Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Người tráng sĩ sông Hồng mạnh mẽ

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Người
tráng sĩ sông Hồng mạnh mẽ

Ông vĩnh viễn ra đi nhưng những sáng tác của ông: “Hồ trên núi”, “Chảy đi sông ơi!”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Không thể và có thể”, “Về quê”, “Những cô gái quan họ”… sẽ còn sống mãi với người yêu nhạc…
Tin nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời sáng 19-9 vì ung thư tụy, hưởng thọ 76 tuổi, để lại nỗi thương tiếc cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ. Vậy là “bộ tứ sông Hồng” trong làng nhạc Việt Nam: Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ đã có người vĩnh viễn đi xa.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương
Mất mát quá lớn
Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói ông bàng hoàng khi hay tin người bạn thân của mình đã từ giã cõi trần, “bộ tứ sông Hồng” đã không còn trọn vẹn mà mất đi một mảnh ghép quan trọng. Vẫn biết quy luật sinh – lão – bệnh – tử, vẫn biết sẽ có ngày phải chia tay nhau, nhưng ông vẫn chết lặng khi nghe tin dữ. Với nhạc sĩ Trần Tiến, sự ra đi của Phó Đức Phương là mất mát quá lớn.
Trong cuốn “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam”, Nguyễn Thụy Kha cho biết theo gia phả dòng họ, nhạc sĩ Phó Đức Phương vào hàng cháu gọi nhà cách mạng Phó Đức Chính là chú. Ông sinh năm 1944, quê ở Đa Ngưu – Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, từng là học sinh giỏi toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 1965, muốn đi theo con đường âm nhạc, tận hiến cho âm nhạc, Phó Đức Phương lấy lý do gia cảnh khó khăn quyết định bỏ học vào làm công nhân nông trường chăn nuôi lợn ở Hòa Bình. Một năm sau, ông mới thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia) ở tuổi 22. Ngay trong năm 1966, ông đã nổi tiếng với ca khúc “Những cô gái quan họ”.
“Tôi nhớ khi đó chừng năm 1967, giữa kỳ chống Mỹ ác liệt, những bài hát hồi ấy chủ yếu vang lên ảnh hưởng anh hùng ca tới mức chói gắt. Tự nhiên giữa không khí như vậy, xuất hiện bài hát “Những cô gái quan họ” của Phó Đức Phương thấm đẫm âm hưởng trữ tình của đồng bằng Bắc Bộ. Bài hát hệt như dòng suối mát lành chảy qua khu đồi trơ đá sỏi, hệt như luồng gió mát rượi lùa qua trưa hè nóng bức. Có thể gọi là may cũng được, có thể gọi là tài, chắc cũng chẳng ai phản đối. Bài “Những cô gái quan họ” bằng sự tự khẳng định, ngay lập tức đã đóng chặt tên tác giả Phó Đức Phương vào tâm tưởng giới mến mộ âm nhạc nói riêng, nhân dân nói chung. Không nhiều người biết tác giả của bài hát này khi đó đang ở thời kỳ mới vào trường nhạc…” – đánh giá của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (trích trong cuốn “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – Một thời đạn bom”) .
Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, người gắn bó nhiều năm với nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhận xét âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn tạo cho người nghe cảm xúc mới lạ. Mỗi tác phẩm mang một phong vị riêng, không lặp lại ngôn ngữ âm nhạc của chính mình. Nếu như “Những cô gái quan họ” cho người nghe cảm nhận về sự duyên dáng, mượt mà đầy nữ tính và thuần Việt mang đậm nét văn hóa của người phụ nữ vùng quê Kinh Bắc ngoan cường trong bom đạn khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ thì ở những sáng tác càng về sau này, người nghe tiếp nhận được là những câu chuyện hoàn toàn mới mẻ.
“Hồ trên núi”, “Chảy đi sông ơi!”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Không thể và có thể”, “Về quê”…, mỗi tác phẩm của nhạc sĩ Phó Đức Phương được nhạc sĩ Trần Lệ Chiến ví von là một câu chuyện kể bằng âm nhạc, mà cách kể của mỗi câu chuyện một khác. “Những cốt truyện của ông nhiều khi được bắt nguồn từ vốn cổ, từ những điển tích, điển cố nhưng tất cả đều có giai điệu, ca từ đắm đuối, chân tình, đưa người nghe tới tận cùng của cảm xúc. Kể cả với những bài được ông sử dụng những cung quãng trúc trắc, đòi hỏi người thể hiện không chỉ ở giọng hát mà còn cả bản lĩnh nghề nghiệp và sự thấu hiểu trong ngôn từ, âm nhạc, mới có thể lột tả được thần thái của tác phẩm… thì sau cùng vẫn cứ cho người nghe một cảm xúc vô cùng đẹp đẽ về âm nhạc” – nhạc sĩ Trần Lệ Chiến bình luận.
Ngôn ngữ âm nhạc của Phó Đức Phương cũng đa sắc, mang màu sắc âm hưởng của âm nhạc tôn giáo, thoát tục. Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến chia sẻ trong câu chuyện với các nhạc sĩ tiền bối rằng có người nói đùa có lẽ nhạc sĩ Phó Đức Phương có khả năng “thông linh” nên ông đã nhận được những tín hiệu đặc biệt, để có thể kể những câu chuyện lịch sử bằng âm nhạc mà không phải người cầm bút nào cũng có thể làm được. Trong “Bài ca thần chim lạc” ông đã “nhập đồng” để có thể cất lên những câu hát – nói khiến người nghe rung động: “Ta là thần chim lạc, sải cánh chín tầng trời/Qua biển Đông sóng dậy, về núi Tây điệp trùng/Đây Hồng Hà nặng đỏ, kia chín nhánh sông Rồng”…
Người tráng sĩ sông Hồng mạnh mẽ
Tháng 3-2020, các bác sĩ báo cho nhạc sĩ Phó Đức Phương ông đã bị ung thư tụy.
Nhà báo Ngô Bá Lục nhớ lại, ngày 3-3-2020, anh cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương đến ghi hình chương trình “Giai điệu kết nối” tại trường quay của VTV về “bộ tứ sông Hồng”. “Hai chú cháu ngồi nói chuyện. Trường quay đang chuẩn bị nên chú bảo: Này, bạn của tớ, tớ đang bị nghi ung thư, mấy bạn bác sĩ hẹn 11 giờ trưa nay qua sinh thiết để xét nghiệm, nhưng mà tớ nghĩ là ung thư thật” – nhà báo Ngô Bá Lục kể. Anh cho hay nhìn nhạc sĩ không được khỏe so với bình thường nhưng vẫn phong độ và đặc biệt, tinh thần vẫn vui vẻ. Ngay sau khi buổi ghi hình kết thúc, nhạc sĩ vào viện nhận kết quả mình bị ung thư tụy. Biên tập viên Kiều Ngân của VTV nhớ lại sáng đó nhạc sĩ đã có lịch nhập viện nhưng vì lời mời của cô nên ông đến ghi hình trước rồi mới vào bệnh viện.
Những ngày tháng cuối cùng, tác giả của “Chảy đi sông ơi” phải chiến đấu ngày đêm với căn bệnh quái ác. Nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra, tình yêu với âm nhạc của ông vẫn luôn cháy bỏng, ông vẫn luôn lạc quan, rằng sẽ chiến thắng được bệnh tật. Con gái nhạc sĩ, Phó Khánh Chi, chia sẻ dù phải điều trị bệnh, ông ấy vẫn đầy lạc quan, sung sức và đầy ắp ý tưởng trong sáng tác âm nhạc. Ông dự định viết về những nhân vật lịch sử để những thế hệ sau này sẽ nhớ về những người hùng áo vải của dân tộc thông qua các sáng tác của ông.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương tin rằng ông phải hoàn thành sứ mệnh theo “lệnh của bề trên”, đó là một vệt những tác phẩm âm nhạc viết về những bậc thánh nhân, tiền nhân, tiên tổ. Phó Đức Phương từng viết về các nhân vật lịch sử: Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo và muốn viết tiếp về các bậc anh hùng: Quang Trung, Lý Thường Kiệt…
Ca sĩ Thanh Lam cho biết khi đến thăm nhạc sĩ trước đêm nhạc cuối cùng của ông hồi tháng 7-2020, điều khiến chị bất ngờ chính là cách nhạc sĩ bình tĩnh đối diện với bệnh tật. “Ông nói cuộc đời luôn phải đối diện với những thử thách, thì bây giờ là một thử thách mới. Khi nhìn thấy nụ cười của nhạc sĩ, nghe nhạc sĩ nói chuyện, tôi hiểu ông vẫn còn nhiều ước mơ, khát vọng, hoài bão” – Thanh Lam tâm sự.
Ca sĩ Mỹ Linh cũng chia sẻ ấn tượng của chị về hình ảnh nhạc sĩ Phó Đức Phương khi còn trên giường bệnh trong bệnh viện là “đôi mắt sáng rực và nụ cười ngoác đến tận mang tai”.
Với ca sĩ Tùng Dương, Phó Đức Phương là người yêu say đắm quê hương, đất nước. Ông tạo nên một trường phái âm nhạc riêng, ở đó chất dân gian ngấm vào từng giai điệu, từng lời ca. Khi hát hay nghe những sáng tác của ông, mọi người đều cảm nhận được niềm tự hào và có mong muốn điều gì đó cho mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Nam ca sĩ này cho hay mình may mắn đã gặp được nhạc sĩ Phó Đức Phương trên con đường âm nhạc. Nhạc sĩ như người cha đã tiếp thêm sức mạnh, năng lượng cho ca sĩ, không chỉ trong con đường ca hát mà trong cả cuộc sống. “Tình cảm chúng tôi dành cho nhau rất đặc biệt và thiêng liêng. Nó không chỉ giống như tình thân của những người trong gia đình mà còn có sự trân trọng, ngưỡng mộ tài năng của nhau. Phó Đức Phương chính là người tráng sĩ sông Hồng mạnh mẽ nhất mà tôi từng biết” – Tùng Dương bộc bạch.
“Đời sông không hề tiếc vơi đầy”
Không chỉ đắm đuối trong âm nhạc, Phó Đức Phương cũng được ghi nhận là người đi tiên phong trong bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam. Nhắc đến Phó Đức Phương là nhắc đến chặng đường gần 20 năm ông gắn bó với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhạc sĩ. Không biết bao nhiêu sóng gió đã xảy ra, rồi xung đột, mâu thuẫn, nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương kiên quyết chấp nhận những phiền toái về phía mình để bảo vệ quyền lợi cho các đồng nghiệp. Trong tác phẩm “Chảy đi sông ơi”, Phó Đức Phương từng viết “Sông hiến mình tất cả, đời sông không hề tiếc vơi đầy”. Trong cuộc sống đời thường, ông cũng như vậy. Sống hết mình, cống hiến hết mình.
Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Những cô gái quan họ”, “Hồ trên núi”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Nha Trang thu”, “Trên đỉnh Phù Vân”.
20/9/2020
Yến Anh
Nguồn: NLĐ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...