Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Đọc lại "Hài mặt quỷ" của Hồ Loan

Đọc lại "Hài mặt quỷ"
của Hồ Loan

Khi giới thiệu về tập truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” Thạch Lam viết rằng: Đối với văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là thứ thế giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.
Sáng tác của nhà văn Thạch Lam thường hướng vào cuộc sống cơ cực của những người dân thành phố nghèo và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống thường ngày, ông đã hướng ngòi bút về phía lớp người lao động bần cùng trong xã hội.
Từ đó cho đến khi trưởng thành ra đời, tôi tìm đọc Thạch Lam và không bao giờ thất vọng. Đối với tôi từng truyện ngắn lãng mạn của Thạch Lam là từng bài thơ xuôi rộng lớn về cuộc đời và tâm hồn của con người.
Tuy nhiên, mãi cho đến tận bây giờ, tôi cũng không hiểu tại sao mình thích văn của Thạch Lam. Đọc văn ông tôi rung động như đọc “Hài mặt quỷ” của Hồ Loan.
Vậy mà sự rung động trong tôi giống hệt nhau sự rung động đó đến từ đâu? Tôi tự hỏi.
1. Ngày hôm nay, nhà văn nữ Hồ Loan gởi tặng tôi tập truyện ngắn “Hài mặt quỷ” của cô. Tự nhiên tôi nhớ lại câu hỏi mà tôi đã tự hỏi chính mình từ bao nhiêu năm nay. Sự rung cảm văn chương trong lòng độc giả đến từ đâu?
Bài viết này tôi trả lời cho câu hỏi ấy, qua việc đọc lại tập truyện ngắn “Hài mặt quỷ” của Hồ Loan. Việc đọc truyện của một tác giả nào đó là một vấn đề hình thức để đi đến cái nhìn bao quát hơn về chỗ đứng của truyện ngắn trong lòng độc giả.
Đi từ truyện ngắn của Thạch Lam tới tập truyện “Hài mặt quỷ” sẽ có nhiều người ngỡ ngàng, và cho tôi đưa ra vấn đề này lạc đề rồi về một tác giả nổi tiếng sống ở một thế kỷ trước, văn chương của ông mà đem ra so sánh với tập truyện “Hài mặt quỷ” một sự khác biệt quá lớn. Biết đâu cũng có người cho rằng vì đồng nghiệp viết văn với nhau, nên “Mèo khen mèo dài đuôi”, Tôi tự hại mình và có thể hại luôn Hồ Loan.
Hồ Loan là một cái tên có tính chất riêng biệt làm cho khác với những người viết văn Quảng Nam. Nói cho đúng hơn là Hồ Loan chưa có một chỗ đứng về văn chương.
Thế nhưng, con đường của một độc giả như tôi có cần thiết là con đường của một nhà phê bình văn học không? Hay chỉ là sự lựa chọn cá nhân? Lựa chọn để nói lên cái mình nghĩ. Ở đây tôi xin khẳng định là tôi làm một sự lựa chọn. Nhưng là một sự lựa chọn có lớp lang.
Tại sao nói “Hài mặt quỷ” là một câu chuyện buồn. Không buồn sao được khi giữa ban ngày ban mặt, khi giữa lòng xã hội Việt Nam thời bình mà một cô Hài lại chịu cảnh sống dở chết dở bởi thái độ ghét bỏ của người cha với vẻ mặt lạnh lùng và dứt khoát đã gói Hài trong một mớ vải cũ rồi đem vứt bỏ ngoài rừng. Hài co ro tím tái, bụng cồn cào đói rét. Em nhớ hơi ấm của mẹ, em thèm dòng nước đục ngọt mgào.
Đáng lẽ ra mọi người phải can thiệp giải cứu Hài. Nhưng tất cả như rơi vào thinh không. Không có ai đứng ra cưu mang ngoại trừ một người cậu bị mất một chân trong vụ nổ mìn phá núi, cậu phải mang nạng khập khiểng lao ra con đường nhỏ dẫn vào rừng thẳm để cứu Hài. Đến bây giờ người cậu đó vẫn không tin mình đã nhặt được Hài nơi gốc cây, đem về sống nương tựa với nhau. Hai cậu cháu vá víu nhau nương tựa, cố vượt qua những rào cản để sống. Mặc dù thiếu vắng tình thương và đói khổ.
Hài khuôn mặt xấu xí bởi khối u máu, nhưng với khát vọng sống âm ỉ cháy trong lòng. Khát vọng ấy em đã thừa hưởng từ người cậu tật nguyền, người thân duy nhất của Hài từ ngày bị cha vứt bỏ.
Nhưng hình như cái bản năng và sự nhẩn nhịn chịu đựng tuyệt vời đã giúp Hài vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời cùng với người cậu. Hài có một triết lý giàn dị, hình như nhờ đó mà đứng vững an nhiên tự tại.
Mối quan hệ giữa tác phẩm nghệ thuật và hiện thực đời sống, mâu thuẩn giữa cái đẹp ở bên ngoài với sự thật phủ phàng ở bên trong, thực ra không phải đến “Hài mặt quỷ” mới được nói đến.
