Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Một người anh - Bút ký của Nguyễn Thanh

Một người anh
Bút ký của Nguyễn Thanh

Chân tình gọi bằng anh nhưng thực ra thầy Nguyễn Bá Thảo (1) tuổi tác vào hàng thế hệ cha tôi. Quê gốc ở Hậu Giang, anh Tư Thảo sống với gia đình và hoạt động giáo dục gần hết cuộc đời tại đất Tây Đô.
Anh Tư và tôi là đồng nghiệp cùng chí hướng, hiểu biết, thông cảm và giúp đỡ nhau trong những ngày cùng lăn lóc nổi chìm tại các trường tư nơi đây. Trong lúc anh đang lẩn tránh những cặp mắt cú vọ của bọn tay sai chính quyền tay sai đương thời thì tôi đã phải bỏ ngang việc dạy học ở trường Trung học Long Mỹ, Cần Thơ (nay thuộc Hậu Giang) khi bị gọi đi sĩ quan trù bị Thủ Đức. Do vậy, anh và tôi là bạn đồng điệu vong niên nhưng coi nhau như ruột thịt, bởi cả hai đều “Cùng một lứa bên trời lận đận” (2).
Hôm nay, anh Tư đã đi xa hơn hai mươi năm rồi nhưng tâm trí tôi vẫn còn in đậm mãi hình bóng thân thương của anh. Mới gặp anh lần đầu, ít ai có thể nghĩ được con người vóc dáng nhỏ bé, gầy ốm như con cá khô của anh lại tiềm tàng một sinh lực hiếm có.
Trong hoàn cảnh vùng tạm chiếm dưới chế độ cộng hòa tại Cần Thơ cuối thập niên 60, anh Tư ẩn nhẫn chạy chiếc xe mô-bi-lết Tây cà tàng qua bắc Cần Thơ, đi dạy học tại các trường Trung học công lập Bình Minh và vài tư thục gần nhà như Ngọc Phú, Hậu Giang… với bộ môn sở trường của anh là tiếng Pháp. Tốt nghiệp sư phạm xuất sắc môn tiếng Pháp, anh có sức làm việc rất mãnh liệt, tương phản với thể lực con người ốm yếu của anh. Ngoài dạy học, anh còn chắt chiu thì giờ soạn sách giáo khoa Pháp văn và Việt văn. Chuyên môn vững vàng cộng thêm tính yêu nghề, hy sinh, tận tụy vì thế hệ trẻ, anh luôn soạn bài kỹ lưỡng, đầy đủ trước khi đến lớp. Anh Tư giảng bài trước học trò với phong thái ung dung, giọng nói rõ ràng, lanh lảnh khiến giờ dạy của anh lúc nào cũng sinh động, hấp dẫn học trò. Sách dạy tiếng Pháp của anh Nguyễn Bá Thảo gồm các bộ: Tiếng Pháp vỡ lòng, Tự học tiếng Pháp (Trình độ cao hơn) do Nhà xuất bản Đồng Tháp và Đồng Nai ấn hành lại sau ngày giải phóng. Vài năm trước khi qua đời, anh Tư còn thuyết trình về Nghệ thuật dưỡng sinh và Phương pháp học tốt tại nhiều cơ quan và nhiều trường Trung học trong tỉnh. Anh cũng đã biên tập xong quyển Luyện thi Trung học Phổ thông và Đại học – Môn Văn (Bản gốc viết tay), gởi tôi đọc để góp ý cũng như các quyển trước. Tôi đã trân trọng đón nhận những đứa con tinh thần yêu quý của anh và đọc đi đọc lại nhiều lần, chuẩn bị cho anh xuất bản. Riêng với những sách của anh đã in, sau khi giới thiệu với học sinh và đồng nghiệp, tôi chọn lọc một số bài đem ra trích giảng. Những sáng tác tôi vừa viết xong cũng thường đưa cho anh đọc trước để
Năm 1967, lúc anh đang dạy học ở Bình Minh, thấy tôi ấn hành tạp chí Văn nghệ Miền Tây (3) với chuyên đề văn nghệ, nội dung đứng đắn, lập trường dân tộc có khuynh hướng chống thực dân đế quốc (tạp chí này được nhà thơ Kiên Giang khen nội dung và hình thức khi giới thiệu trong chương trình thi văn Mây Tần của ông) anh xin ý kiến, cả hai anh em cùng thảo luận, sửa chữa rồi mới gởi đăng báo hoặc xuất bản. Anh Tư đề xuất với tôi, nhận phổ biến cho học sinh ở các trường anh dạy. Anh nhiệt tình phát hành được nhiều báo và gởi lại đầy đủ tiền bán báo cho tôi trong một bao thơ. Hiểu rõ tôi là nhà giáo làm văn nghệ nghiệp dư có lúc cũng không tránh khỏi trở ngại khó khăn tài chánh, anh chân thành khuyên “Thà vất vả đi xin quảng cáo ở đồng bào mình tìm phương tiện in báo, chứ không nên nhận tài trợ hay nhờ vả bất cứ hình thức giúp đỡ nào của cơ quan nước ngoài”.
Vốn kính trọng anh về nhân cách và kiến thức từ lâu, tôi coi lời khuyên chính đáng của anh như một khẳng định mạnh mẽ dứt khoát thêm quyết định đã có sẵn trong lòng tất cả anh em say mê làm báo như chúng tôi.
Tôi đã tin tưởng, nghe theo lời căn dặn tâm huyết của anh. Nhưng hoàn cảnh phức tạp của những tháng cuối năm ấy không cho chúng tôi có thể tiếp tục làm văn nghệ báo chí như ý nguyện.
Sau cuộc tổng công kích của quân dân ta vào đầu Xuân Mậu Thân (1968), do yêu cầu đặc biệt của tình hình chính trị ở miền Nam, những trí thức yêu nước như anh vốn là cơ sở cách mạng, phải tạm rút vô vùng giải phóng. Trước khi rời thành phố Cần Thơ vào bưng, gần giữa khuya, tại căn nhà riêng số 36 đường Minh Mạng (nay là đường Đồng Khởi), anh Tư Thảo gọi tôi đến bàn chuyện. Biết được tôi từ lâu, anh Tư bằng lời lẽ chậm rãi thành thật rủ tôi vô khu: “Chú vào vùng trong cũng làm báo chí văn nghệ”. Vì hoàn cảnh quá nghiệt ngã của gia đình tôi lúc ấy, cha mẹ cao tuổi luôn đau yếu, nhà tôi là cô giáo Nguyễn Thị S (4) đang dạy tại trường Nữ Tiểu học Tỉnh lỵ Cần Thơ bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối nên tôi đã do dự rồi yếu đuối từ chối không theo anh Tư Thảo vào bưng. Dù vậy, trước thời gian đó, tôi và một số bạn bè sinh viên, giáo viên có tư tưởng tốt đã âm thầm tìm cách che chở, giữ bí mật cho anh được an toàn trong lòng địch… Sau gần hai tiếng đồng hồ trò chuyện trong nỗi xúc động và hồi hộp lo sợ bởi không khí tối tăm căng thẳng của đêm đen thành phố lúc bấy giờ, cuối cùng, khi hai anh em ăn yaourt xong, anh Tư bảo tôi về…
Sau đêm ấy, anh Tư Thảo không còn ở tại căn nhà riêng của anh nơi đường Minh Mạng nữa. Ở lại thành phố, vắng chồng, vợ anh là chị Nga bị địch theo dõi phải xuống tóc trong khi các con gái anh đều còn nhỏ, chịu cảnh sống nheo nhóc, khó khăn và nặng nề mặc cảm. Gia đình chị Tư bao trùm không khí lạnh tanh vì thiếu bóng dáng và tiếng nói của người đàn ông trong nhà.
