Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

Kỷ niệm nhỏ với nhà văn Phù Thăng

Kỷ niệm nhỏ với nhà văn Phù Thăng

Nhà văn cho biết, ông còn một tập bản thảo chưa hề được xuất bản bao giờ, một cuốn tiểu thuyết tương đối dày. Và nhà văn ngỏ ý muốn liên hệ với một nhà xuất bản nào đó, để in cuốn sách. Tôi nỗ lực kết nối với nhà xuất bản để gửi bản thảo nhưng chưa có kết quả…
Tôi được kết nạp Hội VHNT tỉnh Hải Dương năm 2001. Đến cuối năm 2002 thì chuyển công tác từ trường CĐSP Hải Dương về Hội, làm biên tập viên tạp chí Côn Sơn (nay là tạp chí Văn Nghệ Hải Dương). Mỗi kỳ gửi tạp chí cho hội viên, nhìn danh sách thấy nhà văn Phù Thăng, nhưng chưa khi nào được “diện kiến” bác. Hỏi ra thì biết nhà văn tuổi đã cao, sức khỏe yếu, lại ở xa (tận huyện Tứ Kỳ) nên ít khi lên đến Hội. Tuy vậy, trong những câu chuyện của hội viên, thì tên tuổi nhà văn Phù Thăng được nhắc đến nhiều, với sự kính mến, trân trọng.
Đầu năm 2004, Thường trực Hội VHNT có chủ trương in lại tập trường ca “Hoa vạn thọ” của Phù Thăng bằng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của Hội. Nhà thơ Nguyễn Ngọc San là người rất tích cực trong việc giúp Hội liên lạc với nhà văn Phù Thăng để tìm lại bản thảo tập trường ca nói trên. “Hoa Vạn thọ” đã được nhận giải thưởng cuôc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1960. Đây là bản anh hùng ca dài hơn 500 câu ca ngợi những chiến sỹ vô danh đã ngã xuống trong trận đánh giải phóng Điện Biên lịch sử. Họ đã vĩnh viễn nằm lại trên quả đồi A1. Tứ này của trường đã hấp dẫn tôi ngay từ những dòng đầu tiên. Bởi lẽ, viết về trận Điện Biên Phủ lịch sử đã có nhiều nhà văn, nhà thơ tham gia, nhưng việc tái hiện hình ảnh những người chiến sỹ vô danh thầm lặng “không ai biết tuổi biết tên” đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” ấy thì chưa nhiều người để ý. Hình ảnh những đóa hoa vạn thọ vàng tươi nở trên nấm mồ những chiến sỹ vô danh trên đồi A1 được lấy làm tên tác phẩm và được trở đi trở lại nhiều lần trong bản trường ca. Dưới ngòi bút của nhà văn Phù Thăng, loài hoa này mang ý nghĩa thật đẹp và cao cả. Nhà văn gọi đó là “hoa mang tên không chết”, là “những vì sao tỏa sáng” trên các nấm mồ liệt sỹ vô danh. Những bông hoa lặng lẽ, khiêm nhường còn được nhìn như sự hóa thân của “những con người đã lặng lẽ hy sinh/ cái quý nhất trên đời là cuộc sống. Hoa vạn thọ giản dị hiện lên với vẻ đẹp rực rỡ đến ngỡ ngàng: “Quanh mồ các anh/ Hoa vạn thọ vàng tươi/ Những vì sao tỏa sáng”.
Bản thảo được chuyển đến Hội là bản thảo viết tay. Tôi vẫn nhớ nét chữ nghiêng mềm bằng mực xanh Cửu Long, có đoạn đã nhòe nhòe, phải dịch mãi mới ra. Chị Kim Xuyến, cán bộ văn phòng Hội được phân công đánh máy bản thảo. Thi thoảng, đến đoạn nào khó dịch quá hay đã nhòe hết chữ, chúng tôi lại phải gọi điện, trực tiếp hỏi nhà văn Phù Thăng. Trong bản thảo viết tay của nhà thơ không có chú thích nào cho những từ ngữ, những khái niệm “cũ”, đến thời chúng tôi trở nên khó hiểu. Cho nên, chúng tôi cẩn thận, hễ đọc thấy từ nào có vẻ “là lạ”, liền gọi điện hỏi ngay. Trong đoạn thơ viết về người thợ lò làm phu than ở mỏ Quảng Ninh đã có một tuổi thơ đói rách và tăm tối, có những câu:
Con chim non, cánh còn bay chập choạng
Đã làm quen cuối bãi đầu tầng
Giấc ngủ đêm dài, xóm thợ tối tăm
Thèm ánh sáng
Những ngọn đèn lầu cao
                                      đi vào trong mộng
Lớn một chút, làm “nhau” kiếm sống
Tôi đọc cả đoạn thơ qua điện thoại và hỏi nhà văn Phù Thăng: “Làm “nhau” là làm gì hả bác? Chúng cháu đánh máy thế đã đúng chưa?”. Nhà văn vui vẻ trả lời: “Đúng rồi! Đúng rồi đấy. Ngày xưa, trẻ con đi làm phu, gọi là “nhau”
cháu ạ”. Rồi còn câu:
Những con tàu dù đi khắp nẻo
Bến xuống đà neo trắng chẳng hề quên
Tôi rất phân vân với chữ “đà”. Trong bản thảo, chữ viết tay nhìn gần giống chữ “đò”. Vậy thì “đà” hay “đò”. “Đò” thì còn hiểu được, chứ “đà” nghĩa là gì? Nhà văn bảo, những chiếc tàu thủy khi hạ thủy thường có một đường “đà” màu trắng từ trên bến xuống. Vậy thì “đà” mới đúng. Cứ thế, chúng tôi hỏi nhà văn suốt lượt những từ “nghi vấn”, và qua giảng giải của nhà thơ chúng tôi biết thêm nhiều điều, nhiều kiến thức. Đến khi bản bông tập trường ca in xong, chúng tôi mời nhà văn lên tận Hội để xem và duyệt bản bông. Nhà văn xem xong có vẻ rất hài lòng, bảo tôi: “Nga và Xuyến sửa mo rát rất tốt đấy. Những chỗ đánh dấu nghi vấn là rất tinh đấy”. Nhìn nhà văn nâng niu lật từng trang bản bông tập trường ca, tôi thấy rất ấn tượng với con người bé nhỏ, gầy gò nhưng tinh anh ấy. Rồi nhà văn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện trong chiến đấu, trong thời khói lửa chiến tranh. Khi ấy là đầu năm, tiết trời vẫn còn rất lạnh. Chìm trong chiếc áo đại cán bộ đội rất dày, dáng vóc nhà văn Phù Thăng càng thêm bé nhỏ. Đôi bàn tay gân guốc vuốt ve mãi từng trang giấy. Duy có đôi mắt nhà văn là ngời sáng, trẻ trung, đối lập với những già nua, gầy gò của thân hình. Cuối tháng 3/2004, cuốn trường ca được in xong. Hội tổ chức buổi hội thảo tập trường ca vào ngày 15.4.2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đông đảo văn nghệ sỹ tỉnh nhà đã đến dự và chia vui cùng nhà văn Phù Thăng. Hôm ấy, nhà văn được tặng rất nhiều hoa. Ông run run ôm những bó hoa lớn chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người. Lúc phát biểu, nhà văn nghẹn ngào chực khóc mấy lần. Ông nói đại ý rằng ông rất xúc động trước việc làm của Hội, đã giúp ông tái bản “đứa con tinh thần” đã ra đời cách đó hơn 40 năm… Hội tặng nhà văn Phù Thăng 300 cuốn “Hoa vạn thọ” trong số 500 cuốn vừa in để ông làm quà tặng cho bạn bè, người thân và lưu giữ tại gia đình. Nhà văn Phù Thăng vui lắm. Đến khi cuộc hội thảo bế mạc, các hội viên đến dự đã về hết, ông lần lượt nắm tay từng người trong văn phòng Hội, cảm ơn. Ông dặn tôi khi nào rảnh thì xuống nhà ông tại Cộng Lạc – Tứ Kỳ chơi. Ông còn bảo: xuống đó thì bác cháu mình có nhiều thời gian để nói nhiều chuyện hơn!
Rồi công việc dồn công việc, chưa khi nào tôi thực hiện được kế hoạch xuống nhà bác Phù Thăng chơi, cho dù cũng đã mấy lần nhà thơ Phương Thảo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Bá Thước – những hội viên người Tứ Kỳ, ở gần bác Phù Thăng –  có rủ. Tuy nhiên, thi thoảng tôi có điện thoại, hỏi thăm sức khỏe cũng như sáng tác của bác. Nhà văn cho biết, ông còn một tập bản thảo chưa hề được xuất bản bao giờ, một cuốn tiểu thuyết tương đối dày. Và nhà văn ngỏ ý muốn liên hệ với một nhà xuất bản nào đó, để in cuốn sách. Tôi nỗ lực kết nối với nhà xuất bản để gửi bản thảo nhưng chưa có kết quả…
Thế rồi năm 2008, khi tôi đang học lớp Lý luận chính trị cao cấp trên Hà Nội thì nhận được tin nhà văn Phù Thăng qua đời. Khi về, được nghe mọi người kể nhiều về đám tang ông. Một đám tang rất đông những người hâm mộ, quý trọng nhà văn về tài năng và nhân cách về dự, đưa tiễn nhà văn đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cho đến lúc ấy, cuốn sách mà ông mong muốn được in ra cũng chưa tìm được chỗ để xuất bản…
27/1/2021
Nguyễn Thị Việt Nga
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài ...