Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Cảm hứng Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi

Cảm hứng Đất nước
trong thơ Nguyễn Đình Thi

Nguyễn Đình Thi (1924- 2003) là một nghệ sĩ đa tài trên nhiều lĩnh vực: thơ, truyện, lý luận phê bình, nhạc, kịch, khảo cứu triết học nhưng trước hết ông là nhà thơ lớn của nền Văn học Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp, mới 24 tuổi Nguyễn Đình Thi đã viết tiểu luận Nhận đường để xác định sứ mệnh của văn nghệ sĩ đối với kháng chiến và dân tộc. Kể từ đó sự nghiệp văn học của Nguyễn Đình Thi luôn luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng chính vì vậy cảm hứng Đất nước cũng là cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác của ông trong đó nổi bật là lĩnh vực thơ.
Với trên 50 năm cầm bút, Nguyễn Đình Thi đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với cả tiểu thuyết, kịch, thơ, lí luận phê bình… Chỉ tính riêng ở lĩnh vực thơ đã có các tập: Người chiến sĩ (1958), Bài thơ Hắc Hải (1958), Dòng sông trong xanh (1974), Tia nắng (1985), Trong cát bụi (1992), Sóng reo (2001). Thơ Nguyễn Đình Thi rất phong phú, đa dạng về đề tài nhưng nhìn chung đều giản dị, giàu tính triết lí. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chúng tôi chỉ xin đề cập đến một đóng góp quan trọng của nhà thơ đó là cảm hứng về Đất nước qua một số sáng tác tiêu biểu của ông.
Đất nước từ trong đau thương, mất mát
Cảm hứng Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi được thể hiện xuyên suốt trong nhiều bài thơ nhưng chủ đạo nhất vẫn là bài thơ Đất nước. Đây là bài thơ được sáng tác trong thời gian khá dài (1948- 1955), phần đầu bài thơ được hình thành từ hai bài thơ sáng tác trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp là “Sáng mát trong như sáng năm xưa” và “Đêm mít tinh”, phần sau được hoàn thành sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong bài thơ Đất nước nhà thơ đã khái quát về một Đất nước đau thương qua những hình ảnh mang tính khái quát rất cao. Đó là những năm tháng đau thương, tang tóc, nhân dân chịu một cổ hai tròng:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Ðứa đè cổ, đứa lột da…
(Đất nước)
Đó là những đau thương, mất mát, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kì Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh, nếu như Quang Dũng nói đến những người lính Tây Tiến: Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời thì Nguyễn Đình Thi có bài Người tử sĩ cũng ghi lại những mất mát, hy sinh của người lính trên chiến khu qua những chặng đường hành quân gian khổ. Mặc dù nói về cái chết nhưng với một cách nhẹ nhàng, cái chết có đau thương nhưng không làm người còn sống nản lòng, họ tiếc thương chôn cất người đồng đội bên vệ đường cũng không biết có khi nào trở lại rồi tiếp tục cuộc hành quân.
Mũ sắt mờ trong sương phủ
Anh nằm yên như ngủ say
Máu thấm đầy manh áo cũ
Nửa đường anh ngã xuống đây
(Người tử sĩ)
Đất nước đứng lên chiến đấu và chiến thắng
Khi viết về Đất nước, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng khái quát một hình ảnh của một Đất nước với truyền thống  anh dũng, kiên cường, không bao giờ khuất phục trước kẻ thù. Nhà thơ dường như cảm nhận từ trong đất đêm đêm vẫn rì rầm nhắc nhở:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!
(Đất nước)
Từ trong đau thương mất mát Đất nước đứng lên với sức mạnh như vũ bão, đó là Đất nước của những con người áo vải hiền hậu của gốc lúa, bờ tre nhưng trước tội ác dã man của kẻ thù họ đã đứng lên thành những anh hùng:
Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng.
(Đất nước)
Kết thúc bài thơ Đất nước với khổ thơ sáu chữ ngắn gọn, dồn nén cảm xúc với âm hưởng tráng ca để tái hiện hình ảnh Đất nước đứng lên hiên ngang, mạnh mẽ. Đó là những câu thơ được viết sau chiến thắng Điện Biên Phủ:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
(Đất nước)
Thơ Nguyễn Đình Thi không chỉ giàu cảm xúc mà còn mang tính khái quát cao và giàu triết lí, nhất là những vần thơ về một Đất nước nghèo khó nhưng không kém phần anh hùng, bất khuất, kiên cường:
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
(Quê hương Việt Nam)
Đất nước gắn với chiến khu Việt Bắc, Tây Bắc với những ngọn núi, dòng sông, những chiến thắng bước đầu của quân dân ta trong kháng chiến. Những câu thơ của Nguyễn Đình Thi đã khái quát cả một giai đoạn lịch sử với bút pháp anh hùng ca cùng những lời thể quyết tâm chiến thắng:
Lòng ta vẫn ở trên Tây Bắc
Những đêm thao thức tiếng từ quy
Ta khóc hờn căm thề giết giặc
Sông Đà ơi ta sẽ trở về
Còn đây mãi sông Lô sông Chảy
Đại bác gầm lên tiếng tự hào
Lửa Phố Ràng, phố Lu còn cháy
Bến Bình Ca sóng vỗ xôn xao
(Quê hương Việt Bắc)
Cảm hứng Đất nước gắn liền với Hà Nội, mảnh đất thân yêu gắn với bao thăng trầm của lịch sử từ thuở Thăng Long- Đông Đô trong quá khứ đến Hà Nội hiên tại. Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946 của Hồ Chí Minh, người Hà Nội đã bỏ lại những phố phường yêu dấu, những góc phố thân quen để lên chiến khu với quyết tâm sắt đá Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy. Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, người Hà Nội đã trở về tiếp quản thủ đô và xây dựng lại Hà Nội. Trong bài thơ Ngày về, Nguyễn Đình Thi đã ghi nhận không khí đó với niềm tự hào lớn lao:
Em Hà Nội má em ửng đỏ
Áo hoa em cất tự bao giờ
Góc phố bờ tường bao máu đổ
Còn tươi nguyên như những lá cờ
Từ khắp bốn phương trời lửa đạn
Đàn con về sau những năm xa
Cởi súng gạt mồ hôi trên trán
Ta lại xây Hà Nội của ta
(Ngày về)
Một trong những sáng tác gây ấn tượng về cảm hứng Đất nước của Nguyễn Đình Thi là bài thơ Lá đỏ, bài thơ sáng tác trên đường Trường Sơn tháng 12 năm 1974 khi các cánh quân đang rất khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh quyết định. Bài thơ rất ngắn gọn nhưng vừa đậm chất sử thi vừa tràn đầy cảm hứng lãng mạn với hình ảnh người em gái trên cunng đường Trường Sơn giữa mùa lá đỏ cùng vẻ đẹp lạ thường. Giữa Trường Sơn khói lửa hình ảnh người em gái đem lại cảm giác rất thanh bình như quê hương, như những gì bình yên thân thuộc. Bài thơ còn là dự cảm về ngày chiến thắng đang đến gần, lời hẹn gặp giữa Sài Gòn với niềm tin sâu sắc, cái vẫy tay, điệu cười, đôi mắt trong ấy như còn theo mãi người chiến sĩ:
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai ác bạc quàng súng trường.
Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn.
Em vẫy cười đôi mắt trong.
(Lá đỏ)
Đất nước tươi đẹp, trù phú
Khi nói đến cảm hứng Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi người đọc nghĩ ngay đến những vần thơ ăm ắp cảm xúc với những hình ảnh mới lạ cùng chiều sâu triết lí. Cảm hứng chủ đạo trong nhiều bài thơ của ông là hình ảnh của một Đất nước Việt Nam tươi đẹp, trù phú. Đất nước gắn với một Hà Nội lịch lãm, một Việt Bắc hùng tráng, một Trường Sơn ào ào như vũ bão, một miền sông nước Cửu Long mênh mông, bát ngát. Bài thơ Việt Nam quê hương ta (trích trường ca Bài thơ Hắc Hải, 1958) là một thi phẩm tiêu biểu trong số ấy, có thể nói cảm hứng Đất nước trong bài thơ gắn liền với niềm tự hào dân tộc, bài thơ được viết theo thể lục bát rất gần với âm hưởng những câu ca dao, dân ca về quê hương Đất nước nên càng dễ đi vào lòng người:
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
(Việt Nam quê hương ta)
Đất nước, quê hương tươi đẹp như một bức tranh nhưng đẹp hơn tất cả vẫn là con người với tình nghĩa, thủy chung cùng sự tài hoa, khéo léo, cần cù, chăm chỉ. Những con người từ trong gian khổ, đau thương nhưng đã dệt nên những vần thơ Đất nước với những câu thơ giàu sức khái quát:
Việt Nam đất nắng chan hoà
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung
Đất trăm nghề của trăm vùng
Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem
Tay người như có phép tiên
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ
Việt Nam quê hương ta
(Việt Nam quê hương ta)
Mảnh đất Việt Bắc - cái nôi của Cách mạng đã đi vào thơ ca của bao nhà thơ, cũng chung nguồn cảm hứng đó Nguyễn Đình Thi dành cho Việt Bắc những câu thơ ấm áp nghĩa tình. Đó là những kỷ niệm đẹp về tình nghĩa quân dân với những bà mẹ Thái trao gói xôi lúc chia tay, bà mẹ Cao Lan chở che, đùm bọc bộ đội, đó là núi rừng  hùng vĩ mà mỗi tên núi tên sông đều chứa chan kỷ niệm:
Đất nghèo càng chắt chiu yêu quý
Củ mài Yên Bái sắn Tuyên Quang
Gian khổ đã nuôi lòng chiến sĩ
Ta yêu bà mẹ Mán Cao Lan
Ta tới núi xanh và suối bạc
Ngang trời Tam Đảo đứng nghiêng nghiêng
Ôi Cao Vân, Phú Minh, Quảng Nạp
Trái tim ta đập ở Thái Nguyên
Mỗi tảng đá gốc cây bờ cỏ
Như thiêng liêng phơ phất bóng cờ
Ta đã tìm cây đa lịch sử
Hòn đất chôn rau nước Cộng hòa
(Quê hương Việt Bắc)
Cảm hứng Đất nước gắn liền với niềm tự hào làm chủ của người dân một nước độc lập, tự do. Từ hoài niệm về mùa thu Hà Nội dẫn tới cảm xúc mùa thu hiện tại, mùa thu Cách mạng, mùa thu Việt Bắc với tâm trạng hân hoan, vui vẻ, đầy lạc quan tin tưởng:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
(Đất nước)
Phát huy tác dụng của phép điệp (điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc) cùng biện pháp liệt kê với từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi nhà thơ đã phác họa bức tranh Đất nước với gam màu tươi tắn, những nét vẽ khoáng đạt. Đó là những hình ảnh về một Đất nước tươi đẹp, trù phú cùng niềm kiêu hãnh về quyền làm chủ Đất nước:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
(Đất nước)
Có thể nói cảm hứng Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi nói riêng và nền văn học cách mạng nói chung có một vị trí xứng đáng cần được tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu. Trong tiểu luận về thơ của mình, chính Nguyễn Đình Thi từng cho rằng: “không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không có vần mà chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ. Điều quan trọng là thơ phải nói lên được những tình cảm, tư tưởng mới của thời đại, diễn tả được đúng tâm hồn con người mới ngày nay”. Để khép lại bài viết nhỏ này, chúng tôi xin mượn lời nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học: “Nguyễn Đình Thi – một nghệ sĩ đa tài và có sức sáng tạo vô cùng lớn. Một người đã tạo được sự đồng hành giữa lý thuyết và thực tiễn. Một nghệ sĩ nhận thức được sâu sắc bản chất và những biểu hiện phong phú của cuộc đời mới và văn học phải có sứ mệnh thể hiện”.
22/2/2024
Nguyễn Quỳnh Anh 
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...