữa. Mồng một Tết Hải hứa không xưng tớ và gọi Hà bằng đằng ấy, giờ Hải lại tớ..
Hải đưa tay kéo con lợn đất gần mình:
- Quên, quên, tớ quên...
Hà phụng phịu:
- Tớ, tớ luôn miệng. Hải hay quên quá.
Hải đánh trống lảng:
- Chợ huyện bán nhiều tượng đẹp lắm. Có cả long đình. Tớ...
Hà lắc đầu:
- Đi về đây, chả thèm chơi với Hải đâu.
Hải trườn người, chộp lấy gót chân Hà:
- Gượm đã, Hải sẽ không quên nữa.
Hà chỉ ngón tay vào mặt Hải:
- Nhớ nhé!
Hải liếm mép:
- Nhớ mà.
Rồi nó kể:
- Hải chạy ra chợ, thấy ông bán tượng Hải về định giết lợn lấy tiền mua tượng với lại long đình. Hải sẽ xây cái đình. Hà thích chơi đình không?
Hà hỏi:
- Chơi đình vui bằng "thả đỉa ba ba" hay "chi chi chành chành" không?
Hải đáp:
- Vui hơn. Có rước và lễ.
Hà hớn hở:
- Thế thì Hà thích. Hải giết lợn nhanh lên!
Hải nâng niu con lợn. Cậu bé bần thần. Nó tiêng tiếc làm sao ấy. Hải ngước nhìn Hà:
- Giá hôm nay còn Tết, Hà nhỉ?
- Tết có ba ngày, ít quá.
- Ừ, Hải ước gì hôm nay còn là mùng một.
- Để Hải mặc áo quần đẹp à?
- Không.
- Thế để làm gì?
- Để... để được mừng tưổi thêm. Hải không muốn giết lợn.
Hà tròn xoe mắt:
- Hải sợ phải tội à?
Hải gật đầu bừa:
- Ừ.
Hà phá ra cười:
- Con giai mà nhát như thỏ. Em Hà nó đập lợn vỡ tan tành.
Hải thấy nóng ran ở tai. Chẳng lẽ nó thua thằng lõi Hưng, em trai của con bé Hà? Hải đứng dậy, khuỳnh tay:
- Tớ thừa sức đá phốc con lợn.
Hà quay mặt đi:
- Thế mà bảo nhớ.
Hải vân vê mép áo:
- Ừ nhỉ, lại quên.
Hà ngúng nguẩy:
- Hải quên mãi. Thôi, Hà nhất định chả thèm chơi với Hải đâu.
Và con bé chạy vụt ra cổng. Hải ngẩn ngơ trông theo. Nó không biết phải nói thế nào để Hà hết giận. Nhưng Hà đã dừng chân, ngoái cổ ngó Hải. Con bé bắt tội nghiệp thằng bé. Nó cúi gầm mặt, lững thững trở vào chỗ Hải đang đứng thẫn thờ:
- Hải đừng xưng tớ với Hà nữa nhé?
Như một chậu hoa cúc phơi giữa sân nắng được rưới nhẹ nước lên, khuôn mặt Hải tươi tỉnh. Nó gật đầu lia lịa:
- Ừ.
- Nhớ nhé!
- Hải thề làm tin!
- Thề đi!
- Thề thế nào?
Hà suy nghĩ giây lát, rồi mỉm cười:
- Thôi, đừng thề. Nhỡ Hải thề độc, Hải lại quên thì chết.
Con bé khích bạn:
- Hải đã đập con lợn chưa?
Hải mím môi:
- Sợ gì.
Nó giơ con lợn đất lên cao. Bỗng Hải chùn tay. Nó nhìn con lợn một cách trìu mến:
- Đập vỡ lợn, lấy lợn đâu mà làm thịt cúng đình.
Hà chẳng hiểu chơi đình ra sao cũng ngây người ra:
- Ờ nhỉ.
- Mình khoét to cái lưng lợn, móc tiền mua tượng long đình, bánh trái. Còn con lợn mình sẽ làm thịt cúng đình. Hà chịu không?
- Chịu.
Hai đứa bé ngồi xuống. Hai mái tóc sát nhau. Nắng mùa xuân huyện lỵ nhảy múa trên tóc chúng nó. Hải đã kéo lưõi dao díp. Nó khoen từng chút đất nung cho cái vệt thủng ở lưng con lợn rộng dần ra. Hải không sợ con lợn đất như Hà tưởng. Nó đã dám đấm chảy máu mũi con lão bếp Trá thì đâu thèm sợ con lợn đất. Hải thương con lợn đất đấy chứ. Hải thương thật mà. Thương từ trong năm cơ. Hải theo mẹ đi chợ huyện mua con lợn. Và Hải thương con lợn đất cơ hồ một người nhà quê thương con lợn giống. Mẹ Hải đã dặn "hễ con thương lợn, lợn của con sẽ đầy tiền mừng tuổi". Con lợn của Hải đã no tiền mừng tuổi. Hải không nỡ đập tan nó.
- Xong chưa hở, Hải?
- Sắp xong.
- Nhanh lên kẻo ông bán tượng quẩy gánh về nhà.
Hải khoét vội vàng. Khi cái lỗ đã rộng, nó dốc ngược con lợn, thò hai ngón kẹp hào giấy lôi ra. Bạc hào theo nhau rơi ngổn ngang trên mặt đất. Hà lượm gom lại.
- Được bao nhiêu?
- Không biết.
- Hải không tính trước à?
- Không.
- Năm nay Hà được những tám đồng cơ.
- May ra Hải được năm đồng.
Hà thích chí, reo to:
- Hải thua Hà ba đồng.
Hải không cãi. Nó nhặt hết tiền bỏ vào túi rồi đứng dậy, năm tay Hà, lôi con bé chạy ra cổng.
- Đi chợ, hở?
Hà hớt hơ hớt hải hỏi. Hải nắm chặt tay Hà hơn và kéo con bé chạy trên con đường đá không tráng nhựa của phố huyện.
Tết không còn ở phố huyện nữa. Tết đã chạy vào chợ huyện, bu quanh những gánh bán tượng đất. Phố huyện chỉ còn xác pháo và một vài cây nêu lười biếng không muốn được hạ xuống. Những vết vôi bột rắc trước cửa mỗi nhà cũng đã bay đi hết. Thế là Tết đã giã từ phố huyện. Nhưng Tết chẳng muốn đi xa, Tết vẫn trú ngụ trong tâm hồn những đứa trẻ. Và những đứa trẻ đem Tết đến chợ.
- Hải mua hai cái long đình đi.
- Ừ.
- Ơ, cái thằng tượng kia đẹp quá.
- Suỵt, ông tượng của người ta đó.
- Hải mua hết tượng, Hải nhé!
- Ừ.
- "Thằng" ông tượng kia sao mặt đen hở, Hải?
- Ông hộ pháp đấy.
- Mua "thằng" ông hộ pháp nữa.
- Ừ, ừ, mua hết. Hà cứ giục nhắng lên, để tớ chọn chứ.
Hà mải ngắm tượng, quên bắt bẻ Hải. Giá con bé nhớ ra, chắc nó lại dọa Hải, bỏ về cho mà xem. Bọn trẻ bu quanh gánh hàng tượng. Đứa nào cũng muốn mua ngay. Cái mẹt tượng trên nắp sọt của ông hàng tượng vơi dần mà Hải chưa thèm mua ông tượng nào. Hà sốt ruột lắm. Con bé giục:
- Mua đi, Hải!
- Gượm đã.
- Chúng nó mua hết thì sao.
Hải ghé sát tai Hà:
- Dưới sọt còn nhiều lắm. Toàn tượng mới, chả bị sứt mẻ gì. Bán hết tượng trên mẹt, ông hàng sẽ lôi tượng dưới sọt lên, tha hồ chọn tượng mới.
Hà vỗ khẽ lưng Hải:
- Thật không?
Hải nheo mắt:
- Thật mà.
Một lúc sau, ông hàng tượng lấy tượng dưới sọt lên bán. Nhưng bọn trẻ con đổ xô tới mua đông hơn. Chúng nó chen nhau mua. Hải không thể đợi được. Thằng bé tranh chỗ, chọn mua một lô tượng. Nó mua cho Hà con gà có ống thổi như tiếng gà gáy thật. Hải phải kéo áo về phía trước đựng tượng và long đình. Hà đi sát bên Hải, ngậm ống tre nhỏ, thổi cho con gà gáy te te. Mùa xuân rộn rã ở lòng chúng nó. Đám trẻ con đi chợ mua tượng lũ lượt ra về.
Trẻ con phố huyện thích trò chơi làm đình lắm. Thằng Dực gọi Hải:
- Ê, Hải, tao với mày làm đình thi xem đứa nào làm đẹp.
Hải vênh vang:
- Sợ gì mày.
Dực thách:
- Phải có cúng tế và rước cơ.
Hải bĩu môi:
- Tao dạy mày làm đình mà mày đòi làm thi à?
Dực nói:
- Năm nay tao làm đình đẹp nhất huyện. Mày sẽ thua bét tĩ.
Hải chẳng thèm nói với Dực thêm câu nào. Nó khích khẽ Hà một cái:
- Hải sẽ làm đình đẹp hơn con nhà Dực.
CHƯƠNG 2
Đình được xây cất ở một góc sân, dựa lưng vào bức tường nhà hàng xóm, không có tiếng "kéo cưa, xẻ gỗ làm đình" như người lớn làm đình tại thôn Trung, cách phố huyện một con đường gạch hồi năm ngoái. Hai đứa bé hì hục xây đình bằng gạch và đất sét. Đất sét đào lên, đem về, trộn nước dùng thay vữa. Hải chỉ cần xây hai bức tường thôi. Tám viên gạch lớn là đủ rồi. Thằng bé đã đan sẵn một cái trần đình. Nó đặt tấm trần nứa đan lên tường, trải thêm tấm bìa cứng rồi trát đất sét phẳng phiu.
Xong đâu đó, Hải mới đắp đất thành cái mái đình cong cong. Trần đình trĩu xuống vì nóc nặng quá. Nền đình thì ba chê. Hải đã nặn một cái tam quan và lấy miếng gỗ mỏng dát sàn. Đến trưa, ngôi đình của Hải hoàn thành. Ăn cơm, vừa buông đũa, Hải đã ngồi canh gà, chó tới phá đình của nó và chờ nắng chiếu khô đất sét. Nhưng nắng xuân êm đềm không chịu hong khô ngay ngôi đình giúp Hải. Thằng bé phải lấy nến thắp trong đình để nung đất sét.
Buổi chiều, Hà mới sang. Con bé chưa thấy Hải bầy tượng, bèn hỏi:
- Bao giờ Hải bầy tượng cúng đình?
- Đợi khô đất sét, Hải quét vôi và vẽ mái đình cho đẹp đã.
- Liệu đình của Hải đẹp hơn đình của thằng Dực không?
- Đẹp hơn. Đình của nó không quét vôi là thua đình của Hải. Chơi đình hết cả tháng giêng cơ mà. Mai Hải sẽ quét vôi, vẽ mái đình, cổng đình. Rồi chúng mình bày tượng, giết lợn cúng thần. Vui lắm.
Hải sai Hà gom những khúc cây chắn ngổn ngang chung quanh đình để chó và gà không thể vào đình. Nó còn lấy áo tơi trùm kín đình, sợ sương đêm làm ướt mái đình. Cả đêm hôm đó, Hải ngủ không yên giấc. Nó thức luôn. Mỗi lần cu cậu thức là mỗi lần cu cậu mò ra sân đi đái. Hải vốn sợ ma. Song vì ngôi đình, nó trở nên can đảm. Sáng sớm tinh mơ, Hải đã ngồi chầu cạnh ngôi đình của nó. Hải mất công nằm chổng mông, hà hơi vào tường và nóc đình. Nó nóng lòng sơn vẽ đình lắm. Nhưng mà cũng phải đợi đến trưa, đình mới hơi hơi khô. Hải pha vôi trắng quét tường đình. Nó đổ mực đỏ vào vôi trắng để quét nóc đình. Rồi cu cậu lấy mực đen vẽ những viên ngói ra điều mái đình lợp bằng ngói. Nó cắt sẵn những con rồng, con phượng, con công trong sách báo dán ở mái trước và hai bên cổng đình. Còn tường, Hải cắt tranh cách trí tô màu rực rỡ. Trang trí loạn xà ngầu. Hà tấm tắc khen khiến Hải thấy mũi nó nở lớn như trái cà chua.
Hải nói:
- Chưa xong đâu.
Hà nhăn mặt:
- Sao lâu thế?
- Lát nữa bầy tượng, rồi Hải đi đào cái ao trước sân đình. Trong sân đình cắm mười lá cờ. Hà biết làm cờ đuôi nheo không?
- Biết chứ.
- Thế Hà về lấy giấy đỏ, cắt mười lá cờ đi.
- To bằng chừng nào?
- Bằng bàn tay. Rồi Hà dán vào đũa.
- Dán vào que chuyền được không?
- Được.
Hà chạy ù về nhà. Hải đào cái ao trước sân đình. Cái ao sâu những hai gang tay. Hải đắp bờ ao thật đẹp. Nó múc nước đổ đầy ao. Lại vác rổ ra ngòi xúc vài chú cá cờ và mấy cánh bèo tấm thả xuống nước. Cuối cùng, ngôi đình của Hải giống hệt ngôi đình làng. Cũng có sân cắm cờ, có ao cá, có cầu ao và mấy cành cây cắm trên bờ ao tỏa bóng mát.
Bọn trẻ con cùng phố huyện biết Hải và Dực thi nhau làm đình, kéo nhau tới coi. Hải không cho đứa nào vào xem trước, sợ chúng nó biết hết, tới nói với Dực thì Hải khó thắng Dực. Hải giao hẹn với Dực rồi. Hễ làm xong đình mới chấm thi. Và bọn trẻ con là ban giám khảo.
Hải khôn ngoan không cho bọn trẻ con xem đình của mình nhưng nó quên thằng lõi Dực còn khôn ngoan hơn nó. Dực đã "mua" bọn trẻ con, những ông "thầy chấm thi" bằng một chầu bánh đa cùi dừa. Bánh đa ăn với cùi dừa ngon tuyệt cú mèo. Bánh đa đã ngậy vì vừng, cùi dừa còn ngậy thêm. Một thứ nhai giòn, một thứ sần sật. Ôi, cái món ăn quê mùa này, không một đứa trẻ đồng nội nào mà không thích. Dực hứa hẹn sẽ đãi các ông "thầy chấm thi" thêm chầu bánh đa mật, bánh đa tóp mỡ hay bánh đa kê nếu đình của nó được chấm nhất. Mấy ông nhãi chịu lắm. Và Dực vững bụng, giao hẹn đứa nào nhất, đứa ấy được hết tượng và đồ cúng của đứa bị thua. Hải bằng lòng ngay.
Ngày chấm đình đã đến. Bọn trẻ con kéo tới nhà thằng Dực ngắm đình. Có cả Hải và Hà theo. Đình của con nhà Dực chả đẹp tí nào sốt cả. Không quét vôi, dán tranh con rồng. Tượng thì chỉ lèo tèo vài ông. Thế mà bọn trẻ con khen rối rít. Hải bấm tay Hà. Hai đứa bé mỉm cười. Đến lượt chấm đình của Hải, bọn trẻ con chê đủ điều. Chúng nó cho đình của Dực mười điểm, đình của Hải sáu điểm. Hải thua rồi. Dực toan xông lại "tịch thu" tượng và đồ cúng của Hải thì con nhà Nghiêm sồng sộc từ ngõ chạy vào. Nghiêm hoa chân múa tay:
- Ông chưa chấm.
Dực giục:
- Mày chấm nhanh lên!
Nghiêm chỉ ngón tay, trách Dực:
- Hôm qua mày cho ông có một tí cùi dừa, ông chấm đình thằng Hải nhất.
Bọn "thầy chấm thi" chưng hửng nhìn Dực. Nghiêm nắm trái đấm:
- Ông không chơi với mày nữa.
Nó mách Hải:
- Thằng Dực cho chúng tao ăn bánh đa cùi dừa, bắt chúng tao chấm đình của nó nhất.
Nghiêm, bây giờ, mới ngắm đình của Hải. Nó khen ngợi:
- Chà, có cả ao, cây cối, bèo và cá cờ. A, thêm con gà đứng giữa sân đình. Đình của thằng Hải đẹp nhất nước.
Hải khoác tay lên vai Nghiêm:
- Tao còn có hộp bánh bích quy cúng thần. Cúng xong tụi mình chén nhé!
Bọn trẻ con đua nhau hỏi:
- Bánh bích quy đâu?
Hải đáp:
- Tao để trong nhà.
Thằng Huy toét tức Huy viền vải tây điều nháy mắt lia lịa:
- Đem ra đây bầy đình đi.
Nó cho điểm lại:
- Đình thằng Hải có hộp bánh bích quy, vậy là nó nhất, nó mười điểm.
Hà hỏi:
- Các đằng ấy ăn bánh bích quy lần nào chưa?
Huy toét trả lời:
- Chưa.
Nó nuốt nước bọt ực một cái:
- Ngon không?
Hà cũng nuốt nước bọt:
- Ngon ghê lắm cơ.
Hải đã mang hộp bánh bích quy ra. Hộp bánh còn bọc lớp giấy bóng kính. Nó khoe:
- Chú tao đem từ tỉnh về mừng tuổi tao đấy.
Nghiêm, Huy và bọn trẻ con hau háu nhìn hộp bánh trên tay Hải. Huy liếm mép:
- Cúng đình xong mày cho chúng tao ăn nhé!
Hải gật đầu:
- Ăn hết.
Nghiêm gạ:
- Cho tớ cái hộp thôi, tớ không ăn bánh đâu.
Huy xua tay:
- Mày khôn ghê, tao nhận cái hộp rồi. Tao nhận trước vì tao cho điểm thằng Hải trước.
Thằng Khoái nói:
- Mày cho có mười điểm. Ông tăng lên mười lăm điểm
- Tao cho hai mươi điểm.
- Tao ba mươi.
- Tớ một trăm.
Nhờ cái hộp bánh bích quy, đình của Hải lên tới một nghìn điểm. Cái hộp bánh bích quy, đối với trẻ con huyện lỵ, quý giá vô cùng. Thằng nào xin được, đem về cho mẹ đựng đồ khâu vá quần áo hay cho bố đựng văn tự, khai sinh thì nhất. Cái hộp bánh bích quy, phút chốc, khiến bọn trẻ con, các ông "thầy chấm thi" đình, quên mất thằng Dực, quên cái đình của nó và quên luôn chầu bánh đa cùi dừa nữa. Hải hứa hẹn:
- Cứ cúng đình xong, ăn bánh hết rồi tao sẽ nghĩ cách xem nên cho thằng nào cái hộp.
Bọn trẻ nhao nhao:
- Cho tao nhé!
- Cho tao đi!
Hải nói:
- Mai chơi cướp cờ, thằng nào thắng, thằng ấy được cái hộp.
Bọn trẻ reo hò ầm ĩ. Con nhà Dực tẽn tò, chuồn biến. Hải chẳng thèm những ông tượng của Dực. Bọn trẻ bắt đầu cùng Hải, Hà nhập cuộc chơi đình. Cái chũm chọe và cái trống múa sư tử rằm tháng Tám đã được mang ra. Tiếng chũm chọe hòa với tiếng trống mở hội đình đám đầu xuân của bọn trẻ. Con lợn đất của Hải nằm bên bờ ao. Một thằng mượn Hải con dao, cạo hết lớp sơn trên mình con lợn rồi nhúng xuống nước ao rửa sạch, gọi là làm lông con lợn. Rồi chúng nó đặt lợn lên chiếc đĩa, bầy trước cửa đình. Hải thắp nến. Ánh sáng tràn ngập ngôi đình. Mặt mày mấy ông tượng trông thật rạng rỡ. Và tự nhiên, bọn trẻ bỗng thấy mấy ông tượng thiêng liêng ghê gớm. Không đứa nào dám cười đùa. Ánh sáng của ngọn nến ở một nơi thờ phụng, sao mà nó có sức cảm hóa lòng người thế!
Bọn trẻ thay phiên sì sụp lạy tượng. Hà hỏi bạn:
- Sao không có "hương, bái", hở, Hải?
Hải ngó Hà:
- Hà muốn "hương, bái" không?
- Ở đình thật có "hương, bái" mà.
Hai đứa đứng xa, đối diện nhau. Chúng nó vòng tay trước ngực. Một thằng hô "hương". Một thằng hô "bái". Rồi hai đứa cùng phủ phục. Trống và chũm chọe đánh loạn cả lên. Hà tủm tỉm cười.
- Thiếu áo xanh và mũ cánh chuồn Hải nhỉ?
- Ừ.
Màn hương bái, bình thân, phục vị xong, mỗi thằng cầm một lá cờ đuôi nheo. Hải bê con lợn dẫn đầu. Theo sau là bọn trẻ đánh trống, chũm chọe và cầm cờ. Chúng nó rước con lợn chung quanh sân. Rồi trở về đình. Cuộc chơi đình chẳng còn gì hấp dẫn cả nhưng không đứa nào chán. Chờ nén hương tàn, Hải lễ tạ các ông tượng và mở hộp bánh bích quy ra. Bọn trẻ con thả cửa ăn. Thoáng một cái, hộp bánh đã hết sạch. Bọn trẻ dán mắt vào cái hộp sắt. Thằng nào thằng nấy hy vọng sẽ thắng cuộc cướp cờ ngày mai.
Rồi bọn trẻ ra về. Chỉ còn Hải và Hà ngồi cạnh ngôi đình. Nắng ngập hai mái tóc. Nắng xuân làm những cọng rơm vàng óng lên. Hải dắt Hà tới một chỗ râm. Nó lấy chiếu trải. Hai đứa bé ngồi một lúc và không bảo nhau, cùng nằm gối đầu lên tay. Trời đã gần trưa. Tiếng con chim cu gáy nghe buồn quá.
- Thế là hết chơi đình hở, Hải?
- Mai chơi nữa.
- Còn thêm cái gì khác không?
- Chỉ có thế.
- Thế thì chán chết.
Hải xích gần Hà. Mũi nó chạm phải mái tóc của con bé.
- Tóc Hà thơm thơm là...
Hà cười:
- Mẹ Hà bôi nước hoa đấy.
Hà bỗng xoay mình. Hai đứa trẻ sát mặt nhau:
- Hải thích mùi nước hoa trên tóc Hà không?
Hải khẽ nhấc đầu, vòng tay dứt một sợi tóc của Hà:
- Sao nước hoa không thơm mùi hoa móng rồng?
- Hải thích hoa móng rồng à?
- Ừ.
- Hoa móng rồng mùi thơm như mít, Hà không thích.
- Thế Hà thích hoa gì?
- Hoa ngọc lan. Mẹ Hà bảo con gái giắt hoa ngọc lan trên tóc, mùi tóc thơm lắm.
- Sao mẹ Hà lại còn bôi nước hoa cho Hà?
- À, tại Tết mà.
Hai đứa trẻ ngừng nói. Tiếng chim gáy làm tăng sự tĩnh mịch của phố huyện. Hải đã sống ở phố huyện sáu năm rồi. Hồi mới về đây, Hải mới lên năm. Trẻ thơ không biết ngày tháng buồn tẻ và dài lê thê. Nên Hải vẫn ngỡ rằng nó sinh ra tại cái huyện lỵ nghèo nàn này. Cha Hải làm việc cho nhà dây thép huyện. Còn cha Hà làm xếp nhà thương. Ở huyện lỵ, những người làm việc nhà nước đều thân nhau. Cha Hà về huyện sau cha Hải. Hai gia đình ở gần nhau nên càng thân nhau. Đáng lẽ, gia đình Hà được cư ngụ ngay trong nhà thương. Nhưng mẹ Hà sợ người bệnh, sợ nhà xác, thành thử phải thuê nhà gần nhà dây thép. Gia đình Hải thì cư ngụ liền tại sở, làm việc luôn chiều thứ Bảy và Chủ nhật. Đang đánh chắn, có người đến nhận thư bảo đảm, cha Hải vội bỏ bài ra phát thư. Nếu không phải Chủ nhật hay ngày lễ, suốt buổi cha Hải hút thuốc lào, đọc truyện Tầu. Công sở y hệt nhà riêng vậy.
Hải thường rủ Hà ngồi chờ thư từ Ninh Giang qua. Một tuần thư về một lần. Người mang thư từ Ninh Giang sang Phụ Dực được nhờ mua bánh gai. Bánh gai Ninh Giang ngon không tả nổi. Có bận, nhận bánh, Hải bóc phăng ra. Thấy bánh gói bằng đất sét! Hải đã tẽn tò. Nguồn vui của những đứa trẻ con tại thị xã theo gia đình về mãi huyện lỵ là sáng sáng đón ông bán bánh rán ở bến đò Vũ Hạ tới. "Bánh rán xiếc báo". Hải chẳng hiểu tiếng rao nghĩa gì song "Bánh rán xiếc báo" thật ròn, ngậy. Huyện lỵ ít người. Thư gửi về các thôn xã, đã có những ông lý trưởng lên nhà dây thép huyện nhận thư. Còn thư gửi cho người sinh sống ở phố huyện, được giao cho ông phát thư già lụ khụ. Hôm nào ông phát thư ốm, cha Hải sai Hải đi phát thư, Hải lại rủ Hà. Đến nhà nào gõ cửa phát thư, Hải cũng được quý mến, được cho quà bánh. Mấy hôm trong Tết, Hải còn được mừng tuổi. Hải mang tiền và quà bánh biếu lại cho ông già phát thư.
- Năm nay Hải lên mấy?
Hải đã nằm sấp, chống hai khuỷu tay đầu nhất cao:
- Mười một.
Hà chế:
- Mười một dựa cột nhà nhé!
Hải hỏi:
- Hà lên mấy?
Hà nheo mắt:
- Đố Hải đấy.
- Lên chín đánh... "trịn" đầu hè, hở?
Hà quay mặt đi chỗ khác:
- Hải nói bậy.
- Thế lên mười cười với...
Hải định nói "lên mười cười với chó". Nó vội nín. Hà quay mặt nhìn Hải trừng trừng:
- Cười với gì?
- Cười với... tớ.
Hà ngồi nhổm dậy rồi đứng lên:
- Chả thèm chơi với Hải nữa đâu. Hà về đây.
Con bé chạy ù ra cổng. Hải vẫn nằm nguyên. Nó lẩm bẩm "xưng tớ mà cũng giận". Hải duỗi cánh tay, úp mặt xuống chiếu. Nó hít hà một mùi thơm. Cu cậu lăn nửa vòng. Mắt ngó lên trời xanh. Bây giờ, ngoài tiếng chim cu gáy, còn tiếng gà gáy nữa. Hải chợt buồn buồn. Một lát sau, nó nhắm mắt, thở đều đều trên manh chiếu dưới bóng râm.
CHƯƠNG 3
Hà nhất định "chả thèm chơi với Hải nữa". Con bé ngồi chơi chuyền một mình, để mặc Hải đứng ngoài đường gọi mỏi cả miệng. Hà giận Hải thật rồi. Ai bảo Hải nói "lên mười cười với chó". Hà còn lạ gì "Lên năm nằm với chó. Lên bảy nhảy chuồng chồ..." Hải dám nói Hà cười với chó, lại khéo vờ cười với "tớ".
- Hà ơi!
-...
- Hà ơi, đi xem chúng nó cướp cờ ăn cái hộp bánh bích quy!
-...
- Rồi buộc tổ sáo. Sáo trên rừng về đông lắm cơ. Chúng nó đậu kín cây soan vườn nhà Hải đấy.
Tha hồ Hải gạ gẫm, Hà chẳng chịu trả lời. Thằng bé đứng phơi nắng một lúc rồi ôm cái hộp bánh bích quy chạy ra sân vận động. Ở đó, bọn trẻ con đã tụ tập đông đủ. Hải kiếm một khoảng đất góc sân cỏ. Nó lấy mảnh sành vẽ một cái vòng tròn và cắm một cái cành cây trong vòng tròn. Đoạn, Hải nhảy từ vòng tròn sang hai bên, mỗi bên mười lăm cái nhảy.
Mười đứa tranh giải cướp cờ, chia làm hai tốp. Hải đứng giữa làm trọng tài. Bên phải nó là bọn thằng Nghiêm, Huấn, Ruyệt, Chí và Hanh. Bên trái nó là bọn thằng Huy, Dụ, Bảo, Kỳ và Toản. Hải giao hẹn:
- Hễ nhổ cờ lên, bị đập là thua.
Huấn giơ tay:
- Nhổ cờ mà chưa bị đập lưng, bỏ cờ xuống ngay có bị thua không?
Hải nói:
- Không.
Kỳ hỏi:
- Sờ vào cờ bị đập có thua không?
Hải cười:
- Thua cái gì. Tao gọi hai thằng một lần. Thằng nào thua thì ra rìa. Thằng nào thắng thì cướp cờ với thằng khác.
Dụ gân cổ:
- Những năm thằng thắng cơ mà!
Hải phất tay:
- Cướp cờ mười lần. Đứa nào không thích cứ việc thôi.
Không đứa nào muốn thôi cả. Cái hộp bánh bích quy hấp dẫn thế, tội gì mà thôi. Hải hắng giọng:
- Tao sắp gọi đây.
Nó nhìn nhanh qua hai bên:
- Nghiêm, Huy
Hai thằng nhãi đã chú ý, khi nghe tên mình, cùng chạy vào giữa. Hải cố tình bênh Nghiêm vì Nghiêm chấm đình của Hải nhất. Nghiêm nói cho Hải biết con nhà Dực đã xui bọn trẻ chấm đình của nó đẹp bằng cách đãi bọn trẻ ăn bánh đa cùi dừa. Thằng nào được gọi tên trước, chạy trước vài bước. Nếu có tài chạy nhanh, thằng chạy trước dám lên tới vòng giữa sân, nhổ cờ, chạy về bên mình để thằng gọi tên sau đuổi hụt và thua. Con nhà Nghiêm không chạy nhanh nên con nhà Huy bắt kịp ở chỗ cắm cờ cành cây.
Hai đứa trổ tài lừa nhau như hai đô vật. Huy láu lỉnh hơn Nghiêm. Cướp cờ là "nghề" của nó. Lần nào chơi cướp cờ, Huy cũng được cõng. Nó ở bên nào, bên ấy được "cưỡi ngựa". Huy vỗ tay sát mặt Nghiêm, chơi ngón "tắt đèn", định làm tối mắt Nghiêm để nó cướp cờ chạy. Song con nhà Nghiêm tỉnh táo. Nó biết tài Huy, mắt mở trừng trừng, theo rõi Huy từng cử động.
- Ơ, trời sắp mưa.
- Nói phét.
- Mày nhìn lên trời xem có phải mây đen mù mịt rồi không?
- Cờ có bóng mà mày bảo sắp mưa!
Huy không lừa được Nghiêm, nó giả vờ lững thững bước về bên mình:
- Chắc tao thua mày rồi.
Huy bước đi nhưng cái đuôi mắt của nó muốn dài thêm ra vì ngó Nghiêm. Chờ Huy bước khỏi cái cờ một quãng, Nghiêm hý hửng nhổ cờ lên, chạy về bên mình. Huy "xoay bản lề", co cẳng đuổi Nghiêm. Chưa về đến nơi, Nghiêm đã bị Huy phát một bàn tay vào lưng cái đét. Hải dõng dạc nói:
- Huy thắng, Nghiêm thua. Thằng Nghiêm bị ra rìa. Còn thằng Huy ngồi chờ cướp cờ với thằng nào thắng.
Bọn trẻ con huyện lỵ nghe tin cướp cờ tranh giải, đã lục tục kéo nhau tới, đứng ngồi hai bên trọng tài Hải. Cuộc cướp cờ hấp dẫn hơn. Thằng nào cũng muốn thắng giải để được khán giả vỗ tay tán thưởng. Trọng tài Hải cảm thấy mình quan trọng lắm. Nó ước gì con Hà đứng cạnh nó. Hải sẽ nhờ Hà gọi tên vài đứa lên cướp cờ. Nghĩ thế, trọng tài Hải cởi phăng áo quấn trên đầu làm mũ. Nó dõng dạc:
- Ruyệt, Bảo!
Hai thằng nhãi quần nhau một lúc y hệt Nghiêm và Huy đã quần nhau. Con nhà Bảo láu lỉnh hơn Ruyệt. Nó giả vờ đứng thẳng, nhìn vào cổng huyện rồi nói:
- Dạ, bẩm ông cháu đi ngay.
Góc sân cỏ ở ngay chân thành huyện. Mà quan huyện mới dễ sợ khiếp người. Quan không ưa trẻ con làm ồn. Ruyệt tưởng ông bếp Trá đuổi, quay lại nhìn. Bảo nhổ cờ chạy về bên mình. Trọng tài Hải nói:
- Bảo thắng. Ruyệt ra rìa!
Một giờ tranh vòng loại, Nghiêm, Ruyệt, Toản, Huấn, và Kỳ bị cho ra rìa. Còn năm thằng Huy, Bảo, Dụ, Hanh, Chí đọ tài, chia làm hai phe. Một bên ba đứa, một bên hai đứa. Huy hỏi:
- Ê, Hải, đứa nào cướp cờ với đứa nào đây?
Hải đáp:
- Mày với thằng Bảo. Thằng Hanh với thằng Chí.
Dụ ngơ ngác:
- Còn tao với thằng nào?
Hải không biết nên để Dụ cướp cờ với thằng nào. Thừa mất nó rồi. Giữa lúc trọng tài Hải lúng túng thì chị thằng Hanh đứng trên đường réo tên nó. Hanh nhăn nhó:
- Em đang chơi cướp cờ.
- Mày có về theo bố lên tỉnh không?
Hanh thèm lên tỉnh quá. Mấy năm rồi, nó chưa được lên tỉnh. Hanh nhảy cỡn, múa tay:
- Ông được lên tỉnh. Ông thèm vào cái hộp bánh bích quy.
Nó chạy về. Hải mừng quá. Nó bảo Dụ:
- Mày cướp cờ với thằng Chí.
Huy giục Hải:
- Nhanh nhanh một tí, nắng ghê. Được cái hộp bánh bích quy để cảm à?
Bảo lấy lòng Hải:
- Nó sợ cảm, cho nó ra rìa đi.
Huy chìa khuỷu tay:
- Về, về cái này này...
Bảo hất đầu:
- Mày nói đểu, hở?
Huy bĩu môi:
- Ừ đấy, mày làm gì nổi ông.
Khán giả, bây giờ, không thích xem cướp cờ nữa. Chúng nó muốn xem hai thằng đánh nhau. Một đứa xúi Bảo:
- Thằng Bảo sợ thằng Huy à? Gặp tao là tao choảng liền.
Đứa khác xúi Huy:
- Cho nó biết tay đi Huy!
Khán giả cuộc chơi cướp cờ đã chia làm hai phe. Huy thèm cái hộp bánh bích quy, Bảo cũng thèm cái hộp bánh bích quy. Hai đứa nhịn nhau. Nhưng bọn trẻ đứng ngoài "đánh võ mồm" hăng đì tợn. Thành thử Bảo và Huy cũng nổi máu anh hùng.
Bảo khuỳnh chân, thủ thế:
- Chơi thì chơi.
Huy nắm tay:
- Cấm không được về mách bố tao nhé! Ông đấm chảy máu cam lại dẫn mẹ đến mách.
Hai thằng sát gần nhau, đấm, đá, những cú gió. Con nhà Dụ thấy Hải không chú ý cái hộp bích quy. Hải đang kiễng chân ngó Huy và Bảo đánh nhau. Dụ hí hửng trong bụng. Nó rón rén bước tới chỗ Hải đứng, cúi xuống lượm cái hộp bánh bích quy rồi chạy ra nhổ cành cây, dông luôn. Dụ chạy một quãng xa, ngó lại:
- Ông cướp được cờ, ông thắng giải rồi.
Hải nghe tiếng la của Dụ trước tiên. Nó hét lớn:
- Thằng Dụ cướp cái hộp bánh bích quy rồi, chúng mày ơi!
Tự nhiên, Huy và Bảo ngừng đấm đá. Cả bọn rượt theo con nhà Dụ. Huy chạy nhanh hơn cả. Nó cắm cổ chạy, cố tóm được thằng Dụ. Còn cách Dụ hai sải tay, Huy rướn người lên, đẩy Dụ úp mặt xuống sân cỏ. Chiếc hộp bích quy văng ra. Huy "phanh" chân lượm lên. Và nó chạy luôn. Huy không thích cướp cờ tranh giải nữa. Cướp cờ lâu quá, dễ gì thắng nổi thằng Bảo, thằng Chí.
- Ê, Huy, cướp cờ chứ?
Huy vừa chạy vừa ngoái cổ trả lời Bảo:
- Tao cướp cái hộp của thằng Dụ cơ mà. Đứa nào đuổi kịp tao, đứa ấy thắng giải.
Bọn trẻ đuổi Huy. Nhưng mỗi lúc con nhà Huy bỏ xa bọn trẻ. Trèo qua tường thấp của sân vận động, bọn trẻ theo con đường gạch đuổi Huy. Đến ao đình, con nhà Huy rẽ vào chợ Hạ. Bọn trẻ không đuổi kịp, bèn cởi quần áo, nhảy xuống ao đùa nghịch.
Hải còn trơ một mình. Chẳng đứa nào thèm nhắc tới nó. Hải quay trở về. Nó buồn ghê lắm. Hải không tiếc cái hộp bánh bích quy. Nó chỉ tiếc đã không có Hà đứng bên cạnh. Giá Hà đừng giận Hải. Hà cầm hộp bánh bích quy thì con nhà Dụ đâu cướp nổi. Rồi, cuối cùng, đứa nào thắng cuộc chơi cướp cờ, Hà sẽ trao cái hộp bánh bích quy cho nó như thầy giáo Thanh trao "cúp" cho đội bóng trường ấy. Bon trẻ vỗ tay ầm ĩ chắc là Hà sẽ xấu hổ đỏ mặt.
Hải lủi thủi đi trên con đường gạch sống trâu. Nó không còn biết nghĩ cách gì để làm Hà vui thích. Hà vui, Hà sẽ quên giận nó. Hải đi hết con đường gạch thì ra tới con đường phố huyện.
Sân vận động ngập nắng. Sao năm nay nắng xuân vàng ửng thế! Nắng cơ hồ mùa hạ. Hải chả muốn về nhà tí nào. Về nhà phải qua cửa nhà Hà. Nhỡ nó trông thấy mình tiu nghỉu, nó cười chết. Nhưng Hải đã đi đến cửa nhà Hà, dù nó cố tình bước thật chậm. Hải dừng chân, tần ngần đứng sát giậu râm bụt.
Nó bứt những chiếc là non, nắm hờ tay trái và đặt từng chiếc lá lên, lấy tay phải vỗ đôm đốp. Những chiếc lá thủng, rách phát ra tiếng kêu. Hải dùng dằng mãi mới gọi:
- Hà ơi!
-...
- Thằng Huy nó cướp mất cái hộp bánh bích quy của Hải rồi.
Có tiếng cười khúc khích. Đúng là tiếng cười của Hà. Hải bỗng nao nao:
- Hà cười gì đấy?
-...
- Tại Hà mà Hải bị nó cướp.
Hà đã mon men ra giậu râm bụt. Hai đứa không nhìn rõ mặt nhau.
- Đáng đời nhé!
- Hà thích, hở?
- Ừa. Ai bảo nói "người ta" cười với chó!
- Nói bao giờ?
- Hôm qua thôi.
- Đâu?
- Bảo "lên mười cười với chó" còn chối à?
- "Người ta" nói "lên mười cười với... tớ" đấy chứ.
- Với tớ là với chó.
- Tớ là chó à?
- Ừa.
- Tớ là Hải mà.
- Hải là là... tớ là... là chó!
Hải bị gọi là chó ức lắm. Nó dứt một lúc năm cái hoa râm bụt, ném qua hàng giậu:
- Đừng chơi với chó nữa nhé!
Hà nhấm nhẳn:
- Ai chơi với chó.
Hải mím môi:
- Nhớ nhé.
Rồi nó thọc tay vào túi quần, chạy về nhà.
CHƯƠNG 4
Hải ngồi bó gối ở gốc cây ngọc lan cuối sân. Mùi hoa lan thơm ngát, phảng phất khoảng không gian quanh Hải. Hà thích mùi hoa lan lắm. Nhưng Hà bảo Hải là chó, không thèm chơi với chó Hải nữa. Hải cũng chả cần. Hải chơi một mình vậy. Hải nghĩ thế mà lòng nó không muốn nghĩ giống nó. Thành ra, Hải cứ ngước mắt nhìn lên cây ngọc lan đầy hoa trắng ngà và tưởng tượng một bông hoa cài trên mái tóc của Hà. Giá Hà đừng giận Hải, đừng nói Hải là chó, Hải sẽ trèo cây, ngắt cho Hà một cành hoa ngọc lan. Tha hồ Hà thích nhé.
- Hải ơi!
Hải giật mình.
- Hải ơi!
Không phải tiếng nói của Hà.
- Chúng nó đang chơi chọi cỏ đuôi gà ở sân vận động vui lắm, mày đi không?
Hải đứng dậy:
- Không, mày có đi không?
Bảo đã bước qua cổng nhà dây thép:
- Tao rủ mày đi. Mày không thích đi, tụi mình ra ngã tư Môi xem vật nhé! Hôm nay có đô vật ở Vũ Hạ sang đấy. Ông tiên chỉ cầm trống mày ạ! Tao thấy con Hà nó đáp xe ngựa của bố thằng Mẫu ra ngã tư Môi đấy, nó không rủ mày đi xem vật à?
Hải xốn xang:
- Mày thấy nó, hở?
Bảo chỉ tay vào mắt mình:
- Mắt ông sáng như đèn ô-tô. Nó mặc áo đẹp ghê đi ấy!
- Nó đi với ai?
- Với mẹ nó.
Hải tặc lưỡi:
- Chắc nó vào nhà ông cả Xưởng. Bảo này, mày đã xem xưởng chế dầu lạc của ông cả Xưởng chưa?
Bảo đáp:
- Chưa.
Hải rủ bạn:
- Hay tao với mày đi xem xưởng chế dầu lạc nhé!
Bảo nói:
- Tao chỉ thích xem cái xe bình bịch của ông cả Xưởng thôi.
Ông cả Xưởng là một nhân vật của huyện lỵ. Ông đã từng đi Tây, học ở trường bách nghệ. Và khi hồi hương, ông mở cái xưởng ép dầu lạc tại ngã tư Môi. Ông cả Xưởng giàu lắm. Ông thích cưỡi xe mô-tô. Mỗi lần ông cả mặc áo dài the, đội khăn xếp, đi giầy Gia Định phóng xe vào phố huyện, trẻ con bu quanh cái xe mô-tô của ông. Xe hai bánh mà lại không phải đạp, lại nổ bình bịch, trẻ con lạ vô cùng.
Chúng nó gọi xe mô-tô là xe bình bịch của ông cả Xưởng. Vì cả huyện chỉ mỗi ông cả Xưởng có xe bình bịch.
- Thì chúng mình xem cái xe bình bịch.
Hải mân mê tà áo, giọng buồn buồn:
- Nhưng mà...
Bảo hỏi:
- Nhưng mà sao?
- Nó ghét tao rồi. Nó bảo tao là chó.
- Con Hà, hở?
Hải lắc đầu. Bảo nói:
- Sao mày không "tẩn" nó "sặc gạch" đi! Mày "kền" lắm cơ mà. Tao ấy à, đứa nào gọi ông là chó, ông xin nó "bát cơm nguội" ngay tút xuỵt.
Hải cười, nó khoác tay lên vai Bảo:
- Tao với mày đi chơi chọi cỏ gà vậy.
- Không đi xem vật à?
- Ừ.
- Tao thích xem cái xe bình bịch mày ạ! Tại sao nó kêu bình bịch hở mày?
- Tao không biết!
Nó gạt Bảo:
- Ông cả Xưởng sang Ninh Giang rồi, sáng sớm ông cả phóng bình bịch qua đây.
Bảo chép miệng:
- Tiếc ghê.
Và nó bằng lòng đi chơi chọi cỏ gà. Hai đứa kiếm chỗ cỏ gà mọc, mỗi thằng nhổ cả nắm. Rồi chọn lựa vài sợi cỏ chắc nhất. Cỏ gà, ở mỗi đầu một sợi, phình to ra bằng đầu ngón tay, trông giống hình thù con gà nên gọi là cỏ gà. Hai đứa nhỏ cầm hai sợi cỏ quất vào nhau, hễ đầu con gà rụng là bị thua. Có những đứa nhỏ khéo chọn cỏ, cỏ của nó quất rụng hàng trăm sợi cỏ khác. Muốn thắng và trở thành vô địch, đứa nhỏ phải mệt công chọn. Rồi lại phải hơ lửa cho "cái cổ con gà" tai tái đi, sợi cỏ mới dẻo, khó gẫy rụng.
Hải và Bảo đã nhập cuộc chơi chọi cỏ gà. Chơi một lúc, Hải thấy chán. Chả hiểu tại sao nữa. Hải cứ thích có Hà trong các cuộc vui đùa. Nó kéo Bảo ra một chỗ:
- Đi xem vật không, mày?
- Nãy không đi, giờ lại rủ đi.
- Hay vào chùa chơi, tao kể chuyện này.
- Chuyện gì?
- Mày có đi không đã.
- Không.
- Mày không đi mai đừng hòng "cóp-pi" tính đố của tao.
Bảo rất dốt toán, sợ Hải không cho "cóp-pi" sẽ ăn "dê rô" và bị quỳ ê mặt nên vội hỏi:
- Chuyện hay không hở, mày?
Hải phịa:
- Hay kinh khủng.
- Nghe xong có gì ăn không?
- Mày thích ăn gì?
- Kẹo dồi chó.
- Tao sẽ mua kẹo dồi chó cho mày ăn.
Hải thò tay móc túi:
- Ông có năm hào cơ.
Hai đứa đi song song trên con đường gạch. Phía tay phải chúng là ngôi chùa. Hoa gạo năm nay nở thật sớm. Những bông hoa to bằng cái nắm tay, màu đỏ như máu. Bọn sáo trên rừng đổ xô về xuôi, họp đại hội trên những cây gạo đầy hoa làm hoa rụng lộp bộp xuống đất. Hai đứa men theo con đường đất nhỏ vào chùa.
- Mát ghê mày nhỉ?
- Ừ.
- Vào xin nước mưa uống đi!
- Đau bụng chết.
- Nước nhà chùa không có vi trùng đâu. Mẹ tao nói Phật đã giết hết vi trùng rồi.
- Thôi, uống nước mưa lát ăn kẹo dồi chó, tao sợ đau bụng. Mình ngồi đây nói chuyện đi. Chuyện gì đấy mày?
Hải hít hà mùi hoa. Nó nghĩ đến Hà. Con bé mà vào chùa, nó sẽ xin hoa lan cho mà xem.
- Bảo ơi!
- Gì?
- Mày thích hoa ngọc lan không?
- Không, tao chỉ thích "chén" kẹo dồi chó.
Hải lơ đãng nhìn thân cây gạo xù-xì gai góc. Nó hỏi Bảo:
- Mày đã buộc tổ sáo chưa?
- Chưa.
- Mày biết buộc không đã? Năm nay chúng nó buộc tổ sáo nhiều lắm, phải buộc thật đẹp thì sáo mới đến làm tổ. Sáo nó cũng chọn tổ đấy.
Bảo nóng lòng ăn kẹo dồi chó, khẽ đập lưng Hải:
- Mày nói chuyện hay của mày đi, Hải!
Hải bấm những ngón chân xuống đất:
- Đứa nào bảo mày là chó mày "tẩn" nó, hở?
Bảo vung tay:
- "Tẩn" mạnh.
- Nó lớn mày cũng "tẩn" à?
- Ừ.
- Thế con gái mày có "tẩn" không?
- Tẩn chứ.
Bảo vội nói:
- Con gái nó khóc dai, lại ưa mách, chắc tao "tẩn" khẽ thôi. Ông đá một cú thật khẽ.
Hải lại hỏi:
- Mày đã đá khẽ đứa con gái nào chưa?
- Tao mới bợp tai con Nhi rỗ.
- Tại sao mày bợp nó?
- Tại tao chơi rải gianh với nó, nó ăn gian. Ông tức mình ông bợp một cái.
- Nó có khóc không?
- Nó lăn ra đất nằm vạ, tao phải thí hủi nó cái bánh rán mới nín. Tao sợ con gái, mày ạ! Nó ăn vòi ghê đi đấy.
- Sao mày còn chơi với nó?
- Nó rủ tao.
- Nó làm quen mày trước à?
- Ừ.
- Mày có cho nó gì không?
- Không, tự nhiên nó gọi tao, rủ tao chơi rải gianh rồi gạ bắt bướm cho nó. À, nó còn dặn tao đừng gọi nó là "con rỗ tổ ong bầu".
Bảo ngó Hải:
- Mày đá con Hà, phải không?
Hải lắc đầu:
- Tao không làm gì nó cả.
- Nó giận mày à?
- Ừ.
- Chắc mày nói cái gì chứ gì?
- Tao bảo "lên mười cười với... tớ", nó đổ vạ tao nói "lên mười cười với chó" rồi gọi tao là chó Hải.
- Thế nó có lên mười không?
- Tao không biết. Nó đố tao, tao vừa đoán liều thì nó giận.
- Nó không lên mười đâu.
- Sao mày biết?
- Ông tuổi con lợn, ông mười ba rồi đấy.
- Tao cũng tuổi con lợn. Vậy mà tao tưởng tao mười một.
Hải vui qua. Nó đứng dậy phủi quần.
- Tao đi mua kẹo dồi chó cho mày ăn.
Bảo ngạc nhiên:
- Còn chuyện hay của mày, mày chưa kể mà..
Hải nheo mắt:
- Ăn kẹo xong tao kể.
Hai đứa khoác vai nhau, bước nhanh khỏi con đường đất nhỏ. Hải đã biết cách làm quen với Hà. "Ơ đằng ấy không phải lên mười".
CHƯƠNG 5
Nhưng con Hà không ra ngã tư Môi. Bố nó bảo nó về thăm bà nội ở Vũ Tiên. Nhà con Hà vắng ngắt. Chỉ còn ông xếp nhà thương. Và ông xếp, ngày hai bữa, qua nhà Hải ăn cơm. Tối, ông xếp nhà thương ở lại đánh chắn. Có đêm ngủ lại nhà Hải luôn. Thằng Bảo thấy con Hà ngồi trên xe ngựa với mẹ nó ra ngã tư Môi. Nó không để ý thằng em con Hà. Con Hà về thăm bà nội, Hải buồn lắm. Nó đã buồn lắm. Buồn từ hôm Hà giận nó cơ. Bây giờ, Hải buồn ghê lắm. Hải chả thiết làm gì. Nghỉ học những mười ngày. Còn bốn hôm nữa mới đi học. Giá được đi học ngay thì cũng đỡ buồn. Hải thấy nhớ con Hà tệ. Ước gì Hà không về quê nội, Hải sẽ chạy sang nhà nó nói ầm lên rằng Hà lên mười hai chứ không phải lên mười.
- Hải ơi!
- Ơi...
- Mày làm gì đấy?
- Chả làm gì cả.
- Đi chơi sóc đĩa không?
Hải đang buồn, chạy ra cổng, theo Bảo đi chơi sóc đĩa. Chỗ chơi sóc đĩa ở gần cổng trường. Bọn trẻ con đã bu kín quanh sòng sóc đĩa. Nhà cái là thằng Nghiêm. Những đống vỏ hến trước mặt mỗi thằng nhóc, cao lêu nghêu. Bao nhiêu vỏ hến ở các đống rác phố huyện, được bọn trẻ con lượm bằng hết, đem ra ao rửa sạch và khuân tới... đánh bạc thay tiền.
Nhà cái dùng bốn đồng đồng trinh, tô vôi trắng lên mặt có chữ làm mặt ngửa. Bốn đồng trinh đựng trong cái đĩa sành và đậy kín bằng cái bát đàn.
Nghiêm nhấc cái đĩa lên, lắc lia lịa một lúc. Rồi nó đặt xuống đất.
- Đánh đi!
Huy bàn:
- Ba lần lẻ rồi, lần này chắc phải chẵn. Ông đánh chẵn.
Huy đẩy cả đống tiền vỏ hết của mình vào cửa chẵn.
Nghiêm hỏi:
- Bao nhiêu đấy?
Huy hách dịch:
- Hai trăm!
Mỗi cái vỏ hến được bọn trẻ coi như một đồng bạc. Hai trăm to lắm. Huy cười:
- Bán năm mẫu ruộng rồi đấy.
Bảo vỗ tay đét một cái vào đùi:
- Còn mấy mẫu nữa?
- Còn cái đồn điền lá han.
- Có mang văn tự theo không?
- Có đây.
Huy móc túi lôi ra một bức tranh màu cắt ở báo. Nó nói:
- Năm trăm đấy, thằng nào mua thì đếm tiền đi.
Năm trăm bạc một cái đồn điền lá han, kể ra cũng chả đắt. Song, lúc này tại sòng bạc, không đứa nào muốn bỏ tiền ra tậu. Thằng Dụ nháy mắt:
- Đợi tao canh này, tao mua năm trăm hai. Mà văn tự vẽ hình gì?
- Hình ông Tây lái xe ô-tô đít vịt. Xe đẹp hơn xe của quan huyện.
Nhà cái càu nhàu:
- Đánh đi, ở đấy mà ô-tô với bình bịch.
Dụ khoái hình vẽ ô-tô lắm. Nó chìa ngón tay trỏ:
- Ngoéo tay liền, hễ mày thua, bán cho tao nhé, Huy nhé!
Nghiêm cáu sườn mím môi:
- Có đánh không?
Bọn trẻ nhao nhao:
- Chẵn năm mươi đồng.
- Thêm trăm nữa.
- Ông đánh lẻ bảy chục.
- Tao lẻ trăm rưởi.
Nhà cái chờ cho nhà con đặt tiền. Một lúc, không thằng nào vất thêm vỏ hến vào, nhà cái tính nhẩm và nói:
- Chẵn thừa một trăm ba chục.
Bọn nhà con giục:
- Mở bát đi chứ!
Nhà cái vênh mặt:
- Gượm đã nào.
Rồi gạ:
- Có thằng nào mua không? Tao bán chẵn một trăm đó. Lẻ thì ăn hết trăm ba, chẵn ông giam giùm ba chục. Bán chẵn!
Đám sóc đĩa vỏ hến say sưa và quan trọng như đám sóc đĩa người lớn đánh bằng tiền. Ba ngày Tết, cờ bạc được phép quan huyện cho chơi công khai ngoài hè phố. Bọn trẻ con đi xem và tập đánh.
- Bán chẵn!
Bảo hích Hải:
- Mày có cái "văn tự" nhà, đất nào không?
Hải nói:
- Có mỗi cái kẹo bạc hà.
Bảo gạ:
- Mở bát đi mày, cái kẹo bạc hà là thừa trăm bạc rồi.
Con nhà Nghiêm rao lớn:
- Bán chẵn một trăm. Đứa nào mua không?
Nhà cái khôn ra trò. Nó tin chắc lần này thế nào cũng chẵn. Ba lần lẻ rồi thì lần này phải ra chẵn. Bọn trẻ đánh chẵn to hơn đánh lẻ. Nghiêm ta muốn bán chẵn để đỡ bị giam vỏ hến.
- Bán chẵn!
Hải thò tay, sờ cái trôn bát:
- Đắt rồi.
Nghiêm hỏi:
- Vỏ hến của mày đâu?
Hải chìa cái kẹo bạc hà ra. Cái kẹo tròn như hình quả cầu, màu xanh, bọc giấy bóng và cắm vào cái que. Cầm cái que mà mút kẹo thì tuyệt cú mèo. Hải hất đầu:
- Kẹo quả cầu bạc hà mấy trăm?
Nghiêm đáp:
- Năm trăm.
Nó nhìn cái kẹo, nuốt nước bọt ừng ực. Nghiêm muốn mua cái kẹo quá thể. Nó vờ giục Chí:
- Đánh chẵn thêm ba trăm nữa đi mày, không sấp hai đem đầu ông đi mà chặt.
Hễ Chí đánh chẵn mà được, Nghiêm sẽ giam tiền vỏ hến cho bọn được. Và nó lấy cái kẹo quả cầu. Chí hăm hở, dồn đống vỏ hến của mình vào cửa chẵn:
- Đánh chẵn hết, ba trăm rưỡi đấy.
Nghiêm rao:
- Chẵn thừa bốn trăm tám. Bán chẵn!
Hải vất cái kẹo bạc hà trên đống vỏ hến:
- Đắt rồi.
Nghiêm hất tay:
- Mở bát đi!
Hải nhón năm đầu ngón tay vào trôn bát, nhấc cái bát khỏi cái đĩa. Bảo reo lớn:
- Sấp ba.
Nghiêm vò đầu:
- Lại còn lẻ thêm lần nữa.
Hải nhặt kẹo đút vào túi. Nó vơ đống vỏ hến về phía mình, giam cho mấy thằng đánh lẻ. Còn nó được hết. Hải liếm mép:
- Ông sẽ mở bát nữa.
Con nhà Huy nóng tai:
- Tét rồi, thằng nào mua đồn điền lá han của tao không?
Dụ chìa tay:
- Tao, tao mua.
- Năm trăm.
- Ba trăm đi.
Huy giơ khuỷu tay:
- Này này, lúc nãy ngoéo tay ra sao?
Dụ cười:
- Ông quên rồi.
Huy gạ:
- Thôi, bốn trăm rưỡi.
Dụ lắc đầu:
- Ba trăm.
Nghiêm đã sóc tiền. Bốn đồng trinh nghe rền, vui tai lạ. Huy ham đánh, rút "văn tự" vẽ ông Tây đi xe ô-tô đít vịt ra:
- Rẻ quá.
Đám bạc sát phạt... vỏ hến nhau thật tình. Hải quên nhớ Hà. Nhưng đến lúc đống vỏ hến của nó cao ngất, Hải đâm ra chán. Nó đứng dậy:
- Tao nghỉ chơi.
Bọn trẻ con cũng bắt đầu chán sóc đĩa. Vỏ hến trở thành vô nghĩa. Chẳng đứa nào thiết đem về. Chúng nó đá tung rồi hỏi nhau:
- Mày thua bao nhiêu?
Và trả lời:
- Ông mất năm mẫu ruộng. Ông mất cái đồn điền lá han. Ông mất con bò cái...
Hải muốn rủ Bảo vào chùa. Nó thích ngồi phệt dưới cổng chùa, nói chuyện "tẩn" con gái với Bảo. Lại nhớ Hà rồi. Chẳng biết, ở quê nội, Hà có chớp mắt không? Hà có biết Hải đang nhớ Hà, đang mong Hà và buồn ghê ghê lắm không?
- Bảo ơi!
- Ơi...
- Tao với mày vào chợ Lầy xem đánh trung bình tiên nhé!
- Thôi.
Hai đứa tách khỏi đám trẻ, đi riêng rẽ.
- Mày có nhớ con Nhi rỗ bao giờ không hở, Bảo.
Bảo tủm tỉm cười:
- Hễ tao thấy cái tổ ong là tao nhớ con Nhi rỗ, mày ạ!
Hải không thích cười lúc này. Nó hỏi Bảo:
- Tại sao lại nhớ, mày nhỉ?
Bảo vỗ bụng:
- Tại đói đấy. Ăn cơm no, nằm kềnh ra ngủ, chả nhớ gì hết.
- Tao đang nhớ.
- Về chén bát cơm nguội với nước dưa mày sẽ hết nhớ.
- Tao không đói.
- Thế chắc mày bị giun đùa. Mày nhớ ai?
Hải sợ Bảo chê mình. Nó nói lảng:
- Ở, tao bị giun đùa. Tao về đây.
Hải ù té chạy. Bảo ngơ ngác chẳng hiểu con nhà Hải làm sao mà từ Tết đến giờ rắc rối tệ. Bảo không biết Hải đang buồn, đang nhớ Hà ghê ghê lắm.
CHƯƠNG 6
Buổi tối ở nhà Hải giống hệt "Tối ở nhà" trong sách "Quốc Văn Giáo Khoa Thư" lớp dự bị. Nhưng Hải không thích nghe cổ tích nữa nên nó không muốn nằm gối đầu vào lòng bà. Hải cho cu Khôi độc quyền làm nũng bà. Bà kể chuyện ma hay lắm. Nghe xong, cu Khôi đêm mót đái chả dám đi tiểu. Nó nín. Và hễ nín hết nổi, cu Khôi thường "dấm đài", mẹ bắt cu Khôi ăn nhện nướng. Cu Khôi ngại ăn nhện nướng song cứ thích nghe bà kể chuyện ma. Hải sà tới ngồi cạnh mẹ đang khâu những cái khuy áo bị đứt của Hải. Mẹ nói;
- Con lớn đầu rồi, nghịch vừa vừa chứ.
Hải cãi:
- Con nghịch đâu nào.
Mẹ mắng yêu:
- Cãi mẹ đấy nhé!
"Đứa nào cãi mẹ, cãi cha,
Thác xuống Âm phủ leo qua cầu vồng"
Hải cười:
- Con chả thích nghịch nữa.
Mẹ buông kim, dí ngón tay trỏ vào trán Hải:
- Chỉ khoe hay thôi. Mai lại đi nhặt vỏ hến đánh bạc cho mà xem. Cứ tập đánh bạc đi, lớn lên mải mê cờ bạc là đi ăn mày.
Mẹ đọc ca dao:
"Cờ bạc là bác thằng Bần,
Cửa nhà bán hết cho chân vào cùm"
Và răn Hải:
- Những người bị quan huyện đánh gẫy chân đuổi về là những người ham chơi sóc đĩa cả. Họ thua hết tiền phải ăn trộm ăn cướp. Con chớ tập bài bạc. Mẹ còn gặp con lượm vỏ hến đánh sóc đĩa, mẹ giận đấy. Con Hà nó ngoan hơn con. Nó chơi "làm cô giáo" chứ có chơi đánh bạc đâu.
Hải nắm lấy cánh tay mẹ:
- Bao giờ Hà nó về đây hở, mẹ?
Mẹ nói:
- Nó sắp về rồi.
Bỗng mẹ ngó Hải chăm chăm. Mẹ mỉm cười:
- Con hư thế, Hà nó không thèm về nữa đâu.
Hải tưởng thật, hỏi mẹ:
- Chắc nó chả thèm về hở, mẹ?
Nó phân trần:
- Con có hư đâu. Con bảo nó "lên mười cười với... tớ". Nó giận con.
Mẹ Hải xoa đầu Hải:
- Tại con xưng "tớ" đấy. Mà nó lên mười hai chứ không phải lên mười. Con bớt tuổi của nó, nó ghét con.
- Con mười ba hở, mẹ?
- Ừ. Lớn đầu rồi, sắp lấy vợ rồi.
Hải làm nũng:
- Con chả thèm lấy vợ đâu.
Mẹ Hải trêu Hải:
- Bố định cưới vợ cho con để nó về rửa mặt giùm con, đêm đưa con đi tiểu để con khỏi sợ ma.
Hải nắm trái đấm:
- Con không sợ ma.
Mẹ Hải lè lưỡi:
- Eo ơi, ma nó ghê lắm. Mẹ còn sợ nữa đấy. Thằng Thế con ông lý Tuy nó sợ ma, ông lý Tuy cưới vợ cho nó, nó hết sợ ma. Vợ nó rửa mặt cho nó, sáng sáng đưa nó đi học mua xôi cho nó ăn sướng ghê. Mẹ mà là con, mẹ lấy vợ ngay.
Thế là bạn học cùng lớp với Hải. Nó đã lấy vợ rồi. Vợ nó lớn gấp ba nó. Nó đứng chưa cao bằng ngực vợ. Vợ con nhà Thế lại béo tròn như cái cối xay lúa. Hôm đầu vợ nó dẫn nó đi học, bạn bè tưởng chị nó. Sau biết là vợ nó, bạn bè chế riễu Thế, khiến con nhà Thế phát khóc. Có lần ức quá, Thế mách vợ. Vợ nó đã thẳng tay bợp những thằng chế nó. Thế "đủn ìa" trong lớp, vợ nó đến quét rửa lớp học. Hải không thích giống thằng Thế. Nó phụng phịu:
- Con chả thèm lấy vợ đâu.
- Lấy vợ nó hầu hạ sướng chết đi còn chê bai.
- Bạn học chúng nó chế, xấu hổ lắm.
Mẹ Hải gọi bố Hải:
- Cậu này...
Bố Hải buông tờ báo cũ:
- Gì hở, mợ?
- Con nó muốn cưới vợ đấy.
Hải chối bai bải:
- Con muốn lấy vợ bao giờ.
Bố nói:
- Con nghịch như giặc, phải lấy vợ cho nó đeo cạnh con.
Hải vùng vằng:
- Con nhứt định không lấy vợ.
Bố và mẹ cười ầm. Khi Hải biết bố mẹ nói đùa nó mới yên tâm. Cu cậu lại hỏi mẹ:
- Con Hà mười hai tuổi hở, mẹ?
- Ừ.
- Mười hai thì cái gì hay?
Mẹ Hải không hiểu con muốn nói gì. Hải phải nói thêm:
- "Mười một tựa cột nhà", mười hai làm sao hở, mẹ?
Mẹ Hải vuốt ve cậu con trai đầu lòng:
- Mười hai ăn tai lợn. Tai lợn ngon lắm.
- Con bảo Hà ăn tai lợn nó có giận con không?
- Nó mừng thì có.
- Thật hở, mẹ?
- Ừ, thật mà!
- Hễ nó giận con, con bắt đền mẹ nhé!
Mẹ đăm đăm nhìn Hải khiến Hải bối rối:
- Con buồn cười hở, mẹ?
Mẹ tát yêu Hải:
- Trông con giống chú gà mới tập gáy.
- Con gà mới tập gáy thì sao hở, mẹ?
- Thì nó có bộ lông mới. Nó trổ mã.
Hải đã thấy những chú gà tồ mới tập gáy. Nó lắc đầu:
- Không, con chả thích giống con gà đâu.
Thằng bé con sống trong khung cảnh trầm tĩnh đến buồn nản của huyện lỵ, không thấy mình lớn lên tí nào. Nó vẫn tưởng nó còn bé, thật bé dù nó đã mười ba tuổi. Có gì thay đổi quanh Hải đâu. Cái giậu bìm quanh thành quan huyện um tùm năm này qua năm khác. Tiếng kêu của họ hàng nhà bìm bịp thì luôn luôn buồn nản. Huyện lỵ chưa có nổi chiếc xe bình bịch thứ hai. Nên trẻ con chỉ nhìn rõ cái xe bình bịch duy nhất của ông cả Xưởng. Có đứa còn chưa nhìn được nữa cơ. Tuổi đời của trẻ con huyện lỵ cơ hồ bị trời rút xuống vài năm.
- Mẹ ơi, có thật con Hà nó không về đây nữa không?
- Mai nó về. Ngày kia còn phải đi học mà.
Hải sung sướng:
- Nó quên giận con rồi, mẹ nhỉ?
Mẹ nói:
- Nhưng con đừng xưng "tớ" với nó, nó mới hết giận.
- Con thề.
- Cấm thề.
Nỗi vui thấm vào trái tim thằng bé. Hải đã nghĩ ra bao nhiêu trò chơi mới khi con Hà về huyện. Trước tiên, Hải trèo lên cây ngọc lan, ngắt cả cành đầy hoa đem tặng Hà.
Hải tin rằng Hà sẽ ngắt một bông, cài lên tóc và, khen hoa ngọc lan thơm quá. Và Hải sẽ thích lắm, sẽ hỏi chuyện về quê nội của Hà. Hai đứa có bao nhiêu chuyện để nói với nhau. Hải sẽ cho Hà biết tin mừng là bố mẹ Hải không bắt Hải lấy vợ vì Hải hứa không nghịch ngợm nữa. Lấy vợ xấu hổ chết. Hải chả cần vợ vắt mũi và đưa đi tiểu ban đêm. Hải can đảm. Hải hết sợ ma. Hải không sợ đứa nào bắt nạt thì cần gì phải lấy vợ. Hà sẽ khen Hải rối rít.
Nhưng làm sao Hà chịu nói chuyện với Hải? Nhỡ Hải mò sang nhà Hà, Hà đứng trong giậu râm bụt, không thèm trả lời Hải thì ngượng chết.
- Mẹ ơi!
- Gì con?
- Nhất định con Hà nó không giận con hở, mẹ?
- Ừ, nó không giận con đâu.
- Nhỡ nó nhớ dai, nó kể tội con bảo nó "lên mười cười với... tớ" thì sao?
- Thì con xin lỗi nó.
- Xin lỗi nó, nó vẫn giận thì sao?
- Nó không giận đâu. Nó ngoan nhất huyện mà.
- Nếu nó giận con, con bắt đền mẹ nhé!
Mẹ Hải lại vuốt ve con:
- Nó còn giận con, con đừng chơi với nó nữa. Con rủ con Khánh sún đến nhà mình.
Hải lắc đầu nguầy nguậy:
- Con ghét con Khánh sún lắm.
Mẹ dí ngón tay trỏ vào trán Hải:
- Chà, hồi còn nhỏ tí teo, con ăn cắp sấu dầm của mẹ bỏ vào miệng rồi ra cổng nhả cho con Khánh sún, giờ lại chê nó.
Hải chỉ mơ hồ nhớ một dĩ vãng, thứ dĩ vãng của tuổi thơ chưa cần nhớ. Nhưng nó vẫn ngượng.
- Con ghét con Khánh sún lắm.
Và Hải rời khỏi lòng mẹ. Nó lên giường nằm, đắp chăn trùm kín mặt. Để nhớ Hà. Tết nào Hà cũng về quê nội thăm bà, Hải chẳng thèm nhớ. Sao Tết này, Hải nhớ Hà thế? Tại Hà giận Hải? Đã bao nhiêu lần, Hà giận Hải, Hải cũng không thấy buồn. Song lần này, Hải buồn ghê, buồn ghê ghê lắm. Hải nhớ hôm chơi đình xong, hai đứa nằm cạnh nhau, Hải đã được ngửi mùi thơm của nước hoa phảng phất ở mái tóc Hà. Hải muốn được nằm cạnh Hà mãi mãi. Giá lại được nằm cạnh Hà trên manh chiếu, Hải muốn Hà đừng bôi nước hoa. Để Hải ngửi tóc Hà xem tóc Hà có hương thơm không.
Hải nhắm mắt. Chả thấy Hà đâu. Đắp chăn kín mặt không thấy Hà. Nhắm mắt cũng không thấy Hà. Quê nội của Hà xa thật. Hải nằm im, đếm từ một đến một nghìn chắc sẽ thấy Hà. Nhưng mới đến sáu trăm, Hải đã vẹo cổ trên gối, thở đều đều. Nó sẽ thấy con Hà trong giấc ngủ của nó.
CHƯƠNG 7
Chơi "Cam, Quýt, Mít, Hồng" nhé!
- Ừ.
Năm đứa trẻ "oản tù tì". Đứa cuối cùng bị thua, phải ra ngồi giữa sân là Hải. Hải thích bị thua. Nó chờ cu Khôi xòe tay ra trước rồi mới nắm cái búa để bao giấy của Khôi bọc lấy búa. Hải ngồi xổm, cách chỗ Hà, cu Khôi, cu Toản, cu Sơn chừng mười lăm thước. Hà, tự nhiên, làm "xếp" ba thằng nhỏ. Con bé châu đầu sát đầu ba đứa, nói thầm:
- Khôi cam, Toản quýt, Sơn hồng, nhé!
Sơn vùng vằng:
- Em mít cơ.
Sơn nói to, Hải nghe rõ hết. Hà phải "suỵt, suỵt" và bắt Sơn đừng nói. Rồi con bé bắt đầu lại:
- Sơn mít, Khôi cam, Toản quýt, bằng lòng không?
Chẳng đứa nào cãi. Hà ngẩng đầu, nhìn Hải đang ngồi trước mặt:
- Cam, quýt, mít, hồng, ăn gì?
Hải ngó Hà. Ánh trăng chiếu sáng như ban ngày. Trăng mười bảy mà. Hải ầm ừ một lát rồi nói:
- Cam.
Nó đứng dậy chờ Hà ra cõng. Nhưng không phải cam Hà. Cu Khôi cõng anh vẹo cả lưng. Hải chán quá. Nó ngồi cạnh Hà, chờ tới lượt mình ra giữa sân để "ăn" đúng Hà bắt Hà cõng hay được cõng Hà.
Mấy thằng Khôi, Toản, Sơn khù khờ ghê đi đấy. Chúng nó cứ "ăn" nhau mãi khiến Hải ngồi ê cả mông. Mãi mãi Hải mới được "ăn". Và nó đã tìm cách "ăn" Hà. Hải biết cu Khôi, cu Toản, cu Sơn đều sợ cõng Hải. Khi Hà "cam, quýt, mít, hồng" xong, mấy đứa ra hiệu cho Hải. Và Hải đã được "ăn" quýt Hà. Hà cõng Hải. Hải muốn Hà ì ạch như cu Khôi. Song Hà cõng nhanh làm Hải tiếc rẻ. Hà ức Hải lắm. Con bé sẽ bắt Hải cõng trả nợ. Hải thích cõng Hà. Nó không nói thầm, cố ý để Hà biết đứa nào là cam, đứa nào là quýt. Rồi hai đứa chơi với nhau, mặc cu Khôi, cu Toản, cu Sơn ngồi làm cảnh.
Chơi "cam, quýt, mít, hồng" mãi, bọn trẻ chán. Chúng chơi "thả đỉa ba ba". Năm đứa duỗi chân hết, Hải đếm chân từng đứa theo bài hát:
- "Thả đỉa ba ba,
Chớ bắt đàn bà.
Phải tội đàn ông.
Gạo mềm như nước
Đổ mắm đổ muối.
Đổ chuối hạt tiêu.
Đổ niêu cứt gà.
Đổ phải nhà nào.
Nhà ấy phải chịu".
Hễ chân đứa nào đúng chữ cuối cùng của bài hát, đứa ấy phải chịu làm con ba ba.
Nhưng chơi "thả đỉa ba ba" không được cõng, Hải chỉ chơi một lát rồi đổi trò chơi khác. Trăng mùa hạ sáng rực. Trẻ con được thức khuya vì đi ngủ sớm nóng quá chẳng ngủ nổi. Bọn trẻ chơi đủ các thứ trò.
Cuối cùng chúng chơi "đi trốn đi tìm". Cu Khôi, cu Sơn, cu Toản luôn luôn bị thay phiên nhau bịt mắt. Hải tìm được những chỗ nấp thật kín. Không đứa nào tìm ra. Ngay Hà, khi bị bịt mắt, cũng không thể bắt nổi Hải. Hà phải kêu Hải chạy khỏi nơi trốn. Rồi Hà nhờ Hải kiếm giùm chỗ ẩn. Hai đứa trốn chung một chỗ. Cứ phải nép bên nhau để cu Khôi, cu Sơn, cu Toản không biết. Đôi khi Hải ôm chặt Hà, vì con chuột chạy qua làm Hà khiếp vía. Hà càng run sợ, Hải càng ôm chặt hơn. Trái tim Hà áp vào ngực Hải đập thình thịch. Nhưng Hà vẫn thích trốn ở những chỗ tối tăm với Hải. Để sợ và để Hải ôm chặt lấy mình..
- Buông Hà ra đi!
Hải tung chăn. Cu cậu vừa nằm mơ thấy Hà, chơi "cam, quýt, mít, hồng", mơ chơi "thả đỉa ba ba", mơ chơi "đi trốn đi tìm" với Hà. Những trò chơi này, Hải không thích từ lâu. Nó bỗng được chơi trong giấc mơ. Và tỉnh dậy, Hải lại thích chơi ghê quá. Hải muốn chơi "đi trốn đi tìm" vào buổi trưa. Hai đứa tìm chỗ kín nhất, nằm ngủ, cho cu Khôi kiếm cả buổi. Hải tiếc ngẩn ngơ vì giấc mơ ngắn quá. Tại sao giấc mơ không dài đến sáng? Hải nhắm kín mắt, ước ao thấy Hà nữa. Nhưng Hà trốn đâu mất, Hải không thể tìm được Hà.
Sáng hôm sau, Hải dậy trễ. Đôi mắt thằng bé nhức nhối làm sao ấy. Hải chẳng thiết ăn điểm tâm. Cu cậu thả xuống phố huyện. Hình ảnh đầu tiên là cái giậu bìm quanh dinh quan huyện. Hải thấy, tự nhiên, cái giậu thay đổi. Như là nó đã cao lên cùng với màu xanh của mùa xuân. Hải không thích cái giậu bìm. Quan huyện sắp phá giậu bìm xây thành bằng gạch. Những con bìm bịp, chả biết, chúng nó sẽ đi đâu. Kệ nó, Hải ghét luôn họ hàng nhà bìm bịp rồi. Chỉ có một đêm sau giấc mơ, Hải đâm ra khác lạ. Nó ngắm cái nọ, suy tưởng cái kia.
Và rồi, Hải nhớ Hà. Hải thèm nghe tiếng Hà cười, thèm ngửi mùi nước hoa bôi trên tóc Hà. Cậu bé huyện lỵ, sáng nay mơ ước nhiều thứ mà những sáng đã qua, những điều nó ước mơ chẳng cần mất công mơ ước. Hải ngắm nắng xuân sớm nhảy múa trên giậu bìm. Trái tim nó, dường như có điều gì muốn nói với nó. Giá Hà đứng cạnh Hải, Hải sẽ hỏi xem trái tim có biết nói không và nói những gì. Hải chớp mắt. Một hạt bụi vừa bay vào mắt nó. Hạt bụi làm chảy nước mắt của Hải. Hạt bụi hay nỗi thương nhớ chưa rõ tên tuổi đã phả vào mắt chú bé con huyện lỵ.
- Hải ơi!
Hải giật mình. Bảo vừa đi tới vừa cười toe toét:
- Làm gì đứng thần ra đó?
- Tao rình bìm bịp.
Bảo lè lưỡi:
- Coi nó đạp mái à?
Hải lắc đầu:
- Không phải. Tao nghe xem chúng nó rủ nhau đi đâu. Quan huyện sắp phá hết giậu bìm rồi.
Bảo ngứa chân hất cục đá trên mặt đường:
- Phá giậu bìm đi, chắc tiếng trống canh trên chòi hết buồn mày nhỉ?
Hải ngó bạn:
- Mày cũng biết buồn à?
- Đêm mưa, nghe tiếng trống canh tao không ngủ được.
- Thế mày có nằm mơ không?
- Mơ gì?
- Mơ thấy con Nhi rỗ.
Bảo không trả lời bạn. Nó nói:
- Tết này nắng khiếp, mày nhỉ? Tụi mình đi đá bóng cho toát mồ hôi đi.
Hải bằng lòng ngay. Trên sân cỏ, bọn trẻ con quần nhau với trái bóng. Hải bỗng quên buồn, quên cả giấc mơ. Đá bóng một lúc, bọn trẻ chạy tới ao đình, trần truồng nhảy xuống bơi lội. Mùa xuân trời còn lạnh. Nhưng trẻ con không hề biết lạnh miễn là chúng được quần thảo trước khi nhảy xuống nước.
Hải nghịch ngợm chán chê, cùng Bảo lên bờ. Hai đứa ngồi dựa tay về phía sau, chân duỗi thẳng. Đột nhiên Hải nhìn thấy một vệt gì như cáu bám dưới rốn nó, cách chừng gang tay. Ao đình làm gì có cáu? Hải vội lấy tay kỳ cọ. Song vật cáu không mất đi. Hải nhảy xuống ao, mím môi kỳ rửa. Rồi leo lên bờ. Chỗ da nó kỳ cọ nổi đỏ ửng. Mà vết cáu không sạch.
Hải hoảng quá, hỏi Bảo:
- Mày có bị không?
Bảo ngơ ngác:
- Bị gì?
Hải căng mắt ngó bạn. Nó run run:
- Ơ sao mày không bị?
Bảo càng ngơ ngác:
- Bị gì?
Hải úp chặt bàn tay vào chỗ bị cáu bám:
- Tao bị... cái gì ấy. Kỳ mãi không sạch, mày ạ!
Bảo hất tay bạn ra:
- Đưa tao xem nào.
Nó cúi sát mặt quan sát. Rồi cười sặc sụa:
- Chắc con sâu róm nó bò vào quần mày. Ngứa lắm đấy nhé! Phải lấy cơm nếp vê thành cục dài rồi lăn đi lăn lại mới hết lông sâu róm.
Hải ra chỗ để quần áo, rũ quần áo lia lịa mà không thấy con sâu róm đâu. Bảo nói:
- Nó biến mất rồi.
Hải mặc quần áo, chạy ù về nhà. Nó chẳng dám kể cho mẹ nghe, sợ mẹ mắng. Hải giả vờ thèm ăn cơm nếp. Mẹ Hải chiều con, trưa hôm ấy, thổi ngay một nồi cơm nếp. Hải đã lấy một chút cơm, viên thành cục dài, lén mẹ ra sân sau lăn vào chỗ sâu róm bò. Nó lăn đến nỗi cơm nếp hết dính dẻo mà vẫn không sạch. Hải sợ tái mặt. Nó lấy xà phòng đen, dùng bàn chải cọ đau điếng. Chả ăn thua gì cả.
Hải thấy chóng mặt ù tai. Nó lên cơn sốt. Hải lên giường đắp chăn kín mít. Nó sợ quá thể. Mẹ Hải lo quýnh. Ông xếp nhà thương bắt mạch, đo nhiệt độ cho nó. Ông xếp bắt nó uống viên thuốc trắng, chua khé cổ và bảo nó cảm xoàng. Nhưng Hải có cảm đâu, dù chỉ cảm xoàng. Nó vừa bắt đầu lớn lên mà nó không biết. Cũng chẳng ai biết giùm nó.
CHƯƠNG 8
Cu Khôi đang chơi trò dạy học với bọn trẻ con trai gái ở thềm nhà dây thép. Hải đứng xem. Lớp học ngoan ngoãn lắm. Hải chợt nhớ mấy năm trước, hồi bằng tuổi cu Khôi, nó đã "chơi dạy học" và "chơi vợ chồng" với Hà. Đám cưới linh đình ra phết. Hải làm chú rể, Hà làm cô dâu. Hai đứa vừa cưới nhau đã có hai đứa con gần bằng chúng nó. Phải cho kẹo bánh, dụ dỗ mọi cách mới có đứa nhận làm con và gọi Hải, Hà là bố mẹ giả vờ. Hải bỗng thấy nóng tai khi nhớ đến những trò chơi này. Xấu hổ ghê đi ấy. Nó chê cu Khôi:
- Thầy giáo gì mũi còn thò lò. Thò lò mũi xanh lấy con anh đánh giậm.
Cu Khôi gân cổ:
- Dạo trước anh cũng chơi thì sao? Còn chơi làm chồng chị Hà nữa!
Khôi bị chọc, cáu sườn lấy thước kẻ đánh một đứa học trò. Thằng học trò khóc ầm ĩ và chạy vào mách mẹ Khôi. Thế là lớp học tan. Khôi tức mình, mách mẹ luôn. Hải sợ bị mắng, vội chuồn mất.
Những ngày sợ hãi vì sự thay đổi thân thể đã qua đi. Hải bị cảm xoàng. Ông xếp nhà thương, bố của Hà, nói thế. Con bệnh không khai bệnh, ông xếp nhà thương biết sao nổi. Trước ngày Hà chưa về huyện lỵ, Hải nao nức gặp Hà, nao nức chơi với Hà, kể cả chuyện nó nhớ Hà nữa. Nhưng bây giờ, sau "biến cố" ở bờ ao đình, Hải thấy ngài ngại gặp Hà. Ngài ngại làm sao ấy. Tại sao lại ngài ngại? Hải chả biết nữa, tuy Hải nao nức gặp Hà hơn cả bao giờ.
Hải thẫn thờ đi trên con đường gạch sống trâu. Nắng xuân nhảy múa trước mắt nó. Gió thổi tung mái tóc Hải. Thằng bé cứ tung tăng bước. Nó mới biết vui, một nỗi vui không biết kể với ai, không muốn kể với ai. Hải đã rẽ vào con đường đất nhỏ. Nó bước nhanh hơn và rồi ngồi dựa lưng dưới gốc đa ở cổng chùa. Gốc đa này, Hải và Hà hay ngồi bên nhau mỗi lần mẹ Hải và mẹ Hà vào chùa cúng Phật. Rằm tháng giêng vừa qua, hai đứa vẫn đi theo mẹ lên chùa. Nhưng Hải không ngồi cạnh Hà nữa. Hai đứa đứng cách xa nhau nhìn những con sáo cãi cọ ầm ĩ trên cây gạo. Hà cứ thích đứng sát Hải, nắm lấy tay Hải, giật giật mà hỏi lung tung. Song Hải thấy... làm sao ấy, Hải phải gỡ tay Hà ra và nhích xa chỗ Hà. Thì Hà lại trách Hải. Hà hỏi: "Hải không thích chơi với Hà, hở?" Hải thích chơi với Hà lắm chứ. "Sao Hải cứ gỡ tay Hà ra". Hải không hiểu đâu.
"- Tại Hà bảo Hải là chó Hải hở, Hải?
- Không.
- Thế tại sao?
- Đã bảo Hải không hiểu mà.
- Hải nói dối.
- Hải nói thật.
- Năm ngoái Hải không gỡ tay Hà ra. Chơi đi trốn đi tìm, Hải ôm chặt Hà để bọn cu Khôi kiếm mãi chẳng thấy. Hải còn nhớ không?
- Nhớ.
- Chắc Hải giận Hà rồi. Hà xin lỗi Hải nhé!"
Ơ, Hà ưa bắt nạt Hải lắm. Tự nhiên, Hà bày đặt xin lỗi Hải. Hôm Hà còn ở quê nội, Hải đã định đứng ngoài giậu râm bụt xin lỗi Hà. Hải ngường ngượng, không muốn cầm cành hoa ngọc lan sang nhà Hà xin lỗi. Hải tưởng Hà giận Hải lâu hơn. Ai ngờ Hà quên giận Hải, cho Hải bánh chưng cầu Báng và còn xin lỗi Hải nữa.
Hải mỉm cười thích thú. Trong tâm hồn nó, cơn gió bâng khuâng lên dần. Cơn gió thổi vào lòng đứa bé không ai ngờ, không ai biết. Như một đêm hạ nồng nực sau cơn mưa về sáng, sớm mai gió hiu hiu lạnh. Và mùa thu tới. Mùa thu tới rón rén, thẹn thùng. Bước chân mùa thu lướt nhẹ trên muôn loài và êm êm luồn vào tâm tưởng con người. Nhưng ta đâu rõ mùa thu đến tự lúc nào. Cơn gió bâng khuâng lẩn quất trong tâm hồn Hải tự lúc nào nhỉ? Sau giấc mơ "đi trốn đi tìm" với Hà chăng? Không, sau hôm tắm ở ao đình với Bảo.
Cơn gió bâng khuâng làm Hải xa Hà để muốn nhích gần thêm. Ôi, cơn gió âu yếm, cơn gió vàng mười của tuổi ngọc. Hải lim dim đôi mắt. Bây giờ thằng bé mới biết nhớ kỷ niệm. Kỷ niệm chưa xa xôi gì mà nó tưởng kỷ niệm đã xa ghê lắm.
"- Hải không giận Hà thật, hở?
- Ừ.
- Nói dối thì sao?
- Thì chết.
- Đừng chết nhé, Hải nhé! Bị thầy phạt thôi. Hải chết, lấy ai chơi với Hà.
- Hà chơi với cu Khôi.
- Chả chịu đâu. Hà thích chơi với Hải cơ.
- Sao Hà thích chơi với Hải?
- Không biết nữa..."
Hải thấy Hà nguýt mình và quay đi. Cái con Hà nó vừa nguýt vừa mỉm cười, xinh xinh tệ. Ơ, lạ nhỉ, tại sao Hà thích chơi với Hải?
"- Nhỡ Hải không chơi với Hà thì sao?
- Hà buồn lắm.
- Buồn như gì?
- Buồn như mây bay trên trời ấy..."
Hải mở mắt nhìn lên trời. Nhiều cụm mây trắng đang lững lờ trôi trên nền trời xuân. Mây bay buồn thật. Hải không thấy hai cụm mây bay cạnh nhau.
"- Mây nó cũng biết buồn à?
- Ừ.
- Ai bảo Hà thế?
- Mẹ.
- Mẹ bảo sao?
- Mẹ Hà bảo mây nó không có nhà, nó cứ bay mãi, nó buồn. Lúc nào mây buồn quá nó khóc đấy. Mây nó khóc thành mưa.
- Chắc Hà buồn sẽ thành mây?
- Không. Hà sẽ khóc sưng mắt..."
Hải không muốn Hà khóc sưng mắt một tí nào. Hải sẽ không gỡ tay Hà ra mỗi lần Hà nắm tay Hải nữa. Hải sẽ ngồi sát bên Hà. Nhưng chắc rồi Hải chẳng dám đâu. Nó làm sao ấy.
"- Sao Hải cứ giật tay ra thế?
- À... à...
- À... à.. cái gì?
- Hải.. Hải... Hải có...
- Có gì?
- Hải có một mụn ghẻ! Chú cái ghẻ này bắt mãi không được. Hải sợ Hà... lây ghẻ.
- Đưa tay Hải cho Hà xem nào.
- Kinh lắm.
- Không kinh đâu. Về lấy kính hiển vi của cậu Hà coi, sẽ bắt được nó.
- Thôi.
- Hải sợ à?
- Không..."
Hải không dám đưa tay cho Hà xem vì Hải có mụn ghẻ nào đâu. Nó thọc cả hai tay vào túi quần tây khiến Hà ngạc nhiên. Hà thấy Hải "bướng" ghê. Mấy hôm trước, Hải có "bướng" đâu. Hải ngoan lắm. Hà bắt Hải làm gì là Hải phải chiều ngay.
"- Đúng rồi...
- Đúng sao?
- Hải không thích chơi với Hà nữa.
- Thích mà.
- Hải không đưa tay cho Hà xem. Hải tồi quá.
- Nhỡ Hà lây ghẻ thì sao?
- Hà bôi 'tanh tuya đi ốt', cái ghẻ sẽ chết cháy.
- Bôi thuốc đó xót lắm.
- Hà không sợ xót.
- Nhưng... tay Hải... bẩn".
Hà lặng thinh. Đôi mắt con bé cơ hồ đôi mắt con chim khuyên đậu một mình trên cành cây. Không, đôi mắt Hà như cụm mây trắng đang thẫn thờ trôi. Cụm mây trắng buồn. Và nó sắp khóc.
- "Đây này..."
Hải kéo bàn tay ra khỏi túi quần. Hà nắm lấy bàn tay của Hải. Con bé nâng bàn tay Hải ngang tầm mắt mình, ngắm nghía:
- "Đâu nào, mụn ghẻ đâu nào?"
Hà cứ lần những ngón tay trên tay Hải. Thằng bé cảm giác thật lạ lùng. Nó làm sao ấy. Ừ, nó làm sao ấy. Dường như nó tê tê như ngồi xếp chân chữ ngũ hàng giờ mới đứng dậy. Nhưng sự tê tê không khiến Hải nhăn nhó. Những lần Hà nắm tay Hải "ngày xưa" Hải chả cảm thấy gì. Hà nắm tay Hải cũng giống như con nhà Bảo nắm tay Hải thôi. Ngay cả trong giấc mơ, Hà nắm tay Hải, Hải còn chẳng biết tê tê nữa là. Hải muốn gỡ tay ra song lại thích được Hà cầm mãi.
Nó đứng thộn mặt ra. Tai nó tê tê. Mặt nó tê tê. Trái tim nó tê tê. Lạ thật! Hà nuôi kiến ở năm đầu ngón tay hay sao?
"- Hải nói dối.
- Ừ, Hải nói dối.
- Hải có tội. Nói dối tội nặng đó. Tại sao Hải nói dối Hà?
- Không biết nữa.
- Cái gì Hải cũng không biết..."
Hải không biết thật. Tự nhiên, nó không biết nhiều thứ quá. Nó đần độn đi trong ý nghĩ của Hà. Nó giống người vừa bị mất trí. Cơn gió bâng khuâng đã bắt tội Hải. Cơn gió bâng khuâng xui Hải đừng nói gì. Thành thử, Hải khó nói. Chứ nó chẳng mất trí đâu.
"- Chắc Hải vẫn giận Hà, hở?
- Không.
- Cái gì Hải cũng không.
- Hải không giận Hà đâu.
- Sao Hải cứ không biết, không biết?
- Tại Hải không biết.
- Ơ, sao Hải không xưng 'tớ' với Hà gì sốt cả.
- Hải sợ Hà giận.
- Hà không giận đâu. Hải xưng 'tớ' đi.
- Hải không thích xưng 'tớ' nữa.
- Sao thế?
- Không biết.
- Đấy, lại không biết nữa..."
Chiếc hoa gạo rơi cái bộp gần chỗ Hải ngồi. Thằng bé giật mình. Nó mở tròn mắt ngắm chiếc hoa nát cánh nhễ nhãi màu đỏ tươi. Tháng hai hoa gạo mới rụng. Sao năm nay hoa gạo rụng sớm thế nhỉ? Hải đứng dậy, lững thững ra về. Nó lại biết nghĩ về chuyện hoa gạo rụng sớm.
CHƯƠNG 9
Buổi sáng Chủ nhật ở huyện lỵ thật bình yên. Hải bắt đầu ghét sự bình yên rồi. Nó muốn huyện lỵ náo nhiệt để nó nói được nỗi nao nức trong lòng nó. Hải đang ngồi vắt vẻo trên cành cây ngọc lan. Hương lan thơm ghê ghê là. Lát nữa Hà sẽ sang. Hải hái hoa ném xuống cho Hà. Và Hà cài lên tóc. Hải nhớ hôm nào đã ngửi tóc Hà. Nhưng hôm ấy, tóc Hà bôi nước hoa. Hà bảo tóc cài hoa ngọc lan thơm dịu. Hải thích được ngửi mùi thơm dịu ở mái tóc Hà. Hải chợt thấy ngường ngượng. Nghĩ đến Hà là Hải ngượng rồi. Lạ quá!
- Hải ơi!
- Ơi...
- Hải ở đâu đấy?
- Đố Hà biết.
Hà biết thừa Hải ở trên cây ngọc lan. Con bé giả vờ:
- Chịu thôi.
Hải nín thinh. Nó cúi xuống nhìn Hà. Mỗi ngày, Hải lại thấy Hà khác lạ. Hải không biết Hà khác lạ ra sao song nó cứ thấy Hà khác lạ. Hà đứng dưới, đẹp như con bé vẽ trong sách. Hải bứt một chiếc hoa, ném trúng người Hà:
- Cài hoa lên tóc đi
Hà mỉm cười, ngước mắt trông Hải:
- Người ta biết từ lúc nãy cơ.
Hải bĩu môi:
- Chỉ được cái nước nói dối.
Hà rướn chân lên:
- Thì Hà về cho Hải đi trốn rồi Hà sang Hà kiếm, chịu không?
Hải ném thêm cho Hà vài chiếc hoa lan nữa:
- Chịu. Mà Hà phải cài hoa lên tóc nhé!
Hà nhặt hoa, chạy về nhà. Hải thoăn thoắt leo xuống. Nó nhớ tới giấc mơ hôm nào. Giấc mơ chơi đi trốn đi tìm, ngồi cạnh Hà và ôm chặt lấy Hà kẻo Hà sợ con chuột. Trái tim Hải bỗng tê tê. Cu cậu vội đi tìm một chỗ ẩn thật kín. A, đây rồi, Hải núp ở dưới chân đống rơm.
Hà sẽ khó lòng tìm được Hải. Cu cậu co người, nằm gọn một chỗ rồi lấy rơm phủ kín, chỉ để hở cái mũi. Hải nhắm mắt lại. Để mơ. Không, để chờ Hà tới. Hà chẳng thèm tới trong giấc mơ đâu. Hà sẽ tới trong tuổi thơ, trong tuổi vừa lớn lên của Hải.
- Hải ơi!
Hải định "ơi". Nó kịp nín ngay. Con Hà chúa khôn. Hễ Hải ơi là nó biết Hải nấp ở đâu.
- Hải ơi!
Hà phịa:
- Lúc nãy Hải trốn, Hà rình thấy Hải nấp chỗ nào rồi.
Hải vẫn ngậm miệng.
- Hà cài hoa lan lên tóc rồi đấy nhé. Mợ Hà cài cho Hà đó. Đẹp ghê cơ. Hải thích ngó không?
Hà gạ Hải đủ mọi cách. Nhưng con nhà Hải vẫn lặng thinh. Nó đã muốn lên tiếng mà trái tim của nó cứ ngăn cản nó.
Trái tim nó nói nhanh lắm cơ. Trái tim bảo rằng "Hãy im lặng, Hải ạ! Thế nào Hà cũng kiếm ra mày" Nhỡ nó kiếm không ra, nó chán bỏ về thì sao. Trái tim lại bảo "Nó không chán đâu. Nó mong tìm thấy mày". Hải định hỏi thêm song trái tim đã ngậm miệng. Trái tim, chắc nó phải biết nhiều chuyện lắm.
- Hải ơi!
-....
- Ăn kẹo không?
-...
Hà nghĩ thầm: "Nói thế này là Hải hết nín thinh". Con bé kêu ầm lên:
- Ối giời ơi!
Quả nhiên, con nhà Hải trong rơm chạy ra. Nó hốt hoảng:
- Gì thế, gì thế, Hà?
Hà toét miệng cười:
- Chả có gì cả.
Hải phủi rơm bám trên tóc:
- Sao Hà kêu?
Hà nheo mắt:
- Để Hải mắc lỡm, Hải phải chạy ra. Bắt được Hải rồi nhé!
Hải đăm đăm nhìn Hà. Cánh hoa lan trên tóc Hà sao mà duyên dáng vậy. Hà trách Hải:
- Trốn lâu ghê, gọi mãi chả chịu ra gì cả.
Và hỏi:
- Hải trốn ở đâu?
Hải lại phủi những cọng rơm bám vào áo:
- Ở chân đống rơm.
Con bé láu lỉnh:
- Hà biết thừa rồi.
Hải chu đôi môi dài ra:
- Nói dối.
- Ai thèm nói dối, rơm bám đầy quần áo, người ta phải biết chứ.
Hải đành thua Hà. Nó sẽ thua Hà mãi mãi. Hà đã đến đứng gần Hải:
- Chúng mình đi trốn đi.
Hải tròn xoe mắt:
- Trốn ai?
- Trốn... cu Khôi.
- Cu Khôi đi chơi rồi.
- Ờ, trốn cu Khôi, lát nữa nó về tha hồ tìm.
Hà nắm lấy tay Hải:
- Nhé, Hải nhé!
Hải không gỡ tay Hà ra nữa. Tay nó tê rồi. Nó để mặc Hà lôi tới chân đống rơm, nơi nó vừa trốn Hà.
- Chúng mình trốn cu Khôi ở đây Hải nhé!
Hải gật đầu. Nó không nói. Trái tim đã dặn nó im lặng mà. Hà ngồi xuống trước. Nó giật tay Hải. Và con nhà Hải ngoan ngoãn ngồi cạnh Hà. Những điều mơ ước trong giấc mơ đêm nào, Hải không dám thử xem. Hai mái tóc đã sát nhau. Mùi hoa lan thơm ngây ngất.
Hải đưa tay lên ngực, day thật mạnh cho trái tim lên tiếng nói. Để nó hỏi trái tim xem phải nói với Hà những câu như thế nào. Khốn nỗi, trái tim tê rồi. Trái tim đã ngủ trong một nỗi niềm. Và nỗi niềm ấy đang phủ ngập tâm hồn Hải.
- Thích nghe chuyện "Công chúa ngủ trong rừng" không hở, Hải?
- Thích.
Giọng con Hà êm êm bò vào tai Hải. Giọng nói ngọt ngào cơ hồ mật ong, cơ hồ một cốc nước dừa già của phiên chợ mùa hạ. Uống cốc dừa nhỏ, người lịm đi. Chợ phiên bé lại. Thiên đường hiện hình ở màu nước ngà ngà.
- Hải là ông hoàng tử đi săn nhé!
- Thế Hà làm gì?
- Hà làm công chúa.

Hoàng tử Hải xoay người. Chàng thấy cánh hoa ngọc lan trên mái tóc công chúa Hà. Và chàng tưởng tượng đó là cái trâm. Công chúa Hà vẫn hồn nhiên như năm ngoái, như năm xưa. Nàng chẳng hề biết cơn gió bâng khuâng đã thổi mộng mơ vào đôi mắt cậu hoàng tử nhỏ của nàng. Cơn gió bâng khuâng cũng chưa muốn ghé vườn hồn nàng. Chắc cơn gió muốn nàng mãi mãi hồn nhiên, đừng sớm hiểu bâng khuâng mộng mị.
- Tóc Hà thơm quá!
- Hoa ngọc lan đấy.
- Không, tóc Hà mà.
Công chúa Hà đưa tay lên tóc, gỡ cánh hoa ngọc lan vất đi.
- Bây giờ hết thơm rồi nhé!
Hoàng tử Hải quàng một cánh tay lên vai công chúa. Chàng kéo đầu công chúa Hà sát vô mũi mình. Rồi chàng hít hà hương tóc của công chúa Hà. Không, nhất định không phải là hương hoa, hương tóc. Chàng cảm riêng một hương vị lạ lùng mà lần đầu tiên chàng vừa được thấy. Hương vị đó khiến hoàng tử ngây ngất. Và trái tim chàng chợt thức giấc, xốn xang. Hoàng tử xoay người, quàng nốt một cánh tay lên vai công chúa. Công chúa đã ở trong vòng tay của hoàng tử. Chàng nhìn nàng. Nàng mỉm cười. Hồn nhiên như giọt sương mai đọng trên tầu lá xanh mướt.
Hoàng tử hôn vào má công chúa. Công chúa vội lấy tay chùi má:
- Khiếp, Hải nghịch dơ ghê!
Hoàng tử đã ù tai. Chàng nhắm mắt, tay vẫn quàng trên vai công chúa. Hoàng tử ngủ dưới chân đống rơm. Hoàng tử ngủ trong rừng, hoàng tử bắt đầu một cuộc phiêu lưu vì lời nguyền của cơn gió bâng khuâng. Công chúa không hay gì. Nàng vẫn hồn nhiên...
Phú Nhuận, 28/3/1969
Duyên Anh
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...