Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Mỹ cảm hoài niệm trong thơ Hoàng Thân

Mỹ cảm hoài niệm
trong thơ Hoàng Thân

Để trả lời câu hỏi: Thơ là gì? Alfred De Vigny, một thi sĩ tài danh của nước Pháp, thế kỷ XIX đã xác quyết: “Thơ là sự Đẹp tuyệt trần của sự vật, và sự chiêm ngưỡng Đẹp ấy trong lý tưởng”. (1) Quan niệm của Alfred De Vigny về cái đẹp trong thơ đã cho thấy một trong những yếu tính của thơ là hướng đến cái đẹp và sáng tạo nên cái đẹp. Cái đẹp đó chính là sự kết tinh từ những mỹ cảm, những rung động của thi nhân trước cuộc sống và con người. Không có điều kiện tiên quyết nầy sẽ không có thơ ca đúng nghĩa. Bởi, nếu không có sự rung động trước cái đẹp, nhà thơ sẽ không thể nào có thi hứng để hình thành những dự phóng sáng tạo. Chiêm ngưỡng “cái đẹp trong lý tưởng” sẽ tạo nên những mỹ cảm thi ca, một phẩm tính thể hiện năng lực sáng tạo của nhà thơ. Đây cũng là điều người đọc có thể tri nhận khi đến với hành trình sáng tạo thơ của Hoàng Thân. Và một trong những điều làm nên cái đẹp trong thơ Hoàng Thân đó là sự kết tinh từ những mỹ cảm hoài niệm mang tâm thức hiện sinh mà anh đã trải nghiệm qua những tháng năm hiện hữu của đời mình, trong tư cách của một nhà khoa học làm thơ (hiện anh là Bác sĩ CKII tim mạch, đang hằng ngày cứu sống sinh mệnh biết bao người bệnh). Vì vậy, không phải ngẫu nhiên từ tập thơ đầu tay Nguyên màu thời gian (Nxb. Hội Nhà văn, 2016) đến các tập thơ sau nầy như: Miên khúc (Nxb. Hội Nhà văn, 2018), Dòng lữ thứ (Nxb. Hội Nhà văn, 2019), Trầm tích (Nxb. Hội Nhà văn, 2020) đều mang một nỗi ám ảnh khôn nguôi về những hoài niệm, mà ở đó những nuối tiếc, những nhớ thương dĩ vãng luôn hiện hữu trong tâm hồn thi nhân để làm nên những “trầm tích” thơ như một “dấu lặng” riêng mang mà những câu thơ đầy mỹ cảm hoài niệm hiện hữu trong thơ Hoàng Thân là một minh chứng: “Nuối gì qua mấy bão giông/ Mấy mùa nước lũ lòng sông vẫn hoài/ Thời gian nào thể ngược xoay/ Đành trầm tích lại tháng ngày riêng mang” (Trầm tích). Đi vào thi giới Hoàng Thân là đi vào khám phá những mỹ cảm hoài niệm kết tinh từ tâm thức hiện sinh như một vẻ đẹp của thơ Hoàng Thân trong hành trình sống của mình như anh đã dự cảm: “Lãng du giữa chốn trần gian / Bao nhiêu danh vọng bấy làn phù du” (Lãng du).
Trong cõi đời đầy những bất an và bất toàn này, không có cái gì là vĩnh cửu, bởi ngay cả sự hiện hữu của của xác thân con người cũng là kiếp phù du, trong lẽ biến dịch vô thường mà Mãn Giác Thiền sư đã suy niệm: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”. Song, có một điều không dễ mất, thậm chí luôn làm cho ta trở trăn, day dứt với nó như một sự ám ảnh của vô thức và tâm linh trong hành trình sống, đó chính là hoài niệm. Hoài niệm không chỉ đơn thuần là chuyện của quá khứ, của những gì đã qua như lâu nay ta thường nghĩ mà nó luôn hiện hữu trong tâm cảm con người qua từng “sát na” của cuộc sống giữa chốn nhân sinh. Vì thế, khi ta bắt gặp ở đâu đó một khoảnh khắc, một khung cảnh gắn với những “ảnh hình” mình đã từng sống, gặp gỡ, yêu thương thì “ảnh hình” đó lại hiện về nguyên vẹn trong tâm tưởng. Bởi, theo cảm quan của tư duy triết học “hiện tượng luận”, sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan chỉ hiện hữu khi ta nghĩ đến/ về nó, còn nếu ta không chủ ý nghĩ đến nó, thì nó không bao giờ hiện hữu trong ta. Điều này ta cũng tìm thấy trong thơ Hoàng Thân qua những mỹ cảm hoài niệm luôn ám ảnh trong tâm cảm thi nhân : “Giọt hoài niệm rót đầy ly nhung nhớ/ Duyên tơ hồng còn nợ chén quỳnh tương” (Lời trần tình). Thế nên hoài niệm đã trở thành một không – thời gian tâm tưởng có sức ám gợi mỗi con người như thi nhân đã chia sẻ: “Con thuyền chở một người viễn xứ/ Chở cả lòng lữ thứ về em/ Những con sóng lăn về quá khứ/ Biển dập dềnh nỗi nhớ xanh rêu” (Giữa đôi bờ). Rồi, nhà thơ tự vấn một cách thành thực khi đứng trước những chọn lựa hiện sinh: “Ta đứng giữa đôi bờ nỗi nhớ/ Lằn ranh nào ngăn cuộc bể dâu/ Con thuyền nhỏ tròng trành những sóng/ Lòng hỏi lòng biết ngã về đâu” (Giữa đôi bờ). Và, đây là nguồn thi hứng thường trực trong thơ Hoàng Thân. Hoài niệm ấy như một dòng sông tâm tưởng trôi trong tâm thức thi nhân mà điều dễ nhận thấy trước tiên trong thơ Hoàng Thân là nỗi nhớ về dòng sông quê gắn với bao kỷ niệm tuổi thơ: “Có một dòng sông quê/ chảy trong từng nỗi nhớ/ Có cuộc tình dang dở/ Trôi lặng giữa đôi bờ/ Xưa một thời tuổi thơ/ Tắm đời ta nước mát/ Dòng sông xanh dào dạt/ Soi bóng lũy tre làng”. (Dòng sông quê). Chính những kỷ niệm sâu sắc nầy đã kết tinh thành nỗi nhớ quê tha thiết, mặn nồng, nên dù “lang thang” trên mọi nẻo đường đời, thi nhân vẫn mang theo nỗi chờ mong, thương nhớ hình ảnh sông quê: “Sông quê từ đấy hoài mong/ Quan sang giục giã ruổi rong đường đời/ Dòng xưa bến cũ bời bời/ Yêu thương vẫn chảy bên lời hẹn xưa” (Vệ Giang); Tình cảm ấy không bao giờ là xưa cũ mà nó luôn hiện hữu trong tâm thức thi nhân: “Dòng trôi còn đọng bóng dừa/ Sông xưa thương nhớ như vừa đấy thôi” (Sông xưa) Và sông quê không chỉ là dòng sông mà chính là hình ảnh quê hương với cảnh vật, con người mà thi nhân đã từng gắn bó, yêu thương : “Biết là sông luôn đôi bờ, hai lối / Buổi sóng nhiều, thuyền phải vội sang ngang/ Gió có về rồi gió lại đi hoang/ Bờ lau cũ thêm võ vàng hiu hắt (…) Chuông Thiên Ấn nao lòng xô sắp ngã/ Chặng đường qua trăng có lạ khuya về/ Bến Tam Thương nước còn mãi vân vê/ Bờ lau cũ giữa bộn bề nỗi nhớ.” (Bờ lau cũ). Bởi, theo nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình/ Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ/ Con sông tôi tắm mát/ Con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà”. (Trở về dòng sông). Những mỹ cảm hoài niệm về hình ảnh dòng sông còn hiện hữu trong nhiều bài thơ của Hoàng Thân như “Dòng xưa đò cũ” “Sông xưa” “Với dòng sông Trà”; “Mưa bên bến sông” (tập thơ Miên khúc); “Sông nguyện”; “Sông Tương” “Lòng sông” (tập thơ Dòng Lữ thứ); “Sông Trà mùa cỏ lau”; “Sông trăng” (tập thơ Trầm tích) . Và có thể nói, hình ảnh dòng sông đã trở thành một tín hiệu thẫm mỹ hiện sinh trong thơ Hoàng Thân luôn đong đầy hoài niệm với hành trình sống của thi nhân mà những hoài niệm nầy có sức sống mãnh liệt trong tâm hồn thi nhân và tạo nên những mỹ cảm mang tính dự phóng trong thơ.
Song, những mỹ cảm hoài niệm trong thơ Hoàng Thân không chỉ gắn với hình ảnh sông quê mà chính dòng sông là chiếc cầu nối trong tâm thức anh, đưa anh trở về với những hoài niệm tuổi thơ trong trắng, hồn nhiên, không nhuốm màu ưu lo, muộn phiền mà khi đã trở thành dĩ vãng, không ai, không khỏi tiếc nuối. Ta hãy lắng lòng nghe nhà thơ chia sẻ về những hoài niệm tuổi thơ của đời mình: “Trưa hè kẻo kẹt bờ tre/ Xa xa vọng lại tiếng ve ngân buồn/ ru lòng về tuổi thơ nguồn/ Lưng trâu đuổi bướm bắt chuồn chuồn bay (…) Tuổi thơ mát những bóng dừa/ Mát từng lóng mía ngọt vừa cho nhau” (Tuổi thơ).  Có lẽ, gắn liền với dòng sông quê, cùng những hoài niệm tuổi thơ là hình ảnh người mẹ qua những bài thơ: “Tình mẹ”, “Lòng mẹ”.  Và đây là những hoài niệm có sức ám ảnh nhất trong thơ Hoàng Thân đã kết tinh thành nỗi nhớ khôn nguôi vừa cụ thể lại vừa khái quát về những hy sinh của Người Mẹ trong cuộc đời: “Mẹ tôi kiệm tiếng thưa lời/ Câu ca dao khẽ ru hời vừa nghe/ Lưng còng lặng lẽ chõng tre/ Chiều đông trông nắng, trưa hè đợi mưa” (Tình mẹ). Đó là sự hy sinh của bao bà mẹ Việt Nam chịu thương chịu khó và khi lưng mẹ càng “còng” thì con càng lớn khôn hơn: “Sương chiều đọng tiếng chuông ngân/ Bâng khuâng bóng mẹ tảo tần sớm hôm” (Tuổi thơ). Đó còn là hình ảnh người chị qua bài thơ “Tiễn chị”, trong đó có những câu thơ đầy xúc cảm mà khi đọc lên ta không khỏi thấy nhói lòng: “Bến chiều/ Rơi một cánh hoa/ Thế là chị đã đi xa/ cuối trời/ Tâm can bỗng chốc rụng rời/ Mây buồn đứng lặng, đất trời xót xa/ Ngày buồn/ Tiễn chị đi xa/ Mắt rươm rướm lệ/ Cả nhà chơ vơ/ Còn đây mấy đứa em thơ/ Lớn rồi vẫn cứ dại khờ/ Chị ơi (…) Buồng cau ôm trái bồi hồi/ Nhớ thương tàu lá, mồ côi bên đời” (Tiễn Chị). Nhưng có lẽ bài thơ kết tinh nỗi nhớ đong đầy những hoài niệm về Mẹ, về Chị trong thơ Hoàng Thân làm thổn thức tâm cảm người đọc đó là bài thơ “Bửa cơm quê”, trong đó, có nhiều câu thơ ẩn chứa những mỹ cảm hoài niệm buồn đến “nghẹn lòng” về tình cảm mẹ con, chị em, một nét văn hóa đẹp trong gia đình truyền thống Việt Nan đang có nguy cơ mất dần trong đời sống gia đình hiện đại. Tôi quý những câu thơ lục bát giản dị chân mộc nhưng chứa một sức nặng tình cảm vô bờ: “Giản đơn soạn bửa chiều nay/ Hai người, ba chén, mẹ bày mâm cơm/ Đồng ngoài đã cuốn rạ rơm/ Chị ơi về nhé! Thảo thơm cùng Người/ Dẫu rằng vắng chị bên đời/ Nơi quê, lòng mẹ vẫn cơi thật đầy/ Chị ơi! Hãy mượn thuyền mây/ Mau về bên mẹ kẻo gầy thân sương/ Còn đây trong cõi vô thường/ Tóc mây bạc trắng vì thương chị à/ Bửa cơm quê thật đậm đà/ Cá đồng, cơm mắm, dưa cà với nhau”. (Bữa cơm quê)
Một điều không thể không nói đến khi khám phá những mỹ cảm hoài niệm trong hành trình sáng tạo thơ Hoàng Thân, đó là, bên cạnh những hoài niệm về dòng sông, về quê hương, về tuổi thơ về gia đình với hình ảnh Mẹ và Chị, còn có những hoài niệm về tình yêu học trò đầy mộng mơ và thánh thiện mà ai đã từng đi qua cái tuổi “ngọc ngà” ấy lại có thể lãng quên. Đó là các thi phẩm: “Nắng tháng năm”; “Mưa tháng sáu”; “Phượng vàng”; “Áo trắng trường xưa”; “Khúc tình thơ”, trong đó, có những câu thơ hay đến nao lòng, bởi khi đọc lên, chúng ta sẽ tìm thấy tâm cảm mình trong đó: “Chiều vơi/ Vơi cánh hoa vàng/ Gió liêu xiêu cuộn ngỡ ngàng phượng rơi/ Cuối ngày hạ, nắng hanh phơi/ Hư hao mấy sợi tơ trời vàng phai/ Ngập ngừng / Bóng đổ dấu hài/ Hạ đi/ Phượng cũng một mai sắc màu/ Kể từ độ ấy nhớ nhau/ Sầu hun hút bóng lòng đau đáu chờ” (Phượng vàng). Nhưng tình yêu thánh thiện và tinh khôi của tuổi học trò rồi cũng qua đi như một “ánh chớp” trong hành trình sống của con người giữa vũ trụ nhân sinh, để rồi trong những bước chân lữ thứ của kẻ “lãng du” mà Hoàng Thân đã tự thú: “Lãng du giữa một phận đời/ Nắng mưa trút xuống bời bời niềm đong/ Sông dù lúc đục lúc trong/ Đêm ngày vẫn chảy một dòng về xuôi” (Lãng du), chúng ta không thể nào nguôi nhớ, mỗi khi ký ức vọng về thì hoài niệm trỗi dậy trong ta. Tuy nhiên, giữa dòng chảy “trong, đục” của cuộc đời, thi nhân cũng đã “trôi” trong biển tình mênh mông với nhiều kỷ niệm vui, buồn nhưng không phải là những kỷ niệm ngây thơ của tình yêu học trò “khờ dại” thuở nào mà còn có cả những “được mất” đến đớn đau trong cõi “ta bà”. Vì vậy, nếu “Phượng vàng” là những hoài niệm về tình yêu đầu đời “thánh thiện” đến “trong ngần” thì bài thơ “Phía sau kỷ niệm” là hồi ức về những hoài niệm của một tình yêu đã đi vào biển đời “mưa gió” ở chốn “tình trường”, để đón nhận những mất mát, thương đau, vỡ tan như một tất yếu sẽ đến trong tình yêu: “Nhiều, nhiều lắm, phía sau từng kỷ niệm/ Vết thương lòng chằng chịt quấn tim đau/ Hồn trĩu nặng níu chân về quá khứ/ Buổi yêu thương vụng dại thuở ban đầu” (Phía sau kỷ niệm). Và, từ đây thi nhân đã sống trong một bầu khí quyển mới của tình yêu mà khí hậu của nó không chỉ có những ngày xuân ấm áp mà còn có cả ngững ngày thu úa tàn và mùa đông lạnh giá. Rồi điều gì đến, tất phải đến, thi nhân chấp nhận điều ấy như một định mệnh của tình yêu mà nỗi cô đơn trong phận đời còn lại của mỗi người cũng là những hoài niệm khó quên: “Ta cạn nốt chung rượu nầy em nhé/ Mai xa rồi cánh nhạn sẽ cô đơn/ Biển vắng em sóng nặng những dỗi hờn/ Đêm ảo hoặc lạc loài nghe quá vãng” (Sau cuối). Nhưng tất cả hoài niệm nhớ nhung, rồi cũng chỉ là hoài niệm bởi lẽ, “Chiều nay con sáo chẳng về/ Ta thành cô lữ bên lề đời em” (Tương Tư) Cho nên: “Ta về nhặt nhạnh lời thương/ Góp gom kỷ niệm cho hường môi xa/ Ta về tìm lại chính ta/ Ngỡ quên lại nhớ, ngỡ xa lại gần” (Tương Tư). Và cảm thức “Ngỡ quên lại nhớ, ngỡ xa lại gần” trong thơ Hoàng Thân, gợi ta nhớ đến lời nhạc trong “Tình nhớ”, một trong những bản tình ca “bất tử” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tình ngỡ đã phôi pha/ nhưng tình vẫn còn đầy/ Người ngỡ đã đi xa/ nhưng người vẫn quanh đây/ Những bước chân mềm mại/ đã đi vào đời người/ Như từng viên đá cuôị/ rớt vào lòng biển khơi”. Hay nỗi nhớ đầy ám gợi ở bài thơ “Hà Nội vắng em” của Tế Hanh “Phố này anh đến tìm em/ Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây/ Anh theo các phố đó đây/ Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em”… Và, có lẽ đây là mẫu số chung trong mỹ cảm hoài niệm về tình yêu mà người nghệ sĩ nào khi viết về tình yêu cũng phải chạm đến!?Có thể nói, mỹ cảm hoài niệm tình yêu trong thơ Hoàng Thân không chỉ có nỗi nhớ về hình ảnh cô nữ sinh thuở học trò đầy mộng mơ, hay cô thiếu nữ hiện đại chốn thị thành mà còn có dấu ấn “hương đồng gió nội” khó mờ phai của cô thôn nữ mà thi nhân hy vọng sẽ không bị mất đi trong bối cảnh đô thị hóa “xô bồ” đang “bức tử” dần những vẻ đẹp của hương thôn ngày nào. Ta hãy nghe thi nhân than thở thật xót xa: “Xin người một chút chân quê/ Hương chanh hương bưởi tóc thề hồn nhiên (…) Xin người một chút thật thà/ Yêu là chỉ để yêu… Và thế thôi” (Yêu là chỉ để yêu). Và trong trường cảm xúc nầy ta thấy có sự gặp gỡ giữa Hoàng Thân và Nguyễn Bính trong bài thơ Chân quê, khi Nguyễn Bính van nài: “Nói ra sợ mất lòng em/ Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa/ Như hôm em đi lễ chùa/ Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh/ Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê./ Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Có thể nói, “Tương Tư”; “Yêu là chỉ để yêu” là những bài thơ tình có thể “sống” được trong tâm cảm của những ai đã/ đang và sẽ yêu. Thế nên, dù đau, dù nhớ, dù xa xót, thi nhân vẫn cứ mãi tìm về những hoài niệm của tình yêu như một thứ “dưỡng khí” tinh thần để khơi “động niềm thơ”: “Kỷ niệm mình như mũi tên trên ngực/ Đã rất đau/ nhưng vẫn khát khao tìm/ Xưa hẫng nhịp/ nằm im trong hốc vắng/ Bỗng dưng về khua gót động niềm thơ” (Mũi tên trên ngực). Và nguồn sống trong cõi thơ Hoàng Thân, có lẽ cũng khởi lên từ những kỷ niệm ngọt ngào và đau thương ấy!?. Vì thế, mỹ cảm hoài niệm về những ký ức tình yêu của tuổi trẻ mãi mãi là dự phóng, tạo nên thi hứng vang vọng mãi trong tâm cảm thi nhân với những câu thơ đầy nỗi niềm: “Câu thơ yêu người đọng lại/ Chỉ là /khoảng lặng ngày xưa/ Đêm đêm / gối từng kỷ niệm/ Lắng nghe những mộng mơ thừa” (Chợt nhiên). Vì thế: “Nắng vàng đi không nói/ Bỏ lại con đường quen/ Cỏ hàng đêm câm nín/ Phố nhớ ai chong đèn” (Lời cỏ khát) và “Niềm vui / theo cuộn gió xa/ luyến hương ngày cũ/ theo tà áo bay/ Đã vàng lên khắp nỗi đau/ Sương khuya đậu lại bờ lau bời bời” (Phiến rêu). Không những thế, thi hứng này còn tạo nên nhiều thi phẩm với các dạng thức khác nhau về mỹ cảm hoài niệm của tình yêu trong thơ Hoàng Thân. Đó là bài thơ: “Hoài niệm tháng tư”, một sự đối thoại với chính mình : “Tháng tư đến tiếng tơ hường độc thoại/ Hoang hoải về gót nhỏ bước chông chênh/ Mùa gọi mùa bên nỗi nhớ không tên/ Miền hoài niệm có đau lòng lữ thứ” (Hoài niệm tháng tư); là “Gọi tên ký ức”, mở cánh của đi vào những hoài niệm tình yêu  dẫu lòng thi nhân muốn khép lại: “Em trở về gọi tên ký ức/ Nhớ nhung có tuổi lớn theo ngày/ Trăng nghiêng đã xuống hồ thu động/ Sương quyện lời đêm thao thiết say” (Gọi tên ký ức). Để rồi, trong sâu thẳm tâm hồn, thi nhân luôn cảm thấy: “Chênh chao ngày nắng gọi mưa/ Chênh chao hoài niệm như vừa vân vê” (Chênh chao) và chỉ còn biết: “Nhặt ký ức thắp tình đà xưa cũ/ Vực lòng đau thăm thẳm một linh hồn” (Điều đã tưởng), vì: “Người mang nắng vàng đi mãi/ Đông về vời vợi phương xa/ Lá xanh trên cành rám đỏ/ Chờ ai thuở nọ ngọc ngà” (Cây bàng lá đỏ). Ký ức hiện hữu trong tâm cảm thi nhân qua những hoài niệm giàu chất mỹ cảm nên trong thơ Hoàng Thân có rất nhiều bài thơ thể hiện cảm hứng nhớ về ngày xưa như: “Bên thềm cỏ xưa” mà sự nuối tiếc luôn là điều ám ảnh: “Bây giờ còn nuối hôm qua/ Câu thề đánh rớt mặm mà nào quên/ Mộng thêu ngược gió gập ghềnh/ Bờ đê lặng lẽ con kênh u hoài” (Bên thềm cỏ xưa); Hoặc “Con đường xưa” với những câu thơ đong đày nỗi nhớ: “Em còn nhớ con đường xưa không nhỉ/ Những lá chiều thủ thỉ đón hoàng hôn/ Hương bồ kết và mùi rơm rạ mới/ Đồng gặt xong đôi lứa thắm tâm hồn” (Con đường xưa) ; Hay “Biết là sẽ chẳng như mong/ Mà sao mắt lá sầu đong giãi giề/ Lòng trong xao xuyến bộn bề/ Người ơi xin hãy quay về chốn xưa” (Quay về chốn xưa), và một lời trách nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm nỗi đau “Ta và em/ giữa bộn bề/ Giữa đời phố thị/ câu thề bỏ quên/ Như thuyền bỏ bến chênh vênh/ Bỏ ngày xưa / với/ chông chênh đường trần” (Câu thề bỏ quên), để rồi thi nhân chấp nhận một sự thật đắng chát: “Độc hành/ giữa thực giữa hư/ Thôi đành / cất lại cánh thư muộn màng” (Cánh thư muộn màng) vì: “Cuối đường lối rẽ thành hai/ Ngả đau bến mộng, ngả hoài hoài trông” (Mây chiều xuống phố). Và dẫu rằng thi nhân có “về bến cũ” thì người xưa cũng không còn, chỉ còn lại những hoài niệm đang “trầm tích” cùng năm tháng mà thôi: “Ta về bến cũ nào đâu thấy/ Hình bóng người em của một thời/ Hoa gạo rụng đầy trên lối nhỏ/ Biết đá rêu xanh có nhớ lời” (Bến cũ). Mặc dù vậy, thi nhân vẫn luôn nhớ về “người tình” thuở xưa với những vần thơ thấm đẫm yêu thương: “Này em mai mốt có về/ Bến xưa có lỡ câu thề chỏng chơ/ Vẫn còn ta, nửa bài thơ/ Có là lạc vận, vẫn chờ… trăng lên.” (Bài thơ lạc vận). Bởi: “Tàn phai vấp những thiết tha/ Bờ nhân sinh ấy còn ta đợi người” (Về đây). Phải chăng, những mỹ cảm hoài niệm trong thơ Hoàng Thân cũng bắt nguồn từ những cảm xúc đầy tính nhân bản đó nên thuyết phục được người đọc, nhất là những người yêu thơ.
Nhà thơ Lê Đạt, một gương mặt tiêu biểu của thi ca Việt hiện đại, ông không chỉ là nhà thơ mà một còn là một nhà lý luận – phê bình về thơ, khi ông gọi người làm thơ là một “phu chữ” đã xác quyết: “Thơ là một cố gắng về mỹ học cũng là một cố gắng về đạo đức học” (2). Bởi, theo Lê Đạt: “Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn…” (3) Và điều này, ta có thể tìm thấy ở những mỹ cảm hoài niệm trong hành trình sáng tạo thơ của Hoàng Thân, như một biểu hiện của tâm thức hiện sinh. Có thể nói những mỹ cảm hoài niệm này là những đóa hoa đẹp kết tinh từ những kỷ niệm, những ký ức mà thi nhân đã nghiệm sinh trong cuộc đời khi “ngộ” ra: “Trong tình yêu chắp cánh/ Có hư vô đi về” (Trong). Bởi, trong cảm thức của thi nhân tình yêu cũng trôi trong cõi hư vô của chốn phù sinh “Có hay trong cõi phù sinh/ Thuyền tình bồng bềnh trôi dạt/ Có hay bên trời ngược gió/ Thu tàn lá rụng điêu linh” (Con thuyền mắc cạn). Phải chăng, điều làm nên giá trị nhân văn của mỹ cảm hoài niệm trong thơ Hoàng Thân đều trôi trong cảm thức vô thường, khi anh đã nhận ra chân giá trị của lẽ biến dịch ở đời, để từ đó sống bao dung hơn, vị tha hơn, nhân ái hơn trong cuộc đời như chính sứ mệnh mà Hoàng Thân đã chọn lựa: Thầy thuốc – Thi nhân…
Chú thích:
1. – Đoàn Thêm, (trích dịch) Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.21.
2. – Lê Đạt, Đường chữ, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2009, tr.573.
3. – Lê Đạt, Đối thoại với thơ và đời, Nxb. Trẻ, 2008, tr.115.
Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 8/10/2022
Trần Hoài Anh
Nguồn: Thơ trích trong bài viết đều lấy trong các tập thơ đã xuất bản của Hoàng Thân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình Tôi đọc tập thơ Nhớ sông của Huỳnh Văn Quốc lần thứ nhất ở nơi l...