Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường và "An Nam trong văn học Pháp"

Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường
và "An Nam trong văn học Pháp"

Bằng một văn chương không kém phần bay bổng, mơ mộng và lãng mạn, Nguyễn Mạnh Tường đã dẫn dắt bạn đọc đến với thế giới quan của một tác gia Pháp bị An Nam chinh phục, hay một An Nam trong văn học Pháp.
Nhắc đến GS. Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 1997), bên cạnh là một trong những tri thức lớn uyên bác và yêu nước (ông vừa là một luật sư, vừa là một nhà giáo dục lẫn nhà nghiên cứu văn học), thì không thể không nói đến ông là một kỳ tài, người Việt Nam duy nhất đậu hai bằng tiến sĩ luật khoa và tiến sĩ văn chương tại Pháp. Mới đây, luận án bổ túc tiến sĩ văn chương của ông đã được xuất bản và giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam qua bản dịch An Nam trong văn học Pháp (Nxb Hồng Đức, 2022) của dịch giả Tiết Hùng Thái.
Một trí thức kỳ tài
Nguyễn Mạnh Tường có nguyên quán ở Cổ Nhuế, song ông được sinh ra ngày 16.9.1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội. Cha ông là Nguyễn Căn Cát là một công chức, lại lớn lên ở trung tâm thị thành, ông sớm được học tiếng Pháp ở trường tiểu học Paul Bert, sau đó là trường Albert Sarraut. Năm 1926, tức 16 tuổi, ông thi đỗ tú tài triết học loại giỏi và được nhận học bổng sang Pháp học tại trường đại học tổng hợp Montpellier một năm sau đó.
Trải qua ba năm, ông thi đỗ bằng cử nhân văn chương năm 1929 và cử nhân luật năm 1930.
Có thể thấy, Nguyễn Mạnh Tường đã chứng tỏ mình là một trí thức Tây học hạng ưu ngay từ khi còn trẻ. Mặc dù không được thi tuyển thạc sĩ (concours d’Agrére) bởi do có quốc tịch Việt Nam, nhưng ông đã bền chí quyết tâm thi lấy bằng tiến sĩ quốc gia (doctorat d’état).
Theo tư liệu của nhà báo Thụy Khuê, tháng 5.1932, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ Luật, với luận án chính: L’Individu dans la vieille cité annamite (Cá nhân trong xã hội Việt Nam cổ) và luận án bổ túc: Essai de synthèse sur le Code de Lê (Tổng luận về luật đời Lê). Tháng 6.1932, ông tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ văn chương với luận án chính: Essai sur la valeur dramatique du théâtre d’Alfred de Musset (Giá trị bi kịch trong tuồng của A. Musset) và luận án bổ túc: L’Annam dans la littérature française, Jules Boissières (Việt Nam trong các tác phẩm của Jules Boissières).
Cùng với Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Mạnh Tường được cho là một trong những người Việt giỏi tiếng Pháp nhất lúc bấy giờ. Bên cạnh ba tác phẩm vốn là ba công trình xung quanh luận án, ông còn tới 12 tác phẩm khác viết bằng tiếng Pháp, phong phú thể loại gồm kịch, tự truyện, tiểu thuyết, phần lớn trong số đó chưa được xuất bản. Còn những tác phẩm đã dịch, viết và in bằng tiếng Việt có thể kể đến Một cuộc hành trình (người trí thức tham gia kháng chiến) (Nxb Minh Đức, Hà Nội, 1954), Un excommunié (Người bị rút phép thông công) (Quê Mẹ, Paris, 1992), Lý luận giáo dục Âu châu thế kỷ XVI, XVII, XVIII, từ Erasme tới Rousseau (Nxb Khoa học xã hội, 1994; Nxb Giáo dục tái bản, 1995), Eschyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp (Nxb Giáo dục, 1996), Orestia (dịch và chú giải bộ ba vở bi kịch cổ đại Hy Lạp, Nxb Giáo dục, 1996), Virgile, nhà thơ vĩ đại của thời kỳ La Mã cổ đại (Nxb Khoa học xã hội, 1996).
An Nam trong văn học Pháp
Tác phẩm gần đây nhất của GS. Nguyễn Mạnh Tường, An Nam trong văn học Pháp (Nxb Hồng Đức, 2022), thực chất là luận án bổ túc tiến sĩ văn chương của ông, đã được Viện Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết phối hợp với các cộng tác viên và thư viện Nguyễn Văn Hưởng sưu tầm, dịch thuật và ấn hành. Cuốn sách gồm hai phần tương đương với các chương của một luận án: Phần một nói về cuộc đời của Jules Boissière, phần hai là sự nghiệp của Boissière, trong đó bao gồm 1) hiểu biết về một con người, 2) tiểu thuyết về cuộc chinh phục và 3) cái nhìn về một đất nước.
Để nghiên cứu An Nam trong văn học Pháp, hay cái nhìn của người xa lạ dành cho An Nam, Nguyễn Mạnh Tường chọn đối tượng là Jules Boissière (1863 – 1897), một tác gia từng tham chiến tại Đông Dương và viết về Việt Nam. Bên cạnh các tập thơ, thì hai tác phẩm Lời con nghiện (hai tập sách mỏng, trong đó có một tập có tựa đề Lời con nghiện và tập kia Su Khou Su, vốn là một tiểu thuyết chưa hoàn thành, sổ ghi chép dọc đường) và Đông Dương với người Pháp (một nghiên cứu chính trị về xã hội An Nam, các chuyên khảo về các đôi thị chính của An Nam như: Sài Gòn, Huế, Hà Nội…) của Jules Boissière là hai trọng tâm Nguyễn Mạnh Tường khảo cứu.
Bìa sách An Nam trong văn học Pháp.
Trong phần đầu tiên của tác phẩm, Nguyễn Mạnh Tường không đơn thuần chỉ trình bày một lý lịch trích ngang về Boissière, mà còn thể hiện một sự hiểu sâu những nguồn ảnh hưởng đến văn chương Boissière, hay sự cuội kết của một cảm thức văn chương dưới sự tác động của văn học Latinh và tượng trưng, cũng như một nền giáo dục triết học mạnh mẽ. Boissière hiện ra như một con người tôn thờ thi ca, sở hữu một tâm hồn được làm sống động bởi nhiệt tình văn chương đẹp đẽ, yêu thiên nhiên, vui phiêu lưu và thích thú trước môi trường xa lạ.
Từ những nền tảng xuất thân trên, Nguyễn Mạnh Tường đã tìm cách thám mã và hiểu biết thêm con người Boissière thông qua sự nghiệp của ông (“…chúng ta hãy thử xuyên tác phẩm của Jules Boissière đi tìm cá tính độc đáo của ông, để tái tạo lại tiểu sử trí tuệ và đạo đức của ông. Như rất thường xảy ra, điều mà chúng ta quan tâm nhất trong một tác phẩm nghệ thuật vẫn là diện mạo của tác giả của nó. Tức là, nhân tính, là cái tác động lên con người một sức hấp dẫn khó cưỡng nổi. Người ta tìm thấy chính mình trong những người khác. Chúng ta hãy thử khám phá ra con người đằng sau tác phẩm.” tr. 99).
Đặt chân lên vùng đất An Nam, theo như Nguyễn Mạnh Tường, Boissière đã không đạt được “sự cân bằng giữa thể xác và tâm hồn, sự hòa hợp của bản thể, mà người ta gọi là hạnh phúc” (tr. 145). Cảm giác mất hoài niệm tha hương, một không khí giá lạnh thiếu thốn mọi tình cảm, một sự cô độc đưa đẩy Boissière tìm đến với thuốc phiện.
Thuốc phiện thấm nhuần tác phẩm của Boissière, trở thành một khía cạnh chính, đặc trưng và độc đáo của tác phẩm. Thậm chí Boissière còn nhận định thuốc phiện là thứ giúp “có khả năng hiểu được những linh hồn xa xôi của các chủng tộc khác, là cần thiết trong những vùng này cho những ai muốn nhìn sâu vào bản thể hơn là bề mặt” (tr. 159).
