Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

 

Nếu cuộc đời không có Tết ta

Tết Việt là một phần văn hóa đặc sắc của con người Việt, chỉ cần dẫn chứng mỗi cặp bánh chưng, bánh dày đã thấy được thế giới quan, nhân sinh quan của dân tộc ta thuở ngày xửa, ngày xưa như thế nào rồi. Vẫn phải lưu tâm truyền thống bởi mất truyền thống là mất dân tộc như mỗi con người ta khi không còn nhớ tới mẹ cha thì làm sao còn quê hương cơ chứ. Vẫn phải Tết ta thôi, dù rằng bây giờ Tết không cần đầy đủ nếp xưa Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…

Tết ta, mỗi cuộc đời dân Việt ít nhiều đều mang trong nó những ký ức ấm áp về những ngày đón xuân đó. Kể cả những người Việt đang không còn sống trên lãnh thổ này chắc cũng nhiều xôn xao lắm khi Tết ta đến. Tết Việt chọn đoàn tụ làm điểm nhấn, đi đâu về đâu cũng mong có dịp trở lại quê nhà đón xuân. Cái cảm giác lâng lâng đầu Giêng vẫn là thương nhớ của bao người…

Tôi đã đi qua sáu mươi tám cái Tết ta, nếu lấy chiếc dây thời gian xâu chuỗi lại chắc chắn sẽ được một vòng ký ức chấp chới. Mang vào cổ, người không còn ít tuổi như tôi lắng nghe được biết bao âm thanh quá khứ, trước hết là tiếng của ba mẹ mình trong ngôi nhà lá ba gian hai chái có những cột lim đen bóng nằm ở cuối dòng sông Gianh bộn gió. Gió bấc. Những cơn gió thổi từ hướng đông bắc tới, mang theo cái rét căm căm mà thời không đủ chăn, đủ áo là nỗi sợ của con nhà nghèo. Tháng Chạp ta, mặc nhiên mùa đông chưa qua, nước ruộng còn đóng váng đen, cây cỏ hiu hắt nhấp nhô những khoảng buồn mơ hồ vắng vẻ. Tôi mang nỗi buồn sớm, nhưng chẳng mảy may nghĩ đó là dấu hiệu của kẻ được sống bằng nhịp điệu của những con chữ sau này, dẫu bốn mươi ba năm cuộc đời mình từng khoác áo lính. Thì đã sao, cho đến bây giờ khi tuổi mon men chạm ngưỡng “cổ lai hy” hình như tôi vẫn đủ độ rung cảm để nhận ra trong gió lạnh cái đã xa lắc, xa lơ gắn với những phiên đất trời luân hồi đi qua và trở lại. Mẹ nói, giọng nhẹ và buồn, gần hết năm rồi, lại thêm một cái Tết… Ba bảo, giọng ấm và vui, lo chi em nờ, răng rồi cũng có thịt treo trong nhà. Dân Việt, đàn ông thường lạc quan, đàn bà hay lo nghĩ. Quẩn quanh chợ búa, bếp núc và hay xót con khi chúng chưa được no ăn, lành mặc là mẹ. Ngày thường chả sao chứ năm hết Tết đến mà con cái chưa đủ quần áo mới thì lòng mẹ sao yên. Niềm vui của con chan chao qua mẹ. Ánh mắt mẹ tươi hơn, nụ cười mẹ sáng hơn khi ngắm nhìn con trai, con gái mình hơn hớn mặc quần áo mới ngày Nguyên đán. Tối ba mươi, áo mới của các con vẫn còn gấp kỹ trong rương chỉ đến sáng mồng một Tết cả lũ mới được mẹ lay dậy để mang áo mới và nhận tiền mừng tuổi. Chả mấy mẹ cha cho con trẻ mặc áo mới đêm ba mươi Tết cả đâu vì sợ nó ngủ mê đái dầm. Tật mê ngủ đái dầm của trẻ con trời cũng bó tay. Nghĩ lại mà thương mẹ vô hạn.

Xa xưa Tết cũ còn chấp chới trong tôi những tờ 1 hào mừng tuổi. Nó xứng đáng được gọi là báu vật thời ấu thơ. Mệnh giá lì xì thời ấy thường giống nhau như thế. Tờ 1 hào có màu đỏ tươi, bằng giấy, dễ ỉu, dễ rách và không được trơn láng, bền dai như tiền polime bây giờ. Giá trị tiền mừng tuổi cho trẻ nhỏ không cao thấp, đôi khi ở mức một trời, một vực như cái để trong phong bao lì xì nhiều màu sắc, hình dạng của thời nay. Ý nghĩa đồng tiền lì xì của thời tôi thơ bé thật trong veo. Khi trao đồng hào lì xì cho con cháu người lớn gửi gắm trong đó lời cầu chúc đứa trẻ mạnh khỏe, mau lớn, chăm ngoan. Tết phảng phất hơi ấm đồng dao tôi được mẹ đọc cho nghe thời con nít và cũng chẳng cần nhiều thời gian lắm bọn trẻ con thuộc làu làu để hòa nối lời nhau khi rồng rắn đi trên đường làng Xúc xắc xúc xẻ/ Năm mới năm mẻ/ Nhà nào còn thức/ Mở cửa cho chúng tôi/ Bước lên thềm cao, thấy đôi rồng ấp/ Bước xuống thềm thấp, thấy đôi rồng chầu/ Bước ra đằng sau thấy nhà ngói lợp/ Voi ông còn buộc, ngựa ông còn cầm/ Ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ/ Vợ ông sinh đẻ đứa con tốt lành. Đồng dao Việt hồn nhiên, hiền hòa nhưng chứa đựng trong đó nhân sinh quan rất lành mạnh. Nó tựa như những mầm hạt lành gieo vào tâm hồn trẻ thơ khát vọng bình yên và hạnh phúc giản dị.

Tết Việt mang trong nó sự biết ơn ấm áp. Cuộc sống thời nay đã và đang có những đổi thay lớn, từ cách sắm Tết, chơi Tết bây giờ đã khác xưa lắm nhưng với tôi khó mà quên được những món ăn ký ức. Món thịt kho tàu của mẹ. Món cá chuối (trái chuối sứ luộc kỹ, ép hết nước, lấy dao khía hình xương cá trên vỏ rồi dầm với nước mắm ngon có đủ gia vị tỏi, ớt và đường) của cha. Mứt gừng. Bánh in. Bánh ít. Bánh bột lọc được ăn bốn mùa, không được xếp vào bánh Tết. Bánh chưng, bánh tét thì chả nói cũng thuộc thức cúng, thức ăn đầu bảng của Tết ta rồi. Đêm ba mươi, cái nhớ quẩn quanh nồi bánh chưng, bánh tét sôi lục bục. Trời tạnh ráo, bếp bắc ở góc sân, lũ trẻ vây quanh bập bùng ngọn lửa. Hong hóng đợi bánh chín để được nhận cái bánh chưng út ít ba gói riêng cho chúng tôi. Nhưng rất ít đứa trẻ thức được đến giao thừa. Nồi bánh chưng chưa phải thêm nước lũ trẻ đã leo lên giường mắt nhíp lại không tài nào mở ra được. Bọn tôi chỉ nghe được tiếng pháo giao thừa tì tạch nổ trong giấc mơ và những chiếc bánh nếp út ít bốc khói nghi ngút trong nỗi chờ các chủ nhân của nó vào thời khắc đất trời sang canh ngan ngát trầm hương.

Và, không thể không nao nao khi nhớ lại những cái Tết thời chiến tranh khi chúng tôi chưa kịp thanh xuân. Mười năm đạn nổ bom rơi chứ ít ỏi gì đâu. Tôi nhớ ngôi nhà bé nhỏ nép dưới chân núi nơi sơ tán bên cạnh chiếc hầm chữ A đắp đất cao cỏ mọc xanh mướt. Cỏ trên những mái hầm thường xanh tươi hơn nơi khác. Hơi người có phải là thứ dinh dưỡng tốt cho loài cỏ không nhỉ. Mấy ngày Tết ngừng bắn nên bọn tôi đêm không phải ngủ hầm, ngày tung tẩy trên đường. Đùa nghịch thỏa thích không phải lo máy bay, tàu chiến Mỹ dội bom, bắn pháo. Áo Tết vẫn cứ lừng thơm mùi vải nhưng màu không còn sáng nữa, chỉ xanh đậm (gọi là màu xanh công nhân) và cỏ úa (giống áo quần bộ đội) thôi. Sau Tết Mậu Thân 1968, tôi và các đứa em thơ dại của mình không còn được đón Xuân bên mẹ nữa. Mùa hè năm đó mẹ tôi đã ra đi vì bom bi Mỹ. Cái Tết đầu tiên vắng mẹ, thật buồn. Buồn lắm khi trong chái bếp ám màu bồ hóng không có dáng ngồi của mẹ được ánh lửa viền quanh. Buồn lắm với cái Tết đầu tiên bữa cơm chiều ba mươi thiếu món thịt kho tàu. Ba uống rượu nhiều hơn. Cắn ớt cũng nhiều hơn. Những trái ớt chỉ thiên bé nhỏ chỉ nhỉnh hơn hạt thóc chút ít ba hái từ cây mẹ trồng trước sân. “Ba bây ăn ớt nhiều, mẹ trồng trước sân mấy cây để ba hái cho gần”. Văng vẳng bên tai tôi lời của mẹ. Chiến tranh đã ngoạm vào khẩu phần Tết của chúng tôi, những đứa trẻ ngây thơ. Tôi cầu mong đất nước này đừng bao giờ có cuộc chiến tranh nào nữa. Quá đủ rồi sự thương đau của dân tộc tôi qua những cuộc binh đao khốc liệt. Càng lớn khôn, tôi càng thấm thía nỗi đau trong câu thơ này của Hữu Thỉnh: Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường níu chiếu đợi anh. Thật lòng, tôi chỉ muốn kể lại hương vị Tết của những năm tháng yên bình khi những trái bom đầu tiên chưa rơi xuống dòng sông Gianh nhưng chẳng hiểu vì sao cảm xúc đã kéo tôi vào ký ức buồn như thế. Tết nào, tôi cũng dành mấy phút trò chuyện với mẹ. Mẹ. Gương mặt trái xoan. Đoan trang và nhân từ. Mẹ. Gánh gồng, đôi chút nghiêng nghiêng giữa gió lào cát trắng. Mẹ ơi, Cát đi mãi chẳng thành đường/ con đi theo lối mẹ thường hát ru…

Tết Việt mang trong nó sự biết ơn lặng lẽ. Nếu dùng sự phô trương để tri ân trời đất, tổ tiên, những người khuất vắng hữu danh và vô danh là không đúng. Tôi yêu sự sâu lắng trong những chuyển động của con người và thiên nhiên song hành cùng dòng chảy của mùa xuân. Mùa khởi niên phải là nhân duyên đẹp nhất giữa con người và thiên nhiên. Con người thấu cảm mùa xuân như là sự khởi đầu chứa chan hy vọng tốt lành. Khi nhân duyên đầy đủ thì sự vật xuất hiện, khi nhân duyên thiếu vắng thì sự vật ẩn tàng. (Lời Thầy Thích Nhất Hạnh). Hạnh phúc con người chắc cũng vậy, cũng phải biết gieo nhân lành để hái quả đẹp. Tết Việt hướng về sự yêu thương nên chắc chắn nó sẽ không bao giờ mất đi trong văn hóa con Rồng cháu Tiên. Cái văn hóa lấy yêu thương làm cốt lõi, đi qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước nhất định sẽ tồn tại mãi với dân tộc chúng ta. Càng hòa nhập với nhân loại càng phải biết giữ gìn bản sắc ấy mà Tết Việt là một phần minh chứng. Có lúc người ta muốn bỏ Tết ta đi hay nhập Tết âm vào Tết dương cho gọn ghẽ, tiết kiệm. Tôi nghĩ rằng, không nên thế. Tết Việt là một phần văn hóa đặc sắc của con người Việt, chỉ cần dẫn chứng mỗi cặp bánh chưng, bánh dày đã thấy được thế giới quan, nhân sinh quan của dân tộc ta thuở ngày xửa, ngày xưa như thế nào rồi. Vẫn phải lưu tâm truyền thống bởi mất truyền thống là mất dân tộc như mỗi con người ta khi không còn nhớ tới mẹ cha thì làm sao còn quê hương cơ chứ. Vẫn phải Tết ta thôi, dù rằng bây giờ Tết không cần đầy đủ nếp xưa Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…Tết ta, mỗi cuộc đời dân Việt ít nhiều đều mang trong nó những ký ức ấm áp về những ngày đón xuân đó. Kể cả những người Việt đang không còn sống trên lãnh thổ này chắc cũng nhiều xôn xao lắm khi Tết ta đến. Tết Việt chọn đoàn tụ làm điểm nhấn, đi đâu về đâu cũng mong có dịp trở lại quê nhà đón xuân. Cái cảm giác lâng lâng đầu Giêng vẫn là thương nhớ của bao người…

1/4/2024

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn: Tạp chí Nhật Lệ

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người đàn bà bên kia sông

Người đàn bà bên kia sông Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt q...