Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

Huỳnh Phan Anh - Trong nỗi nhớ mịt mờ sương khói

Huỳnh Phan Anh - Trong
nỗi nhớ mịt mờ sương khói

Huỳnh Phan Anh tên thật là Huỳnh Thanh Tâm, sinh ngày 3 tháng 3 năm 1940 tại Bình Dương, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Lạt và là giáo sư triết học tại miền Nam Việt Nam. Sự nghiệp của ông gắn liền với hoạt động dịch thuật, sáng tác và phổ biến tác phẩm văn chương triết từ các nước đến với người đọc Việt Nam từ trước 1975. Sau năm 1975, Huỳnh Phan Anh sống tại Sài Gòn, một số tác phẩm của ông vẫn xuất hiện với độc giả trong nước, trong đó có tập tiểu luận phê bình Không gian và khoảnh khắc văn chương. Từ năm 2002, ông sang Mỹ định cư cùng gia đình và qua đời ngày 30 tháng 8, năm 2020 ở California, ở tuổi 80.
Có ba sự kiện đáng chú ý trong hoạt động văn nghệ của ông. Khi chưa đến 30 tuổi, Huỳnh Phan Anh cùng Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Hữu Trí, Đặng Phùng Quân tập hợp thành nhóm Đêm Trắng. Sau đó ông tham gia nhóm Tân Tiểu Thuyết gồm có Nguyễn Nhật Duật, Ðặng Phùng Quân, Nguyễn Ðình Toàn, Nguyễn Quốc Trụ và Nguyễn Xuân Hoàng. Ông viết về  Tiểu Thuyết Mới: “Mỗi thời đại có tiếng nói riêng của nó. Tiểu thuyết mới trước hết là nỗ lực làm mới ngôn ngữ. Mỗi nhà văn thực hiện một cách thế sử dụng ngôn ngữ… Xa hơn ngôn ngữ, tiểu thuyết mới đánh dấu sự trưởng thành của kỹ thuật tiểu thuyết. Tiểu thuyết không chỉ là câu chuyện kể một cách dung dị thơ ngây. Ðó là sự tìm kiếm một lối kể, một cách viết, một kỹ thuật. Ðây là vấn đề nội dung và hình thức. Có người cho rằng trong hình thức có nội dung và ngược lại”. Và sự kiện thứ ba là cuối năm 1999 ông nhận được học bổng của tòa đại sứ Pháp tại VN cho qua Pháp tu nghiệp về nghiên cứu, dịch thuật.
Thực sự tôi chỉ thích nhất hai tác phẩm dịch thuật của ông là Bãi hoang (Jean René Huguen) và Thế giới của Sophie (J. Gaarder). Bãi hoang là dịch phẩm ông đăng nhiều kỳ ở báo Văn, dở dang tới tháng 4 năm 1975, tôi nhiều lần photo bản in trên báo gửi cho ông để hoàn tất bản dịch sau năm 1975. Lắm khi tôi và nhà thơ Vũ Trọng Quang từng thích thú đùa nhau khi nhắc đến đoản văn của Phạm Công Thiện: “Một con ong chết / Nắng xế qua triền cửa / Mùa hè đổi hướng… Một con ong chết tôi buồn lắm”  về Bãi hoang. Còn Thế giới của Sophie, tôi coi đây là cuốn sách nhập môn của những ai muốn tìm hiểu về triết học Tây phương.
Trong tập Thơ Tự do (NXB Trẻ, năm 1999) in chung ông có cái nhìn mới và phóng khoáng về thơ tự do cho đó là sự toàn cầu hóa của thơ. Đây là tập thơ nhiều tác giả các vùng miền khác nhau mà tinh thần là muốn giải phóng khỏi cái nhìn thiển cận và tích cực đề cao sự hòa hợp.
Ở đây tôi thú thật có một điều là mình không thể “chịu nổi” những cuốn mà Huỳnh Phan Anh dịch thơ về thơ Rimbaud, Eluard, Yves Bonnefoy có cái gì trái khoáy khiến kẻ làm thơ như tôi “dị ứng” ra mặt dù  biết mình không đủ trình độ đọc bản tác phẩm từ nguyên tác.
Sống chung đụng nhiều năm tôi chỉ muốn ghi nhận một điều chân thành; ông là con người tha thiết hết mực chịu chơi với các nhà văn, nhà thơ trẻ thế hệ sau năm 1975. Thử trích đoạn FB nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh viết về Huỳnh Phan Anh: “… Qua nhà thơ Bùi Chí Vinh tôi biết nhà văn Huỳnh Phan Anh và có nhiều dịp bù khú với ông lê thê trong thập niên 90. Tính cách trội nhứt trong mắt tôi về ông là một tay chơi bất chấp thời thế và tiền bạc. Thập niên 90 là cái thời bản lề của khung cửa bẩn, thời chết đuối của chủ nghĩa xã hội bia cùi khóm sắp vớ được cái phao kinh tế thị trường của các loại bia chai. Ai có chút tiền đều đổ ra đường mua vui, vì mua vui là cách thúc đẩy thị trường phát triển mau lẹ nhứt. Đàn em mà chơi với Huỳnh Phan Anh ít khi phải trả tiền và những người cùng thời càng khó bao Huỳnh Phan Anh, thà mày cho tao mượn hoặc vay rồi tao bao mày chứ mày đâu phải anh hai mà bao tao. Tánh hảo hớn của thời Bảy Viễn, Đại CaThay nhiễm vào con người có dáng Cây Sậy của ông rất sâu. Ít khi phải trả tiền khi bù khú với ông đã là một điều khó quên và càng đáng nể hơn ở tánh cách hảo hớn, hào hiệp của ông ngay khi điều kiện tiền bạc và chính trị khốn cùng. Rất nhiều lần tôi chở ông đi vay tiền sau khi nhậu chưa tới bến, sau khi có tiền lại chở ông vô trường đua phú thọ đỏ đen một chập, hôm nào đứt bóng lại phải chở ông tới thư viện nhà văn hóa Pháp cho ông tha về một chồng sách để kết thúc một ngày bù khú có văn hóa. Thời thế tréo ngoe đã đẩy ông tới một cách thế lặt lìa giữa con người nhà văn thời trước 1975 và con người ăn chơi trong truyền thống không phải ngồi chiếu trên bằng lẻo mép mà chiếu trên là trên trong cách chi đẹp. Đó là một cách sống mà ông thể hiện và bảo vệ một cách gàn bướng, phớt tỉnh trong những năm tháng tôi bù khú với ông. Nhớ có lần ông nói về văn hóa Mỹ sau vài lần gia hạn đi đoàn tụ gia đình, ông nói Mỹ không có triết học, và trong lúc ngà ngà trong quán bia ôm, tôi nói càn với ông, triết lý Mỹ nó ở trong thời khắc mà anh chuyển cái chứng minh nhân dân thành passport Mỹ, và ông ngắt, con cặc nè Chánh”.
Cuộc đời riêng của ông là chuỗi bi kịch thảm thương, vợ và hai con trai tử nạn trong chuyến vượt biên, chỉ có người con gái út thành công, cưu mang và bảo lãnh ông sang nước Mỹ. Ông lập gia đình thứ hai với cô học trò cũ, có một người con trai. Ông là nhà văn không bị khó khăn, là hội viên Hội Nhà văn VN, khác với các nhà văn “gác bút’ như Lê Xuyên, Dương Nghiễm Mậu, Dương Hùng Cường… cùng thời trước 1975. Và hơn nữa Huỳnh Phan Anh trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, được các báo trong nước in lại nhiều lần: “… Tôi im hơi lặng tiếng lo những việc của mình. Sống ở Mỹ nhưng tôi không là công cụ của ai cũng không thỏa hiệp với ai. Tôi thỏa hiệp với mình còn chưa xong nữa là!”
Nói thật tận đáy lòng,  Huỳnh Phan Anh là bậc đàn anh, nhà văn đáng nể với lớp thế hệ viết văn sau năm 1975, ông trả lời cuộc phỏng vấn nói trên, sống ở Mỹ và được hỏi “Ở nước ngoài, ông có theo dõi văn học trong nước không?’: “Thành thực mà nói tôi đọc không nhiều. Đó là thiếu sót lớn nhất của tôi. Nhưng qua những gì tôi biết, tôi vẫn cảm thấy những cây bút trẻ đã thổi một luồng không khí mới vào đời sống văn học VN. Những người trẻ viết ít run tay và rất trong sáng. Tôi vẫn nhớ những tên tuổi như Phan Thị Vàng Anh, Châu Giang, Phan Triều Hải. Đọc Bảo Ninh tôi rất thích. Cuốn Nỗi buồn chiến tranh anh ấy viết như một công trình văn chương chứ không phải một sơ đồ tư tưởng.”.
Khi nhà thơ Vũ Trọng Quang có ý định làm một tập san về nhà văn Huỳnh Phan Anh, gợi ý viết bài, tôi trả lời anh, chỉ có những kỷ niệm vụn vặt, đọc văn ông không thấu đáo, có nhiều cách biệt về nhãn quan thơ nên khó viết bài về người anh tôi kính trọng, nể phục về nhân cách chịu chơi rất Nam bộ. Nhiều lần anh Vũ Trọng Quang thúc giục, tôi nghĩ thôi “Mình nghĩ gì thì viết nấy, miễn chân tình là được…”.
Kết bài viết nhỏ nầy, tôi muốn mượn câu nói của Nhị Linh (dịch giả CVD) ở Hà Nội viết về ông: “Văn học miền Nam: Huỳnh Phan Anh. Miền Nam trước 1975 có những nhân vật đa dạng đến đáng kinh ngạc. Trong số ấy có Huỳnh Phan Anh: viết văn, viết báo, dịch sách, phê bình, nghiên cứu…” để thắp nén nhang tâm tưởng nhớ tới Huỳnh Phan Anh…
9/1/2021
Trần Hữu Dũng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài ...