Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

Bùi Giáng rong chơi giữa đời

Bùi Giáng rong chơi giữa đời

Đã có rất nhiều người viết về Bùi Giáng, nên chuyện về “Trung niên thi sĩ Bùi Giàng Búi” – tên do ông tự đặt không còn xa lạ nữa. Lạ chăng là ở cách nhìn của mỗi người về cuộc “giả điên” của ông – đây là cách gọi của tôi, vì tôi chưa bao giờ cho là Bùi Giáng điên cả. Có chăng, với ông, điên cũng là một cuộc chơi trong kiếp nhân sinh này.
Do tôi từng tiếp xúc với nhà thơ Bùi Giáng cả trước và sau năm 1975, đặc biệt có nhiều lúc ông tới Tòa soạn Báo CATP tìm anh em chúng tôi để xin tiền trả tiền xe xích lô. Lúc đó ông cứ xin 20.000 đồng cho một cuốc xích lô không biết khởi hành từ đâu, nhưng trạm “trung chuyển” là tòa soạn Báo CATP. Có những lúc tôi gặp ông bên ngoài Tòa soạn báo, ở quán cà phê của nhà thơ Huy Tưởng nằm trên đường Bà Lê Chân gần chợ Tân Định Q1. Rồi sau này trước khi ông mất tôi có thời gian ngắn làm việc với chị Kim Cương, có hỏi về ông và có nghe chị Kim Cương kể về mối quan hệ giữa chị và Bùi Giáng. Chị Kim Cương kể không nhiều, nhưng lại là những tư liệu xác thực chứ không như giai thoại, lời đồn, hoặc thêu dệt.
Tôi quyết định đăng bài Ghi chép này, có hiệu đính, bổ sung từ nhiều nguồn tư liệu về Bùi Giáng. Bài viết tương đối dài, trên 10.000 chữ, nên được chia ra nhiều kỳ. Bài viết coi như một cách nhìn tổng quan về Bùi Giáng, và cũng coi như góp thêm một cái nhìn về “Trung niên thi sĩ Bùi Giáng Búi” đã được nhiều thế hệ yêu mến, trong đó có tôi về sự tài hoa rất mực và tính cách điên rất văn nghệ của ông. Và cũng là một kỷ niệm đáng nhớ về một người đã khuất).
Tổng quan về Bùi Giáng
Ở miền Nam trước năm 1975, Bùi Giáng là một hiện tượng của giới văn nghệ Sài Gòn. Ông là một nhà thơ điên, điều nay ai cũng biết. Nhưng điên kiểu Bùi Giáng thì thuộc dạng xưa nay hiếm, bởi ông điên rất thi sĩ và Bùi Giáng thi sĩ là một “ngôi sao” trong trường phái điên mà chỉ có ông đứng riêng một góc trời. Bùi Giáng không tốt nghiệp đại học nhưng lại làm “giáo sư” dạy học một thời gian, là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và nhất là làm thơ.
Bùi Giáng dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trên thế giới, viết khảo luận đông tây kim cổ và đặc biệt là làm thơ nhanh như chớp bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào. Hầu hết thơ của ông là thơ… tán gái, mà toàn là gái đẹp bởi Bùi Giáng yêu toàn những mỹ nhân trong nước và trên thế giới. Tình yêu của Bùi Giáng cũng rất lạ lùng, yêu trong mộng tưởng, cứ việc thấy người đẹp là yêu, yêu điên cuồng, làm thơ tặng điên cuồng không cần biết mỹ nhân đó có đáp lại tình yêu của mình không.
Chính vì cuộc đời kỳ lạ của Bùi Giáng mà quanh ông có rất nhiều huyền thoại, nhất là huyền thoại yêu đương. Và cũng chính vì tình yêu lạ kỳ đối với phụ nữ mà Bùi Giáng là một người đàn ông vô cùng hạnh phúc trong tình yêu. Ông không bao giờ biết đau khổ khi yêu từ lúc sinh ra cho tới khi nhắm mắt về bên kia thế giới. Và ở đó có thể gọi là “cõi khác” của Bùi Giáng, chính nơi đó ông sẽ còn tiếp tục cuộc rong chơi và yêu đương bất tận.
Tuổi thơ kỳ lạ
Nếu tính theo gia phả, Bùi Giáng thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi sinh ra trên đất Quảng Nam vốn nổi tiếng từ lâu bởi hai câu thơ thuộc hàng “đặc sản”:
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say…
Thân sinh của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, mẹ Bùi Giáng là bà Huỳnh Thị Kiền, bà không phải chính thất mà là thứ thất do bà vợ cả của ông Bùi Thuyên mất sớm nên cưới bà Huỳnh Thị Kiền làm vợ kế. Bùi Giáng là con trai thứ của ông bà Bùi Thuyên nhưng tính theo thứ thứ tự anh em trong “đại gia đình” thì Bùi Giáng thứ sáu nên gọi theo kiểu Nam Bộ khi Bùi Giáng đã vào Sài Gòn thì ông là… Sáu Giáng. Chính Bùi Giáng cũng rất thích tên gọi đặc sệt Nam Bộ này khi anh em trong giới văn nghệ Sài Gòn thời đó gọi để trêu đùa ông.
Trong một đêm ngồi đánh xì phé ở nhà vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức – Bé Ký gồm có 5 “tay”: Tôi, Cung Tích Biền, Nguyễn Hữu Hiệu (Đại đức Thích Chơn Pháp), Huy Tưởng, Bùi Giáng, Hồ Thành Đức, anh em thấy Bùi Giáng cầm bài trên tay hoài không chịu “đi” đã giục: “Anh Sáu Giáng, tới anh rồi, có theo hay bỏ?”, Bùi Giáng cười móm mém: “Tụi bây đi tiền nhiều rứa tau theo sao nổi?”. Và nhiều lần Bùi Giáng cũng tự xưng mình là Sáu Giáng, cụ thể có bài thơ Bùi Giáng đã viết:
Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?
Và cô có phải cô Bông năm nào
Anh còn nhớ rõ, ôi chao
Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh
Anh điên mà dzui dzẻ thập thành
Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu!
Sáu Giáng sinh ngày 17-12-1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam. Ở bậc tiểu học Sáu Giáng học Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Hết bậc tiểu học, Sáu Giáng ra Huế học bậc trung học ở Trường Trung học Thuận Hóa. Chưa hết bậc trung học thì chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, lan tới Việt Nam. Lợi dụng cơ hội Nhật hất cẳng Pháp, rồi đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử, Bùi Giáng tiếp tục học lại và lấy được bằng Thành Chung.
Thi sĩ chăn bò
Sáu Giáng cưới vợ rất sớm vào năm 1944, khi đó ông mới 18 tuổi. Vợ ông là bà Phạm Thị Ninh, nổi tiếng xinh đẹp trong vùng nhưng chẳng may bị bạo bệnh và khi mang thai lại sinh non nên cả hai mẹ con đều thiệt mạng. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến con người có máu điên từ nhỏ như Bùi Giáng bùng phát thành những cơn điên khi tuổi ông còn rất trẻ. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Bùi Giáng bỏ học theo kháng chiến, năm 1950 Liên khu V tổ chức kỳ thi tú tài đặc biệt, Bùi Giáng đi thi và đậu Tú tài 2 văn chương. Sau đó Bùi Giáng đi bộ ròng rã một tháng rưỡi theo đường mòn trên núi qua Liên khu IV tới Hà Tĩnh để tiếp tục vào đại học.
Nhưng ông lại bỏ ngang trong ngày khai giảng để trở về quê ở Quảng Nam… chăn bò, rong rủi theo đàn bò khắp các vùng đồi núi Trung Phước suốt 2 năm trời và làm thơ. Trong giai đoạn này Bùi Giáng làm rất nhiều thơ, trong đó có bài “Nỗi lòng Tô Vũ”. Có lẽ Bùi Giáng tự ví mình như ông Tô Vũ ngày xưa chăn dê 15 năm trên núi nên ông nhìn những con bò thành những con dê mà toàn là dê cái rồi làm thơ để… ca ngợi hết lời, hết tình.
Bài “Nỗi lòng Tô Vũ” dài tới 60 câu, được cho là bài thơ hay nhất trong thời kỳ chăn bò của Sáu Giáng (1950-1952) thời kỳ rất mực lãng mạn của nhà thơ họ Bùi vì hầu như ông chỉ sống với những đồi sim trái chín, đàn bò mà ông cho là… đàn dê, và lũ chuồn chuồn châu chấu luôn lượn lờ trong sương, trong mây ngay chỗ ông nằm khễnh vê râu ngắm trời, ngắm đất. Sau này bài thơ “Nỗi lòng Tô Vũ” được in trong tập thơ Mưa Nguồn, tập thơ ghi dấu ấn trong hàng loạt những tác phẩm đồ sộ của Bùi Giáng về sau này với NXB An Tiêm.
Anh Sáu Giáng đã ca ngợi những con bò biến thành những “em” dê và trân trọng trao tặng các “nàng” những chiếc vòng mây đủ sắc màu để làm vật trang sức, kỷ niệm tình yêu rất hư không, rất mộng tưởng của một anh chàng cực kỳ lãng mạn như sau:
Này em Đen chiếc vòng vàng tươi thắm
Này em Vàng chiếc vòng trắng há mờ đâu
Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
Này đây em Hoa Cà hỡi! chiếc nâu!
Những chiếc vòng cầu hôn cho các “em” dê này không phải là vòng tưởng tượng mà Bùi Giáng đích thân đeo vào cổ cho các “em” như gửi vào đó cả lời ước thệ, thề nguyền trăm năm. Không phải lời khuôn sáo mà toàn là lời như đinh đóng cột:
Ngẩng đầu lên, dê ơi anh thong thả
Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
Ngẩng đầu lên, đây lòng anh vàng đá
Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên
Và giờ đây một lời thề đã thốt
Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta
Cao lời ca bê hê em cùng thốt
Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha.
Bùi Giáng trong cơn điên tình yêu mộng tưởng đã nhân cách hóa những “em” dê thành những cô gái, những người phụ nữ nào đó mà ông đã yêu bằng một tình yêu say đắm, thiết tha. Trong trí tưởng tượng của ông (Bùi Giáng luôn nghĩ là thật), tình yêu không chỉ đẹp nồng nàn, chan chứa niềm vui hạnh phúc mà luôn báo hiệu sự chia lìa, nghẹn ngào nước mắt. Những câu thơ của Bùi Giáng gửi vào chiếc vòng cầu hôn thật buồn, đọc mà nghe rưng rưng:
Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ
Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi
Trao người em trăm năm lời ước thệ
Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi
Em nhớ hay không lời hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nơi đầu buông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa!
Sau khi chán chuyện theo đàn bò ngao du sơn thủy, vào năm 1952 Bùi Giáng ra Huế học để thi lấy bằng “tú tài tương đương”, với mục đích vào Sài Gòn ghi danh học đại học Văn Khoa. Nhưng khi tới trường dò xem danh sách những giáo sư sẽ dạy mình Bùi Giáng liền bỏ ngang không thèm học. Từ đó ông không bao giờ đi thi nữa mà tự học. 
Bút lực kinh khủng của Bùi Giáng 
Sau khi chán chuyện theo đàn bò ngao du sơn thủy, vào năm 1952 Bùi Giáng ra Huế học để thi lấy bằng “tú tài tương đương”, với mục đích vào Sài Gòn ghi danh học đại học Văn Khoa. Nhưng khi tới trường dò xem danh sách những giáo sư sẽ dạy mình Bùi Giáng liền bỏ ngang không thèm học. Từ đó ông không bao giờ đi thi nữa mà tự học. Bùi Giáng học rất giỏi, tư chất thông minh. Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức… nghiên cứu sâu những tư tưởng triết học của Jean Paul Sartre, Heidegger, Nietzche, Camus…
Những tác giả văn học lừng lẫy: Henry Miller, Somerset Maugham, Simone de Beauvoire, Sagan St Exup éry, André Gide, Gérard de Nerval, René Char. Simone Weil, Wall Whitman…kể cả những “ông thầy” triết học Đông Phương như: Khổng Tử, Lão Tử và các đạo giáo: Phật, Thiên Chúa…rồi Nguyễn Du, Huy Cận…Và cũng có lẽ vì đọc nhiều, nghiên cứu nhiều những tư tưởng, triết học Đông, Tây, Kim, Cổ mà không “dẫn lưu” được nên Bùi Giáng giống như một cao thủ võ lâm trong truyện kiếm hiệp Kim Dung không đả thông được kinh mạch nên đã bị… tẩu hỏa nhập ma.
Nhưng rồi Bùi Giáng đã tự giải tỏa “xung lực” của mình bằng ngòi bút, ông không chỉ làm thơ mà còn viết biên khảo, dịch thuật, trước tác, phê bình… Thời kỳ đầu để có tiền in tác phẩm Bùi Giáng đã bán hết đất đai, ruộng vườn được thừa kế để in sách, về sau một nhà sư có máu văn nghệ chủ trương NXB An Tiêm, một nhà xuất bản nổi tiếng, nghiêm túc, in rất đẹp những tác phẩm mà ông yêu thích, đó là thầy Thanh Tuệ. Thầy Thanh Tuệ rất “mê” Bùi Giáng nên ưu tiên in sách của ông. Riêng về tác phẩm nghiên cứu, từ năm 1957, Bùi Giáng đã in những tập khảo luận về Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Chinh Phụ Ngâm…
Từ năm 1962, sách của Bùi Giáng in và phát hành liên tục, có tháng ra đến 4-5 đầu sách mà cuốn nào cũng dày cộm cỡ 2, 3 trăm trang trở lên. Thơ thì Bùi Giáng có trên ngàn bài, tập trung in thành tác phẩm vào thời kỳ đầu là những cuốn: Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột… Sách dịch thuật, trước tác của Bùi Giáng rất nhiều không thể kể hết, có thể nói không ngoa, tác phẩm các loại của Bùi Giáng nếu sưu tập đầy đủ có thể chất thành đống cao cả thước, chiếm kỷ lục so với các tác giả khác ở Sài Gòn và cả miền Nam lúc đó.
Nhưng sách của Bùi Giáng không phải dễ đọc. Ai đọc sách của Bùi Giáng phải đọc chậm, nghiền ngẫm từng câu chữ, có cuốn đọc dễ hiểu, có cuốn đọc… hiểu chết liền! Bởi giữa những câu chữ tính chất giả thực lẫn lộn. Mới thực đó rồi hư đó, mới nghiêm túc câu trên, câu dưới đã cợt đùa. Mới ý ở trên vô cùng nghiêm túc thì ngay đó ý ở dưới đã… xiêu lạc muôn nơi. Ngay thơ của Bùi Giáng cũng thế, từ ngữ của ông biến hóa khôn lường, có lúc như thuận miệng nói ra, nhưng có lúc rất bác học, thâm sâu triết lý. Trong triết lý của Bùi Giáng lại có lúc đạo, có lúc đời. Đọc thơ của Bùi Giáng rất vui, nhưng ngẫm lại nó rất buồn, buồn đến cay đắng.
Để có cả một kho tàng tác phẩm như thế Bùi Giáng đã viết lúc nào, trong khi ông thường dành hết thời gian của một ngày để rong chơi cho những cuộc điên tưởng chừng bất tận? Đây là một điểm rất bí ẩn về Bùi Giáng mà cho đến nay chưa có lời giải, kể cả những người gần gũi nhất với ông. Bởi hàng ngày Bùi Giáng đều ở ngoài đường với “phục trang” cái bang suốt bốn mùa là bộ quần áo vá chằm vá đụp bằng đủ thứ mảnh vải màu khác nhau mà ông nhặt ra từ đâu đó, chân mang đôi dép không thể gọi là dép. Nhưng thường xuyên ông chân trần, bước lang thang trên mặt đường phố, đầu đội chiếc mũ vải cũ, nhàu nát, cáu bẩn. Quanh mình ông toàn những lon sữa bò, giắt đủ thứ nhặt được trên đường và một bầy chó con ủng oẳng trong mấy cái túi.
Ông vừa đi vừa la hét, múa may, trêu chọc bất cứ cô gái nào và theo sau là một đám trẻ con hò reo, tán thưởng những trò điên ông diễn. Gặp bạn bè hoặc khi trong túi có tiền thì Bùi Giáng tắp vô quán cóc nhậu, thường là rượu đế. Khi say bí tỉ Bùi Giáng mới về chùa hoặc nhà bạn bè thân thích nằm lăn ra ngủ trên nền gạch, thường thì Bùi Giáng về nhà Nguyễn Thùy, một nhà giáo rất nghiêm túc, rất hâm mộ và rất thương Bùi Giáng và chính là người chịu đựng những cơn điên lẫn chuyện thị phi của Bùi Giáng nhiều nhất mà không một lời than phiền, oán trách. Trái lại anh rất vui khi có mặt Bùi Giáng trong nhà mình hay khi đồng hành cùng ông trong những cơn điên đi rong chơi khắp các nẻo đường thành phố.
Thầy Thanh Tuệ, Giám đốc NXB An Tiêm người in sách của Bùi Giáng liên tục, có cuốn in ngày in đêm cũng không hiểu Bùi Giáng viết lúc nào mà nhanh một cách khủng khiếp. Chỉ cần nói đề tài, đặt sách là vài hôm Bùi Giáng xách bản thảo tới, thường đựng trong bịch nylon, cả mấy trăm trang, thầy Thanh Tuệ cứ thế mà đưa thợ sắp chữ, in chứ không kịp đọc. Có cuốn nói hôm trước, hôm sau Bùi Giáng mang bản thảo tới liền, thầy Thanh Tuệ phải thú thật rằng, với tốc độ viết của Bùi Giáng, NXB An Tiêm in không kịp. Thế nhưng nhiều người gặp Bùi Giáng thắc mắc hỏi ông viết lúc nào, ngồi ở đâu viết mà tốc độ nhanh khủng khiếp thế thì ông chỉ cười móm mém, đôi mắt sáng quắc sau tròng kính cận hấp háy nói rặc giọng Quảng Nam: “vui thôi mà”.
Đúng là anh Sáu Giáng không có gì làm quan trọng, ông coi mọi thứ trên đời này như một trò vui, viết lách đối với ông cũng thế. Nhưng cái phút “vui thôi mà” của Bùi Giáng đã khiến giới văn nghệ ở miền Nam lúc đó hết sức nể phục không phải chỉ vì tài năng mà còn cả với bút lực như nước chảy hoa rơi của ông. Điển hình là năm 1992, chỉ trong một đêm, Bùi Giáng đã làm xong cả một tập thơ tựa là :”Mười hai con mắt”.
Ông thầy giảng Truyện Kiều quái chiêu
Ngoài chuyện viết lách, khi chưa điên “dữ dội”, Bùi Giáng có thời gian đi dạy học. Hồi đó, trường trung học tư thục mở ra rất nhiều và thầy giáo dạy học sinh bậc trung học thường được gọi là giáo sư. Bùi Giáng với tên tuổi của mình được một số trường trung học tư thục mời về dạy Việt Văn, một môn khá quan trọng. Một lần khi giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du tới đoạn Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến lừa, phải chết đứng giữa trận chiến khốc liệt, Bùi Giáng xót thương cho Từ Hải, oán giận Hồ Tôn Hiến là tên gian ác, ông… nhập vai luôn trên bục giảng đập bàn, xô ghế, la hét rồi khóc rống lên giữa lớp khiến học sinh ngạc nhiên mới đầu tưởng “thầy” xúc động không kìm chế được cảm xúc trong lúc giảng bài.
Khi cả lớp thấy “thầy” bị kích động thật sự nằm gục xuống bàn giáo viên khóc như mưa thì hoảng hồn chạy báo cho Ban Giám hiệu biết. Không chỉ học sinh mà BGH nhà trường cũng không thể giải thích tại sao “thầy” Sáu Giáng lại bị xúc động đến như thế, nhưng chắc chắn để một ông thầy nhiều cảm xúc bất ngờ như vậy tiếp tục giảng Kiều thì không biết chuyện gì sẽ còn xảy ra nữa nên hôm sau nhà trường mời thầy Sáu Giáng nghỉ cho khỏe.
Một lần khác, cũng ở một trường trung học tư thục tỉnh lẻ, Bùi Giáng đang giảng Kiều, tới đoạn Kiều phải bán mình chuộc cha rồi 10 năm lưu lạc, có lúc phải ở lầu xanh. Bùi Giáng quá xót thương cho số phận truân chuyên của nàng Kiều ông lại khóc giữa lớp học. Bùi Giáng khóc thương cho số phận người đẹp lâm vào cảnh đoạn trường rồi oán giận thói đời đen bạc, những kẻ dã tâm đưa nàng Kiều mà ông hết mực thương yêu, quý trọng, hết lời ca ngợi nên đập bàn, xô ghế và bị kích động đến nỗi ông phải… nhảy ra cửa sổ lớp học, chạy tốc hành ra bến xe đò về Sài Gòn luôn không dạy học nữa. Cả lớp học nhốn nháo chờ mãi không thấy thầy trở vào nên đổ xô đi tìm. Nhưng thầy Bùi Giáng đã không bao giờ trở lại.
Bùi Giáng là một nhà thơ điên trong cõi điên dài như trường giang xuôi chảy về nơi bất tận, trên dòng trường giang điên đó, ông có những phân khúc điên và những phân khúc tỉnh. Nhưng đặc biệt, do Bùi Giáng làm chủ được “cõi điên” của mình nên không ai biết được lúc nào ông tỉnh, lúc nào ông điên. Có lẽ chỉ có Bùi Giáng mới biết mình điên hay tỉnh mà thôi. Đọc thơ của Bùi Giáng, hầu hết đều thấy ông làm thơ tình yêu và bài nào cũng có câu điên, câu tỉnh, câu tỉnh thì bình thường nhưng câu điên thì vô cùng sáng tạo và đẹp, lung linh một cách kỳ dị:
Có hàng cây đứng ngóng thu
Em đi mất hút như mù sa bay
Hay:
Đùa với gió, rỡn với vân
Một mình nhớ mãi gái trần gian xa
Sương buổi sớm, nắng chiều tà
Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu?
Hoặc:
Rêu trời phủ xuống hiên xanh
Một bờ chim én xây thành sang thu
Sương Hy Lạp phương lên mù
Ba mươi thế kỷ cầm dù dưới mưa
Đầu sông nước gọi cây mùa
Gốc du sung đẩy sông đùa phăng trôi
Cảnh nguyên thủy mọc xa trời
Chùm xuân xanh thổi lại đời lang thang…
Từ khi nhà bị cháy, tất cả tác phẩm, sách vở bị thiêu rụi Bùi Giáng hầu như sống lang thang ngoài đường hoặc tá túc ở chùa. Ông thường trú ngụ tại chùa Long Vân ở Gò Vấp và có thời gian gần như sống hẳn ở nhà của nhà giáo Nguyễn Thùy đồng hương Quảng Nam, cũng là một nhà văn, nhà thơ yêu mến tài của Bùi Giáng.
BÁC SĨ BỆNH VIỆN BIÊN HÒA CŨNG BÓ TAY
Năm 1969, Bùi Giáng bị một cú sốc lớn về tinh thần khiến cho ông điên nặng hơn. Đó là một trận cháy nhà làm cả “kho tác phẩm” của ông cháy sạch. Sau đó là khoảng thời gian ông vào dưỡng trí viện Biên Hòa điều trị, nhưng người điên như Bùi Giáng thì làm sao mà trị? Bởi thế nên các bác sĩ cũng bó tay, nhưng ngược lại đã rất thích ông nhà thơ điên điên này. Cuối cùng thì Bùi Giáng là người điên hầu như được mọi người… chấp nhận vì ông thuộc dạng điên hiền, không làm hại ai, chỉ thích trêu đùa và rong chơi trong “cõi điên” của mình.
Trong “cõi điên” này, ông tự đặt cho mình những cái tên như: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ đười ươi, Brigite Giáng, Giáng Monroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ… ai cũng biết đây là những cái tên bông đùa, bỡn cợt nhưng lại rất “đặc sản” giống như những cơn điên “không giống ai” của Bùi Giáng. Đó là một người điên văn nghệ, dễ thương nhất trần gian Việt Nam.
Từ khi nhà bị cháy, tất cả tác phẩm, sách vở bị thiêu rụi Bùi Giáng hầu như sống lang thang ngoài đường hoặc tá túc ở chùa. Ông thường trú ngụ tại chùa Long Vân ở Gò Vấp và có thời gian gần như sống hẳn ở nhà của nhà giáo Nguyễn Thùy đồng hương Quảng Nam, cũng là một nhà văn, nhà thơ yêu mến tài của Bùi Giáng. Trong số những bạn bè, thân thích của Bùi Giáng, có lẽ Nguyễn Thùy là người gần gũi với ông nhất, chịu đựng những cơn điên của Bùi Giáng nhiều nhất và anh lấy đó làm niềm vui, hạnh phúc chứ không một tiếng phàn nàn. Và cũng chính từ Nguyễn Thùy, mọi người yêu mến ông mới biết thêm được những mẫu chuyện thật về Bùi Giáng bên cạnh những giai thoại ly kỳ về ông.
Anh Nguyễn Thùy là một nhà giáo mẫu mực, một người cầm bút nghiêm túc và là một người yêu quý Bùi Giáng thật sự nên những gì anh tiết lộ về Bùi Giáng có thể tin tưởng, còn nhiều giai thoại về Bùi Giáng có lẽ chỉ nên tham khảo hoặc xem như những phần ”minh họa” thú vị cho cuộc đời ly kỳ của Bùi Giáng mà thôi. Và giai thoại sau đây là một ví dụ.
BÙI GIÁNG CHỌC GHẸO THU BỒN
Có giai thoại kể rằng, một lần nọ ở quán cà phê của nhà thơ Huy Tưởng nằm trên đường Bà Lê Chân gần chợ Tân Định kế bên một cái đình. Cái quán nhỏ tí, bày vài ba cái bàn, có bàn kê luôn ngoài lề đường nhưng “tao nhân, mặc khách”, “nam thanh nữ tú” nói chung là giới văn nghệ thường tới “ngồi đồng” vừa uống cà phê vừa nhìn thiên hạ qua lại, tán dóc. Nơi ấy Bùi Giáng cũng thường tới ngồi đồng.
Một hôm Bùi Giáng ngồi một mình ở bàn phía ngoài, nhà thơ Thu Bồn và một cô gái tên Thu Ba ngồi phía trong, nhưng quán nhỏ bằng bụm tay nên cô Thu Ba “tán” Thu Bồn ra sao, Bùi Giáng ngồi ngoài nghe tất. Thu Ba tán Thu Bồn rằng:
– Anh là nhà thơ lớn, tất cả mọi người trong giới đều hâm mộ. Anh vào Nam tôi nghĩ nghĩ anh có thể dạy cho người miền Nam biết làm thơ chứ lâu nay thơ ca miền Nam chẳng ra gì. Có Bùi Giáng khả dĩ được chút xíu, nhưng xem ra cũng chẳng đáng giá gì mấy nếu so với anh.
Bùi Giáng ngồi ngoài nghe tức khí, liền làm mấy câu thơ cấp tốc rồi khúm núm đi vào gặp Thu Bồn nhỏ nhẹ nói:
– Thưa anh, thưa cô, tôi là Bùi Giáng. Xin lỗi lúc nãy tôi có nghe cô nói anh là nhà thơ lớn miền Bắc, không ai sánh kịp. cô có bảo là miền Nam, thơ ca chẳng ra gì. Đúng vậy, tôi cũng thấy như thế. Nếu anh dạy cho người miền Nam làm thơ thì quý hóa quá. Lúc nãy cô có nhã ý nhắc đến tôi, thú thật thơ tôi cũng chẳng đáng gọi là thơ. Nhưng thói quen cứ muốn học đòi làm thơ nên lúc nãy, ngồi nhâm nhi chút cà phê có làm được hai câu mà không rõ có phải là thơ không, vì đọc lại chẳng có vần điệu gì cả. Xin anh và cô cho phép tôi đọc hai câu thơ đó và xin anh là nhà thơ lớn sửa hộ. Hai câu thơ thế này:
“Thu Ba ca ngợi Thu Bồn
Thu Bồn khoái chí sờ… Thu Ba”.
Đọc xong 2 câu thơ, Bùi Giáng tỉnh queo nói tiếp:
– Đúng là hai câu thơ nghe chẳng ra làm sao cả. Xin anh và cô vui lòng sửa hộ cho ăn vần Bùi Giàng Búi tôi xin muôn vàn cảm tạ, cảm tạ!
Sau khi không may gặp hỏa hoạn, không chỉ nhà bị cháy mà tất cả tác phẩm và sách vở tài liệu bị cháy sạch, Bùi Giáng lại thêm một cú sốc lớn khiến tâm hồn nhạy cảm của ông càng bị chấn động. Bùi Giáng càng điên hơn, ban ngày ông lang thang ngoài đường trong trang phục “cái bang” với mấy con chó nhỏ trong túi vải đeo lủng lẳng quanh mình. Cứ thế ông rong chơi khắp phố phường và trêu chọc thiên hạ, nhất là các cô gái đẹp. Có khi Bùi Giáng ra giữa đường làm… Cảnh sát Giao thông hướng dẫn cho xe cộ qua lại và ông tỏ ra rất thích thú với trò vui này.
Nhiều buổi tối Bùi Giáng say bí tỉ thường về tá túc mấy ngôi chùa hoặc nhà đứa cháu ở Gò Vấp, nhưng nhà một người bạn đồng hương Quảng Nam với ông: Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thùy là nơi Bùi Giáng thường ở lại sau những cuộc rong chơi, có khi tới mấy tháng trời nên Nguyễn Thùy rất gần gũi với Bùi Giáng trong sinh hoạt đời thường cũng như lúc Bùi Giáng “nhập” vào “cõi điên”.
Theo nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thùy, khi Bùi Giáng thuê nhà ở cạnh nhà vợ chồng anh thì Bùi Giáng hãy còn “chĩnh chạc” lắm, ý Nguyễn Thùy cho rằng Bùi Giáng chưa “nhập” vào “cõi điên”. Lúc đó Bùi Giáng còn đi dạy học ở trường Tân Thịnh và Tân Thanh do hai ông Phan Thuyết và Phan Út người cùng quê Quảng Nam có họ hàng xa gần với Bùi Giáng làm hiệu trưởng. Lúc đó dạy trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp đã được gọi là giáo sư, do đó giáo sư Bùi Giáng từ cách ăn mặc đến tác phong đều phải mẫu mực. Lúc này Bùi Giáng vừa dạy học để nuôi cô em gái, vừa viết khảo luận văn học, dịch sách, làm thơ và… vẽ tranh.
Bức tranh “Gửi đêm” của thi sĩ Bùi Giáng.
Tất nhiên tranh của Bùi Giáng vẽ có khi chính ông cũng không hiểu chứ đừng nói chi người xem tranh của ông. Theo Nguyễn Thùy thì tranh của Bùi Giáng anh xem… chẳng hiểu gì cả bởi Bùi Giáng vẽ tranh không thuộc trường phái nào và nội dung những bức tranh là minh họa các huyền thoại, thần thoại Hy Lạp. Thơ của Bùi Giáng trong giai đoạn này cũng chưa đến nỗi “điên” hoặc thỉnh thoảng chỉ “điên điên” chút đỉnh mà thôi.
Nhưng những cơn “điên điên” của Bùi Giáng thì đã biểu hiện. Ông thường rủ Nguyễn Thùy vào những cuộc rong chơi “vô tiền khoáng hậu”, đó là khi hai người chui vào những lùm cây um tùm trên đường Nguyễn Huỳnh Đức để… làm thơ. Bùi Giáng chui vào hết ngồi dưới gốc cây này tới gốc cây khác làm thơ cho đến khi trời tối mịt mà vẫn chưa chịu về. Ông viết đầy kín những trang giấy của một cuốn tập nhỏ, một vài lần bị kiến bu đến cắn, Bùi Giáng nhảy dựng lên, la hoảng: “Kiến cắn thơ tao, kiến cắn thơ tao”.
Nguyễn Thùy có một người bạn vẫn thường đến chơi, đó là nhà văn, học giả Nguyễn Đức Quỳnh, một hôm Nguyễn Thùy đi dạy, Nguyễn Đức Quỳnh đến chơi chỉ có vợ Nguyễn Thùy ở nhà, vợ Nguyễn Thùy mời Bùi Giáng qua ăn cơm với Nguyễn Đức Quỳnh cho vui, trong bữa cơm không biết Bùi Giáng và Nguyễn Đức Quỳnh bàn luận chuyện gì đã xảy ra tranh cãi nảy lửa giữa hai người, Bùi Giáng tức giận hất đổ hết thức ăn. Bùi Giáng không thích những học giả, các nhà phê bình và các giáo sư đại học. Trong cuốn khảo luận nhan đề “Con đường Ngã Ba” do NXB An Tiêm ấn hành năm 1972, Bùi Giáng gọi những vị này là “Những đạo thính đồ thuyết” tức là những kẻ “nghe ngoài đường và nói ngoài đường”, là “hoạt tinh thể của con người mạt hậu”, là những người “thông minh một cách thô thiển, vểnh tai ngoài đường và bi bô ăn nói ngoài đường để tàn phá mọi ngã ba đường của bước chân đi từ nội tâm nội mật”.
Theo Nguyễn Thùy thì “cái điên” của Bùi Giáng thật khó lòng phân tích, anh đọc hết các tập thơ, các sách ông viết nhất là các tập khảo luận “ Tư tưởng hiện đại” rồi liên hệ với lối sống kỳ cục của Bùi Giáng, là một người gắn bó, theo sát ông một thời gian dài, Nguyễn Thùy chí ít cũng lý giải được nguyên do đã khiến cho Bùi Giáng “điên điên”, nhưng ông cũng không dám cho ý nghĩ của mình là đúng. Nhưng có một điều Nguyễn Thùy khẳng định là Bùi Giáng có tấm lòng thương người, nhất là người già và trẻ con, Bùi Giáng cũng căm thù bạo lực, cực kỳ ghét thói man trá, giả hình, lật lọng của những kẻ tự cho mình là “trí thức”, “trưởng giả”… Theo Nguyễn Thùy thì Bùi Giáng là “Một vị Bồ Tát thị hiện giữa mạt thế ma cung, là một Bồ Tát bị đọa, vì chưa đoạn diệt được 4 tướng: Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng”.
Nói về thơ, Bùi Giáng có cả ngàn bài, trong số đó có những bài Bùi Giáng cố ý chọc ghẹo, bông đùa, cà rỡn nên có những câu thơ rất… “đơn giản như dang giỡn” kiểu Bùi Giáng mà sau này có nhiều “nhà thơ” cố ý bắt chước theo phong cách của Bùi Giáng nhưng thơ rởm, thơ nhái kiểu Bùi Giáng thì lộ ra ngay, bởi dù làm thơ thế nào, ngôn ngữ, phong cách thơ Bùi Giáng vẫn là một “đặc sản” không dễ dàng bắt chước, nhái giọng được. Vì thế nên có một giai thoại, trong bàn nhậu, dân nhậu thường đọc hai câu thơ: “Yêu em yêu quá chừng chừng. Bởi em có cái lạ lùng bên trong”. Và bảo rằng đây là hai câu thơ của Bùi Giáng, nhưng nhiều người, kể cả anh Nguyễn Thùy, người đọc Bùi Giáng gần như không sót một chữ thì cho rằng… chưa hề thấy hai câu thơ này trong bất cứ bài thơ nào, tập thơ nào của Bùi Giáng.
CÕI ĐIÊN CỦA BÙI GIÁNG
Khi vợ chồng Nguyễn Thùy dọn về một căn hộ ở chung cư Minh Mạng, Bùi Giáng cũng vẫn thường đến đây, có lúc ông ở lại hai tháng liền và chỉ có vợ chồng Nguyễn Thùy vì quý trọng tài năng của Bùi Giáng và là đồng hương nên mới “chịu đựng” nổi lối sống “điên điên” của ông mà thôi. Ban ngày Bùi Giáng ra khỏi nhà rất sớm với bộ quần áo “cái bang” lưu niên và ông “thiền hành” khắp mọi nẻo đường. Tối về, Bùi Giáng mặc nguyên bộ “cái bang” này lăn ra sàn nhà ngủ, hoặc đọc thơ, cười nói oang oang một mình suốt đêm khiến cho hàng xóm không ai chợp mắt được.
Một hôm Bùi Giáng xách về nhà Nguyễn Thùy một con mèo chết, trịnh trọng treo xác con mèo lên sợi dây kẽm phơi quần áo sau nhà Nguyễn Thùy không biết để làm gì. Vài ngày sau xác con mèo thối rửa, bốc mùi hôi thối “kinh thiên động địa” cả xóm không ai chịu nổi, Nguyễn Thùy năn nỉ Bùi Giáng quăng xác con mèo đi cho rảnh nợ, khỏi bị hàng xóm chửi nhưng Bùi Giáng cương quyết không chịu. Nguyễn Thùy đành đợi lúc Bùi Giáng ra khỏi nhà lén quăng xác con mèo, tưởng đâu lúc về Bùi Giáng sẽ nổi cơn tam bành, nhưng thật bất ngờ, Bùi Giáng chỉ lắc đầu rồi hồn nhiên khen Nguyễn Thùy: “Chú mày làm tốt lắm”, khiến Nguyễn Thùy chẳng biết tánh ý Bùi Giáng ra sao mà lường.
Từ năm 1975 trở về sau Bùi Giáng ít viết, nếu hôm nào không “thiền hành”, lang thang ngao du khắp chốn thì ngồi chơi dưới chân cầu thang chung cư Minh Mạng cùng mấy con chó nhỏ thả ra trong túi vải. Và khi “điên điên” ông lại ra đi, những lúc như thế Bùi Giáng lại rất vui, rất thích thú bước vào “cõi điên” của mình. Ngược lại, những khi không được “điên điên”, Bùi Giáng thường nằm mẹp ở nhà, chẳng mở miệng nửa lời, ông nằm liệt trên sàn nhà mấy ngày liền như một cái xác chết.
Nhưng rồi một hôm nào đó bất ngờ Bùi Giáng bật dậy, bắt đầu lại cuộc “thiền hành” thì ông như một người khác, nhảy múa, chọc ghẹo người qua đường, nhất là các cô gái khiến họ sợ phát khiếp. Nguyễn Thùy lại là người phải đi theo Bùi Giáng để “đỡ đòn”, năn nỉ không cho người ta đánh ông khi bị ông chọc ghẹo. Nhiều khi Nguyễn Thùy bị Bùi giáng chửi bới thậm tệ, bắt anh phải quỳ lạy những cô gái bán thuốc lá mà ông gọi là thánh nữ, tiên nương, Bồ Tát. Bùi Giáng còn thuyết phục Nguyễn Thùy bỏ dạy, bỏ hết công việc, bỏ cả gia đình để theo ông, đi vào “cõi điên” như ông mới có hạnh phúc, mới được thỏa chí bình sinh, mới thỏa sức vui đùa.
BÙI GIÁNG VÀ CÁC THÁNH CÔ SƠ NGỘ HỒNG TRẦN
Nguyễn Thùy có cô người yêu là sinh viên Đại học Sư phạm ban Anh Văn rất quý trọng Bùi Giáng, cô này thường đi theo Bùi Giáng uống cà phê, quàng vai ông rất thân thiết khiến Bùi Giáng rất vui. Năm 1976, cô TV đang học năm cuối Đại học Vạn Hạnh, Bùi Giáng thường đến cổng trường đứng dưới đường gọi với lên: “Bồ Tát Thanh Vân ơi bỏ học đi xuống đây đi uống cà phê với tôi vui hơn, mấy ông GS rởm ấy mà dạy cô sao được, cô phải dạy lại mấy ông đó chứ. Xuống đi uống cà phê với tôi, không có cô tôi uống cà phê một mình buồn lắm”.
Một buổi tối Nguyễn Thùy đi dạy học, cô TV đến chơi, lúc này có Bùi Giáng ở nhà, Bùi Giáng đưa mấy bài thơ tiếng Anh cho cô TV dịch, xem xong bản dịch, Bùi Giáng khen ngợi cô TV thông minh, dịch thơ rất tài tình rồi ông ngồi xuống bảo cô TV đặt chân lên đầu mình để tỏ ý cảm phục. Tất nhiên cô TV không dám, Bùi Giáng liền nâng chân cô TV tự đặt lên đầu và lảm nhảm những lời rất khó hiểu. Về sau bỗng có hai cô gái xách quần áo tới nhà Nguyễn Thùy trú ngụ, một cô dạy cấp 3, cô kia là sinh viên tên Hà. Một hôm Bùi Giáng tới trong bộ “cái bang” khiến hai cô hoảng vía, nhưng Bùi Giáng chỉ “điên điên” chứ không chọc phá nên hai cô yên tâm và biết ông “cái bang” này là nhà thơ Bùi Giáng mà hai cô nghe tiếng đã lâu nên hết sợ và đem lòng cảm mến. Cô Hà biết ngâm thơ, giọng ngâm rất truyền cảm mà còn chịu khó theo Bùi Giáng “thiền hành” và thường đi uống cà phê với Bùi Giáng nên ông rất vui, rất hạnh phúc. Và với cô gái nào Bùi Giáng cảm mến ông thường gọi là tiên nữ, hay Bồ Tát. Cô Hà cũng thế.
Thật vậy, Bùi Giáng đã vượt qua ngưỡng của một nhà thơ như tên thế gian thường gọi một người làm thơ, mà ông chính là một thi sĩ theo nghĩa phiêu bồng của từ này. Viết về Bùi Giáng thì người trong giới văn nghệ cũng như người ngoài văn nghệ đã viết nhiều và hình như khi viết về ông thì không có điểm dừng bởi lẽ chuyện về Bùi Tiên Sinh thì… mênh mông, bắt gặp bất cứ chỗ nào có hình bóng, râu tóc,mặt mũi, bộ “thời trang” rất Bùi Giàng Búi đang ngao du giữa đời, thong dong trên phố ghẹo chọc thế gian làm vui và chọc ghẹo các giai nhân, mỹ nữ qua đường hay mãi mãi là người yêu trong mộng để làm thơ chơi.
Nhưng cũng có nhiều người bắt gặp Bùi Giáng ở những góc cạnh và hình bóng khác. Nhưng càng suy nghĩ, càng viết, đào sâu đề tài Bùi Giáng thì rốt cục, đã mấy ai biết Bùi Giáng điên hay tỉnh?
Ai cũng biết Bùi Giáng yêu tất tần tật từ Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, kỳ nữ Kim Cương, hoa hậu Lambretta Thu Trang, các ni cô Trí Hải… cho đến Nam Phương hoàng hậu, rồi cả người đẹp, tài tử nổi tiếng xinh đẹp, “bốc lửa” nước ngoài như Brigite Bardot, Marilyn Monroe. Với Nam Phương hoàng hậu thì Bùi Giáng yêu kiểu chiêm ngưỡng một trang Quốc sắc thiên hương, quý trọng họ như ông mô tả: “ …Nhưng tại sao từ cổ chí kim, chỉ riêng nhịp bước khoan thai của Nam Phương hoàng hậu là nhu mì, kiều diễm mà thôi?”.
BÙI GIÁNG DỊCH TRUYỆN KIẾM HIỆP
Cuộc đời và thơ của Bùi Giáng là một triền miên những sự kiện để người ta bàn cãi, tranh luận theo những cái nhìn, góc độ khác nhau và yêu thích, ghét bỏ cũng khác nhau. Nhưng có một điều ai cũng phải công nhận là Bùi Giáng rất vui, rất hồn nhiên làm thơ và “vào cuộc điên” như cách gọi của chính Bùi Giáng và nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, bác sĩ, học giả, phê bình, nhà khoa học, nghệ sĩ, người trí thức đến cả giới bình dân, lao động, ông đạp xích lô, anh chạy xe ôm, chị quét rác, nhặt ve chai và… dân nhậu lề đường, bờ kè, quán cà phê cóc, cà phê hộp, nhà hàng sang trọng đều biết. Và ở đâu đó, trong những trường hợp nào đó chợt nhớ tới, nhắc đến đã trở thành những câu chuyện, vui, những giai thoại độc đáo, thậm chí “không đụng hàng”. Nên có thể nói một cách không cường điệu là Bùi Giáng quá nổi tiếng không chỉ vì thơ mà là cả cuộc đời lẫn phong cách sống của ông. Nhưng Bùi Giáng không chỉ là một nhà thơ, mà còn là học giả, nghiên cứu, phê bình, dịch thuật các tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới mà đặc biệt là ông còn dịch cả… truyện chưởng của các tác giả “chuyên trị” truyện kiếm hiệp Hong Kong, Trung Quốc.
Ngày tôi làm ở nhật báo Sống của ông Chu Tử, không biết duyên cớ nào “nhà thơ điên” Bùi Giáng lại được mời dịch truyện kiếm hiệp và ông đã dịch “Kim kiếm điêu linh” của Ngọa Long Sinh đăng từng kỳ mỗi ngày theo dạng feuilleton (phơi-giơ-tông). Bùi Giáng dịch sách của các tác giả phương Tây thì không ai ngạc nhiên. Nhưng ông dịch truyện kiếm hiệp Tàu thì quá lạ, mà không biết ông dịch thật hay phịa ra vì nhân vật võ hiệp của ông thỉnh thoảng… làm thơ, ngâm thơ, nhất là nữ hiệp sĩ, nữ kiếm khách thì đều xinh đẹp và rất thơ mộng, hấp dẫn từ tán tỉnh, yêu đương đến… đánh nhau. Nhưng công nhận là Bùi Giáng dịch rất hay, không giống những dịch thuật gia truyện chưởng khác thời bấy giờ như Tiền phong Từ Khánh Phụng…
Ông Chu Tử là giáo sư, nhà văn, nhà báo còn có bút danh Kha Trấn Ác thủ mục phiếm luận “Ao thả vịt” trên nhật báo Sống, đồng thời là chủ nhiệm, chủ bút nhật báo Sống. Một hôm ông đi đánh xì phé về tạt ngang qua tòa soạn vào buổi tối lấy tờ báo mới in xong để sáng mai phát hành, thấy tôi trực ở tòa soạn kiểm tra bản in thử cuối cùng và canh kiểm duyệt của Bộ thông tin lúc đó có đục bỏ gì không rồi ký duyệt cho nhà in chạy máy, ông Chu Từ đã hỏi tôi:
– Bùi Giáng dịch truyện kiếm hiệp cậu đọc kiểm tra mà cậu có hiểu gì không?
– Nói thiệt với bác cháu không hiểu gì cả. Nhưng đọc thấy hay, thơ mộng lắm.
Ông Chu Tử chỉ cười rồi nói:
– Có khi chính do Bùi Giáng dịch chẳng ai hiểu mà bán được báo đấy.
Tôi cũng cười, phụ họa:
– Có thể bác nói đúng, dịch truyện kiếm hiệp cho nhân vật đánh nhau chí chóe, giữa rừng gươm biển giáo mà… ngâm thơ tán đào thì làm sao mà đánh võ, múa kiếm?
BÙI GIÁNG YÊU CÁC MỸ NHÂN TRONG MỘNG TƯỞNG
Ai cũng biết Bùi Giáng yêu tất tần tật từ Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, kỳ nữ Kim Cương, hoa hậu Lambretta Thu Trang, các ni cô Trí Hải… cho đến Nam Phương hoàng hậu, rồi cả người đẹp, tài tử nổi tiếng xinh đẹp, “bốc lửa” nước ngoài như Brigite Bardot, Marilyn Monroe. Với Nam Phương hoàng hậu thì Bùi Giáng yêu kiểu chiêm ngưỡng một trang Quốc sắc thiên hương, quý trọng họ như ông mô tả: “ …Nhưng tại sao từ cổ chí kim, chỉ riêng nhịp bước khoan thai của Nam Phương hoàng hậu là nhu mì, kiều diễm mà thôi?”.
Có nghĩa, ý Bùi Giáng nói là từ xưa tới nay không ai có tướng đi đẹp, quyến rũ mà nhu mì, yêu kiều, diễm lệ như Nam Phương hoàng hậu. Còn đối với ni cô Trí Hải thì Bùi Giáng yêu kiểu khác, cung kính gọi là “mẫu thân”, không đùa cợt. Có lẽ Bùi Giáng xem ni cô Trí Hải vừa đẹp, vừa thánh thiện như ni cô Nghi Lâm của phái Nga Mi trong truyện võ hiệp “Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung. Với Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Bùi Giáng yêu một cách khác, và đặc biệt với kỳ nữ Kim Cương thì vừa yêu, vừa thân mật, thậm chí đùa cợt mà nhiều lần Kim Cương… chịu không nổi nhưng không hề giận.
Một lần, Bùi Giáng đi ngang nhà Kim Cương vừa gọi tên, vừa la rùm trời khắp xóm: “Cô Kim Cương có ba cái…”. Kim Cương lúc đó đang có nhà, nghe Bùi Giáng la thế Kim Cương hết hồn liền mở cửa gọi Bùi Giáng quay lại, mời ông vào nhà:
– Anh Giáng, anh vào trong nhà Kim nói cái này…
Không đợi Bùi Giáng kịp bước vào nhà, Kim cương đã kéo tay ông lôi vào, mời ngồi ghế, uống nước rồi… năn nỉ:
– Anh Giáng ơi, Kim van anh, anh đừng nói thế nữa. Anh cứ oang oang như thế, bọn trẻ thấy Kim nơi đâu cũng réo như vậy Kim chịu sao nổi?
Bùi Giáng đã nghe ra, xin lỗi Kim Cương, hứa không “nói bậy vậy nữa” và ông vội uống 2 chén trà rồi ra đi. Nhưng Kim Cương là người mà Bùi Giáng “yêu quý” nhất, vì quá yêu quý nên ông mới dám trêu chọc, đùa giỡn. Và Kim Cương cũng rất quý ông nên không hề giận. Một hôm, nhà giáo Nguyễn Thùy, người bạn chí cốt và chịu đựng tính khí bất thường của Bùi Giáng nhất trong số bạn bè của ông đã nới với Kim Cương:
– Cô Kim, hay là cô lấy Bùi Giáng làm chồng đi. Biết đâu cô sẽ giúp anh Giáng bớt khùng và sẽ viết lách đàng hoàng, chĩnh chạc, dễ hiểu hơn? Nhưng Kim Cương cười ngất, đáp:
– Trời đất, anh Thùy ơi, anh Giáng ảnh sống kỳ cục lắm, với lại ảnh có yêu Kim đâu, ảnh chỉ thương mến thôi. Anh xem, anh Giáng chỉ ngồi nói chuyện chỉ 5-10 phút với Kim rồi chạy ra đường múa may chán rồi mới trở lại ngồi chơi. Ảnh không bao giờ chịu ngồi với Kim hay bất cứ cô nào được lâu đâu. Kim cũng muốn giúp ảnh nhiều nhưng ảnh có nhận đâu. Ảnh vẫn chứng nào tật nấy, thích đi lông bông, nhảy múa ngoài đường chọc lũ chó sủa um xùm mà thôi.
Còn với Brigite Bardot thì Bùi Giáng viết trong “Ngày tháng ngao du” như sau:
“Một hôm, Bregite Bardot chạy tới ôm chầm Bùi Giáng rồi bảo:
– Anh yêu ơi! Hôm nay em mới rõ là anh yêu em nhiều, thật nhiều hơn cả chị Monroe.
– Sao “nường” biết?
– Thì đây này, thư anh viết cho em dở ẹt, còn anh viết cho chị Monroe thì văn hoa, bay bướm không thể tả.
– Thư tôi viết cho cô dở ẹt, sao cô bảo tôi yêu cô nhiều hơn Monroe?
– “Huynh đài” còn giả vờ nữa, thư viết dở ẹt thì tình mới thật, mới chân thành, còn thư viết bay bướm thì chỉ là lời tán tỉnh chứ tình đâu có thật?”
BÙI GIÁNG VÀ KỲ NỮ KIM CƯƠNG
Nhưng có lẽ, những bóng hồng ngự trị trong tình yêu mộng tưởng của Bùi Giáng, nghệ sĩ Kim Cương mới là người mà Bùi Giáng yêu thương chí tình, sâu đậm nhất. Đối với Bùi Giáng, Kim Cương chiếm một vị trí đặc biệt gần như suốt cuộc đời trong “cõi điên” cũng như tới lúc chết. Hình ảnh Kim Cương hiện diện trong thơ Bùi Giáng rất nhiều, trong mắt Bùi Giáng Kim Cương là “đệ nhất mỹ nhân” và ông yêu Kim Cương bằng tình yêu kỳ lạ nhất cõi trần gian và đó là tình yêu bất tử.
Bùi Giáng và kỳ nữ Kim Cương.
Ngược lại Kim Cương không yêu Bùi Giáng, nhưng bà rất quý trọng ông, quý trọng “tình yêu đơn phương” mà Bùi Giáng dành cho bà. Nghệ sĩ Kim Cương hiện còn lưu giữ rất nhiều thơ Bùi Giáng làm tặng riêng cho bà và đối với Kim Cương đó là một “tài sản vô giá”. Kim Cương quen biết Bùi Giáng khi bà hãy còn rất trẻ, chỉ mới 19 tuổi, khi bà theo đoàn cải lương của bà Bảy Nam, cũng chính là thân mẫu của Kim Cương. Lúc đó Kim Cương rất thân thiết với chị Hạnh, vợ của anh Nguyễn Thùy nên đám cưới của Hạnh -Thùy tất nhiên có mặt của Kim Cương, còn Bùi Giáng chơi thân với Nguyễn Thùy và lẽ tất nhiên đám cưới của Thùy – Hạnh phải có mặt của Bùi Giáng.
Lúc đó Bùi Giáng còn đi dạy học, tác phong cũng ra vẻ nghiêm túc, mô phạm. Lần đầu gặp Kim Cương trong đám cưới Hạnh – Thùy, Bùi Giáng đã bị Kim Cương hớp hồn khi thấy cô “kỳ nữ” mặc áo dài lụa trắng mà theo mô tả của Bùi Giáng sau này là “Quanh người Kim Cương tỏa sáng ánh hào quang, giống như tiên nữ giáng trần”. Và Bùi Giáng đã yêu “cô tiên nữ Kim Cương” từ đó cho đến khi… chết.
Có lẽ Bùi Giáng thổ lộ tình yêu của ông với Kim Cương cho Nguyễn Thùy nghe, nên sau đám cưới Nguyễn Thùy bảo với Kim Cương rằng “có một ông giáo sư ái mộ chị lắm, muốn tới nhà thăm chị”. Kim Cương gật đầu: “Ừ, thì mời ổng tới”. Hóa ra ông giáo sư ấy là Bùi Giáng.
Nhà thơ Bùi Giáng nổi tiếng với những giai thoại về tình yêu của ông đối với các mỹ nhân. Ông rất mực yêu… Thúy Kiều trong “Đoạn trường Tân thanh” của Nguyễn Du tới những minh tinh màn bạc nổi tiếng thế giới như Maryline Monroe, Brigite Bardot, rồi Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, ca sĩ Hà Thanh, hoa hậu Thu Trang tới Kim Cương. Nhưng với Kim Cương, Bùi Giáng dành cho bà thứ tình yêu miên viễn nhất, tuy là tình yêu đơn phương, mộng tưởng, nhưng Bùi Giáng không chỉ “tôn vinh” bà là “tiên nữ”, “Bồ Tát” theo cái nhìn thánh thiện của một thi sĩ mà còn đưa hình ảnh Kim Cương vào thơ, văn nhất là thơ, để ca ngợi bằng thứ ngôn ngữ lạ lùng nhưng tuyệt đẹp.
BÙI GIÁNG “QUẬY” KIM CƯƠNG
Sau khi được Nguyễn Thùy chuyển lời của Kim Cương mời Bùi Giáng tới nhà, Bùi Giáng tới ngay, ăn mặc rất chỉnh tề, tác phong mô phạm ra vẻ một giáo sư hẳn hòi. Bùi Giáng lấy xe đạp chở Kim Cương đi chơi, vài lần như thế ông quyết định mở lời cầu hôn nhưng Kim Cương chỉ xem ông như một người bạn, người anh và có lẽ Kim Cương cũng tò mò trước một Bùi Giáng nổi tiếng về văn, thơ, dịch thuật và hơi có chút… bất bình thường sau vài lần tiếp xúc.
Thấy đeo đuổi Kim Cương mãi không xong, một hôm Bùi Giáng tới nhà nói một cách nghiêm túc:
– Thôi tôi biết rồi, cô không chịu ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô. Nhưng cô hứa sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé? Nó còn trẻ, rất đẹp trai mà học cũng rất giỏi!
Kim Cương trả lời dè dặt:
– Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Kim không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẳn tính.
Mục đích của Kim Cương là tìm kế hoãn binh nên chỉ trả lời thế thôi. Nhưng không ngờ Bùi Giáng liền dẫn đứa cháu tới nhà Kim Cương giới thiệu, cũng rất nghiêm túc như khi ông mở lời cầu hôn với bà. Lúc đó Kim Cương chỉ còn biết kêu trời, vì đứa cháu của Bùi Giáng chỉ là một… cậu bé 8 tuổi. Kể từ bữa đó Kim Cương biết ông “giáo sư” Đại học Văn Khoa vừa mới “ở Đức về” theo như lời Nguyễn Thùy giới thiệu là một người không được bình thường. Và cũng chính từ khi cầu hôn Kim Cương không được, những cơn “điên điên” của Bùi Giáng như ngày càng nặng hơn.
Khi Bùi Giáng bước vào cuộc “thiền hành” bất tận với bộ đồ “cái bang”, đi đâu thì đi, thế nào Bùi Giáng cũng phải ghé qua nhà Kim Cương không sáng thì chiều, không trưa thì tối, không cách ngày thì đôi bữa, có khi một tuần. Những lần như thế ông kêu réo, đập cửa, la hét và theo sau là lũ trẻ con làm ồn ào cả xóm khiến Kim Cương phải tránh mặt. Lúc đó Kim Cương đã có đứa con trai 5 tuổi tên là Toro, mỗi lần thấy Bùi Giáng xuất hiện cháu Toro hỏi Kim Cương:
– Mẹ ơi, sao bác gì ấy giống cái xe hoa quá đi.
Cũng bởi Bùi Giáng mặc bộ đồ “cái bang” vá víu tùm lum, toàn những mảnh vải nhiều màu sắc, rồi vai mang nào những hộp lon lủng lẳng, mấy lá cờ, nhánh cây dắt quanh người, vòng hoa đội trên đầu, mấy con chó nhỏ trong túi vải… nói chung Bùi Giáng khi “thiền hành” trong mắt người lớn đã có bộ dạng kỳ dị, trong mắt trẻ con như cháu Toro thì càng đặc biệt, vô cùng ấn tượng. Bà Bảy Nam, thân mẫu của Kim Cương mỗi lần nghe tiếng đập cửa ầm ầm, tiếng la hét dậy xóm thì không còn lấy làm lạ mà chỉ điềm nhiên hỏi Kim Cương:
– Bùi Giáng tới hả?
Nhưng Bùi Giáng “quậy” vẫn chưa sợ bằng Bùi Giáng xỉn. Nhiều lần Bùi Giáng say quắc cần câu tới nhà Kim Cương nằm ngay dưới gốc cây trước cổng “phè cánh nhạn” khiến Kim Cương sợ hết hồn vì tướng tá Bùi Giáng gầy nhom, phều phào không biết chết lúc nào, nhưng khiêng vô nhà thì càng sợ Bùi Giáng chết sẽ mang họa. Nhưng dù sợ thì sợ nhưng mỗi lần thấy Bùi Giáng như vậy Kim Cương lại thấy tội, không nỡ… Dù tỉnh hay say, mỗi khi Bùi Giáng tới nhà Kim cương ông đều làm thơ tặng bà tại chỗ, thơ tặng Kim Cương lúc nào cũng như có sẵn trong đầu Bùi Giáng, gặp bà thì nguồn thơ cứ trào ra, Bùi Giáng xé ngay tờ lịch, hay tiện tay lấy tờ giấy tập học sinh và viết ngay. Có lúc Kim Cương không mở cửa vì sợ ông “quậy” mà lấy vội cuốn sổ luồn qua khe cửa, Bùi Giáng lúi húi viết thơ tặng bà, xong lẳng lặng quay bước, trong lòng rất vui, ngoài mặt rạng rỡ, ngời ngời hạnh phúc, xem như ông vừa hoàn thành xong một sứ mạng cao cả.
Theo lời nghệ sĩ Kim Cương, trong suốt 40 năm kể từ ngày quen biết Bùi Giáng, bà đã sở hữu cả chục cuốn sổ tay, trang nào cũng đầy thủ bút của Bùi Giáng và những bài thơ ông làm tặng bà mà Bùi Giáng vẫn gọi một cách trịnh trọng là “nương tử Kim Cương”. Những cuốn sổ tay đầy ắp thơ của Bùi Giáng tặng Kim Cương khiến bà vô cùng cảm động, và đó là thứ tài sản vô giá mà bà luôn gìn giữ cẩn trọng ở một ngăn tủ riêng.
Và đây là một trong rất nhiều bài thơ Bùi Giáng làm tặng riêng “nương tử Kim Cương”:
“Kính thưa nương tử Kim Cương
Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay
Ngàn năm điêu đứng đọa đày
Thiên thu sử lịch cau mày về sau
Thưa em đời mộng dạt dào
Tình yêu vô tận yêu đào vô biên
Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay
Kể từ lịch sử xa xuôi
Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em
Lang thang vạn dặm độc hành
Cẩm nang bỏ cuộc đời mình trao em.”
BÙI GIÁNG GẶP HOẠN NẠN LÀ KIM CƯƠNG CÓ MẶT
Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc:
– Cô Kim, hay là cô lấy anh Giáng làm chồng đi, biết đâu cô sẽ giúp anh ta bớt khùng và viết lách đường hoàng, chĩnh chạc, dễ hiểu hơn?
Kim Cương nhìn Nguyễn Thùy cười ngất, bảo:
– Không được đâu anh Thùy ơi, anh Giáng sống kỳ cục lắm, không ai chịu nổi ảnh đâu. Với lại anh Giáng có yêu Kim đâu, ảnh chỉ thương mến Kim thôi.
Có thể Kim Cương đã nhận xét đúng về Bùi Giáng, không ai có thể biết Bùi Giáng yêu như thế nào, yêu thật hay giả bộ yêu? Bông đùa hay nghiêm túc? Mà có khi ngay chính Bùi giảng cũng không hiểu được tình yêu của mình như thế nào, bởi ông đã sống trong “cõi điên” thì làm sao lý giải được tình cảm của một người điên? Nhưng rõ ràng Kim Cương có một vị trí rất quan trọng trong tâm hồn và ý thức của Bùi Giáng. Suốt 40 năm bà vẫn tôn trọng tình yêu đơn phương của ông dành cho mình, ngược lại bà cũng là chỗ dựa tinh thần của Bùi Giáng trong những lúc ốm đau, hoạn nạn. Bởi Bùi Giáng thường đi lang thang ngoài đường, nhiều lúc ngẫu hứng làm “chim bay cò bay” ở một ngã tư đường để… điều khiển giao thông, hoặc có khi chọc phá người ta nên bị đánh, hoặc bị công an bắt. Những lúc ấy trong đầu của Bùi Giáng chỉ nhớ mỗi mình Kim Cương, địa chỉ nhà, số điện thoại của Kim Cương và Bùi Giáng bảo ông là người thân của Kim Cương. Thế là người ta gọi bà, lập tức bà có mặt để lãnh ông ra. Chuyện Kim Cương đi lãnh Bùi Giáng là chuyện… thường ngày ở huyện.
Như một lần nọ Bùi Giáng không hiểu sau đi “quậy” đám cưới, bị người nhà cô dâu, chú rể xúm lại đánh, Kim Cương hay tin cũng chạy đến năn nỉ người ta rồi đưa ông về. Một lần khác, Bùi Giáng chọc phá ngoài đường bị đánh mặt mũi đầy máu, thấy ông xuất hiện trước cửa nhà mình trong tình cảnh như vậy Kim Cương gọi xích lô chở ông đi bệnh viện cấp cứu nhưng ông không chịu đi, cứ nằng nặc nói:
– Chừng nào cô đi với tôi thì tôi mới đi.
– Ừ, thì đi!
Kim Cương đành phải gọi xích lô rồi cùng đi với Bùi Giáng vào bệnh viện, trên đường đi Bùi Giáng lại “quậy” tưng bừng, chửi bới văng mạng khiến Kim Cương kêu trời không thấu. Nhưng phải nói rằng Bùi Giáng “quậy” cỡ nào khi nghe nói có Kim Cương đến lập tức ông… hiền lành lại ngay, lúc này Kim Cương bảo gì ông cũng nghe, như một cậu học trò ngoan ngoãn, khép nép trước cô giáo. Kim Cương đối với Bùi Giáng quả có một thứ “uy lực” đặc biệt. Điều này cho thấy Bùi Giáng tuy rất hay chọc ghẹo, bông đùa Kim Cương nhưng vẫn dành cho bà sự trân trọng, vị nể.
Như một lần nọ, Bùi Giáng ngẫu hứng làm “chim bay cò bay” giữa đường để hướng dẫn giao thông, ai nói gì cũng không nghe, tình cờ có nhà báo Đoàn Thạch Hãn đi ngang qua thấy thế liền đến gần Bùi Giáng bảo:
– Kim Cương mời ông tới nhà chơi kìa.
Lập tức Bùi Giáng thôi làm “chim bay cò bay” để vội vã tới nhà Kim Cương. Khi Bùi Giáng tới, ngại cho ông vô nhà ông sẽ “quậy”, nên Kim Cương nhanh trí lòn qua khe cửa cho ông cuốn sổ tay. Bùi Giáng liền hý hoáy viết ngay bài thơ tặng Kim Cương:
“Yêu nhau từ bấy tới nay
Xiết bao tâm sự từ ngày qua đêm
Thưa em nương tử dịu mềm
Bốn mươi năm lẻ êm đềm vô biên
Đầu tiên tiên nữ Kim Cương
Cuối cùng muôn một phi thường Cương Kim
Cúi đầu bái tạ tình em
Về sau vĩnh viễn êm đềm thương nhau
Là thơ tiếp tục yêu em
Ồ Kim Cương ạ êm đềm vô song
Kể từ lịch kiếp long đong
Anh điêu tàn tới thong dong bây giờ…”
ĐÓA HOA HỒNG KHÔNG HÉO – Có một giai đoạn Bùi Giáng dường như ra khỏi “cõi điên” của ông mà hơi tỉnh tỉnh, đó là khoảng năm 1988-1992 khi ông về trú ngụ tại nhà người cháu tên Hoài ở Gò Vấp gọi Bùi Giáng bằng bác. Một lần nhà thơ Trụ Vũ ghé chơi với Bùi Giáng và nói đùa:
– Kim Cương hẹn ngày mai tới nhà thăm anh đấy.
Suốt đêm đó Bùi Giáng gần như không ngủ, sáng ra ông sốt ruột chờ “nương tử Kim Cương” tới thăm, đi tới, đi lui trông ngóng mãi mà không thấy, Bùi Giáng bực mình nói:
– Cái thằng Trụ Vũ ba xạo, chừng nào cổ lên thì lên, bày đặt nhắn nhe làm chi cho người ta chờ đợi sốt cả ruột.
Còn anh Hoài, cháu của Bùi Giáng tiết lộ chuyện Bùi Giáng mượn rượu giả bộ say để “nhõng nhẽo” với Kim Cương. Sáng hôm đó, cứ nghĩ là Kim Cương đến thật, Bùi giáng đã uống một tí rượu để giả bộ say đi đứng ngả nghiêng, nếu Kim Cương tới thăm thấy thế sẽ dìu đỡ ông cho… nó sướng. Chính vì Bùi Giáng giả say nên có lần đã say thật, một lần nọ biết Kim Cương tới thăm, Bùi Giáng cũng uống tí rượu để giả bộ say, nhưng trong khi chờ đợi Kim Cương ông uống mãi, uống đến lúc… say bí tỉ lăn ra ngủ khò thì Kim Cương đến. Thấy Bùi Giáng say quá Kim Cương bỏ ra về. Bùi Giáng cứ tiếc mãi.
Một lần khác, Kim Cương đến thăm Bùi Giáng và tặng cho ông một đóa hoa hồng, Bùi giáng rất vui. Khi Kim Cương về rồi ông hỏi anh Hoài:
– Làm sao giữ cho hoa hồng đừng héo bây hè!
– Không được đâu bác ơi, chỉ 3 ngày là nó héo khô thôi.
– Trời ơi, hoa của cô Kim Cương tặng phải giữ cho đừng héo chớ bây.
– Có cách.
– Cách chi?
– Bác trút ngược hoa xuống, nó sẽ tươi được vài tháng.
Bùi Giáng làm theo lời đứa cháu, đúng là đóa hoa tươi được vài tháng mới héo khô, Bùi Giáng nấn ná mãi mới chịu đem hoa vứt đi mà cứ tiếc rẻ mãi.
BÙI GIÁNG VỚI TÌNH YÊU TUYỆT ĐẸP
Thời gian qua nhanh, khi Bùi Giáng ở ngưỡng 60 tuổi, một lần ông tới nhà thăm Kim Cương nhìn bà bằng cặp mắt nheo nheo, thấy tội, Kim Cương dẫn ông đi mua cặp kính đeo cho nhìn thấy rõ. Độ tháng sau gặp lại, một bên tròng đã bị bể vì ông ra đường chọc ghẹo ai đó bị người ta đánh. Kim Cương lại thấy tội, bà nói:
– Kim mua cho anh cặp kính mới nghen?
Bùi Giáng lắc đầu nói tỉnh không:
– Thôi cô ơi, tôi nhìn đời bằng… một con mắt đủ rồi.
Suốt 40 năm Bùi Giáng yêu Kim Cương bằng tình yêu đơn phương nhưng bền bỉ không hề phai nhạt. Hình ảnh Kim Cương vẫn hiển hiện trong thơ Bùi Giáng một cách nồng nàn, thiết tha nhất, đối với Bùi Giáng dù Kim Cương ở tuổi 18-19, hay khi ở tuổi 60 cũng vẫn là “nương tử” và tình yêu ông đối với bà vẫn rất mực thủy chung.
Tình yêu ấy đã vượt qua ngưỡng tình yêu trai gái nên nó không có thời gian để dừng lại. Ngược lại, tuy không yêu Bùi Giáng nhưng Kim Cương vẫn tôn trọng mối tình lớn lao của Bùi Giáng dành cho mình. Kim Cương đối với Bùi Giáng như một người bạn, một người anh và đặc biệt hơn nữa là một nhà thơ đã dành cho bà rất nhiều sự ưu ái qua những bài thơ tuy có lúc “điên điên” nhưng lời lẽ vô cùng thâm thúy, tình nghĩa sâu nặng.
Những tưởng rằng mối tình kỳ lạ, bền bỉ này sẽ còn kéo dài cho đến hết một đời người. Nhưng bất ngờ Bùi Giáng bị tai nạn, ông té đến chấn thương sọ não và được gia đình người cháu đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Kim Cương là người đầu tiên được gia đình người cháu Bùi Giáng báo tin, bà có mặt ngay và cũng đóng vai trò quan trọng khi được hỏi ý kiến về việc mổ cho Bùi Giáng khi ông vẫn hôn mê. Kim Cương quyết định ngay: đồng ý để bác sĩ mổ cho ông dù chỉ còn 1% hy vọng sống sót. Và Bùi Giáng đã không qua khỏi. Ông mất ngày 17-10-1998, cũng chính Kim Cương là người lo hậu sự cho Bùi Giáng.
Trước khi chia lìa, vĩnh biệt nhà thơ “điên điên”, người đàn ông “quá đỗi bất thường” Bùi Giáng, người đã yêu mình bằng một tình yêu sâu đậm, thủy chung suốt 40 năm, nghệ sĩ Kim Cương đã dịu dàng nói trước huyệt mộ ông mấy lời chân tình, xúc động: “Thưa Bùi Giáng. Đời ông là một đời giang hồ, nhưng mọi người vẫn mến thương ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi. Riêng tôi có 3 điều cảm ơn ông: Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ cho đời. Thứ hai, cảm ơn mối tình 40 năm ông đã dành cho tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất. Thứ ba, cám ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống”.
Trong khoảng 10 cuốn sổ tay đầy ắp chữ nghĩa của Bùi Giáng để lại cõi trần gian cho Kim Cương, có một trang viết mà Bùi Giáng viết như một lời trăn trối, khiến Kim Cương nhớ mãi:
“Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương”.
Và hơn thế nữa, ông để lại cho Kim Cương một bài thơ vô cùng xúc động với lời lẽ tuyệt đẹp nhưng cũng rất mực thâm sâu:
Vô ngần tao ngộ đầu tiên
Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ.
MỘT TÀI NĂNG HIẾM CÓ
Tôi không dám nói Bùi Giáng là một thiên tài, bởi lẽ điều này nên để cho hậu thế đánh giá, nhưng cá nhân tôi cũng tạm gọi là người viết lách, có chút chữ nghĩa, tôi có thể khẳng định rằng ông là một tài năng hiếm có, một hiện tượng kỳ lạ bậc nhất của thi ca và văn học cả nước. Nếu văn học có “chiếu” thì Bùi Giáng ắt sẽ ngồi ở một “chiếu” riêng và nếu thi ca có một bầu trời thì Bùi Giáng sẽ là một ngôi sao lấp lánh ở riêng một góc trời.
Đến hôm nay và mãi sau này chắc sẽ còn nhiều nghiên cứu, khảo luận, tìm hiểu về hiện tượng Bùi Giáng. Nhưng tôi nghĩ rằng đừng ai mất công giải thích rằng Bùi Giáng điên hay tỉnh, giải thích như thế là vô ích và không có ý nghĩa gì với bản thân Bùi Giáng vì ông đã cho cõi điên là cõi thật cũng như cõi thật là cõi mà ông ngao du với những cuộc điên mang tính chủ động của một tâm hồn quá nhạy cảm với cõi trần tục mà nếu ông không “điên” mới là chuyện lạ.
Cũng đừng ai thắc mắc tại sao Bùi Giáng yêu điên cuồng những mỹ nhân đến thế, yêu một mình, chủ động yêu mà không cần đáp lại, không cần biết “đối tác” có yêu mình không bởi lẽ đó là thứ tình yêu tuyệt đẹp của một tâm hồn thăng hoa hết cỡ, chất ngất hạnh phúc của người được yêu, không bao giờ biết đau khổ hay có cuộc chia ly. Yêu như Bùi Giáng chắc về cõi khác cũng còn yêu và tôi tin rằng ông vẫn đang yêu và làm thơ bát ngát nơi cõi ngàn trùng ấy.
16/8/2020
Từ Kế Tường
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dây tơ đồng

Dây tơ đồng 1. Cún Ngày mới chào đời, tôi cũng có tên Tây tên Mỹ như ai, nếu tôi nhớ không lầm tên tôi là “Cool”, thế mà từ ngày ông chủ M...