Thế nhưng trong câu chuyện “Hài mặt quỷ” chúng ta vẫn đôi lúc thấy một đốm sáng loé lên mơ hồ nào đó trên nét mặt của người cậu tật nguyền hay “Hài mặt quỷ” mà chúng ta cho là bất hạnh. Hồ Loan qủa là một nhà văn có cái nhìn xuyên suốt khi gợi tả những tình huống tâm lý nhân vật rối rắm như vậy. Cái riêng, cái độc đáo, cái mạnh của hồ Loan, chính là ở lòng nhân ái, và vẻ đẹp tâm hồn quán xuyến trong mười sáu truyện ngắn của tác giả. Có lẽ cái hấp dẫn của truyện này là một câu chuyện có thật được tác giả hư cấu qua cách diễn đạt và quan sát rất tinh tế. Có thể nói là rất đời. Thật là một sự liên tưởng tài tình, và hình như bằng cách đó, tác giả muốn an ủi tất cả các nhân vật trong mười sáu truyện ngắn trong tập truyện “Hài mặt quỷ” đa phần được tác giả xây dựng trên tinh thần  hướng con người đến với sự trung thực, giàu lòng vị tha, nhân văn, tốt đẹp. Một tấm lòng bao dung là người cậu tật nguyền và vi bác sĩ đã tái tạo  lại gương mặt Hài miễn phí. Một vị bác sĩ có tâm và có tầm với tấm lòng bao dung, nhân hậu.
Trong tập truyện ngắn của Hồ Loan hầu hết các nhân vật đều có những số phận khác nhau, cái hẩm hiu, cái nghịch cảnh, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa cái đẹp và cái xấu xa, nhưng đều tìm được những ý nghĩa trong cuộc đời qua sự sàng lọc của thời gian trong tình con người phải kể như truyện: Di bản, Hương say, Nhà tôi bên kia sông, Đi qua ngày gió lặng, Những người đàn bà trước biển.
Những nhân vật của Hồ Loan bất luận ở hoàn cảnh nào, vẫn ánh lên trong tâm hồn cái chất nhân ái Việt Nam. Từ đó ta thương cảm nâng niu, chắc lọc từng chút tốt đẹp trong mỗi một con người.
Để minh chứng cho sự lựa chọn riêng tư nhưng có lớp lang của mình, trước hết tôi xin nói lên cái mình biết về Hồ Loan là một người phụ nữ ở Quảng Nam.
Tôi biết Hồ Loan, và nhìn thấy tính nghệ sĩ trong con người của cô ngay từ ngày tôi đọc tập truyện “Như giọt chuông ngân” và hôm nay là tập truyện “Hài mặt quỷ” cái nhìn của tôi thành thật và vô tư. Vì thế tôi dám ngang nhiên nhắc đến Hồ Loan trong bài viết này mà không sợ hãi và tự ti mặc cảm, cái gạch nối nhỏ nhoi giữa Thạch Lam một nhà văn lớn với Hồ Loan một người phụ nữ viết văn đem trao gởi tiếng lòng mình cho độc giả là ở cá tính của người nghệ sĩ cùng có chung một mối cảm xúc, cảm nghĩ, có tính tình hòa hợp nhau rất đồng điệu.
2. Tôi cho rằng, đến thời điểm này “Hài mặt quỷ” đã đến với tất cả bạn đọc khắp mọi nơi rồi, về cơ bản đã đạt được một số ý nghĩ đọng lại khi đọc tập truyện ngắn “Hài mặt quỷ” của Hồ Loan.
Điểm một: Hồ Loan đã ghi lại những cảnh ngộ, tâm trạng và tính cách
điển hình của những nhân vật trong mười sáu truyện ngắn, đã thể hiện mối tương quan về thân phận con người, và giúp họ vượt qua những cảnh ngộ éo le, giúp họ chữa lành những vết thương lòng qua những trang viết đầy ngẫu hứng và tinh tế.
Điểm hai: Trong mười sáu truyện ngắn của Hồ Loan, người đọc không
chỉ được chứng kiến những mảnh đời khốn khổ của phụ nữ và trẻ em nghèo, mà còn tiếp cận cuộc sống với bức tranh tối sáng trong xã hội có thương yêu, ganh ghét, đố kỵ. Sau đó là tấm lòng bao dung như người cậu tật nguyền và vị bác sĩ với nhiều hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa.
Điểm ba: Nhà văn biểu đạt lòng thương đến tất cả những con người
tận cùng khốn khổ biết nương tựa nhau mà sống. Nhà văn đã đặt niềm tin vào các nhân vật, trao cho nhân vật ấy tấm lòng bao dung và nổi cảm thông sâu sắc của nhân văn đối với từng thân phận con người.
Nhưng dù thế nào đi nữa, khi đọc xong tập truyện “Hài mặt quỷ” một lần nữa, tôi vẫn thầm cảm ơn nhà văn Hồ Loan đã cho tôi đầy những dạt dào cảm xúc. Như một thông điệp phải sống, cố vươn lên nương tựa nhau để sống, phải sống là một bản lĩnh. Phải sống là một kiên định nhân bản và đau đớn trong cuộc sống làm người.
3/2/2024
Vũ Khắc Tĩnh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...