Kẻ chinh phạt bị chinh phạt
Rõ ràng, An Nam trong văn học Pháp, được Nguyễn Mạnh Tường nghiên cứu qua góc nhìn của Jules Boissière, chính là góc nhìn của kẻ xa lạ, hay đúng hơn, tâm thức của kẻ chinh phạt. Người lính buộc phải rời khỏi vùng đất ngọt ngào quê hương, để đến một đất nước xa lạ vốn dĩ không tồn tại sự ràng buộc.
Chân dung tác giả Jules Boissière.
Điều đầu tiên xâm chiếm tâm lý của anh ta, ắt là sự tò mò (“…mở to con mắt ngạc nhiên và chăm chú để nhìn thấy một thực tế mới, nó làm anh ta vừa choáng váng vừa mê mẩn.” tr. 194). Nhưng rồi, kẻ chinh phục, lại bị chinh phục, khi trở nên gắn bó nhanh chóng và nhận ra “dưới cái bề ngoài muôn hình muôn vẻ của các chủng tộc và các nền văn minh, anh ta thấy sự thống nhất của bản chất con người, bản sắc phổ quát của con người vĩnh cửu” (tr. 195). Họ khám phá ra một quê hương mới mà con người có thể liên kết với nhau bằng tình cảm chung và suy nghĩ tương đồng.
Bởi vậy, một An Nam đầy sinh động hiện lên trong quan sát và ghi chép của Jules Boissière. Khác với những người chinh phục khác đến xứ thuộc địa để thỏa mãn mộng làm giàu, thì Boissière đã hiểu và yêu An Nam. Trước hết, Nguyễn Mạnh Tưởng chỉ ra, trong các tác phẩm của Boissière, có những bức tranh tuyệt đẹp, hấp dẫn, rõ ràng, chính xác và cảm động của thiên nhiên An Nam. Boissière được tác giả ví như một họa sĩ của An Nam với bảng màu phong phú, “định hình cái lộng lẫy của phong cảnh An Nam và để cạnh tranh với thiên nhiên, thậm chí với thực tại” (tr. 258).
Rồi Boissière cũng có những diễn tả đại tài về sự chuyển động và vẻ ngoạn mục của một đám đông, rồi sự định hình đặc điểm tính cách của người An Nam (“Người An Nam thực sự có ý thức sống tập thể ở mức độ cao nhất. Cá nhân không đóng vai trò gì trong sự sống của một quốc gia, nhưng nó có một ý thức rõ ràng rằng nó không chết hoàn toàn, vì gia đình không chỉ là một khối đoàn kết to lớn trong không gian, mà còn là một khối đoàn kết kéo dài trong thời gian, một thực tại vĩnh cửu mà so với nó các thế kỷ là ngắn ngủi. Vì vậy, không cần biết độc lập đến sớm hay muộn, điều chính yếu là nó sẽ đến!” tr. 331–330).
Nguyễn Mạnh Tường nhận định Boissière đã thành công trong việc nghiên cứu cảnh quan, văn hóa, xã hội và cuộc sống của con người An Nam. Để đạt đến cảnh giới này, Boissière đã phải vượt qua bao nhiêu rào cản, phá bỏ bao nhiêu định kiến, và từ bỏ bao nhiêu thói quen. Đó là kết quả của một sự bỏ đi linh hồn cũ, làm lại một linh hồn mới, tự “giải khai hóa” bản thân để rồi sau đó “tái khai hóa” bản thân (chữ của Nguyễn Mạnh Tường).
Nếu như Boissière đã đột nhập vào cõi bí mật của linh hồn An Nam, thì Nguyễn Mạnh Tường đã du thám vào bên trong cõi tâm hồn của một “người thợ chữ nghĩa tuyệt vời mà công cụ được lưu dấu cho muôn đời.” Bằng một văn chương không kém phần bay bổng, mơ mộng và lãng mạn, Nguyễn Mạnh Tường đã dẫn dắt bạn đọc đến với thế giới quan của một tác gia Pháp bị An Nam chinh phục, hay một An Nam trong văn học Pháp.
28/3/2022
Phạm Minh Quân
Nguồn: Báo Người Đô Thị 2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phía trước nhà có giàn mơ dại

Phía trước nhà có giàn mơ dại Cánh cổng gỗ thôi màu sơn, tróc từng mảng, lập cập mở ra cùng tiếng kẹt dài hút sâu về phía mênh mông cả cán...