Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

Nguyễn Việt Chiến: Những câu thơ làm một cuộc ra đi

Nguyễn Việt Chiến: Những
câu thơ làm một cuộc ra đi

Tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vừa nhận giải thưởng Tôn vinh của Hội Nhà văn Việt Nam cho các tác phẩm về đề tài biên giới hải đảo giai đoạn 1975 đến nay. Chúng tôi nhân dịp này muốn nhìn lại một hành trình thi ca của ông.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952 tại Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Ông vào bộ đội năm 1970, xuất ngũ năm 1974 rồi tốt nghiệp đại học ngành địa chất. Từ năm 1990 chuyển sang viết báo, làm phóng viên tại báo Thanh niên từ năm 1992.
Kể từ 1992 đến nay, Nguyễn Việt Chiến đã xuất bản tất cả 9 tập thơ: “Mưa lúc không giờ”, “Ngọn sóng thời gian”, “Cỏ trên đất”, “Những con ngựa đêm”, “Trăng và thơ đọc chậm”, “Hoa hồng không vỡ”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Trường ca Biển” và tập gần đây nhất “Thi giác và ảo giác” (2020).
Cũng vừa qua, tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vừa nhận giải thưởng Tôn vinh của Hội Nhà văn Việt Nam cho các tác phẩm về đề tài biên giới hải đảo giai đoạn 1975 đến nay. Chúng tôi nhân dịp này muốn nhìn lại một hành trình thi ca của ông.
Người con của xứ Đoài
Quê hương xứ Đoài có thể nói đã sản sinh ra rất nhiều nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ XX như thi sĩ Quang Dũng, thi sĩ Ngô Quân Miện, thi sĩ Trần Hòa Bình. Và nguồn thơ của Nguyễn Việt Chiến cũng cất lên bắt đầu từ quê hương xứ Đoài: “Ta của xứ Đoài ta của em/ Đồng đang cỏ mật, hồ đang sen/ Chiều đang sông Đáy mùa lên bãi/ Nắng đã Ba Vì, mây Tản Viên/ Ta học mùa xuân cách tặng hoa/ Đến nở cùng em dưới mái nhà/ Hồn quê mộc mạc trong hoa cỏ/ Ta bờ bến cũ em phù sa” (Ta của xứ Đoài).
Điệp ngữ “ta học” còn được lặp lại trong mấy khổ thơ kế tiếp sau đó: “Ta học sông quê cách yêu bờ”…”Ta học cô đơn cách giãi bày”. Thi sĩ trở về với quê hương và như muốn thu mình lại thật nhỏ bé như một đứa trẻ giữa vòng tay quê. Quê nhà vì thế như ôm trùm và chờ che cho tâm hồn thi sĩ.
Quê hương luôn gắn với bóng dáng mẹ hiền. Nguyễn Việt Chiến có thật nhiều câu thơ, bài thơ xúc động về mẹ. Người mẹ trong thơ Nguyễn Việt Chiến là người mẹ luôn ở trong tâm trạng đợi chờ, mong ngóng những đứa con trở về: “Rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ làm bằng nước mắt/ Rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ xây bằng đức tin/ Rồi mẹ bảo: có ngôi đền làm bằng lời cầu nguyện/ Rồi mẹ bảo: chiều xuống rồi về nhà đi con” (Những ngôi chùa trong đêm).
Nhưng những đứa con chẳng thể quay về được nữa, thì mẹ lặng lẽ giấu nỗi đau vào lòng: “Mẹ đã khóc lúc rời ga Hàng Cỏ/ Những đoàn tàu hun hút tuổi hai mươi/ Một thế hệ hồn nhiên không biết chết/ Chưa từng yêu khi gục ngã cuối trời” (Thời đất nước gian lao).
Và khi mẹ cô đơn ngồi với chiếc áo nâu sồng, với tiếng kinh tiếng mõ thì mái nhà của mẹ trở thành một không gian của phật tính bao dung, từ bi, thanh khiết, linh thiêng: “Đêm nay ba nén hương tàn/ Nước trong một chén, kinh ngàn lời ru/ Mẹ tôi vạt áo nâu xưa/ Tay thành kính chắp, khói mờ dương gian” (Mẹ tôi vạt áo nâu xưa).
Bìa tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
Phố và tình yêu
Xuất phát từ không gian làng quê, Nguyễn Việt Chiến bắt đầu xê dịch, di chuyển ra phố phường. Là một người say mê hội họa, con mắt nhìn phố của Nguyễn Việt Chiến đã tạo nên những điểm thật đặc biệt. Phố trong thơ anh là con phố đi vào những bức tranh, rồi lại từ những bức tranh ấy mà bước ra cuộc đời: “Mưa bay chéo mặt tranh mờ xóa/ Cả vòm trời loang chảy màu sơn/ Những ngôi nhà như đang trượt ngã/ Gọi dìu nhau ở phía bên đường” (Mưa phố vào tranh).
Nguyễn Việt Chiến đã viết đến hàng chục bài thơ về phố, được đánh số theo thứ tự từ 1 đến 10 (trong tập “Những con ngựa đêm”). Nhưng có lẽ bài nổi tiếng hơn cả trong số ấy là bài Phố 2, sau được phát triển thành bài thơ mang tên “Phố Phái”.
Giọng thơ bảy chữ mang âm hưởng cổ điển gợi được cái bơ vơ xao xác mà thiết tha trong hồn người: “Mùa đông chim sẻ phố bay rồi/ Phố Phái tần ngần phố nhớ ai?/ Sương bay vào tóc sương chưa bạc/ Đã trắng mây khua những dặm trời/ Lá rụng mùa ơi! Rụng nốt đi/ Trên bàn tay vắng dấu chân khuya/ Tôi nghe hơi phố không còn ấm/ Mà lửa đèn đêm thức nhớ gì”.
Trên những con phố ấy, Nguyễn Việt Chiến đã từng có những mối tình thơ mộng. Thơ mộng mà rất đỗi ngây thơ bởi chàng thi sĩ tin rằng có người con gái sẵn sàng ngủ một tuần để mơ về mình. Nhưng cũng chính vì niềm tin đó mà một bài thơ trong veo như cổ tích mới được ra đời: “Cô bé ấy có một lần nói khẽ/ Anh tin không, em sẽ ngủ một tuần/ Anh đừng đến và đừng buồn anh nhé/ Em ngủ rồi còn ai nữa mà mong/ Em ngủ rồi, em có dậy nữa không/ Mùa thu tiễn anh qua miền phố vắng/ Mỏng manh quá lời yêu không đủ ấm/ Những đam mê ngày ấy ngỡ xa rồi” (Mùa thu không trở lại).
Sau này, cái dở dang không trọn vẹn trong thơ tình Nguyễn Việt Chiến được đẩy lên thành bi kịch của những chia lìa tan vỡ: “Tiếng gì trên cỏ vừa rơi/ Hình như phía ấy có người bỏ đi/ Đạp lên cả ánh trăng khuya/ Tiếng trăng như lá vỡ nghe thật buồn” (Tiếng trăng). Và con người chợt hiểu ra rằng, mình chỉ là cát bụi trong đêm của tình yêu: “Cát còn bay trắng bến sông/ Người còn đi trắng mùa mong ước này/ Tôi cầm hạt cát trên tay/ Đêm không còn ấm như ngày có em” (Cát đợi).
Dòng thơ sử thi hào hùng
Nhìn lại hành trình thơ của Nguyễn Việt Chiến, một trong những mảng nội dung quan trọng làm nên tên tuổi thi ca của ông, chính là những bài thơ công dân, những bài thơ về Tổ quốc, người lính, chiến tranh. Có lẽ Nguyễn Việt Chiến là thi sĩ đương đại có nhiều bài thơ với nhan đề Tổ quốc nhất: “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Tổ quốc là tiếng mẹ”, “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra”, “Mẹ – Tổ quốc”, “Tổ quốc nơi biên thùy”, “Tổ quốc bên bờ biển cả”, “Thời đất nước gian lao”, “Ta như cỏ trên ngực trần đất nước”…
Trong số những bài kể trên, “Tổ quốc nhìn từ biển” là bài thơ nổi tiếng hơn cả, chinh phục người đọc bởi âm hưởng hào hùng, tráng lệ. Từng câu thơ, khổ thơ như muôn con sóng nơi trùng khơi vỗ mãi vào hồn người: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không…/ Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.
