Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Trần Anh Dũng: Đất lành

Trần Anh Dũng: Đất lành

Trần Anh Dũng còn có bút danh là Dũng Trần, sinh năm 1966 ở Tây Sơn, Bình Định hiện sống và làm việc ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Anh đã xuất bản hai tác phẩm: Tập thơ Dòng sông quê (NXB Hội Nhà Văn 2016), tập truyện ngắn Láng giềng (NXB Hội Nhà Văn 2018) và nhận một số giải thưởng văn học.
Từng trải qua nhiều nghề mưu sinh như phóng viên, thợ vẽ mặt số đồng hồ, thợ mộc, lái xe khách… trước khi đi vào con đường sáng tác văn chương, Trần Anh Dũng cho thấy một vốn sống phong phú, nhiều góc khuất, cảm thức sâu lắng về tình người tình đời và vùng đất cưu mang mình thể hiện qua những trang văn sinh động. Xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn Đất lành mới sáng tác của anh.
Nhà văn Trần Anh Dũng
Khu nhà trọ Tư Soạn nằm bên bờ sông Khai Luông, xung quanh được bao bọc tường rào và hàng cây so đũa. Các dãy phòng trọ được chủ nhân thiết kế theo hình ô vuông, chính giữa có khoảng sân rộng rợp bóng cây xanh. Thường ngày ở đây khá yên tĩnh. Có lẽ do khung cảnh nửa chợ nửa vườn hợp phong thủy nên lúc nào cũng không có phòng trống, nhiều khách trọ bám trụ ở đây có đến hàng chục năm. Quen mảnh “đất lành”, lũ chim sẻ hội về từng đàn, chúng tha rác làm tổ dày đặc trong các hốc cây, ô cột điện. Sáng nào cũng vậy, lũ chim tập trung đậu trên mái nhà, nghểnh mỏ hót ríu ran, chờ vắng người là sà xuống sân nhà trọ nhặt cơm khô, vụn vặt bánh mì rơi vãi.
Qua giờ cao điểm buổi sớm, tiếng ồn ào náo nhiệt ngoài đường phố bỗng nhiên lắng xuống, thay vào đó là âm thanh tành tạch của xuồng ghe, tiếng loa rao bán hàng xuôi ngược trên sông vọng lại. Vào tầm này, các phòng trọ ở đây cửa đóng im ỉm, bởi đa số khách trọ là sinh viên, thợ hồ, mua gánh bán bưng nên họ đi học, đi làm từ rất sớm. Lũ chim sẻ lại sà xuống khắp lối đi, tha hồ nhặt mồi, soải cánh tắm nắng. Bỗng có một gã đàn ông phi xe máy ầm ầm vào hẻm trọ khiến lũ chim hoảng sợ bay biến. Đến trước một phòng trọ, gã nọ liền xô cửa bước vào, cất giọng oang oang:
– Vợ Cường có nhà không?
Nghĩ là bạn của chồng đến mượn đồ nghề sửa xe nên Phụng toan nhắc khéo việc chạy xe máy ồn ào trong khu trọ, nhưng khi nhìn kỹ vị khách không mời mà đến, cô bỗng đứng chết trân… Vẫn cái đầu trọc bóng hới, vẫn vẻ mặt lạnh lùng, vẫn cái nhìn soi mói và những hình xăm vằn vện khắp người… Đúng là gã! Phụng chợt rùng mình, cô không sao giấu được nỗi sợ hãi. Bao năm qua, gã vẫn không hề thay đổi. Gã tên Năm, biệt danh Năm Trọc, gã từ một tên lưu manh ngoi lên làm giám đốc công ty đòi nợ. Vào những ngày cuối tuần, Năm Trọc thường lui tới quán bia ôm mà có một thời Phụng làm tiếp viên. Ở quán lúc nào cũng có nhiều tiếp viên xinh đẹp nhưng gã chỉ thích mỗi mình Phụng. Nhác thấy Năm Trọc đến quán, quản lý chạy xoắn đít cho người gọi Phụng vào phục vụ phòng đặt biệt…
– Thằng Cường có nhà không em? – Năm Trọc gằn giọng hỏi lại.
– Dạ thưa… anh Năm, chồng em đi tỉnh sửa xe cho khách, cuối tuần này mới về – Phụng ấp úng đáp.
Nhìn xoáy vào gương mặt khả ái và bộ ngực căng đầy sức sống của Phụng, Năm Trọc cười nhếch mép, xuống giọng:
– Số tiền anh Năm cho thằng Cường vay nóng giờ tính sao? Thấy thằng chồng bây chịu khó làm ăn, anh Năm mới duyệt, nhưng bây phải biết điều. Nếu bây chậm trễ thì anh Năm sẽ chuyển số nợ hàng trăm triệu ấy qua cho chị Năm bây xử lí. Lúc đó đừng có mà khóc than.
Nghe nói đến “chị Năm”, Phụng toát mồ hôi hột, bà ta là trùm cho vay nặng lãi ở khu chợ cá Tân An, dưới trướng có đám đàn em thuộc loại đâm cha chém chú. Dựa hơi chồng làm giám đốc công ty đòi nợ thuê và đặt biệt là ê kíp “liên minh ma quỉ”, bà trùm ngày càng mở rộng địa bàn hoạt động, quảng cáo trên mạng xã hội, dán tờ rơi đầy đường với thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng.
Gom hết số tiền bấy lâu dành dụm, Phụng đưa hết cho Năm Trọc. Đếm tới đếm lui thấy vẫn còn thiếu, Năm Trọc liền ném xấp tiền xuống nền nhà rồi quay ngoắc ra cửa toan bỏ về. Mặt Phụng biến sắc, cô vội quì xuống ôm chân chủ nợ khóc lóc van xin. Dường như chỉ đợi có thế, Năm Trọc chìa tay đỡ Phụng đứng lên, đoạn gã ôm cô vào lòng giống như trước kia đã từng ôm cô sau khi thõa mãn dục vọng. Đưa bàn tay to bè lên vuốt tóc mái tóc đen mượt của Phụng, gã chủ nợ thủ thỉ những lời đường mật. Thấy Phụng không phản ứng gì, gã ta liền với tay ra sau lưng chốt của phòng trọ lại…
Gọi là đám cưới cho oách, chứ thật ra chỉ là một bữa tiệc ra mắt đại diện hai bên họ hàng, bè bạn. Ngoài Phụng ra, bên “nhà gái” chỉ có vài người thân thích và một số chân dài mắt xanh mỏ đỏ ăn mặc diêm dúa. Còn bên “đàng trai” chuẩn bị bài bản hơn, gia đình Cường và bạn bè công ty đến dự đông đủ.
Mọi người xầm xì, Phụng là trẻ cô nhi được một bà dì ở quê nhận về nuôi. Do nhà mẹ nuôi nghèo nên Phụng phải nghỉ học sớm đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, từ công việc làm ruộng rẫy cho đến bán buôn ngoài chợ. Quần quật suốt ngày vậy mà Phụng cứ ngày càng phổng phao, xinh đẹp hẳn ra. Có nhiều đám đánh tiếng hỏi cưới khi Phụng vừa tròn mười tám tuổi, bà mẹ nuôi chưa kịp trả lời thì bà “mối Đài Loan” đã phỗng tay trên, đưa Phụng lên thành phố tẩy rửa mùi phèn, cho học ngoại ngữ chờ xuất khẩu. Xui cho Phụng, các đoàn “chú rể ngoại quốc” trong những năm ấy – nếu không đáng bậc cha chú thì cũng là người tàn tật. Phụng cự tuyệt vì không hợp ngoại hình, tuổi tác. Bị đánh đập. Nợ nần chồng chất. Chán nản. Tuyệt vọng. Nhiều lần Phụng và một số cô gái định bỏ trốn, nhưng đã bị đám mặt rô đánh cho thừa sống thiếu chết. Vì muốn trả nợ dứt điểm nên Phụng đã nhận lời bán trinh cho một gã dê xồm lắm của nhiều tiền và cũng trong lần đó cô bị lây bệnh xã hội phải ở lại thành phố điều trị một thời gian. Sau khi khỏi bệnh, Phụng không dám vác mặt về quê và số phận đã đẩy cô vào làm tiếp viên cho một quán bia ôm…
Trái ngược với lời ong tiếng ve về Phụng, người ta bô bô khen Cường là tay thợ máy giỏi, có tinh thần trách nhiệm cao, chắc chắn sẽ được thăng tiến. Một số ganh ghét Cường lại rỉ tai nhau, chê chú rể vừa đen vừa xấu chỉ đáng xách dép cho cô dâu, lại còn bới móc quá khứ từng vào tù ra khám của anh ta.
Sau bữa tiệc cưới hôm ấy, Phụng nghỉ hẳn làm tiếp viên quán bia, theo chồng về nhà trọ Tư Soạn.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi
Ngoài giờ hành chính, Cường nhận thêm việc sửa chữa xe lưu động. Thương chồng vất vả, Phụng xin được mối giúp việc nhà, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Đôi vợ chồng trẻ sống rất hạnh phúc, chẳng bao lâu sau họ sinh được một bé gái kháu khỉnh.
Đang yên đang lành, tai họa bỗng ập đến. Trong lúc sửa xe cho khách, Cường bất cẩn để tàn thuốc lá bay vào can đựng xăng, ngọn lửa bùng lên làm chiếc ô tô cháy rụi. Do bảo hiểm từ chối bồi thường nên Cường phải đền cho chủ xe một khoảng tiền không nhỏ. Tiền bạc hai vợ chồng chắt mót dành dụm cứ đội nón ra đi. Biết hoàn cảnh gia đình Cường gặp khó khăn, công ty có vận động quyên góp hỗ trợ nhưng chẳng thấm vào đâu. Sực nhớ đến anh Năm, một khách hàng sộp có vợ hành nghề cho vay tiền góp, Cường vội đến gặp anh ta cầu cứu. Không những anh Năm thương cảm mà còn sẵn lòng cho Cường vay một khoản tiền lớn.
Sợ thất tín với anh Năm, Cường làm việc cật lực, anh còn đi tỉnh dài ngày nhận thêm hợp đồng.
Sâm sẩm tối Cường mới về đến nhà trọ. Thấy cửa phòng trọ khóa trái, anh chẳng hề bận tâm vì nghĩ vợ con đi chơi đâu đó. Vào nhà tắm gội xong, Cường mở túi xách lấy cọc tiền ra đếm, cộng các khoản tiền lương, tiền mượn bạn bè, tiền ứng trước khách hàng cũng vừa đủ trả nợ cho anh Năm, trả dứt điểm cả gốc lẫn lãi. Cường ngã người lên tấm đệm hít một hơi thật sâu rồi thở phào. Cái cảm giác khoan khoái dễ chịu như vừa trút xong một gánh nặng trên vai, khiến Cường nhớ lại cảnh được ra tù trước đây. Được tự do. Được phục hồi nhân phẩm, có cơ hội phấn đấu trở thành người có ích. Cường đã đoạn tuyệt với ma túy, giao du với băng nhóm cướp giật, anh quyết tâm làm lại từ đầu. Qua lời giới thiệu của một cán bộ trại giam, Cường được hãng xe Ford nhận vào làm việc và đào tạo tay nghề bài bản, chẳng bao lâu sau anh được cất nhắc làm tổ trưởng tổ máy.
Rồi tình duyên đến như một định mệnh. Một buổi sáng đi làm như thường lệ, Cường bỗng nghe tiếng la thất thanh “cướp, cướp!”. Bên kia đường, toán cướp đi trên hai xe máy ép cô gái trẻ vào lề giật đồ, đạp nạn nhân cùng chiếc xe ngã sóng soài ra đường, chúng còn xông tới định cướp luôn chiếc xe. Thấy bọn cướp lăm lăm con dao, ai nấy chỉ biết trố mắt nhìn. Đảo xe lại, Cường chủ động nẹt ga lao thẳng vào bọn cướp, khiến chúng ngã sấp mặt. Nhanh như cắt, Cường phóng ra khỏi xe, rút chiếc cờ lê tả xung hữu đột. Bị đánh bất ngờ, bọn cướp tỏ ra lúng túng, vừa vung dao chống cự, vừa tìm đường tẩu thoát nhưng đã bị Cường và người dân khống chế bắt giao cho công an phường. Sau vụ cướp ít ngày, cô gái trấn tĩnh lại tinh thần và chủ động tìm đến gặp Cường để tỏ lời cảm ơn. Cô gái ấy chính là Phụng. Qua một thời gian tìm hiểu, mặc dù biết Phụng là gái bia ôm nhưng Cường vẫn đem lòng yêu thương. Và họ đã cùng nhau thề non hẹn biển…
Cường thiếp đi lúc nào không hay, đến khi nghe tiếng khóc của con ở dãy phòng đối diện, Cường choàng tỉnh dậy tung cửa chạy sang. Huệ, cô giáo mầm non đang bế bé Loan trên tay dỗ dành, nhưng cháu bé vẫn thút thít đòi mẹ. Thấy bố về, bé Loan mừng rỡ khóc òa lên.
– Mẹ cháu đâu hả cô? – Cường đỡ lấy con vừa hỏi cô giáo.
– Dạ, em cũng không biết! – Sửa lại chiếc áo nhăn dúm đang mặc, Huệ nói tiếp – Mấy hôm nay không thấy chị Phụng đến trường đón cháu nên em đưa bé về. Em có điện thoại cho chị nhưng không liên lạc được…
Cường liên tục điện thoại cho vợ nhưng chỉ nghe tiếng máy kêu tút, tút…
Cánh cửa phòng nhà nghỉ bị đạp bung ra “đánh rầm!”, đám thanh niên xăm trổ liền xông vào, theo sau là một phụ nữ to béo. Tận mắt chứng kiến đôi “gian phu, dâm phụ” không còn mảnh vải che thân, hai hàng chân mày phun xăm đậm đen của chị ta dựng ngược lên, mắt long sòng sọc.
– Tụi bây quay video con đĩ này thật nét cho tao! – chị Năm lệnh cho đàn em.
– Dạ… có quay anh Năm không chị? – một tên đàn em rụt rè hỏi.
– Hừ! quay tuốt để lão ta hết đường chối!
Dứt lời, chị Năm lao vào đấm đá Phụng túi bụi, nắm tóc cô giật ngửa ra sau, liên tiếp vung những cái tát như trời giáng khiến cô gái đổ gục xuống đất nằm bất động. Sợ có án mạng, Năm Trọc nhào tới giữ tay vợ, giọng van lơn:
– Anh biết lỗi, xin em tha thứ! Thôi nhiêu đó đủ rồi, đừng đánh nó nữa. Nó có bề gì mình cũng tiêu luôn…
Thấy vợ chùn tay, hắn bồi tiếp:
– Cũng vì anh ép nó trả nợ nên mới xảy ra cơ sự… Em bảo tụi nó thôi quay phim ngay, việc này mà lộ ra thì chết cả đám, anh mà bị công an sờ gáy thì em còn làm ăn được nữa không? Anh có linh tính đang ở trong tầm ngắm của PX05, chỉ cần sơ hở một chút là đi tù ngay.
– Còn con đĩ này xử lí thế nào? – chị Năm hỏi chồng
Mặc quần áo xong, hắn cất giọng lạnh lùng:
– Chuẩn bị sẵn giấy bút, chờ nó tỉnh dậy bắt nó làm giấy vay nóng, còn vay bao nhiêu thì tùy em quyết định.
Dường như đã hiểu ra, chị Năm cong môi gật đầu khoái trá, đoạn quắc ánh mắt sắc lạnh sang đám đàn em:
– Tụi bây lập tức tháo thẻ nhớ điện thoại ra nộp cho tao!
Cả đám xăm trổ răm rắp làm theo, duy chỉ có một tên đã nhanh tay chuyển video mới quay lên “đám mây” lưu trữ.
Rạng sáng hôm sau, người ta thấy các lực lượng chức năng vây kín nhà Năm Trọc, tống hai vợ chồng hắn ta và một số đồng bọn lên chiếc xe bịt bùng.
Đã mấy năm trôi qua, khách trọ trong khu nhà trọ Tư Soạn không còn thấy bóng dáng của Phụng đâu nữa. Thi thoảng họ lôi chuyện hàng xóm ra bàn tán. Kẻ ganh ghét bảo Phụng là thứ “ngựa quen đường cũ”; người thương cảm lại cho rằng sở dĩ Phụng “trót dại” là vì mái ấm gia đình, cô ta không dám nhìn mặt chồng con cũng vì sĩ diện. Một số người còn khẳng định Phụng bị kẻ xấu gài bẫy, chứ thực ra cô ta là người tốt… Thế là “xóm nhà lá” lại tranh luận nảy lửa, bất phân thắng bại, đến khi thấy Cường và cô giáo Huệ cùng rước bé Loan đi học về họ mới thôi. Chợt có tiếng xầm xì:
– Ê bà, tui thấy hai người họ cũng đẹp đôi đó chớ!?
– Suỵt! Cô giáo Huệ là gái chưa chồng, đẹp người đẹp nết, thằng Cường không với tới đâu. Tướng tá thằng Cường cù lần chết mẹ, chỉ được cái thật thà.
– Hi, hi… Trai không vợ, gái chưa chồng… Lửa gần rơm thế nào cũng cháy – Anh kia chen vào.
– Cháy cái đầu ông! – Chị nọ trợn mắt – Ông mà léng phéng với con nhỏ bán vé số là chết với tui! Làm phụ hồ có nhiêu tiền cúng cho con quỉ đó hết. “Lửa gần rơm” cháy nè!
– Ái da… đau!
– Mùi gì khét nẹt vậy cà? Chết mồ… cái nồi thịt kho của tui. Thôi giải tán!
Mọi người lục tục ai về phòng nấy. Nấu xong mì tôm, Cường rảo bước qua phòng cô giáo Huệ gọi bé Loan về cùng ăn. Nghe bé Loan khoe thành tích được danh hiệu bé ngoan, Cường bế con lên nựng nịu, nhưng con bé giãy nảy vì sợ hàng ria của bố nó làm nhột, nó la toáng lên:
– Cô Huệ ơi cứu con!
Huệ bước nhanh ra cửa giành lấy bé Loan từ tay Cường. Bất giác, Cường và Huệ cùng giật mình vì họ chạm phải tay nhau. Sau thoáng e thẹn, đôi bàn tay nuột nà của cô giáo trẻ lại tìm đến đôi bàn tay sần sùi chai sạn của anh thợ máy. Và cả hai người họ cứ siết chặt lấy nhau không muốn rời, mặc cho bé Loan cười vui như nắc nẻ.
Cần Thơ, 12/5/2023
Trần Anh Dũng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...