Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Chợ trời

Chợ trời

Đó là cái chợ đầu đội trời chân đạp đất? Chắc có lẻ đúng như vậy, vì mọi người trong chợ đều ngồi giang đầu ra nắng, ngồi bẹp dưới lòng, lề đường. Cái danh từ chợ trời này xuất phát ở Việt Nam từ sau 1975.
Chính quyền cũ ra đi, chính quyền mới đến. Mọi việc như xáo trộn. Một số cơ quan nhà nước thì vẫn duy trì họat động, nhưng một số công thương nghiệp tư nhân thì hình như chẳng còn ai? Và bao nhiêu con người không còn biết phải làm gì đã phải ra đứng ở chợ trời để kiếm sống. Họ trải một tấm nilon nhỏ khỏang 1mét vuông. Ban đầu là lụm đồ nhà ra bán, cái gì thấy bán được là cứ bày ra: một cái muổng inox, một cái mâm, mấy con ốc vít, một đọan dây xích, mấy cái bạc đạn cũ đã dùng qua, thậm chí cái bugi cũ cũng được đem bán. Ai cần đến mua thì tùy theo lúc đó cần tiền như thế nào mà bán...Nếu đã có tiền đi chợ rồi thì bán cao giá một chút, nếu từ sáng đến trưa mà chưa có bán thì giá nào cũng bán để có tiền đong gạo vì giá cả hàng hóa lúc đó không tính theo giá trị thành phẩm. Người nào mặt hơi lì một chút thì ra ngồi đó, người nào không được lì thì đem ra bán rẻ cho người lì. Nói chung là tương trợ lẫn nhau... để ai cũng có cái sống qua ngày. Đấy là buổi sơ khai của chợ trời...
Khi đã đối mặt với nhu cầu của khách, họ bắt đầu đi săn tìm những gì mà mọi người thiếu và thị trường bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Cơ sở tiểu thủ công bắt đầu sống lại, họ đi tìm mua những moteur, cánh quạt, những bánh răng, những phôi sắt cũ để về chế biến. Và thế là một số công nhân len lõi vào những kho phế liệu tháo từng bù lon, con tán, từng sợi dây curoix, và những bãi xe phế thải khổng lồ được tháo gở, xắp xếp phân lọai từng món nhỏ một cách từ từ cho đến khi chấm hết.
Có một lần đi ngang An Phú, thuộc tỉnh Bình Dương, tôi thấy giữa nơi đồng không mông quạnh, lại có một đám đông người ở đó, đi vào mới biết trong bãi đất trống mênh mông đó họ đang tụ tập đào một cái hố rất to, trên hố là những kẻ thâu hàng, dưới hố là hàng trăm người tìm hàng. Hố sâu chắc cũng phải 3m và rộng hàng 50 – 70 mét. Họ làm gì ở đó? Đến gần mới thấy; họ gồm những người dân quanh vùng đến đó, ai cũng có trên tay cuốc xẻng và một cái bao. Họ cứ đào bới, cái gì coi được thì bỏ vào bao. Hỏi ra tôi mới bíết nơi đây chôn một số quân dụng của lính Mỹ. Họ lấy gì trong đống mục nát đó? Những người hiểu biết về máy móc, thì luợm những vật máy móc, những người hiểu biết về vàng bạc thì tìm kiếm những thứ liên quan đến vàng bạc. Và những người không hiểu biết gì thì lượm bao nilon. Tất cả rồi cũng được đem về vựa ve chai, nơi có đủ mối lái đến thâu. Ban đầu họ đi đào bới vì sự tình cờ, nhưng đến khi quen thì họ lại tìm kiếm coi như là sự sống. Đứng nhìn họ đào bới và lượm lặt mà tôi hồ như bãi đất đó sẽ trở thành một mãnh đất vô cùng sạch sẽ với tay người là những lưỡi cày, một lưỡi cày rất sâu. Hồi ấy cái gì cũng quí, cái gì cũng cần vì không có sản xuất, cũng chẳng có nhập. Nhưng chính những lưỡi cày sâu này đã góp phần làm nhịp sống không dừng lại. Máy móc vẫn có thể chạy, xe cộ vẫn lưu thông, con người vẫn có cái sống qua ngày.
Ngoài những người dùng sức người để bới tìm sự sống, cũng có người đi trộm cắp của người khác rồi đem ra chợ bán. Và nhà nước phải ra tay. Thế là có chiến dịch gom những thanh niên vô công rỗi nghề đi lao động, Và người bán chợ trời bớt người trẻ, chỉ còn những người già, người trung niên.
Năm tháng trôi qua, đâu rồi cũng vào đó, chợ trời rồi cũng phải có nóc. Con người rồi cũng có cuộc sống ổn định...
Huyền Băng
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một ngày đi hôi gạo

Một ngày đi hôi gạo Đó là những ngày đầu tháng năm năm 1975. Tôi rảnh rổi không có việc gì làm, đạp xe qua nhà cậu tôi ở Cầu Kinh, một khu...