Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Nhà thơ Võ Tấn Thường và tập thơ "Ngày trở về"

Nhà thơ Võ Tấn Thường và
tập thơ "Ngày trở về"

Nâng niu lật từng trang tập thơ “Ngày trở về” của nhà thơ Võ Tấn Thường do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 7 năm 2020, tôi nhận thấy hơn 300 bài thơ với các thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, lục bát, tám chữ… cùng với đề tài đa dạng phong phú đã thể hiện những cảm xúc của nhà thơ về những gì bắt gặp trong cuộc sống thực tại và những hoài niệm về một thời quá vãng.
Tập thơ “Ngày trở về” của nhà thơ Võ Tấn Thường
Tập thơ “Ngày trở về” của nhà thơ Võ Tấn Thường tuy chưa có những ngôn từ mới lạ nhưng vẫn có sức cuốn hút người đọc bởi cảm xúc chân thành. Đọc những bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật như “Nắng mùa đông”, “Gác nhỏ nhà tôi”, “Sông Vệ quê ta”, “Lụt muộn”, “Mãn đông”, “Đêm Noel”, “Lời chúc đầu năm”, “Lão Trư hạ giới”, “Chào thành phố”, “Thuyền xa bến nhỏ”… hay những bài thơ lục bát như: “Ngắm cảnh nhớ người”, “Tháng mười lại về”… hay những bài thơ tám chữ như: “Tháng tư về”, “Khói tỏa rừng hoang”, “Mùa nắng về”… ta sẽ thấy rõ điều đó. Hình ảnh cuộc sống và con người nơi làng quê hiện lên trong thơ anh bình dị, thân thương biết nhường nào:
Cảnh tượng đông mà nắng dữ chưa
Nhà nông chuẩn bị sẽ đi bừa
Gieo trồng nối nghiệp bao đời cũ
Cấy tỉa lưu nghề tận cõi xưa
(Nắng mùa đông)
Những hình ảnh ấy đã gợi anh nhớ về:
Gác nhỏ ngày qua vẫn đợi mình
Khi thì mãn nhật, lúc bình minh
Nhìn hoa, xướng hoạ càng thêm ý
Vọng cảnh, làm thơ cũng rất tình
(Gác nhỏ nhà tôi)
Mảnh đất làng quê Nghĩa Phương, Tư Nghĩa là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi anh Võ Tấn Thường cất tiếng khóc chào đời, lớn lên và thành đạt luôn là nguồn cảm hứng vô tận để anh thai nghén, rồi cho ra đời những bài thơ, câu thơ lắng đọng lòng người.
Sông Vệ quê ta rất tuyệt vời
Mang dòng nước ngọt gửi trùng khơi
Bờ Nam liễu mượt vờn trong gió
Bãi Bắc dừa xanh toả dưới trời
(Sông Vệ quê ta)
Cảm xúc ấy được thăng hoa khi anh ở bên người mẹ kính yêu, bên người vợ hiền yêu dấu:
Ngày bên quý mẫu ơn dày trả
Buổi cạnh hiền thê nghĩa thắm bồi
Ẩn dật điền viên nhìn cũng thú
An nhàn cảnh vật thấy càng vui
(Ngày trở về)
Bài thơ “Ngày trở về” được anh chọn làm nhan đề cho tập thơ, từng câu chữ bình dị, không cầu kỳ hoa mỹ đã nói hộ giùm ta về bổn phận làm con đối với mẹ già, đạo nghĩa vợ chồng và cuộc sống an nhàn nơi ta sinh ra.
Không như những người làm thơ khác khi viết về mẹ, họ thường kể về công lao nuôi nấng, suốt đời lo cho con cơm ăn áo mặc, anh chỉ khái quát về hình tượng người mẹ bằng những hình ảnh ẩn dụ:
Mùa đông lạnh lẽo mẹ tôi nằm
Tuổi hạc bây giờ đã dưới trăm
Mãi bện đường tơ tròn ổ kén
Hoài đan sợi chỉ lép thân tằm
(Mùa đông chăm mẹ)
Anh chỉ hoài ước cho mẹ được hai chữ bình yên để anh làm tròn chữ hiếu:
Niềm thương hiếu tử đâu vì bạc
Nỗi quý hiền tôn chẳng vị tiền…
(Mẹ đã chín sáu mùa xuân)
Tình mẫu tử thiêng liêng ấy đã ngấm sâu trong tâm hồn anh nuôi dưỡng anh trở thành một con người giàu tình cảm, nhân hậu, sống thủy chung. Đến nay anh đã bước vào tuổi thất thập rồi nhưng cảm xúc của anh luôn tươi mới về niềm nhớ nhung, thương cảm chân tình:
Chiều thu ngắm cảnh nhớ người
Ác tà đỏ mặt tựa cười với ai
Nhớ ai đã nhẹ gót hài
Nghiêng nghiêng nón đợi miệt mài sớm hôm
(Ngắm cảnh nhớ người)
Và:
Nhớ buổi tao phùng ai đã tặng
Cho mình khúc nhạc cả lời ru!…
(Nhớ buổi tao phùng)
Đọc “Ngày trở về” ta còn nhận ra một điều nữa là từ cảm xúc thực tại Võ Tấn Thường lại quay về quá khứ với những kỷ niệm đẹp:
Tưởng lại bao thời mây trắng nõn
Mơ về một thuở nắng vàng hoe
Dù cho vật đổi sao dời chỗ
Kỷ niệm giờ đây vẫn khó nhòe…
(Hè khơi kỷ niệm)
Nhà thơ Võ Tấn Thường và tác giả bài viết
Thời tuổi trẻ, chắc hẳn ai cũng từng gắn bó với những chùm phượng vĩ nơi sân trường. Ở đó có những mối tình vụng dại tuổi học trò, có những lời yêu còn bỏ ngỏ, có những tình bạn thuần khiết… Tác giả Võ Tấn Thường cũng không ngoại lệ. Đã mấy chục năm rồi mà mỗi lần nghe tiếng ve gọi hè, ký ức tuổi học trò lại ùa về:
Lần trang nhật ký lòng thêm tủi
Mãi nhớ người xưa, thuở học trò!…
(Mãi nhớ người xưa)
Nhìn chùm phượng vỹ đỏ rực ngày hè anh lại xúc cảm:
Tháng tư về phượng vĩ đã rực hoa
Mùa bế giảng hình như đã hẹn
Góc sân trường đôi bạn thân bẽn lẽn
Nói chuyện gì rồi len lén nhìn nhau.
(Tháng tư về)
Anh Võ Tấn Thường xa ngôi trường yêu dấu, xa người thầy kính yêu của mình rất lâu nhưng công ơn người thầy anh vẫn tạc dạ ghi lòng. Mỗi năm cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) anh đều bày tỏ tình cảm của mình về người thầy bằng những lời thơ trân quý:
Trĩu nặng ơn thầy luôn phải nhớ
Cao dày đức mẹ vẫn còn vương
Thờ sư, bổn phận trò lưu giữ
Kính phụ, làm con nghĩa thủ thường…!
(Tôn sư kính phụ)

Bố mẹ sinh thành ân vĩnh cửu
Thầy cô dạy bảo nghĩa muôn đời
(Ghi nhớ ơn thầy)
Nhà thơ Võ Tấn Thường là người thiết tha yêu đời, nên rất nhạy cảm trước những bước đi của thời gian và những chuyển biến của đất trời. Thấy tiết trời giao mùa anh liền cảm tác:
Cuối hạ mây chiều đã bủa vây
Dường như sợi nắng cũng hanh gầy
Nghe mùi nhụy bưởi hương thầm ngát
Nhẹ nhõm tâm hồn vút tận mây…
(Cuối hạ)
Thấy Tết đến Xuân về… anh cũng ghi lại:
Nhìn xuân lộng lẫy mình vui dạ
Ngắm tết khang trang bạn nở mày…
(Xuân tết cùng về)
Nhìn một bông hoa sứ nở anhcũng rung động:
Chậu sứ sân nàng đã trổ hoa
Màu khoe đỏ thắm cạnh hiên nhà
Đêm về cảm nhớ hương dìu dịu
Chẳng rõ ai người nói hộ ta…
(Hoa sứ nhà nàng)
Khi đọc một tác phẩm văn học, anh cũng cảm thương cho số phận của từng nhân vật. Chẳng hạn như khi đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du anh thương xót cho mối tình Kim – Kiều:
Đêm về rũ rượi lòng bao ý
Buổi lại đìu hiu trí những điều
Ảo não do vì thương kiếp Trọng
Trầm ngâm bởi lẽ xót duyên Kiều.
(Một chữ “yêu”)
Tập thơ “Ngày trở về” là tâm tư của anh Võ Tấn Thường được diễn đạt bằng những tứ thơ dễ hiểu nên khơi gợi cõi lòng người đọc sự rung cảm. Là tập thơ đầu tay nên không tránh khỏi những khiếm khuyết, song những gì mà tác giả đã gửi gắm trong tập thơ này là đáng trân trọng.
Quảng Ngãi, 2/7/2020
Võ Tấn Thường 
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXLỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...