Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Thơ của một thời

Thơ của một thời

Ngày xưa, người ta đọc thơ bằng cảm xúc, nên có người nói không có thơ hay thơ dở, thơ là để ngợi ca. Người đọc và nhà thơ gặp nhau ở sự đồng cảm, cùng cảnh ngộ, chia sẻ tiếng lòng, nói hộ cho nhau những điều cảm nhận. Hòa cùng nhịp trái tim, người đọc sẽ thấy đó là thơ hay, vì lúc đó sự truyền cảm của thơ đã được đón nhận. Những người đang say đắm và hạnh phúc trong tình yêu, có thể nào thích thú với bài thơ thất tình, khổ lụy! Bài thơ không cảm được người này, nhưng là hay đối với người khác.
Những người làm thơ thời thập niên 60 của thế kỷ trước, thường rất chuộng sự mượt mà truyền cảm dù đó là thơ vần điệu hay tự do. Mỗi câu chữ vừa gieo để diễn ý vừa khơi dậy cảm xúc của người đọc. Nên thơ rất dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Nhiều người yêu thơ đã chép thơ vào sổ tay, vào lưu bút kỷ niệm một thuở học trò, một thời mới lớn. Những bài thơ yêu thích như là những người bạn đồng hành thú vị suốt thời đi học. Một thời đã qua ấy, cuộc sống đầy tình cảm và nội tâm ấy, đã có biết bao dòng thơ ghi lại, một cách trải lòng nhau để làm đẹp cuộc đời.
Đọc bản thảo tập Thơ Nguyễn An Bình thời áo trắng tôi gặp lại mình trong khu vườn ký ức thời hoa niên mơ mộng nhưng cũng không ít trầm mặc. Chúng tôi lớn lên trên quê hương khói lửa chiến tranh, lứa tuổi hồn nhiên cắp sách đến trường nhưng sớm băn khoăn về thân phận và một tương lai mờ mịt. Nhưng thời cuộc cũng không cướp được những rung động đầu đời, những lãng mạn trong sáng của lứa tuổi trăng tròn.
Như ngày anh bỏ trường xưa cũ
Đi mãi không về theo cánh chim
Khắp bốn phương trời mây trắng gọi
Chưa lần nghe máu trở về tim
(Có những mùa xuân chim đổi xứ)
Mớ hành trang là linh hồn nứt rạn
Cuốn theo anh những vết tích thiên đường                                
(Khi rời trường Sư phạm)
Nguyễn An Bình cũng như những nhà thơ học trò khác, viết về thời đi học của mình không thể thiếu tà áo trắng, màu hoa phượng… Đối với Nguyễn An Bình, hoa phượng là ấn tượng chẳng những ngay thời cắp sách mà càng lúc càng đậm màu trong ký ức.
Hàng phượng buồn lá rũ khóc thành thơ
(Áo trắng tình thơ)
Đường phượng xưa dẫm nát trái tim hồng…
(Có những mùa đông)
Bên đèn sách, dưới mái trường, cậu học trò khi biết rung động thì thêm một bóng hình vương vấn, dù chưa hiểu đó là tình yêu hay mới chỉ hình như là… Mặc tình, anh ta cứ mơ mộng, cứ nhớ nhung, cứ tưởng như mình đã được yêu dù cô gái kia chưa biết gì hay chỉ mới trao cho một nụ cười, một ánh mắt của tình bạn mà thôi. Và anh chàng về cặm cụi làm thơ, những vần thơ rất dễ thương…
Thu đi trời bỗng bay mưa
Có tôi theo dấu em vừa đi qua
(Bụi vàng)
Chỉ còn anh ôm hoài bao ảo vọng
Mà không hay trời đất đã sang mùa
(Chiều ở trường Sư phạm)
Những mối tình học trò thường mỏng manh như gương, rất sáng trong nhưng cũng dễ vỡ. Nỗi đau nỗi buồn khi tình dang dở rồi cũng nguôi ngoai theo thời gian, theo nhịp sống dòng đời lôi cuốn, nhưng mối tình đầu như vết mực vấy lên tờ giấy trắng, để lại một dấu ấn khó phai, một nỗi hoài niệm hằn sâu trong ký ức. Thơ và tình của Nguyễn An Bình cũng nói lên điều đó.
Nửa đêm lá ngậm hồn sương
Em thân cỏ úa ta mòn gót đau
(Chút ngậm ngùi xưa)
Khi ta về tim khô hóa đá
Tóc hoa râm chợt nhớ thương người
(Khi trở lại trường xưa)
Anh về nghe đất ngậm ngùi
Hồn sương khói cũ chết vùi bóng xưa
(Hồn sương khói cũ)
Ngó ra thấy áo lưng trời
Phất phơ mưa nhỏ một đời tôi đau
(Bài thơ thương người năm xưa)
Thơ Nguyễn An Bình giản dị, chân tình, nhưng có những liên tưởng phong phú, những ẩn dụ thú vị, nên thơ anh có sức truyền cảm và được người đọc cùng thời đón nhận. Sự mượt mà và giàu hình tượng cũng giúp thơ anh sinh động, lột tả được những điều muốn nói, gởi cảm xúc của trái tim mình đến người đồng cảm. Những hoài niệm nhẹ nhàng, man mác, tưởng như gió thoảng mà cuốn quanh suốt một đời người. Những kỉ niệm của một thời thương nhớ tưởng dễ phai nhưng cứ âm ỉ cháy hoài trong hồn thơ dại cho đến khi cỗi già.
Lúc anh mất không còn gì để nhớ
Nắng sẽ buồn và mây sẽ ngừng bay
Đêm ngủ bên côn trùng, đất cát
Linh hồn lại về bên em…
(Lúc anh mất)
Ướt như ngày nhớ thương em
Hoa xưa đã trắng bên thềm gió phai
Ướt như ướt áo một người
Chiều mưa năm cũ một thời đã xa
(Một thời yêu em)
Anh nhớ thương hoài mùa học cũ
Đường về quen quá áo dài bay
(Trường Phan ơi… nhớ trường Đoàn)
Thời trai trẻ của chúng tôi xem tình yêu như báu vật thiêng liêng, hết lòng giữ nó bằng sự tự trọng, chân thành, chung thủy và thậm chí là hy sinh. Người mình thương là đẹp nhất, tình yêu của mình là cao cả nhất, nên đã yêu là yêu chết mê chết mệt, cắm cổ cắm đầu, không cần ngó ai chung quanh. Điều này đã được Nguyễn An Bình thể hiện trong nhiều bài thơ của anh.
Trong tim tôi có ngày xưa
Theo em suốt những bốn mùa trong năm
(Trao em trái mộng ngậm ngùi ngàn sau)
Em từ sợi nắng mong manh
Bay qua vườn mộng góp thành trăng sao
(Ngày tháng lãng quên)
Mắt em sáng giữa hồ gương lạnh
Ngỡ một vầng trăng cổ tích xưa
(Như áo học trò xưa)
Một thời tuổi trẻ Nguyễn An Bình hoạt động văn nghệ rất sôi nổi ở miền Tây Nam bộ. Năm 1972 anh đã cùng bạn bè Thạch Long, Trọng Vũ, Lê Tấn Hùng Vũ… thành lập nhóm Tình Thơ, có nhiều thơ văn in trên các báo, tạp chí ở miền Nam thời bấy giờ. Và ngoài những vần thơ viết về tuổi học trò, quê hương cũng là một đề tài mà các cây bút trẻ thể hiện rất tha thiết trong dòng chảy tình yêu của trái tim mình. Thuở ấy, Nguyễn An Bình cũng có những bài thơ dằng dặc nỗi nhớ quê nhà.
Ta trở lại dòng sông xưa hiu quạnh
Bóng cau già vàng úa đứng bơ vơ
Ôi quê hương một thời thơ ấu cũ…
(An Bình và tóc nội)
Xa quê, nhớ quê, lưu lạc giữa cõi bể dâu làm cho lòng người thêm đau đáu khi ngoái nhìn về một miền quê bình yên, ấm áp của ngày xưa, chẳng biết bây giờ chốn ấy ra sao…
Mới hay cảnh cũ xa người cũ
Chút hồn thu thảo mất từ lâu
Núi dựng cồn mây sầu quá nửa
U hoài bóng nhỏ biết về đâu?
(Có những mùa xuân chim đổi xứ)
Một vùng đất đi qua hay một nơi vừa đến, nhà thơ đã để lại những giọt cảm xúc của mình và sau đó là cơn mưa kỉ niệm làm cho khu vườn ký ức chợt xanh tươi.
Có Cà Mau sống thời lưu lạc
Chút kỷ niệm buồn đẹp khói sương
Để phù sa đắp bồi thương nhớ
Chiếc áo bà ba lộng giữa trời…
(Nhớ Quán Long)
Lâu lắm không về thăm Cái Dầu
Người xa quê nhỏ biết về đâu?
Khói sương che lắp bờ lau sậy
Mỏi mắt trông ai đến bạc đầu…
(Những dòng sông Cái)
Ở đó ngày xưa cũng thật buồn
Mấy năm mùa lá đã phai hương
Và bông lúa chín vàng mơ ước
Biết có còn không để nhớ thương?
(Về Phong Điền)
Đó là cái tình của người có tình. Với người có tâm hồn đất cũng có tâm hồn. Quê và người quyện vào nhau thành máu thịt, dẫu đi đâu và lúc nào cũng nhớ về nhau. Thơ Nguyễn An Bình là dòng huyết quản nuôi anh khôn lớn với tình với quê, từ thuở hoa niên cho đến bây giờ… Bây giờ, đi gần hết vòng tử sinh, tâm hồn anh vẫn trẻ với những rung động ban mai, thơ anh vẫn nồng trong chén rượu thời gian, cho dù anh muốn chào vĩnh biệt hoa xưa…
Những sân trường ngói đỏ
Ngậm ngùi hơn chiều mưa
Ta thở dài không nói
Chào vĩnh biệt hoa xưa…
Biên thùy Châu Đốc, 23/7/2018
Trịnh Bửu Hoài
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...