Một ngày đầu tháng 5 năm 1975, trong bối cảnh sôi sục của niềm vui, bùng vỡ khí thế cách mạng, khắp nơi rực rỡ với rừng cờ sao, tự hào dân tộc ngùn ngụt bốc dậy trong lòng mọi người, chính quyền cách mạng tiếp quản tỉnh Cần Thơ. Cũng trên căn gác nhỏ ngôi nhà xưa ở đường Minh Mạng, tôi gặp lại anh Tư Thảo đang làm việc khẩn trương với một số cán bộ quan trọng như anh Năm Bình (5), anh Sáu Biên (6), hòa thượng Thích Minh Thới trụ trì Thới Long cổ tự… và một sư sãi người dân tộc Khơme. Xúc động vui mừng được gặp lại, chúng tôi ôm nhau nghẹn ngào, nước mắt  ràn rụa mà không nói với nhau được nhiều. Riêng tôi, trong giờ phút vô cùng nhạy cảm ấy đã quên hết những mặc cảm yếu đuối, ích kỷ của một đứa em nhỏ bé còn mang tính cách trí thức tiểu tư sản thành phố một lần trót từ chối không đi theo anh vào vùng ánh sáng…
Biết anh Tư quá bận rộn, căng thẳng tinh thần, tôi liền xin từ giã anh, và quày quả trở lại gặp ngay giáo sư nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh (7) đúng hẹn ngay đầu đường Tạ Thu Thâu – nay là ngả ba đường Mậu Thân và 30/4. Anh Nguyễn Đức Minh và tôi là người địa phương không khác nào thổ địa, lòng như mở cờ, hồ hởi mỗi người cỡi xe Honda hướng dẫn đường, tìm đúng địa điểm đóng quân cho những đoàn quân giải phóng từ xa mới vào thành phố, đang đợi ở khu vực chợ Tham Tướng – nay là chợ Xuân Khánh.
Không gian khắp nơi bên ngoài thành phố rõ ràng là quang cảnh tưng bừng của ngày hội lớn non sông. Mùa Xuân Mới rực rỡ đã đến sớm vào tháng Năm. Tâm hồn tôi ngây ngất thăng hoa giữa sóng nhạc rộn ràng của các bản hùng ca: Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Xuống đường, Tiến về Sài Gòn… dồn dập vang lên từ đài phát thanh. Quần chúng khắp nơi, hai bên đường đông nghẹt. Bà con già trẻ đứng trước cửa nhà, vui mừng ra mặt, đang chăm chú nhìn những chú bộ đội với vẻ mặt hiền lành mà nghiêm trang, đầu đội mũ tai bèo, chan mang dép lốp – Những dũng sĩ có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh như những “Chàng Thạch sanh của thế kỷ hai mươi” (8) trong huyền thoại – mà họ từng trân trọng từ bao lâu nay, giờ đây mới được tận mặt chiêm ngưỡng chân dung những con người đẹp nhất của quê hương.
Thắm thoát đã gần nửa thế kỷ qua, hằng năm, cứ đến những lần kỷ niệm ngày thống nhất nước nhà, cả nước bà con đồng bào háo hức tưng bừng đón chào ngày vui đại hội non sông. Trong những buổi họp mặt bạn bè đồng tâm còn có mặt đến hôm nay, tôi và anh em không khỏi ngậm ngùi thương nhớ đến anh Tư, giáo sư Nguyễn Bá Thảo. Anh là một giáo sư giỏi chuyên môn và giàu nhân cách –  một người anh khả kính mà tôi ngưỡng mộ và tôn trọng như một người thầy dù anh chưa một lần đứng lớp dạy tôi.                                            
Chú thích:
(1) Nguyễn Bá Thảo, giáo viên tiếng Pháp nổi tiếng miền Tây. Trong kháng chiến, anh được gọi là Tư Thảo, nguyên là Phó Chủ tịch MTDTGP khu Tây Nam bộ. Từ năm 1975, anh là Phó Chủ tịch Tỉnh hội Chữ Thập đỏ Hậu Giang.
(2) Thơ Tỳ Bà hành của Bạch Cư Dị.
(3) Tạp chí Văn nghệ Miền Tây (số Xuân MT) được anh Tư Thảo đem vào khu Giải Phóng (5/1968).
(4) Cô giáo S mất vào đầu tháng 9/1968
(5) Năm Bình tức Nguyễn Văn Lưu, tiếp quản Đài phát thanh Cần Thơ và đọc hiệu triệu trong ngày giải phóng, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ (1975).
(6) Sáu Biên tức Trương Văn Biên, nguyên Trưởng Ty Giáo dục Hậu Giang (1975).
(7) Nguyễn Đức Minh, nhạc sĩ, GV Âm nhạc trường Trung học Phan Thanh Giản, Cái Răng nguyên là Trưởng đồn Công an An Nghiệp Cần Thơ (1975).
(8) Thơ Tố Hữu – Bài Ca Xuân 68.
23/4/2023
Nguyễn Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...