Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Bài học từ chuyện truyền kỳ pha thần thoại: Chuyện thiếu phụ Nam Xương

Bài học từ chuyện truyền kỳ pha
thần thoại: Chuyện thiếu phụ Nam Xương

Tác giả trẻ Quốc Tuấn tên thật là Trần Quốc Tuấn sinh năm 1997 tại vùng quê nhân sử hiền triết Nam Đàn- Nghệ An, tốt nghiệp Khoa văn Trường Đại học Vinh. Hiện Anh là giáo viên Ngữ văn tại trường THCS Đỗ Văn Dậy, huyện Hóc Môn, TPHCM. Ngoài dạy học, anh còn viết văn, làm thơ. Anh “viết khỏe” ở các thể loại phê bình văn học, tùy bút, tản văn…, ngoài ra anh còn làm thơ như cách để thỏa mãn đam mê chữ nghĩa. Các tác phẩm của anh đã được đăng trên một số tạp chí văn học trong nước. Văn chương phương Nam trân trọng giới thiệu một số bài viết của anh đến bạn đọc
Nguyễn Dữ khiêm hạ như các bậc tiền bối mà chỉ nhận rằng: “Truyền kì mạn lục do tôi lục tìm từ miệng đời mà kể lại”. Nhưng thực ra đó là những sáng tạo văn học độc đáo của ông bằng việc pha trộn các yếu tố hư tưởng, truyền kì, quái dị và thần thoại để phản ánh các vấn đề của thời đại ông đương sống. Vấn đề của Thiếu phụ Nam Xương là đạo đức gia trưởng Phong kiến, vấn đề “giới”, vấn đề phẩm tiết, vấn đề tình yêu và lòng ghen…Từ đó ta hiểu được tầm vóc của những tác phẩm mà ta nhìn thoáng qua là hoang đường ít giá trị trong đời sống đương đại đó, lại là tiếng nói sâu sắc của tổ tiên, vết tích của hoàn cảnh xã hội, triết lý vũ trụ và nhân sinh, tâm lý, tình cảm, ước vọng và niềm tin của những người bình thường trong các hình thức truyền thống của xã hội quân chủ xưa cũ.
Chuyện được kể ấn tượng bởi chi tiết “chiếc bóng” in trên vách rằng Vũ Thị Thiết (Vũ Nương) là người con gái có nhan sắc, phẩm hạnh được các trai làng ngưỡng mộ, trong đó có chàng Trương Sinh. Và mối lương duyên đó đã nên nghĩa phu thê, cho đến ngày Thiếu phụ Nam Xương hoài thai thì Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi Đại Việt và chàng Trương phải trở thành “Chinh Phu”. Vũ Nương  ở nhà đã sinh hạ con trai đặt tên là Đản. Trong đêm mưa gió, đơn thân cô quả đứa con không nhận được sức mạnh bóng vía từ người đàn ông trụ cột cho nên tâm linh sợ hãi mà khóc hoài không nín. Người thiếu phụ đã sáng kiến trỏ bóng mình trên vách mà nói cha con đã về đó, đừng sợ!. Từ đó hàng đêm thằng bé đều gặp cha qua vách cung kính bái đáp mà không hề nhận được nửa lời phản hồi. Vài năm sau khi Chiêm Thành rút lui, chàng Trương trở về gia đình tụ hợp, Vũ Thị Thiết đã ngược xuôi sắm sửa lễ lạt để báo công với tổ tiên về sự trở lại vinh quang của người chồng từ chiến trận. Chàng Trương ở nhà ẵm bồng bé Đản mà nói rằng hãy dẫn cha ra mộ ngoại để thắp nhang. Đứa trẻ bất ngờ, bởi vì cha nó chỉ về mỗi đêm, không ẵm bồng nó bao giờ và luôn làm theo cử chỉ của mẹ. Dưới sự trình bày kì lạ của đứa bé, chàng Trương đã nảy sinh nghi ngờ và cảm thấy phẩm tiết của vợ mình đã bị rò rỉ. Chàng đã nhất thời nóng giận mà nổi cơn thịnh nộ, không để cho Vũ Thị Thiết có nửa lời phân biện và từ chối sự bênh vực của dân làng cho sự trung trinh của vơ mình. Trước áp lực từ chồng, và nỗi nhục của một chánh thê trước hành động cuốn chiếu khước từ sự quỳ lạy gia tiên của Vũ Thị Thiết trong buổi báo lễ với tiền nhân. Tủi thân và tuyệt vọng bởi người từng tay ôm vai kề lại không mảy may một niềm tin với mình, thiếu phụ đã tìm đến dòng sông mà quyên sinh. Trước khi hòa mình giải oan người thiếu phụ có khấn nguyện rằng hãy cho con chết trong sạch nếu lòng dạ con sắt son thờ chồng kính con. Còn thực sự vẫn đục lương tâm thì thân xác cho cá ăn, nếu ở trên đất thì làm mồi cho quạ. Chàng Trương biết chuyện đã ra sông thuê người vớt xác mà không tìm thấy dù chỉ một dấu vết. Trong đêm tối cô quạnh Chàng đã thắp đèn quay lưng, khi bóng in lên vách, bé Đản nhanh miệng mà nói rằng cha đã về. Chàng Trương phút chốc thấu nỗi oan tình của vợ mà ân hận lập cung đàn cúng tế giải oan. Vũ Thị Thiết hiện lên với dung dáng của một tiên nhân, Chàng Trương nuối tiếc mà yêu cầu nàng trở lại làm người vợ hiền năm xưa nhưng đã bị từ chối, bởi tư duy duy tâm của kịch nghệ Á Đông đã dựng một hệ hình khác cho thiếu phụ.
Có thể nói cách giải quyết bi kịch tình yêu, hôn nhân của những kịch nghệ Á Đông và ông cha Lạc Việt khác hẳn so với Tây phương. Trong tác phẩm Anh gù nhà thờ Đức Bà– niềm tự hào của văn học, văn hóa Pháp”, tác giả Victo Hugo đã để cô gái xinh đẹp Esmeralda bị bắt và bị xử treo cổ. Từ trên cao thấy cái chết đau thương của người tình, “người rung chuông Nhà thờ” đã phóng xuống và ôm xác người yêu và đem vào nấm mồ cùng chết. Victo Hugo đã giải quyết bi kịch bằng “mả tình” để hai linh hồn được sống vĩnh hằng muôn thưở.
Đối với vở bi kịch Othello- kiệt tác của văn học Anh, tác giả William Shakespeaare đã tạo ra cái chết của Desdemona bởi chính bàn tay của chồng mình vì hiểu lầm từ sự hờn ghen. Chuyện tình đẹp thường gặp phải những trắc trở của đẳng cấp, sắc tộc, màu da và cái chết dường như trở thành Mô- típ chung của văn học thế giới. Đến với văn học Việt Nam, ông cha ta lại thường mở gút bằng sự hóa thân, hóa kiếp chứ không hẳn là chôn sâu trong nấm mồ.
Trong chuyện Trương Chi- Mỵ Nương, huyền thoại Lạc Việt, tiếng sáo nao lòng của Trương Chi ai cũng được nghe nhưng chỉ duy nhất một người (giai nhân tuyệt sắc) hiểu/ cảm thông/ rung động nhạc lòng của chàng trai chài lưới nghèo khổ, xấu xí đó. Tác giả dân gian đã đẩy bi kịch tình yêu trở nên lãng mạn phi thường tạo ra sự hóa thân, hóa kiếp (trái tim hóa đá) để đưa tình vào bất tử khi tình đời không thành do bị giới hạn của nhận thức duy lý phong kiến. Kết cục đó cổ kim chưa từng có, trí tuệ Lạc Việt thực sự đạt đến bậc thầy của nhận loại và bây giờ “chiếc bóng” mở gút và thắt gút câu chuyện thiếu phụ Nam xương một lần nữa lại minh chứng đẳng cấp sáng tạo nghệ thuật của các tác giả Việt Nam.
Chuyện thiếu phụ Nam Xương đã trưng ra bài học lớn về cách giải quyết bi kịch gia đình và sự hiểu lầm vợ chồng, theo tư duy ngôn ngữ hiện đại là thiếu truyền thông, trao đổi, tâm sự, chia sẻ. Phụ nữ Việt Nam ôm điều nhẫn chịu mà không cởi mở trao đổi, biện bạch. Điều đã nói rất quan trọng trong cách thức ứng xử vợ chồng và rộng hơn là ứng xử xã hội khi soi chiếu nó giới góc độ xã hội hóa tác phẩm văn học. Thế nhưng sự giới hạn bởi quá khứ, nếp sống, nếp nghĩ gia trưởng, gia phong một thời đã hạn hẹp tư tưởng của con người, đặc biệt là người phụ nữ để tạo ra những chuỗi bi kịch tương đồng mô- típ. Hôm nay Nguyễn Dữ kể lại để mở lối tư duy cho hậu thế khi nhìn từ quá khứ với cái nhìn nhân bản và các nhìn biện chứng đối chiếu…
Một mặt, tác giả đã phản ánh đạo đức gia trưởng phong kiến, sự đa nghi, độc đoán của người đàn ông đã dẫn đến sự tổn thương cho cả một thế hệ nữ nhi một thời. Trương Sinh nghi ngờ cố chấp đến mức khi vợ đã hiện thân báo mộng vẫn không tin có sự hóa thân, hóa kiếp mãi đến lúc thấy tín vật kim thoa được người làng trao tay Chàng mới ra lập đàn mà mong gặp cố nhân. Nhìn nhận chi tiết này cần soi chiếu nó dưới góc nhìn tâm lý xã hội để biết nếp văn hóa một thời. Vì thế Truyền kì mạn lục mới trở thành “Thiên cổ kì bút”.
Người bình dân Á Đông đã có một ý niệm khái quát gần như chấp mê về trời đất, ma quỷ, thần thánh, tiên bụt. Về những đấng thiêng liêng ngoài con người can thiệp vào đời sống con người để công xử phân minh. Từ đó có triết lý ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ, người hiếu thảo, hòa thuận, giữ trung trinh, phẩm tiết… dẫu gặp trắc trở gian truân về sau đều được Phật, tiên cứu độ: “Những người có đức có nhân/ dù vương nạn ấy ắt gặp phúc kia”. Bóng trên phên gây mối oan nghiệt và cũng chính nó mở ra cõi sáng để tôn vinh tâm linh thường hằng chung thủy của người thiếu phụ.
Có một thi sĩ đã kết tội Vũ Thị Thiết: “Thiệt cùng chồng chi nữa dối cùng con”. Theo tôi điều dối trá chỉ được phán xét khi nó vụ lợi, còn ở đây người Thiếu phụ chỉ vì nhớ chồng thương con mà sáng kiến ra hình ảnh chiếc bóng để giải quyết cảm xúc nhất thời không ngờ lại mang trái ngang đến tang tóc. Đáng ra phải ca ngợi trinh tiết của Vũ Nương chứ không phải là ra điều phán quyết theo lối gia trưởng. Người cô phụ xưa thật đáng tôn vinh: “Ngọt bùi thiếp phụ hiếu nam/ dạy con đèn sách thiếp thành phụ thân” (Chinh phụ ngâm). Chữ hiếu, chữ tình nàng đã trọn vẹn nhưng lại phải hi sinh chữ “mình” đó là hình tượng người phụ nữ theo kịch nghệ Á Đông. Trong chuyện thật đáng trách vì không thấy dân gian trách chàng Trương vì nông nỗi nóng giận, cạn tào ráo máng mà đẩy vợ mình đến cái chết bi tang.
Nếu như luật lệ cõi trần không thể bênh vực kẻ yếu và công bằng về công tội thì thần linh đã đứng lên mà uy nghiêm xử phạt. Đầu tiên bằng một tấm lòng bồ đề vô lượng nàng đã được tiên thiên đón về thủy cung. Sau đó đã được hiện về trong cõi mộng và nói lời dã biệt với Chàng Trương. Đó là sự trừng phạt cho kẻ ghen tuông mù quáng, sẽ không bao giờ được đoàn tụ khi đã thiếu niềm tin vào điều chân chính. Thần linh đã không thương xót mà cho thêm cơ hội cho kẻ trọng lý hơn tình, mà cái lý ở đây là cái lý của kẻ vị kỉ, hẹp hòi. Điều này nhắc nhở người đời về ý thức nắm giữ và đánh mất hạnh phúc, khi đã đánh mất thì không thể tìm lại được nữa.
Ghen là con quỷ mắt xanh, con quỷ đó sống trên máu và xác chết con người. Vì ghen mà chàng Trương đã để vợ tự tử, vì ghen mà Othelo đã giết người tình tuyệt vời của đời mình. Thông điệp đó Đông- Tây gặp nhau: Sự ghen tuông sẽ thiêu đốt tình yêu, tình đời. Bài học lớn đó vẫn nóng bỏng giá trị thời đại: Hãy yêu trong tỉnh thức. Hãy nghe đối phương tâm tình, biện hộ…
9/1/2024
Quốc Tuấn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...