Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

Đọc tiểu thuyết Kundera, giới văn học Việt mới giật mình thấy lạc hậu quá xa

Đọc tiểu thuyết Kundera, giới văn học
Việt mới giật mình thấy lạc hậu quá xa

“Tiểu thuyết là thứ văn xuôi tổng hợp lớn dựa trên trò chơi của cái tôi thử nghiệm với các nhân vật hư cấu. Mỹ học tiểu thuyết của Milan Kundera xây dựng theo hai nguyên tắc: biến điệu (tiểu thuyết xây dựng trên sự thống nhất của các đề tài được tỏa ra dưới các biến thể luôn luôn mới) và phức điệu (tiểu thuyết là sự khai triển theo lối “đồng hiện” của nhiều kiểu phát ngôn “không đồng chất”: truyện kể, tiểu luận, giấc mơ, giai thoại…). Đọc cả thực hành và lý thuyết của M. Kundera, giới văn học Việt Nam mới giật mình thấy lạc hậu quá xa về cách nghĩ và cách viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết Việt Nam phần lớn vẫn là hoặc truyền thống hoặc cổ điển”.
Tưởng nhớ nhà văn lớn Milan Kundera người Czech vừa qua đời, xin đăng lại bài trích trả lời phỏng vấn của nhà phê bình văn học, dịch giả Phạm Xuân Nguyên về việc ông đã dịch và giới thiệu các tác phẩm của Milan Kundera sang tiếng Việt như thế nào…
* Vì sao anh chọn dịch Milan Kundera?
– Tôi là một bạn đọc lâu năm của Tạp chí Văn Học Nước Ngoài (VHNN), một tạp chí văn học có chất lượng và uy tín của Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay. Trên tạp chí này thường có những bản dịch tốt các tác phẩm văn học mới và có giá trị của các tác giả thuộc nhiều nền văn học khác nhau trên thế giới ra tiếng Nga. Đối với văn học Việt Nam, nhất là ở phía Bắc, tạp chí VHNN của Nga giữ một vai trò quan trọng, đã và đang là một cửa sổ chính nhìn ra văn học thế giới. Từ các bản dịch tiếng Nga đó, nhiều tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt.
Trở lại chuyện M. Kundera, khi bắt gặp tiểu thuyết “Sự bất tử” của ông qua bản tiếng Nga đăng trên VHNN số 11.1994, tôi đã bị lôi cuốn. Trước hết là bởi cách viết, sau là do cách viết đến nội dung. Thực ra trước đó tôi đã có dịp  làm quen với ông nhà văn Czech này qua một trích đoạn cuốn tiểu thuyết trên in ở “Báo Văn” cũng của Nga: đoạn so sánh tính cách Nga và tính cách Pháp. Tôi thích thú và đã dịch đoạn đó gửi đăng Tạp chí Cửa Việt thời Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập còn chủ sự tờ báo. Có một chi tiết vui: ở bản in Cửa Việt, tên tác giả còn bị phiên âm thành ra Cunđơ do tôi nghĩ âm tiết “a” là hình thái sở hữu cách của từ trong tiếng Nga.
* Và thế là anh đã dịch “Sự bất tử”?
– Vâng, đầu năm 1995 tôi bắt tay vào dịch cuốn đó. Tôi có thói quen đọc được cái gì hay và thích ở ngoài là muốn dịch ra ngay để chia sẻ cùng bạn bè quan tâm, dịch mà không cần nghĩ là sẽ in ở đâu, có kiếm được tiền nhuận bút không. Nói chị nghe chơi, thời sách dịch mới bung ra khoảng cuối những năm 80, tôi “điên” lên dịch năm, bảy cuốn liền mà chẳng hề “com-măng” với đâu, dịch xong gửi tứ tung các nơi mà rút cục chẳng ra được cuốn nào, bản thảo cũng mất cả, vì hồi đó photocopy chưa phải là thứ phổ biến, bản thảo dịch của tôi lại chữ xấu trên giấy đen. Dịch “Sự bất tử” tôi cũng chẳng “com-măng” với ai, cứ rảnh việc là tôi lại ngồi lì ở bàn với cây bút và trang giấy. Khoảng ba tháng tôi dịch xong cuốn đó. Niềm vui và khích lệ là khi có bạn văn đến lấy ra đọc bắt chúng phải nghe và được chúng tán thưởng. Nhưng khi hỏi in ở đâu để ra thành sách được thì cả bọn khó nghĩ.
* Khó nghĩ là vì sao, thưa anh?
– Vì là thấy khó, vậy thôi. Chuyện là thế đấy: có những bản thảo, viết cũng như dịch, đọc ai cũng thấy hay và thích, nhưng nghĩ đến chuyện in là ngại ngần. Milan Kundera là một nhà văn bỏ Tiệp Khắc sang Pháp năm 1979 và định cư tại đó, “Sự bất tử” có những trang bàn đến politique trong tương quan với L’Immortalité, các nhà xuất bản có e ngại cũng là chuyện thường tình dễ hiểu. Nhưng tôi gặp may nhờ bè bạn. Dịch giả Đoàn Tử Huyến, người đã có công đưa đến cho bạn đọc Việt Nam một tác gia lớn của văn học Nga thế kỷ XX là Mikhail Bulgakov với tác phẩm vĩ đại “Nghệ nhân và Margarita” và là một người làm sách giỏi trong thời mở cửa, nhà văn và dịch giả Phạm Sông Hồng làm việc ở nhà xuất bản Hội Nhà văn, đó là hai người đã rất sốt sắng tìm lối ra cho bản dịch của tôi. Đang lúc khó đầu ra ở nhà xuất bản thì Tạp chí Văn Học Nước Ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam ra đời, thế là có hy vọng ở một cửa ra.
* Cụ thể ra sao, xin anh kể cho biết?
– Khi tạp chí này chuẩn bị ra số đầu tiên, trên bàn biên tập có bản dịch “Sự bất tử”. Ban biên tập thấy hay nhưng cũng sợ căng nên chưa định dùng nó ở số ra mắt, mà dùng một tiểu thuyết hiện đại của Trung Quốc. Nhưng đến phút chót, bản dịch kia chưa ổn, và thế là “Sự bất tử” được lên khuôn. Quyết định thế rồi nhưng cả tổng biên tập Ma Văn Kháng và phó tổng biên tập Đoàn Tử Huyến vẫn cảm thấy lo lo, tuy đây chỉ là bản in báo chứ không phải in sách. Tuy nhiên có hai điều khiến hai ông chủ báo vững tâm: ở nước ngoài trong một cuộc trưng cầu ý kiến về mười nhà tiểu thuyết lớn thế kỷ XX, Milan Kundera được xếp thứ hai sau Garcia Marquez; ở trong nước nhà văn Nguyễn Khải rất phục Milan Kundera, sau khi đọc tập tiểu luận của ông này do Nguyên Ngọc chuyển dịch từ tiếng Pháp mà ông gọi là một “bí kíp”, Nguyễn Khải đã tiếc nếu được đọc sớm hơn thì ông đã thay đổi lối viết của mình. Trong lời giới thiệu tôi viết cho bản in tạp chí, chi tiết câu nói này có nhắc đến nhưng ở dạng phiếm chỉ, do ông Kháng không muốn kéo thêm tên ông Ngọc, ông Khải vào cạnh tên Kundera sợ rắc rối thêm ra, cốt để bản dịch được xuất hiện an toàn. Như vậy số 1 tạp chí VHNN của Hội Nhà văn Việt Nam ra đầu năm 1996 đã in tiểu thuyết “Sự bất tử” của Milan Kundera qua bản dịch từ tiếng Nga của Ngân Xuyên. Công lớn ở đây thuộc về ban biên tập tạp chí, đặc biệt là vai trò của dịch giả Đoàn Tử Huyến. Chính anh Huyến đã giúp tôi chỉnh lý bản dịch, đã bảo đảm cho độ tin cậy của người dịch và bản dịch (tôi vốn là “tay ngang” trong nghề này mà) và đã thuyết phục tổng biên tập cho đăng nó. “Sự bất tử” in ra được là một thành công.
* Nó có tạo ra được một “hiện tượng Kundera” ở Việt Nam không, thưa anh?
– Trong chừng mực nào đó tôi có thể nói là có. Sau khi Tạp chí Văn Học Nước Ngoài số 1 phát hành nhiều nhà văn cũng như bạn đọc thấy kinh ngạc trước một cách viết, một lối tư duy tiểu thuyết khác lạ, mới mẻ và hấp dẫn qua “Sự bất tử”. Họ tìm đọc Kundera. May sao ở Việt Nam đã có một người say mê Kundera từ khá lâu – đó là nhà văn Nguyên Ngọc. Ông Ngọc có gần như đầy đủ các tác phẩm bằng Pháp ngữ của Kundera và ông đi sâu vào dịch phần tiểu luận của nhà văn Czech này. Mấy số tiếp sau của tạp chí VHNN đăng các bản dịch đó của ông Ngọc càng kích thích bạn đọc say mê Kundera vì tiểu luận ông ta viết cũng quá hay. Tiếp đó nhà xuất bản Đà Nẵng cho in cuốn “Nghệ thuật tiểu thuyết” của Milan Kundera qua bản chuyển ngữ Pháp văn của Nguyên Ngọc bán khá chạy. Có thể nói hiện nay đang có một “nhu cầu Kundera” thực sự. Bộ Milan Kundera tác phẩm do nhà xuất bản Văn Học và Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây phối hợp xuất bản dự định gồm ba tập. Tập một gồm ba tiểu thuyết “Sự bất tử”, “Chậm rãi”, “Bản nguyên” (Ngân Xuyên dịch) đã ra (1999). Tập hai gồm hai cuốn tiểu luận “Nghệ thuật tiểu thuyết” và “Những di chúc bị phản bội” (Nguyên Ngọc dịch) sắp in. Tập ba gồm các nghiên cứu về M. Kundera sẽ in.
Dịch giả Phạm Xuân Nguyên
* Theo anh, sức tác động của Milan Kundera đến văn học Việt Nam là ở đâu?
– Ở tầm vóc tiểu thuyết của ông ta. Trong một cuộc phỏng vấn người ta hỏi Kundera: “Ông là người cộng sản, thưa ông Kundera? – Không, tôi là nhà tiểu thuyết. – Ông là phần tử ly khai? – Không, tôi là nhà tiểu thuyết. – Ông là tả hay hữu? – Không, tôi là nhà tiểu thuyết”. Các tiểu thuyết của M. Kundera đặt ra những vấn đề nhân sinh của con người trong thời hiện đại. Đó là những vấn đề cấp bách và sống còn mà rốt cuộc con người dù ở bất kỳ góc nẻo nào của hành tinh cũng bị đụng chạm. Tiểu thuyết, theo Kundera, thể hiện trong mình “tinh thần của phức tạp”, “hiền minh của hoài nghi”, nó không đi tìm các câu trả lời mà đặt ra các câu hỏi, nó nghiên cứu “không phải hiện thực mà hiện sinh”, nghiên cứu chính ngay bản chất sự tồn tại của con người. Tiểu thuyết là thứ văn xuôi tổng hợp lớn dựa trên trò chơi của cái tôi thử nghiệm với các nhân vật hư cấu. Mỹ học tiểu thuyết của Milan Kundera xây dựng theo hai nguyên tắc: biến điệu (tiểu thuyết xây dựng trên sự thống nhất của các đề tài được tỏa ra dưới các biến thể luôn luôn mới) và phức điệu (tiểu thuyết là sự khai triển theo lối “đồng hiện” của nhiều kiểu phát ngôn “không đồng chất”: truyện kể, tiểu luận, giấc mơ, giai thoại…). Đọc cả thực hành và lý thuyết của M. Kundera, giới văn học Việt Nam mới giật mình thấy lạc hậu quá xa về cách nghĩ và cách viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết Việt Nam phần lớn vẫn là hoặc truyền thống hoặc cổ điển. Tôi mong những gì mình dịch ra góp được chút nào cho cuộc bứt phá của những cây bút trẻ hiện nay, như Nguyễn Bình Phương chẳng hạn.
* Khi dịch Kundera, anh có gặp khó khăn gì?
– Trong tập đầu của bộ Milan Kundera – tác phẩm, tập tiểu thuyết do tôi dịch, có ba tác phẩm thì có một cuốn (Chậm rãi) tôi dịch thẳng từ tiếng Pháp. Bản Pháp văn in ở nhà Gallimar là bản gốc, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên Kundera viết trực tiếp bằng tiếng Pháp (nhân đây tôi xin cám ơn chị đã gửi cho tôi bản này từ Paris về). Thoạt đầu tôi dịch “Chậm rãi” từ bản tiếng Anh của một người bạn ở Singapore cũng là người mê Kundera tặng. Hai cuốn còn lại tôi theo bản Nga văn đăng trên tạp chí VHNN. Như đã nói, trường phái dịch của Nga có uy tín, các bản dịch được chọn vào VHNN của họ có chất lượng tốt, trung thành nguyên bản. Sau này khi có dịp đối chiếu với bản Pháp văn của nhà Gallimar mà chính tác giả đã xem lại và coi là ngang quyền với bản gốc tiếng Czech, tôi tự thấy các bản dịch từ tiếng Nga của mình ra tiếng Việt không sai khác mấy. Điều này làm tôi cảm thấy yên tâm. Cái khó của tôi khi dịch là tôi chỉ biết mặt con chữ trên văn bản chứ không sống trong môi trường ngôn ngữ nên đôi chỗ  đã “trực dịch”. Trường hợp tác phẩm Les liaisons dangereuses của P. Laclos tôi dịch là “Những mối ràng buộc nguy hiểm” mà chị nhắc là vậy đấy (nhưng tôi cũng xin ngoặc thêm một chút: tình ái nhiều lúc đúng là ràng buộc nguy hiểm, phải không chị?). Khi dịch qua một ngữ trung gian, tôi cố bám sát văn bản đến tối đa để khỏi lại làm rơi rụng thêm nội dung của nguyên tác. Chị có tin không: gần như tất cả các câu trong ba bản dịch đều theo đúng trật tự ngữ pháp của bản chính, mà chị đọc có thấy đó là văn Việt hay văn dịch?
* Một chút tò mò: anh học ngoại ngữ ở đâu? và cái bút danh Ngân Xuyên?
– Ngân Xuyên là của Xuân Nguyên nói lái và đảo lại. Tôi ký bút danh này ở bản dịch đầu tiên một bài trên tờ tạp chí Lettres Sovietiques và gửi đăng báo năm 1980. Hồi đó tôi đang là lính đóng quân ở Sài Gòn. Tiếng Nga tôi có học ở đại học, còn tiếng Anh và tiếng Pháp tôi mua sách về tự học, học cốt để đọc dịch được văn bản, không chú trọng khâu giao tiếp, vì nghĩ ngay tiếng Việt tôi nói giọng Nghệ còn khó nghe. Do vậy tôi là kẻ “câm điếc” trong ngoại ngữ như bạn bè thường trêu, vì nghe không được, nói cũng chẳng xong, chỉ sáng mắt đọc được thôi. Tôi là thằng ham đọc, võ vẽ được mấy chữ ngoại quốc, lại sẵn tinh thần “điếc không sợ súng”, thế là  à la sault vào dịch, dịch đủ thứ văn thơ lý luận nghiên cứu đông tây, bây giờ có tập hợp lại chỉ riêng các bản dịch nghiên cứu không thôi cũng ra được vài tập sách dày. Đi thi ngoại ngữ để lấy các bằng cấp chứng chỉ tôi thường chỉ được điểm trung bình. Chị thấy tôi có liều không?
* Cám ơn anh!.
– Bài phỏng vấn này do nhà phê bình văn học Thuỵ Khuê thực hiện qua đường điện thoại viễn liên từ Paris gọi về Hà Nội và đã được phát trên RFI của Pháp các tối thứ bảy ngày 17 và 24.6.2000.
– Tựa bài do VHSG đặt lại.
14/7/2023
Thụy Khuê
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quân tử báo cừu, thập niên bất vãn

Quân tử báo cừu, thập niên bất vãn Lôi sinh ra ở một làng chài, gần cảng biển thuộc nước Vệ. Là chàng trai khôi ngô, tuấn tú, vốn có tố ch...