Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

 

Lời nhắn gửi thiết tha của đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh

Đền Bia (thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng), di tích cấp quốc gia đặc biệt thờ Thiền sư Đại danh y Tuệ Tĩnh (1330-1400). Thời Trần, cụ được xung vào đoàn xứ thần đi triều cúng triều đình nhà Minh (Trung Quốc), chữa bệnh cho Vua (hay Hoàng Hậu?) rồi bị giữ lại ở Bắc Kinh không cho về nước, sống cuộc đời tha phương, từ trần ở xứ người.

Tấm bia mộ linh thiêng

Tương truyền, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho, người làng Nghĩa Phú, làm quan Tả thị lang Bộ Lại thời Lê – Trịnh được cử làm Chánh xứ sang Bắc Kinh triều cống (1690). Duyên may trên đường về ông đã tìm được phần mộ Tuệ Tĩnh tại một địa điểm thuộc vùng Giang Nam. Bia mộ mặt trước ghi danh Tuệ Tĩnh, mặt sau có lời nhắn gửi: “mai sau có ai người nước Nam qua đây mang hài cốt của tôi về với”. Có lẽ vì đang thực thi công vụ xứ thần, và việc đưa hài cốt người đồng hương về nước gặp nhiều trở ngại, nên ông chỉ làm được việc dập in sao chữ từ hai mặt tấm bia rồi về nước khắc vào bia đá mang về quê. Hôm ấy từ Thăng Long, theo đường sông Thái Bình thuyền chở bia đá về đến bến Văn Thai, rẽ vào con ngòi nhỏ đến đầu làng Nghĩa Phú thì trời đã tối. Trời bỗng nổi cơn mưa to gió lớn lật đắm thuyền và bia, phải sáng hôm sau mới mò vớt lên được. Cho rằng có sự ứng nghiệm của tấm bia thiêng ở đúng nơi địa thế đầu làng nổi lên một doi đất có hình con dao cầu thái thuốc và hai ao nhỏ là ao thuốc, dân làng Nghĩa Phú đồng tâm dựng lên một ngôi miếu nhỏ để thờ bia mộ, cũng là thờ vong linh Tuệ Tĩnh. Ngôi đền đã được nâng cấp mở rộng nhiều lần có cơ ngơi bề thế uy nghiêm trên một khu đất thoáng rộng.

Chúng tôi vào đền thắp hương dâng lễ, xin phép được vào hậu cung chiêm ngưỡng tượng thờ Tuệ Tĩnh và tấm bia. Bia phía sau tượng đều được đặt trong khám thờ làm bằng gỗ, sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Chúng tôi thành kính chắp tay vái lậy. Anh Mậu đưa máy A Bát lách tay vào khoảng hẹp giữa hai cỗ khám để chụp ảnh mặt trước và mặt bên tấm bia, không chụp được mặt sau. Tấm bia là một khối đá xanh hình trụ vuông bốn mặt, chiều cao 72cm, chiều rộng 58cm, dầy 20cm, nhưng tất cả chữ khắc trên bia nội dung như phần mộ Tuệ Tĩnh đều đã bị đục phá, mài mòn xoá phẳng lỳ không thể khôi phục được! Đứng ngắm nhìn tấm bia, miệng thầm khấn vái, trong lòng rưng rưng trào lên cảm xúc vừa xót thương cho thân phận gian truân của Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, vừa oán hận vua quan nhà Nguyễn thời Thiệu Trị (1841-1847) đã hành xử bất kính tàn tệ với một vị thiền y có tâm Phật cao cả được dân chúng khắp nơi tôn thờ! Tương truyền, sau khi tấm bia mộ Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh ở Trung Quốc được tiến sĩ Nguyễn Danh Nho tái tạo đưa về miếu thờ ở quê, trong dân gian loan rộng tin đồn rằng, anh linh Người đã hiển thánh, có phép màu nhiệm cứu khổ cứu nạn, chữa bệnh cho dân. Đã đồn đại từng bùng nổ hai cuộc hiển thánh ở đền Bia. Người khắp nơi nườm nượp kéo về xin thuốc, cúng bái đông như trẩy hội, kéo dài hàng tháng trời. Trên đường đi người ta tìm kiếm hái thuốc, có thể là lá tre, lá bưởi, lá hương nhu … là những vị thuốc nam mà Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh đã từng chữa bệnh, mang vào đền dâng cúng lễ vật, coi như là thuốc thánh, về xông hơi, sắc uống tin là khỏi bệnh! Đến cuộc hiển thánh lần thứ hai, sự việc khiến quan chức địa phương lo ngại tâu lên triều đình. Vua Thiệu Trị nổi giận, cho là chuyện mê tín, hoang đường, có thể còn lo sợ dân chúng tụ tập đông người gây bạo loạn, nên ra lệnh cho quan Án sát Hải Dương tịch thu tấm bia, đục phá mài xoá hết chữ, đem giam vào nhà lao cùm xích tấm bia như một tù nhân!. Thời gian sau, một lính canh ngục là người tổng Văn Thai đã tháo cùm lấy trộm tấm bia đem về trả cho làng Nghĩa Phú tiếp tục thờ cúng. Dân làng Nghĩa Phú và tổng Văn Thai sau đó góp nhiều công của xây dựng ngôi đền khang trang hơn, đúc tượng thờ Tuệ Tĩnh và thờ bia đá dù đã tổn thương nghiêm trọng. Cường quyền bạo ngược đã không thắng nổi đức tin và lòng ngưỡng mộ của dân chúng đối với Tuệ Tĩnh, người có tâm Phật và tài năng của một vị Thánh- Thánh y. Chính nhân dân đã phong thánh và tôn thờ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh suốt cả trong chiều dài lịch sử. Cho đến ngày nay mang ý nghĩa và tầm vóc thời đại.

Những đặc sắc trong sự nghiệp y học Tuệ Tĩnh

Sự nghiệp y học của Tuệ Tĩnh cần tiếp tục có những dự án nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn xứng tầm. Trong khuôn khổ bài viết chúng tôi xin điểm xuyết một số nét lớn.

Tuệ Tĩnh đã tổng kết đánh giá y học dân tộc trên hai phương diện thực tiễn và lý luận qua hai bộ sách: Hồng nghĩa giác tư y thư (chữ Hán) và Nam dược thần hiệu được viết bằng chữ quốc âm tức chữ nôm của dân tộc. Qua hai bộ sách ta thấy:

– Tuệ Tĩnh là người có kiến thức thâm sâu về Đông y, trải nghiệm già dặn trong việc chữa bệnh, cụ chắt lọc nên mười ba phương thuốc căn bản nhất gọi là Thập tam phương gia giảm. Đây là những phương thuốc đơn giản phần nhiều là những vị thuốc sẵn có nơi bản địa phù hợp với tình trạng bệnh tật bốn mùa. Các bài huốc này đủ sức biến hoá theo tinh thần bát pháp của Đông y. Tuệ Tĩnh chữa bệnh là kết hợp của nhiều phương pháp từ uống thuốc, châm chích, chườm … đến dưỡng sinh.

– Tuệ Tĩnh luôn hướng tới tinh thần Nam dược trị nam nhân (thuốc nam chữa bệnh cho người Nam). Cụ đã sưu tầm hàng trăm cây thuốc nam cùng hàng ngàn phương thuốc cho 10 khoa chữa bệnh tổng hợp, điều trị 184 loại bệnh. Nhiều phương thuốc dễ kiếm đơn giản, tận dụng dược lực của cả động vật, khoáng vật. Nay tìm hiểu lại ta còn thấy rất bất ngờ, chẳng hạn bài Thiên khai phương ngoài những thảo dược gần gũi còn có các con vật bản địa: cua đồng, giun đất, bọ hung, xác rắn … Theo Tuệ Tĩnh đây là bài thuốc chữa phong thấp rất hay của nước ta. Bài thuốc bổ dưỡng Phù tang chí bảo chỉ có các vị: lá dâu bánh tẻ, vừng đen, hai vị sấy khô tán bột luyện mật ong làm hoàn uống lâu có tính cải lão hoàn đồng. Cụ lại sưu tầm thử nghiệm các món ăn mang tính dược từ vịt, gà, các loại chim các loại cá … chỉ rõ tính vị tác dụng của từng loại, ở một vị nào đấy phải xử lý thế nào để tránh độc tính … Tuệ Tĩnh viết Phú thuốc nam, là cách tuyên truyền cho người dân dễ học dễ nhớ. Cụ hào sảng ca ngợi công dụng của các vị thuốc nam, thể hiện tinh thần yêu thiên nhiên cây cỏ nước Việt. Hướng tới mục tiêu độc lập về mặt dược liệu, ý thức độc lập tự cường trong việc xây dựng nền y học dân tộc.

– Cụ là người đầu tiên nêu phương pháp dưỡng sinh. Bài thơ viết bằng chữ quốc âm cô đúc ở hai câu:

Bế tinh dưỡng khí tồn thần

Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình

Ta thấy rất phù hợp với khoa học hiện đại đồng thời chứa đựng cả tư tưởng của Phật giáo, Đạo giáo. Có thể nói cụ là đỉnh cao của học vấn trí tuệ thời đó. Tuệ Tĩnh đã xây dựng được 24 ngôi chùa, đào tạo hàng ngàn đệ tử, mượn chốn thiền môn làm nơi chữa bệnh cho dân. Tài đức của Tuệ Tĩnh toả rạng vì thế nhà Minh đã yêu cầu vua Trần phải cống nạp vàng bạc cùng hàng trăm người tài giỏi của nước Việt trong đó có Tuệ Tĩnh. Tương truyền đến Bắc quốc cụ đã chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu nhà Minh. Chắc chắn Tuệ Tĩnh còn chữa bệnh cho nhiều người từ các quan trong triều cùng người dân. Theo một nhà nghiên cứu, Tuệ Tĩnh được người dân Trung Quốc suy tôn là Hoa Đà nam, ý nói sánh ngang cùng Thần y Hoa Đà thời Tam quốc. Song ta hiểu cũng không hiếm những kẻ đố kỵ ghen ghét. Triều đình nhà Minh cứ muốn khai thác mãi, giữ Tuệ Tĩnh ở lại và không thể cho về. Ở Trung Quốc tại ba ngôi chùa ở ba nơi có ban thờ Tuệ Tĩnh, đó là tại chùa Phổ Đà (Phúc Kiến), chùa Thê Đà (Nam Kinh) và một chùa ở tỉnh An Huy.

– Tuệ Tĩnh xứng đáng là một trong những vị Y Tổ của nước Việt, một trong những người đầu tiên mở đường cho nền y học cổ truyền Việt Nam, Nam dược trị nam nhân tư tưởng của Tuệ Tĩnh tiếp tục đánh thức thời đại chúng ta. Phải xây dựng một nền dược liệu độc lập dân tộc và hiện đại.

Đề xuất việc tìm và đưa phần mộ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh về quê.

Có thể suy đoán: thời gian bị nhà Minh giữ lại giam lỏng ở Trung Quốc, Tuệ Tĩnh đã tìm đến các chùa ở nhiều địa phương để tá túc độ nhật và chữa bệnh cho dân. Cụ sẽ đi theo hướng các đoàn đi sứ triều cống triều đình Bắc Kinh thường vẫn đi, về cả đường bộ và đường thuỷ. Dù chỉ là ước định, năm sinh năm mất của cụ được ghi trong tài liệu sử sách của ta (1330-1400). Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho trên đường đi sứ trở về (1690) phát hiện ra phần mộ Tuệ Tĩnh thì cụ đã mất trước đó 290 năm. Đến nay đã qua hơn 600 năm, lời nhắn gửi thiết tha của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh khiến không chỉ các tăng ni, người trong ngành y tế hay quê hương Cẩm Giàng mà mọi người chúng ta đều xót xa, thương cảm! Và ai cũng mong có ngày tìm được và đưa phần mộ Tuệ Tĩnh về an nghỉ tại quê hương. Nhưng khó nhất vẫn là phần mộ cụ ở đâu trên đất nước Trung Hoa rộng mênh mông? Chỉ duy nhất có một người biết được là Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho. Ông có công mang bản dập bia mộ về quê. Nhưng chỉ để lại thông tin mộ Tuệ Tĩnh ở Giang Nam. Giang Nam là vùng đất phía nam sông Trường Giang, ngày nay bao gồm nhiều tỉnh thành, tỉnh nào cũng rộng lớn. Hết sức mông lung! Khi chuẩn bị tư liệu để viết bài này, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm. Tình cờ, như một sự linh ứng, bàn với anh Mậu mở máy tính hỏi trang google thì được giải đáp ngay: Giang Nam là huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, khu tự trị dân tộc Choang (Trung Quốc). Huyện Giang Nam có diện tích 1.154km2, dân số năm 2022 là 402.000 người. Thêm tư liệu này, chúng tôi nghiêng về địa danh Giang Nam, ở phía bắc tỉnh Quảng Tây, bên kia biên giới nước ta. Và suy đoán: có thể những năm cuối đời, khi già bệnh Tuệ Tĩnh vẫn bộ hành về Nam theo hướng đường thiên lý mà các đoàn xứ thần nước ta sang triều cống Bắc Kinh. Về đến Giang Nam Quảng Tây thì cụ đã kiệt sức, phải nằm lại xứ người và thuê người khắc vào bia đá lời di nguyện của mình? Tiếc thay, nếu gắng được thì chỉ khoảng một tháng sau là cụ về đến biên giới Việt Trung!

Tìm phần mộ Tuệ Tĩnh, trước hết hãy khảo sát địa chỉ Giang Nam bên tỉnh Quảng Tây, đi bằng đường bay hay tàu hoả. Sau đó, nếu phải tìm khắp các tỉnh thuộc vùng Giang Nam xưa thì ngày nay cũng không phải là vô vọng. Bây giờ, giao thông và công nghệ thông tin trợ giúp vô cùng thuận lợi. Hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam hay Trung Quốc có thể đưa khách đến mọi nơi theo yêu cầu. Chỉ cần các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương và huyện thống nhất chủ trương, liên hệ với các cơ quan chức năng Trung Quốc, giao cho một đơn vị tổ chức thực hiện. Về tài chính, trong câu chuyện với anh Hà Quang Thành, Trưởng ban quản lý di tích lịch sử huyện Cẩm Giàng, với giọng tự tin, anh đề xuất, ngoài kinh phí do nhà nước cấp, chỉ cần lãnh đạo địa phương lên tiếng hô hào thì dân và các doanh nghiệp sẵn sàng công đức đủ theo yêu cầu. Chúng tôi còn được biết, ở Trung Quốc, ngành văn hoá mỗi địa phương đều có cơ quan chuyên trách về di sản văn hoá lịch sử. Họ có danh mục di sản đến cả phần mộ hoặc nơi thờ tự người nước ngoài có danh tiếng ở địa phương, có thể giúp tra cứu tìm kiếm thuận lợi. Mong rằng vào dịp Tiết Thanh Minh năm Giáp Thìn (2024) việc tìm kiếm phần mộ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh có thể làm lễ khởi hành?.

30/3/2024

Nguyễn Phúc Lai

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người đàn bà bên kia sông

Người đàn bà bên kia sông Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt q...