Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

 

Cơm xuân - Truyện ngắn của Phát Dương

Giáp Tết năm ngoái, Phương nhảy khỏi xe đò, gió bấc ập tới đón lấy anh buốt giá như cái bạt tay của má hồi nảo hồi nao. Cái lúc má giận điên người, rầy anh sống sao cho ra con người còn có tình có nghĩa. Cái lúc chú thím Sáu qua nhà nằng nặc đòi báo công an, tội anh gạt con trai thím cá độ đá banh hết sạch tiền. Gạt gẫm dụ dỗ gì, lớn xác hết rồi có chơi có chịu chớ, không có gan mà đòi làm giàu. Anh cự tới cùng, má giận quá đánh anh một cái. Con ngựa non háo thắng đâu thừa nhận mình sai, lầm lầm lì lì bỏ vô buồng chốt cửa. Tối đó gom mấy chỉ vàng của má cùng ít đồ đạc, anh bỏ đi bụi luôn.

Gió bữa đó lạnh dữ, sáng ra chân bà Bảy Beo tê cứng bước không nổi. Nhưng én về nhiều, bà nghe tiếng ríu rít của chúng lượn trên mái nhà, mừng báo Tết đã lấp ló trong những tán mai đang ủ nụ. Một linh cảm tha thiết bùng dậy của người mẹ thương con khôn xiết, bà hít một hơi thật sâu xỏ dép vô bước ra ngoài. Pha ấm trà con cua, bà bắc ghế ngồi, đoán mình lại chờ điều vô vọng. Mấy năm rồi thằng Phương có về đâu.

Nhưng không hiểu sao bà Bảy Beo cảm thấy lần chờ đợi này rất khác. Bà không thể hiểu nổi, sự nôn nao có lẽ khiến mắt bà tinh tường hơn. Bà đã thấy xa xa bóng ai thấp thoáng. Như dáng thằng Phương con trai bà. Phải nó không? Hay bóng hình hư ảnh dội lại từ quá khứ, được không khí thoáng buồn muôn phương gió Bấc làm dấy lên thương nhớ?

Con phèn sủa dữ dội, nó vẫy đuôi hối hả mừng người quen. Run rẩy, bà Bảy Beo xúc động quá đứng không vững phải chống cái ghế mà nhích từng bước. Bà hất đổ luôn ấm trà, vội vã. Ấm lăn lông lốc, không bể, chắc là điềm lành. Là Phương, thằng Phương con trai bà. Anh về thật.

Bà Bảy Beo buông ghế, cuống quýt chạy tới như đứa trẻ thấy má đi chợ xa về. Bà khóc ngất trong vòng tay con, hít hà căng phổi mùi bụi bậm đường xa. Tay bà mân mê da thịt, xót lòng khi thấy con ốm đi nhiều. Mà chắc khỏe. Ngó chừng cũng trải mấy lần vất vả, anh đã tỉnh ra chưa hay còn mê những thói trẻ ngông cuồng?

Phương dìu má vô nhà, cẩn thận kiếm dầu xức cho má, chớ trời nổi gió vầy sợ bà bị cảm. Dầu trong ngăn tủ đầu giường, y nguyên chỗ cũ. Phương ngó một vòng quanh, anh nổi da gà trước bối cảnh y đúc quá khứ. Điều đó làm anh tưởng chuyện như mới hôm qua, nhưng thật chất đã vùn vụt biết bao năm tháng. Một thằng Phương trẻ dại giờ đã trưởng thành, biết cầm về cho má mấy tháng lương đầu tiên dành dụm.

– Con muốn ăn gì, để lát má đi mua? – Bà Bảy Beo hồ hởi hỏi.

Bà Bảy chỉ muốn nấu thật nhiều, thật nhiều cho con trai. Đó là cách bà thể hiện tình cảm giỏi nhất. Bà không ngại tự cảm thấy bản thân nấu khá. Hồi trước xương cốt còn mạnh, đích thân bà nấu quán cơm từ thiện ngoài xã, sau hay đau nhức bà mới chịu nhường lại bếp cho người khác. Khách tới ăn ai cũng khen ngon. Hồi đó chồng bà cũng tấm tắc hòai. Riêng thằng Phương hay chê, bởi nó toàn mê những thứ ăn không được. Nó say cờ bạc và những cuộc nhậu, mấy cái đó bà má nào đành lòng nuông chiều cho con lún sâu được chớ? Mà thằng Phương đây là Phương hồi đó, cái hồi trước lúc nó bỏ nhà đi.

– Món nào của má con cũng thèm. – Phương tựa đầu vô vai má, lặng lẽ chảy nước mắt.

– Tội con tui! – Bà Bảy Beo xoa xoa đầu con, mái tóc Phương khét lẹt mùi nắng gió. Mùi của một người đã biết qua khổ cực. – Mấy năm mới được ăn cơm má nấu…

– Đâu có, mới năm ngoái con ăn rồi. – Phương ngẩng lên, nhe răng cười.

– Hồi nào? – Bà Bảy Beo ngẩn ngơ, không hiểu thằng con đang nói gì. Phương có về hồi nào đâu mà ăn, chắc ý anh là ăn trong những giấc mơ mong ngóng.

– Chuyện dài lắm, để từ từ con kể má nghe! – Phương đứng lên, xốc balô chuẩn bị đem vô buồng – Để con cất đồ cái rồi chở má ra chợ. Xe còn chạy được hả má? Má nấu nhiều chút nhe, lát có khách quý tới chơi đó má.

Bà Bảy Beo như con én mới từ phương Bắc về, không hiểu nổi thằng con đang nói chuyện gì nữa. Nó mới về sao ai biết để tới. Lại còn khách quý. Không biết anh có giấu bà gì không, sao bà thấy lo lo. Chắc ổn thôi, nhìn bộ dạng của con, bà biết anh đã chịu thay đổi. Tức là tốt lên. Thôi, thủng thẳng rồi con nó kể, lo chi lo, nó về mừng còn hổng hết – bà Bảy tự trấn an mình như vậy.

***

Cơm canh nấu sắp xong xuôi, vừa hay khách tới. Bà Bảy Beo tò mò chạy ra coi, không quên rút bớt củi cho nồi canh đừng trào.

Khách đàn ông đứng tuổi, trạc bốn mươi, ăn mặc giản dị như kiểu người thân thuộc với ruộng vườn. Sao bà Bảy Beo cứ thấy khách quen quen, dù mới tới nhà lần đầu mà như đã gặp từ trước…

– Má, má nhớ chú Năm Dừa không? – Phương rạng rỡ giới thiệu. – Hồi trước chú hay ghé quán cơm từ thiện của má ăn đó má!

Bà Bảy Beo xốc lại kí ức, quá khứ nhảy phốc ra khiến bà vỗ trán cái bốp. A, nhớ rồi, cái ông hay chạy ba gác chở dừa đi bán.

– Ủa, rồi sao mà con quen chú đây? – Bà Bảy Beo ù ù cạc cạc, hết ngó khách lại ngó con.

– Vô nhà trước đi má, vừa ăn cơm con với chú vừa kể má nghe! – Phương cười bí ẩn, chạy lăng xăng xuống bếp dọn chén đũa.

Phương nói vậy chớ anh đâu kể vội. Anh tủm tỉm cười, đưa đũa chia cục ba rọi kho ra làm hai phần, phần thịt gấp cho ông Năm Dừa, phần mỡ có da anh bỏ vô miệng nhai chop chép. Vừa nhai anh vừa làm bộ dáo dác nhìn quanh, đưa tay lên làm động tác kéo nón sụp xuống dù anh không đội nón. Ông Năm hiểu ý, cười theo chớ cũng không nói gì.

Bà Bảy Beo nhíu mày nhăn trán ngó con, ban đầu tưởng nắng gió làm anh lên cơn sảng. Nhưng từ từ đôi mày bà dãn ra dần, cảnh tượng trước mặt quen quá là quen. Bà nắn nót dựng lại những gì nhớ được. Để coi, đó là hồi năm ngoái, cũng độ thời gian này. Lúc đó ông Năm Dừa đây có tới ăn cơm, dẫn theo một người nhìn hơi kì dị…

– Trời ơi… – Bà Bảy Beo la rùm lên, mở lớn hai mắt nhìn từ Phương qua tới ông Năm, rồi lại đảo ánh nhìn lần nữa – Đừng nói là…

– Dạ, năm ngoái con với chú Năm đây có ghé quán má ăn! – Phương đưa tay quẹt giọt nước mắt vừa mới ứa ra, ngậm ngùi kể lại.

***

Giáp Tết năm ngoái, Phương nhảy khỏi xe đò, gió bấc ập tới đón lấy anh buốt giá như cái bạt tay của má hồi nảo hồi nao. Cái lúc má giận điên người, rầy anh sống sao cho ra con người còn có tình có nghĩa. Cái lúc chú thím Sáu qua nhà nằng nặc đòi báo công an, tội anh gạt con trai thím cá độ đá banh hết sạch tiền. Gạt gẫm dụ dỗ gì, lớn xác hết rồi có chơi có chịu chớ, không có gan mà đòi làm giàu. Anh cự tới cùng, má giận quá đánh anh một cái. Con ngựa non háo thắng đâu thừa nhận mình sai, lầm lầm lì lì bỏ vô buồng chốt cửa. Tối đó gom mấy chỉ vàng của má cùng ít đồ đạc, anh bỏ đi bụi luôn.

Đời dạy Phương đủ kiểu mặn, từ mồ hôi tới nước mắt. Ra đường lăn lóc một mình, anh thấm thía cuộc sống khó khăn tới mức nào. Vậy mà má đâu một lần thở than, vẫn kiên nhẫn nuôi dạy thằng con cứng đầu cứng cổ. Phải chi lúc đó anh nghĩ thêm chút nữa, chắc anh tỉnh ra. Nhưng anh vẫn còn say nông nổi, anh đổ tội cho số mình xui rủi quá mới thành ra lận đận như vầy.

Đầu tiên Phương kết tội ba. Phải hồi đó ba đừng bỏ đi cưới vợ bé, biết đâu đã không bệnh nặng mà qua đời sớm. Có ba bên cạnh, anh đâu bị bạn bè chọc ghẹo. Anh đâu phải nghe hàng xóm cười cợt sau lưng, rằng nhà đó chắc đâu tốt lành chi mới tan đàn xẻ nghé. Uất ức lắm chớ. Đau lắm chớ. Đau như người ta đấm liên tục vào bụng, như trái tim bị lăn trên thảm gai rồi tạt nước muối vô. Tức là đau từ trong ra tới ngoài, quá sức chịu đựng của thằng con trai lớn người mà hồn chưa lớn nổi.

Xong rồi Phương định tội luôn cho má. Phải má đừng chịu đựng ba, phải má nghiêm lên làm lớn chuyện chắc ba đã ở lại. Phải má đừng nhẫn nhịn kệ lời ra tiếng vô mà chửi mấy câu cho những lời xầm xì tắt đi. Phải mà… phải mà má đừng nhẹ nhàng như vậy, đừng dịu dàng như vậy, đừng cam chịu gom hết mọi thứ về phía mình như vậy.

Phương rẽ gió mà đi, tiền trong túi sạch bách, chưa biết phải đi tiếp làm sao. Lội bộ về nhà chắc gẫy cặp giò, chắc phải kiếm người quá giang. Tết nhất cận kề vầy người ta cũng cảnh giác, dễ gì. Anh thở dài, thôi thì đi bộ. Đi cùng cái bụng đói mềm đã chẳng còn rên rỉ nổi.

Phương chợt thấy xe chở dừa của ai đó, giờ này còn đi bán anh đoán kiểu dân lao động chân tay vất vả. Kiểu người chất phác, hiền lành, như má anh. Phương mừng rơn, nghĩ thầm chắc mình xin đi nhờ được.

Những buồng dừa xếp dày lên nhau làm Phương thèm thuồng, chúng sung túc như một gia đình. Cổ họng anh nhớ vị nước ngọt mát. Khát. Anh len lén nuốt nước miếng, ngó coi chủ xe dừa đi đâu rồi. Chắc khiêng dừa cho khách, đi không xa đâu. Nếu anh xin một trái, họ có cho không? Thôi đừng, vậy càng khiến họ nghi ngờ muốn biết anh từ đâu mà về. Những chiến tích lăn lộn có gì đâu để kể, họ biết lại sợ không cho quá giang thì chết.

Phương nhón chân ngó vô xe, kiếm coi có ca nước đá không. Xin miếng nước uống coi bộ ổn hơn. Anh đã thấy cái ca, kế bên cái túi vải đựng đồ. Những tờ tiền xanh đỏ bên trong như có rắc kim tuyến, chúng lấp lánh quá. Chà chà, người gì để đồ đạc hớ hênh vầy, lỡ kẻ xấu thấy thì sao. Một kẻ lang thang nào đó, đói khát và cạn túi đã sẵn tính liều lĩnh, tha thiết muốn về nhà càng nhanh càng tốt đến mức bất chấp ăn cắp.

Một kẻ như Phương chẳng hạn. Anh dáo dác nhìn bốn phía. Chẳng ai để ý tới anh, Tết nhất phù phép cho dòng người trở nên đông đúc và bận rộn. Đông nghẹt người vầy cũng chẳng ai biết là anh lấy.

Phương hít một hơi sâu, rón rén bước tới. Anh giả bộ vấp té vô chiếc xe, luồn lẹ tay thó lấy cái túi tiền. Nhanh nhẹn, anh giấu nó vô trong áo khoác. Anh cố gắng thật bình tĩnh, đi được một quãng mới chạy để mọi người không nghi ngờ. Đúng rồi, là lúc này đây, khi anh đã cách chiếc xe chở dừa đủ xa và hàng người trộn lẫn vô nhau đủ phía. Anh biến mất trong biển người đen đặc ấy, trong những người chen nhau mua sắm để về nhà sum vầy.

Hớn hở rời khỏi chỗ đông người, Phương mừng quýnh, anh không bị ai réo lại. Anh chưa dám lấy tiền ra đếm, nhưng đoán chừng nhiêu đây dư sức cho anh ăn uống và bắt xe ôm về nhà. Anh bắt đầu nghĩ sẽ ăn món gì đây, uống cái gì, sao tự nhiên mọi món ăn trên đời đều trở nên hấp dẫn hết biết.

Có tiếng con nít khóc, Phương đổ mồ hôi hột, chỗ này vắng hoe con nít ở đâu ra. Mà có thật, đứa bé trai mếu máo đang tiến dần về phía anh, vừa đi vừa khóc. Nó đi ngược với hướng đèn đường, như bước ra từ bóng tối. Lủi thủi như con chó con, nhìn vừa cô độc vừa tội nghiệp. Hệt như Phương hồi nhỏ, cái lúc anh chạy theo đòi ba ở lại.

Thằng nhỏ không quan tâm tới Phương, nó đã đi qua chỗ anh rồi. Không biết nó tìm gì nữa, hay nó chờ ai, hay nó thật sự là một bóng ma muốn níu giữ chuyện trần. Tiếng khóc vẫn chưa nín, những tiếng nấc dày thêm, có lẽ nó đang mệt. Tức là nó khóc nhiều, khóc lâu rồi. Phương dợm bước đi, nhưng chân anh bị chính lòng mình kéo lại.

– Ê nhỏ, đi đâu vậy? – Phương cất tiếng gọi, ngập ngừng.

– Em đi kiếm ba. – Thằng nhóc không sợ người lạ, nó vươn đôi mắt đỏ hoe lên nhìn anh, đôi mắt của một con thú nhỏ bị thương.

– Biết ở đâu không mà kiếm? – Phương nhìu mày, tự nhiên anh lo mấy chuyện bao đồng này chi vậy trời.

– Ba ở bệnh viện… – Thằng nhỏ nói liền, rồi giọng chuyển qua buồn thiu – Nhưng bệnh viện nào thì em không biết.

– Thôi ngồi xuống nghỉ ngơi chút đi, anh có kẹo nè. – Phương bước tới gốc cây hoàng hậu gần đó, ngồi xuống trước, anh đưa tay vỗ vỗ chỗ ngồi bên cạnh ý kêu đứa bé tới gần. Để khẳng định mình không nói dóc, anh móc túi áo đem ra mấy cục kẹo cho thằng nhỏ thấy. Kẹo này anh đánh bài thắng, giải trí trên chuyến xe về quê hồi chiều.

Có lẽ vì đã thấm mệt, hoặc bị những viên kẹo thu hút, đứa con nít ngoan ngoãn bước tới ngồi xuống. Nó cầm lấy kẹo, khe khẽ cảm ơn anh và bóc ăn ngon lành. Phương chầm chậm hỏi chuyện. Thằng nhỏ cũng thật thà, hỏi thì nó kể.

– Bữa đó ba đi làm không về, em đợi hoài cũng không thấy má về. Má gọi nói ba bị té nhập viện rồi. Má vô nuôi ba, sáng đi tối nhờ chú em canh má về ngủ với em. Mà má nói vài bữa ba về hà, sao cả tuần chưa thấy, nên em định đi kiếm…

Phương đưa tay lên bóp lấy ngực trái, sao tự nhiên anh thấy tim mình đau. Cảm giác quặn thắt khiến anh khó thở. Sự chờ đợi này, anh đã từng trải qua. Má anh cũng đã từng nói dóc, rằng ba sẽ về sớm thôi…

Phương quan sát đứa trẻ, anh hiểu nhà nó cũng khó khăn. Chắc mẹ nó đang trầy trật lắm. Và tay anh chạm tới túi tiền đã trộm khi nãy, cái túi như có điện, tay anh run lên và nhói, phải rụt lại. Anh chưa biết mặt chủ của xe dừa. Họ là ai, có nghèo khó không. Họ có đang gặp chuyện gì không. Họ có cần số tiền này hơn anh không.

Mẹ đứa nhỏ tới. Thấy con, bà mừng quýnh cảm ơn anh, rối rít ôm lấy nó. Bà báo cho nó mừng, ba nó sắp khỏe rồi. Lần này là thật. Phương nghe cũng mừng lây.

– Nhờ mạnh thường quân hỗ trợ, tui mới có viện phí lo cho ổng… – Không biết vô tình hay cố ý, bà kể với Phương như vậy.

Mắt Phương đau rát. Đầu anh ong ong. Anh nhớ má có nói về ước mơ mở quán cơm từ thiện, không biết giờ đã làm được chưa hay bận kiếm tìm tin tức anh mà bỏ hết.

Thế giới này coi vậy vẫn còn nhiều người tốt.

Phương lại nhớ một mảnh vụn kí ức, những người hàng xóm của anh không phải ai cũng độc miệng. Có người an ủi động viên anh. Có người còn đứng ra cự lại những lời đàm tiếu, rằng bà Bảy Beo tốt bụng hay giúp đỡ người khác mấy người đừng có nói bậy.

Túi tiền trong áo Phương trở nên nặng trịch. Tay anh, cái tay đã trộm nó, nóng hổi và nhức như bị trúng độc. Độc của tội lỗi. cái túi hình như trở thành sinh vật sống, nó cựa quậy, nó đập thình thịch. Nó thúc vô lồng ngực anh. Nó đòi về với chủ.

Phương chạy không kịp thở. Anh lao về phía dòng người ồn ào ngoài kia. Anh tha thiết mong chiếc xe bán dừa đừng chạy vội. Anh đổ mồ hôi ướt nhẹp, lâu rồi anh mới mong muốn một điều mãnh liệt như vậy. Anh muốn một ai đó chờ anh.

Chiếc xe vẫn còn đứng đó, may quá. Người đàn ông chủ xe với gương mặt đau đớn ngồi xổm tựa vô xe, châm lửa hút thuốc lá. Chắc ông đã biết tiền đã bị trộm mất. Tiền bán dừa, cả tiền ông mới mượn sửa lại nóc nhà. Trời ơi phải chi ông đừng ỷ y, cứ nghĩ giao dừa cái là trở ra. Đường xá người đi như kiến vầy, biết ai mà đòi lại.

Ông không thể ngờ được kẻ trộm quay lại và giơ túi tiền ra đưa ông.

Vì quá mệt, Phương quỳ mọp xuống, một tay giơ túi tiền cao nhất có thể. Bộ dạng thảm hại, phù hợp với tâm trạng của anh bây giờ. Một kẻ chờ định tội.

Ông chủ xe dừa run run cầm lấy. Ông đã định đá kẻ trộm một cái. Nhưng nhìn đi, chàng thanh niên này xơ xác quá, như một trái dừa non bị gió quật rụng khỏi buồng dừa từ sớm. Anh ta đã biết trả lại, thôi còn giận làm gì.

Tiếng bụng réo sôi xóa bỏ khoảng không im lặng. Của Phương, cuộc chạy vật vã đã nhắc cơ thể anh biết biểu tình trở lại. Của ông bán dừa, vì lo mất tiền ông quên chuyện mình phải kiếm đồ ăn tối.

– Đói hả? Leo lên xe đi tui chở tới quán cơm từ thiện này ngon lắm. – Ông hất hàm, leo lên xe trước.

Phương khép nép bước lên sao. Anh dè dặt đề nghị:

– Ăn cơm xong chú chở con về nhà được không chú? Mấy năm rồi con mới về, không còn tiền đi xe con mới làm liều vậy…

Ông thẫn người ra. Ừ, ngó bộ không khó đoán câu chuyện. Ông thở dài, gật đầu, cho xe nổ máy.

Người đàn ông chủ xe tên là Năm Dừa. Phương đi theo ông vô quán cơm, co ro ngồi xuống. Mùi đồ ăn thơm quá, mùi của những món ngon lành được nấu nướng cẩn thận, từ thiện mà tươm tất ghê. Mùi đồ ăn làm anh nhớ má.

Ông Năm hỏi Phương ăn gì, giáp Tết nên quán có thịt kho với dưa chua ngâm nữa. Phương gật đầu lia lịa, cái chi giờ anh cũng thấy ngon. Ông kể hay ghé ăn ở đây, cơm ngon mà tiết kiệm. Có một thùng từ thiện đặt ở giữa quán, ai muốn cho bao nhiêu thì cho. Bà chủ tốt bụng lắm, muốn ăn bao nhiêu cơm thêm cũng được. Bà không bao giờ từ chối ai, dù khách đi bộ tới hay đi bằng xe máy sang sang.

Cơm được dọn ra, khói bốc lên làm Phương muốn trào nước mắt. Mùi thật giống đồ ăn má nấu. Má giờ sao rồi, còn mạnh không hay đã yếu nhiều. Mấy năm anh chưa được ăn món má nấu. Má đã thực hiện được mong ước chưa, quán má mong chắc cũng sạch sẽ vầy…

– Ông anh với chú em ăn mạnh vô nha. – Bà chủ đon đả mời. – Tội hôn, đói tới run rồi hả?

Đợi bà chủ đi rồi, Phương mà dám len lén nhìn lên. Anh đã nhận ra bà ngay từ những tiếng đầu. Là má anh. Nước mắt anh lăn dài vì không dám nhìn kĩ má. Anh kéo cổ áo khoác lên, kéo nón lưỡi trai sụp xuống, giấu mình thật kĩ để má không nhận ra. Anh lấy đũa chia cục thịt ba rọi ra, gắp cho ông Năm Dừa phần thịt, anh lấy phần mỡ với da. Ông trân trân nhìn anh, lòng không hiểu sao thấy thương quá.

Khách bàn phía ngoài ăn xong, đứng lên cảm ơn bà chủ. Khách hỏi, tui có thể làm gì để đền ơn cho bà chủ không. Bà cười hiền đáp tỉnh queo:

– Nào rảnh rảnh tới phụ quán là được rồi.

Nhưng khách nằng nặc muốn làm nhiều hơn. Bà chủ cười xòa nói tiếp:

– Thôi thì khi nào dư dả, cô cứ giúp người khác là được. Hoặc có duyên thì, nếu gặp con trai tui, nếu có thể mong cô giúp đỡ thằng nhỏ giùm. Nó tên Phương. Nó bỏ nhà đi mấy năm rồi…

Giọng bà chủ lạc mất từ đoạn đó. Nước mắt làm giọng bà nghẹn, phải kéo vạt áo lau nhanh để còn tiếp khách.

Phương lùa cơm lẹ lẹ, nuốt cả nước mắt vô lòng. Anh không dám ở lại lâu. Đợi ông Năm Dừa ăn xong, anh đứng dậy trước. Ông Năm không đi một mạch mà dừng ở thùng từ thiện, bỏ vô tờ một trăm ngàn. Phương sững người trước hành động đó. Một người ăn cơm từ thiện mà hào phóng vậy sao?

– Trả luôn cho phần chú em. – Ông nói rồi đi ngay, bởi biết Phương không muốn ở lại.

Khi xe đã rời đi, ông Năm Dừa lên tiếng trước.

– Một trăm hồi nãy coi như cảm ơn trời Phật chú em biết phải quấy chịu trả lại tiền đã trộm. – Ông nói giọng đều đều, không hề nhìn qua phía Phương. Ông cũng không hỏi nhà Phương ở đâu. – Cơm má nấu ngon quá hả?

Vậy là ông đã đoán được. Phương không dám giấu, chầm chậm kể lại mọi chuyện. Anh ngạc nhiên khi ông Năm không đánh giá hay phán xét gì anh, ông chỉ thở dài hỏi rồi tiếp theo anh tính làm sao. Anh cũng thưa thật lòng, ban đầu anh định về luôn. Nhưng thấy bản thân mình vẫn tệ hại vầy, anh không dám. Anh định kiếm việc gì đó làm, một năm nữa mới về. Khác rồi anh mới về.

– Biết nghĩ vậy là khá, còn xài được. – Ông Năm gật đầu khen. – Chưa có chỗ ngủ thì về nhà tui. Rồi mai tui coi giới thiệu cho ông anh tui bên tỉnh bạn, ổng đang tuyển người phụ xưởng gỗ…

***

Bà Bảy Beo nhìn Phương rồi lại nhìn ông Năm Dừa, nhìn biết bao nhiêu lần vẫn chưa muốn ngưng. Câu chuyện của thằng con trai khiến bà vừa xót xa vừa tự hào. Hên là anh còn biết nghĩ, chịu sửa đổi khi chưa muộn. Hên là trời phật còn thương cho anh gặp người tốt như chú Năm đây. Hên là sau biết bao chuyện xảy ra, mọi thứ đã tốt đẹp được vầy.

– Ơn này tui cảm ơn anh nhiều, anh Năm. – Bà Bảy Beo sụt sùi nói với khách – Tết nhớ tới nha anh, tui nhất định đãi nhiều món ăn thật ngon cho anh ăn no thì thôi.

– Ơn nghĩa gì chị Bảy ơi. – Ông Năm bật cười giòn giã – Chị cũng nói khi nào khá thì giúp người khác là được, tình cờ sao lúc đó tui cũng khá mà người tui giúp lại tình cờ là con trai chị. Một chuyện tình cờ, vậy thôi!

Ba người đều cười trước câu nói giỡn đó. Phương ăn cơm thật chùng chình, tận hưởng từng chút những món ăn má nấu. Chú Năm ngồi lặng im với má, hai người cứ hết gắp đồ ăn cho anh lại ngắm anh ăn, anh biết họ thương anh nhiều lắm.

Phương bất giác ngó ra sân, thấy trên trời én bay đầy rợp. Anh không biết trong đám én đó có con nào vừa thoát khỏi đoạn đường lầm lạc như anh không. Cũng không biết có con nào từ xứ khác đến trú tạm chớ không dám về như anh hồi trước không.

Phương mạnh dạn bới thêm chén cơm, mạnh miệng khen cơm má nấu ngon nhất trên đời. Ông Năm Dừa cũng đồng ý kiến. Bà Bảy Beo tủm tỉm cười, mừng tới rớt nước mắt.

Giờ, Phương có thể tự tin ăn cơm Tết của má mà không vướng bận gì. Cơm má nấu mà, ngon tới trong lòng cũng tràn ngập mùa xuân.

30/3/2024

Phát Dương

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người đàn bà bên kia sông

Người đàn bà bên kia sông Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt q...