Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Thế giới thơ của ba mùa

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:
Thế giới thơ của ba mùa

Tự chọn những bài thơ để đưa vào tuyển tập “Thơ Nguyễn Khoa Điềm, tuyển tập 40 năm do tác giả chọn”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2012, trong phần Lời tác giả (trang 5) nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chia sẻ với bạn đọc:
“… Để có tập “Thơ Nguyễn Khoa Điềm” sau bốn mươi năm cầm bút này, tôi đã đề xuất được lựa chọn rất chừng mực, những gì thật cần trình bày với độc giả, những gì mà người yêu thơ từng quen biết có thể đón nhận và chia sẻ trong khung cảnh mới mẻ của đời sống thực tại. Tôi không muốn tuyển thơ là một bảo tàng cũ kỹ của chữ nghĩa” (Trích: Lời tác giả, trang 5).
Đọc lại 90 bài thơ trên 190 trang sách, tôi nghĩ về thế giới nội cảm của nhà thơ trong không gian ba mùa: Mùa kháng chiến, mùa hòa bình, mùa trở lại vườn cũ.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta tại chiến trường miền Nam những năm 1968-1971 có những bước phát triển mới. Đây là thời khắc của những trận chiến đấu ác liệt nằm trong các chiến dịch lớn của quân và dân ta. Khí thế của cả một dân tộc đoàn kết, quyết tâm để giành thắng lợi được thể hiện sinh động qua các loại hình nghệ thuật : âm nhạc, điện ảnh, văn học (truyện, thơ, bút ký, tùy bút….). Nguyễn Khoa Điềm đã sớm tham gia trong phong trào học sinh, sinh viên. Nguyễn Khoa Điềm từng bị kẻ địch giam tại nhà lao Thừa Thiên Huế . Đến chiến dịch Mậu thân năm 1968, Nguyễn Khoa Điềm mới được giải thoát. Nguyễn Khoa Điềm từng tham gia quân đội. Từ thời điểm năm 1971 trở đi, những bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã thực sự có tiếng nói riêng. Tiếng thơ của một con người được trải nghiệm trong khỏi lửa chiến tranh. Thơ Nguyễn Khoa Điềm bắt nhịp nhanh với cuộc sống. Bắt nhịp đời sống bằng góc nhìn đa chiều của tri thức văn hóa, khắc họa đất nước, con người từ sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc. Trung tâm là con người kháng chiến. Hình ảnh con người việt Nam được chọn lựa tinh tế trong cảm nhận của con người đang đứng trong cuộc chiến. Nhận diện ra con người với những khía cạnh trong đời sống tinh thần, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm nên điều kỳ lạ của sức mạnh thi ca như nhà thơ từng nói: Thơ phải góp phần làm đẹp tâm hồn. Đặt đầu tập thơ là bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”. Bài thơ được chọn vào chương trình giảng dạy môn Ngữ văn bậc THCS. Tri thức văn hóa của người viết với chiều sâu hiểu biết về văn hóa của dân tộc Tà Ôi, bài thơ mang đến cho bao thế hệ con người Việt Nam vẻ đẹp tâm hồn, ý chí của người phụ nữ dân tộc Tà Ôi. Đồng bào dân tộc Tà Ôi, tỉnh Thừa Thiên Huế sống chủ yếu ở huyện A Lưới và Phong Điền, Nguyễn Khoa Điềm bắt nhịp cuộc sống lao động, chiến đấu của người dân Tà Ôi, bắt đầu khởi nguồn từ khúc hát ru. Thế giới trẻ thơ sinh ra và lớn lên được tắm mình bằng những khúc hát ru. Lời ru của người Tà Ôi theo từng bước hành trình của con người nơi đây từ lúc còn nằm nôi và đi hết cuộc đời. Đọc những câu thơ trong bài thơ, tôi càng thấm thía tâm sự của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Không có cuộc chiến này chưa chắc tôi làm thơ và trở thành nhà thơ”. Để thấy rằng cuộc sống sinh hoạt, tinh thần của người dân Tà Ôi đã đi sâu vào tâm thức người thanh niên đang nhập vào cuộc chiến. Từng lời thơ, từng lời ru hiện hình gương mặt người phụ nữ vượt qua gian khổ cùng hòa mình vào cuộc chiến đấu. Bước phát triển của bài thơ được hội tụ ở 4 dòng thơ cuối: – Ngủ ngon akay ơi, ngủ ngon akay hỡi,/ Mẹ thương akay, mẹ thương đất nước/ Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ,/ Mai sau con lớn làm người Tự Do….”.
Vì sao hình ảnh Bác Hồ, khát vọng độc lập, tự do lại được nói tới hai dòng thơ cuối. Nếu không có hiểu biết sâu sắc về đời sống tình cảm của Người Tà Ôi thì không thể có những hình ảnh thơ như vậy.Trong mạch nguồn tinh thần của họ, hình ảnh Bác Hồ luôn ở trong trái tim của người dân Tà Ôi. Đồng bào Tà Ôi ở Thừa Thiển Huế hay ở Vĩnh Linh, Quảng Bình đều có chung một tấm lòng hướng về Bác Hồ và khát vọng độc lập, tự do. Một tư liệu quí về người Tà Ôi để hiểu thêm về con người Tà Ôi :
“Tháng 7,1957, khi Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, Người Vân Kiều, Pa Kô ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã cử ông Hồ Ray- lúc đó đang phụ trách công tác dân tộc ở Quảng Trị cùng ông Hồ Khăm, Chủ tịch ủy ban hành chính xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh) đến gặp Bác Hồ để xin cho người Vân Kiều, Pa Koo được mang họ Bác Hồ” (Theo Sắc màu dân tộc Tà Ôi, Báo Dân tộc và phát triển).
Nghệ thuật tài hoa của Nguyễn Khoa Điềm là ở cấu tứ mới lạ, điệp lại lời ru của người mẹ, mỗi lần nhắc lại làm nền cho sự phát triển tứ thơ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm  hướng tới con người kháng chiến với những vẻ đẹp riêng. Nhà thơ tiếp tục khai thác con người Tà Ôi: “ Rồi con cái đi, người già ở lại/ Chông phải vót thêm, lúa phải trỉa ngày/ Quen với lửa bàn tay thành sắt/ Quen nắng mưa bàn chân thành cây (Vỗ Hờn)”.Hướng về kháng chiến, nhà thơ luôn nói về đời sống tinh thần của con người. Đó là tình đồng đội: “Bỗng thấy thương nhau hơn khi vai bạn sát vai mình/ Bẻ củ sắn chia đôi điều giản dị/ Bếp lửa soi một dư vang bền bỉ/ Ôi Trường Sơn đốt lửa mấy năm trời… (Bếp lửa rừng)’’. Năm 1973, Nguyễn Khoa Điềm viết bài thơ “Tình ca”. Tình yêu được nhen nhóm lên trong khói lửa cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do : “Anh muốn nói một lời:Yêu anh luôn em ơi/ Vì không ai có được / Như anh một tấm lòng/ càng đi vào mặt trận/ càng sáng bừng thủy chung/ càng lao lên lửa bỏng/ càng yêu em tận lòng/ Trên ngọn nguồn sông núi/ Biết yêu thành mênh mông…”. Đây không chỉ là nỗi niềm riêng tư mà còn là tiếng nói tình yêu của lớp thanh niên ra trận, đó là bài ca tình yêu đi suốt dọc đường chiến đấu.
Mỗi thế hệ con người Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đang nhập vào cuộc chiến đấu này với tất cả sức mạnh. Ở những khoảng khắc này, dân tộc ta lại có tầm vóc, sức mạnh được dồn nén vào con người bằng nhiều yếu tố. Trong bước hành trình đó, Nguyễn Khoa Điềm viết bài thơ “Đất nước” (trích trường ca Mặt đường khát vọng), góp vào cuộc đấu tranh này thật đầy ý nghĩa. Bài thơ được sáng tác năm 1971, lúc đó Nguyễn Khoa Điềm đang còn trẻ. Đất nước được các nhà thơ thể hiện qua nhiều bài thơ đặc sắc : Việt Nam đất nước ta ơi (Nguyễn Đình Thi), Đất nước (Tạ Hữu Yên),Tổ quốc gọi tên mình (Nguyễn Phan Quế Mai), Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến)… Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm có một vị trí đặc biệt. Một cảm nhận về đất nước: Đất nước của nhân dân ; đất nước được khai thác trên nhiều bình diện. Không gian thơ trong đất nước được mở ra bao điều thú vị về đất nước con người qua những lớp lớp hình ảnh đan cài, giao thoa trong truyền thống văn hóa dân tôc. Sáng tác đất nước trong tư thế của người công dân đang trong cuộc chiến khó khăn, quyết liệt. Tâm thế, trách nhiệm  của người công dân vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong dòng chảy của lịch sử thời kỳ đó, với năng lượng dồi dào của tri thức văn hóa, năng lượng trữ tình đằm thắm của một tâm hồn thơ và vốn sống thực tế phong phú đã hình thành bài thơ “Đất nước”, đi cùng năm tháng cho đến mãi mãi về sau. Đất nước nhân dân được khai thác tổng hòa các nét đẹp văn hóa. Cứ mỗi câu thơ, ý thơ lại mở ra một thế giới riêng của đất nước. Đất nước là mối giao hòa ngược xuôi của các ngả đường lịch sử, văn hóa đất nước: Ngả về quá khứ, ngả đang hiện tại, ngả hướng đến tương lai. Đọc bài thơ Đất nước, hình dung ra một thế giới tâm hồn, một người công dân trong đội quân trùng điệp đã và đang làm nên những thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở thời điểm quyết liệt. Sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc thắm sâu trong tiềm thức con người Việt Nam, vừa là điểm tựa, vừa là động lực góp phần làm nên vẻ đẹp của đất nước nhân dân: Mai này  con ta lớn lên/ Con sẽ mang đất nước đi xa/ Đến những tháng ngày mơ mộng/ Em ơi em, Đất nước là máu xương của mình/ phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất nước muôn đời…”.
Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lắng sâu trong niềm vui vô tận với tình cảm trân quí cuộc sống giành lấy tự do, độc lập: “Đất nước của tôi/ Tôi muốn quì trước chân Người/ Đặt môi mình trên nguồn thẳm/ In trán mình vào các mặt/ Tung tăng hoài mỗi gốc lúa làng quê/ Hát khúc đồng dao về Độc lập, Tự do.” (Ngày vui 1975). Hoài niệm về thời khắc ác liệt của cuộc chiến đã qua, nhà thơ nhớ về cuộc sống chiến đấu của đồng đội bằng những hình ảnh giản dị: “Chúng ta đã trộn mình trong đất/ Đã bơi qua bao dòng sông/ Lội bao con suối mùa mưa/ ăn bao nhiêu rau rừng/ Hút bao nhiêu ngọn lá khô/ Sưởi ấm bằng củi thay chăn/ làm quen với cái đói/ Chống gậy lò dò đi trong cơn sốt...” (Bốn mươi năm gặp lại). Trở lại sông Hương, Nguyễn Khoa Điềm có nỗi niềm về cuộc đời, về dòng sông thân yêu: Anh trôi đi/ Không bắt đầu, không kết thúc, không bờ bến/ Anh mang tự do của nước đến với cuộc đời/ Như sông, từ hữu hạn đến vô hạn/ Để mã mãi có mặt/ Để sống/ Bên người/ Phải chăng, sông Hương?”(Sông Hương).Từ khi nhập vào cuộc chiến đấu của dân tộc thời trai trẻ đến mãi sau này, thế giới thơ Nguyễn Khoa Điềm luôn hướng về người mẹ: “Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/ bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái/ Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?” (Mẹ và quả-1982). Sự khơi thông của liên tưởng, kiến tạo nên cấu tứ độc đáo trong nhiều bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm.  Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm  có thời gian giữ các chức vụ :Thứ trưởng Bộ VHTT rồi Bộ trưởng Bộ văn hóa Thông tin, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban TTVH Trung ương. Nhưng dù ở vị trí nào, Nguyễn Khoa Điềm luôn thường trực lối đi về quen thuộc, bình dị trong thế giới tâm hồn: đó là gia đình, quê hương, bạn bè… Đọc những dòng thơ Nguyễn Khoa Điềm viết về Huế trong nỗi nhớ khi chưa về vườn cũ, tôi hiểu thêm con người Nguyễn Khoa Điềm nặng lòng với đất mẹ Huế thân yêu. Đất mẹ luôn hiện hình về trong những không gian ở nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc hành trình. Đất mẹ Huế đã hình hài nên một tâm hồn thơ giàu có, khiêm nhường. Nét quê hiện về trong tâm thức nhà thơ bằng hình ảnh quen thuộc: “Đã lâu anh chưa về vườn cũ/ Thương cây mai, cây nhãn, khóm hồng/ Bức tường sẫm vệt vội vàng trí nhớ/ Bóng mẹ cha thăm thẳm bên lòng..” (Viết cuối năm).
Có một miền cõi lặng trong thế giới nội cảm của nhà thơ khi bước dần đến không gian trở về vườn cũ. Cõi lặng với bao tâm thức nghĩ suy . Bài thơ có 3 lần lặp lại Cõi lặng. Điệp tâm trạng trong những khoảng khắc yên tĩnh. Cõi lặng mà có dư ba thẳm sâu cho riêng mình. Cõi lặng để lộ ra một nhân cách, một trái tim đầy yêu thương, một nghị lực bản lĩnh để vượt qua thử thách: “Cõi lặng/ Tôi vượt qua ghềnh thác/ Đến những miền trong xanh” (Cõi lặng). Nguyễn Khoa Điềm có giây phút đối diện với cái tôi. Giọng điệu bài thơ đã toát lên trạng thái của bản ngã cá nhân. Bản ngã cá nhân thắng thế chính bản thân bởi bản lĩnh con người giữ trọn được từ khi nhập mình vào cuộc sống, trải nghiệm mình trên nhiều lĩnh vực công tác: “Tôi ạ/ anh không được mệt mỏi bao giờ/ Tôi ạ, anh phải nguyên vẹn một con người/ Trước cánh rừng âm u anh đã rung lên như sấm sét thì bây giờ anh được hái một lời buồn/ Anh phải tái tạo ra mình không vết rạn”(Không có quyền mệt mỏi). Tri thức văn hóa và tri thức cuộc đời quyện hòa vào nhau góp phần làm nên vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp  của bản ngã trong đời sống và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Ông đến với nhân dân không phải là một cách tạo dáng/ Chỉ vì nhân dân cho ông ánh sáng/ Chỉ vì ông không muốn mình một kẻ côi cút già nua/ Ông sống với dòng chảy lớn/ Ở ông, cái chết không phải là sự kết thúc/ Người ghét ông đừng hy vọng điều này/ Ông là một của những gì vô hạn/ Một con người, một đồng lúa, một rừng cây…” (Một con người).
Vậy là, trong tâm thức của nhà thơ khi trở về vườn cũ- khi đã nghỉ hưu, Nguyễn Khoa Điềm luôn hướng về vẻ đẹp con người mà thơ ca phải thực hiện được bổn phận . Luôn có cái nhìn soi chiếu từ nhân dân, đất nước nhân dân. Hành trang thơ Nguyễn Khoa Điềm , từ buổi đầu của cuộc chiến đấu, trải qua ba mùa: Mùa kháng chiến, mùa hòa bình, mùa trở lại vườn cũ - khi đã nghỉ hưu; bao giờ  thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng hướng về những giá trị văn hóa, những tiềm năng vô tận của con người Việt Nam. Có thể nói: “Thơ Nguyễn Khoa Điềm, tuyển tập 40 năm do tác giả chọn” đã  góp phần phù sa giá trị tinh hoa cho nền thơ Việt Nam hiện đại; tiếng thơ Nguyễn Khoa Điềm gửi gắm  những thông điệp có giá trị nhân văn về đất nước, con người Việt Nam từ xưa đến nay. Để kết thúc bài viết này, tôi muốn dẫn lại lời của nhà nghiên cứu A.Chekhov khi bàn về nghệ thuật:
“Ở đâu có nghệ thuật, ở đâu có tài năng, ở đó không có tuổi già, không có cô đơn, không có bệnh tật và cái chết cũng vợi đi một nửa”.
17/1/2024
Nguyễn Văn Ngọc
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...