Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

Bàn thêm người viết văn trẻ hôm nay

Bàn thêm người
viết văn trẻ hôm nay

Ngày 3-12-2023, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Cần Thơ có sáng kiến mở cuộc tọa đàm “Tiềm lực văn chương và người viết trẻ”. Đây là cuộc tọa đàm rất bổ ích cho các cây viết trẻ. Nhiều ý kiến đưa ra bàn bạc, và tôi có vài thiển ý.  
Có nhiều quan niệm khác nhau về người viết văn trẻ hiện nay. Có tác giả hơn 40 tuổi mới viết văn và thành công, gọi là “văn trẻ người già”. Có tác giả mới 8 tuổi như thần đồng thơ Trần Đăng Khoa đã có tập “Góc sân và khoảng trời” rất hay. Hoặc như nhà văn Vũ Trọng Phụng ở tuổi 28 đã được mênh danh là “ông vua phóng sự Bắc kỳ” với 8 tập phóng sự, 6 tập tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn để đời. Lại có tác giả còn trẻ mà văn lại “rất già”. Nhưng nhìn chung đã gọi là người viết trẻ theo tôi nên dưới 30 tuổi. Và việc viết văn là việc của “thiên phú” (trời cho), nghĩa là phải có năng khiếu, rồi sau mới nói tới sự đam mê, sự Điều rất mừng là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều hiện nay rất quan tâm đến người viết trẻ để chăm bồi, như mở hội nghị nhà văn trẻ, trao giải thưởng nhà văn trẻ. Điều đó thể hiện tầm nhìn xa của lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam kỳ vọng ở người viết văn trẻ, vì hiện nay trong gần 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì có tới hơn 2 phần 3 là người già trên 60 tuổi. Rất mừng là các Hội Văn học Nghệ thuật của 63 tỉnh thành đều rất quan tâm việc bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ.
Hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long số hội viên trẻ cũng khá đông: Ở Cần Thơ có Hoàng Khánh Duy, Phan Duy, Phát Dương, Phong Dương, Minh Nhiên, Như Ý, Hoàng Viện. Mặc Yên . Ở An Giang có một lực lượng viết văn trẻ khá đông đảo. Về Văn xuôi có Huỳnh Thị Cam, Triệu Mai Hương, Võ Đăng Khoa, Hoàng Thị Trúc Ly, Ngọc Nhân, Lưu Văn Nhân, Lưu Kiều Nhi, Hồ Thị Ngọc Nho, Lê Quang Trạng. Về Thơ có Phan Văn Công, Thanh Duy, Vũ Lưu Hành, Lâm Long Hồ, Huỳnh Thị Nương, Huỳnh Ngọc Phước, Tô Ngọc Duy Quí, Trần Thanh Tâm, Vĩnh Thông.
Ở Tiền Giang lực lượng viết văn trẻ cũng rất hùng hậu, như: Nguyễn Thanh Hải, Ngọc Lệ, Nguyễn Trọng Tấn, Nguyễn Quốc Đạt, Nhật Linh, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Quốc Vũ, Nguyễn Ngọc Minh Châu, Nguyễn Thị Chí Mỹ, Trịnh Ân Tứ, Trần Hà Lý Thái Bạch, Trần Thị Thùy Trang, Phan Khắc Huy, Hoàng Song Quỳnh, Nguyễn Công Bằng, Giang Tử Minh, Nguyễn Hoàng Tố Trinh, Nguyễn Như Cẩm Thu, Trần Thương Nhiều…
Điều đáng mừng là các Hội Văn học Nghệ thuật ở khu vực ĐBSCL luôn chú ý bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ bằng nhiều hình thức, như mở các lớp sáng tác ngắn ngày, giao lưu văn học của các Câu lạc bộ trẻ với các trường Đại học có khoa Sư phạm, khoa Ngữ văn, trường THPT chuyên, mời các nhà văn, nhà thơ,  nhà Lý luận PBVH nói chuyện, cử những em có năng khiếu đi học các lớp sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức…
Trong 10 năm trở lại đây Hội Nhà văn Cần Thơ đã tổ chức được các lớp bồi dưỡng viết văn chung cho hội viển và rất chú ý đến sự phát triển của những cây viết trẻ. Đã mời giảng viên là những nhà văn có uy tín trên lĩnh vực sáng tác giảng bài về Thơ, Truyện, Ký, Lý luận PBVH, như: nhà thơ Văn Công Hùng, nhà thơ Phan Hoàng, nhà thơ Kao Sơn, nhà thơ Phan Huy, nhà thơ Nguyễn Thanh Hải, nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều, nhà thơ Hữu Nhân, nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ, nói về Thơ. Nhà văn Nguyễn Trí, nhà văn Trần Dũng, nhà văn Võ Diệu Thanh, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Hoài Hương, nhà văn Tống Phước Bảo, nhà văn Trương Chí Hùng, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà nói về văn xuôi. Nhà PBVH Nguyễn Văn Hòa, nhà PBVH Lê Xuân nói về Lý luận PBVH. Và sau mỗi lần kết thúc lớp bồi dưỡng các hội viên đều có tác phẩm, được các giảng viên đọc, góp ý và Hội Nhà văn Cần Thơ in thành sách.
Qua thực tế sáng tác của cây viết trẻ, người đọc cảm nhận ưu thế của lực lượng này là biết ngoại ngữ, giỏi vi tính. Họ đọc, viết, chát trên không gian mạng kịp thời, quảng bá tác phẩm nhanh chóng tới công chúng. Họ có nền tảng lý luận qua các trường Đại học, trường viết văn, tư liệu về văn học trong và ngoài nước khá phong phú. Cái gì còn thiếu họ có thể tra cứu nhanh trên Google. Mặt khác họ luôn được các nhà văn  đàn anh, đàn chị  trong làng văn trao đổi, giúp đỡ.
Tuy nhiên, họ cũng còn nhiều mặt hạn chế về vốn sống ít. Và đôi khi bị lối sống “công nghiệp” của thời hội nhập cuốn hút hoặc bị đời sống khó khăn nên thời thời gian dành cho đọc sách còn ít. Vì vậy, đa số các tác giả trẻ bị bó hẹp về đề tài, chủ yếu khai thác những ký ức về kỷ niệm cá nhân với cha mẹ, gia đình, quê hương, bè bạn, đời tư, nên vốn sống cạn dần. Từ đó tác phẩm chưa có chiều sâu, ít chức năng dự báo.
Tiếp xúc với các cây viết trẻ, tôi thấy nhiều tác phẩm kinh điển các em chưa đọc, hoặc chỉ đọc trích đoạn, lướt qua, nhất là những tác giả tác phẩm tiêu biểu, như: Kịch của Secxpia, tiểu thuyết “Những người khốn khổ”, “Nhà thờ Đức bà Pa ri” của Vichto Huy gô, “Miếng da lừa” “Trà hoa nữ” của Ban Dắc, “Hội chợ phù hoa” của Thác ka rơ, “Không gia đình” của Hec to malo, “Chiến tranh và hòa bình” của Lép Ton xtôi, “Sông Đông êm đềm” của M.Solokhop, “Người mẹ” của M. Gorky, các tác phẩm văn học Trung Quốc, như: “Thủy Hử” của Thi Nại Am, “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần, “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, “Sử ký” của Tư Mã Thiên.  Rồi thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Bột… Đó là chưa kể các trường ca cổ đại…
Một mặt hạn chế nữa là  các em chưa nắm vững lịch sử dân tộc và it hiểu biết các ngành, các bộ môn có liên quan đến văn chương, như âm nhạc, hội họa, điện ảnh, nên tác phẩm chưa có chiều sâu, hoặc sa vào hư cấu sai lệch.
Ví dụ, như xem bức họa nàng “Mona Lisa” (còn gọi là Lagiocon) của Leonardo da Vinci (người Ý) phải có hiểu biết về trường phái nghệ thuật thời Phục hưng ở châu Âu từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Nghe nhạc giao hưởng không lời với các bản sonata “Ánh trăng” viết cho đàn piano ở cung Đô thăng thứ của Ludwig van Beethoven (người Đức), hay vở Ballet số 20 “Hồ Thiên nga” của nhà soạn nhạc Pyotr Ilyich Tchaikovsky (người Nga) thì đòi hỏi người viết phải hiểu biết về nhạc giao hưởng và phải có trí tưởng tượng, có khả năng thẩm âm mới thấy hết cái hay của nó. Nếu có được những kiến thức tối thiểu về âm nhạc và hội họa thì tác phẩm sẽ có chiều sâu hơn. Đó là chưa kể những kiến thức về tâm lý lứa tuổi, về giới tính, về thiên nhiên, môi trường, xã hội đã góp phần chi phối lối sống, cá tính của các nhân vật trong tác phẩm.
Và một rào cản khá lớn là chuyện “Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). Nhiều em vì cuộc sống khó khăn, hoặc lập gia đình nên hạn chế thời gian viết và đi thực tế, đã bỏ nghề viết. Ví như trước đây ở Đồng Tháp có nhà văn trẻ Quân Tấn viết tốt, đang học Đại học năm thứ hai phải bỏ về làm ruộng lấy vợ, gác bút. Hoặc Thu Ân, Thu Hà, từ khi lập gia đình thì bận bịu suốt ngày nên thời gian dành cho sáng tác và đi thục tế cũng bị hạn chế.
Mỗi cây viết trẻ đều có thế mạnh về một đề tài về một vùng đất, về môi trường mà các em cần phát huy đi sâu khai thác. Song rất cần thử sức viết trên nhiều thể loại, như: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, bút ký, PBVH, khảo cứu, sáng tác nhạc, vẽ tranh như các nhà văn đàn anh đi trước, như: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Trần Nhương vẽ tranh. Nhà thơ Thai Sắc, nhà thơ Trần Quang Đạo, nhà thơ Võ Tấn Cường, nhà văn Nguyễn Trung Nguyên sáng tác nhạc… Và khi thấy mình có sở trường, yêu thích, đam mê thể loại nào thì nên tập trung sáng tác về thể loại ấy.
Bác Hồ đã nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Các cây viết trẻ là mầm xanh tương lai của văn học nước nhà. Nói như  nhà văn Lỗ Tấn “Trên trái đất này làm gì có đường, người ta đi nhiều thì thành đường thôi”. Con đường đến với văn chương cũng thế, nhiều vất vả nhọc nhằn nhưng các em cứ đam mê, cứ cần cù sáng tạo cộng với năng khiếu bẩm sinh, trước sau các em cũng sẽ để lại tác phẩm như “cây đời mãi mãi xanh tươi” (Gớt – nhà thơ Đức).
10/12/2023
Lê Xuân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cocktail

  Cocktail Tôi kể lại câu chuyện này mà các tình tiết của nó chẳng liên quan gì đến "Chuyện tình nơi quán rượu" (1) với nam tài tử...