Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

Nhà văn Grossman: Sau sự thật cay đắng, chỉ còn lại tình yêu

Nhà văn Grossman: Sau sự
thật cay đắng, chỉ còn lại tình yêu

Vasili Semionovich Grossman (1905-1964) là nhà văn Xô Viết được biết đến như một trong những tác giả viết về chiến tranh nhiều và sâu nhất. Tác phẩm của ông hiện nay liên tục được tái bản với số lượng lớn ở Nga.
Nghiệp văn – hạnh phúc và đau khổ
Tác phẩm đầu tiên đưa Grossman đến với nghiệp văn là truyện ngắn viết năm 1934, khi Grossman đang làm việc tại một nhà máy sản xuất bút chì. Câu chuyện kể về một nữ chính ủy thời nội chiến vừa chiến đấu, vừa có bầu và sinh con ở thành phố Berdichev bị bạch vệ bao vây. Một tháng sau khi truyện ngắn được in, Maksim Gorky đã mời Grossman đến nhà chơi – đó là điều vinh hạnh đối với bất kỳ tác giả trẻ nào thời ấy. Sau buổi trò chuyện với nhà văn lớn, Grossman theo hẳn nghiệp viết, không biết rằng mình đã chọn một con đường đầy chông gai, gian khổ mà những thành công chỉ được nhìn nhận đúng sau khi nhà văn đã qua đời.
Sau chưa đầy hai năm sáng tác, nhà văn trẻ đã xuất bản hai tập truyện ngắn, và năm 1937 được kết nạp vào Hội nhà văn Liên Xô.
Vasili đến với nghiệp văn không sớm, ở tuổi 29, nhưng với tâm thế hồ hởi. Semion Lipkin, bạn thân của Grossman kể lại rằng, khi ấy, nhà văn trẻ Grossman đầy sức sống và luôn luôn mỉm cười, thích đùa giỡn. Dong dỏng cao, tóc đen, mắt xanh, tươi tắn, trẻ trung, ông viết nhiều, in đều, và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.
Thế nhưng, nụ cười sôi nổi của nhà văn trẻ dần hiếm đi, và biến mất, bắt đầu từ cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô nổ ra và Vasili trở thành phóng viên chiến trường, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của con người trong chiến tranh.
Grossman lẽ ra được miễn đi lính do thể trạng “thư sinh yếu đuối” của mình. Ông bị đau thần kinh tọa và cận rất nặng. Tướng David Ortenberg, người phụ trách biên tập tờ “Sao đỏ” hồi tưởng về Grossman như sau: “Grossman không giống một người lính, áo ca-pốt thì nhàu nhĩ, kính thì trễ tận mũi, khẩu súng lục đeo bên hông giống như cái rìu treo trên thắt lưng không thít chặt…” Nhưng Grossman vẫn xung phong đi các chiến trường với tư cách là phóng viên của tờ “Sao đỏ”.
Ghi chép, phóng sự, bút ký của Grossman – “Volga – Stalingrad”, “Tâm hồn người lính Hồng quân”, “Cuộc chiến Stalingrad”, “Nhìn qua đôi mắt của Chekhov”, “Mũi đột kích”… được đọc một cách say sưa, cả ở Kremlin lẫn trong các chiến hào, bởi ở đó không có gì hơn sự thật. Grossman nếm trải tất cả những gì người lính trải qua, không nề hà, không hãi sợ. Những người lính từng đặt vè về ông như thế này: “Giữa khói lửa nhọc nhằn/ Vasili Grossman bước đi/ chẳng lấy cho mình điều chi…”
Thật vậy, sau ba năm lăn lộn trên các mặt trận, trung tá Grossman mang trên mình bộ quân phục sờn rách khủng khiếp. Grossman thậm chí ngại không muốn xin quân phục mới!
Một trong những ký sự chiến trường nổi tiếng nhất của Grossman là “Mũi đột kích” được đăng tải trên tờ “Sự thật” và nhiều ấn phẩm khác theo lệnh của Stalin. Sau sự việc ấy, nhà văn Erenburg đã nói: “Giờ thì anh muốn xin gì cũng được đấy!”. Nhưng Grossman đã không xin một điều gì.
Sau này, một số câu trích trong ký sự nói trên được khắc trên bức tường của Đồi tưởng niệm Mamaev ở Volgagrad.
Số phận long đong của những đứa con tinh thần
Năm 1949, Grossman hoàn thành cuốn tiểu thuyết về chiến tranh có tên “Stalingrad” mà ông viết trong vòng 6 năm. Là một biên tập viên có kinh nghiệm, với con mắt của “người kiểm duyệt”, tổng biên tập tạp chí “Thế giới mới” Tvardovsky chỉ ra “lỗi” lớn của Grossman là viết về Stalingrad mà lại nhắc đến Stalin quá ít, nếu có nhắc thì lại không đề cao đặc biệt. Trong khi đó, nhân vật được mô tả kỹ lưỡng và đầy ngưỡng mộ lại một nhà vật lý học. “Tại sao lại là nhà vật lý? Sao cậu không cho anh ta là chỉ huy quân đội?” – Tvardovsky khuyên. Grossman đã hỏi lại: “Vậy Einstein thì anh định phong chức gì?”
Cuối cùng, trải qua nhiều lần sửa chữa, năm 1952, cuốn tiểu thuyết cũng được in trên “Thế giới mới” với nhan đề “Vì sự nghiệp chính nghĩa”, được đồng nghiệp đánh giá cao, còn được đề cử giải thưởng Stalin. Không rõ Stalin có đọc tác phẩm này không, nhưng người ta kể rằng, chính Stalin đã… tự tay gạch tên Grossman ra khỏi danh sách đề cử!
Ngay lập tức, cuốn tiểu thuyết đã bị rất nhiều nhà phê bình lên án theo kiểu chụp mũ khiến tác giả của nó rơi vào cảnh khốn đốn. Grossman phải đi lánh nạn ở nhà người bạn, sống âm thầm không quan hệ với văn giới. Chỉ đến khi Stalin qua đời (3-1953), chủ tịch Hội nhà văn Liên Xô thời bấy giờ là Aleksandr Phadeev mới chính thức xin lỗi Grossman về những điều “chưa công bằng” trong việc phê phán cuốn sách và đề nghị xuất bản thành ấn phẩm riêng.
Số phận long đong như thế xảy ra với hầu hết những tác phẩm khác của Grossman như “Cuốn sách đen”, “Mọi điều rồi cũng trôi qua”, và “Cuộc đời và số phận” – tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn.
Tiểu thuyết “Cuộc đời và số phận” được chấp bút vào những năm 50 và chỉ được xuất bản sau khi Grossman qua đời rất lâu: năm 1980 ở Thụy Sĩ và năm 1988 ở Nga. Thế nhưng, ngay lập tức nó đã được công nhận là một trong những tác phẩm có giá trị nhất của nền văn học hậu chiến Nga, hơn thế nữa, là “một tác phẩm vĩ đại nhất của nền văn học Nga thế kỷ XX”.
“Cuộc đời và số phận” ôm trọn những sự kiện lớn của đất nước Liên Xô thời chiến. Trong đó không chỉ có sự thật trần trụi về chiến tranh mà còn có cái nhìn thấu suốt của nhà văn về rất nhiều vấn đề khác của xã hội Xô Viết. Văn phong của tác phẩm đẹp và giản dị, nhưng thông điệp mà tác giả gửi gắm trong đó không đơn giản chút nào. Cuộc sống con người trong các trại tập trung hà khắc của Đức quốc xã được miêu tả song song với cuộc sống của con người Xô Viết.
Kết luận của Grossman là, trong tất cả những biến loạn, mâu thuẫn, thăng trầm của cuộc sống, thì điều đáng quý, đáng trân trọng và bất diệt là con người. Mỗi con người là một thế giới trọn vẹn, riêng biệt, độc đáo, không thể đè nén, không thể xóa đi những dấu vết riêng của người đó để lại trong đời.Vì thế, sự vô nhân tính của chiến tranh lại càng hiện lên rõ nét, khi người ta muốn triệt tiêu cá thể mỗi con người.
Ông tả cảnh những ngôi nhà gỗ trong trại tập trung: “Trong triệu căn nhà gỗ Nga, không có và chẳng thể nào có hai căn nhà hoàn toàn giống nhau. Tất cả đều sống động – có một không hai. Cũng như không thể có sự giống nhau tuyệt đối giữa hai con người, giữa hai bụi tầm xuân vậy….Cuộc sống lụi tàn ở nơi mà bạo lực gắng sức xóa đi vẻ muôn màu và nét đặc sắc của nó.” Ông là một trong những người đầu tiên mô tả chế độ độc tài là bi kịch chung của xã hội loài người, không chừa một ai. Đó là bi kịch đối với người Nga, người Do Thái, người Đức…, cả những người vô thần và những người có đức tin…
Chiến tranh đối với Grossman còn như một sự sám hối. Một người sinh ra trong gia đình Do Thái, mang một cái tên Do Thái “Iosif Solomonovich” đã gần như cắt đứt sợi dây liên lạc với tinh thần Do Thái ngay từ khi họ tên được “Nga hóa” thành “Vasili Semionovich”, Grossman luôn cảm thấy mình hoàn toàn là người Nga, gắn bó với nước Nga đến tận cùng. Tuy nhiên, đi qua cuộc chiến, nhà văn cảm nhận được sâu sắc nỗi đau của các nạn nhân (đặc biệt là dân Do Thái) của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi qua chiêu bài “chủ nghĩa yêu nước”. Đó cũng là một trong những lý do “Cuộc đời và số phận” không được xuất bản.
Cuốn sách được nhà văn đề tặng thân mẫu của mình, người đã chết oan nghiệt ở thành phố quê hương Berdichev (Ukraine) cùng với hàng ngàn người dân Do Thái khác, như một lời sám hối trước Mẹ. Trong “Cuộc đời và số phận” có một đoạn thư bà mẹ Do Thái gửi con trước khi chết, chính là lời nhắn gửi của bà mẹ Grossman tới con trai: “Ngoài phố vẳng lại tiếng khóc của những người phụ nữ, tiếng quát tháo của cảnh sát, còn mẹ thì nhìn vào những trang giấy này, và cảm thấy mình được che chở khỏi thế giới đáng sợ đầy ắp đau thương kia… Hãy nhớ rằng trong những ngày hạnh phúc và đau khổ, tình yêu của mẹ luôn luôn ở bên con, không ai có thể giết chết tình yêu ấy. Và đây, dòng cuối của lá thư mẹ gửi cho con: hãy sống, hãy sống, sống mãi… Mẹ”.
Không hận thù, không tuyệt vọng, chỉ còn lại tình yêu. Đó chính là sức mạnh để con người đi qua được mọi cuộc chiến. Và cũng là nguồn gốc sức sống của các tác phẩm của Vasili Grossman.
Tình yêu tội lỗi và thánh thiện
Đầu những năm 30, sau khi chia tay với người vợ đầu tiên là Anna Martsuk, Grossman gặp tình yêu lớn của đời mình, và cũng là một tình yêu tội lỗi trong mắt những người xung quanh: ông yêu Olga, vợ của Boris Guber, một người bạn văn thân thiết. Mẹ của ông rất buồn, và trong một bức thư gửi thân phụ ông, bà nói rằng chỉ có thể hiểu được mối tình này nếu họ thực sự yêu nhau quá sâu sắc.
Những sự kiện đau buồn xảy đến sau đó đã chứng minh tình yêu sâu sắc ấy của Grossman đối với Olga.
Năm 1937, trong làn sóng khủng bố văn nghệ sĩ, nhà văn Boris Guber bị bắt. Những người thân đương nhiên bị liên lụy. Olga cũng vào tù. Trong suốt một năm trời Grossman đã nuôi dưỡng hai con nhỏ của Olga và Boris, đồng thời viết thư cho tất thảy những cấp có thẩm quyền để trình bày một “sự thật”, rằng từ lâu Olga là vợ của Grossman chứ không còn là vợ của Guber nữa. Và điều này đã cứu được Olga khỏi cuộc sống tù đày khổ sở.
Đứa con đầu của Olga và Boris mất trong chiến tranh. Người con thứ hai vẫn mang họ Guber, sống cùng Olga và Vasili Grossman, sau này viết về cha dượng của mình với những tình cảm đặc biệt trìu mến. Tình yêu tội lỗi của Olga và Vasili trải qua những thăng trầm ấy, đã được mọi người xung quanh tặng cho những từ “sâu sắc và thánh thiện”.
Họ sống với nhau hơn 20 năm. Vì yêu chồng, Olga rất ghen tuông. Bà trở nên khắc nghiệt với tất cả những người có tình cảm với Grossman, với những người thân, kể cả mẹ chồng. Đó là điều khiến Grossman day dứt. Nhà văn là người con hiếu nghĩa và vô cùng yêu mẹ. Ông rất muốn đưa bà về sống với gia đình mình ở Matxcơva, song gặp trở ngại từ phía Olga. Vì thế, Grossman luôn cho rằng mình có lỗi trong cái chết của mẹ. Tất cả những bi kịch ấy đã làm nguội dần tình cảm của Grossman đối với Olga.
Năm 1946, nhà văn gặp Ekaterina Zabolotskaya, vợ của nhà thơ Zabolotsky, một người phụ nữ hiền hậu, dịu dàng. Họ yêu nhau nồng nhiệt, nhưng không ở với nhau kể cả khi chồng của Ekaterina đã qua đời (1958). Grossman không muốn phá vỡ cuộc sống gia đình mình, song cũng không thể dứt bỏ mối tình cuối đời này. Về sau, ông chuyển ra sống độc thân ở một căn hộ không xa nơi ở của Ekaterina và qua đời ở đó vào tháng 9-1964.
Người đọc gặp mối tình ấy trong tiểu thuyết “Cuộc đời và số phận” qua hai nhân vật Shtrum và Sokolova. Grossman đã dũng cảm kể về tình yêu cuối cùng của đời mình, viết một cách chân thành và say mê nhất.
4/6/2024
Thụy Anh
Nguồn: VNN
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vàng và máu

Vàng và máu Phần 1 Kể từ châu Kao Lâm ở phía đông và miền bản Slay ở phía tây mà đến, từ mạn bản Pắc đi xuống, và từ bản Hạ trở lên, cách ...