Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

Những thanh âm "Tiền kiếp"

Những thanh âm "Tiền kiếp"

Theo thuyết luân hồi của đạo Phật, tiền kiếp là kiếp trước. Cố nhiên, của ai đó.
Đã có những tài liệu trên không gian mạng, công khai bàn luận về việc có hay không có tiền kiếp. Hoặc tại sao có người biết được kiếp trước của mình. Hoặc có người có thể nhớ hoặc kể lại những gì thuộc về tiền kiếp của mình một cách rõ ràng… Và, như một ‘trường học’ về luân lý và đạo đức, người ta đã dùng khái niệm “tiền kiếp” để giải thích và qua đó, giáo dục chúng ta về kiếp trước, kiếp này và kiếp sau. Từ đó, hướng chúng ta về một lối sống ở hiền – gặp lành; tu thân – tích đức, nên làm việc thiện, tránh làm điều ác… Và, ngày nào khoa học chưa thể ‘lý giải’ được khái niệm “tiền kiếp”, ngày đó khái niệm này còn ‘ngự trị’ trong niềm tin của nhân thế và khiến người ta có lối sống tích cực và tốt đẹp hơn.
Trong âm nhạc, thảng hoặc, đã có những ca từ thể hiện khái niệm này.
Cuối năm 1949, anh bộ đội Nguyễn Văn Tý trong một dịp đến chơi nhà bạn, đã gặp và yêu ngay Hằng, em gái thứ hai của bạn. Về lại đơn vị, ngay trong đêm hôm đó, anh đã sáng tác xong tuyệt phẩm đầu tay, Dư âm, trong đó có đoạn:
“Hẹn em từ muôn kiếp trước,
Nhớ em, mấy thuở bạc đầu,
Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn
Em để cung đàn đưa anh về đâu?…”.
Vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, “tiền kiếp” có thể chỉ là một ý niệm đẹp nhưng xa vời của anh vệ quốc quân Nguyễn Văn Tý. Có thể đó mới chỉ là một ý tưởng manh nha, một ý tưởng nghệ thuật thể hiện tình cảm của người nhạc sĩ với người con gái ông yêu: một mối tình trong sáng nhưng vô vọng.
Cuối thập niên 1940, từ một mối tình éo le, ngang trái ở tuổi chưa đến đôi mươi, Minh Đức Hoài Trinh đã sáng tác Kiếp nào có yêu nhau:
“Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ
Lệ nhòa trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi”.
Tứ thơ là một tiếng kêu thảng thốt khi biết rằng người yêu đã bỗng dưng biến mất, tình yêu bỗng dưng không còn tồn tại trên thế gian. Nhưng bù lại, bài thơ đã làm nên tên tuổi của nàng,
Và đến giữa thập niên 1960, cố nhạc sĩ tài danh Phạm Duy đã phổ thi phẩm này thành một tuyệt tác:
“Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ 
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi?”
Nếu đoạn thơ thể hiện niềm tuyệt vọng vì một mối tình bị gãy vỡ, thì trong sự tư vấn, của cả thi sĩ lẫn nhạc sĩ, đoạn nhạc lại cho thấy người thiếu nữ vẫn hi vọng mối tình sẽ xanh tươi, đẹp đẽ ở một kiếp sau.
Trong Tạ tình, người yêu nhạc cũng như nhác thấy cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ‘đề cập’ đến ý tưởng tiền kiếp khi ông viết về mối tình ảo mộng của một thiếu nữ. Ảo mộng vì tâm hồn cứ hướng về một ‘tình hồng’ không biết ‘từ kiếp nào’ trong cõi yêu đương:
“Từ kiếp nào ta ngỡ bơ vơ
Người ân tình sao nỡ xa ta
Từ kiếp nào tình nỡ tình sầu
Và lòng thì ngỡ lòng buồn
Lòng ngỡ lòng buồn vì lòng tìm mãi tình hồng
Tìm mãi tình hồng mà tình thì mãi mịt mùng…”.
Và khi đến Rừng xưa đã khép vào cuối thập niên 60, thì ý niệm “tiền kiếp” của nhạc Trịnh Công Sơn đã mang tính chủ thể và đối tượng:
“Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô
Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa
Rừng thu lá úa em vẫn chưa về
Rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ
Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi
Ta thấy em đang ngồi hát khi rừng về nhiều mây
Rừng thu thay lá mưa bay buồn rầu
Rừng đông buốt giá mưa bay dạt dào…”
Ca từ như một bức tranh ấn tượng và lập thể, tuy vẫn mang tính văn chương, nghệ thuật nhưng có thể đã thể hiện rõ nét hơn phần nào quan điểm nhân sinh của một nhạc sĩ tài hoa… Ở đây, người nghệ sĩ/nhạc sĩ như nhận thức/cảm nhận được “tiền kiếp” của người mình yêu với những hình ảnh và hành động sinh động của đối tượng sáng tác: nàng khóc, nàng hát… trong một cõi đời nào ở kiếp trước.
Như vậy, những ý tưởng, ý niệm hoặc khái niệm về “tiền kiếp” tuy còn rất mơ hồ và xa vời trong đời sống thực lại là những thanh âm tuyệt vời trong những tình khúc trữ tình, lãng mạn quyến rũ tâm hồn con người. Thế nhưng, trong những tình khúc vượt thời gian trong lòng người yêu nhạc muôn phương ấy, “tiền kiếp” vẫn là những thanh âm nghê thuật và có khi mãi mãi là những thanh âm nghệ thuật, góp phần làm đẹp lòng người, làm đẹp cuộc đời…
29/1/2024
Trần Danh Thùy
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một buổi tối ám ảnh ở Boston

Một buổi tối ám ảnh ở Boston Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông là bài Chơi bóng rổ với Việt cộng. Bài thơ này viết tặng nhà văn Ng...