1. Chương trình ti vi kết thúc. Mì gõ đi ngang nhà bà Tám khi kim đồng hồ chỉ đúng
11g. Nửa tiếng sau, anh "chưng giò" xuất hiện, đám dân phòng bên Phường
Ðội láo nháo: "Anh nuôi ơi, ghé lại". 12g, ông già đấm bóp giác hơi
đi qua, khoá sinh hoạt đêm của khu phố nhỏ bằng tiếng lắc xắc nhịp nhàng và giọng
rao buồn thảm: "Ðấm bóp, đấm bóp...". Tất cả dần im ắng, thỉnh thoảng
mới nghe một tiếng xe vù qua ngoài đường cái. Ðêm mênh mông và bí ẩn. Tay chân
bà Tám lạnh ngắt. Ba thằng con của bà đi chơi vẫn chưa về. "Mồ tổ tụi bây,
khuya khoắt thế này... Cả ngày đi làm, cả tối đi chơi, sức lực đâu không biết.
Ba ông đi một hướng hay ba hướng?". Con mắt trái giựt liên tục, bà đi ra
đi vào, hết khấn Phật lại cầu Trời. Cầu cho 3 ông bình yên, cầu cho 3 ông gặp
được 3 con vợ tử tế rước giùm, lo giùm. Bà mệt quá, thần kinh quá với những thằng
thanh niên này... Ông Tám ngủ được một giấc đã đời, mở mắt ra đèn vẫn sáng
choang: "Tụi nó chưa về hả? Bà ngủ đi, mắc gì chờ, đứa nào cũng có một
chùm chìa khoá mà". Ông Tám ngồi dậy, mở cửa ra đường, ngóng phụ. Bà Tám
ra đứng cạnh ông, sương đêm lành lạnh, hai người chờ, cái lo bớt đi một chút.
Trăng đã lên quá ngọn bạch đàn, sáng vàng vọt.
15 phút sau, hai chiếc xe gắn máy cùng xuất hiện một lúc, pha đèn loá cả ngõ. Số
Một, Số Hai, Số Ba của bà đây rồi. "Chúng đi với nhau - bà Tám thở ra - Ui
, nhẹ cả người". Số Một ôm cái gói to đùng trong ngực, đi cẩn thận từng bước
một. Hình như vật dễ bể. Số Hai, Số Ba đẩy xe vào nhà, nét mặt nghiêm trang kỳ
bí. Ông Tám chỉ tay vào cái gói: "Gì kia?". Số Hai trả lời, thì thầm
như đi ăn trộm: "Em bé". Bà Tám đưa tay lên ngực, giữ cho trái tim đừng
nhảy bung ra ngoài : "Mô Phật . Ở đâu ra vậy ? ". "Trong bụng mẹ".
Cả nhà xúm quanh cái gói. Ðứa bé ngo ngoe, vặn vẹo thân mình, mắt vẫn nhắm tịt,
ngủ bình thản dưới cái nhìn thảng thốt của ông bà Tám. "Trai hay
gái?". "Trai". "Của ai?". Ba Số cùng đáp một lúc:
"Của chung". "Tiên sư tụi bây, cụ thể là của đứa nào?". Số
Ba "cầm" thằng nhỏ lên, một tay đỡ đầu, một tay đỡ đít y như cầm ổ
bánh mì: "Làm sao biết được. Má thấy nó giống ai thì là của người
đó". Thằng nhỏ cựa quậy, khó chịu khi tay chân chơi vơi trong khoảng không
không điểm tựa. Bà Tám hết hồn: "Rớt, rớt để xuống. Mẹ nó đâu?". Số Một
ho khan, kéo ghế ngay ngắn trước mặt mẹ già: "Thế này má à. Mẹ nó đi Mỹ.
Nó ở lại vì không có giấy tờ, bởi khi làm hồ sơ xuất cảnh, chưa có nó". Số
Hai tiếp lời, chắc như đinh đóng cột: "Bây giờ mình nuôi". Thằng bé
he hé mắt, miệng chóp chép, đầu quay ngang ngửa, tìm vú. Nó đói. "Nửa đêm
nửa hôm thế này sữa đâu cho bú?". "Ðây đây, sẵn sàng - Số Ba nhanh nhẩu
- Ủa cái túi sữa đâu mất tiêu rồi , Số Hai có cầm không? Hai cái túi sao giờ
còn có một?". Số Một hốt hoảng: "Tao ẵm nó, tụi bây cầm đồ mà".
Số Hai gãi đầu: "Chắc hồi ra lấy xe bỏ quên trong phi trường rồi". Thằng
bé mới chia tay với mẹ cách đây một giờ đồng hồ. Chuyến bay 11 g đêm. Bà Tám nắm
bàn tay bé xíu của thằng nhỏ, thương xót. Bé bỏng thế này. Số Ba bàn: "Cho
nó ăn Vinamilk cũng được, trong tủ lạnh còn một hộp". "Mới đẻ mà ăn sữa
chua, mày điên hả? Ra quán cô Thanh gọi cửa, khe khẽ thôi kẻo người ta chửi. Hỏi
cổ xem cỡ này uống sữa gì, mua một hộp". Ông Tám ngồi lặng thinh, không biết
nên cười hay mếu, 4 người đàn ông trong nhà đã náo loạn, giờ thêm một thằng sơ
sinh không mẹ. Tội nghiệp bà Tám, mấy chục năm rồi chưa một ngày yên ổn. Lạ gì
3 thằng quỷ sứ nhà này, chúng đã từng tha về vô số mèo hoang, chó lạc cho ông
bà chăm sóc. Chỉ có điều lần này là cao cấp nhất: một đứa bé. Có thể là của một
trong 3 thằng. Chúng nó bao che cho nhau, cái kiểu trả lời giần lân như thế, biết
đâu mà lần. Trông thằng nhỏ cũng dễ thương, tay chân tròn trịa, mũm mĩm. Nó bú
ngon lành chưa kìa, ngoan quá, không khóc tí nào. Sự đã rồi. Ông tham gia:
"Tối nay nó ngủ với ai?". Số Một tỏ ra có trách nhiệm, dám làm, dám
chịu: "Ngủ với tụi con". Bà Tám trề môi: "Ðể tụi bây đè bẹp ruột
nó à?".
Lâu lắm rồi mới có mùi nước đái trẻ con trên giường của hai vợ chồng già. Ông
Tám không ngủ được, nằm trân mình cứng ngắc, sợ đụng thằng nhỏ. Dù gì đối với
ông nó vẫn còn xa lạ. Bà Tám cũng vậy. Bà thao thức suốt. Khi không mà có đứa
cháu ngang hông.
Thằng bé được gọi là Số Bốn.
Việc nuôi con nít đối với bà Tám không phải là điều mới mẻ, nhưng với Số Bốn bà
có hơi lúng túng. Ngày xưa, bà nuôi con bằng sữa mẹ, bây giờ Số Bốn bú bình,
bao nhiêu khê, rắc rối. Lại nữa, nó có những 3 ông bố. Bố nào cũng cảm thấy có
quyền, có trách nhiệm với nó, mỗi bố tham gia nuôi nó một kiểu. Nội cái việc Số
Bốn uống sữa gì cũng đã có cãi nhau. Sữa nội hay sữa ngoại , sản xuất ở châu Á
hay châu Âu , không ai chịu ai , mỗi người mua một hiệu . Mua rồi thì Số Bốn phải
bú, im thì ngủ, không im thì ói, ỉa. Ông bà Tám quay chong chóng với những phơi
và ủi tã, pha sữa và khuấy bột, đưa võng và ầu ơ... Cứng cáp một chút, Số Bốn
được các bố rê đi chơi: quán cà phê, bàn bi da, hiệu sách, nhà văn hoá, hồ bơi
và cả đi hát karaoké nữa. Bạn gái các bố tranh nhau bế bé: Má X, má Y, má Z...
Số Bốn dạn dày sương gió, không hay đau vặt. Càng lớn nó càng xinh, ai nhìn
cũng mến. Bà Tám kết luận hết sức e dè: "Nó hao hao thằng số Hai".
2. Chuẩn bị đi nhà trẻ, Số Bốn cần có tờ khai sinh và hộ khẩu. Cả nhà hồi hộp, lo
lắng: không có một chứng từ, hoá đơn nào về sự xuất hiện của Số Bốn trên cõi đời
này, biết căn cứ vào đâu để khai. Ông Tám xung phong đi làm thủ tục. Già cả sẽ
ít bị làm khó dễ hơn đám thanh niên. Số Một đứng tên cha. Số Hai thăm dò Một Phẩy,
bạn gái của Số Một: "Có phiền không?". Một Phẩy cười quảng đại:
"Không hề gì. Mình rất thích làm mẹ của bé". Người yêu của Số Ba, Ba
Phẩy đồng tình: "Em cũng thích". Ông Tám nghĩ bụng: "Lẩm rẩm mà
thằng nhỏ có phước, chưa gì đã có những 3 cha, 2 mẹ".
Nhân viên hộ tịch vặn ông Tám: "Có thật là con ông không bắt cóc thằng bé
chứ?". Chưa bao giờ ông Tám nghĩ đến tình huống này, ông gật đầu bừa dù
trong bụng hơi hoang mang: "Chắc chứ sao không?". "Vậy phải làm
tờ trình có chữ ký của vài nhân chứng khách quan". Ông Tám hớt hải chạy về
thông báo: "Phải có người làm chứng". Bà Tám trầm trọng hoá vấn đề.
"Thấy chưa, bộ tưởng qua mặt chính quyền dễ lắm hả? Khôn hồn thì khai cho
thật". Số một vò đầu bứt tai: "Sự thật nào nữa? Con là cha, mẹ nó
giao trách nhiệm hẳn hoi, có hai thằng này làm chứng, phải không tụi
bây?". Số Hai, Số Ba sốt sắng quá mức cần thiết: "Ðúng vậy. Coi kỹ
đi, Số Bốn giống Số Một y chang". Một Phẩy vừa ghé chơi, nghe chuyện, sa sầm
nét mặt: "Thật vậy à? Anh là cha thật À?". Số Một vô tình : "Ủa
, chứ em tưởng sao ? ". Một Phẩy chuẩn bị khóc: "Tưởng anh là hiệp
sĩ. Chứ đâu biết anh là cha thật ". Nói rồi cô vùng vằng dắt xe ra cửa, rồ
máy, phóng thẳng, khói trong ống bô tuôn mù mịt vào nhà. Số Một đứng tần ngần,
nửa muốn chạy theo, nửa không. Vậy là tiêu, tội danh bắt cá hai tay đã tròng
vào cổ, người chứng, vật chứng đầy đủ, không thanh minh thanh nga gì được. Số
Hai hối hận: "Ðã vậy thì để tôi làm cha". Ông Tám cáu: "Mới khai
tên cha là Số một giờ sửa lại là Số Hai, cái mặt tao bằng cao su chắc?".
Phe mình không thể làm chứng cho phe ta, Số Một nghĩ tới đám bạn và chọn lựa:
"Ra rồi, kêu thằng Lâm". Lâm cũng là bạn của mẹ Số Bốn. Hôm ấy, Lâm đến
sân bay muộn, sau khi mẹ Số Bốn đã vào phòng cách ly. Lâm cũng muốn nhận thằng
bé nhưng lúc ấy anh em ba số đã nhận rồi. Lâm sẽ làm nhân chứng. Lâm vẫn hay đến
chơi và quyến luyến Số Bốn lắm.
Lâm được triệu đến khẩn cấp. Sự thể là vậy, nhờ bạn ký giùm vào tờ trình. Lâm
ôm Số Bốn, giúi mũi vào cái đầu lơ thơ tóc tơ của thằng bé, ngập ngừng:
"Mình là cha, khỏi cần tờ trình, tờ triếc gì hết". Ông Tám ngao ngán:
"Thôi đi cháu, chừng ấy cha thằng nhỏ cũng gặp đủ rắc rối rồi". Lâm hạ
giọng xuống "tone" thấp nhất: "Cháu là cha thật mà". Tới
phiên bà Tám vặn: "Ai làm chứng?". Lâm kể như trong tiểu thuyết, tin
hay không tuỳ ý người nghe: "Chàng và nàng yêu nhau. Gia đình nàng cấm cản:
Ðừng hòng, nàng phải đi. Bà con dòng họ bên kia hết, ở lại, gặp trúng thằng chồng
lơ đễnh, nó bỏ cho bơ vơ thì khốn. Nàng phân vân, bởi chàng còn thất nghiệp,
cha mẹ già, anh em đông, làm ruộng làm rẫy đâu tận miền quê xa tít tắp... Tương
lai chàng mờ mờ sương khói. Nhưng rồi tuổi trẻ nông nổi, bồng bột, hai người có
con trong khi chờ đợi ngày nàng lên máy bay. Hôm chia tay, chàng đến trễ vì một
lý do ngoài ý muốn, khi đến nơi, thằng con được gởi cho Số Một. Từ ấy đến nay,
bặt vô âm tín, có lẽ nàng uất hận chàng phụ bạc...". Số Một mắt tròn, mắt
dẹt: "Sao không nghe mẹ Số Bốn nói gì hết?" Người nọ nhìn người kia,
không khí nghi kỵ bao trùm cả thảy. Số Ba sôi nổi: "Ði xét nghiệm". Số
Một lắc đầu: "Banh ra tùm lum, chẳng hay ho gì. Thôi để bạn Lâm làm khai
sinh cũng được". Lâm hẹn: "Ðợi mình về quê, hộ khẩu mình còn ở dưới
quê.
Số Bốn đi nhà trẻ làm học trò dự thính, không có tên trong danh sách, không được
tính vào chỉ tiêu nhà trẻ. Chuyện nhỏ, 4 ông bố cùng phán: Số Bốn không cần bằng
cấp nhà trẻ. Bố Lâm bận suốt, bố đi lo tương lai cho hai bố con. Hết áp phe
này, đến phi vụ khác, bố lang thang suốt từ Bắc chí Nam mong tìm một cơ hội đổi
đời. Nhưng khốn nạn cái số của bố vẫn cứ là lận đận, đụng đâu hư đó... Ngày
qua, tháng qua, năm qua, Số Bốn từ nhóm bột lên nhóm cháo, từ lớp cơm nát lên lớp
cơm thường vẫn không có một thứ giấy tờ nào chứng nhận. Cô bảo mẫu khuyến cáo:
"Nếu không có giấy khai sinh, cháu bé phải học lớp mẫu giáo dân lập".
Số Một nhắn tin khắp nơi tìm bố Lâm, không ai biết. Mấy tháng sau, từ một nơi
xa xôi có tên là Kiev, bố Lâm viết thư gửi gắm: "Số Một ơi, hãy thay mình
làm cha Số Bốn, chẳng biết bao giờ mình mới trở về".
Cán bộ hộ tịch truy ông Tám: "Có điều gì mờ ám quanh thằng nhỏ mà ngưng
lâu quá mới làm khai sinh tiếp?". Ông Tám ngẫm nghĩ: khai sự thật là dễ nhất,
cây ngay không sợ chết đứng. Cán bộ vui vẻ: "Thế thì phải có giấy uỷ quyền
để sau này không kiện cáo, tranh chấp lôi thôi". Ông Tám lại hộc tốc chạy
về: "Cần có giấy uỷ quyền". Số Một viết thư sang Kiev cho bố Lâm. Thư
đi một tháng rồi lộn ngược trở về, không có người nhận. Ôi, chim trời cá nước.
Một lần nữa ông Tám rụt rè nói với cán bộ phụ trách hộ tịch: "Không có giấy
uỷ quyền. Người cha ấy biến mất rồi". Ông ủ rũ đứng vặn tay như học trò có
lỗi, chờ phán quyết của thầy giáo, anh cán bộ thương hại: "Bác bình tĩnh,
để cháu hỏi ý kiến cấp trên".
Ông Tám về căn dặn vợ con: "Rút kinh nghiệm nghe. Hàng hóa, đồ vật có giá
trị trên 100.000 phải có hoá đơn, chứng từ".
Vài ngày sau, phường nhắn: "Mời ông nội ra làm thủ tục cho cháu bé".
Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Có đi ắt có đến. Bà Tám bàn phải coi ngày trước
khi làm khai sinh, kẻo lại gặp rắc rối. Mấy người đàn ông phì cười: "Tuỳ
bà nội. Ðằng nào thì chính quyền cũng rõ rồi, không đòi hỏi nhiều nữa đâu. Thêm
một tuần hay một tháng nữa cũng không nghĩa lý gì, so với thời gian chờ đợi đã
qua".
Nhưng nào đã yên. Không báo trước, đùng một cái, mẹ của Số Bốn từ Bắc Mỹ trở về.
Ông bà Tám thiếu điều chết giấc: mẹ này chắc là mẹ thật chứ không u u minh minh
như mấy ông cha. Cô gái trẻ, nhuộm tóc nâu, móng tay móng chân đỏ ối, son phấn
đậm đặc, khóc nghẹn ngào: "Con xin lỗi hai bác, em xin lỗi các anh, vì
hoàn cảnh, vì tự ái, vì nông nổi,...vì đủ thứ lý do mới nên cớ sự này". Nước
mắt nhoè nhoẹt, ánh mắt thiết tha, cô làm bốn người đàn ông bối rối. Lỗi phải
gì đâu... Số Bốn mon men đến gần cô, rụt rè sờ tay lên mấy cái cúc lóng lánh
như ngọc trai gắn dọc theo tay áo cô, thỏ thẻ: "Ðẹp quá!". Cô gái siết
chặt con vào lòng: "Gọi là má Chi. Má Chi của con nè". Thằng bé không
quan tâm lời cô nói, nó mải chơi với mấy cái cúc trên áo cô. Bà Tám là người
hoàn hồn nhanh nhất : "Ý định của cô là...?". Cô gái hỉ mũi rột rẹt:
"Con xin phép được mang cháu về Mỹ".
Của Caesar thì trả lại cho Caesar, mẹ Số Bốn còn giữ đầy đủ giấy chứng sinh và
xuất viện. Sự việc sau đó diễn ra nhanh như một giấc mơ. Số Bốn đột ngột đi y
như ngày đột ngột đến. Con chim non sà xuống bậu cửa, nhảy nhót, líu lo phút chốc
rồi bay đi. Ông bà nội và ba chàng bố trẻ chỉ biết đứng nhìn, bàng hoàng, ngơ
ngác.
3. Nửa năm sau, ông Tám đụng đầu anh cán bộ phường ngay giữa chợ. Anh ta níu áo
ông: "Bác ơi, cái vụ làm khai sinh...". Không đủ bình tĩnh nghe hết
câu, ông lắp bắp cáo từ: "Xin lỗi cậu, tôi có việc gấp phải đi". Ông
lách qua đám đông, chuồn thẳng về nhà, không dám dừng lại mua sắm. Ông lầm bầm:
"Có một chuyện mà nói tới nói lui, đổi qua đổi lại hoài, mất hết uy
tín". Rồi chính ông tự thắc mắc: "Nhưng sao mình chạy giống thằng phạm
pháp thế này?".
Với Số Một tình trạng càng tồi tệ. Một Phẩy (bây giờ cô hết là Một Phẩy rồi,
nhưng do quen miệng, Số Một vẫn gọi cô bằng cái tên thân thương ấy) gửi thiệp hồng
mời anh dự đám cưới của cô. Nỡ nào hành hạ nhau, em ơi, "...Tôi đưa em
sang sông, bàn tay nâng niu ân cần...". Trong một khoảnh khắc lặng của tiệc
mừng, giữa những bia rượu, hớn hở và muộn phiền, cô dâu khều anh, hỏi nhỏ:
"Sao không dắt Số Bốn theo?". Anh buồn buồn: "Nó đi Mỹ rồi còn
đâu". Chú rể đứng bên cạnh, góp chuyện: "Cho đi dễ dàng vậy?".
Anh tình thiệt "Con người ta thì trả về người ta chứ, dễ với khó gì".
Một Phẩy tái mặt, chụp vội cái ghế trước mặt giống như vừa bước hụt: "Hoá
ra anh là Hiệp sĩ thật?". Lòng Số Một tan nát. Anh gượng cười, nói cho cô
yên lòng (đi lấy chồng): "Không phải đâu em. Thời buổi này làm gì còn hiệp
sĩ". Nguyễn Trí Tâm Theo https://vietmessenger.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét