Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Một buổi tối ám ảnh ở Boston

Một buổi tối ám ảnh ở Boston

Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông là bài Chơi bóng rổ với Việt cộng. Bài thơ này viết tặng nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi nhà văn đến thăm ngôi nhà của Kevin ở Boston. Bài thơ đó sau này trở thành tên một tập thơ của ông. Hầu hết các bài thơ trong tập thơ đó là viết về Việt Nam.
Ông viết về thành Cổ Loa, về trà sen, về một đêm rằm trung thu ở Hà Nội, về sông Hương…Tất cả những bài thơ đó đều mang trong nó hơi thở thẳm sâu của tâm hồn con người Việt Nam.
Sau sáu năm tôi mới trở lại nước Mỹ. Chuyến đi Mỹ này là một chuyến đi đặc biệt. Viện William Joiner mà trước kia là Trung tâm William Joiner tổ chức kỷ niệm 30 năm Chương trình Hội thảo các nhà văn Mỹ và Việt Nam 1987 – 2017. Mùa hè năm 1987, những nhà văn Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc là Lê Lựu và Ngụy Ngữ.
Họ đã đi một chuyến đi quá nhiều khó khăn, từ việc xin visa vào Mỹ tại Sứ quán Mỹ tại Bangkok, đến việc đối phó với những nhóm chống đối người Việt ở Mỹ. Sau chuyến đi mở đầu của nhà văn Lê Lựu và nhà văn Ngụy Ngữ, các nhà thơ, nhà văn Việt Nam đã đến Boston để tham dự Chương trình hội thảo này.
Nhiều lúc ngồi trong ngôi nhà của Kevin, tôi cứ tự hỏi: Làm thế nào mà hằng năm vợ chồng Kevin có thể đón tiếp các nhà văn Việt Nam đến ở trong ngôi nhà của mình cả một tháng trời. Tôi đã có đôi lần ở nhà Kevin cùng với các nhà văn Việt Nam và tôi chứng kiến những thói quen sinh hoạt mà các nhà văn mang từ Việt Nam tới như hút thuốc lào, thuốc lá, uống rượu mạnh, xào nấu ngày ngày với hành, tỏi, nước mắm…
Đôi khi, ngôi nhà của chúng ta có cha mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè từ xa về chơi vài ba ngày, chúng ta đã thấy cuộc sống thường nhật của mình bị đảo lộn ghê gớm. Nhưng vợ chồng Kevin đã sống như thế gần 20 năm với những người khách xa lạ về mọi điều trong mỗi mùa hè.
Chỉ như thế thôi, chúng ta cũng khó mà hình dung được tình yêu của vợ chồng ông đối với chúng ta. Không chỉ là sự hiện diện của những người khách xa trong ngôi nhà của ông, mà ông còn phải đối phó với bao đe dọa khi ông đón tiếp những người khách xa lạ ấy.
Chưa kể những tổ chức người Việt chống đối ở Mỹ mà ngay cả những người Mỹ còn chưa hiểu Việt Nam, hoặc còn mang trong lòng thù hận nào đó thì Kevin đã trở thành kẻ thù của họ. Một số người đã gọi điện đến nhà Kevin đe dọa tính mệnh vợ con ông. Ông đã đổi điện thoại, giấu địa chỉ nhà. Rồi ông đổi chỗ ở. Ngày Lê Lựu ở Mỹ, Kevin và một số thành viên của Trung tâm William Joiner đã giấu Lê Lựu như những gia đình cách mạng trong kháng chiến giấu cán bộ của mình. Những lời đe doạ Kevin và tính mệnh gia đình ông rất dễ dàng trở thành sự thật.
Ngay năm 1997, khi đoàn nhà văn Việt Nam chúng tôi đang ở Boston thì một buổi sáng Kevin gọi điện hoảng hốt thông báo không ai được đến Trung tâm William Joiner nữa. Trước cửa trung tâm có dán một tấm giấy lớn với dòng chữ: Kill VC (hãy giết bọn Việt cộng).
Hôm ấy, các nhà văn Việt Nam phải đi sơ tán khỏi nơi họ đang ở. Nhưng một tình yêu lạ lùng đối với Việt Nam lại kéo ông vào những hoạt động tuyên truyền về Việt Nam trong lòng nước Mỹ. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Ông yêu dân tộc Việt Nam vì lý do gì?
Có một tờ báo của Mỹ thời đó đã viết Trung tâm William Joiner mà ông là Giám đốc là bàn tay nối dài của Cộng sản và có những người Việt Nam đã cho ông là CIA. Sau những lúc buồn bã và sợ hãi, ông lại đứng dậy và lại làm việc như chưa từng một lần bị đe doạ cho sự hiểu biết và lợi ích của hai dân tộc.
Ông là người Mỹ đầu tiên truyền bá văn học Việt Nam vào Mỹ một cách bền bỉ nhất và dũng cảm nhất. Lúc đó, không ai dám làm ngoài ông. Bởi lúc đó, sự nguy hiểm có thể xảy ra với cá nhân ông và gia đình ông bất cứ lúc nào.
Kevin đến Việt Nam trong nghĩa vụ quân dịch. Ông đóng quân ở núi Bà Đen, Tây Ninh một năm rồi trở về Mỹ. Ông vào trường đại học. Trong những ngày nghỉ, ông đi bán trái cây.
Năm 1972, ông gom toàn bộ tiền bán trái cây đi Paris. Ông đến đó để chờ đợi kết quả của Hội nghị Paris về hòa bình ở Việt Nam. Nhưng kết quả của Hội nghị Paris đã làm ông thất vọng. Người Mỹ vẫn can thiệp vào cuộc chiến tranh ấy và nước Việt Nam vẫn bị chia cắt.
Ông trở về Boston và bắt đầu sáng tác thơ về cuộc chiến tranh mà ông đã tham gia và đã phản chiến, làm thơ về đất nước, con người Việt Nam và tìm cách truyền bá văn học và văn hóa Việt Nam vào nước Mỹ khi quan hệ giữa hai đất nước còn đầy băng giá và thù địch.
Một trong những công trình dịch thuật của ông là tập thơ mang tên Sông Núi. Khi tôi tham gia chuyển ngữ tập thơ này, tôi cũng không biết nên đặt tên tập thơ ấy như thế nào. Vì đây là tập tuyển những bài thơ các nhà thơ Việt Nam viết trong chiến tranh chống Mỹ. Cuối cùng Kevin là người đặt tên tập thơ.
Ông nói với tôi, ông đã đọc bài thơ của Lý Thường Kiệt: Sông núi nước Nam… Ông coi đây là bản tuyên ngôn đầu tiên của người Việt công bố với thế giới về quyền độc lập và tự do của dân tộc họ. Với ý thức đó, tên tập thơ đã ra đời. Mỗi khi thấy tên tập thơ, tôi lại mang một cảm giác ngượng ngùng rằng chính tôi, một người Việt Nam, đã không nghĩ được một cái tên như thế.
Và buổi tối 27 tháng 6 năm 2017, tại thư viện Boston, chính quyền thành phố Boston, bang Massachusetts đã công bố quyết định của Thị trưởng thành phố Boston để tôn vinh nhà thơ Kevin Bowen cho những gì ông đã làm trong mấy chục năm qua trên cương vị là Giám đốc Viện William Joiner. Quyết định có đoạn viết:
“Tôi, Martin J. Walsh, Thị trưởng thành phố Boston, nhiệt liệt ủng hộ việc tạo ra một “Ngày Kevin Bowen” để thừa nhận những việc làm quan trọng của ông và sau đây tuyên bố 27 tháng 6 năm 2017 là: NGÀY KEVIN BOWEN tại thành phố Boston”.
Một trong những lý do quan trọng nhất để Thị trưởng thành phố Boston quyết định có NGÀY KEVIN BOWEN được ghi trong Bản tuyên bố như sau:
“Dưới sự lãnh đạo của ông, Viện William Joiner (trước kia là Trung tâm William Joiner – NQT) đã dịch 14 tập thơ, tuyển thơ cùng một tiểu thuyết của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Đây là số lượng lớn nhất mà một tổ chức đã làm được trên thế giới. Thực hiện sứ mệnh này, Kevin Bowen đã làm cho nước Mỹ hiểu một cách sâu sắc hơn nền văn học và văn hóa của Việt Nam, vốn là kẻ thù cũ”.
Tôi vô cùng xúc động khi nghe bản tuyên bố đó vang lên trong buổi tối ấy. Xúc động bởi phần thưởng đó vô cùng xứng đáng với Kevin. Và xúc động hơn, ý nghĩa hơn trăm ngàn lần khi nước Mỹ tôn vinh một công dân của họ bởi công dân đó đã làm cho nước Mỹ hiểu sâu sắc hơn về văn hóa và văn học của một đất nước vốn từng là kẻ thù của họ.
Buổi tối đó đã thực sự ám ảnh tôi. Tôi nghĩ bất cứ người Việt Nam nào yêu dân tộc mình một cách đích thực phải nghĩ về buổi tối đó. Người ta không tôn vinh Kevin hay một công dân Mỹ nào đó vì đã chửi rủa và bôi nhọ một dân tộc khác. Khi chúng ta biết tôn trọng một dân tộc khác chúng ta mới biết tôn trọng dân tộc mình.
Chơi bóng rổ với Việt cộng
Tặng Nguyễn Quang Sáng
Một chiều xa trong chiến tranh
Khi chúng ta đang rạp mình phục kích
Những người đàn ông, đàn bà
Kẻ thù của chúng ta và trâu bò của họ
Hòa lẫn vào cây cỏ đất đai
Lúc đó chúng ta chẳng bao giờ nghĩ tới
Người đàn ông tóc hoa râm đi dép
Chiều nay đến ngồi dưới mái nhà ta
Hút thuốc lá Gô-loa
Và uống bia nhãn Mỹ
Cơn ho chiều cắt ngang câu chuyện
Khi ông kể về một ngày kháng chiến
Năm 1954
Ông đã làm ra sao để đánh lừa lính Pháp
Giờ ông đến gõ cửa nhà ta
Gọi chúng ta ra sân chơi vài đường bóng rổ
Sau một hồi ông vụng về, bỡ ngỡ
Những đường bóng gọn gàng tới đích đẹp làm sao
Ông nâng chân trái lên
Hai cánh tay lượn từ sau ra trước
Quả bóng bay theo quỹ đạo cầu vồng
Một, hai, ba… rồi mười lần trúng đích.
Chúng ta đứng nhìn ông im lặng
Quần soóc, áo phông, dép, tóc hoa râm
Ông nhìn chúng ta mỉm cười
Đó là món quà để con người hạ súng
Như ông đã cười bên chín nhánh Cửu Long
Và ở những nơi khác nữa chúng ta nghe
Lời ông thì thầm như thở
Còn có thể thắng thêm vài quả nữa.
25/10/2022
Nguyễn Quang Thiều
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...