Ở một bài thơ khác, Nguyễn Việt Chiến thẳng thắn bày tỏ sự lên án chiến tranh. Điệp ngữ “đại bác nổ” lặp lại tới sáu lần trong câu thơ mở đầu của 6 khổ thơ liên tiếp. Sự tàn khốc hủy diệt của chiến tranh đã gây nên bao đau thương, nhưng không vì thế mà chúng ta ngại ngần đối mặt.
Sự dũng cảm quật cường, tình yêu quê hương của con người đã khiến cho những thế lực hủy diệt kinh khủng nhất cũng phải khuất phục: “Và đại bác xin cúi đầu tưởng nhớ/ Những người con bất diệt đã quên mình/ Vì xứ sở ngàn đời mây trắng/ Vẫn ngàn đời bất diệt giữa cỏ xanh” (Về khổ đau và đại bác).
Đưa được đại bác vào ngôn ngữ thi ca, trước Nguyễn Việt Chiến có Trịnh Công Sơn: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe” (Đại bác ru đêm); sau Nguyễn Việt Chiến có Hoàng Nhuận Cầm: “Và bài ca không cần hát ra lời/ Tiếng chim hót ngay trên nòng đại bác” (Cho phượng năm xưa), nhưng để nâng đại bác lên thành một hình tượng có chiều sâu và gây nhiều ám ảnh thì chỉ có Nguyễn Việt Chiến.
Miệt mài với thi ca
Bắt đầu làm thơ và có thơ đăng báo từ đầu những thập niên 80 của thế kỷ trước, Nguyễn Việt Chiến đã có một hành trình gần 40 năm gắn bó với thi ca. Và tập thơ dày dặn anh vừa trình làng gần đây là một minh chứng rõ ràng cho sự mê đắm và miệt mài sáng tạo. 119 bài thơ của tập “Thi giác và ảo giác” là những bài thơ mới nhất của anh và đều có nhan đề chỉ bằng một từ: Phật, Tên, Thở, Nặn, Xưa, Tìm, Hạc, Mơ…
Đề tài trong thơ Nguyễn Việt Chiến vẫn rất rộng mở, từ thiên nhiên đến tình yêu, từ quê hương tới chiến tranh, người lính, thân phận con người, các đề tài liên quan đến văn hóa, lịch sử, trách nhiệm công dân, ý thức vì cộng đồng… Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến hai bài thơ mang tựa đề “Thơ 1” và “Thơ 2”.
Nói một cách khác, bản thân công việc làm thơ đã trở thành một đề tài của anh, để qua đó Nguyễn Việt Chiến bày tỏ một tuyên ngôn của mình, một quan điểm thẩm mỹ và sáng tạo: “Thật ra. Thơ sẽ là gì?/ Thơ là ngọn khói vô vi bên chùa/ Mái chùa chợt hửng nắng mưa/ Thơ là ngọn nắng. Người xưa kiếm tìm…/ Thật lòng. Tới cõi khổ đau/ Thơ là ngọn nến nhiệm màu xót xa/ Cháy một mình. Cứu rỗi ta/ Cháy từng chữ cháy sáng ra kiếp người” (Thơ 2).
Và thơ, theo Nguyễn Việt Chiến luôn cần một sự dấn thân để đồng hành cùng đất nước và số phận mỗi con người: “Thưa mẹ/ Hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu/ trong con vẫn còn một chuyến tàu/ Ba mươi ba năm trước chưa trở về/ Phải chăng vì thế/ Những câu thơ bây giờ/ Vẫn phải lên đường làm một cuộc ra đi” (Ga).
29/1/2021
Đỗ Anh Vũ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài ...